Lại nói về bọn Tây Môn Khánh, bốn người kéo tới Lý Quế Thư, bảo làm một bữa tiệc thịnh soạn.
Tiệc dọn ra, Tây Môn Khánh ngồi một bên chủ tọa, còn ba người kia ngồi một bên. Lý Quế Thư đứng ngồi hầu rượu. Lại có mấy ca nữ tới, một người là Vương Nguyệt Nga, tức là cháu gái của Vương bà ở đường trước huyện, cạnh nhà Võ Đại. Người kia là Trương Cầm Nhị Cả hai đều giỏi đàn hát. Rượu được vài tuần, Vương Nguyệt Nga thổi lên một khúc tiêu, rồi hát bài “Di muội khúc”. Hát rằng:
Em cùng chị hái sen
Hoa sen thật xinh đẹp
Sáng hoa như muốn nói
Chiều trông hoa đáng thương
Em bỏ đi hái ấu
Ấu củ nổi củ chìm
Củ hai sừng giắt búi tóc
Củ bốn sừng làm bánh xe
Mùa thu nước lành lạnh
Hái ấu đừng hái sung
Hoa ấu chiều má hồng
Nước hồ xanh xanh trong
Hái sen đừng gãy ngó
Tơ ngó như ruột mềm
Hạt sen ruột lại đắng
Hay là lên hái ấu
Hay là nên hái sen
Trời cũng chiều rồi đấy
Uyên ương đã ngủ yên.
Khúc hát chấm dứt, ứng Bá Tước bảo:
Khúc này cũng hay đấy chứ, đại ca có nhớ ngày trước nàng Lục Vân Anh từng hát khúc này không ?
Tây Môn Khánh đáp:
Lâu tôi cũng quên rồi.
Trương Cầm Nhi thấy Vương Nguyệt Nga đã hát xong, bèn nâng đàn vừa gảy vừa hát.
Hát rằng:
Mặt trời xuống ngọn cây
Mưa rơi đuổi hết nắng
Con gái nhà ai kia
Thướt tha tới bến nước
Sen nở, áo đượm hương
Sen nở, đẹp không nói
Khua chèo bơi trên hồ
tiếng hát vút mây cao
Hoa đẹp không nở nữa
Rụng trôi vào nơi đâu
Nhìn sông nước núi mây
Một mình đứng yên lặng
Không thấy người hái sen
Đã chẳng còn tông tích
Đó là bài ca nhan đề ‘Thái Liên khúc”. Trương Cầm Nhi hát xong, mọi người vỗ tay khen haỵ Tây Môn Khánh bảo Lý Quế Thư:
Nàng cũng nên hát một bài cho vui. Lý Quế Thư khiêm nhường:
Sợ là tôi hát, mọi người không nghe nổi.
Nói xong đứng dậy, cầm cây sáo của Vương Nguyệt Nga lên thổi một điệu du dương rồi cất tiếng hát rằng:
Mênh mông rồi mênh mông
Lên cao nhìn cố hương
Lên cao cũng không thấy
Xuống thuyền hỏi hoa sen
Hoa sen không biết nói
Thiếu nữ nhà ai đẹp
Người đẹp cũng không nói
Khói lên xanh nước sâu
Hoa sen sao rầu rầu
Hương quyến tay áo lụa
Hương đượm trâm trên đầu
Trâm rơi cũng không thấy
Lòng người rơi cũng vậy
Lòng chàng cũng thay đổi
Hoa sen chết mùa thu
Lòng em cũng như chết
Buồn đâu đã căng đầy
Phải chăng gió Tây thổi
Tiếng hát véo von dã dứt, Tạ Hy Đại nói:
Điệu hát này hình như cũng thay đổi đôi chút. Ứng Bá Tước bảo:
Lạ thật! Cả ba người hôm nay sao lại hát toàn những khúc hát hái sen, thật khéo trùng hợp với giấc mộng hái hoa sen của đại ca bữa trước.
Bốn người đang uống rượu, nói chuyện âm nhạc thì bên ngoài có tiếng người gọi Lý Quế Thư. Lý Quế Thư đứng dậy bước ra. Lát sau trở vào, Tây Môn Khánh hỏi:
Có chuyện gì vậy ?
Cũng chẳng có gì, chỉ có Từ Đại quan nhân bên nhà Từ Thiên Hộ muốn sang đây uống rượu mà thôi.
Lý Quế Thư vừa đứt lời thì Hoa Tử Hư nổi giận trừng mắt bảo:
Có phải cái thằng ngu ngốc họ Từ đó chăng ? Hôm nọ chúng tôi đang ở nhà nàng Ngô Ngân Nhi, nó đã tới gây sự rồi, bây giờ chúng ta đang vui vẻ nơi đây, nó lại tính kiếm chuyện sao?
