BÍ QUYẾT 62: Khơi dậy một tràng cười mỗi phút bằng sự hài hước dựa trên cảm giác nổi trội hơn
Để biết cách bổ sung chất hài hước vào bài diễn thuyết sao cho hiệu quả, trước tiên chúng ta phải đào sâu vào thuyết tâm lý về nụ cười. Hiện tại, không có lý thuyết lớn thống nhất nào giải thích tại sao mọi người cười. Chỉ có ba thuyết nhỏ bổ sung và trùng lặp với nhau. Thuyết thứ nhất cho rằng nguyên nhân chúng ta cười là để khẳng định sự nổi trội hơn. Phần lớn tiếng cười được xếp hẳn vào loại này, bao gồm cả việc cười nhạo những ai ra quyết định tồi hay lập dị. Kiểu tiếng cười này được khuếch trương khi người cười là kẻ có quyền thế và khi tiếng cười ứng với những khuôn mẫu nhất định – một số không động chạm đến chính trị, nhưng một số lại có. Tiếng cười dựa trên cảm giác nổi trội có mức độ cay độc tăng dần, bắt đầu bằng việc giễu nhại châm biếm nhẹ nhàng, chuyển sang mỉa mai vừa phải rồi tăng dần thành xúc phạm gay gắt.
Hãy xem phần phát biểu của nhà khoa học xã hội Hans Rosling tại diễn đàn phát triển kinh tế toàn cầu TED năm 2007, khi ông nhắm thẳng vào giới học giả ưu tú (xin cảnh báo rằng việc mổ xẻ cấu trúc hài hước này sẽ phá hỏng nó):
Nhưng rồi một đêm nọ, khi ngồi soạn báo cáo, tôi mới thực sự nhận ra khám phá của mình. Tôi nhận thấy những sinh viên xuất sắc của Thụy Điển hiểu biết về thế giới còn thua cả tinh tinh, và mức độ thua kém đấy rất đáng kể trên số liệu thống kê… Tôi cũng thực hiện một nghiên cứu trái quy định về các giáo sư của Viện Karolinska – những người được đồng trao giải Nobel Y học – và họ thì ngang hàng với bầy tinh tinh.
Chúng ta thích kéo những kẻ quyền thế xuống vài bậc vì điều đó đem lại cho chúng ta cảm giác “trên cơ” họ. Dĩ nhiên, điều này có thể có dẫn đến vài tiếng cười cay độc và công kích mà bạn nên tránh xa trong các bài diễn thuyết trên TED, chứ không phải ngoài đời. Dù vậy, vẫn có những nhóm đối tượng mà ta không sợ động chạm về mặt chính trị khi đem ra bông đùa, cụ thể là giới học giả và chính trị gia.
Thuyết thứ hai giải thích tại sao mọi người cười lại quy cho yếu tố ngạc nhiên. Con người chúng ta thích trải nghiệm những bước ngoặt sự kiện thách thức kỳ vọng và sự nhạy bén của bản thân. Chí ít nếu bạn là một kẻ mê toán hoặc hiểu biết về toán, hãy suy ngẫm thử câu chuyện không rõ nguồn sau: “Biến độc lập là biến số không cần đến những biến khác để cảm thấy ổn về mình.” Trong cả trường hợp trên, yếu tố hài hước đến từ nút thắt ngoài dự kiến và thách thức điều mà bạn mong đợi được nghe.
Một danh sách ngắn các thể loại hài hước theo cách lý giải của thuyết này gồm có những điều phi lý rõ ràng, những lời khuyên tệ hại, những trò phóng đại hay tình huống trớ trêu, mỉa mai, chơi chữ, trò hài lập dị, hài hình thể cùng hai thể loại có họ hàng với nhau là nói quá và nói giảm. Người nghe sẽ ngạc nhiên đến thích thú trước những điều phi lý dí dỏm hay gây sốc.
