Tin Sihanouk và con trai ông, Ranariddh sẽ trở về quê hương, đã mang lại hy vọng cho nhiều người dân Campuchia. Bị cô lập, thiếu thốn và nghèo nàn, bây giờ họ muốn giao phó đất nước của họ vào tay hoàng gia, những người mà họ vốn đã tin tưởng một cách mù quáng. Hun Sen và đảng của ông biết phải thực hiện điều gì đó nhanh chóng để chống lại dư luận quần chúng vốn ủng hộ hoàng gia.
Họ thấy điểm sơ hở trong tính toán của Sihanouk. Thời cơ đang đến dưới dạng những lời chỉ trích gay gắt của Hoàng tử Norodom Chakrapong, một người con của Sihanouk đã rời bỏ Đảng Funcipec mà cha ông đã sáng lập. Chakrapong bất mãn với đường hướng mà Đảng Funcipec đang đi theo và ông cố tìm một cuộc họp với Hun Sen và các lãnh đạo khác của Đảng CPP để đàm phán thăm dò về tương lai chính trị của ông. Cuộc đàm phán diễn ra tốt đẹp, và ông đã gia nhập chính phủ Nhà nước Campuchia (SOC) vào tháng 1 năm 1992. Sự rời bỏ đảng của ông một năm trước cuộc tổng tuyển cử đã làm cho các mối quan hệ giữa ông và người anh cùng cha khác mẹ với ông, Ranariddh trở nên xấu hơn.
Khi đụng đến chuyện dòng dõi huyết thống hoàng gia, Chakrapong là người con thuần hệ hơn Ranariddh. Mẹ của Chakrapong, công chúa Sisiwath Pongsanmoni, không những là thành viên của hoàng gia mà bà còn là con dì của Sihanouk. Mẹ của Ranariddh, Neak Moneang Phat Kanthol là một người dân bình thường.
Sihanouk đã lấy bốn bà vợ khác ngoài Pongsanmoni và Kanthol. Họ là công chúa Sisowath Monikessan, người sinh cho ông hoàng tử Naradipo; Kanita Norodom Norleak, một thành viên của hoàng gia, người này không có con; một phụ nữ Lào có tên Mam Manivan, sinh cho ông hoàng tử Sucheatvateya và hoàng tử Arunrasmey; và người phụ nữ đẹp lai Âu Á, Monique Izzi sinh cho ông hai người con trai, hoàng tử Sihamoni và hoàng tử Narindarapong. Chakrapong có 5 anh em ruột., một số đã bị Khơme Đỏ giết, nhưng Ranariddh chỉ có một người em gái duy nhất, công chúa Bopha Devi vẫn còn sống sót.
Ek Sereywath, một viên chức của Đảng Funcipec được học ở Pháp đã nói một cách sinh động “Ranariddh là một nhà trí thức có học vị tiến sĩ, trong khi Chakrapong chỉ là phi công trong không quân. Hai người anh em ấy không hòa hợp với nhau”.
Họ đã kình chống nhau vào năm 1992. Chakrapong, 47 tuổi và Ranariddh 48 tuổi, xuất hiện như những nhân vật có ảnh hưởng chính trị lớn ở nơi lưu vong. Đã gây dựng được tiếng tăm quốc tế nổi cộm về vai trò của ông trong cuộc đàm phán hòa bình Campuchia, Ranariddh đã kế tục cương vị lãnh đạo Đảng Funcipec từ cha ông. Đó là chức vụ mà Chakrapong đã luôn dòm ngó và khi ông không đạt được điều đó, ông đã chống đối và gia nhập chính phủ của Hun Sen.
Chakrapong nhanh chóng trở thành tên thường được nhắc đến sau khi Hun Sen bổ nhiệm ông làm phó Thủ tướng. Ngôi sao đang lên nhanh nhất và mới nhất trong nội các của Hun Sen, Chakrapong còn được trao một cấp bậc cao trong Bộ Chính trị theo kiểu cộng sản cảu Đảng CPP, một nhóm nội bộ điều hành Campuchia. Theo quan điểm của mọi người, đảng này đã có dự định kiếm chác được ở Chakrapong như một người thu hút được số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 năm 1993 với nỗ lực chống lại sự thu hút của đối thủ thuộc hoàng gia, Ranariddh. Chakrapong là thành viên duy nhất trong hoàng gia mà Đảng CPP cần có với ý định dùng sự lôi kéo của ông để thu phục tâm tư tình cảm của cử tri, những người vốn sùng kính dòng họ Norodom.
Hai anh em cùng cha khác mẹ này đã là đối thủ từ lâu của nhau với sự khác biệt gay gắt. Chakrapong và Ranariddh không đồng ý với nhau về cách Đảng Funcipec nên đối phó với phe du kích như thế nào. Sự tương đồng duy nhất là nét mặt của họ giống với người cha của mình và với giọng the thé đặc trưng của cả ba người này. Sự khác biệt giữa hai anh em cùng cha khác mẹ này đã ảnh hưởng bất lợi đến một thỏa ước được ký vào tháng 11 năm 1991 giữa Đảng Funcipec và Đảng CPP ủng hộ các chính sách của Sihanouk.
Để hiểu thấu được bên trong mối cựu thù của Hoàng gia, vào giữa tháng 8 năm 1992, chúng tôi đã gọi điện thoại tới văn phòng của Chakrapong. Con trai của ông, một hoàng tử trẻ, Norodom Buddhapong, tạm thời làm phụ tá cho ông, đã sẵn sàng sắp xếp một cuộc gặp gỡ với cha cậu vào sáng hôm sau tại văn phòng của ông trong dinh Hội đồng Bộ trưởng.
Chakrapong, có nước da ngăm đen, mặc bộ đồ màu tối đi vào phòng và đon đả cháo hỏi chúng tôi như thể là những người bạn cũ. Ranariddh gầy và lùn hơn nhiều so với người anh em cùng cha khác mẹ này, Chakrapong vừa bự con và cao. Ngồi ngay xuống, Chakrapong bắt đầu giải thích lý do tại sao mình đã rời bỏ Đảng Bảo hoàng của cha ông.
Với giọng trầm bổng the thé, Chakrapong nói “ Tôi đã vào Đảng Bảo hoàng vì cha tôi là Chủ tịch của đảng và tôi muốn đuổi bộ đội Việt Nam ra khỏi Campuchia. Với tư cách là một công dân Campuchia, mục đích của tôi được hoàn thành vào ngày Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết vào tháng 10 năm 1991 để chấm dứt sự xung đột giữa các phe phái. Cha tôi trở thành Quốc trưởng và nhiệm vụ của tôi kết thúc”.