Nói xong đứng phắt dậy bước ra phòng ngoài. Lúc đó Từ Đại quan nhân đang ngồi nói chuyện với mẹ Lý quế Thư. Hoa Tử Hư cũng đã có vẻ say, nên vừa trông thấy Từ Đại quan nhân là đã không nói không rằng, cử quyền xông vào đánh ngay. Từ Đại quan nhân vốn là người cậy quyền ỷ thế, không ngờ hôm nay bị Hoa Tử Hư đánh, bèn hô hoán gia nhân đày tớ theo mình vào đánh. Hoa Tử Hư tả xung hữu đột. Bọn Tây Môn Khánh chạy ra thấy Hoa Tử Hư quả bất địch chúng, vội nhất tề xông vào tận đả, gây nên cảnh cực kỳ náo loạn. Mẹ con Lý quế Thư sợ đàng xóm chê cười, bèn tận lực vào can đôi bên, tách rời được Từ Đại quan nhân và Hoa Tử Hư ra mà hết lời khuyên giải. Từ đại quan nhân tức quá, kéo gia nhân về ngay rồi lấy một tấm danh thiếp viết cho Tri huyện Thanh Hà vu cáo là Hoa Tử Hư vô cớ làm nhục mình.
Bọn Tây Môn Khánh cũng chẳng còn lòng dạ nào tiếp tục ăn uống vui chơi, bèn cho Vương Nguyệt Nga và Trương Cầm Nhi về, rồi trả tiền cho mẹ con Lý Quế Thư, sau đó chia tay ra về Tây Môn Khánh mời Hoa Tử Hư vào nhà, định hỏi nguyên do câu chuyện vừa rồi, nhưng vừa mới ngồi xuống thì đã thấy Ứng Bá Tước chạy tới hổn hển nói:
Vừa rồi tôi đi ngang huyện, nghe tin là Từ Đại quan nhân đã gửi thiếp cho Tri huyện, vu cáo là Hoa tứ ca say rượu làm nhục mình. Chắc thế nào cũng lôi thôi.
Hoa Tử Hư bảo:
Nếu vậy thì phiền đại ca tới huyện nói giùm một câu, để tôi về nhà chuẩn bị ít lễ vật. Tây Môn Khánh nói:
Tri huyện này cũng tệ lắm. Thường dân gửi đơn tới thì cả tháng không xét; vậy mà họ Từ đưa thiếp tới đã vội lo ngay, chắc là cũng có tiền bạc gì đây. Tuy nhiên bây giờ đừng vội, để mai tôi tới huyện hỏi lại cho rõ rồi sẽ tính.
Hoa Tử Hư thấy Tây Môn Khánh nói là mai mới đi thì nóng lòng lắm, bèn nói:
Xin đại ca lo sớm giùm một chút, việc tiền bạc thì cần bao nhiêu đại ca cứ cho biết. Tây Môn Khánh thấy Hoa Tử Hư có vẻ lo sợ, bèn nói:
Để xem nào, hôm nay là ngày trực của Trầm đại quan, tôi sẽ tới hỏi Trầm Đại quan trước.
Ứng Bá Tước bảo:
Đại ca nói rất đúng.
Hoa Tử Hư vội về nhà để lo lễ vật, còn Tây Môn Khánh và Ứng Bá Tước thì tới huyện vào thăm Trầm Đại quan, mời họ Trầm tới một quán rượu yên tĩnh, kể hết đầu đuôi. Trầm Đại quan nghe xong bảo:
Với Tri huyện này thì phải có chút đỉnh mới được. Tây Môn Khánh nói.
Cái đó thì đã đành, có điều là mấy hôm nay tôi đang bận, vợ thứ ba của tôi lại đang bệnh nặng nên không thể tự mình tới huyện lo việc này được, thôi thì trăm sự nhờ Đại quan lo giúp.
Trầm Đại quan nói:
Nếu ngài bận thì để tôi lo thay cũng chẳng hại gì.
Tây Môn Khánh rút trong bụng ra hai đĩnh bạc đưa cho Trầm đại quan. Ứng Bá tước vỗ vai Trầm đại quan mà bảo. – Đại quan nhớ giúp cho êm đẹp. Trầm đại quan nhận bạc, nói thêm vài câu rồi cáo từ. Tây Môn Khánh và Ứng Bá Tước cũng uống thêm vài chén rượu nữa rồi chia tay. Trong khi đó Hoa Tử Hư về nhà để lấy tiền lo việc. Vợ là Nhị nương thấy chồng mặt mũi đỏ gay thì nghĩ là đã say, nên không chịu đưa tiền. Hoa Tử Hư vẻ mặt tuy là say nhưng trong lòng đã hoàn toàn tỉnh táo, nhưng lại không tiện kể lại cho vợ nghe câu chuyện vừa rồi. Thấy vợ không chịu đưa tiền, Hoa Tử Hư bèn xuống bếp lấy con dao lên cậy rương lấy một trăm lạng bạc rồi vội vàng đem qua nhà Tây Môn Khánh.
