hông biết Nam Hoa Kinh ra đời cách đây hơn hai ngàn năm có làm rung động xã hội thời bấy giờ không? Có lẽ cũng chỉ tạo ra được những bàng hoàng trong giới trí thức đương thời, mà chắc là chưa đi được vào lòng quần chúng.
Nhưng Hồng Ðạo Kinh của nhà văn Lê Ðạo ra đời đã thực sự là bão tố. Thoạt tiên người ta thấy xuất hiện một tên sách lạ, chỉ có những học giả, những nhà nghiên cứu triết học, vài ba vị giáo sư dạy văn chương ở các trường đại học và mấy ông thầy tu mua mà thôi. Cuốn sách phải nằm im trong các quầy bán lẻ trong ba bốn tháng trời. Bỗng nhiên một bài báo xuất hiện. Tác giả bài báo là một thượng tọa, danh tiếng, có một lúc hai cái bằng tiến sĩ: tiến sĩ triết học đông phương và tiến sĩ văn chương Pháp tại đại học Sorbonne.
Ông ta đã lên án Hồng Ðạo Kinh như là một cuốn sách nhảm nhí do một tên nhà văn vô lại dốt nát viết ra mục đích lòe đời và làm mê muội quần chúng. Ông ta coi đó là một thứ thiên di mặc cảm (transfer du complexe), do kẻ yêu đương mà không toại nguyện, do đau khổ vì tình, do ẩn ức về sinh lý mà chuyển dịch sang một dạng thăng hoa (sublimation) của tình cảm.
Ông ta đặt câu hỏi: Hồng là ai? Một thiên thần hay chỉ là một cô bán cà phê tầm thường ít học. Ông ta lập luận rằng dẫu nhan sắc có kiều diễm tới mức nào mà không trí tuệ, không có tâm hồn và nhất là không có tư tưởng thì cũng chỉ là một sinh vật bé nhỏ vô danh trong cõi đời rộng lớn này mà thôi. Ông ta lên án nhà văn Lê Ðạo là đã cố tình lừa gạt cả một thế hệ thanh niên, đầu độc tuổi trẻ, xúi người ta chạy theo tôn thờ một nhan sắc trong khi cuộc đời này còn có biết bao giá trị vĩ đại và vĩnh cửu khác như lòng yêu nước, như triết học, như tình yêu lao động sáng tạo, như khoa học, nghệ thuật và thi ca.
Tiếp theo bài báo của vị giáo sư tiến sĩ ấy là một loạt những bài báo khác của các nhà giáo dục, nhà văn, nhà chính trị. Có cả những bài mang đầy tính châm biếm của một nhạc sĩ tên tuổi phê phán bản SONATE CÁNH CHIM của nhạc sĩ Phạm Hưng coi đó như là “con diều giấy của nghệ thuật”, thoạt trông cứ tưởng là cánh chim nhưng chỉ cần một cơn gió lớn làm đứt sợi dây thì lập tức cánh chim ấy biến thành một mảnh giấy rách tả tơi thảm hại. Ông ta cũng có khen một tí về giai điệu lạ nhưng cho rằng nó chịu ảnh hưởng những bản Consolations của Frank Liszt, còn về tiết tấu và hòa âm thì ông cho rằng đó là một thứ phi nghệ thuật, một kiểu lập dị thái quá trở thành lố bịch.
Riêng ông chủ tịch Hội Ðiêu Khắc thì lại chỉa mũi dùi vô tác phẩm BIỂN TRÊN CAO tức là pho tượng đá hoa cương do Nguyễn Xuân Ðắc tạc ở Bãi Dâu Vũng Tàu.
Vì trong cuốn HỒNG ÐẠO KINH, nhà văn Lê Ðạo có chép đủ tất cả các việc từ khi Hồng ra đời cho đến khi nàng lớn lên trở thành một trang tuyệt thế giai nhân khiến cho bao người phải điên đảo vì nàng, nhà văn nói tỉ mỉ về lịch sử thành lập đạo, kể rõ mối tình của từng môn đồ, trong đó nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Ðắc được mô tả tỉ mỉ nhất, sinh động và đầy cảm hứng nhất, chính vì thế mà người ta mới đồn đại về pho tượng BIỂN TRÊN CAO của Ðắc, người ta đổ xô đến Vũng Tàu, lại được biết thêm về vụ Ðắc đang bị giam giữ về tội hành nghề không có giấy phép của chính quyền địa phương, và cũng chính vì thế mà ông chủ tịch Hội Ðiêu Khắc kia mới có một bài báo thật dài vừa công kích Ðắc, vừa công kích tác giả Hồng Ðạo Kinh. Nhưng có điều lạ là ông chủ tịch nọ không phân tích chỗ yếu chỗ mạnh trong nghệ thuật tạo hình của Ðắc mà chỉ chú tâm vào một vấn đề: Tại sao một cô hàng cà phê tầm thường lại được dựng tượng lớn giữa thành phố. Ông ta lên án sự ngông cuồng và bảo rằng một nghệ sĩ dù tài năng đến đâu mà vô tổ chức vô kỷ luật thì tài năng ấy cũng chỉ gieo rắc những hoang mang những nghi ngờ trong xã hội mà thôi.