Trước khi gia nhập chính phủ của Hun Sen, Chakrapong đã làm phó Trưởng ban tham mưu và Tư lệnh lữ đoàn tinh nhuệ thuộc Quân đội Quốc gia Campuchia Độc lập của Sihanouk trong những năm Sihanouk đứng đầu Đảng Funcipec. Sau khi Hiệp định Hòa bình được ký, Sihanouk được bổ nhiệm làm người đứng đầu Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Tối cao (SNC) trung lập và không có quyền hành. Một thành viên cấp cao trong chính phủ của sh cho chúng tôi biết là ngay sau khi Chakrapong rời bỏ đảng của cha mình, ông cố gia nhập Khơme Đỏ, nhưng giữa ông và họ không thể đạt được sự thỏa thuận trợ giúp cho ông. Chakrapong đã vào Đảng CPP như là một sự lựa chọn thứ hai.
Trong cuộc nói chuyện kéo dài cả tiếng, Chakrapong đã nói “ Tôi là nhân vật số hai trong Đảng Funcipec”. Rõ ràng, ông muốn nói cha ông là nhân vật số một.
Là một trong số năm phó Thủ tướng trong SOC, Chakrapong đảm trách đến 6 bộ - hàng không dân sự, du lịch, công nghiệp, văn hóa, giáo dục và phúc lợi xã hội. Gánh nặng công việc dồn lên vị hoàng tử này quá nhiều, ông giữ vai trò cao nhưng không có thực quyền trong hầu hết các bộ, ngoài Bộ hàng không dân sự là nơi ông thực hiện tốt. Ông mải mê vào một kế hoạch tham vọng để mở rộng hãng hàng không quốc gia. Một phần lý do này là vì sở thích của ông về nghành hàng không mà ông vốn là một phi công chiến đấu trong Không lực Hoàng gia Campuchia khi cha ông là quốc trưởng. Vào thời điểm đó, cha ông có dự định yêu cầu Liên Xô cung cấp chiến đấu cơ MIG-21, nhưng Sihanouk đã bị hất cẳng trong cuộc đảo chính. Về phần mình, Chakrapong nói là ông sẽ nâng cấp hãng hàng không quốc gia Campuchia bằng cách thuê bao máy bay phản lực Boeing chở hành khách, cũng như bổ sung các đường bay nối tiếp.
Ông có trở thành người cánh tả bằng cách gia nhập Đảng CPP theo kiểu cộng sản?
Chakrapong nói một cách phẫn nộ “Là dòng dõi Hoàng gia, tôi sẽ không gia nhập một đảng là cộng sản”.
Rõ ràng, Đảng CPP có nguồn gốc từ cộng sản và dòng tư tưởng của Chakrapong nghe có vẻ hợp lý.
Nhiều lần Chakrapong đã tình cờ thốt ra tên của người cha mình để củng cố lý lẽ là ông đã thu phục được sự tán thành của người cha về hầu hết các hoạt động của ông.
Ông nói “Cha tôi, vị Nguyên thủ quóc gia của chúng tôi đã quả quyết với chúng tôi là sau cuộc bầu cử các chính sách kinh tế của chính phủ sẽ không bị loại bỏ”.
Tại sao một chính phủ mới sẽ chấp nhận các chính sách của chế độ Hun Sen?
Mặt Chakrapong đỏ ửng lên như màu củ cải đường và môi duới ông run lên. Chúng tôi biết mình đã chạm vào một huyệt điểm chính trị.
Ông lên giọng hỏi “Quý vị muốn nói chế độ là như thế nào? Có phải quý vị nói chúng tôi là một chế độ? Chế độ là gì? Nó là thứ nhỏ hơn chính phủ? Chúng tôi là gì mà nhỏ hơn chính phủ?”.
Chúng tôi quyết định bỏ qua vấn đề và chuyển đề tài. Nhưng Chakrapong hoàn toàn chưa muốn kết thúc.
Ông nói lớn tiếng “Chúng tôi là chính phủ của Campuchia. Có thể chính phủ kế tiếp chúng tôi không thể giải quyết được nhiều việc như chúng tôi, vì chúng tôi đã đưa ra một luật đầu tư mới thích đáng rồi và đã đi theo các hệ thống kinh tế tốt nhất của nước ngoài. Chúng tôi cho là chúng tôi có thể thắng cử. Và nếu chúng tôi thắng, chính sách kinh tế có tính liên tục. Tôi lạc quan về việc giành được thắng lợi, vì chúng tôi là chính đảng lớn nhất ở quốc gia này”.
Chakrapong đã bắt đầu tỏ ra hống hách ngay sau khi ông nhậm chức. Khi Ranariddh muốn bay tới phi trường Pochentong trên một chiếc phi cơ tư nhân, Chakrapong đã dùng quyền hạn của mình là Bộ trưởng Bộ hàng không dân sự để ngăn cản không cho phép. Ranariddh đã nhiều lần yêu cầu nhưng đều bị từ chối. Đó là một tình tiết mà Ranariddh sẽ không bao giờ quên; ngay khi có cơ hội, ông sẽ rửa hận.
Khi Chakrapong dường như còn ẩn mình ở nơi xa xôi, thì một vị hoàng tử Campuchia nổi lên trên tấm thảm thêu hoa công phu của chính trường Campuchia: Hoàng thân Norodom Sirivudh, người em cùng cha khác mẹ với Sihanouk và là chú của Ranariddh và Chakrapong.
Vào tháng 1 năm 1993, tình hình căng thẳng tăng cao khi cuộc bầu cử đang đến gần. Bất thình lình, các hoàng tử thuộc tất cả các dòng đều bắt đầu tham chính. Với bảng tên ghim trên túi áo sơ mi, Sirivudh nhìn có vẻ giống một giám đốc điều hành công ty hơn là một chính trị gia đầy khát vọng. Đây còn là một hoàng thân anh em cùng cha khác mẹ với Sihanouk, có nhiều kiểu cách chưng diện cầu kỳ một cách lạ đời – Sirividh cũng nói với giọng the thé, thích khuấy động các cuộc bàn cãi.
Tiểu sử của Sirivudh trong phần tóm tắt ngắn gọn như sau: Ông nói ông đã “chống đối chủ nghĩa đế quốc Mỹ ở Đông Dương” vào thập niên 1970. Ông xin tị nạn ở Pháp, nơi ông đã làm việc và muốn trở về Campuchia vào năm 1976, nhưng “không biết Khơme Đỏ đang gây tội ác diệt chủng vào thời điểm đó”. Ông đã phải chờ ba năm và gia nhập phong trào của Sihanouk vào năm 1979. Năm đó, Khơme Đỏ đã bị hất cẳng khỏi chính quyền. Khi ấy, Sirivudh đã trải quan phần lớn thời gian trong rừng kề vai sát cánh chiến đấu cùng với các người cháu trai của mình, Ranariddh và Chakrapong, những nhân vật này sau đó đã liên minh với nhau.
