ai ngôi mộ nằm cạnh nhau ở lưng chừng đồi. Hai người nằm dưới mộ trước đây không hề quen biết nhau, không cùng quê quán, không họ hàng gì nhau, bỗng dưng họ gặp, yêu và tôn thờ một người con gái, rồi kết làm anh em, rồi vì người con gái ấy mà cùng chết.
Lê Ðạo ngồi nhìn dòng sông uốn khúc dưới chân đồi. Buổi chiều mênh mông, mây xa, tản mạn như khói bay, nắng chưa tắt nhưng nắng lẫn khuất đâu đấy, cánh chim vô danh thả lửng lơ trôi theo ngọn gió hiu hắt. Cánh chim cũng như dòng sông, cứ trôi đi mà không một tiếng động, mà như đứng yên, ngẫm nghĩ, tiếc nhớ. Cũng như cái lá khô bị gió thổi bay từ trên đỉnh đồi xuống thung lũng hẹp, chao nghiêng, do dự, thơ thẩn… cũng như lọn khói hương lan tỏa mờ mịt giữa chòm lá thấp, như tóc của người con gái mặc áo xám tro, lất phất bay mà lặng im.
Cũng lặng im như hoàng hôn.
Người con gái đi về phía Lê Ðạo, dáng như chim, in trên nền trời phơn phớt mầu hoa cà. Nàng đến và mang theo hương thơm thoang thoảng của nhang, của một chút trầm đốt trong cái lư nhỏ bằng đồng đen. Cô gái ngồi xuống cạnh nhà văn, miệng cắn một cọng cỏ may. Cánh chim chỉ còn là một chấm nhỏ phía chân trời. Mầu hoa cà sẫm hơn lúc nãy. Cánh chim khuất mất trong mây xa.
Cô gái nói:
-Anh ấy vừa sống đây, tươi tắn như cái hoa, đằm thắm dịu dàng như thế, tự nhiên bây giờ biến mất, vĩnh viễn không còn gặp lại. Tại sao vậy anh?
Ðạo cười buồn, ném một hòn sỏi xuống thung lũng.
-Anh cũng không biết tại sao.
Cô gái lại nói:
-Sống và chết, gẫm lại, giống như một sự ngẫu nhiên. Anh ấy vừa lau tóc cho em, hôn tay em, em ngồi sau xe úp mặt vô lưng anh ấy, cảm nhận cái sức sống tràn trề trong hơi ấm tỏa ra từ da thịt anh, nó như một sức mạnh, sự nồng nàn, tin cậy và hạnh phúc. Thế rồi chỉ trong chớp mắt cái sự sống ấy tan biến, cái hơi ấm ấy không còn, cái gương mặt đáng yêu ấy bị xô lệch mất hết vẻ người. Trời ơi! Em không thể nào hiểu nổi. Bây giờ thì anh ấy nằm ở đây, hóa thành một nấm đất vô danh. Sao lạ vậy?
-Chẳng có gì lạ. Vì anh cũng sẽ như thế. Em và mọi người rồi cũng sẽ như thế.
-Nhưng con người chết đi, sẽ về đâu?
Lê Ðạo quay lại nhìn cô gái:
-Thế trước khi sinh ra đời ta ở đâu? Vậy thì chết đi, ta sẽ trở về cái nơi mà ta đã ở khi ta chưa sinh ra đó.
-Cái nơi ấy mù mịt quá.
-Ừ, mù mịt.
-Thế sao em có cảm tưởng các anh rất sẵn lòng bước vào cõi mù mịt ấy?
-Em nghĩ thế nào về tình yêu của tụi anh đối với người con gái kia?
Cô gái lơ đãng nhìn về phía chân trời:
-Chẳng lẽ ngoài nhan sắc cô ấy còn có một tâm hồn tuyệt vời nữa sao? Một đức hạnh cao cả? Hay một lối nói chuyện quyến rũ?
-Tụi anh chưa lần nào nói chuyện lâu với cô ấy. Chưa ai hiểu gì về tâm hồn về nhân cách cô ấy cả.
-Vậy thì đúng là các anh đã thần thánh hóa một nhan sắc.
-Không phải đâu. Nhưng sắc đẹp tự nó là một điều thiện, tự nó là một chân lý. Vì em không là đàn ông nên em không thể hiểu thế nào là sự run sợ trước một nhan sắc, thế nào là sự quy phục, tôn kính. Ðiều đó thiêng liêng lắm.
-Em không tin ở sự thiêng liêng ấy.
