Hùng Karô

Chương 20

Docsach24.com

ôi văn hoá xằng xịt nhưng trí nhớ lại dai nhách nhưng là thứ dai lệch, tức là, chán chưa, tên đàn bà con gái tôi chả quên đứa nào nhưng tên đàn ông, dù là loại đàn ông làm đến ông gì đi nữa tôi lại thường lú lẫn, các nhà tâm lý học bảo đó là giàu nam tính chả biết có đúng không. Ví như cái tên ông trưởng buồng tại trại giam phải mất cả buổi tôi mới nhớ ra, ông Khâm đặc công rừng Sác, mà cũng phải nhớ rừng Sác trước rồi mới lần ra cái tên Khâm sau.

Nhưng địa chỉ nhà ông tôi lại nhớ làm lòng để mở đầu cuộc hành trình lên ngược.

Chỉ cần tỉa gọn, tỉa chứ không cạo, bộ ria Ka rô, móc bộ quân phục cũ ra, chụp chiếc mũ cối vào đầu là cái thằng tôi đã hoàn toàn trở thành khác hắn: đẹp trai, cao lớn, hơi tài tử, hiền lành, mắt nhìn lương thiện. Còn thằng Thư, với vẻ con gái của nó thì nó có hét tướng lên giữa đường rằng tôi là cướp, là tên trấn lột khét tiếng đây thì chi tổ cho thiên hạ phì cười.

Với bộ dạng như thế, còn xe khách chở hai thằng đi Bắc Kạn coi như êm. Nhưng những câu bàn tán của hành khách trên xe lại chẳng êm chút nào. Họ coi như chúng tôi là một băng cướp khét tiếng hung tợn, nào là chúng ghê lắm, thằng nào cũng cao to, bặm trợn, râu tóc, xăm xoi đầy mình, nào là chúng đã làm mưa làm gió trên tất cả các tuyến đường cả ban đêm lẫn ban ngày, nóng mắt cái là rút súng bắn ngay không coi các lực lượng công an ra cái đinh gì cả, nào là thằng cầm đầu võ nghệ siêu quần, đã từng bị kết án tử hình rồi trốn trại ra được, nghe đâu thằng này đang mang trong người căn bệnh ếch nhái gì đó, cùng đường là nó cắt tay cho chảy máu rồi vung vãi vào mặt bất cứ ai đến gần, nào là một khi đã vét sạch của cải rồi, hắn sẽ chọn một cô gái đẹp nhất vác vào rừng, nào là... Nghe một chập ù cả tai, đến nỗi mình cũng phát sợ cái hình ảnh ghê rợn do chính mình tạo ra. Song cũng khoái. Hung thần đào vàng, giờ lại hung thần xa lộ, nghe cũng oách đấy chứ. Nhưng làm gì có cái chuyện vác gái vào rừng, vớ vẫn, chả lẽ thiên hạ lại bắt thộp được cả cái tật đa tình, háo dâm háo sắc của tôi. Vác gái... chà, nghe cũng hấp dẫn đấy chứ nhỉ! Nhìn sang thằng Thư, nó đã ngủ gà gật từ lúc nào, vẻ như không thèm quan tâm đến ba cái lời thêu dệt tầm phào đăng đầy rãy trên các tờ báo lá cải đó. Thì ra đằng sau vẻ tưởng như yếu mềm kia lại là một cốt cách thủ lĩnh đáng nể.

Và chính vì cái chút đáng nễ đó mà tôi thôi không nói ra cái câu mà chắc chắn nghe xong nó sẽ đáp trả tôi một cái cười mỉm khinh thị, câu nói về cái cô giáo đi buôn chuyến mắt lá dăm kia sao không thấy xuất hiện ở những chuyến xe sau nữa nhỉ và liệu trong cả cuộc đời này rồi có lần nào thấy lại không, ơi lá dăm ơi?