Sirivudh đã giải thích rõ cho chúng tôi biết ông là người đầu tiên trong dòng họ Norodom đã từ trong rừng Campuchia trở về Phnom Penh vào tháng 11 năm 1991, ngay sau ngày ký Hiệp định Hòa bình Paris được một tháng. Sirivudh với vẻ tức giận khi ông đề cập đến hàng triệu cuộc nổi loạn của Campuchia. Ông nói là UNTAC đã không thực hiện được sứ mệnh của mình bảo vệ dân chúng của ông: ít nhất 20 đảng viên của ông đã bị các đối thủ chính trị bắn gục.
Chúng tôi hỏi Sirivudh, Hoàng gia đã xem việc Chakrapong rời bỏ Đảng Bảo hoàng như thế nào.
Sirivudh nói “ Chúng tôi đã thất vọng về Hoàng tử Chakrapong khi cậu ta bỏ chúng tôi và gia nhập chính phủ của Thủ tướng Hun Sen. Nhưng hoàng tử Chakrapong cũng thất vọng về Đảng Funcipec”.
Sau đó, ông tiết lộ chiến lược của Hun Sen lôi kéo các hoàng tử trẻ rời bỏ Đảng Bảo hoàng.
“Khi tôi trở về Phnom Penh vào tháng 11 năm 1991, Hun Sen đề nghị sắp xếp trả lại nhà cho tôi và ông đề nghị cho tôi một chiếc ô tô. Tôi đã từ chối vì tôi muốn thắng cử, rồi sau đó mới nhận tài sản”.
Sirivudh muốn ám chỉ rằng Chakrapong đã vui vẻ nhận các đặc quyền của chức vụ cao mà Hun Sen đã đề nghị cho.
Giống như dòng họ Norodom, nhiều người lãnh đạo Đảng Funcipec đã có hộ chiếu đi nước ngoài, chủ yếu là Pháp, Mỹ và Úc. Điều này cho thấy nguồn gốc của sự chỉ trích là họ không thực sự gắn bó với Campuchia và họ rất mong muốn có cuộc sống thoải mái ở nước ngoài. Các quan chức trong chính phủ của Hun Sen đã mang tinh thần dũng cảm cao để khẳng định rằng họ không có hộ chiếu nước ngoài và họ không có ý định bỏ chạy khỏi Campuchia nếu Khơme Đỏ cướp lại chính quyền.
Bị châm chọc bằng lời phê bình này, Sirivudh phản ứng lại “ Vấn đề hộ chiếu nước ngoài là chuyện nhỏ nhen và thiển cận. Ai dám nói những người của Hun Sen không có hộ chiếu đi Việt Nam?”.
Sau đó, Sirivudh đả kích các mối liên hệ của SOC với Việt Nam.
Ông nói “SOC đã ký ba hiệp ước biên giới với Việt Nam, và đã trao cho họ phần đất nào đó. Nhưng chúng tôi không cho Thái Lan chút đất nào. Chúng tôi gắn bó với đất nước này. SOC đã xúc phạm đến phẩm giá của Hoàng thân Sihanouk trong 10 năm, nhưng bây giờ sự hòa giải dân tộc là điều quan trọng nhất. Vào thập niên 1970, chúng tôi đã đi theo nước cờ của Mỹ đã làm một thảm họa. Năm 1975, chúng tôi đã đi theo nước cờ của Trung Quốc, cũng đã là một thảm họa. Năm 1979, chúng tôi đã đi theo nước cờ của Liên Xô, lại là một thảm họa nữa. Bây giờ chúng tôi hãy đi theo nước cờ Campuchia và tái thiết Campuchia “.
Sirivudh buộc tội chính phủ của SOC đang cầm quyền về chuyện hăm dọa.
Ông nói “Tất cả các vụ sát hại được chính quyền địa phương tổ chức. Họ luôn luôn quấy rối các nhân viên của chúng tôi. Những người theo dõi của chúng tôi ở các tỉnh cho biết là những người của SOC đã nói trực tiếp với họ ‘Các người là những gã tồi đến gây rối cho chúng tôi. Trong mấy năm rồi, chúng tôi không thấy bọn các người, nhưng bây giờ các người đến làm trò phô trương trong cuộc bầu cử. Bọn bày là những người gây rối. Lần sau còn tới chúng tôi sẽ bắn các người’. UNTAC dường như không ở vào cái thế có thể bảo vệ chúng tôi. UNTAC đã không phản ứng lại sự quấy rối ấy. Hoàng thân Sihanouk còn nói là cả UNTAC và SOC cũng không ở vào cái thế có thể tạo được môi trường chính trị trung lập”.
Luận điệu đó đã trở thành kiểu mô tả về tình trạng thiếu khả năng của UNTAC. Trong khi các đảng phái chính trị và các nhóm nhân quyền quốc tế, chẳng hạn như, Asia Watch chỉ trích UNTAC về tình trạng không thể chặn đứng các vụ sát hại. UNTAC đã phải chịu nhiều vu khống, nhưng họ vẫn còn là niềm hy vọng lớn nhất đối với dân chúng. Vì không có sự can thiệp của UNTAC thì sẽ không có bầu cử.
Chẳng có bao nhiêu thay đổi vào tháng 12 năm 1992, khi Chakrapong và gia đình ông đến Singapore trong chuyến viếng thăm cá nhân. Khi chúng tôi gặp ông tại một khách sạn địa phương, một lần nữa trong ý kiến của ông, tương lai chính trị của cha ông là điều quan trọng hơn cả.
Ông nói “Chúng tôi đang ủng hộ hoàng thân, và chúng tôi là những người đầu tiên đề xuất tên ông vào chức Tổng thống”.
Ưu thế hơn phe đối thủ, Ranariddh cũng đã công khai kiếm chác được ở tiếng tăm của Sihanouk, một người lôi kéo cử tri chắc chắn thành công. Trái lại, Chakrapong không thể khẳng định đảng của ông tiêu biểu cho tính cách của người bảo hoàng, vì nó được những người vốn đã ly khai từ Khơme Đỏ dựng lên, nhưng ông đã cố liên kết Đảng CPP thân thiết với Sihanouk càng nhiều càn tốt. Có rất nhiều lợi lộc chính trị kiếm được bằng việc làm như vậy. Chakrapong, Ranariddh và Hun Sen sẽ trở thành “người hùng tự kết liễu” sự nghiệp chính trị, nếu họ tự đưa mình lên thành các đối thủ chính trị của Sihanouk. Một nhận xét không tốt của Sihanouk trên truyền hình quốc gia sẽ làm tổn thương đến các triển vọng của họ. Do đó, tất cả họ đều phải vỗ về cái tôi của Sihanouk đã lão thành.