Tới nơi, Hoa Tử Hư hỏi Đại An Nhi:
Gia gia ngươi về chưa ? Đại An Nhi đáp:
Thưa chưa. Nhị gia có chuyện gì xin cứ dặn lại. Hoa Tử Hư bảo:
Nếu vậy thì để ta lên phòng khách ngồi đợi, có lẽ gia gia người sắp về tới. Đại An Nhi đang dẫn Hoa Tử Hư lên phòng khách thì Tây Môn Khánh đã về. Tây Môn Khánh thấy Hoa Tử Hư quá lo sợ thì bảo:
Công việc hỏng mất. Tôi vừa mới tới huyện định gặp Trầm Đại quan thì Trầm Đại quan đi việc công đâu mất, phải nhờ người nhà đi tìm mới gặp. Tôi và Ứng nhị ca mời Trầm Đại quan tới Đại Hòa Lâu uống rượu rồi hỏi là Từ quan nhân tố cáo những gì, Trầm đại quan cho biết rằng Từ quan nhân tố cáo là cháu Hoa Thái giám là Hoa Tử Hư ỷ thế của chú, giữa nhà kỹ nữ uống rượu say rồi vô cớ đánh người. Tri huyện coi xong nổi giận, lập tức ra lệnh bắt tứ ca đó.
Hoa Tử Hư sợ hãi nói:
Vậy thì còn hy vọng gì nữa, thật uổng công đại ca. Tây Môn Khánh nói tiếp:
Nhưng may là Trầm Đại quan biết nhị ca là anh em kết nghĩa với tôi nên đã tạm giấu trát gọi vào một chỗ. Tôi đành phải nhờ Trầm Đại quan lo giùm luôn vụ này, nhưng Trầm đại quan bảo vụ này lớn lắm, mà Tri huyện lại là người tham tiền, cho nên phải hai trăm lạng mới xong.
Hoa Tử Hư vội hỏi:
Thế đại ca đã nhận giùm tôi rồi chứ ? Tây Môn Khánh đáp:
Tôi và Ứng nhị ca hết lời năn nỉ xin bớt, nhưng Trầm Đại quan bảo là với ai chứ với Tri huyện này thì khó lòng lắm.
Hoa Tử Hư để một trăm lạng bạc lên bàn mà nói:
Tôi mới đem qua được một trăm lạng, xin đại ca nhận trước giùm, ngày mai tôi sẽ xin đem sang nốt một trăm lạng nữa. Còn ơn của đại ca thì sẽ xin báo đáp riêng.
Tây Môn Khánh cười:
Mình là anh em, tôi đâu cần báo đáp. Thôi, bây giờ cũng muộn rồi, nhị ca ở đây dùng cơm.
Hoa Tử Hư từ chối:
Xin đại ca để cho khi khác.
Nói xong đứng dậy cáo từ, Tây Môn Khánh cũng không lưu giữ, bèn tiễn ra khỏi cổng. Sau đó trở vào phòng Nguyệt nương, kể hết đầu đuôi vụ Hoa Tử Hư. Nguyệt nương thấy chồng cầm trong tay một trăm lạng bạc bèn hỏi:
Có phải tiền thu được ở hiệu thuốc nhà mình đây không ? Tây Môn Khánh cười:
Đây là Hoa nhị ca tạ Ơn cho tôi.
Chỗ anh em kết nghĩa với nhau, có gì phải tận lực giúp nhau chứ sao lại nhận bạc của người ta ?
Tây Môn Khánh nói:
Hoa nhị gia là người giàu có, chỗ này có đáng bao nhiêu.
Nguyệt nương bảo:
Tôi xem chàng chỉ thích tiền bạc của người, chàng thử đem tiền ở nhà tới cho người khác xem có tiếc không. Nhất là Hoa Nhị nương, chắc là tiếc lắm. Sáng hôm sau Ứng Bá Tước đã tới, gặp Đại An Nhi liền hỏi:
Gia gia có nhà không ? Đại An Nhi thưa:
Gia gia tôi chưa ngủ dậy. Ứng Bá Tước bảo:
Ngươi vào thưa là có tôi muốn gặp. Đại An Nhi bèn vào phòng Nguyệt nương, gặp a hoàn Nghênh Xuân, Nghênh Xuân bảo:
Hầu gia gia phải không ? Gia gia ở phòng Nhị nương ấy, chưa dậy đâu. Đại An Nhi bèn tới phòng Lý Kiều Nhi hỏi a hoàn Hạ Hoa:
Gia gia dậy chưa ? Hạ Hoa đáp:
Gia gia vừa mới dậy đó. Đại An Nhi bảo:
Có Ứng nhị gia cần gặp, chị vào thưa giùm. Hạ Hoa quay vào, rồi trở ra bảo Đại An Nhi mời Ứng Bá Tước lên phòng khách. Đại An Nhi bèn quay ra mời Ứng Bá Tước lên phòng khách rồi đem trà tới. Lát sau Tây Môn Khánh bước ra nói:
Tôi cũng đang định cho tới tìm, nào ngờ đã tới đây rồi, thật đúng lúc quá.
