BÍ QUYẾT 71: Hãy sử dụng giọng điệu của một người nói chuyện nhiệt thành trong cuộc hội thoại hai người
Để tỏa sáng trên sân khấu TED, bạn phải làm chủ khả năng truyền tải lời nói. May thay, bạn sẽ có không ít cơ hội luyện tập vì nói trước công chúng là phiên bản mở rộng của giao tiếp hàng ngày. Dĩ nhiên, điều này cũng là con dao hai lưỡi vì những khiếm khuyết khi nói chuyện bình thường cũng được nhân lên khi thuyết trình. Nhưng chỉ cần tập luyện đôi chút, bạn có thể chuyển hóa khả năng truyền đạt lời nói của mình cả trên sân khấu lẫn ngoài đời.
Ngoại trừ các nghệ sĩ chuyên sử dụng ngôn ngữ nói và những người kể chuyện được đào tạo chính thống, hầu hết các diễn giả trên TED đều có khuynh hướng chọn vai trò của một nhà diễn thuyết giàu đam mê. Để thể hiện được vai diễn này, hãy nói bằng chính giọng của bạn với sự xác thực, quan tâm và khiêm nhường. Hãy dùng ngôn ngữ rõ ràng của đời sống hàng ngày, không dùng biệt ngữ và gói gọn trong những câu ngắn hoàn chỉnh. Những bài nói trên TED thường dùng ngôn ngữ ở trình độ lớp sáu. Niềm hứng thú nhiệt thành của riêng bạn nên tỏa sáng qua tính hiếu kỳ, sự kinh ngạc và lòng ngưỡng mộ dễ lan truyền. Để thể hiện sự khiêm nhường, hãy vào vai một hướng dẫn viên thoải mái chia sẻ chuyên môn của mình chứ không phải cái tôi. Một thoáng đề cao bản thân cũng có thể làm khán giả của bạn quay lưng.
Thỉnh thoảng TED lại đăng tải lên trang web của họ một bài nói chuyện có sức ảnh hưởng mạnh mẽ từ diễn đàn của một diễn đàn thuộc bên thứ ba. Dù chưa bao giờ phát biểu trên TED, nhưng Steve Jobs quả là tấm gương cho một nhà diễn thuyết đầy đam mê, và các bài nói chuyện của ông luôn đứng đầu danh sách Những bài phát biểu hay nhất trên TED. Bạn có thể xem qua bài diễn văn cảm động của ông trong buổi lễ trao bằng tốt nghiệp tại Đại học Stanford năm 2005 trong Bảng 11.1, nó thậm chí còn thuyết phục hơn cả những bài diễn văn của ông tại MacWorld những năm sau này. Ngôn ngữ ông sử dụng đầy ắp những từ ngữ tuyệt đỉnh như tuyệt vời, phi thường. Khi lắng nghe ông, bạn sẽ tin rằng ông đang cố gắng thách thức hiện trạng nhằm biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn, và bạn sẽ muốn tham gia vào trào lưu ông đang dẫn dắt.
Bảng 11.1. Dàn ý bài diễn thuyết How to Live Before You Die (tạm dịch: Sống sao trước khi chết) của Steve Jobs tại lễ trao bằng của Đại học Stanford năm 2005
Nếu từng thử loại bỏ những từ lấp khoảng trống, bạn sẽ thấy quá trình đó hệt như cố be bờ đắp vá một con đập cũ đang rò rỉ. Khi bạn bỏ một từ, một từ khác lại trào ra ngay sau đó. Hãy ngừng một nhịp ở dấu phẩy và ngừng hai nhịp ở dấu chấm, bạn sẽ loại bỏ được những từ lấp khoảng trống như ừm, à, hay bạn biết đấy.