°

Cái thị xã miền núi này vẫn buồn muôn thuở. Xuống xe, bụng đói sôi ùng ục mà thằng Thư ngăn không cho ghé bất cứ một hàng quán nào. Cứ tháo chạy khỏi cái quán của lão chủ khốn nạn hôm rồi có lẽ đã thành nỗi ám ảnh không dễ xoá trong nó. Đang định hỏi đường đến địa chỉ nhà ông Khâm thì một cú đập vai rất mạnh từ phía sau khiến cả tôi lẫn thằng Thư đều giật nảy, ngồi thụp xuống, chân tay đồng loạt giơ lên trong một tư thế chống chọi thụ động. Nhưng khuôn mặt gườm gườm rất khó coi của anh Khâm đã hiện ngay trước mặt. Cái cười thoắt biến thành cái cau mày:

Đi nhanh theo tao và cấm có vác mặt lên!

Nói rồi anh sải chân bước vù vù. Đúng là bước chân của lính đặc công khi thọc sâu vào tung thâm căn cứ. Chúng tôi nhìn nhau rồi bước theo. Qua hai cái đèn đỏ, qua thêm một cái đèn xanh, một cái đèn xanh nữa, qua một đường xe lửa, một nhánh xe bò, theo tiếp một ngõ nhỏ tối thủm, chúng tôi đã đứng trước ngôi nhà hai tầng xinh xắn có vườn cây ăn trái bao quanh. Căn hộ của anh đó.

Chưa kịp ngồi ấm chỗ, anh nạt luôn:

Ngu lắm! Đã đi cướp mà còn mang theo vũ khí, lại còn không thèm bịt mặt bịt mày nữa chứ, muốn thách thức, muốn chơi đời, muốn chết hả? Hai chú có biết mình đã bị phát lệnh truy nã trên hầu khắp các tuyến đường không hả? Có vẽ cả hình hài, tên tuổi nửa. Ngu!

Tôi bỗng thấy nóng mắt:

Và tự dưng dẫn xác đến đây mới là một cái ngu nhất. Tôi nghĩ về anh khá hơn kia.

Cái gì?

Anh cũng tầm thường, cũng nhát sợ như bất kỳ thằng nào khác. Chào anh!

Khoan đã! - Anh ấn tôi ngồi trở lại ghế - Nên nhớ đây là pháp luật, là hình sự chứ không phải bãi vàng bãi đá mà định giở trò yêng hùng.

Anh muốn gì? Chắc ông đặc công bưởng trưởng không định bốc điện thoại gọi cho đồn công an gần nhất chứ?

Gọi. Tao sẽ gọi nếu chúng mày vẫn cứ thích nói cái giọng mất dạy này. Nghe tao hỏi đây: tới đây hai đứa tính đi đâu, làm gì?

Nhận biết được sự chân thành trong đôi mắt đã có chiều đùng đục của anh, tôi chùng giọng:

Chưa biết. Chính vì vậy nên mới phải tìm đến đây.

Tốt! Nói thế có phải nghe được không? Bây giờ hai đứa đi tắm, có con suối sau nhà kia, sau đó làm một bụng cơm rồi lên giường ngủ một giấc, mọi việc mai tính. Giờ tao chạy ù ra chợ một tý.

Suối chảy nhẹ, hai thằng ngâm chìm người trong nước khoan khoái để mặc cho tiếng róc rách mơn man lên da thịt, lên đầu óc xua tan mọi mệt mỏi, nhức nhối vừa trải qua. Chợt tôi thoáng giật mình:

Này Thư, liệu lão ta có chơi đểu mình không?

Không! Nhìn trong mắt ông ấy em thấy tin.

Tôi im lặng. Thằng này tuy ít tuổi, trường đời còn mỏng tang nhưng vào những khoảnh khắc nhạy cảm nó đều biết đưa ra được những nhận xét xác đáng.

Trong bữa cơm do chủ nhà tự nấu, tôi hỏi:

Bà chị đâu để ông anh phải tự vào bếp thế này?

Chị nào?

Bà hai, bà mới ấy.

Đi theo giai rồi. Đi theo một thằng vô công rổi nghề kém nó năm tuổi. Tiên sư đời! - Ông chiêu một hụm rượu to, dộng cái ly đánh chát xuống mâm, giọng nói bỗng trở nên u uất - Tao ngu! Cứ tưởng quần quật trên bãi, nai lưng hàng tháng mang về cho nó một cục vàng là xong, là giữ được hạnh phúc, ai dè vàng càng nhiều nó càng giậm giật chân tay.