Sihanouk đã phản ứng lại sự thật mà hai người con trai của ông không những là đối thủ mà còn là những kẻ thù chính trị của nhau như thế nào?
Chakrapong nói không ngần ngại “Mọi người dân Campuchia đều ở trong tâm trí của cha tôi. Trước hết, hai người con trai của ông đều là các công dân Campuchia. Kế đến, ông là người theo kiểu tự do dân chủ. Chúng tôi đã chịu nhiều ảnh hưởng của nền dân chủ kiểu phương Tây, và chúng tôi được tự do từ khi chúng tôi 18 tuổi. Bây giờ tôi 47 tuổi, còn anh tôi 48 tuổi, và chúng tôi vẫn còn là những người theo kiểu tự do dân chủ. Ngoài ra, ở nhiều nước, con cái của một gia đình được tự do gia nhập các đảng phái khác nhau”.
Ông đã giải thích tại sao dòng họ Norodom bị chia rẽ.
Ông nói “ Nếu cha tôi vẫn còn làm Chủ tịch đảng, và tất cả chúng tôi đều không ở trong cùng một đảng với cha tôi, thì quí vị có thể cho rằng chúng tôi bị chia rẽ. Nhưng xin nhớ rằng khi cha tôi là Chủ tịch Đảng, tất cả chúng tôi đều ở trong cùng một đảng:.
Không lâu sau chuyến trở về Phnom Penh, chúng tôi đến thăm Chakrapong tại biệt thự của ông, đã được dành riêng như là đặc quyền của một quan chức chính phủ. Hai người lính bảo vệ đứng bên ngoài cổng sắt có chấn song nhọn đầu trông phát sợ. Họ cho chúng tôi vào mà không hỏi câu nào. Điều duy nhất chúng tôi được yêu cầu là bỏ giày ra trước khi vào nhà. Chúng tôi được dẫn vào một phòng khách với các bức tường được trang trí bằng sự phối hợp các tác phẩm nghệ thuật Campuchia hiếm thấy và các bản sao các tác phẩm trông đẹp như bản gốc. Sau mười phú, Chakrapong mặc bộ sắc phục đặc trưng của ông xuất hiện. Ông mỉm cười chào hỏi chúng tôi, rồi bật lên cười xã giao. Ông cố nài chúng tôi dùng trà. Trà đã mang đến và chúng toi bắt đầu nói chuyện.
Vào thời điểm này, Sihanouk đã trở nên thù địch với chính phủ của SOC, vì họ đã quấy rối liên tục các đảng viên của Ranariddh. Sihanouk nói rằng ông sẽ không còn hợp tác với SOC.
Chakrapong cắt ngang “Đó mới chỉ là một nửa những gì ông đã nói. Còn nửa kia là những điều mà ông sẽ tiếp tục có mối quan hệ với SOC giống như trước đây. Đúng tôi là con trai của ông, nhưng nhân danh chính phủ của SOC, tôi là Phó Thủ tướng. Anh tôi, Ranariddh đã đi gặp cha tôi khi ông bị bệnh ở Bắc Kinh, và đưa cho ông tất cả các báo cáo không xác thực về SOC đang quấy rối những người của Đảng Funcipec. Hoàng tử Ranariddh là người xúi giục cha tôi, và cha tôi đã đưa ra lời tuyên bố là ông sẽ không hợp tác với SOC và UNTAC. Quý vị biết đấy, cha tôi là một người theo chủ nghĩa nhân văn, rất dễ xúc động và ông đã bất bình”.
Để đáp trả lại thái độ ấy, Chakrapong đã đưa ra một bài diễn văn dài đả kích Ranariddh.
“Hoàng tử Ranariddh đã nói rằng ông không muốn sống ở Phnom Penh. Ngay từ đầu ông chưa bao giờ sống ở Phnom Penh. Mặc dù ông là một thành viên của SOC đặt tại Phnom Penh, Ranariddh sống ở Bangkok và dạy tiếng Pháp. Ông không sống ở Phnom Penh, vì ông nói là không an toàn. Nhưng Ranariddh muốn gì? Tôi nghĩ đây là một thủ đoạn lý gián cha tôi với Campuchia, và khiến cho cha tôi ngày càng ở bên ngoài đất nước, vì nếu cha tôi ở đây ông sẽ thấy được tình hình thực tế. Ban đầu ông ấy (Ranariddh) đã cho rằng ông ấy có thể thắng cử, nhưng bây giờ ông ấy không thể”.
Vẻ giận dữ hiện lên trên nét mặt của ông khi ông đề cập đến việc ngược đãi những người định cư Việt Nam ; và ngay cả ở điểm này, đã thấy được cơ hội chống lại Ranariddh.
Ông nói “ Còn một vấn đề khác – đó là những di dân Việt Nam là một vấn đề nhân đạo. Người ta không thể làm ngơ với lịch sử. Trong thời cai trị của cha tôi, có 500.000 người Việt Nam được sinh ra ở Campuchia. Họ là một cộng đồng thiểu số ở Campuchia trong một thời gian dài. Hãy nhìn vào hoàng tử Ranariddh. Ông là công dân Pháp và là một giáo sư tại đại học Pháp. Đa số những nhà lãnh đạo của các đảng phái khác là các công dân Úc, Mỹ hoặc Pháp. Các đảng này khẳng định họ là các chiến sĩ của nền dân chủ tự do và nhân quyền, nhưng chế độ dân chủ tự do loại nào lại thậm chí không công nhận các quyền căn bản cho những người di dân Việt Nam “.
Ông đã đưa ra sự thử thách cho Ranariddh và các đảng viên của nhân vật này phải chịu bỏ các hộ chiếu nước ngoài và đem ra so sánh với người dân Campuchia.