-Còn tụi anh nhờ tin ở điều ấy mà sống, sáng tạo nghệ thuật. Và cũng vì tin mà chết.
-Em có cảm tưởng rằng các anh rất hãnh diện về những cái chết ấy.
-Dẫu sao chết vì tình cũng là một điều rất đẹp. Ít ra nó cũng đẹp hơn nhiều lần cái chết vì già nua, bệnh tật. Em cứ tưởng tượng khi mắt mình đã lòa, tai đã điếc, đầu óc lẫn lộn… điều đó đáng sợ biết chừng nào.
Cô gái nói:
-Hãy xua đuổi những tư tưởng ảm đạm trong đầu đi. Tại sao các anh lại tự hành hạ mình như vậy. Nhà sư ấy đã giết hai người rồi và anh sẽ là người thứ ba. Anh có hiểu điều ấy không?
-Anh biết hắn đang quyết tâm làm chuyện ấy mặc dù đang bị cảnh sát truy lùng hết sức gắt gao. Suốt hai tháng nay hắn lặn biệt tăm nhưng anh biết thế nào hắn cũng trở lại.
-Và anh chờ hắn đem cái chết đến cho mình như một kẻ tử đạo chớ gì. Trời ơi, em thật không hiểu nổi các anh. Các anh sâu sắc, thông minh và tài hoa nhưng các anh cũng là những đứa trẻ con bướng bỉnh. Em hỏi anh, tại sao các anh lại thần thánh hóa một cô gái như thế?
Lê Ðạo tỏ vẻ bất bình:
-Thôi, em đừng nói nữa. Hồng bỏ đi đã mấy tháng nay rồi, em hiểu thế nào là sự thương nhớ không. Người con gái ấy lẩn quẩn trong máu thịt anh, trong trí nhớ anh, nơi ghế ngồi, bên chậu hoa, trên vỉa hè đường phố. Chỗ nào anh cũng nhìn thấy, cũng nghe thấy tiếng bước chân, tiếng cười.
-Và các anh đã đau khổ vì những thương nhớ ấy chớ gì?
-Em vẫn không hiểu. Không phải là sự đau khổ mà là sự an ủi, là một cái thú, một niềm hạnh phúc, một sự chịu ơn.
Cô gái thở dài:
-Ghê gớm thay cho cái trí tưởng tượng của các anh. Bây giờ thì em mới hiểu vì sao người ta có thể sẵn lòng chết cho một lý tưởng, một đức tin. Thôi, chúng ta về đi.
Họ xuống đồi. Cái màu hoa cà của bầu trời đã biến mất chỉ còn lại sắc trắng đục bàng bạc của mây xa. Họ đi qua con đường đất quanh co giữa hai hàng cây cao và ra đến ngôi làng nhỏ. Lê Ðạo lấy xe gởi ở nhà một người làm rẫy, chở cô gái về thẳng thành phố.
-Dẫu sao em cũng khuyên anh nên lánh mặt một thời gian, cô gái nói, trong thâm tâm em vẫn muốn anh sống để chứng kiến ngày tàn của cái Đạo do anh lập ra.
-Không bao giờ. Em không thấy rằng Hồng Ðạo Kinh đã đi vào lòng quần chúng sâu rộng chừng nào sao. Không gì có thể ngăn cản sự phát triển của nó, cũng giống như nước thủy triều đã dâng lên rồi làm sao ai có thể ngăn lại được.
Bảy giờ tối, xe vào thành phố. Trên đường về nhà cô gái có một tụ điểm văn nghệ giăng đèn sáng choang. Người xem đứng chật cả khoảng sân rộng dưới sân khấu, tràn cả ra ngoài đường. Lê Ðạo giảm tốc độ để tránh đám đông nhưng cũng không tài nào vượt qua được. Có tiếng vỗ tay rào rào và một người đàn ông tóc lốm đốm bạc xuất hiện. Ðó là giáo sư tiến sĩ Lê Bách thuộc viện nghiên cứu nhạc không lời Việt Nam. Hóa ra đêm nay giới trẻ tụ tập tại đây để nghe giáo sư nói chuyện về nhạc không lời của cố nhạc sĩ Phạm Hưng. Ðạo nói:
-Hãy còn sớm. Chúng ta đứng nghe một lát.