Còn nguyên cớ nào khác nữa không? - Tôi hỏi ỡm ờ.

Mày muốn nói đến cái chuyện chăn gối chứ gì? Tất nhiên, tất nhiên cái của tao sau mấy năm quậy quã tận cùng trên bãi, nó hỏng mẹ nó rồi, cứ bèo nhèo như miếng dồi lợn nằm bên ngoài, lấy cái đũa cả tọng vào, tọng một lúc chỉ có đũa cả vào mà cái của tao vẫn cứ bèo nhèo bên ngoài. Kha kha...

Biết là ông nói tếu sao nghe vẫn thấy đau. Giây lâu, sau một hụm rượu nữa, ông mới nghiêm mặt:

Cho nên tao khuyên chúng mày đừng lo tối mắt làm giàu. Luật bù trừ, được mất chia đôi, chả được cả cái gì bao giờ, nghèo thì hèn nhưng giàu còn hèn hơn. Tiên sư đời!

Chửi xong, ông gục đầu xuống ngực ngủ nhọc nhằn như vừa bị ai phang một cú vào giữa thóp. Đỡ ông lên giường, tôi bỗng thấy cổ họng mình đắng nghét như vừa nhai phải cứt chuột. Vậy rồi cuộc đời cuối cùng là cái gì nhỉ? Đến ngay như con người có cuộc sống đậm đặc những buồn vui, oanh liệt nhiều mà tủi nhục cũng lắm đang nằm kia để rồi cuối cùng về già cũng tay trắng hoàn tay trắng thì thử hỏi mọi sự gồng mình, bươn chải của kiếp người rút cục là được cái gì, hay vẫn chỉ là một con số KHÔNG to tướng, bốc mùi nhạt thếch?

Sáng hôm sau ông dậy rất sớm, tập một bài võ nặng, xuống suối tắm, nét mặt trở nên phấn chấn, linh lợi thật khác với một ông Khâm ủ dột tối qua. Bằng sự phấn chấn đó, thêm một chút uy, ông gom hai đứa lại, đúng là ra cái giọng chỉ huy:

Một, tao không khuyên chúng mày tiếp tục gây án nữa hay không, cái đó thuộc quyền của chúng mày, có khuyên cũng bằng thừa nhưng nhất quyết chúng mày phải để vũ khí lại, tao cất hoặc huỷ đi cho, để nếu có bị bắt cũng đỡ được nửa tội. Hai, tìm đường bán xới cho xa, càng xa càng tốt, chờ đến khi mọi việc nguội hắn hãy trở về. Và ba, tao biết hiện giờ hai đứa đều trên răng dưới dái, tao vẫn còn mấy cây vàng đây, cầm cả lấy mà xài.

Tôi cám ơn ông ba điều trên, riêng điều cuối xin được khước từ bởi ông già rồi, sống thác chưa biết lúc nào còn chúng tôi vẫn có ối dịp kiếm ra đổng tiền. Ông bảo tuỳ, rồi lặng lẽ rót rượu ra ba chén cùng uống cạn coi như làm cú tống biệt hành. Tất nhiên, theo lý thuyết quân tử phòng thân, tôi vẫn lén giấu khẩu súng ngắn mang theo.

°

Muốn đến Cao Bằng chúng tôi phải xuống xe ở Thái Nguyên rồi nhảy tiếp xe đi Cao Bằng. Đoạn đường này xấu kinh khủng, toàn cua tay áo, lại triền miên ổ trâu ổ gà, khoẻ như tôi mà bụng cứ thấy nôn nao như gái ăn dở còn thằng Thư thì chốc chốc lại nôn òng ọc ra ngoài cửa xe. Hết nôn, nó ghé vào tai tôi nói nhỏ, miệng phả hơi chua loét:

Anh vẫn muốn đi tìm cái gã mặt mụn tên là Hoán?

Tìm.

Có thật cần thiết không?

Có thể không cần cho cuộc đời nhưng cần cho chính tao.

Để yên ổn linh hồn hay để trừ cho xã hội một một tên phản trắc chuyên nghiệp?

Cả hai.