Thực tế phóng đại cũng luôn là một cách hay để gây cười. Cách bộc lộ sự hài hước đơn giản thông qua thực tế phóng đại là đặt một người bình thường vào một tình huống khác thường, hoặc một người xuất chúng vào một hoàn cảnh thường tình. Một số ví dụ của kiểu hài hước này là thờ ơ hờ hững trước mối nguy hiểm cùng cực, phản ứng thái quá với những lời xúc phạm nhỏ nhặt và không ngừng theo đuổi những điều phù phiếm. Chẳng hạn, Ngài Ken Robinson, diễn giả có nhiều lượt xem nhất trên TED tính đến lúc này, đã đặt một người xuất chúng – Shakespeare – vào hoàn cảnh thường tình:
Bởi quý vị không nghĩ đến Shakespeare khi còn là một đứa trẻ, phải không nào? Shakespeare khi mới bảy tuổi ấy? Tôi chẳng bao giờ nghĩ đến điều đó. Ý tôi là, ông ấy cũng đã từng lên bảy. Ông ấy cũng học lớp Anh ngữ của ai đó đúng không nào? Không biết như thế sẽ khó chịu ra sao nhỉ? “Trò phải cố gắng hơn nữa!” Và, bạn biết đấy, khi Shakespeare bị bố bắt lên giường ngủ. “Đi ngủ ngay,” bố William Shakespeare nói với ông, “bỏ bút xuống. Và thôi nói năng kiểu đó đi. Không ai hiểu con nói gì đâu.”
Thuyết thứ ba cho rằng mọi người cười để giải tỏa những cảm xúc mạnh mẽ. Nụ cười thường là thứ xoa dịu những cảm xúc u ám như xấu hổ và sợ hãi. Tiếng cười nhằm vào bệnh tật, hay còn gọi là tiếng cười hiểm ác, sẽ được lý giải rõ trong thuyết này; chúng ta cười để xua tan nỗi sợ về sự trần tục của mình. Tương tự, những câu chuyện cười dung tục hay liên quan đến tình dục cũng xua tan cảm giác xấu hổ.
Hãy nhớ lại Ric Elias, người sống sót sau tai nạn máy bay “Phép màu trên sông Hudson”. Dù chủ đề bài diễn thuyết khá u ám, nhưng anh vẫn truyền được hơn một nụ cười mỗi phút. Như bạn có thể thấy ở phần giới thiệu, phần lớn tiếng cười anh mang lại đều dựa trên giải phóng cảm xúc:
Hãy tưởng tượng có một vụ nổ lớn khi bạn đang ở độ cao hơn 900 mét. Hãy tưởng tượng ra một chiếc máy bay đầy khói. Hãy tưởng tượng một động cơ kêu từng tiếng rắc… rắc… rắc… Âm thanh ấy thật đáng sợ. Vâng, hôm đó, chỗ ngồi của tôi là độc nhất. Tôi ngồi ở ghế 1D. Tôi là người duy nhất có thể trò chuyện với tiếp viên. Thế nên tôi nhìn sang họ ngay lập tức, và họ nói: “Xin quý khách yên tâm. Có lẽ chúng ta chỉ va vào vài con chim thôi.” Viên phi công vừa cho máy bay vòng lại và chúng tôi chưa bay xa đến thế. Bạn có thể trông thấy Manhattan. Hai phút sau, có ba việc xảy đến cùng lúc. Viên phi công hướng máy bay thẳng xuống sông Hudson. Đó thường không phải lộ trình bay, đúng không nhỉ? [Cười] Anh ta tắt động cơ. Giờ các vị hãy hình dung mình đang trong một chiếc máy bay không một tiếng động. Và rồi viên phi công thốt lên một câu nói – câu nói vô hồn nhất tôi từng nghe. Anh ta thông báo, “Chuẩn bị va chạm.” Tôi không còn phải nói chuyện với tiếp viên nữa. [Cười] Tôi có thể trông thấy nỗi kinh hoàng trong mắt cô ấy. Đời tôi thế là xong.