Cô gái đồng ý và Lê Ðạo tấp xe vô lề đường. Ông giáo sư đặc biệt nhấn mạnh về tính cách biến ảo kỳ lạ trong tiết tấu của nhạc Phạm Hưng mà điển hình nhất là bản Sonate Theo Gió Bay. Ông phân tích mối quan hệ giữa tình yêu và âm nhạc, ông cho rằng khi tình yêu được thánh hóa thì nó sẽ tạo ra phép lạ và chỉ có phép lạ ấy mới đem lại được những nét nhạc tuyệt vời như thế. Giáo sư cũng lấy làm tiếc là trong lúc nhạc sĩ đang sáng tác thì một cơn gió lớn đã cuốn mất của chàng một số chương thiên tài trong toàn bộ bản sonate lớn đó.
Diễn giả vừa nói đến đó lập tức dưới đám đông có tiếng la lên:
-Tôi có đủ những tờ giấy bản bị thất lạc ấy.
Mọi người nhìn lại, hóa ra đó là người lái buôn quen mặt trên các đường phố Sài gòn. Có tiếng nói trong đám đông:
-Hãy tặng cho giáo sư đi!
-Hãy tặng cho nhạc viện đi!
Nhưng người nọ lại la lên:
-Tôi bán đấu giá.
Ðám đông:
-Ðó là tài sản chung! Anh không được phép buôn bán.
Người lái buôn cãi lại:
-Nhưng chính tôi đã phải khổ công đi truy tìm trong ròng rã gần một năm tròn mới mua lại được đủ số những tờ nhạc bị gió cuốn đi dạo ấy. Tôi đã bỏ ra hơn một triệu đồng. Hơn một triệu đồng!
Và anh ta đưa cao những tờ giấy bản cũ kỹ lên khỏi đầu, trương nó ra cho mọi người nhìn thấy những dòng nhạc.
-Hãy tặng cho nhạc viện đi!
-Không được!
Một cô gái trẻ đẹp bước lên mấy bực thềm, hỏi đám đông:
-Chúng ta có thể chấp nhận người này làm ăn trên tài năng, trên tấm lòng và nghệ thuật của người quá cố không?
Lập tức đám đông gào lên:
-Không bao giờ!
Thế là đám đông chuyển mình. Người lái buôn nọ bị vây vào giữa. Tiếng la lại dấy lên:
-Hãy trả lại cho nhạc viện!
Gã lái buôn kêu lên:
-Tôi đầu hàng!
Và anh ta buông rơi những tờ giấy bản. Lập tức chúng được đám đông chuyển lên cho giáo sư. Ông vui mừng tiếp lấy những tờ nhạc rời, xem qua một lát rồi lại ngồi bên cây piano đặt ở một góc sân khấu.
Tiếng nhạc từ đó tỏa ra. Ðám đông nín thinh. Giống như nàng công chúa ngủ trong rừng đã một ngàn năm bây giờ có chàng trai đến và đánh thức dậy. Những nốt nhạc mở mắt, mỉm cười và lướt đi trên các khuôn âm, trở thành câu chuyện cổ tích. Giáo sư quên cả buổi nói chuyện, nó ngẫu nhiên biến thành một màn độc tấu piano đầy cảm hứng.
Nhưng Ngọc Trâm thì có vẻ không thích lắm nên cô đòi về. Khi đã thoát ra khỏi đám đông Lê Ðạo nói:
-Em thấy không. Sẽ không bao giờ có cái ngày tàn mà em vừa nói lúc nãy. Chân lý tự nó đã có sức thuyết phục nếu lại có nghệ thuật và văn học phát triển thêm thì sẽ tồn tại vĩnh viễn. Vì thế bây giờ nếu anh có phải chết thì cũng chẳng có gì phải nuối tiếc.
Ngọc Trâm mỉm cười:
-Vậy thì xin chúc mừng anh.
Lê Ðạo đưa cô gái về đến tận cửa rồi quay xe về thẳng nhà. Như thường lệ anh gởi xe ở tầng trệt và leo bốn chục bậc cấp để lên đến căn phòng tồi tàn của mình.
Anh tra chìa khóa vào ổ, vặn hai vòng và mở cánh cửa. Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn ngủ anh thấy nhà sư khất thực đang ngồi lù lù trên chiếc ghế mây đặt cạnh bàn viết. Kẻ ấy không chào anh và anh cũng không chào kẻ ấy. Anh lặng lẽ ngồi xuống chiếc ghế bành đối diện với nhà sư, nhìn vào mắt anh ta bằng một cái nhìn ảm đạm, rồi nhà văn nói:
-Tôi không ngạc nhiên vì tôi có ý đợi anh đã lâu.
Nhà sư chẳng nói chẳng rằng, bình thản móc khẩu súng ngắn trong túi ra bắn liền ba phát.