Liền mấy ngày mệt nhọc, đêm đó Tây Môn Khánh ngủ rất say, hôm sau mặt trời mọc cao vẫn chưa dậy. Lai Hưng vào thưa:
Thợ tới rồi, đang đứng ở ngoài để xin dỡ rạp. Tây Môn Khánh càu nhàu:
Thợ đến thì cho dỡ đi, việc gì phải vào thưa với hỏi lôi thôi. Lai Hưng vội lui ra, bảo đám thợ làm việc.
Lát sau thấy Ngọc Tiêu vào phòng, Tây Môn Khánh sai lấy quần áo rồi định trở dậy, nhưng Nguyệt nương bảo:
Hôm qua chàng mệt nhọc cả ngày, sao không ngủ thêm một lúc nữa cho khỏe. Trời hãy còn sớm dậy làm gì, hôm nay đừng ra nha môn làm việc nữa, ở nhà nghỉ ngơi một hôm đi.
Tây Môn Khánh đáp:
Tôi không ra nha môn đâu, nhưng sợ là người của Địch gia tới lấy thư phúc đáp. Nguyệt nương bảo:
Nếu vậy thì chàng dậy đi, để tôi bảo chúng nó đem cháo lên ăn.
Tây Môn Khánh ngồi dậy, choàng vội chiếc áo lạnh rồi không chải đầu rửa mặt, đã vào ngay thư phòng trong hoa viên.
Từ hôm Thư Đồng trốn đi thì Tây Môn Khánh sai Vương Kinh coi sóc thư phòng trong hoa viên, còn Xuân Hồng coi sóc thư phòng cạnh đại sảnh. Về những tháng mùa đông thì Tây Môn Khánh chỉ hay tới thư phòng trong hoa viên.
Nơi đây, ở phòng trong có lò sưởi và giường nằm, phòng ngoài có án thư, tủ sách bày đủ văn phòng tứ bảo và các sách vở giấy tờ, lại trưng mấy cành đào và các loại cúc danh tiếng. Ngoài hiên là những bụi trúc xanh và mấy khóm lan thắm.
Tây Môn Khánh bước vào thư phòng, Vương Kinh vội đốt lò sưởi Tây Môn Khánh ngồi xuống bảo:
Người ra bảo Lai An đi mời Ứng nhị gia tới đây. Vương Kinh bước ra thì thấy Bình An vào bảo:
Có Tiểu Chu Nhi đợi ở ngoài.
Vương Kinh quay vào thưa với chủ. Tây Môn Khánh cho gọi vào. Tiểu Chu Nhi bước vào lạy chào.Tây Môn Khánh bảo:
Ngươi tới thật đúng lúc, sao hồi này không thấy lại? Đầu tóc ta cũng cần sửa sang mà cứ đợi ngươi mãi.
Tiểu Chu Nhi đáp:
Vì thấy Lục nương quy tiên, biết trong phủ đây bận rộn nên không dám tới.
Tây Môn Khánh bước tới, ngồi trên cái cẩm đôn, xõa tóc ra.
Tiểu Chu Nhi mở túi đồ nghề sắp sửa bắt đầu cắt chải thì Bá Tước vén mành bước vào vái chào, Tây Môn Khánh bảo:
– Tôi đang định sửa sang đầu tóc, mời nhị ca ngồi.
Bá Tước kéo một cái cẩm đôn mà ngồi, hơ tay trên lò sưởi. Tây Môn Khánh thấy vậy hỏi:
Lạnh lắm hay sao? Bá Tước đáp:
Đại ca không biết, bên ngoài hoa tuyết bay rợp trời, không lạnh sao được. Hôm qua về tới nhà thì gà đã bắt đầu gáy, sáng nay định dậy trễ nhưng gia nhân đã tới gọi. Lúc đó tôi còn ngủ nhưng cũng vội tới ngay. Đại ca sao thức sớm quá vậy, cho gọi tôi có chuyện gì không?
Tây Môn Khánh bảo:
Tôi thì có lúc nào rảnh rang đâu mà ngủ sớm dậy muộn được Từ hôm Lục nương tôi mất đi tới nay, không ngày nào là không bù đầu tối mắt, rồi lại tới vụ tiếp đón Hoàng
Thái úy, hôm qua thì lại lễ tụng kinh, hôm nay mới tương đối hơi nhàn. Tiện nội có bảo là lâu nay mệt nhọc, thì cứ ngủ thêm cho khỏe. Nhưng tôi vẫn phải dậy sớm, vì sợ rằng gia nhân của Địch gia tới lấy thư phúc đáp, lại lo trông coi đám thợ và gia nhân dọn dẹp. Ngày hai mươi bốn này lại phải cho đám Hàn quản lý lên đường cất hàng. Rồi lại còn phải tới tạ lễ mọi người về đám tang vừa rồi nữa chứ.Thân bằng quyến thuộc thì có thể qua loa nhưng các sĩ phu quan chức thì không đi không được. Bá Tước nói:
Thế thì bận rộn mệt nhọc thật, nhưng đại ca có đi tạ lễ thì nên đi một số người nào thật cần thiết thôi, còn những người khác thì để sau này gặp mặt cám ơn cũng được. Ai chẳng biết là đại ca lâu nay bận việc dồn dập, chắc người ta sẽ hiểu cho.
Đang nói chuyện thì Họa Đồng bưng hai ly sữa nóng tới. Tây Môn Khánh mời Bá Tước uống sữa, Bá Tước cầm ly sữa lên, nhìn vào màu mỡ béo bổ, hương thơm bốc lên ngào ngạt, bèn nói:
Trời lạnh này mà được sữa nóng thì tuyệt, thơm ngon quá thể, sữa này uống vào thì bao nhiêu mệt mỏi tiêu tan hết.
Nói xong đưa lên miệng, uống từng ngụm nhỏ. Tây Môn Khánh đã sửa tóc chải đầu xong, liền bảo Tiểu Chu Nhi ngoáy tai. Ly sữa vẫn để trên bàn không uống. Bá Tước bảo:
Đại ca không uống sữa đi, để mãi nguội mất, sáng ra đại ca nên dùng một ly này cho bổ.
Tây Môn Khánh đáp:
Tôi không uống sữa đâu, nhị ca uống giùm tôi đi, lát nữa tôi ăn cháo.
Bá Tước được lời như cởi tấm lòng, cầm ngay lấy ly sữa của Tây Môn Khánh mà uống cạn. Ngoáy tai xong, Tây Môn Khánh nằm sấp xuống trường kỷ, bảo Tiểu Chu Nhi tẩm quất. Bá Tước thấy vậy hỏi:
– Đại ca thấy trong người thế nào mà phải tẩm quất?
Tây Môn Khánh đáp:
Không giấu giếm gì nhị ca, lúc này không hiểu có phải tại mệt nhọc quá hay không mà mình mẩy tôi mỏi nhừ, lưng thì đau không chịu được, người lúc nào cũng bần thần rã rượi.
Bá Tước bảo:
Có lẽ đại ca ăn uống nhiều thứ nóng quá.
Nhiệm y quan bảo là tôi tuy thân thể khôi vỹ nhưng khí lực thì suy sụp hư hao rồi, do đó có cho tôi ít thuốc bổ tên Bách hổ diên linh đan, bảo đó là phương thuốc của Lâm Chân nhân dâng cho thánh thượng, bảo tôi sáng sớm phải uống thuốc đó với sửa người. Nhưng mấy hôm nay bận rộn rồi quên khuấy đi chưa kịp uống. Chắc nhị ca cũng nghĩ rằng tôi thê thiếp đầy nhà, tránh sao khỏi thận suy lực kiệt rồi sinh ra mệt mỏi đau lưng, nhưng ai biết được là từ khi Lục nương tôi nằm bệnh đến nay, tôi còn lòng dạ đâu mà nghĩ đến chuyện đó.
Đang nói chuyện thì thấy Hàn Đạo Quốc bước vào vái chào rồi nói:
Hồi nãy chúng tôi đã hội họp bàn tính rồi, thuyền cũng chuẩn bị sẵn sàng, chúng tôi thưa lại với gia gia là đúng ngày hai mươi bốn này là chúng tôi lên đường.
Tây Môn Khánh quay lại sai gia nhân vào bảo Nguyệt nương chuẩn bị lấy bạc để cho vào bao, đoạn hỏi:
Hai cửa tiệm mấy hôm nay thâu được bao nhiêu?