Nói xong thì ngồi xuống kể hết chuyện lấy tiền của Hoa Tử Hư cho Bá Tước nghe. Hôm qua chỉ đưa cho Trầm đại quan hai mươi lạng, tức là còn dư một trăm tám mươi lạng, Tây Môn Khánh hứa cho Ứng Bá Tước mười lạng, lại dặn phải giữ kín. Ứng Bá Tước mừng lắm, nhất nhất nghe theo. Tây Môn Khánh bảo Đại An Nhi dọn điểm tâm. Hai người vui vẻ cùng ăn. Đang ăn thì gia nhân vào thưa là có Hoa Tử Hư tới. Tây Môn Khánh cho mời vào.
Hoa Tử Hư bước vào thấy Ứng Bá Tước liền hỏi:
Ứng nhị ca tới sớm thế ? Tây Môn Khánh đỡ lời:
Thì cũng vì chuyện của Hoa nhị ca đó. Ứng nhị ca cũng giúp đỡ nhiều lắm. Ứng Bá Tước cũng nói:
Chỗ anh em kết nghĩa, có gì thì phải hết lòng mới được Hoa Tử Hư ngồi xuống, Tây Môn Khánh hỏi:
Hoa nhị ca đã dùng điểm tâm chưa ?
Tôi ăn ở nhà rồi. Ứng Bá Tước bảo:
Ăn rồi thì cũng ngồi đây uống chén rượu đã.
Ba người cùng ngồi ăn uống. Lát sau Hoa Tử Hư lấy một trăm lạng bạc ra giao cho Tây Môn Khánh rồi cáo từ, sau khi đã hết lời cảm tạ.
Tây Môn Khánh tiễn Hoa Tử Hư ra cổng rồi quay vào, mở bọc ra lấy mười lạng đưa cho Ứng Bá Tước. Bá Tước mỉm cười cho bạc vào túi, đoạn nói:
Nếu không có đại ca thì làm sao tôi có món tiền này. Tạ Hy Đại có hẹn tôi là ngày mai tới xóm chị em chơi, đang lo không biết xoay đâu ra tiền, không ngờ hôm nay đã có.
Tây Môn Khánh bảo:
Nhị ca cũng nên ghé qua Trầm Đại quan xem công việc đã xong xuôi chưa. Ứng Bá Tước nói:
Được rồi, để tôi tới ngay. Nói xong đứng dậy cáo từ.
Về phần Hoa Tử Hư, tuy là gia sản lớn lao, nhưng không lo làm ăn thì núi cũng lở, trong nhà cũng không còn dư giả lắm. Vợ là Nhị nương thấy chồng đem đi hai trăm lạng bạc thì có gặng hỏi, nhưng Hoa Từ Hư không chịu nói sự thật mà chỉ đáp:
Tây môn đại ca bên đó có người khách ở Đông Kinh tới vay tiền để mua hàng, nhưng bên đó không sẵn nên phải mượn mình. Nhị nương bèn ngầm sai gia nhân là Thiên Phúc sang dò hỏi Đại An Nhi rồi về nói lại. Mới đầu, Nhị nương không nói gì, hôm sau mới nhẹ nhàng khuyên không từ nay không nên chơi bời ở ngoài cho hao tốn tiền bạc, tiền bạc không phải dễ kiếm gì. Hoa Tử Hư nghe xong rất đỗi hổ thẹn rồi thẹn quá hóa giận, chửi mắng vợ hết lời. Hoa Nhị nương thấy vậy buồn lắm, nhưng không biết phải làm sao. Từ đó nàng không hề hỏi chồng về những việc ở ngoài của chồng nữa… Thời gian qua mau, thấm thoát đã sang xuân, Nhị nương lo buồn thành bệnh, bệnh nhập vào gan.