Ông nói “Ở nhiều quốc gia, người giữ hộ chiếu nước ngoài không được phép vân động tranh cử. Một số chính khách Campuchia này thậm chí có hai, ba quốc tịch. Ngay cả như vậy, chúng tôi vẫn không phản đối, nếu họ vận động trong cuộc bầu cử của chúng tôi. Nhưng tại sao những người này lại từ chối các quyền tương tự đối với các di dân người Việt Nam? Sẽ có vấn đề nghiêm trọng nếu các quí ông có ba quốc tịch trở thành Bộ trưởng. Họ quả quyết sẽ bênh vực các quyền lợi của Campuchia, nhưng họ có các bổn phận công dân với các chính phủ khác. Nếu những người này lên cầm quyền, Campuchia sẽ mất chủ quyền, vì khi đó họ sẽ bị những người nước ngoài chi phối. Nếu những người cơ hội này thực sự gắn bó với Campuchia, tại sao họ lại không chịu bỏ đi quốc tịch khác? Nếu họ không thể hy sinh chỉ một mảnh giấy, làm sao họ có thể hy sinh cho cả dân tộc họ? Tôi biết lý do tại sao họ muốn giữ hộ chiếu nước ngoài của họ. Nếu họ thắng cử, họ sẽ ra điều hành đất nước. Nhưng nếu họ thất cử và nếu Khơme Đỏ cướp chính quyền, thì các quí ông ngoại lại anyf sẽ dông đi nước ngoài ngay. Đảng phái duy nhất không có hộ chiếu nước ngoài là SOC”.
Giọng của Chakrapong lên cao hơn khi ông bác các lý lẽ viện cở để bộ đội Việt Nam có mặt ở Campuchia nhằm ủng hộ cho chính phủ Hun Sen.
Ông nói “Nếu bộ đội Việt Nam có mặt ở Campuchia, cha tôi sẽ không trở về Phnom Penh! Cha tôi có triết lý và chiến lược chống lại chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đề quốc. Ông ủng hộ cho sự cai trị độc lập và cho dân tộc. Ông là người lãnh đạo cao nhất của các lực lượng kháng chiến, vì sự có mặt của bộ đội Việt Nam ở Campuchia đi ngược lại các nguyên tắc của ông. Cho tới trước năm 1989, ông không muốn trở về Campuchia, vì bộ đội Việt Nam đã ở đây. Đừng quên là tôi cũng ở trong rừng chống lại bộ dội Việt Nam, và tôi đã trải qua cuộc sống rất gian khổ. Nhưng tôi ở đây không giống như hoàng tử Ranariddh, anh tôi và Son Sann, người đã ghi tên ứng cử, nhưng lại sống ở Bangkok. Quý vị có nghĩ là sau một cuộc chiến kéo dài 12 năm, tôi đã trở về sống trong một đất nước đã có sự hiện diện của bộ đội Việt Nam?
Là Bộ trưởng Bộ Hàng không dân sự, Chakrapong đã bay đến thủ đô của các nước Đông Nam Á để hoạt động kinh doanh. Ông là công cụ cho việc mở hãng vận tải quốc nội và hãng hàng không Campuchia vốn được một thương gia người Malaysia tài trợ. Nhưng chẳng bao lâu, ngôi sao nổi lên của Chakrapong đã bắt đầu lu mờ. Sự lụi dần của ông là do chính việc làm của ông. Vào ngày 10 tháng 6 năm 1993, trong vòng mấy ngày loan báo các kết quả bầu cử, Chakrapong và phe của những nhà lãnh đạo CPP, chẳng hạn như, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Sin Song và chủ tịch của 7 tỉnh miền đông đã từ chối chấp nhận lời phán quyết về số phiếu bầu bị đảng của những người bảo hoàng do Ranariddh, đối thủ chính của Chakrapong lãnh đạo, đã thắng sát sao. Quân chống đối được Chakrapong chỉ đạo đã thành lập một vùng tự trị Samdech Euv, như kiểu một tỉnh ly khai.
Samdech Euv là một từ chỉ lòng kính trọng, có nghĩa là “Phụ hoàng” thường được dùng để chỉ Sihanouk. Có điều lạ là quân chống đối chọn đặt tên cho đơn vị của họ theo sau từ Samdech Euv, vì nhìn bề ngoài, các nước cờ của họ không có lời tuyên bố tán thành của Sihanouk. Chakrapong dùng tên của cha mình với hy vọng hợp pháp hóa vùng tự trị Samdech Euv. Nhưng dân chúng đã thấy rõ thủ đoạn đó. Họ biết quân chống đối chỉ cố chống lại các kết quả của cuộc bầu cử mà họ đã đi bầu với số phiếu áp đảo. Trong một vài ngày rối ren vào tháng 6, xem ra đất nước đã bị chia cắt, khi lần lượt các tỉnh đã tách ra. Các tỉnh chống lại gồm: Kompong Cham, Kratie, Prey Veng, Svay Rieng, Mondulkiri, Ratanakiri và Stung Treng – những vùng chủ yếu về nông nghiệp, nơi mà Đảng CPP lôi kéo được chính quyền.
Sự ly khai này đã gây rắc rối cho Hun Sen. Có vẻ như quân chống đối đã hành động theo sự tán thành của ông, vì một trong những người lãnh đạo chống đối là Hun Neng, anh của ông, chủ tịch tỉnh Kompong Cham. Để xua tan đi các tin đồn và xoa dịu cơn khủng hoảng, Hun Sen đã phải đi xe tới Kompong Cham cùng với sĩ quan phụ tá, Uch Kiman để thuyết phục anh ông bỏ nước cờ chia cắt đất nước. Ban đầu, Hun Neng đã ra lệnh trục xuất các viên chức của lực lượng UNTAC và Funcipec khỏi tỉnh, nhưng sau đó ông đã rút lại. Hun Sen đã hoàn thành được sứ mệnh của mình và tỉnh Kompong Cham đã dỡ bỏ vùng tự trị.
Sau một tuần ở trong tình trạng bất ổn, đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy vùng tự trị đang sụp đổ. Với sự quay trở lại của Kompong Cham hòa nhập vào như trước, có khả năng rồi Prey Veng và Svay Rieng, cũng sẽ không còn ly hai nữa và có thể đoán trước hai ngày sau, hai tỉnh này sẽ bỏ không còn đối đầu nữa. Các tỉnh còn lại thuộc vùng nông thôn, trong vòng vài ngày rồi cũng đã hành động theo cách như các tỉnh khác vừa làm, và phong trào ly khai đã bị tê liệt. Kế hoạch hành động vụng về của Chakrapong đã bị phơi bày. Hun Sen đã bị hết sức mất mặt vì quân chống đồi là những người trong đảng của ông. Ông đã thừa nhận họ là bọn “ người lầm đường lạc lối”.