Được khoảng hơn sáu ngàn lạng. Tây Môn Khánh bảo:
Nếu vậy thì lấy hai ngàn lạng cho vào bao, giao cho Thôi Bản đi Hồ Châu cất hàng, còn bốn ngàn lạng thì để ngươi và Lai Bảo đi Tùng Giang mua vải. Bây giờ mỗi người lấy năm lạng bạc, về nhà sửa soạn hành lý là vừa.
Hàn quản lý hỏi:
Nhưng còn chuyện nạp tiền cho phủ Vân Vương thì sao? Tây Môn Khánh bảo:
Thì nạp chứ sao, nhưng có bao nhiêu, ngươi không thấy Lai Bảo mỗi tháng chỉ nạp cho Vân Vương có ba tiền hay sao?
Hàn quản lý nói:
Nhưng Lai Bảo thì dù sao cũng được coi là người của Thái sư, trên giấy tờ cũng có ghi chú như thế, còn tôi thì so với Lai Bảo sao được.
Tây Môn Khánh bảo:
Nếu vậy thì để ta viết thiếp rồi sai người đến nói với Vương phủ cho ngươi, ghi tên ngươi trong vụ nạp tiền.
Hàn quản lý vái tạ. Bá Tước bảo:
Thôi thế là yên tâm rồi nhé.
Tây Môn Khánh tẩm quất xong, bảo gia nhân dọn điểm tâm cho Tiểu Chu Nhi, ăn rồi vào trong rửa mặt. Lát sau bước ra mũ áo chỉnh tề, thưởng cho Tiểu Chu Nhi ba tiền, đoạn bảo Vương Kính:
– Mời Ôn tiên sinh tới đây cho ta.
Lát sau Ôn tú tài tới vái chào. Tây Môn Khánh mời ngồi.Gia nhân bưng cháo thịt ra.
Tây Môn Khánh mời ôn tú tài, Bá Tước và Đạo Quốc cùng ăn, lại bảo:
– Đem thêm bát đũa, rồi mời cậu Kính Tế tới đây.
Lát sau Kính Tế mặc tang phục đến, vái chào mọi người rồi ngồi xuống cùng ăn cháo. Ăn xong, gia nhân dọn dẹp bát đũa rồi đem trà ra. Hàn Đào Quốc uống trà rồi đứng dậy cáo từ. Tây Môn Khánh hỏi Ôn tú tài:
Thư phúc đáp, tiên sinh viết xong chưa ? Ôn tú tài đáp:
Tôi mới chỉ viết bản thảo, có đem theo đây để gia gia coi qua, nếu được thì mới viết vào giấy.
Nói xong lấy trong tay áo ra bản thảo lá thư. Tây Môn Khánh cầm xem, thấy viết rằng:
Kính gửi Đức trụ quốc Địch Vân Phong lão thân gia đại nhân, từ lúc chia tay tại kinh đô, tới nay thấm thoắt đã nửa năm rồi. Vãn sinh bất hạnh nên người trong khuê môn thất lộc, được lão thân gia hạ cố hỏi han tới, vãn linh cảm tạ muôn phần, thế mới biết tình của lão thân gia đối với vãn sinh thật là thân thiết, vãn sinh suốt đời chẳng dám quên. Có điều, trong thời gian qua, việc quan bề bộn, khó lòng tránh khỏi sơ thất lỗi lầm, chỉ sợ phụ cả sự tiến bạt của lão thân gia. Nay được biết lão thân gia yêu mến mà thưa với Thái sư đề nghị cất nhắc ,thật ơn lão thân gia như trời như biển, vãn sinh được như thế này cũng hoàn toàn nhờ ở lão thân gia. Nay có bức thư gửi cánh chim hồng, kính hầu thăm sức khỏe lão thân gia, nguyện mong lão thân gia phúc lộc dồi dào. Tiện đây cũng xin trình lên lão thân gia mười vuông khăn Dương Châu, mười vuông khăn bằng đoạn màu, mười chung rượu Ô kim, xin lão thân gia dù có chê cười cũng nhận cho gọi là lễ mọn phúc đáp. Ngu sinh là Tây Môn Khánh ở Thanh Hà cúi lạy.
Tây Môn Khánh coi xong hài lòng lắm, sai Kính Tế lấy giấy hoa tiên ra cho Ôn tú tài viết thư ngay tại chỗ, lại sai gói lễ vật cẩn thận, cũng không quên gói năm lạng bạc để thưởng cho người đem thư.
Lát sau thấy tuyết rơi nhiều,Tây Môn Khánh sai dọn bàn bày tiệc để uống rượu thưởng tuyết. Bỗng thấy có người thập thò ngoài mành, Tây Môn Khánh hỏi:
Ai đó?
Vương Kinh đứng bên thưa:
– Đó là Trịnh Xuân.
Tây Môn Khánh cho vào. Trịnh Xuân bước vào, hai tay bưng một cái quả lớn, quỳ xuống nâng cái quả lên cao, Tây Môn Khánh hỏi: – Cái gì vậy ?
Trịnh Xuân đáp:
Thư thư tôi là Ái Nguyệt biết hôm qua gia gia và Đại nương mệt nhọc vì lễ tụng kinh, chẳng có cái gì, chỉ có ít trà và đồ ăn đem tới để gia gia thưởng cho người dưới. Trịnh Xuân mở nắp quả ra, bên trong là rượu thịt, trà và ốc, đoạn nói:
Tất cả những thứ này đều do chính tay thư thư tôi lựa, biết là gia gia thích những món lạ nên cố công tìm mua tới hiếu kính gia gia.
Tây Môn Khánh bảo:
Hôm qua bên đó đã cho đem lễ vật lại, hôm nay thư thư ngươi lại biếu những thứ này, thật làm phiền thư thư ngươi quá .Thôi thì ta cũng đa tạ.
Nói xong sai Vương Kính thâu nhận, để lên bàn. Bá Tước bô bô:
Tốt lắm, tốt lắm, để đó cho ta coi một chút, á à. Con nhỏ này khéo lựa thứ ốc ngon thật, ta đang thèm ốc, để ta thử thưởng thức một tí mới được.
Nói xong nhóm tay cầm một con ốc bỏ ngay vào miệng, vừa nhai nhồm nhoàm, vừa thò tay nhón thêm một con nữa, đưa cho Ôn tú tài mà bảo:
Tiên sinh thưởng thức thử đi, ngon tuyệt, thứ đồ ăn hiếm có này, ăn vào cứ gọi là một miếng cũng thọ thêm được mười năm.
Ôn tú tài nhận con ốc, bỏ vào miệng mà nhai, quả thấy hương vị thơm ngon lạ lùng, đoạn nói:
Ốc này sản xuất ở Tây Vực, người thường làm sao mà có, quả là thứ đồ ăn ngon lạ ngon lùng.
Tây Môn Khánh thấy Trịnh Xuân vẫn quỳ, bên cạnh lại có cái hộp lớn, bèn hỏi:
Còn cái gì nữa kia?
Trịnh Xuân đáp:
– Đây là vật riêng thư thư tôi kính tặng gia gia.
Nói xong hai tay nâng cái hộp lên, Tây Môn Khánh cầm lấy,định mở ra coi thì Bá Tước đã giật lấy mở ra coi, thấy có một cái khăn tay màu hồng dào bằng gấm hồi văn,
thêu thùa rất tinh xảo, và một gói hạnh nhân. Bá Tước đưa tấm khăn cho Tây Môn Khánh, còn gói hạnh nhân thì cầm dốc vào mồm ăn hết.
Tây Môn Khánh vội giật lại, nhưng chỉ còn sót vài hạt, bèn mắng:
Thật là đồ chó chết tham ăn, muốn ăn thì cũng phải để tôi nhìn qua một chút chứ, chẳng gì cũng là tấm lòng của người ta.
Bá Tước nhăn nhở:
Đây là của con gái tôi đem lại, không hiếu kính cho tôi thì hiếu kính cho ai?
Có Ôn tiên sinh ở đây, tôi không tiện mắng cho nhị ca một trận, thật là đồ chó tham ăn, chẳng còn ra cái thể diện gì cả.
Nói xong cho cái khăn vào tay áo, rồi sai Vương Kinh đem quà, đồ ăn vào trong. Lát sau, tiệc rượu dọn xong, mọi người vui vẻ ăn uống.
Bỗng Đại An vào thưa:
Lý Tam và Hoàng Tứ đem bạc đến xin trả.