Ba lý thuyết trên – nổi trội, bất ngờ và giải tỏa – sẽ cùng nhau hợp thành hầu như mọi kiểu hài hước. Tuy nhiên, bạn nên coi chúng như ba vòng tròn giao thoa chung một phần ở giữa theo kiểu sơ đồ Venn. Dù hầu hết các kiểu hài hước thường được lý giải chính xác nhất bằng một thuyết nào đó trong ba thuyết, nhưng rõ ràng là có nhiều kiểu hài phát huy hiệu quả trên cả hai thuyết và thậm chí một số hiệu quả trên cả ba. Hài tự trào luôn hiệu quả ở ít nhất hai thuyết. Thứ nhất, kiểu hài này khiến cho khán giả cảm thấy mình ở vị thế cao hơn diễn giả. Thứ hai, khán giả mong chờ một diễn giả tài ba và tự tin. Nên kết quả là khi diễn giả thực hiện một trò tự trào đáng chú ý, khán giả sẽ ngạc nhiên thích thú và đáp lại bằng một tràng cười. Tiếng cười đó xuất phát từ sự thấu cảm. Một số kiểu tự trào nhất định thậm chí còn mang yếu tố giải tỏa cảm xúc, chẳng hạn như khi diễn giả tỏ ra coi nhẹ bệnh tật của mình.
Hài tự trào đặc biệt dễ thực hiện và hiệu quả. Sống trong xã hội, chúng ta luôn đặt mình trong thế phải giữ thể diện. Chúng ta cười với sự thích thú tự phát khi diễn giả bỏ tấm khiên của họ xuống và bộc lộ bản thân như những người bình thường với đầy khiếm khuyết. Chúng ta cười khi người khác tiết lộ quyết định tồi tệ của họ. Chúng ta thậm chí cười khi họ chia sẻ những câu chuyện về nỗi đau thể xác, miễn là họ tránh được sao cho mình vẫn vô sự – tuy Mel Brooks có thể không đồng tình với phần sau của câu phát biểu: “[Từ góc nhìn của bạn] chuyện bạn bị sứt móng tay là bi kịch, nhưng chuyện tôi rơi xuống cống và chết lại là hài kịch.”
Trong bài diễn thuyết vào năm 2008 trên TED, nhà nghiên cứu não bộ Jill Bolte Taylor đã tả lại quá trình chị nghiên cứu cơn đột quỵ của chính mình khi nó xảy ra. Chủ đề này có thể khiến mọi người bật khóc. Thế nhưng Taylor lại khiến khán giả cười lăn cười bò khi bộc lộ cho họ thấy chị quả là một siêu mọt sách:
Và khoảnh khắc đó, cánh tay phải của tôi hoàn toàn tê liệt. Rồi tôi nhận ra, “Ôi trời ơi! Mình đang lên cơn đột quỵ! Mình đang lên cơn đột quỵ!” Và tiếp theo đó, não tôi nói với tôi, “Ôi chao! Tuyệt quá! Tuyệt quá đi!” Thử hỏi có bao nhiêu nhà khoa học não bộ có cơ hội nghiên cứu chính bộ não của mình từ trong ra ngoài chứ?
Nếu xem phần trình diễn của những danh hài như Bill Cosby, Jerry Seinfeld hay Kathy Griffin, bạn sẽ thấy họ thường ở hai trạng thái khi im lặng chờ tràng cười dịu bớt. Khi đang hóa thân vào một nhân vật, họ vẫn giữ nguyên vai diễn đó, không di chuyển hoặc chỉ di chuyển hạn chế; trường hợp ngoại lệ là khi chuyển động đó gây cười. Khi họ làm khán giả bật cười vì một câu nói trong lúc không đảm nhận vai diễn nào, họ vẫn nở một nụ cười nhẹ, hoặc là tương đối đứng im, hoặc di chuyển tới vị trí khác trên sân khấu.
Hãy lồng yếu tố hài hước vào những câu chuyện giàu tính đối thoại. Thay vì mô tả cảm giác của mình, trong ví dụ trên, Jill Bolte Taylor đã khéo léo kết hợp chất hài hước vào đoạn đối thoại nội tâm. Tương tự, ngài Robinson cũng lồng yếu tố này vào lời của giáo viên dạy Shakespeare môn Anh ngữ và lời của cha Shakespeare.
Hãy học cách lặp chuyện. Nếu bạn đang băn khoăn phải tấu hài thế nào khi diễn thuyết trên TED, hãy tính đến các thái cực. Những danh hài độc thoại chuyên nghiệp thường truyền được từ bốn đến năm tiếng cười mỗi phút, nhưng như thế là quá nhiều cho một ý tưởng chủ đạo, và hầu như chỉ siêu nhân mới làm được. Trái lại, phải mất mười phút Bill Gates mới truyền được một tràng cười trong bài diễn thuyết trên TED, và như thế quả là tẻ nhạt.