Một vài giờ sau khi thành lập vùng tự trị vào ngày 10 tháng 6, một sĩ quan cao cấp của quân đội phục vụ trong lực lượng giữ gìn hòa bình UNTAC đã nói với chúng tôi là ông đã nhận được tin tình báo cho biết Chakrapong đang dự tính trốn sang Việt Nam để tránh bị bắt. Vào ngày 15 tháng 6, Chakrapong đã trốn sang Việt Nam. Về phía Việt Nam, họ cho biết không thể ngăn cản Chakrapong vào đất nước này. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ở Hà Nội nói rằng không có thông tin nào liên quan đến nơi ở của ông ở Việt Nam. Trước thời điểm đó, Chakrapong và Sin Song đã từ chức khỏi chức vụ trong Quốc hội. Với vùng tự trị đang giãy chết, việc dàn cảnh này được đặt ra cho ý đố thương lượng.
Rất có thể Đảng CPP sẽ bàn giao quyền hành, dù phải miễn cưỡng, và sẽ nắm lấy các điều kiện và đòi hỏi kiểm soát các Bộ, như Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính.Cũng có thể Đảng CPP sẽ đòi hỏi cương vị ngang bằng với Ranariddh cho Hun Sen, ứng cử viên chức Thủ tướng. Nhưng Ranariddh đang hướng đến tình thế đối địch, ông nói rằng triển vọng lắm thì ông sẽ đề nghị cho Hun Sen chức Bộ trưởng. Thực tế thì hoàn toàn khác; Ranariddh khó lòng ở vào cái thế có thể đưa ra điều kiện cho Đảng CPP mà họ đã thực sự kiểm soát được chính quyền. Cuối cùng, hai đảng quan trọng nhất này đã phải đi đến chỗ thương thảo để sống dĩ hòa vi quý, và chia sẽ quyền hành ngang nhau.
Các sự kiện lạ đời nhất đã trở thành chuyện tầm thường không ai nhắc đến. Vừa đúng một tuần sau khi nỗ lực vụng về chia rẽ đất nước, Chakrapong đã được Sihanouk thăng cấp thành Tướng bốn sao, nhưng hoàn toàn không được phục hồi cương vị cũ. Đời sống chính trị ở Phnom Penh không sao có thể đoán trước được, giống như cá tính hay thay đổi của Nhà vua Sihanouk. Cùng thời gian đó, Hun Sen, Ranariddh, Chea Sim và Heng Samrin đã được phong thành các Tướng năm sao. Sự nỗ lực chia cắt Campuchia của Chakrapong đã bị quên lãng.
Sự phiến loạn chống đối chính quyền đúng là rất có sức thu hút đến đột thành một vấn đề mà Sihanouk đã phải tìm cách để cho nó được bỏ qua. Năm 1995, ông đã quay một cuốn phim 25 phút, Kẻ Thừa Kế Người Chủ Trương Ly Khai Thất Bại, rõ ràng nó đã được lấy cảm hứng từ các hành động của Chakrpong. Sihanouk nói “Một nhóm rất nhỏ các nhân vật Campuchia đã cố gắng giành được sự ly khai của một vài tỉnh khỏi Campuchia. Tôi đã ngăn các hành động của họ lại được bằng cách hứa ân xá cho các phe phái đáng phải khiển trách, nếu họ chấp nhận tập hợp quay lại ngay với chính phủ trung ương. Đây là những người chủ trương ly khai vụng về, không chuyên mới làm như vậy và mọi thứ đã được vãn hồi trở lại bình thường mà không có sự đổ máu. Cuốn phim này cũng là ám chỉ đến sự ly khai đã xảy ra ở Campuchia trước đây vài thế kỷ. Ông nói thêm “Chính phủ Campuchia vào thời kỳ đó đã phải tìm mọi cách để dẹp yên tất cả các cố gắng ly khai”.
Bên trong câu chuyện phiến loạn của Chakrapong nổi lên vào đầu tháng 7 năm 1993, khi ấy chúng tôi gặp Chakrapong tại dinh thự của ông. Mặc bộ sắc phục, Chakrapong nói chuyện với chúng tôi trong hai tiếng, nước mắt ứa mờ đôi mắt của ông. Ông chua chát nói về sự đối xử mà ông đã phải chịu từ hành động của Đảng CPP.
Với giọng nghẹn ngào xúc động, Chakrapong nói “Tôi đã bị đảng của mình phản bội và đem đi thí”.
Sự nỗ lực của Chakrapong thành lập vùng tự trị đã làm nảy sinh nhiều câu hỏi. Có phải Đảng CPP đã dàn cảnh một cuộc phiến loạn để củng cố vị thế thương lượng trong các cuộc đàm phán về việc kiểm soát các Bộ chủ chốt trong chính phủ? Sihanouk có được thông báo về sự thành lập vùng ly khai ấy không? Có vẻ như cuối cùng việc Chakrapong đã gánh chịu như một kẻ giơ đầu chịu báng là có lý.
Vẫn còn là một thành viên trong Bộ Chính trị của Đảng CPP, nhưng Chakrapong đang ẩn mình kín đáo.
Kìm nén nỗi xúc động mạnh, Chakrapong nói “Có lẽ tôi sẽ rời bỏ đảng. Tôi rất trung thành với đảng này, nhưng tôi rất buồn là đảng của tôi không thể đoàn kết. Tôi cảm thấy rất ân hận vì mình đã bị họ thí. Tôi đã phục vụ họ hết lòng, nhưng tôi không muốn bị phản bội. Tôi muốn thấy Đảng CPP bênh vực các thành viên của họ, vì tất cả chúng tôi đều có trách nhiệm. Tại sao chỉ hy sinh Chakrapong và Sin Song vì cái được gọi là hòa giải dân tộc? Tại sao hy sinh chúng tôi để làm vừa lòng Đảng Funcipec? Tôi không biết liệu mình có còn ở trong đảng nữa hay không? Nhưng tôi rất thất vọng là Đảng của tôi đã thay đổi lập trường nhanh chóng. Họ không có lập trường vững chắc”.
Sự phản bội đã làm tổn thương ông một cách sâu đậm.
Ông nói “ Tôi rất ngạc nhiên là Đảng CPP không bênh vực tôi. Khi gia nhập Đảng CPP, tôi nghĩ là họ biết lẽ phải và đoàn kết, họ sẽ giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng bây giờ tôi mới hiểu được điều mà một số người trong Đảng CPP đang làm. Rồi một ngày khi trở lại hoạt động chính trị, tôi sẽ kể cho quý vị toàn bộ câu chuyện ấy”.
Chakrapong đã đang suy nghĩ về việc quay trở lại đời sống chính trị.
“Dân chúng Campuchia biết tôi yêu nước và họ sẽ lấy lại sự công bằng cho tôi. Đa số họ nói tôi là người ái quốc, và họ hiểu tôi đang làm gì cho đất nước này”.
Chakrapong đã hy vọng đạt được điều gì qua việc thành lập khu tự trị?
