Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng

Chương 9

Docsach24.com

ó một người cũng nổi tiếng không kém, đó là Hồng, lẽ ra cô phải là người thiếu nữ hạnh phúc nhất trên đời này nhưng không, cô đã bị báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, rồi các xưởng phim, các nhà nhiếp ảnh đến quấy rầy liên tục. Cô sợ quá, đành phải tạm đóng cửa quán đi trốn ở nhà một người cô ruột tận Hóc Môn.

Mỗi ngày không ra quán cà phê, nhà văn Lê Ðạo cảm thấy buồn nên anh thường đi lang thang một mình trong phố, có lúc anh đứng hàng giờ xem bọn trẻ con đá banh trong một cái hẻm cụt, có khi anh đi theo mấy đứa nhỏ con nhà lao động câu lươn nơi các lỗ cống bên lề đường, buổi trưa anh tìm một quán cơm vắng vẻ ăn qua loa rồi lại đi, thỉnh thoảng anh tạt vô một rạp chiếu bóng xem phim, nửa chừng thì bỏ về. Anh nghĩ đến lão Hoành Bá và ghé lại tiệm tạp hóa đầu chợ.

Anh hỏi lão có biết người ta đồn đại gì về cô Hồng không nhưng lão không biết gì cả. Lão còn hỏi nhà văn:

-Không biết có chuyện gì mà cô Hồng nghỉ bán mấy bữa nay.

Ðạo làm như không biết. Anh hỏi thăm về bệnh tình của bà chị ông ở bên Hồng Kông, ông ta bảo là bà đã khỏi bệnh và mới gởi thư về cho ông tuần trước nhưng lần này ông không nhờ Ðạo đọc nữa vì đã có người khác đọc giúp rồi.

Xế chiều tiệm tạp hóa vắng khách Hoành Bá đi ra lề đường mua mấy điếu thuốc thơm về đãi Lê Ðạo. Chủ khách ngồi uống trà với nhau, trà thì nhạt, bình trà thì mẻ miệng, chung trà thì chỉ có hai cái làm bằng đất tráng chút men, vẽ mấy cái bông hồng xanh xanh đỏ đỏ. Lê Ðạo nói:

-Ông sống như thế này một mình cũng buồn nhỉ. Sao không kiếm một bà về mà sống chung cho có bạn lúc tuổi già?

Hoành Bá nói:

-Ở Phan Thiết ngộ còn một người em họ làm chủ hãng nước mắm. Ngộ mà có tiền thì ngộ sẽ về hùn vốn với nó làm ăn, có anh có em cũng vui.

-Trước đây chắc gia đình ông ở Phan Thiết?

-Cha mẹ đều ở Phan Thiết, nhà cũng nghèo lắm. Khi cha mẹ chết rồi thì bà chị kêu ngộ vô đây. Bà đi Hồng Kông năm bảy sáu, cho ngộ cái tiệm này.

Lê Ðạo nói:

-Phải như có tiền sửa lại nhà này buôn bán làm ăn cũng được, đi đâu làm chi.

Hoành Bá cười hề hề:

-Nhà này thuộc diện nhà vượt biên. Ngộ chỉ ở tạm đây chớ không có hộ khẩu nên có tiền cất nhà cũng không được. Mấy ông phường cứ đòi lấy nhà hoài.

Lúc ấy có khách vô mua hàng, lão Hoành Bá đứng lên, vô ý đánh vỡ mất cái chung trà Lê Ðạo đang cầm trên tay. Khi bán hàng xong ông xin lỗi Lê Đạo rồi nói:

-Ðể ngộ lấy cái chén khác.

Ông mở tủ thờ, lấy một cái tách trà. Ông đặt nó trước mặt Lê Ðạo và nâng cái bình đất định rót trà vào thì Ðạo ngăn lại. Anh cầm tách trà ngắm một lúc rồi lật đáy lên, thấy có ghi bốn chữ CÀN LONG NỘI PHỦ thì giật mình sửng sốt. Hoành Bá cũng ngạc nhiên, trố mắt hỏi:

-Có chuyện gì vậy?

Lê Ðạo làm thinh, trầm ngâm ngắm nghía cái tách rồi hỏi:

-Ông có đủ bộ không?

-Có chớ. Cái này của bà chị ngộ để lại.