Nhưng có khi nào anh nghĩ, những kẻ như thế đang đầy rẫy trong xã hội, loại thằng này còn thằng khác nhiều khi còn tồi tệ hơn, chả lẽ loại cả đời?

Tôi im lặng. Nó nói có phần đúng, lúc nào cũng đúng, nói chung phải sống canh một thằng người nói cái gì cũng không sai thi quả là mệt. Trời nắng, oi ả, trong xe hầu hết hành khách đã rơi vào trạng thái gà gật. Bất giác tôi đảo mắt nhìn lướt một vòng với ý nghĩ vu vơ biết đâu chả gặp lại mắt lá dăm. Nhưng không, không có. Cảnh sắc trung du ngan ngát xanh lướt qua cửa xe. Thoáng bâng khuâng. Người đâu gặp gỡ làm chi... Câu thơ nhớ lõm bõm từ thuở còn đi học ấy chập chờn hiện về. Hiện về, không, hiện ra cả cái cặp đen căng phồng của một người đàn ông trung tuổi đang thiu thiu ngồi cách tôi một hàng ghế phía trước. Căng phồng... Trong ấy là gì? Tài liệu hay tiền bạc? Tài liệu chắc không phải rồi. Người đã có số tài liệu căng phồng ấy mấy khi phải ngồi xe chợ, chỗ của họ phải là ở trong xe con láng bóng và bên cạnh thể nào chả có một nữ thư ký hay nữ trợ lý ngực đùi căng mẩy kia. Vậy thì chỉ còn là tiền. Một cặp tiền. Phồng phọt, căng chằng. Và hỡi ôi, biết đâu có cả vàng bạc, đá quý, đô la? Thiu thiu... Sao tất cả bọn có máu mặt đều thiu thiu cả như vậy nhỉ? Một cục nóng nhẫy bắt đầu bò trườn trong sống lưng tôi lên đến đỉnh óc. Chỉ cần ngoắt nhẹ tay một cái thôi là cả cái căng phồng mang ý nghĩa lật đời, đổi đời sâu thắm kia sẽ thuộc về tôi và... Và bàn tay mảnh mai của thằng Thư lại đã đặt lên tay tôi, bóp nhẹ, ra hiệu cho tôi nhìn về hàng ghế phía sau. Tôi nhìn và nhận ra hai khuôn mặt đàn ông đang làm ra vẻ lơ đãng nhìn về phía mình. Hai khuôn mặt hình sự, đúng là hình sự, chỉ có dân hình sự mới có nét mặt nhạt nhoà, không cá tính, không biểu lộ buồn vui, vô cảm, vô tình để dễ hoà trộn vào nhân quần như thế.

Hít vào một hơi dài lại thở ra một hơi dài không kém theo đúng thuật thở Yoga mà ông Khâm đã dạy trong trại, tôi cố đẩy cho cục nóng nhầy tụt xuống. Và chính lúc đó, khi xe dừng nhả khách, tôi nhận ra Mắt lá dăm đang bước lên cùng với một cô nữa vẻ như là bạn gái. Một trạng thái sinh học trái chiều vừa đông lạnh vừa nóng bừng cùng lúc xảy ra trong thân thể tôi, hay nói đúng hơn một tâm lý vừa xúc động vừa sợ hãi đồng thời ập đến. Cái tôi cồn cào mong đợi bấy lâu đã nhỡn tiền xuất hiện nhưng cái nhỡn tiền ấy mà ngoác miệng khi nhận ra tôi thì bỏ mẹ. Và không hiểu ma quỷ xui khiến thế nào mà cô lại ghé người ngồi xuống ngay cạnh tôi, chỗ một bà già vừa bước xuống. Bất giác tôi hơi nghiêng mặt, đưa một bàn tay lên che miệng. May quá, cái miệng mà đám đàn bà con gái nấng tình hay bảo rằng rất đểu, rất dâm dê của tôi lúc này mà còn bộ ria cong vểnh ngồi chồm chỗm trên đó thì coi như xong.

Thằng Thư cũng đã nhận ra tình huống trớ trêu này, nó ghé tai tôi, lại ghé tai, sao lúc nào nó cũng ghé tai như một thứ quân sư bất đắc dĩ không bằng:

Mình sẽ xuống ngay bến tới!