Ông căm phẫn nói “Các kết quả của cuộc bầu cử đầy những điều trái với nguyên tắc”.
Điều làm ông thấy bất nhẫn là Ranariddh, anh ông, không chịu chia sẻ quyền lực.
Ông nói “Cha tôi đã đề nghị thành lập chính phủ lâm thời với chính ông là Tổng thống, được hai phó Thủ tướng ủng hộ, Hun Sen và Ranariddh. Nhưng đảng của Ranariddh cho rằng chỉ mình họ sẽ cầm quyền, vì họ đã thắng cử. Cha tôi đã nhắc Ranariddh về chiến lược bầu cử của ông là ‘bầu cho đảng Ranariddh cũng giống như bầu cho Sihanouk ‘. Nhưng mọi người vẫn không thay đổi quan điểm của họ. Akashi (Trưởng phái bộ người Nhật của UNTAC) cho rằng cuộc bầu cử tự do và công bằng, ông đã bác bỏ các điều trái nguyên tắc ấy như là chuyện không quan trọng. Nếu điều gì đó tương tự xảy ra ở Nhật, thì sẽ không phải là chuyện nhỏ”.
Chakrapong nói rằng dân chúng ở các làng xã không vui với các kết quả của cuộc bầu cử.
Ông nói “Dân chúng ở nhiều tỉnh rất tức giận về những việc trái với nguyên tắc. Mọi người đều nghĩ điều tôi đang làm là không thể đạt được. Tất cả những người lãnh đạo đều đã bất lực. Người duy nhất có thể giải quyết được vấn đề là Hoàng thân Sihanouk “.
Chỉ ngón tay lên trời trước mặt mình, ông nói “Tôi muốn đính chính sự hiểu lầm. Khi tôi nói rằng tôi đang thành lập vùng tự trị, dân chúng nghĩ điều đó là chia rẽ đất nước. Tôi đã gọi nó là một vùng tự trị với danh nghĩa của cha tôi. Vì vậy, sao họ có thể buộc tội tôi và Tướng Sin Song chia rẽ đất nước? Điều đó không đúng”.
Chakrapong không những bị chính đảng của ông bỏ rơi vì ông đi quá xa, mà Ranariddh còn cố thuyết phục Sihanouk không tính đến Chakrapong trong chính p hủ tương lai, và Sihanouk đã đồng ý. Bất ngờ, tất cả các cánh cửa đều đã đóng sầm trước mặt ông.
Chakrapong nói “Làm sao anh tôi cùng một lúc có thể nói điều đó khi chúng tôi đang cố gắng tiến tới sự hòa giải dân tộc?Kiểu hòa giải dân tộc đó là như thế nào? Trước khi Hoàng tử Ranariddh đưa ra yêu cầu của ông mà tôi đã nói với cha tôi rằng tôi không muốn tham gia vào chính phủ. Nhưng Ranariddh còn yêu cầu Hun Sen không nên tham gia vào. Nhưng bây giờ Hun Sen đã ở trong chính phủ”.
Chakrapong đã tìm cách thu phục sự ủng hộ của các chủ tịch 7 tỉnh miền đông và thuyết phục họ ly khai như thế nào.
Ông nói “Tôi thương dân và họ biết tôi rất rõ, họ tin tưởng tôi. Nếu tôi tiếp tục chiến dịch chỉ nhiều hơn một ngày nữa, thì các tỉnh sẽ theo tôi”.
Tại sao ông đã bỏ ý định thành lập vùng tự trị?
Ông nói “Tôi đã dừng lại, vì tôi không tiếp cận được phương tiện truyền thông đại chúng. Sai lầm của tôi là đã không có đài phát thanh hay truyền hình để tôi có thể giải thích tôi đang làm gì. Tôi đã dừng lại khi thấy mọi người có vẻ như đã đồng ý giải quyết vấn đề ấy ở Phnom Penh qua Hoàng thân Sihanouk”.
Ông có nhận được lời chúc lành nào từ Sihanouk để thành lập vùng tự trị không?
Ông nói “Cha tôi không hay biết gì về vùng tự trị. Chỉ có mình tôi với Sin Song. Cha tôi đã nói trên đài phát thanh rằng các vùng tự trị chẳng có gì mới. Ngay cả Khơme Đỏ đã có các vùng tự trị, nơi mà UNTAC đã không được phép vào. Điều duy nhất ông đã yêu cầu tôi là không được ngả sang hành động bạo lực. Những gì tôi đã làm hoàn toàn hòa bình. Phong trào của tôi không dính dáng đến quân đội hay cảnh sát. Nó chỉ được nhân dân hậu thuẫn. Tôi không giết bất cứ nhân viên UNTAC nào. Nhưng Khơme Đỏ ở vùng tự trị của họ đã giết hơn 20 người của UNTAC. Cách giải quyết của tôi là bất bạo động, giống như Mahatma Gandhi. Tôi theo sau dân chúng và họ làn những người đã biểu tình ».
Tại sao ông đến thành phố Hồ Chí Minh sau khi vùng tự trị bị tan rã? Sự ra đi bất ngờ của ông được hiểu như một sự chạy trốn và đã làm phương hại đến hình ảnh của ông.
Ông nói « Là một quân nhân, tôi tạo ra các động thái dễ gây hiểu lầm. Tôi đưa bà tôi, đã 90 tuổi, đến thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có thể thôi. Bà cụ sống với tôi ở tỉnh Svay Rieng và Prey Veng trong thời gian các tỉnh này thuộc vùng tự trị. Tôi đã phải đưa bà đến Việt Nam. Tôi chỉ ở lại Việt Nam có hai ngày, vậy thôi. Và mọi người cho rằng tôi đã trốn sang Việt Nam ; nhưng họ đã thấy tôi xuất hiện trên truyền hình với cha tôi. Tôi thấy buồn cười về những lời nhận định như thế. Tôi chưa bao giờ ‘trốn’ sang Việt Nam như báo chí đưa tin. Tôi cần phải sang Việt Nam để làm gì? Campuchia là một nước lớn và tôi đã sống trong rừng hơn 10 năm và tôi biết cách làm thế nào để sống ».
Sau khi trở về từ Việt Nam, Chakrapong ở lại thành phố Prey Veng một ngày để gặp Hun Sen đã mang theo thông báo của Sihanouk chạy vội tới chỗ ông.
Chakrapong nói “Và sau đó tôi trở về. Không trở về tôi đâu có nhận được thông báo của cha tôi ».
Thông báo của Sihanouk như thế nào?
Chakrapong nói thêm “Trở về vì sự hòa giải dân tộc”.
