Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng

Chương 12

Docsach24.com

ẻ tử đạo thứ hai là nhạc sĩ Phạm Hưng. Ðó là một cái chết đã được báo trước. Người báo tin ấy là bạn anh, nhà văn Lê Ðạo. Khi anh bước ra khỏi nhà để đi đến buổi trình diễn thì Ðạo ngăn anh lại. Ðạo nói:

-Tôi có linh tính rằng đêm nay nó sẽ giết anh, anh hãy ở nhà.

-Nếu nó có ý định giết tôi thì lần này giết không được nó sẽ tìm dịp khác.

-Như thế có nghĩa là anh đành chịu chết sao?

Hưng mỉm cười, siết chặt tay bạn và nói:

-Ðiều quan trọng là tôi không có lỗi gì cả. Tôi là một nghệ sĩ, tôi dùng nghệ thuật để phục vụ con người, nói một cách đơn giản hơn tôi là một công dân, nếu luật pháp không bảo vệ được cho tôi thì tôi không còn cách nào khác. Tôi không có vũ khí và kẻ muốn giết tôi thì đang ở trong bóng tối, tôi không thể tự bảo vệ sinh mạng bằng những nốt nhạc được. Biết làm thế nào bây giờ?

Nhà văn vẫn cố thuyết phục bạn:

-Nhưng anh cũng không nên tạo cơ hội tốt cho kẻ muốn giết anh.

-Tôi không tạo cơ hội. Tôi làm công việc của tôi cũng như bao người khác trong xã hội này làm công việc của mình. Hiện giờ đang có hơn một ngàn người đang đợi tôi ở nhà hát thành phố. Tôi không thể bỏ buổi biểu diễn được. Mọi người đang chờ đón những tác phẩm của tôi, làm sao tôi có thể không đến được.

Thế là anh đi. Lê Ðạo nói:

-Hay anh để tôi lấy xe chở anh đi.

Hưng mỉm cười nhìn bạn:

-Anh nghĩ rằng kẻ ấy sẽ sợ anh sao?

Ðạo nhún vai, cười buồn:

-Dẫu sao thì tôi cũng phải đi với anh bởi vì tôi không muốn anh chết đơn độc như Ðắc. Cái chết ấy tội nghiệp quá. Chính những lúc như thế này là lúc chúng ta không thể rời nhau được. Anh thử tưởng tượng xem sẽ ra sao nếu tôi chỉ còn lại một mình. Cái chết cuối cùng bao giờ cũng buồn nhất. Nhưng không sao, tôi cũng đã chuẩn bị rồi. Ðắc khác hai anh em mình vì Ðắc không hề chuẩn bị. Ðắc tràn trề sức sống, kiêu hãnh và tự tin. Ðắc không coi nhà sư khất thực kia ra gì cả, chính vì thế mà có lẽ trong khoảnh khắc mà viên đạn bay vào ngực anh, anh đã ngạc nhiên lắm. Còn chúng ta thì không. Anh “lớn” lắm Hưng ạ. Sự bình thản của anh càng làm rõ thêm sự tuyệt vọng của hành động sát nhân và sự vô nghĩa của nó. Thôi, anh hãy đi một mình đi. Có thể đêm nay tôi sẽ đến dự buổi biểu diễn.

Hưng bắt tay bạn và lên xe đi thẳng tới nhà hát. Nhưng khi anh bước xuống xe thì có một người con gái chạy đến ngăn anh lại và nói:

-Em mời ông đến cái kiosque bên hông nhà hát uống với em một tách cà phê.

-Cám ơn cô, nhưng chỉ còn mười phút nữa là đến giờ biểu diễn rồi. Tôi không thể nấn ná thêm được.

-Ông không thể từ chối em được. Xin hãy nghe lời em.

Và cô gái lạ mặt nắm tay kéo nhạc sĩ Phạm Hưng đi. Anh không còn cách nào khác hơn là lẳng lặng bước theo cô gái.

-Có việc gì vậy? Cô hãy nói đi.

-Em xin được tự giới thiệu. Em là người yêu của anh Ðắc. Buổi chiều ấy chúng em đi chơi với nhau và khi trở về thì…

Cô gái khóc nấc lên. Hưng nói:

-Tôi chưa hiểu ý định của cô.

-Sau cái chết ấy em đã đọc kỹ lại Hồng Ðạo Kinh của anh Lê Ðạo. Và em hiểu rằng tất cả các anh đều sẽ chết. Trời ơi, đó là sự điên rồ chưa từng có, là điều phi lý không thể chấp nhận được. Trời ơi, các anh đều chờ đón cái chết một cách thản nhiên và kiêu hãnh như những kẻ tử đạo. Ðó là điều em không thể hiểu nổi. Em van anh. Hãy bỏ buổi biểu diễn này đi. Hãy về và đi thật xa, hãy đốt cháy những cuốn kinh, đập nát pho tượng ấy đi. Và anh nữa, xin anh hãy quên những bản nhạc ấy đi và quên cả người con gái ấy.

Hưng vỗ về cô gái nhỏ:

-Hãy nín đi. Hãy nghe lời nào. Ðừng khóc như thế. Em chưa hiểu cuộc đời này đâu. Hãy bình tĩnh lại. (Hưng rút trong túi áo ra một cái thiệp mời) Cầm lấy đi. Em hãy dự buổi biểu diễn này nhé?

Cô gái vẫn níu lấy tay anh, nói:

-Nhưng mà anh sẽ chết. Chỉ trong mấy phút nữa thôi, anh sẽ chết. Hãy nghe lời em đi. Ðừng bước vào ngôi nhà ấy. Em lạy anh.