Tôi không gật cũng không lắc. Xuống là hợp lý nhưng ở lại là hợp tình. Xuống, an ninh bảo toàn đấy nhưng xuống rồi, biết đâu cả đời này, kiếp này tôi không còn được gặp nàng nữa thì sao? Mà không còn được gặp thì thử hỏi mọi cố gắng khát vọng, mọi giàu nghèo vinh nhục, mọi nhọc nhằn khốh đốn để làm gì? Vô nghĩa hết! Hư vô hết! Hư vô... Khốn khổ, mới ngoài ba chục tuổi đầu mà dạo này tôi lại sinh bệnh thích triết lý, thích rút tỉa, cứ y như một tên cướp khoác áo hiền sĩ ẩn danh. Và đầu óc gã hiền sĩ nửa mùa đó lúc này đang bay lên là là nóc xe bởi có một cái gì đó như có cả một mùa màng màu mỡ, một rừng hoa ngát hương, một dòng sông ánh ỏi sắc phù sa từ thân hình cô gái bên cạnh tôi toả ra, toát ra, len lách, chờm ngợp. Đến nỗi xe vượt qua bên đỗ một đoạn rồi mà mặt mũi tôi vẫn ngây ra, đuỗn đệt.

Tôi chỉ thực sự tỉnh lại khi Lá dăm cất tiếng nói vổng lên, tiếng nói sao ngọt thế, nồng thế, ẩm ướt thế, cái tiếng chỉ cần nghe đã muốn nôn nao, dậy tình:

Đến ngã ba cho xuống nhé, bác tài!

Tôi ngồi im nín thở. sắp mất rồi! Lại sắp mất nữa rồi! Vậy thì chỉ còn cá cược sinh mệnh mình bằng một câu hỏi để níu kéo một chút thông tin về tên tuổi, về địa danh địa chỉ vậy. Nhưng chưa kịp cá cược thì cái nồng nàn, ẩm ướt kia đã bất ngờ lan toả vào chính tôi:

Cám ơn ông anh vì chuyện trên chuyến xe lần trước nhé! Và nếu được khuyên thi chỉ khuyên ông anh một câu thế này: để ria đẹp hơn.

Nói xong, hình như có cả một tiếng cười trong vắt, cô đứng dậy cùng cô bạn nhanh chân bước xuống để mặc tôi ngồi lại, ngây ra như ngỗng bột.

°

Không rõ có phải do cái hình ảnh và câu nói đầy vị tha, nữ tính ấy không hoặc do cả câu can ngăn tỉnh táo của thằng Thư lúc sáng mà ý muôn dằn mặt thằng phản bội một cách khốc liệt trong tôi bỗng nhẹ hều hắn đi. Nhẹ đến nỗi tôi hầu như không còn nghĩ gì đến nó nữa. Nhưng việc cần làm vẫn phải làm. Làm không hắn vì bản chất sự việc mà làm vì sự thanh thản trong đầu tôi. Tôi muốn xoá tan một ám ảnh có tính nhân tình thế thái, muốh cứu rỗi linh hồn, một sự cứu rỗi mang tính cực đoan mà trong suốt các chặng đường sau này chính vì nó mà tôi đã gặp không ít các rầy rà, có khi đến sém mất mạng.

Hạ Lang là một vùng đồi núi âm u, nghèo kiệt của Cao Bằng. Nhà cửa lưa thưa, dân cư lác đác, đi cả giờ mới đụng một mái lá chênh vênh trên sườn dốc cho nên việc tìm đến nhà thằng Hoán không khó. Một gian nhà chị Dậu tuềnh toàng, vách thủng lỗ chỗ nằm trong vườn mít khô xác, con mực nằm ngoài sân gầy trơ xương, lở lác, chán đời đến mức người lạ đi vào nó vẫn không thèm mở đôi mắt ghỉ quèn ghỉ quẹt ra. Y định của tôi là gọi nó ra, nếu không phải là nó làm hay cố tình làm việc đó thì thôi, coi như xoá được cái ám ảnh như một lời nguyền truyền kiếp, còn đúng là nó thì sẽ nện cho nó một trận lên bờ xuống ruộng, bắt nó khấu đầu tạ tội, cam kết nọ kia theo đúng luật giang hổ rồi tha thay vì trước đó, trước lúc gặp em Lá dăm biết không, giống như trong giấc mơ, tôi quyết định sẽ bẻ đi một tay hoặc một chân, bẻ thêm vài cái răng hoặc cả hàm răng của nó nữa cũng theo đúng luật giang hồ.