Bao nhiêu? Đại An đáp:
Nghe nói là chỉ có một ngàn lạng, còn bao nhiêu thì xin một hạn nữa. Bá Tước bảo:
Đại ca thấy không? Hai thằng trời đánh đó dám giấu cả tôi không thèm nói cho tôi biết. Hai đứa này cứ nhùng nhằng, trả thì ít mượn thì nhiều, sợ rằng chúng nó giở thói côn đồ, ăn không ăn hỏng của đại ca mà thôi.
Tây Môn Khánh thủng thỉnh đáp:
Tôi chẳng sợ gì cả, chẳng sợ chúng nó ăn quịt hay là giở thói côn đồ, lôi thôi thì tôi cho vào ngục ngồi chơi, việc gì phải thắc mắc.
Đoạn cho gọi Kính Tế ra bảo:
Ngươi đem sổ sách ra nhận tiền, ta khỏi phải ra làm gì. Lát sau Kính Tế trở vào thưa:
Bạc đã kiểm xong, đúng một ngàn lạng, con đã giao cho Đại nương cất giữ rồi, nhưng Hoàng Tứ nói là thỉnh gia gia ra ngoài có chuyện cần thưa.
Tây Môn Khánh cau mày:
Thì ngươi cứ nói là ta đang thù tiếp khách khứa dùng tiệc, hắn cần gì thì sau ngày hai mươi bốn trở lại đây.
Kính Tế nói:
Hắn khẩn khoản nói là có chuyện cần, muốn phiền gia gia.
Tây Môn Khánh xô ghế đứng dậy bảo:
– Không chuyện tiền bạc thì còn chuyện gì, thật phiền quá.
Nói xong bước ra đại sảnh. Hoàng Tứ thấy Tây Môn Khánh ra thì lạy chào rồi nói ngay:
Một ngàn lạng, cậu đây đã thâu rồi, còn bao nhiêu xin gia gia cho lần sau. Hôm nay tôi có một chuyện muốn làm phiền gia gia.
Nói tới đó thì lại sụp lạy rồi khóc lớn lên.Tây Môn Khánh đỡ dậy mà bảo:
Có chuyện gì thì cứ nói, việc gì phải khổ sở vậy?
Chuyện như thế này, nhạc phụ tôi là Tôn Thanh có hùn hạp với một người tên là Phùng Nhị buôn bán bông vải tại phủ Đông Xương. Phùng Nhị có đứa con trai là Phùng Hoài, du thử du thực ăn chơi trác táng. Một hôm Phùng Hoài đóng cửa đi chơi suốt đêm, sáng ra thì thấy mất hai kiện bông, chắc là Phùng Hoài bán đi lấy tiền ăn chơi. Nhạc phụ tôi mới mắng nó mấy câu. Phùng Nhị cũng đánh con một trận, Phùng Hoài ấm ức tìm cách gây sự với em vợ tôi là Tôn Văn, rồi hai bên ẩu đả, Phùng Hoài ngã mà bị thương ở đầu. Sau đó hàng xóm sang can gián, chuyện tưởng đã xong. Nào ngờ nửa tháng sau Phùng Hoài chết vì bị trúng gió, nhưng cha vợ Phùng Hoài là Bạch Ngũ, một tay thổ hào trong vùng, thường đứng đầu bọn cướp, có biệt hiệu là Bạch Thiên Kim, lại bàn với thông gia là Phùng Nhị, làm đơn thưa lên phủ tuần án, nói là Phùng Hoài bị cha vợ và em vợ tôi hành hung trí mạng. Quan Tuần án phê cho Lôi lão gia xét xử, nhưng Lôi lão gia bận tháp tùng hoàng thuyền nên nội vụ được giao cho Đồng lão gia. Họ Bạch liền chạy tiền đút lót nên Đồng lão gia đã hạ trát bắt nhạc phụ tôi và em vợ tôi.Vậy xin gia gia mở lượng hải hà viết cho vài chữ cứu cha vợ và em vợ tôi. Thằng đó chết là vì trúng gió chứ không liên can gì tới vụ ẩu đả trước kia, vả lại trong vụ ẩu đả thì chính nó ngã mà bị thương ở đầu chứ không phải là bị đánh. Gia gia cứu cho thì gia đình tôi chịu ơn suốt đời. Tây Môn Khánh ngẫm nghĩ rồi bảo:
Lôi lão gia thì cũng đã có lần tới đây uống rượu nhưng là cùng đi với các quan khác, ta không quen biết cho lắm, làm sao mà viết thư được.
Hoàng Tứ lại quỳ khóc mà nói:
Nếu gia gia không thương tình thì chắc là cha vợ tôi chết mất. Em vợ tôi mạnh khỏe không nói làm gì, còn cha vợ tôi năm nay đã lục tuần, trời tuyết lạnh thế này mà ở trong ngục thì đến chết mất. Gia gia cứu cho thì ơn ấy chúng tôi xin kết cỏ ngậm vành. Tây Môn Khánh trầm ngâm giây lát rồi bảo:
Thôi được, để ta nhờ Tiền lão gia để Tiền lão gia nói với Lôi lão gia vậy. Tiền lão gia và Lôi lão gia là chỗ thân tình, lại là bạn đồng khoa, cùng đậu Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn.
Hoàng Tứ vội rập đầu lạy tạ, rồi rút trong tay áo ra một tấm thiếp có ghi một trăm thạch gạo ngon và một trăm lạng bạc nhưng Tây Môn Khánh không nhận, bảo:
Ta đời nào lại đòi hỏi như vậy.
Gia gia thì không thiếu gì, nhưng đây là để nhờ gia gia chuyển tạ cho Tiền lão gia. Tây Môn Khánh bảo:
Tạ ơn Tiền lão gia thì cứ thủng thẳng, đợi xong việc thì ta mua lễ vật đền tạ cũng được.
Đang nói chuyện thì Bá Tước bước vào bảo:
Đại ca đừng giúp gì cho Hoàng Tứ này cả, lúc thường thì chẳng thấy mặt mũi đâu, khi hữu sự thì tới lạy van khóc lóc. Hôm qua là ngày lễ cầu siêu cho Lục tẩu, mà hắn không có lấy một dúm trà tới lễ, lại cũng chẳng thấy đến hỏi han lấy một câu.Vậy mà bây giờ còn dám vác mặt tới đây cầu cạnh.
Hoàng Tứ hoảng lên, vội sụp xuống lạy Bá Tước rồi nói:
Nhị gia ôi, nhị gia giết tôi hay sao? Cả nửa tháng nay tôi bận tối mắt, đâu được rảnh rang. Hôm qua thì phải lên phủ Đông Bình lấy tiền để hôm nay có mà hoàn lại ít nhiều cho gia gia đây. Tôi cũng cố chạy để có chút lễ vật nhờ gia gia cứu giúp,nhưng gia gia còn đang không chịu nhận.
Bá Tước thấy tấm thiếp ghi lễ vật để trên bàn, cầm lên coi rồi hỏi :
Thế đại ca có định giúp hắn không?
Hắn đã nói vậy thì phải giúp chứ sao,có điều là tôi không thân với Lôi lão gia nên phải nhờ Tiền lão gia nói giùm, xong việc, tôi mua lễ vật tới tạ Tiền lão gia là được rồi, lấy tiền bạc lễ vật của hắn làm gì.
Bá Tước bảo:
Đại ca dạy như vậy là sai rồi, hắn tới đây nhờ vả đại ca mà đại ca lại chịu thiệt cho hắn là thế nào? Đại ca cũng phải tạ ơn cho người ta chứ có phải không đâu. Nếu đại ca không nhận tức là đại ca chê ít mà không thèm. Vẫn biết đại ca chẳng thiếu gì, nhưng theo tôi thì đại ca cứ nhận,một là để cho Hoàng Tứ yên lòng, hai là để thêm vào mà mua lễ vật tạ ơn Tiền lão gia.
Đoạn quay lại bảo Hoàng Tứ:
Tứ ca à, được quan nhân đây giúp cho tức là cha vợ và em vợ Tứ ca có phúc lắm đó, chắc chắn hai người đó sẽ được vô sự về nhà. Quan nhân đây giúp là giúp chứ tiền rừng bạc bể cũng thừa, đâu cần tới tiền bạc lễ vật của Tứ ca.
Nay Tứ ca biết điều thì mau tới nhà hát dọn một tiệc thịnh soạn, thỉnh quan nhân tới chứng giám cho, rồi chúng tôi đây cũng được vui nhờ. Hoàng Tứ nói:
Xin nhị gia cứ yên tâm, tiệc tùng gì cũng có, miễn là cha vợ và em vợ tôi được vô sự. Mấy hôm nay tôi khổ vì hai người đó, chẳng biết phải chạy chọt ở đâu, may mà gia gia đây thương tình cứu cho chứ không thì chẳng biết làm sao.