Nguyệt nương nghe tin liền sai Nghênh Xuân qua thưa rằng:
Đại nương tôi nghe tin Nhị nương không khỏe nên sai tôi mời Nhị nương qua trò chuyện giải muộn với Đại nương tôi. Hoa Nhị nương đang buồn giận, nhưng cũng gượng bệnh ngồi dậy thay quần áo rồi theo Nghênh Xuân qua nhà Tây môn Khánh để trò chuyện với Nguyệt nương. Nguyệt nương cho bày tiệc rượu, lại cho gọi Lý Kiều Nhi ra chung vui. Lúc đó Tây Môn Khánh đang ở trong phòng Lý Kiều Nhi, nghe nói Hoa Nhị nương sang chơi bèn tới phòng Nguyệt nương chào hỏi Nhị nương, đoạn nói:
Chúng tôi đã làm lễ kết nghĩa anh em, thì tẩu tẩu lúc nào rảnh xin quá bộ sang chơi với vợ chồng chúng tôi. Hoa Nhị nương nói:
Cảm ơn đại gia có lòng tốt, nếu đại gia không phiền hà gì thì tôi sẽ sang đây hàng ngày.
Tây Môn Khánh hỏi:
Chẳng hay Hoa nhị ca có nhà không ?
Nhà tôi suốt ngày vắng nhà, không hiểu có chuyện gì bận rộn đến thế. Tây Môn Khánh cười bảo:
Thì đàn ông vậy mà, tôi đây cũng không quen ở nhà.
Đang nói thì Lý Kiều Nhi từ trong bước ra, quần áo phấn son lộng lẫy, vái chào Hoa Nhị nương rồi ngồi xuống một bên. Hoa Nhị nương hỏi:
Nghe nói Trác Nhị thư nằm bệnh, hôm nay đã khá chưa ? Nguyệt nương đáp:
Bệnh đó sợ rằng khó lòng qua khỏi.
Tây Môn Khánh dặn:
– Hôm nay cũng nhớ mời lang y đấy.
Nói về Trầm Đại quan, sau khi nhận của Tây Môn Khánh hai mươi lạng bạc thì đi mua ít lụa rồi về huyện thưa với Tri huyện rằng:
Tiểu chức có vâng lệnh đi bắt Hoa Tử Hư nhưng Hoa Tử Hư không có nhà mà Tây Môn Khánh lại đứng ra bảo lãnh, rồi nhờ tiểu chức dâng vật mọn này lên tướng công. Tri huyện xem qua xấp lụa, thấy đáng giá hơn mười lạng, bèn bảo gia nhân cất đi rồi dẹp vụ Hoa Tử Hư đi. Từ Đại quan thấy Hoa Tử Hư không bị bắt, bèn viết thêm một tấm thiếp nữa sai đem tới huyện, nhưng mấy ngày sau vẫn không có kết quả gì thì biết là Tri huyện đã ăn tiền của Hoa Tử Hư. Từ đó mỗi lần tới các nhà kỹ nữ, Từ Đại quan vẫn thận trọng theo dõi Hoa Tử Hư, một mặt tìm cách báo thù.
Một hôm, Hoa Tử ‘Hư đang ngồi tại nhà Ngô Ngân Nhi, Từ Đại quan biết, bèn dẫn ít đàn em tới gọi cửa để tìm cách gây chuyện. Hoa Tử Hư vội theo cửa sau mà đi, sau đó tới gặp Tây Môn Khánh để bàn cách đối phó.
Tây Môn khánh trầm ngâm giây lát, rồi lấy mũ áo của Hoa Tử Hư mặc vào mà tới ngay nhà Ngô Ngân Nhi. Lại sai Lai An và Đại An theo sau, đồng thời dặn Hoa Tử Hư cứ ở nhà. Tới nơi, Tây Môn khánh cũng theo cổng sau mà vào, rồi ngồi quay mặc vào tường. Từ Đại quan cùng năm bay gia nhân sục sạo trong nhà, thấy phía sau Tây Môn Khánh thì tưởng lầm là Hoa Tử Hư, cơn giận bốc lên bèn hô gia nhân xông vào bắt trói. Tây Môn Khánh quay đầu lại. Từ Đại quan giật mình sững sờ. Tây Môn Khánh lớn tiếng:
Ngươi lớn gan thật, ta với ngươi có thù oán gì mà ngươi dám hành động vô lễ như vậy ? Từ quan nhân hốt hoảng hô gia nhân ngừng tay, nhưng cũng đã muộn, Tây Môn Khánh đã bị đánh mấy cái. Tây Môn Khánh bèn nắm chặt lấy Từ quan nhân, rồi gọi Lai An và Đại An, bảo mau đi báo. Từ quan nhân bị giải tới huyện đường, gặp lúc Trầm đại quan từ huyện đường đi ra. Trong khi đó Từ quan nhân hết lời xin Tây Môn
Khánh bỏ qua cho. Trầm Đại quan thấy vậy bèn bảo Tây Môn Khánh:
– Thôi xin Đại quan nhân bỏ qua là hơn.