Nếu giống với số đông, bài nói chuyện của bạn sẽ vấp phải những từ lấp khoảng trống. Mọi người dùng chúng vì họ không thoải mái với khoảng lặng. Những từ phổ biến nhất là ừm, à, và khá hơn nữa là che đậy bằng những từ như vậy là, thực ra hay thậm chí máy môi. Ngấm ngầm hơn nhưng vẫn thuộc cùng thể loại đó là các từ hoặc cụm từ như thể, bạn biết đấy, kiểu như vì chúng biểu lộ sự không chắc chắn trong những gì bạn nói, chứ chưa nói đến sự non nớt.
Phương thuốc khả dĩ cho căn bệnh hay dùng các từ lấp khoảng trống là “nói bật ra và ngắt nghỉ”. Hãy nói bật ra và ngắt nghỉ theo các dấu chấm câu. Những quãng ngắt nghỉ không chỉ thay thế các từ lấp khoảng trống mà còn cho bạn chút tự chủ. Khoảng lặng ngắn này cho bạn thời gian tập hợp và sắp xếp lại những ý nghĩ bật ra tiếp theo. Ngoài có lợi cho chính bạn, những quãng ngắt nghỉ còn cho khán giả thời gian cần thiết để xử lý những điều bạn nói. Các quãng ngắt nghỉ dài giúp nhấn mạnh thêm như thể một dấu chấm cảm, tuy nhẹ nhàng nhưng đầy sức mạnh và chiếm được sự chú ý của khán giả. Chúng là món quà đang tiếp tục được trao tặng.
Các diễn giả vĩ đại như Steve Jobs biết rõ sự im lặng chính là kỹ thuật phối âm hiệu quả nhất. Trong phút đầu tiên của bài nói chuyện, Jobs ngắt nghỉ đến chín lần. Nói cách khác, ông ngắt nghỉ sau mỗi sáu giây. Dù vậy, bài trình bày của ông không hề cứng nhắc, mà thực ra còn ngược lại. Những quãng ngắt nghỉ đó cho khán giả có thời gian thấm nhuần thông điệp của ông.
Các quãng ngắt nghỉ phục vụ bốn mục đích quan trọng, và còn mang lại một lợi ích thứ năm đặc biệt nữa.
Mục đích đầu tiên là tăng thêm hiệu ứng kịch tính, và cũng là lý do Jobs ngừng lại ba giây sau khi đứng sau bục diễn thuyết. Quãng nghỉ này phần nào cho phép người hâm mộ dứt vỗ tay. Tuy nhiên, các diễn giả cũng tận dụng không gian lặng phắc như thế để bắt đầu tạo mối liên kết sâu sắc với khán giả. Họ sẽ tiếp xúc bằng mắt với một người hoặc một nhóm phía bên trái họ trong một giây. Sau đó, họ làm điều tương tự với khán giả phía bên phải trước khi tập trung nhìn vào khu trung tâm. Con người vốn chú ý nhiều hơn khi im lặng, và các thuyết trình viên lão luyện đã tận dụng triệt để cơ chế phòng vệ do tiến hóa này của khán giả. Một quãng ngừng kịch tính thường xuất hiện nhiều nhất trong phần mở đầu, nhưng nó cũng có thể được dùng trước, trong hoặc thường xuyên hơn cả sau một ý quan trọng. Đó chính xác là lý do phần mở đầu của Steve Jobs có đầy các quãng ngắt nghỉ.
Mục đích thứ hai của các quãng ngắt nghỉ là cho phép khán giả có thời gian xử lý những điều diễn giả đang nói. Tôi gọi đây là quãng ngừng lĩnh hội. Diễn giả thường ngắt một nhịp – bằng thời gian của một nhịp chân khi bạn nghe nhạc – ở các dấu phẩy và hai nhịp ở các dấu chấm. Như vậy, ta nên xem những quãng ngắt nghỉ là các dấu câu bằng lời.