Bá Tước bảo:
Lấy con gái, chị gái người ta làm vợ thì phải ráng lo chongười ta chứ còn than thở gì nữa, Tứ ca thật lẩn thẩn.
Hoàng Tứ nói thêm:
Cũng tội nghiệp, tiện nội mấy hôm nay ở nhà chỉ biết khóc.
Tây Môn Khánh thấy Bá Tước nói vừa rồi là có lý, bèn cầm tấm thiếp mà bảo:
Thôi được, tôi đành nhận vậy. Bá Tước hỏi:
Bao giờ thì cần có thư đưa đi? Hoàng Tứ đáp:
Cứu mệnh như cứu hỏa, có lẽ là nhờ lão gia cho viết thư ngay hôm nay đẻ sáng sớm mai cho gia nhân cùng tôi cầm thư đi.Chẳng hay lão gia định sai vị nào viết, để tôi được diện kiến cảm tạ vị đó.
Tây Môn Khánh đáp:
Để ta viết cũng được.
Đoạn gọi Đại An ra bảo:
– Ngày mai ngươi cùng Hoàng Tứ đây cầm thư đem đi.
Hoàng Tứ chào hỏi Đại An, hẹn hôm sau đi sớm rồi lạy tạ mà về.
Tây Môn Khánh trở lại thư phòng bảo Ôn tú tài viết thư để ngày mai Đại An cầm đi. Lát sau thấy ngoài trời tuyết ơi mỗi lúc một nhiều, trông như muôn ngàn ánh hoa lê bay lả tả.
Cảnh hoa viên trong tuyết thật vô cùng đẹp mắt. Tây Môn Khánh sai đem thêm rượu quý ra, lại bảo Trịnh Xuân lấy đàn ra cùng với Xuân Hồng đàn hát. Đang uống rượu nghe hát thưởng tuyết thì Cầm Đồng vào thưa:
– Hàn quản lý sai người đem thiếp tới trình gia gia.
Nói xong đưa tấm thiếp lên. Tây Môn Khánh cầm xem rồi bảo:
Ngươi ra ngoại thành gặp Nhiệm y quan nói giùm cho Hàn quản lý Cầm Đồng thưa:
Bây giờ muộn rồi, xin để sáng mai tôi đi sớm.
– Ừ, sáng mai đi sớm cũng được.
Đại An đem bánh trái lên, mọi người cùng ăn, cả Kính Tế cũng được ngồi dự. Tây Môn Khánh sai Vương Kinh sẻ bớt thức ăn cho Trịnh Xuân ăn. Lại thưởng cho Trịnh Xuân hai chung rượu lớn. Trịnh Xuân quỳ đáp:
Tôi không uống được rượu. Bá Tước bảo:
Đồ ngốc, trời lạnh như thế này có rượu mà không uống. Vả lại rượu gia gia thưởng cho ngươi mà ngươi không uống sao.
Vương Kinh đứng bên nói thêm:
Nhị gia không biết, chứ tôi cũng không uống được rượu.
Thì mày cũng là đồ ngốc chứ sao. Bây giờ mày uống đỡ cho nó một chung đi. Từ xưa tới nay,người trên cho cái gì, người dưới không được phép chối từ.
Lại đứng dậy nói tiếp:
Mày không biết uống thì để tao dạy mày uống.
Vương Kinh vội cầm lấy chung rượu, nhắm mắt nhắm mũi mà uống. Tây Môn Khánh cười bảo:
– Nhị gia kỳ khôi thật, nó không uống được thì bắt tội nó làm gì.
Bá Tước thấy Vương Kinh chỉ uống được nửa chung, bèn bảo Xuân Hồng uống nốt, rồi bảo Xuân Hồng hát vài khúc Nam.
Tây Môn Khánh nói:
Bây giờ có Ôn tiên sinh đây, mình nên dùng tửu lệnh mà uống rượu rồi nghe nó hát mới thú.
Nói xong bảo Vương Kinh đem con súc sắc ra đưa cho Ôn tú tài, bảo Ôn tú tài bắt đầu. Ôn tú tài đứng dậy nói:
Vãn sinh đâu dám thất lễ, xin để Ứng nhị gia đây thì hơn.
Đoạn quay hỏi Bá Tước:
Chẳng hay tôn hiệu là gì? Bá Tước đáp:
Tên hiệu là Nam Pha. Tây Môn Khánh đùa:
Hiệu gì mà lạ vậy, nam pha với chẳng nem pheo. Bá Tước cười:
Chỉ tài khôi hài trêu chọc người khác mà thôi. Ôn tú tài bảo:
Xưa nay không khôi hài thì làm sao vui cười được. Bá Tước giục:
Thôi, tiên sinh ban tửu lệnh đi, chần chờ mãi, nói lung tung làm gì. Ôn tú tài nói:
Xin vâng, vậy thì mỗi người gieo súc sắc một lần, giáp vòng thì gieo lại, gieo được số nào thì phải đọc một câu, bất cứ thi ca từ phú gì cũng được, nhưng số chữ trong câu phải bằng với số gieo, và trong số câu buộc phải có một chữ “tuyết” vì hôm nay chúng ta uống rượu thưởng tuyết.
Nói xong bắt đầu gieo trước, súc sắc lật mặt lục.
Ôn tú tài đọc:
– Tuyết như hoa lê lả tả.
Đọc xong, uống một chung rượu nhỏ rồi chuyền sang cho Bá Tước.Bá Tước gieo mặt ngũ, rồi cứ ngồi thừ nghĩ mãi không ra lấy một câu, cử vò đầu bứt tai nói: – Thế này thì chết tôi rồi.
Đoạn tiếp tục nghĩ, mãi mới reo lên:
Đây rồi, có ngay. Nói xong liền đọc:
Trời tuyết hoa mai nở trong tuyết. Ôn tú tài bảo:
Không được, như vậy số chữ đã không đúng, mà lại tới hai chữ “tuyết”. Bá Tước gân cổ cãi:
Thì chữ tuyết trước là tiểu tuyết, chữ tuyết sau là đại tuyết Tây Môn Khánh cười: .
Thôi, bị phạt rồi, đừng có lôi thôi cãi chầy cãi cối nữa.
Đoạn sai Vương Kinh róc đầy một chung lớn để trước mặt. Xuân Hồng hát rằng:
Đêm lạnh trà không có Chạy tới thôn trên xin đỡ một chung Trời xuống tuyết Tuyết rơi mênh mông Tuyết phủ lâu đài rực rỡ Tuyết che quán rượu trời đông Đường về quên lối Ra xem hoa mai nở đẹp bên sông Nhà ai kia đàn ca réo rắt Nên đổ rượu nồng Tuyết vẫn xuống Như muôn ngàn tơ liễu giăng mắc không trung.
Khúc hát dứt, Bá Tước nâng chung rượu phạt uống cạn. Cùng lúc đó Lai An đem thêm đồ ăn ra, trong đó có ốc của Ái Nguyệt biếu và một đĩa đựng những viên tròn đen đen. Bá Tước lấy ngay một viên bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến, thấy vị ngon ngọt vô cùng, có vẻ như một thứ trái cây được chế biến, bèn hỏi:
Đại ca à, cái gì đây mà ngon thế? Tây Môn Khánh bảo:
Nhị ca thử đoán xem.
Không biết là cái quả gì. Tây Môn Khánh cười:
Quả gì đâu, thôi nhị ca không biết rồi, đây là các vị thuốc bổ tán nhỏ ra luyện với mật ong quý, bên ngoài dùng bạc hà và lá cam bao lại rồi hấp lên, do đó mới có vị ngon thơm như vậy. Sáng ra mà ăn một viên này thì bổ phổi, hạ đờm, hạ hỏa, tiêu thực mà lại giải cơn say rượu, tên nó là Tố y mai.
Bá Tước chăm chú nghe rồi gật gù:
Đại ca không nói thì làm sao tôi biết.
Đoạn quay sang Ôn tú tài: .
Kìa tiên sinh, sao không dùng đi, ngon tuyệt. Rồi quay lại bảo Vương Kinh:
Lấy cho tao miếng giấy để tao gói hai viên đem về nhà cho vợ tao cùng thưởng thức. Nói xong lại chỉ vào dĩa ốc bảo Trịnh Xuân:
Còn món này có phải chính tay Ái Nguyệt làm không đây?