Nói xong mời cả hai người về nhà mình. Vừa đi, Tây Môn Khánh vừa kể lại đầu đuôi câu chuyện. Tới nhà Trầm đại quan, sau khi an tọa, Trầm Đại quan nói:
Từ quan nhân à, trong vụ này thì quan nhân trái rồi. Hay người không thù oán, cớ sao khi không quan nhân lại hành hung làm nhục người ta ? Quan nhân tất hiểu rõ luật pháp chứ Từ quan nhân nói:
Tôi đâu có hành hung. Tây Môn Khánh bảo:
Vết bầm trên vai tôi đây không phải là do bọn tay nhân của quan nhân đánh hay sao ? Trầm đại quan hỏi:
Vậy nữa sao ? Tây Môn Khánh nói:
Nào đã hết, Từ quan nhân còn hô năm sáu người tới trói tôi nữa chứ. Trầm quan nhân hỏi:
Những người đó tên họ là gì ?
Hỏi Từ quan nhân đây tất biết. Trầm Đại quan bảo:
Như vậy là cố tình sắp đặt trước rồi. Đoạn quay sang Từ quan nhân mà nói:
Sự thật thế nào, xin cứ nói cho tôi rõ, tôi sẽ vì quan nhân mà xin với Tây Môn Đại quan nhân đây.
Có gì thì cũng chỉ bị tội nhẹ mà thôi. Còn nếu không, tôi sẽ đưa quan nhân tới huyện đường, lúc đó thì dù cho quan nhân là nhà giàu có tới đâu hoặc là hoàng thân quốc thích đi chăng nữa, cũng vẫn bị tội như thường. Vả lại trước đây quan nhân có tố cáo người khác đánh mình, như vậy là quan nhân biết luật pháp.
Biết luật pháp mà lại phạm pháp thì tội nặng hơn gấp bội, điều đó chắc quan nhân cũng biết.
Từ quan nhân vẫn im lặng. Trẩm Đại quan hỏi:
Ngài nghe những lời tôi nói vừa rồi có đúng hay không ? Từ quan nhân hỏi lại:
Nếu vậy thì nên tính thế nào bây giờ ?
Có hai cách, hoặc là dàn xếp riêng, hoặc là đưa lên quan. Nếu dàn xếp riêng thì ngài chỉ bị phạt ít tiền rồi phải điều trị thương tích cho Tây Môn Đại quan nhân, sau đó ngài lại phải viết một tờ cam kết là từ nay không tái phạm nữa, ngài chịu chăng ?
Tây Môn Khánh giả vờ làm găng:
Trầm Đại quan à, ngài không phải dàn xếp gì cả, tôi chỉ muốn đưa vụ này lên quan mà thôi.
Trầm Đại quan giảng hòa:
Thôi, nếu Từ quan nhân đây biết nhận lỗi, cam kết từ nay không gây sự với ai nữa là được rồi.
Tới nước này thì Từ quan nhân như là một con hổ xa lưới, có sức mạnh cũng chẳng làm gì được, bèn nói với Trầm Đại quan:
Đã vậy thì tôi xin theo lời ngài,’ nhưng chẳng hay tiền bạc cần bao nhiêu ?
Trầm Đại quan bèn khều Tây Môn Khánh ra ngoài to nhỏ một hồi, rồi trở vào giơ hai ngón tay lên bảo Từ quan nhân:
Nếu không có đủ hai trăm lạng thì không xong. Từ quan nhân giật mình:
Làm gì mà nhiều quá vậy ? Dầu có đưa việc này lên quan cũng không đến nỗi tốn kém như thế. Tây Môn Khánh theo vào bảo Từ quan nhân:
Thật ra chúng tôi không ăn uống gì trong đó cả. Trầm đại quan bảo:
Từ quan nhân à, con số đó là tôi đưa ra, ngài không nghe Tây Môn Đại quan nhân
vừa nói gì sao ? Nói xong lại cầm tay Từ quan nhân kéo ra ngoài to nhỏ một hồi, sau đó trở vào, Từ quan nhân bảo:
Thôi được, tôi vì thể diện của Trầm Đại quan mà nhận chịu nhục này. Tây Môn Khánh bảo:
Tôi không bắt ai phải chịu nhục cả. Trầm đại quan nói:
Tây Môn Đại nhân à, ngài cũng đừng giận nữa, chuyện đã qua rồi thì đại khái cho xong, để tôi mời một danh y chuyên trị thương tích tới điều trị cho ngài. Tây Môn Khánh nói:
Trầm Đại quan à, chuyện này là tôi nể mặt ngài, chứ thực ra vai tôi hiện đau lắm. Chuyện này thôi thì để nhờ ngài tính giùm, làm sao buộc người ta làm tờ cam kết từ nay không được gây chuyện với bất cứ ai là được rồi. Bây giờ thì tôi phải về phục thuốc. Nói xong giả vờ giận dữ bước ra.