Tóm lại báo chí tuy nói nhiều nhưng tựu trung có mấy nội dung chính như thế. Thật không ngờ, những bài báo trên tưởng chừng có thể đánh gục được pho tượng bằng đá hoa cương sừng sững kia, tưởng chừng có thể ném tác phẩm Hồng Ðạo Kinh vào sọt rác, có thể loại bản Sonate Cánh Chim ra khỏi tâm trí người yêu nhạc thì lại có tác động ngược lại. Tên tuổi của Lê Ðạo, Phạm Hưng và Nguyễn Xuân Ðắc nổi lên như cồn và cùng lúc tên tuổi của nhà sư khất thực Trần Hồng Sơn cũng được truyền tụng trong dân gian như là môn đồ thứ tư của Hồng Ðạo mặc dù anh không hề gia nhập vào nhóm của Lê Ðạo. Nhưng vì mối tình điên dại của anh đã được Lê Ðạo chép rành mạch trong Hồng Ðạo Kinh không bỏ sót một chi tiết nào, một hành vi quái gỡ nào, nên có thể nói là anh lại còn nổi tiếng hơn ba người kia nữa. Lớp trẻ phục Lê Ðạo vì anh là người có tư tưởng, dám nghĩ và dám sáng lập ra một tôn giáo thờ phụng tình yêu, vì mối tình của anh đằm thắm dịu dàng và rộng lớn. Giới trẻ phục Phạm Hưng vì bản SONATE CÁNH CHIM là lời tỏ tình thánh thiện giữa mặt đất và bầu trời, giữa những vì sao và biển cả, giữa những ngọn núi và những đám mây xa… lớp trẻ cũng không thể nào quên bản SONATE THEO GIÓ BAY vô cùng độc đáo của anh. Ðó chính là tác phẩm anh đã viết trong vườn Tao Ðàn dạo nọ và đã bị gió cuốn bay mất nhiều trang, đó là bản Sonate dang dở, anh không có ý chép lại những đoạn đã bị bay mất một phần vì cảm hứng đã qua rồi anh không còn nhớ gì cả, một phần vì anh thấy cũng chẳng cần thiết phải làm như vậy. Anh cứ cho in những đoạn rời tìm được. Những chỗ bị bay mất anh để trắng. Ban đầu không ai hiểu vì sao lại có những chỗ để trắng như thế nhưng khi Hồng Ðạo Kinh của Lê Ðạo ra đời thì trận gió trong vườn Tao Ðàn đã đưa tiếng tăm nhạc sĩ Phạm Hưng lên vút cao tận mây. Giới trẻ yêu thích anh là yêu thích bản Sonate Cánh Chim nhưng truyền tụng nhiều là truyền tụng bản Sonate Theo Gió Bay kỳ lạ ấy.
Riêng Ðắc, đối với giới trẻ, nhất là các cô gái thì coi Ðắc như một thần tượng. Câu chuyện mười lăm ngày đêm ở trên núi ăn chay nằm đất để tạc tượng người yêu đã trở thành truyền thuyết, thành nỗi say mê, niềm kiêu hãnh của giới trẻ. Những câu lạc bộ hâm mộ Nguyễn Xuân Ðắc được thành lập, tuy không có trụ sở nhưng giới trẻ cần gì trụ sở. Họ tụ họp nhau ở những quán cà phê, ở công viên, ở những tụ điểm văn hóa của phường, của quận huyện. Họ hội thảo về anh, thậm chí những nơi có cả Ðoàn Thanh Niên đứng ra chủ trì những buổi mạn đàm về anh. Có những nhà in vì mục đích kinh doanh đã in lậu chân dung anh bán ra thị trường và thu được rất nhiều tiền, nhưng sự hâm mộ ấy đã làm hại anh. Nhà cầm quyền nghi ngờ anh và hỏi cung anh liên tục, anh phờ phạc cả người, râu tóc ra dài, trông anh như một lão già khắc khổ. Lão chủ tịch Hội Ðiêu Khắc rất hả hê về chuyện anh bị giam giữ lâu ngày nhưng chẳng bao lâu sự hả hê ấy cũng lắng xuống, ông lại mất ăn mất ngủ vì một biến cố mới. Trường đại học điêu khắc do ông làm hiệu trưởng bị khủng hoảng vì thiếu phòng học, thiếu giáo viên vì năm ấy sinh viên ghi danh học ngành điêu khắc tăng lên gấp ba lần so với năm trước. Ông hoảng