Hầu như trong suốt một đời làm việc của chúng tôi, tôi và các đồng sự của tôi đều luôn rao truyền về tầm quan trọng của việc “là khác biệt”.
Trong cuốn Vị thế hoá (Positioning), là khác biệt có nghĩa là tự cá biệt hoá trong tâm trí của các đối tượng tiềm năng.
Trong cuốn Chiến cuộc Marketing (Marketing Warfare), là khác biệt có nghĩa là dùng một tư tưởng cá biệt hoá để bảo vệ, để tiến công, để đánh bọc hậu hay để trở thành một du kích, một “Che”.
Trong cuốn 22 Quy luật Marketing bất biến (22 Immutable Laws of Marketing), là khác biệt có nghĩa là dùng một tư tưởng cá biệt hoá để xây dựng một thương hiệu.
Trong cuốn Đơn giản là Hoàn hảo (The Power of Simplicity), là khác biệt có nghĩa là thiết lập một chiến lược cá biệt hoá.
Là khác biệt hầu như luôn là trọng tâm của mọi việc mà chúng tôi đã làm trong suốt ba mươi năm vừa qua.
Bạn có thể cho rằng lúc này, thông điệp về việc “là khác biệt” của chúng tôi đã được loan truyền rộng rãi. Hầu như mọi người, ai ai cũng đang bận rộn xây dựng sự khác biệt trong các kế hoạch của họ. Không một ai không góp mặt với đời với một ý tưởng khác biệt trong đầu của anh ta, ông ta hay cô ta, bà ta. Có đúng như vậy không ?
Không hẳn như vậy.
Định ý của chúng tôi khi viết cuốn sách này là xét đến hai loại tổ chức. Một loại chưa hề bao giờ để tâm đến chuyện là khác biệt. Họ vào cuộc, mở ra những trận chiến với những yếu tố cạnh tranh như “chất lượng cao,” “giá trị tốt” hay một điều cũ kỹ vẫn luôn có vẻ hấp dẫn – “sản phẩm tốt hơn.” Họ tin tưởng vào những lợi thế cạnh tranh mà họ tự đặt ra cho mình là hơn hẳn mọi đối thủ nhưng rồi chính những gì họ tin tưởng này lại chính là những gì nhanh chóng loại họ ra khỏi cuộc chơi.
Họ tụ tập chung quanh họ với những “bậc thầy chuyên nghiệp,” những người luôn miệng nói về chất lượng, về trao quyền, về việc định hướng vào khách hàng và vô vàn những hình thức lãnh đạo từ nghệ thuật đến phi nghệ thuật khác. Bất hạnh thay, mọi đối thủ của họ cũng được bao quanh bằng những “bậc thầy” tương tự. Không có gì là khác biệt.
Một loại các tổ chức khác, là những tổ chức hiểu được nhu cầu của việc là khác biệt. Nhưng rồi sau một vài nỗ lực phải nói là không đáng kể, họ đành phải chấp nhận là họ không thể và không biết làm sao để có thể tự khác biệt hoá. Họ đành phải chấp nhận là sản phẩm cũng như cách thức bán hàng của họ quả là không khác biệt bao nhiêu với các đối thủ của họ.
Họ đành phải nhắm đến những phương pháp kích hoạt mãi lực vẫn được tin tưởng và áp dụng rộng rãi. Đáng buồn thay, họ vẫn không thể tạo thành sự khác biệt họ muốn có với cùng những phương cách và nhân tố tương tự như mọi đối thủ chung quanh họ.
Những tổ chức này cũng không gặt hái được bao nhiêu hỗ trợ từ những tên tuổi khoa bảng lớn. Ví dụ như Michael Porter của trường đại học Havard, người đã nói về nhu cầu của một Đề nghị Bán Độc quyền (USP, unique selling proposition) nhưng lại không thể nói chính xác là các công ty cần phải làm những gì để đạt được cái Đề nghị Bán Độc quyền này. Ông Porter thực sự chỉ nói đến những gì bên lề như tính liên tiến chiến lược, vị thế chiến lược, thương mại chiến lược và còn nhiều nữa cho tất cả những ai có thể trả chi phí cho những điều mà ông nói. Vẫn không có gì là khác biệt.
Sự hỗ trợ từ các công ty quảng cáo cũng không đem lại cho họ điều gì tốt hơn. Họ nói và nghe về những gì như tính dễ thương, tính đột phá v.v…
Đối với họ những thứ này có vẻ nghệ thuật hơn là kỹ thuật. Vẫn không có gì là khác biệt ở đây.
Cuốn sách này được viết ra là để thay đổi tất cả những quan điểm được nói đến ở trên. Nó vạch ra nhiều cách để bạn có thể tự mình là khác biệt và tránh khỏi sự cám dỗ của những gì có vẻ là khác biệt nhưng thực sự lại tương đồng.
Với cuốn sách này trong tay, các bạn sẽ ở trong một vị thế tốt hơn để phát triển vững vàng hơn trong môt thế giới đầy cạnh tranh, không hề khoan nhượng. Đây là một cuốn sách có thể tạo ra sự khác biệt cho công cuộc kinh doanh của bạn.