Hôm sau, Trầm Đại quan đem tiền bạc và tờ cam kết tới nhà Tây Môn Khánh, gặp Lai Bảo bèn hỏi:
Tây Môn đại nhân có nhà không ? Lai Bảo đáp:
Thưa không, đại gia tôi đi đâu với Ứng nhị gia rồi. Trầm đại quan không tiện để tiền bạc lại nên đành đem về…
Lại nói về Tây Môn Khánh từ khi xem bói tại miếu Thành Hoàng, Đạo Linh Tử nói là phải nhờ một người tên Bá, nên hàng ngày thường cùng Ứng Bá Tước chuyện trò. Một hôm tình cờ ứng Bá tước nhớ lại lần gặp một người đàn bà tuyệt đẹp tại đường Tử Thạch, rồi nhớ ra là nàng ngụ nhà của Vương Hoàng thân, như vậy là hợp với lời đoán của Đạo Linh Tử. Nhưng Ứng Bá Tước còn thắc mắc là không đàng có phải là họ Phan không. Lại nhân lúc rảnh rang, mặc áo tới đường Từ Thạch, nhưng tới nơi thì thấy nàng đã dọn nhà rồi, và cả Vương bà cũng không còn ở đó nữa. Ứng Bá Tước bèn vào quán rượu gần đó kêu rượu uống, rồi lâu la dọ hỏi tửu bảo:
Gia đình Vương bà còn ở nhà bên đây không ?
Tửu bảo đáp:
Vương bà thiếu tiền nhà của Hoàng thân sao đó, bây giờ đã dọn nhà tới đường trước huyện rồi.
Ngài hỏi bà ta làm gì ? Có phải để nhờ việc mai mối không ? Ứng Bá Tước lại hỏi:
Bà ta bây giờ còn mở tiệc nước hay không ? Hay là đã buôn bán nghề gì khác rồi ? Tửu bảo đáp:
Nghe đâu như vậy còn mở tiệm nước.
Ứng Bá Tước nghĩ thầm:
“Vậy mà bữa trước mình hỏi thăm, mụ còn làm bộ vờ vịt nói đông nói tây, chắc là mụ có ý gì đây. Bây giờ mình phải đi tìm mụ ngay mới được”.
Bèn đứng dậy trả tiền rượu, tới thẳng con đường trước huyện, tìm đúng tiệm nước của
Vương bà mà vào. Trong tiệm chẳng có lấy một người khách, chỉ có con trai của
Vương bà là Vương Triều đang dọn dẹp đồ đạc. Ứng Bá Tước hỏi ngay:
– Mẹ ngươi đâu rồi ?
Vương Triều quay ra thấy Ứng Bá Tước liền cung kính đáp:
Dạ thưa mẹ tôi tới nhà Trần Đại Hộ, dường như là về việc mua bán gia nhân, có lẽ lâu mới về.
Ứng Bá tước bảo:
Mẹ ngươi về thì nhớ nói là có Ứng nhị gia tới thăm. Nói xong quay ra, đi được một quãng thì gặp Tôn Thiên Hóa, bèn hỏi:
Tôn ca đi đâu vậy ? Tôn Thiên Hóa đáp:
Tôi đang định tới nhà Trần nương tử ở gần đây vui chơi một lúc. Ứng nhị ca cùng đi cho vui. Ứng Bá Tước bảo:
Lại tới đó đánh bạc chứ gì ? Hôm nọ Tạ Hy Đại có rủ tôi tới thua mất hai lạng, đau quá, hôm nay có tới cũng lại thua mà thôi. Tôn Thiên Hóa nói:
Cứ đi với tôi tôi có cách này, không bao giờ sợ thua. Bèn kề tai Bá Tước nói nhỏ. Bá Tước nghe xong vui vẻ gật đầu cùng Thiên Hóa tới nhà Trần nương tử. Lúc đó cũng gần tối, Trần nương tử dọn tiệc rượu để đãi hai người và vài con bạc khác. Ứng Bá Tước muốn về trước, Tôn Thiên Hóa bảo:
Thì cứ ở lại uống rượu đã. Cơm rượu xong, Ứng Bá Tước quên cả chuyện về, bèn ở lại cùng Tôn Thiên Hóa vùi đầu vào việc sát phạt. Nhờ mưu mẹo của Tôn Thiên Hóa mà đến quá canh hai, Tôn Thiên Hóa đã được tám lạng, Ứng Bá Tước cũng ăn năm lạng. Ứng Bá Tước lại đòi về Tôn Thiên Hóa nói:
Chờ chút nữa rồi mình cùng về. Lát sau, cả hai đứng dậy bước ra. Tới đường thì chia tay. Về tới nhà, Ứng Bá tước sung sướng vì được bạc. Nhân lúc thời tiết trở lạnh mà mũ áo thiếu thốn, suốt đêm ứng Bá Tước cứ quanh quẩn tính toán việc mua mũ áo nên cứ trằn trọc không yên. Sáng hôm sau, Ứng Bá Tước dậy thật sớm rồi tới nhà Vương bà ngay, quên cả việc mua mũ áo.