Mục đích thứ ba của sự im lặng đã được đề cập trong chương về chất hài hước. Với sáu dẫn chứng trong bài nói chuyện, Steve Jobs đã chứng minh ông là bậc thầy về quãng nghỉ hài hước. Trong số đó, tài tình nhất chính là khi ông giữ im lặng trong suốt tám giây sau khi nói: “Nếu tôi không học lại đúng khóa học đó [khóa thư pháp], dòng sản phẩm Mac sẽ không bao giờ có nhiều kiểu chữ và phông chữ giãn cách đúng tỷ lệ đến vậy. Và do Windows chỉ sao chép của Mac, nên có lẽ sẽ chẳng chiếc máy tính cá nhân nào sở hữu chúng.”
Mục đích thứ tư, quãng ngừng chuyển tiếp, thường kéo dài lâu hơn và cho phép diễn giả di chuyển đến một vị trí mới trên sân khấu nếu họ muốn. Ở đoạn kết phần mở đầu của mình, Steve Jobs lại ngừng một lần nữa để gửi tín hiệu chuyển tiếp tới phần thân bài phát biểu. Trong phần này, ông không thể di chuyển như tác phong thông thường do buộc phải đứng sau bục diễn thuyết.
Lợi ích thứ năm, lợi ích đặc biệt sẽ liên quan đến những từ lấp khoảng trống cơ bản như à, ừm, như là hay bạn biết đấy. Mọi người thường căng thẳng khi bước lên sân khấu. Càng căng thẳng, họ càng thốt ra nhiều từ nhằm lấp khoảng trống. Cảm thấy thoải mái với sự im lặng là cách duy nhất khắc phục khuynh hướng thêm từ lấp khoảng trống. Để đạt được sự thoải mái, hãy tập sử dụng các quãng ngừng lĩnh hội bằng cách giữ yên lặng ở các quãng ngắt nghỉ tự nhiên giữa cụm từ và câu.
Khi đã loại bỏ được những từ lấp chỗ trống nhờ thành thạo nghệ thuật ngắt nghỉ, bạn cần làm phong phú thêm giọng điệu để bài nói chuyện hấp dẫn hơn. Những bài diễn thuyết trên TED đòi hỏi diễn giả phải dành phần lớn thời gian ở góc phần tư “đam mê”, với cách truyền tải lớn tiếng và tương đối gấp (xem hình dưới). Âm lượng không đổi, nhưng tốc độ nói phải chậm lại để truyền tải các ý chính yếu.
Ở các đoạn chuyển tiếp, diễn giả thường chuyển tới góc phần tư “bình tĩnh”. Đó là khu vực góp phần xây dựng lòng tin trong tiềm thức và thường được giới bán hàng tận dụng ngay trước khi chốt thỏa thuận. Nhiều diễn giả không bao giờ liều sử dụng góc phần tư “hồi hộp”. Những ai sử dụng góc này thường dành nó cho những phần có sự lo âu hay kỳ vọng cao trong câu chuyện.
Vì con người có khả năng phát hiện sự thay đổi, nên chìa khóa để giữ được hứng thú nơi khán giả là dùng sự đối lập. Nếu phong cách nói chuyện tự nhiên của bạn vốn chậm rãi và mềm mỏng, thì bạn có thể nhấn mạnh những điểm chính bằng cách chuyển tới góc phần tư với tốc độ nhanh và âm lượng lớn (đam mê), tức đối lập hoàn toàn. Ngược lại cũng thế, diễn giả ở góc phần tư đam mê có thể làm bật lên thông điệp quan trọng bằng phong cách truyền đạt điềm tĩnh hơn.
Không có góc phần tư nào tối ưu. Bất kỳ góc nào cũng sẽ đóng vai trò là vùng giọng điệu chính. Tuy nhiên, bạn phải cẩn thận không dừng quá lâu ở một góc phần tư nào đó. Nếu phần truyền đạt của bạn thể hiện niềm say mê không ngớt, bạn sẽ lấn át khán giả của mình. Họ có thể đánh giá bạn là người quá khích và mất kết nối cảm xúc. Nếu phần truyền đạt của bạn cứ đều đều, bình lặng, bạn sẽ dần dần đưa khán giả vào sự buồn chán. Một lần nữa, đối lập là chìa khóa.