quá liền ra lệnh ngưng nhận đơn nhập học và đặt ra một số điều kiện khó khăn trong việc thi tuyển sinh viên điêu khắc, chẳng hạn như phải xét lý lịch thật kỹ, phải đóng học phí thật cao. Tuy vậy số sinh viên xin nhập học vẫn vượt quá mức quy định rất xa. Ðã thế một số đông các sinh viên cũ của năm thứ ba thứ tư, thứ năm họp nhau lại làm một kiến nghị đòi ban giám hiệu nhà trường phải can thiệp với chính quyền để xin lãnh nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Ðắc về và bổ nhiệm làm giáo sư của trường. Ông chủ tịch kiêm hiệu trưởng bị sức ép quá mạnh đành phải cử một phái đoàn giáo sư đại học điêu khắc xuống Vũng Tàu xin lãnh Ðắc về. Rất may là nhà cầm quyền Ðặc Khu rất phóng khoáng trong cách giải quyết vấn đề. Các quan chức ở đó bảo rằng họ chỉ tạm giữ Ðắc vì anh ta tạc tượng giữa nơi công cộng trong thành phố mà không xin phép chính quyền địa phương, đó là một hành động phạm pháp, tuy nhiên các vị lãnh đạo Ðặc Khu cũng công nhận rằng Ðắc là một điêu khắc gia tài năng và đã vô tình tặng cho nhân dân đặc khu một tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật rất cao. Trong buổi gặp mặt trao đổi giữa ủy ban đặc khu và phái đoàn trường đại học điêu khắc có sự tham dự của ông giám đốc công ty du lịch Vũng Tàu Côn Ðảo, ông đã ngỏ lời cảm ơn trường đại học điêu khắc và cá nhân Nguyễn Xuân Ðắc vì nhờ pho tượng mà từ mấy tháng nay khách du lịch khắp nơi đổ xô về Vũng Tàu rất đông trong đó có nhiều khách nước ngoài. Ông nói rằng các chuyên gia dầu khí Liên Xô rất thích pho tượng và có người quay cả một cuộn phim vidéo màu về pho tượng BIỂN TRÊN CAO này gởi về nước và hình như Hội Ðiêu Khắc Liên Xô đã có ý định mời cá nhân Nguyễn Xuân Ðắc sang thăm Liên Xô.
Ngay hôm đó Nguyễn Xuân Ðắc đươc trả tự do và phái đoàn trường đại học điêu khắc mời anh cùng đi xe về với họ.
Thế là nghiễm nhiên Ðắc trở thành giáo sư trường đại học điêu khắc của thành phố. Tuy nhiên anh nhận lời làm cái nghề ấy chỉ vì sinh viên của anh yêu cầu và anh không thể phụ lòng hâm mộ của họ, nhưng trong thâm tâm anh không muốn làm nhà giáo vì anh thích tự do và vì cái lối sống của anh, lối yêu của anh, lối làm việc của anh, hoàn toàn không thích hợp với môi trường giáo dục.
Một tuần sau khi Ðắc về nhà anh nhận được bảy trăm hai mươi tám bức thư của thanh niên nam nữ cả nước. Anh đã thức mấy đêm liền để đọc nhưng vẫn không đọc hết.
Tuần lễ kế tiếp, Ðắc nhận được thêm bốn trăm ba mươi ba bức thư nữa, trong đó có hai mươi bảy bức từ Liên Xô gởi sang, mười lăm bức từ các nước Tây Âu.
Tuy nhiên buổi chiều khi anh ở trường đại học trở về thì thấy cửa kính phòng làm việc của anh bị vỡ. Hai bức tượng bán thân của Hồng bị đập tan nát, một mảnh giấy nhỏ của kẻ phá hoại dằn trên bàn viết với dòng chữ nguệch ngoạc: CẢNH CÁO LẦN THỨ NHẤT bên dưới ký tên TRẦN HỒNG SƠN. Ðắc vừa bực dọc vừa buồn cười. Anh lặng lẽ gom các mảnh vụn của hai pho tượng lại, cất đi, rồi đi tắm.
Ngày hôm sau khi cầm tờ nhật báo lên Ðắc sững sờ vì một cái tin nóng hổi: NHÀ SƯ KHẤT THỰC BẮT ÐẦU TẤN CÔNG PHO TƯỢNG “BIỂN TRÊN CAO”.
Ðắc hoảng hốt vội vàng phóng xe đi Vũng Tàu.