Vương bà thấy Ứng Bá Tước tới thì kêu lên:
Chào Ứng nhị gia, lâu quá không gặp, đi đâu sớm vậy ? Ứng Bá Tước chỉ nói:
Bà có trà thì cho đem ra uống đã.
Vương bà đon đả:
– Trà thì lúc nào chẳng có, chỉ sợ là không vừa miệng nhị gia thôi.
Nói xong đem bình trà, mấy cái chung và ít bánh trái tới, Ứng Bá Tước vừa rót trà vừa hỏi:
Bữa trước gặp bà ở đường Tử Thạch, tôi có hỏi thăm về gia đình người hàng xóm của bà sao bà không chịu nói ? Bây giờ thì xin cho tôi biết là gia đình đó buôn bán gì. Vương bà nói:
Nhị gia ơi, tôi biết nhị gia muốn hỏi về người đàn bà trong đó chứ gì. Nhưng tôi nói thật, nhị gia hỏi làm gì để mang tiếng là định dụ dỗ đàn bà con gái nhà người ta ?
Ứng Bá Tước nói:
Tôi chỉ muốn hỏi tên họ người ta mà bà lại bảo là dụ dỗ dàn bà con gái là thế nào ? Nếu vậy thì như tôi quen biết bà đây, tức là tôi dụ dỗ bà hay sao ?
Vương bà cười:
Tôi già xấu thế này còn sợ ai dụ dỗ nữa, nay nếu nhị gia dụ dỗ tôi thì quả là điều vô cùng may mắn cho tôi.
Ứng Bá tước bảo:
Thôi đừng nói đùa nữa, tôi hỏi thật đây này gia đình đó làm nghề nghiệp gì ? Vương bà vẫn ỡm ờ:
Thì nhị gia biết nhà người ta ở đường Tử Thạch rồi đó.
Ứng Bá Tước nói:
Nhưng nhà đó dọn đi rồi nên tôi mới phải hỏi bà chứ. Không lẽ là tại hôm đó tôi nhìn thấy nàng mà nàng phải dọn đi.
Vương bà hỏi lại:
Nhị gia có biết nàng dọn nhà đi đâu không ?
Ứng Bá Tước bực mình:
Nếu tôi mà biết thì còn phải tới đây hỏi bà làm gì nữa. Vương bà vặn vẹo:
Nhưng nhị gia hỏi cô ta làm gì ? Phải nói rõ cho tôi biết thì tôi mới trả lời được. Ứng Bá Tước ngần ngừ rồi nói:
Thôi thì tôi xin nói thật. Nguyên là Tây Môn đại ca nằm mộng rồi muốn tìm một người đàn bà con gái họ Phan, nên mới nhờ tôi đi dò hỏi tìm kiếm khắp nơi. Đàn bà con gái ở đâu tôi biết hết rồi, chỉ còn người con gái ở đường Từ Thạch lúc trước là chưa biết mà thôi, do đó mới phải tới hỏi bà. Nếu quả nàng đó họ Phan thì tự nhiên là bà cũng có tiền uống rượu. Vương bà nói:
Nếu vậy thì tôi nghe như cô ta họ Phan hay Phiên gì đó. Ứng Bá Tước vỗ bàn:
Vậy thì đúng rồi.
Vương bà cũng mừng:
Thì đúng chứ ai đánh lừa nhị gia làm gì. Ứng Bá Tước hỏi:
Nàng đã họ Phan, nhưng còn tên thì sao ? Vương bà thủng thỉnh:
Cô ta tên là Kim Liên, cô ta lại có đôi bàn chân rất nhỏ chưa quá ba tấc, nên mới có tên Kim Liên, người ta thường nói “tam thốn kim liên” mà.
Ứng Bá Tước ngửa mặt cười ha hả mà bảo:
Trong thiên hạ lại có sự kỳ lạ như thế này hay sao? Vương bà hơi ngạc nhiên:
Tên người ta là Phan Kim Liên thì có gì đâu mà kỳ lạ ? Ứng Bá Tước còn đang định hỏi thêm thì gia nhân của Trầm Đại Hộ đã tới gọi Vương bà. Ứng Bá Tước bèn cáo từ, đem tin mừng về cho Tây Môn Khánh…