Quả thật là vậy, tôi đâu dám nói dối. Thư thư tôi mất bao nhiêu công lao và thời giờ mới làm được bấy nhiêu để đem lại hiếu kính gia gia đây.
Bá Tước bảo:
Con nhỏ vậy mà khéo tay nhỉ, thân ốc đã lấy ra nguyên vẹn, rồi cuốn lại trông cứ y như con ốc sống.
Tây Môn Khánh bảo:
Nhìn món ốc này tôi lại buồn, vì nhà này chỉ có Lục nương tôi là biết làm mà thôi.
Nay thì nàng đã khuất rồi, làm sao tôi được ăn những món ăn của nàng.
Bá Tước bảo:
Đại ca đừng buồn, Lục tẩu khuất rồi thì đã có Ái Nguyệt nó làm món ốc này, đại ca muốn ăn thì cứ bảo nó làm. Nếu không thì để nó về ở hẳn đây làm món ăn cho đại ca ăn.
Tây Môn Khánh đang buồn cũng phải nhổm dậy đánh Bá Tước một cái mà bảo:
Đồ quỷ, chỉ được cái ăn nói bậy bạ.
Ôn tú tài nói:
Nhị vị quả là thân thiết lắm, khó có những người bạn nào như thế. Bá Tước nói càn:
Thân lắm chứ, tiên sinh không biết, đây là cháu con trong nhà tôi. Tây Môn Khánh có hơi men cũng nói bừa:
Đâu có tôi là ông nội hắn.
Kính Tế thấy hai người ăn nói suồng sã hàm hồ thì đứng dậy bỏ ra ngoài.
Còn Ôn tú tài chỉ che miệng mà cười, rồi giục Tây Môn Khánh gieo súc sắc. Tây Môn Khánh chợt nhớ tới lượt mình, bèn gieo súc sắc, mặt tứ lật lên, liền nói:
Tôi xin đọc một câu trong bài ca “Hương la đới” câu đó là “Hoa lê tựa tuyết”. Bá Tước lại bô bô:
Không được rồi, đây đâu phải là một câu, gì chứ bài ca là tôi thuộc lắm chứ, câu đó có tất cả chín chữ cơ mà, đó là câu “đông quân tình tha thiết, hoa lê tựa tuyết”, thôi uống rượu phạt đi.
Nói xong đưa tay róc đầy một chung lớn để trước mặt Tây Môn Khánh rồi bảo Xuân Hồng:
Ngươi chọn bài gì hay thì hát cho gia gia ngươi thọ phạt.
Xuân Hồng vỗ tay làm nhịp mà hát.
Bữa tiệc kéo dài tới lúc chạng vạng. Tây Môn Khánh sai đốt đèn. Bá Tước bảo Ôn tú tài gieo súc sắc lần sau cùng để chấm dứt tửu lệnh. Ôn tú tài gieo được mặt lục, đang nghĩ câu thơ để đọc thì chợt nhìn thấy trên thấm bình phong bên cạnh có đôi liễn viết rằng “Chiều lạnh gió đùa tơ liễu. Vườn xuân tuyết điểm cánh mai”, bèn đọc:
Vườn xuân tuyết điểm cánh mai. Bá Tước vội xua tay:
Không được không được, câu đó không phải là do tiên sinh nghĩ ra, phải uống rượu phạt.
Xuân Hồng bước tới rót đầy một chung rượu lớn để trước mặt Ôn tú tài.
Ôn tú tài đã say, nay phải uống thêm một chung rượu lớn nữa, nên cứ gục vào thành ghế mà ngủ gà ngủ gật, lát sau thì đứng dậy cáo từ. Bá Tước muốn giữ lại nhưng Tây Môn Khánh bảo:
Thôi, tiền sinh đây vóc vạc văn nhân, không uống được nhiều đâu, đừng nên ép. Đoạn quay lại bảo Họa Đồng:
Ngươi đưa tiên sinh về bên đó nghỉ ngơi.
Ôn tú tài lảo đảo đứng dậy vái chào mà về, Họa Đồng đi theo.
Bá Tước bảo:
Tửu lượng yếu quá, mới uống chút ít mà đã say rồi. Hai người lại tiếp tục chén tạc chén thù.
Mãi sau Bá Tước mới đứng dậy cáo từ. Tây Môn Khánh bảo:
Trời tuyết đường trơn, nhị ca lại hơi say, đi đứng nên cẩn thận. Bá Tước dặn:
Sáng mai đại ca nhớ bảo Đại An đem thư đi giùm cho Hoàng Tứ. Tây Môn Khánh đáp:
Tôi nhớ rồi, ngày mai là nó đi sớm.
Nói xong thưởng tiền cho Trịnh Xuân rồi cho về. Trịnh Xuân lạy tạ rồi cáo từ. Bá Tước vén mành bước ra, thấy trời tối,đất trơn, liền mượn một cái đến rồi cùng về với
Trịnh Xuân.
Tây Môn Khánh tiễn vài bước rồi nói đùa:
Thôi, hai cha con về cho bình an nhé. Bá Tước quay lại bảo:
Không cần nói nhiều, tôi sẽ dạy cho con gái Ái Nguyệt của tôi một trận.
Tây Môn Khánh cười ha hả quay vào, sai gia nhân dọn dẹp bàn tiệc, rồi bảo Cầm Đồng che dù đem đèn đưa mình tới phòng Kim Liên, nhưng cổng nhỏ từ hoa viên sang phòng Kim Liên đã đóng chặt, Tây Môn Khánh quay về phòng Bình Nhi gõ cửa, Tú Xuân ra mở cửa. Cầm Đồng đưa Tây Môn Khánh vào rồi quay ra. Tây Môn Khánh bước vào phòng ngoài hỏi:
Cúng cơm chiều chưa? Như Ý đứng cạnh thưa:
Dạ vừa mới cúng xong.
Tây Môn Khánh ngồi xuống tràng kỷ sai Tú Xuân cởi bỏ mũ áo. Như Ý biết Tây Môn Khánh định nghỉ đêm ở đây, vội dọn giường màn chăn gối rồi mời Tây Môn Khánh vào trong nghĩ ngơi. Ngoài này Như Ý cùng Tú Xuân đi ngủ.
Lát sau, Tây Môn Khánh gọi đem trà. Như Ý vội đem trà vào Tây Môn Khánh bảo:
Ngươi ráng hầu hạ ta, ta sẽ đối xử với ngươi như là lúc Lục nương còn sống vậy. Như Ý tinh khôn đáp:
Gia gia không dặn, tôi cũng phải tận lực hầu hạ gia gia, tôi xin thề với trời đất quỷ thần như vậy. Gia gia không chê tôi xấu xí quê mùa thì thỉnh thoảng gia gia để mắt cho cũng là may mắn cho tôi rồi.
Tây Môn Khánh bèn hỏi:
Ngươi năm nay bao nhiêu tuổi?
Như Ý đáp:
– Năm nay tôi đã ba mươi mốt tuổi rồi.
Tây Môn Khánh bảo:
– Nếu vậy thì kém ta một tuổi.
Nói xong cầm tay Như Ý kéo xuống. Như Ý sung sướng nghẹn lời. Đêm đó, Tây Môn Khánh thấy Như Ý biết nói chuyện và tỏ ra khéo léo mặn nồng trong việc gối chăn thì hài lòng lắm.
Sáng dậy, Như Ý đã lo lắng cho Tây Môn Khánh đủ thứ, từ đôi dép xỏ chân đến chậu nước rửa mặt, cái lược chải đầu, nhất nhất đều ân cần khéo léo. Lúc Tây Môn Khánh lên nhà trên, Như Ý nói:
Tôi thiếu áo mặc, gia gia cho tôi đi. . Tây Môn Khánh bèn gọi gia nhân tới bảo:
Ngươi chạy ra tiệm nhà, lấy ba xấp lụa về cho Như Ý và hai a hoàn đây đi may áo. Nói xong bước ra.
Từ đó Tây Môn Khánh thường lén Nguyệt nương để cho Như Ý tiền bạc, lụa vải và đồ trang sức. Như Ý lại khôn ngoan,biết lựa đúng lúc để xin, nên xin gì được nấy.
Hôm sau, không hiểu sao Kim Liên dò xét biết chuyện, liền vào thượng phòng nói với Nguyệt nương:
Đại nương ơi, sao Đại nương không nói rõ cho lão già vô liêm sỉ vài câu chứ để thế này sao được. Đêm hôm kia lão già xuống phòng ngủ với con khốn Như Ý cả một đêm, lại cho nó quần áo tiền bạc. Đại nương còn nhớ chuyện vợ chồng thằng Lai vượng không? Nếu không ngăn cản từ bây giờ rồi lỡ con khốn đó có con rồi làm sao? Con khốn đó tính tình lẳng lơ, lúc đó biết có con của lão già nhà mình hay không. Đại nương phải tính trước đi kẻo rồi chuyện vỡ lở ra thì phiến lắm dó.