Trong nhà không có bóng người. Nhìn qua cửa chỉ thấy có tấm màn rách đã chuyên màu vàng khè đang buông rủ. Và từ đó hình như có tiếng rên yếu ớt của một người đàn bà vang ra. Vậy là thằng khốn không có ở nhà. Chiều muộn. Trời tối dần. cảnh sắc xứ núi về chiều sao buồn thế! Như hoang mạc, như nơi tận cùng thế giới. Đầu óc bỗng lênh loang, chìm nghỉm trong những suy nghĩ vô định về cõi đời, về kiếp sống.

Đúng lúc đó thì nó đi từ ngoài vào, trên tay xách một bọc gì đó. Vẫn thân hình xương xẩu, vẫn dáng đi cắm cúi, mắt cá chày, mặt nổi mần nhưng cái đầu húi cua lúc này đã thay bằng một mái tóc dài cượp gáy, rũ rượi, trông như người tiền cổ. Tôi bấm thằng Thư lỉnh ra sau nhà nhìn vào qua kẽ vách. Từ trong màn, tiếng người đàn bà vang lên âm u như vọng lên từ dưới mồ:

Hoán đấy hả con? Sao về muộn thế?

Nó trả lời, vẫn cái giọng hèn hèn khô khô như cái bữa nó quỳ dưới chân tôi hôm nào:

Con phải xuống tận Thái Nguyên mới cắt được thuốc.

Khổ! Mế đã bảo cắt làm gì, bệnh của mế không chữa được đâu.

Thằng Hoán không trả lời, đi vào bếp lúi húi nhóm lửa, bỏ thuốc vào ấm đặt lên kiềng rồi ngổi bó gối nhìn đăm đăm vào những đầu củi đang cháy. Bóng tối phủ dày, tiếng lách tách của lửa, tiếng gió rừng thổi qua kẽ liếp ngào vào tiếng rên khe khẽ của người mẹ đã thúc nhói vào đầu tôi. Tôi bỗng nhớ đến mẹ tôi ở nhà, đến con Nết đang nằm giá lạnh trong lòng đất, nhớ đến tất cả... và bất giác thấy kiệt sức, rã rời trong một cảm giác trống rỗng, hư vô tê dại tràn về. Mọi buồn vui, mọi giang hồ ân oán, mọi điên giận hận thù bỗng chốc tan ra, châng lâng, bẽ bàng như khói như sương. Tôi thở phì một tiếng ra đằng mũi như tháo hết sinh khí ra khỏi ruột, móc túi còn bao nhiêu tiền đặt hết xuống bậu cửa, lấy hòn đá chẹn lên. Thằng Thư cũng làm theo tôi rồi hai thằng lặng lẽ rời ngôi nhà côi cút đi xuống chân đồi.

Anh Hùng... - Thằng Thư tiến sát tôi.

Cái gì?

Em biết anh sẽ làm như thế.

Biết! Biết gì mà biết, vớ vẩn!

Tôi bước rảo chân.

°

Tôi đi như mộng du, đi như hồn ma bóng quế, đi mà không hiểu đi đâu và sẽ cứ lang mang đi như thế trong bóng tối thăm thắm, trong tiếng gió rừng than khóc nếu như đến một chỗ thoáng rộng thằng Thư không lên tiếng:

Nửa đêm rồi, đi nữa lạc mất, mình nghỉ lại đây, sáng mai đi tiếp.

-Tuỳ!