Rồi ông mở tủ lấy ra một ấm trà hình lục giác, bốn cái tách, tất cả được xếp gọn trong một cái đĩa lớn hình thuẫn. Ngoại trừ quai ấm và vòi ấm có những hoa văn màu tím than còn lại toàn bộ đều tuyền một màu đen lấm chấm những bông trắng nhỏ sắc sảo, xinh xắn, tất cả toát lên cái vẻ thanh cao của bậc đế vương ngày trước. Ðạo không rời mắt khỏi bộ ấm trà, còn lão Hoành Bá thì không rời mắt khỏi Ðạo. Lão hỏi:

-Có gì làm cho anh ngạc nhiên vậy?

Lê Ðạo trân trọng cầm bình trà lên tay và nói:

-Bình trà và bốn cái tách này tất cả đều có chữ CÀN LONG NỘI PHỦ ở dưới đáy. Ðây đích thị là một bộ “tứ ẩm” dành riêng cho vua chúa trong cung rồi!

Hoành Bá hỏi:

-Càn Long là cái gì vậy?

-Càn Long là tên một đời vua bên Tàu bắt đầu từ năm 1736 cách đây hai trăm năm mươi hai năm. Bộ trà này được chế tạo vào thời đại đó tại lò sứ Cảnh Ðức Trấn. Ðây là tác phẩm của một nghệ sĩ làm sành sứ thiên tài thời đó là Ðường Anh, tiếng Quan Thoại đọc là Thang Inh.

-Sao anh biết là do Thang Ing làm ra?

-Vì tôi nhìn cái nước men. Thứ men đen tuyền này gọi là Hắc Ðịa Bạch Hoa, tiếng Quan Thoại đọc là Hi Ti Pe Hoa. Ðó là một trong mười một thứ men độc đáo của riêng Ðường Anh phát minh ra. Cái tên Hắc Ðịa Bạch Hoa có nghĩa là nền đen bông trắng, như vậy đây đích thị là tác phẩm của Ðường Anh thời Càn Long rồi.

Hoành Bá tỏ vẻ hớn hở vì mình giữ được vật quý trong nhà. Ông cầm cái ấm trà lên săm soi một hồi rồi lại hỏi:

-Còn những đường vân màu tím này là gì?

-Ðó cũng là một trong mười một loại men do Ðường Anh sáng chế, tên gọi là Dương Tử, tiếng Quan Thoại đọc là Yang-Tse, men này có mầu tím trông rất nhã.

Mãi nói về bộ đồ trà quý hai người đều quên cả việc uống trà. Hoành Bá cười cười nói:

-Nhưng mà đối với ngộ thì bình trà này cũng chẳng ích lợi gì, thà có một cái quạt máy còn có lý hơn.

Lê Ðạo tròn mắt nhìn chủ nhà:

-Ông nói sai rồi. Ông phải biết rằng đây là một báu vật trên đời này chưa chắc đã có người thứ hai có. Nếu ông muốn giàu sang thì nó sẽ làm cho ông giàu sang ngay lập tức.

Lão Hoành Bá cười hề hề:

-Anh nói thiệt hả?

-Ðây đâu phải là chuyện chơi. Ông có biết bộ bình trà này giá thị trường hiện nay trên thế giới là bao nhiêu không?

-Bao nhiêu?

-Ít ra cũng phải hai trăm ngàn đô la Mỹ.

-Hai trăm ngàn đô la? Hoành Bá kêu lên và ôm lấy ngực, muốn ngất xỉu. Lát sau ông lấy lại bình tĩnh hỏi tiếp:

-Anh nói thiệt chớ?

-Thật mà! Nhưng ông phải biết chỗ tiêu thụ. Không phải dễ bán đâu đấy.

Hoành Bá xoa tay cười khoái trá:

-Cái đó thì ngộ không lo. Ngộ có rất nhiều người quen trên Chợ Lớn. Ngộ mà bán được cái này ngộ sẽ thưởng cho anh.

-Ráng đi. Ðạo nói. Mấy tụi mối lái nó cũng sẽ ăn của ông ít nhất là một phần ba rồi. Nhưng như thế vẫn còn giàu. Tôi mừng cho ông.

Hoành Bá nói:

-Cám ơn, cám ơn.

Lão cẩn thận bê bộ ấm trà cất vào tủ. Lê Ðạo nói:

-Ngay ngày mai ông nên nhờ thợ mộc họ đóng cho một cái hộp gỗ thật đẹp, xong ông mua nỉ lót bên trong cho thật sang rồi đặt bộ ấm trà vào, vừa bảo vệ an toàn vừa làm tăng giá trị của bảo vật.

-Ngộ piết mà. Cám ơn, cám ơn.

Lê Ðạo bắt tay ông chủ tiệm tạp hóa rồi cáo từ.