Nguyệt nương chán nản đáp:
Cái gì các người cũng xúi tôi nói, có gì thì mình tôi chịu. Các người biết chuyện, các người lại khôn ngoan, thì các người cứ nói, sao lại bắt tôi nói. Tôi bây giờ là người ngu ngốc, chẳng thiết gì cả.
Kim Iiên nghe vậy thì im lặng về phòng.
Tây Môn Khánh lên dại sảnh, thấy trời tạnh ráo, liền sai Đại An đem thư cùng Hoàng Tứ tới nhà Tiền Chủ sự. Lát sau Bình An vào thưa: – Người của Địch gia tới lấy thư phúc đáp.
Tây Môn Khánh cho gọi vào, lấy thư đưa ra rồi hỏi:
Sao hôm qua ngươi không tới lấy? Người đó là Vương cán biện đáp:
Thưa tôi phải tới đưa thư cho Hầu Tuần phủ nên về đây chậm mất một ngày. Tây Môn Khánh giao lễ vật rồi cho đi.
Sau đó Tây Môn Khánh sang cửa tiệm nước nhà kiểm điểm tiền bạc, cho đóng bao, rồi bảo Ôn tú tài viết thư cho các nơi. Lại sai chuẩn bị làm lễ cúng tài thần vào ngày hai mươi bốn để cúng xong là cho Thôi Bản, Lai Bảo, và Hàn quản lý cùng hai gia nhân là Vinh Hải và Hồ Tú lên đường xuôi Nam cất hàng.
Cùng viết thư và soạn lễ vật thật hậu để đưa cho Miêu viên ngoại ở Nam.
Mấy hôm sau, Tây Môn Khánh trút bỏ tang phục, ngồi tại đại sảnh ăn sáng, Nguyệt nương ngồi cạnh bảo:
Ngày mồng năm đầu tháng đây là sinh nhật của tiểu thư bên Kiều thân gia, mình cũng phải có lễ vật sang mừng. Lời tục có câu rằng “tiên thân, hậu bất cải” không phải vì con trai mình đã chết mà mình lơ là với người ta.
Tây Môn Khánh bảo:
Phải có chứ, không sao được.
Nói xong gọi Lai Hưng lên bảo mua các lễ vật, rồi sai Vương Kinh đem tới nhà Kiều đại hộ lặn dò gia nhân xong xuôi lại bảo Ôn tú tài viết thiếp, rồi Tây Môn Khánh vào thư phòng trong hoa viên.
Lát sau Đại An về thưa:
– Tôi đem thiếp của gia gia tới Tiền lão gia,Tiền lão gia coi xong là viết thư liền, tôi và con trai Hoàng Tứ đem lên phủ Đông Bình ngay, đưa cho Lôi lão gia. Lôi lão gia tức khắc hạ văn thư cho Đồng lão gia. Hiện hai cha con họ Tôn đã được thả ra rồi. Chỉ phải đóng mười lạng về tiền án phí mà thôi tuy nhiên trước đó cũng đã bị đánh ít chục trượng rồi. Tôi theo dõi sự việc, thấy xong xuôi, mới trở về thưa lại cùng Tiền lão gia rồi mới về đây. Tiền lão gia có gởi thiếp cho gia gia.
Nói xong đưa thiếp lên. Tây Môn Khánh thấy Đại An lanh lẹ, biết việc thì vui lắm, cầm thiếp coi thì đó là thiếp của Lôi lão gia gửi cho Tiền lão gia, thiếp viết rằng:
Việc đã xử xong,Phùng Nhị trước đó có đánh mắng con nên đứa con mới gây chuyện ẩu đả, tự mình bị thương, cái chết không liên can gì đến vết thương.
Cha con họ Tôn không bị khép vào tội đả thương trí mạng nên chỉ bị đánh ít trượng và nộp mười lượng rồi được về. Nay xin hồi báo. Vãn sinh Lôi Khải Nguyên kính bái. Tây Môn Khánh coi xong mừng lắm, hỏi:
Hoàng Tứ bây giờ ở đâu?
Đại An đáp:
Hiện đưa cha vợ và em vợ về nhà, ngày mai tất cả sẽ tới tạ ơn gia gia. Cha vợ Hoàng Tứ còn thưởng cho tôi một lạng bạc.
Tây Môn Khánh bảo:
Lấy tiền đó mua hài mà mang.
Đại An lạy chào rồi lui ra. Tây Môn Khánh nằm xuống giường mà ngủ, Vương Kinh khơi thêm lò sưởi rồi cũng lui ra.
Lát sau, Tây Môn Khánh nghe như có người vén rèm, vội nhìn ra thì thấy Bình Nhi bước vào, mình mặc áo gấm tía, quần lụa bạch, đầu tóc rối bời, dung nhan buồn khổ, bước tới gần giường nói:
Chàng ơi, biết chàng nằm ngủ ở đây nên tôi đến báo cho chàng biết là thằng Tử Hư nó làm đơn thưa tôi, tôi bị giam trong ngục, mà huyết vẫn cứ ra dầm dề, dơ dáy cực khổ lắm.Hôm qua nhờ chàng làm lễ cầu siêu nên tôi được giảm tội, vậy mà Tử Hư còn không chịu, lại làm đơn để xin giam cầm tôi. Tôi vội tới báo cho chàng biết mà thôi, chứ lần này chưa chắc gì Tử Hư làm hại được tôi. Tuy nhiên tôi đến đây cũng là để dặn chàng phải đề phòng sự ám hại của kẻ tiểu nhân. Tôi bây giờ thì dù sao cũng yên thân rồi, nhưng còn chàng thì phải giữ gìn cẩn thận lắm mới được. Từ nay không nên uống rượu đêm ở ngoài.
Có đi đâu thì cố mà về nhà cho sớm. Bấy nhiêu điều tôi dặn, chàng phải ghi nhớ đừng quên.
Nói xong ôm lấy Tây Môn Khánh mà khóc. Tây Môn Khánh khóc hỏi:
Nàng ơi, bây giờ nàng đi đâu, ở đâu, nói cho tôi biết đi. Bình Nhi không nói gì, chỉ gỡ tay Tây Môn Khánh mà ra đi.
Tây Môn Khánh bàng hoàng tỉnh dậy, thì ra là một giấc mộng. Bên ngoài, trời đã trưa, Tây Môn Khánh thương nhớ Bình Nhi, lòng đau như cắt.
Trong khi đó gia nhân của Kiều đại hộ là Kiều Thông đem thiếp sang mời dự tiệc sinh nhật, được dẫn vào gặp Nguyệt nương, Nguyệt nương hỏi:
Gia gia đâu ?
Gia nhân thưa:
– Gia gia đang ngủ trong thư phòng tại hoa viên.
Nguyệt nương không dám làm rộn chồng, chỉ sai gia nhân đem rượu thịt khoản đãi
Kiều Thông. Kim Liên bảo:
– Để tôi tới báo cho gia gia biết.
Nói xong đứng dậy, tới thư phòng trong hoa viên, vén rèm nhìn vào thấy Tây Môn Khánh đang ngồi trên giường trầm ngâm, bèn bước vào ngồi cạnh mà bảo:
Chàng ơi, sao lại ngồi thừ người ra không nói không rằng thế này, chàng ngồi đây làm gì. Trong nhà không thấy chàngđâu, thì ra chàng ngủ ở đây.
Tây Môn Khánh im lặng. Kim Liên nhìn rồi hỏi:
Sao mắt chàng lại đỏ lên vậy?
Tây Môn Khánh đáp:
Chắc là tại tôi vừa ngủ dậy, còn ngái ngủ nên mắt đỏ lên chứ gì. Kim Liên bảo:
Ngái ngủ gì mà cứ như là khóc vậy?
Đừng có lắm chuyện, tự nhiên sao lại khóc. Kim Liên nói:
Chắc là chàng tưởng nhớ tới người nào đấy thôi. Tây Môn Khánh bảo:
Chỉ nói bậy, có ai đâu mà tưởng với nhớ.
Có chứ sao không Bình Nhi là người tưởng, nhũ mẫu Như Ý là người nhớ, còn chúng tôi là những người quên chứ sao.