Như một chú lính ngoan ngoãn, tôi thả rơi người xuống, nằm dài ra, nhắm mắt lại. Chân tay ê ẩm, bụng dạ cồn cào, từ sáng đến giờ chưa có cái gì nhét ruột nhưng không ngủ được. Lạnh! Giờ mới thấy lạnh. Không hiểu cái lạnh phả từ ngoài vào hay cái lạnh thổi từ ruột ra khiến tôi co quắp người lại. Thằng Thư chắc nhận thấy điều đó, nó lồm cồm bò dậy vơ ít củi cành, lá khô chụm một ngọn lửa cháy lom dom giữa hai thằng. Xong, nó còn lôi trong ba lô ra một chiếc mền mỏng nhón chân đi đến kín đáo đắp nhẹ lên người tôi. Càng lạnh. Chưa bao giờ lại lạnh thế này. Giống như cái lạnh của sự chết. Tôi vẫn nhắm mắt nằm im. Bên kia đống lửa, thằng Thư chắc đã ngủ, chỉ thấy từ nó vang lên tiếng ngáy nhè nhẹ. Ánh lửa hắt vào khuôn mặt thanh thoát rất đẹp của nó. Đáng lẽ tôi không nên cho nó đi theo, không nên để nó dấn sau thêm vào con đường đen thui thế này, đáng lẽ... Thư ơi, tội nghiệp em! Còn trẻ măng như thế mà cuộc đời đã bị cuốn vào dòng cát bui trần ai. Tự dưng tôi thấy cay nơi sống mũi. Tôi thương nó, thương cả cho tôi. Thôi thì đêm nay anh sẽ giải thoát cho em, em không đáng phải sống cái cõi sống chỉ dành cho kiếp lục lâm thảo khấu thế này, giải thoát cho cả anh, một quá khứ ngổn ngang, một tương lai mù mịt, giải thoát nhẹ tênh, không vợ con, không tiền đồ, chẳng tài sản. Sáng mai nếu không còn anh, Thư ơi, em hãy xuống núi về nhà nhé và mai này nếu may mắn có gặp được đôi mắt lá dăm ấy, em hãy nói rằng hình ảnh cuối cùng trước khi anh đi vĩnh viễn vào lòng đất hư vô là hình ảnh của nàng...

Đêm đã vào khuya. Gió thổi xào xạc. Tôi khẽ khàng ngồi dậy, chêm thêm củi vào lửa, đắp trở lại cho thằng Thư tấm mền của nó, rút cây súng trong bọc ra rồi lặng lẽ đi ngược lên một đoạn. Đến một chỗ nhiều gió, thoáng đãng nhất, tôi ngồi xuống, ngửa mắt nhìn trời đêm, miệng lầm rầm:

Vĩnh biệt cuộc sống, vĩnh biệt bố mẹ, vĩnh biệt tất cả, Nết ơi, anh xuống với em đây...

Tôi đặt nòng súng lạnh buốt vào thái dương. Chao ôi, chả lẽ cái sống và cái chết lại chỉ cách nhau một lằn sọ mỏng như thế này thôi sao? Sống thì nhọc nhằn mà sao chết lại giản đơn đến thế, chỉ cần một tiếng cạch. Và tôi bóp cò...

Vang lên một tiếng cạch thật nhưng là tiếng cạch của sắt thép va nhau. Súng không nổ. Tôi ngỡ ngàng kéo quy lát... Trong nòng chả còn một viên đạn nào. Ơ hay, rõ ràng tôi nhớ trong băng tôi còn nhét đủ sáu viên kia mà! Hay là...

Em tháo hết đạn ra rồi.

Tiếng thằng Thư vang lên ngay sau lưng tôi. Tự nhiên nổi điên, tôi quát:

Ai cho phép mày làm thế?

Thì cũng ai cho phép anh có cái quyền được trốn khỏi cuộc đời một cách tầm thường như thế?

Im mồm! Đó là việc của tao.

Giữ anh lại là việc của em - Nó đi đến cạnh tôi, cầm lấy tay tôi, tiếng nói trở nên tha thiết khác lạ - Anh Hùng, mọi việc chưa đến nỗi thế đâu. Anh trở lại ngủ tiếp đi, hy vọng sáng mai mọi sự sẽ sáng sủa hơn.

Không hiểu sao tôi lại ngoan ngoãn nghe theo nó lần bước đi trở lại đống lửa, đầu óc vẫn lênh loang, nhẹ bẫng, như phần xác còn đây nhưng phần hồn đã phiêu diêu cõi nào.