Hưng vuốt tóc cô gái nhỏ, anh nói:

-Này em, cái chết quan trọng đến như thế sao?

-Ôi, anh chưa từng thấy cái chết bao giờ à? Cô gái ngẩng lên nhìn vào mặt nhạc sĩ, Anh ấy vừa nói cười với em đó, vừa lau tóc cho em, hôn bàn tay em. Mới vừa đấy thôi, chúng em mới vừa ôm hôn nhau trong cơn mưa rào, thân thiết biết chừng nào. Cái mắt nhìn đằm thắm, cái khuôn mặt đáng yêu ấy kề sát vào mặt em, hôn em đắm say, nồng nàn thế mà bỗng nhiên bị biến dạng, bị lệch đi, hai mắt trợn trừng, miệng mở hoác ra. Cái chết tàn nhẫn đến như thế mà anh nói không quan trọng sao? Xin anh hãy nghe lời em. Em đưa anh về nhé.

Ngay lúc ấy người quản lý rạp hát bước đến, cúi chào nhạc sĩ và nói:

-Thưa ông, buổi biểu diễn đã bắt đầu.

Phạm Hưng thở dài, anh đặt một tay lên vai cô gái và dịu dàng bảo:

-Cám ơn em rất nhiều nhưng thôi em hãy nín đi, chớ nên làm người khác hiểu lầm. Tạm biệt.

Cô gái đứng lên, lau nước mắt, và lặng nhìn anh hồi lâu rồi vẫy tay chào:

-Xin vĩnh biệt.

Thế rồi nhạc sĩ bước lên mấy bực cấp đi vào sân khấu.

Tiếng vỗ tay vang lên rào rào. Nhạc sĩ cúi chào khán giả rồi ngồi xuống bên cây đàn piano à queue đen bóng. Chương trình biểu diễn của anh hôm nay gồm hai phần, phần đầu là một số tác phẩm lớn của các nhà soạn nhạc cổ điển Tây Phương như Smétana, Frank Liszt, Beethoven, Chopin. Phần hai là hai bản sonate nổi tiếng của anh là Sonate Cánh Chim, Sonate Theo Gió Bay và một số préludes phát triển trên chủ đề dân ca Quan Họ Bắc Ninh.

Anh mở đầu bằng bản Rhapsodie số 5 của Smétana sau đó là consolation số 3 của Liszt và cuối cùng anh kết thúc phần một của buổi trình diễn bằng bản valse số 10 trữ tình nổi tiếng của Chopin soạn trên cung Si thứ. Phần đầu của buổi trình diễn đi qua trong không khí trang trọng. Nhà văn Lê Ðạo ngồi ở hàng ghế đầu nơi ban công lầu một, anh ngồi nghe nhạc nhưng thực tế anh là người lính canh đơn độc của buổi trình diễn. Anh quan sát chung quanh, theo dõi những động tĩnh trên sân khấu, phía cánh gà, anh ngước nhìn những lỗ thông hơi trên mái nhà, những ngõ ngách nơi ban công.

Tuy vậy đã không có chuyện gì xảy ra. Mười lăm phút giải lao, Ðạo ra đứng nơi hành lang bên ngoài. Trong chiếc áo khoác của anh có hai khẩu súng ngắn đã lên đạn sẵn. Anh suy nghĩ không biết có nên ra sau hậu trường để đưa cho Hưng một khẩu không. Cuối cùng anh bỏ ý định ấy vì sợ ảnh hưởng tới buổi biểu diễn. Mới tám giờ rưỡi, đường phố bên dưới vẫn còn rộn rịp xe cộ và sáng choang ánh đèn. Ðạo đi đi lại lại trên hành lang lộ thiên làm ra vẻ trầm tư mặc tưởng nhưng anh đang quan sát những người đứng quanh mình. Bỗng nhiên có một cô gái tiến đến phía anh, đột ngột nắm lấy tay anh làm anh giật mình.

-Chào anh Lê Ðạo, cô gái nói, em là bạn của anh Ðắc.

-Ngọc Trâm phải không? Ðạo hỏi.

Cô gái gật đầu và nói:

-Em lo cho anh Hưng quá anh ạ. Anh có nghĩ rằng nhà sư ấy đang có mặt ở đây không?

-Anh cũng lo như thế. Hắn cụt một tai, có thể hắn để tóc dài phủ xuống hoặc đội mũ len trùm đầu nhưng nếu chú ý chúng ta cũng có thể nhận ra được.

-Anh có thấy ai khả nghi không? Cô gái hỏi.

-Chưa có dấu hiệu gì.

-Anh ngồi ở đâu vậy?

-Hàng đầu ban công lầu một. Còn em?

-Em ngồi ở dưới nhà.

-Vậy cũng tốt. Nếu em phát hiện có gì khả nghi thì em la lên nhé. Em dám làm điều đó không?

Cô gái mím môi, nói:

-Em có thể giết hắn được. Ngay tại đây. Hắn đã bắn anh Ðắc ngay trước mặt em mà. Suốt đời em không bao giờ có thể quên được cái chết ấy.

Chuông rung báo hiệu giờ giải lao đã chấm dứt. Cô gái nói:

-Tạm biệt.

Nhưng Lê Ðạo đã gọi lại, móc khẩu súng ngắn trong túi ra. Khẩu súng được gói trong chiếc khăn tay. Anh đưa cho cô gái và nói:

-Ðã lên đạn sẵn. Em chỉ việc bóp cò thôi.

-Cám ơn anh. Cô gái nói một cách bình thản và nhận lấy khẩu súng cất vào xách tay mình.