Ta có thể áp dụng bốn dạng kết hợp âm lượng và tốc độ trên cho các cụm từ, câu và đoạn văn dài. Tuy nhiên, chúng cũng có thể được áp dụng cho các từ riêng lẻ. Cụ thể, những diễn giả lôi cuốn sẽ cố truyền sức sống vào các tính từ và trạng từ mô tả bằng cách truyền tải đầy đam mê. Đây cũng là cách lan truyền năng lượng và sự nhiệt thành của bạn.
Với tôi, âm lượng và tốc độ là những phương diện chính giúp tạo sự phong phú trong giọng điệu vì đó là những yếu tố dễ điều khiển bằng ý thức nhất. Tuy vậy, tôi vẫn khá băn khoăn khi dùng cụm từ điều khiển bằng ý thức với sự cảnh giác. Lý do là vì tính xác thực là nét đặc trưng quan trọng nhất của một diễn giả xuất sắc. Tính xác thực không đòi hỏi nỗ lực. Bạn chỉ phải nói như thể bạn đang nói với người mình quan tâm mà thôi.
Chuyện này chẳng có gì khó khi bạn cảm thấy thoải mái. Tuy nhiên, việc đứng trước hàng chục, hàng trăm hay đặc biệt trước hàng nghìn người là nguyên nhân khiến rất nhiều diễn giả nói theo cách khiến họ mất kết nối với nội dung cảm xúc của những từ ngữ mà thực tế họ đang nói. Họ như bị tắt tiếng và nói chẳng khác gì người máy. Cách khắc phục tốt nhất là mở rộng các phương diện trong cách truyền đạt tự nhiên cho đến khi phong cách nói chuyện tự nhiên của bạn được khôi phục.
Sau âm lượng và tốc độ, cao độ là khía cạnh thường được điều chỉnh nhiều nhất để làm phong phú giọng điệu. Với từng từ riêng lẻ, cao độ sẽ thay đổi từ thấp đến cao. Ngoài ra, diễn giả có thể truyền đi sự hiếu kỳ bằng cách nâng dần âm vực lên để tạo nên độ luyến cao ở cuối câu. Lưu ý rằng nói giọng cao quá nhiều sẽ khiến bạn nghe như thể một người non nớt và thiếu tự tin. Độ luyến thấp – được tạo ra bằng cách hạ âm vực ở cuối câu – sẽ thể hiện sự dứt khoát và tự tin.
Những phương diện tinh vi hơn giúp làm phong phú giọng điệu gồm có nhịp điệu – còn được gọi là phách hay giai điệu, trải từ giọng đều đều đến sinh động, chất giọng – từ hổn hển đến tròn đầy – và cách phát âm – từ êm nhẹ đến giòn giã. Trong bất kỳ trường hợp nào, hãy hít hơi thật sâu, thật đầy và nói sao cho người ngồi hàng cuối vẫn có thể nghe thấy bạn.
Khi bạn đã làm chủ những kỹ thuật cơ bản của phương pháp truyền tải lời nói, thì việc đi xa hơn nữa hầu như chỉ gây phản tác dụng đối với mục tiêu diễn thuyết hiệu quả trước công chúng. Thay vào đó, hãy khớp tông cảm xúc (buồn vui, giận dữ, phấn khích…) của từng phần trong bài diễn thuyết với cách thức truyền tải. Sau đó, hãy đẩy cao lên một hoặc hai mức – hoặc ba mức với lượng lớn khán giả – để bù lại cho hiệu ứng căng thẳng trong giọng nói của bạn. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ chuyển sang những phần cốt yếu của kỹ năng truyền đạt phi ngôn từ.