Trong một phân tích khoa học khiêm tốn của tôi, các diễn giả được xem nhiều nhất trên TED phải tạo được trung bình hơn một tràng cười/phút. Những người khá nhất tạo được khoảng hai đến ba tràng cười/phút. Bí quyết là chúng không có độ lan tỏa như nhau. Khi gặp một tình huống vui nhộn, các diễn giả sẽ “lặp lại” các cụm ba mẩu chuyện có mức độ hài hước tăng dần. Ngài Robinson là bậc thầy trong kỹ thuật này, như tôi đã minh họa trong đoạn kể về chú bé Shakespeare ở trên.
Là diễn giả, đôi lúc chúng ta quên mất rằng kho công cụ của mình không chỉ có từ ngữ. Để khuếch đại yếu tố hài hước, chúng ta có thể sử dụng một số kỹ thuật phi ngôn từ. Các kiểu điều chỉnh đơn giản nhất là đồng bộ nét biểu cảm khuôn mặt và điệu bộ của bạn với tình tiết hài hước. Jim Carrey là danh hài tài hoa vĩ đại nhất đương thời về biểu cảm khuôn mặt. Tuy nhiên, bạn không cần đẩy chúng đến cực hạn. Chỉ cần những dấu hiệu tinh tế như cái nháy mắt kết hợp với nhướn mày cũng truyền được cho khán giả tín hiệu cười. Vì bạn có thể lồng yếu tố hài hước vào các câu chuyện, nên hãy thể hiện phản ứng trên gương mặt sao cho phù hợp với lời thoại của các nhân vật khác nhau. Hình thể và chuyển động cũng có hiệu ứng khuếch trương tương tự. Chẳng hạn, bạn có thể cho nhân vật xuất hiện với vẻ căng thẳng hay õng ẹo qua chuyển động như điên loạn.
Bên cạnh công kích, vẫn còn một khía cạnh quan trọng khác trong yếu tố hài hước mà bạn cần tránh khi diễn thuyết trước công chúng. Tuyệt đối tránh kể lại một câu chuyện cười mà bạn được nghe hoặc đọc ở đâu đó. Kiểu hài này thường được gọi là chuyện cười quần chúng hay chuyện cười đường phố. Nếu khán giả từng nghe qua nó rồi, bạn sẽ bị gạt đi và cho là không có gì đặc sắc. Những ai chưa từng nghe đến chuyện này sẽ lập tức cảm thấy như nó là món đồ hộp. Lối kể chuyện pha trò kiểu một dòng giờ đã lỗi thời, và ngày nay hài độc thoại chỉ tập trung phóng đại dư luận xã hội và trải nghiệm cá nhân. Điều này đồng nghĩa bạn nên sáng tạo ra chất hài độc đáo bằng cách kịch tính hóa các nhân vật, sự kiện và đoạn đối thoại trong các câu chuyện cá nhân của mình.
Nói trước công chúng có thể gây căng thẳng, và việc cố gây cười thường làm tăng mức độ lo âu. Tuy nhiên, trước khi trở thành nạn nhân, hãy tự hỏi đâu là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra? Có thể một trong các câu chuyện cười của bạn sẽ thất bại và không ai thèm nhếch môi. Thế thì đã sao? Sẽ chẳng ai nhớ nó cả. Không ai đi kể lại nỗ lực chọc cười thất bại của bạn ở nơi rót nước. Bạn sẽ không chết trong tuyệt vọng. Để giảm thiểu rủi ro, hãy luyện tập trước bạn bè và một nhóm khán giả nhỏ trước khi đứng trên sân khấu TED. Điều này đặc biệt quan trọng, vì phần lớn chất hài được phát hiện trong quá trình diễn tập hơn là được viết ra từ đầu. Tương tự như các phát minh, bí quyết tạo thêm nhiều tràng cười chỉ đơn giản là kể thật nhiều chuyện cười.
Một câu nói có tạo được tiếng cười hay không phụ thuộc vào nội dung truyền tải không kém gì cách thức truyền tải. Dĩ nhiên, nguyên lý này được áp dụng rộng khắp và vượt xa yếu tố hài hước. Chương tiếp theo sẽ hé lộ cách làm chủ khả năng truyền tải lời nói để nâng cao thông điệp chung của bạn.