Tây Môn Khánh bảo:
Thôi đừng có ăn nói bậy bạ nữa, nghe tôi hỏi chuyện đàng hoàng đây.
Hôm tẩm liệm cho Bình Nhi, các nàng cho Bình Nhi mặc những quần áo gì?
Kim viên hỏi lại:
– Chàng hỏi làm gì vậy?
Tây Môn Khánh đáp – Chẳng làm gì cả, chợt nhớ thì hỏi vậy thôi.
Kim viên bảo:
Chàng hỏi tất là có duyên cớ gì đây, nhưng thôi, chàng đã hỏi thì tôi cứ nói. Hôm tẩm liệm cho Lục thư thì chúng tôi mặc cho Lục Thư hai bộ quần áo, bộ ngoài gồm áo đoạn trắng và quần sa vàng, bộ trong là áo gấm tím và quần lụa bạch. Trong cùng là cái áo lót đại hồng.
Tây Môn Khánh chỉ gật đầu im lặng. Kim Liên lại hỏi:
Nếu chàng không tưởng nhớ tới Lục thư thì hỏi như vậy làm gì?
Tây Môn Khánh chậm rãi:
Tôi vừa nằm mộng thấy Bình Nhi. Kim Liên nói:
Mộng mị là do mình tưởng tượng ra mà thôi, làm gì có thật. Dù sao thì Lục thư đã chết rồi, vậy mà chàng cứ tơ tưởng mãi người chết thì được chàng nghĩ tới, còn người sống thì bị chàng bỏ quên. Chúng tôi đang sống đây mà còn bị bỏ quên như thế này thì lúc chết đi còn ai nghĩ tới nữa.
Tây Môn Khánh bảo:
Thôi đi, có cái miệng chỉ ăn nói hàm hồ.
Kim viên nói:
– Tôi là cứ đi guốc vào bụng chàng rồi.
Tây Môn Khánh im lặng nhìn Kim liên, thấy Kim Liên đầu thắt chiếc khăn kim xích, tóc cài cây trâm thúy mai, cổ đeo chuỗi ngọc châu thúy, tất cả đều là do Bình Nhi đã tặng cho Kim liên, thấy vật cũ lại càng thêm nhớ người xưa. Tây Môn Khánh thấy lòng đau như cắt.
Bỗng Lai An bước tới ngoài rèm thưa:
Có Ứng nhị gia tới. Tây Môn Khánh bảo:
Mời vào đây.
Thằng trời đánh thánh đâm kia, mày có tử từ không, đợi ta ra rồi hãy mời người ta vào chứ.
Lai An chỉ tay ra ngoài:
Ứng nhị gia đang vào rồi kia kìa.
Kim Liên cuống lên:
– Thì chạy ra bảo tạm đứng lại đã.
Lai An chạy ra nói:
– Xin nhị gia tạm dừng bước đôi chút, trong thư phòng đang có người.
Bá Tước bèn rẽ vào hoa viên ngắm trúc. Kim Liên thấy vậy bèn vén rèm đi ra. Vương Kinh ra mời Bá Tước. Bá Tước vào vái chào Tây Môn Khánh rồi ngồi xuống. Tây Môn Khánh hỏi:
Hai hôm nay sao không thấy nhị ca tới? Bá Tước đáp:
Đại ca ơi, tôi có chuyện rầu lắm.
Chuyện gì vậy? Sao không nói với tôi? Bá Tước đáp:
Khổ lắm, tiểu thiếp tôi tới ngày mãn nguyệt khai hoa, mà trong nhà thì tiền bạc chẳng có. Đêm hôm kia,đang nửa đêm thì tiểu thiếp tôi đau bụng dữ dội, trong nhà lại chẳng có ai, có tên Ứng Bảo thì ông anh tôi lại sai nó ra ngoại thành có chút tôi đành phải nhờ bà hàng xóm là Trịnh lão nương đưa đi, tôi cầm đèn theo, vừa tới nơi thì tiểu thiếp tôi hạ sanh ngay.
Tây Môn Khánh vội hỏi:
Trai hay gái?
Trai Tây Môn Khánh cười:
Thật là đồ ngốc sinh con trai mà rầu với khổ nỗi gì? Có phải tiểu thiếp Xuân Hoa không?
Bá Tước cười:
Đúng là dì Xuân Hoa nó sanh con trai đấy.
Tâyy Môn Khánh bảo:
– Nhị ca thật là đồ quỷ, ai bảo đa mang cầm cáp làm gì, nhị tẩu ở nhà chỉ thêm bực mình mà thôi.
Bá Tước bảo:
Không con thì mới phải đa mang chứ, bây giờ có con trai khác nào như gấm thêm hoa. Có điều là trời đông tháng giá thế này mà gia đình không đủ áo lạnh mà mặc, nhà lại neo người, con gái lớn tôi cũng đã đi xa, ông anh thì chẳng giúp được gì cả, hóa nên trăm sự chỉ còn biết trông cậy cả vào đại ca mà thôi.
Tiện nội tôi thì cứ cằn nhằn tiền bạc, ngày mai là thằng nhỏ được ba ngày, phải có cái gì để cáo tri cho thân bằng quyến thuộc chứ. Lại còn đến ngày đầy tháng, lấy tiền đâu mà lễ lạc ăn uống đây. Chắc tới mấy ngày đó tôi phải kiếm ngôi chùa nào đến xin tá túc ít lâu, rồi ở nhà muốn ra sao thì ra.
Tây Môn Khánh cười:
Nhị ca cứ đi đi, tướng nhị ca có thể làm hòa thượng được đó của nhà chùa thiếu gì, không sợ nghèo đói nữa.
Bá Tước chỉ im lặng. Tây Môn Khánh dịu giọng:
Thôi, đừng rầu với khổ nữa, nhị ca cần bao nhiêu, để tôi đưa cho mà chi dùng.
Chừng hai chục lạng thì đủ dùng, nhưng xưa nay tôi phiền đại ca nhiều quá rồi, bây giờ tùy đại ca muốn cho tôi bao nhiêu cũng được. Hay là để tôi làm giấy nợ vậy.
Tây Môn Khánh gạt đi:
Chỗ anh em kết nghĩa với nhau, cái gì mà giấy với tờ, nợ với nần.
Đang nói chuyện thì Lai An đem đồ ăn ra. Tây Môn Khánh bảo:
– Ngươi để đây rồi gọi Vương Kinh cho ta.
Ngươi vào nhà trong thưa với Đại nương, là dưới nệm giường ta vẫn nằm có hai gói bạc hôm nọ Tống tuần án đưa để làm tiệc, Đại nương lấy ra, đưa cho ngươi đem ra đây cho ta.
Vương Kinh vâng lời quay vào, lát sau đem gói bạc ra. Tây Môn Khánh đưa cho Bá Tước mà bảo:
Gói này là năm chục lạng, nhị ca cầm về mà chi dùng. Gói còn nguyên, chưa ai đụng tới, nhị ca thử mở ra coi lại xem sao.
Bá Tước ngần ngại:
Nhiều quá.
Thừa thì để may quần áo, mua hài mua mũ cho cháu, rồi ngày đầy tháng còn phải lo liệu sao cho coi được chứ.
Bá Tước nói nhỏ:
Đại ca dạy rất phải.
Nói xong mở gói bạc ra, thấy toàn là bạc tốt sáng ngời, trong lòng vui sướng lắm, vội đứng dậy vái tạ Tây Môn Khánh:
Thịnh tình của đại ca, tôi quyết chẳng bao giờ quên. Tây Môn Khánh cười:
Nói gì vậy, tôi đối với nhị ca từ trước tới nay như thế nào nhị ca không biết hay sao, cho nên nhị ca có chuyện gì là đã có tôi.
Đoạn nói đùa:
Này, mà thằng nhỏ đó chưa chắc là con của nhị ca đâu, có thể là con của hai chúng mình đó, để rồi sau ngày đầy tháng, Nhị ca bảo Xuân Hoa nó đến đây hầu hạ tôi ít ngày thì tiền vốn tiền lời gì, tôi không tính đâu.
Bá Tước bảo:
Xuân Hoa bây giờ nó gầy gò xấu xí lắm.
À, còn chuyện cha vợ Hoàng Tứ tới đâu rồi? Tây Môn Khánh đáp:
Nhận được thư của Tiền Chủ sự là Lôi Binh bị thả ngay cha con họ Tôn ra, chỉ bắt nạp mười lạng bạc, trước đó có bị đánh ít trượng mà thôi.
Bá Tước bảo: .
Thật là may phúc cho Hoàng Tứ, hắn có đốt đuốc tìm khắp nơi cũng không tìm ra người nào khác để xin cứu vớt cho cha vợ và em vợ hắn. Tiền bạc của hắn đưa, đại ca cứ lấy ra mà mua lễ vật biếu tạ Tiền lão gia. Còn hắn thì bắt hắn phải làm một tiệc thật lớn để anh em mình tới mua vui một ngày mới được Nếu đại ca không nói thì để tôi gặp hắn tôi nói cho. Em vợ hắn thoát khỏi tội chết, đâu phải dễ gì.
Hai người tiếp tục trò chuyện vui vẻ.Trong khi đó, tại thượng phòng Ngọc Lâu tới nói với Nguyệt nương:
Mạnh Duệ em trai tôi chỉ còn mấy hôm nữa lại lên đường đi Xuyên Quảng để mua hàng, nên hôm nay tới đây để cáo từ gia gia, hiện Mạnh Duệ đang ngồi chờ tại phòng tôi. Gia gia ở đâu, xin Đại nương sai gia nhân tới thưa giùm một câu.
Nguyệt nương bảo:
Gia gia đang chuyện trò ăn uống gì với Ứng nhị ca tại thư phòng trong hoa viên. Hồi nãy Kiều Thông sang đây đưa thiếp mời ăn sinh nhật. Ngũ nương có vào thư phòng, bảo là nói cho gia gia biết, rồi tính xem ngày mai có đi hay không. Trong này tôi giữ tên Kiều Thông lại, mời ăn uống. Vậy mà chờ cả nửa ngày nửa buổi mới thấy Ngũ nương từ thư phòng đi ngang đây. Tôi có hỏi là đã nói gì với gia gia về vụ ăn sinh nhật bên Kiều thân gia chưa. Ngũ nương im lặng rồi mãi mới bảo là quên không nói, mấy tấm thiếp thì vẫn ở trong tay áo. Thật chẳng hiểu là người gì nữa, ở cả ngày buổi ngoài đó làm những chuyện gì, mà có chuyện đó lại quên. Tôi tức quá mắng cho mấy câu bây giờ về phòng rồi.
Ngọc Lâu im lặng ngồi nghe. Bỗng thấy Lai An vào, Nguyệt nương bảo:
Ra mời gia gia vào đây, có Mạnh Nhị cữu đang đợi.
Lại An ra thư phòng thưa lại. Tây Môn Khánh đứng dậy bảo Bá Tước:
Tôi vào một chút rồi trở ra ngay, nhị ca đừng về nhé. Nói xong bước vào hậu phòng.
Nguyệt nương trước hết nói chuyện về việc Kiều Đại hộ mời ăn sinh nhật. Tây Môn Khánh bảo:
Ngày mai chỉ một mình nàng đi là được rồi, mình đang có tang, kéo cả nhà đi ăn uống không tiện.
Nguyệt nương lại nói:
Có Mạnh nhị cữu tới từ giã, vì một hai ngày nữa là nhị cữu lên đường đi Xuyên Quảng cất hàng, hiện đang ngồi chờ tại phòng tam nương đó. À, mà vừa rồi chàng sai lấy tiền làm gì vậy?
Tây Môn Khánh đáp:
Ứng nhị ca đến mượn tôi ít tiền để trang trải chuyện nhà,người thiếp là Xuân Hoa vừa mới sinh con trai.
Nguyệt nương bảo:
May quá nhỉ, Ứng nhị ca ngần ấy tuổi rồi mà bây giờ mới được con trai đó. Ứng nhị tẩu chắc cũng mừng lắm. Để hôm nào tôi phải mua ít đồ tới tặng mừng mới được.
Tây Môn Khánh bảo:
Không việc gì phải vội, sẽ bắt Ứng nhị ca làm tiệc đầy tháng thật lớn mời vợ chồng mình tới, lúc đó cho gì thì cho, tôi cũng muốn xem Xuân Hoa hồi này ra sao.
Nguyệt nương cười:
Chỉ được cái vậy thôi, người ta đã có chồng có con rồi thì thôi chứ.
Đoạn quay sang bảo Lai An:
– Ngươi sang mời Mạnh nhị cữu qua đây.
Lát sau Ngọc Lâu dẫn Mạnh Duệ sang chào, Tây Môn Khánh nói vài câu chuyện rồi mời Mạnh Duệ ra thư phòng gặp Bá Tước, rồi sai gia nhân đem thêm rượu thịt ra, lại bảo Đại An:
Ngươi sang nhà đối diện mời Ôn tiên sinh qua đây cho vui. Lai An đi một lát rồi trở vào thưa:
Ôn tiên sinh không có nhà, nghe nói là đi thăm Nghê tiên sinh rồi. Tây Môn Khánh bảo:
Vậy thì mời cậu Kính Tế ra đây.
Ngồi đây tiếp nhị cữu. Đoạn quay hỏi Mạnh Duệ.
Bao giờ nhị cữu lên đường, mà đi trong bao lâu? Mạnh Duệ đáp:
Mồng hai này thì tôi lên đường.Việc chính là đi Kinh Châu mua chỉ đem sang Xuyên Quảng bán rồi mua sáp ong ở Xuyên Quảng đi bán chỗ khác.
Chuyến đi này không thể định trước, có thể là một hai năm mới về. Lượt đi thì tôi lần lượt qua Hà Nam, Thiểm Tây, Hán Châu, lượt về thì về bằng đường thủy, vừa đi vừa về cũng phải tới bảy tám ngàn dặm đường.
Bá Tước hỏi:
Chẳng hay Nhị cữu niên kỷ năm nay bao nhiêu?
Tại hạ năm nay mới hai mươi sáu. Bá Tước bảo:
So với chúng tôi thì Nhị cữu hãy còn ít tuổi mà đã biết nhiều nơi quá, chẳng bù cho tôi, suốt đời chỉ ru rú xó nhà,chẳng đi được đến đâu.
Mọi người tiếp tục trò chuyện, gia nhân đem thêm rượu và đồ ăn lên, Mạnh Duệ ăn uống tới chiều mới đứng dậy cáo từ.
Tây Môn Khánh cùng Bá Tước và Kính Tế tiếp tục bữa tiệc.Lát sau gia nhân mua vàng mã về, vào thưa với Tây Môn Khánh, Tây Môn Khánh sai Kính Tế đem vào cho Nguyệt nương để Nguyệt nương xếp bày biện trên bàn thờ Bình Nhi, đoạn bảo Bá Tước:
Hôm nay là tuần lục thất của Lục nương tôi, phải làm lễ tụng kinh đốt vàng. Bá Tước đáp:
Mau quá nhỉ, Lục tẩu mất đi đã nửa tháng rồi.
Mồng năm này là tuần đoạn thất, lại phải làm lễ tụng kinh cầu siêu nữa. Bá Tước bảo:
Lần này thì đại ca chỉ nên cho niệm kinh Phật mà thôi.
Đúng vậy, lúc sinh thời, Lục nương tôi thường nhờ hai vị sư bà tụng kinh Huyết hồn, lần này tôi và Đại nương tôi cũng định là mời hai vị sư bà đó và ít tăng ni nữa để tụng kinh Phật.
Bá Tước thấy trời đã chiều, bèn đứng dậy vái tạ:
Ơn lớn của đại ca hôm nay, đến chết tôi cũng không quên. Bây giờ cũng muộn rồi, để đại ca lo đốt vàng cho Lục tẩu, tôi xin phép về, kẻo ở nhà đang mong.
Tây Môn Khánh bảo:
Chẳng ơn huệ gì hết, ngày đầy tháng này là chúng tôi ở đây kéo đến ăn mừng đó, nhị ca làm sao thì làm. Chúng tôi sẽ có quà mừng nữa.
Bá Tước bảo:
Lại còn cho quà làm gì nữa.
Nói xong tươi cười vái chào mà về.
Tây Môn Khánh tiễn Bá Tước ra, rồi quay vào bảo gia nhân dẹp bát dĩa, sau đó xuống phòng Bình Nhi. Nơi đây, Nguyệt nương đã sai Kính Tế và Đại An bày biện tươm tất. Hôm đó các tăng sĩ đạo sĩ tại miếu Ngọc Hoàng, chùa Vĩnh Phúc và chùa Báo ân đều có gửi sớ tới để cúng. Tây Môn Khánh bảo Nghênh Xuân dọn cơm canh lên, thắp hương đốt nến, rồi mời Nguyệt nương và các tiểu thiếp tới làm lễ đốt vàng cho Bình Nhi…