Nếu Hun Sen không đuổi theo quân nổi loạn cho suốt tới các tỉnh miền đông để thuyết phục họ bỏ kế hoạch liều lĩnh, thì cuộc nổi loạn tiếp tục diễn ra sẽ gây thiệt hại cho các chính phủ liên hiệp. Từ chỗ Chakrapong là người có ích cho Đảng CPP, ông đã trở thành người vô giá trị.
Hun Sen cho chúng tôi biết « Chính Hoàng tử Chakrapong và Tướng Sin Song đã làm điều đó. Cả hai người này đã bắt tôi vào ngày 2 tháng 6 năm 1993, và buộc tôi từ chức Thủ tướng để họ có thể nắm giữ quyền hành và chống lại các kết quả của cuộc bầu cử. Sau đấy họ đã chỉ đạo và thành lập vùng tự trị. Chính tôi là người đã giải quyết các vấn đề này và ngăn chặn sự gây chiến đổ máu ».
Ý định thành lập vùng tự trị có phải là một thủ đoạn được những nhà lãnh đạo đảng CPP ngấm ngầm tính toán, những người có thể đã muốn Chakrapong làm như vậy để tự họ vận động vào vị trí có thế lực hơn nhằm thương lượng đòi một vai trò quan trọng hơn trong chính phủ?
Vừa cười Chakrapong vừa nói « Tôi đã nghe nói về chuyện này. Tôi không thể bàn tới chuyện đó vào lúc này. Nhưng có lẽ, rồi có ngày tôi sẽ nói. Cái ngày tôi kể cho quý vị biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm ».
Khi vấn đề gây tranh cãi ấy đã được bỏ qua, Chakrapong đi gặp cha ông ở thủ đô vào ngày 18 tháng 6.
Ông nói « Gặp được tôi và Sin Song cha tôi rất vui. Lúc ấy ông đã phong cho tôi lên Tướng bốn sao ».
Chakrapong nói ông sẽ trở lại chính trường và thành lập hội đồng viện trợ của riêng mình để tái thiết đất nước.
Một năm sau cuộc nổi loạn, Hoàng tử này lại gặp rắc rối. Bộ ba gồm Chakrapong, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Sin Song và Tướng Sin Sen – tất cả đều là đảng viên CPP – đã bị kết tội cố sắp đặt một cuộc đảo chính chống lại hai đồng Thủ tướng, Ranariddh và Hun Sen vào đầu tháng 7 năm 1994. Người ta thấy một xe tải chở đầy quân nổi dậy chạy vào Phnom Penh, nhưng họ đã nhanh chóng bị tước vũ khí trước khi họ có thể hành động theo kế hoạch. Trong vòng vài phút, điều đó bị chặn đứng. Đó là sự nỗ lực cho một cuộc đảo chính được tưởng tượng một cách mơ hồ và được thực hiện một cách vụng về.
Chakrapong đã bắt đầu nỗ lực cho cuộc đảo chính ấy sau khi Đảng CPP tước tư cách là một nghị sĩ đắc cử của ông trong Quốc hội. Nhưng cuộc đảo chính trong tưởng tượng còn ghê gớm hơn cả thấy nó trong hiện thực. Chakrapong đã trở thành một con tốt trong bàn cờ chính trị lớn. Chẳng tiếc xót gì người em cùng cha khác mẹ, Ranariddh đã tìm mọi cách để dạy cho Chakrapong một bài học. Đồng thời Đảng CPP của Hun Sen đang cố tập hợp sự ủng hộ để thông qua một dự luật trong Quốc hội nhằm đặt Khơme Đỏ ra ngoài vòng pháp luật. Người ta tin là Ranariddh và Hun Sen có cùng ý định về cách giải quyết Chakrapong hay chống đối. Họ đã đi đến chỗ thỏa thuận. Hun Sen sẽ ủng hộ hành động cứng rắn chống lại Chakrapong, còn Ranariddh sẽ đem lại cho đảng của Hun Sen sự hậu thuẫn cần thiết để thông qua dự luật chính thức đặt phe du kích ra ngoài vòng pháp luật. Dự luật này do CPP soạn thảo đã bị trì hoãn trong Quốc hội và không thể thông qua được trong một vài tháng vì thiếu sự ủng hộ của Đảng Funcipec.
Với sự cố gắng vụng về cho cuộc đảo chính của ông, Chakrapong đã ‘dọn cỗ’ cho Ranariddh. Một bộ phận Đảng CPP đã phản đối nước cờ trừng phạt Chakrapong quá mạnh tay. Nhưng sau cuộc họp nội bộ, hình thức kỷ luật cao nhất và bí mật được Đảng CPP đi đến chỗ nhất trí là hy sinh ông vì đã trở thành một món nợ chính trị. Việc thu phục sự hậu thuẫn của Đảng Funcipec để đặt Khơme Đỏ ra ngoài vòng pháp luật có tầm quan trọng lớn hơn nhiều đối với Đảng CPP so với tương lai của Chakrapong. Đảng CPP lo ngại là Đảng Funcipec, một đồng minh trên chiến trường trước đây của Khơme Đỏ không sẵn sàng đặt phe du kích này ra ngoài vòng pháp luật, và nhiều nghị sĩ trong đảng của họ là bạn tốt của Khơme Đỏ. Thời điểm đi tới sự thỏa thuận để thông qua dự luật này đối với Khơme Đỏ đã chín muồi khi phe du kích gây cho lực lượng quân đội Hoàng gia Campuchia thất bại nhục nhã và phá hoại nỗ lực của họ chiếm giữ vùng Pailin và Along Veng.
Ngay sau khi bắt được những nhà lãnh đạo cuộc đảo chính, Hun Sen nói rằng bộ ba này muốn thành lập chính phủ mới và để bổ nhiệm một người đứng đầu Nhà nước mới thay thế Nhà vua Sihanouk.
Hun Sen nói « Trong lần thú nhận đầu tiên, Sin Song nói trong một lá thư là cuộc đảo chính nhằm vào việc phá hoại chính phủ mà ông ta gọi là chính phủ của người theo chủ nghĩa vô chính phủ để họ dựng lên một chính phủ giải phóng dân tộc lâm thời ».
Nhưng Chakrapong đã không đồng ý. Ông nói rằng cuộc đảo chính là điều bịa đặt, một cái cớ được chính phủ bịa đặt để khai trừ ông. Ông hỏi lại « Làm sao chỉ 200 đến 300 quân có thể làm được một cuộc đảo chính., khi Phnom Penh là một thành phố được phòng thủ chắc chắn như thế? ». Ông nói, hơn nữa, không có đổ máu hay tiếng súng giao tranh giữa hai bên, theo như báo cáo của đồng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Sar Kheng. Tạo ra một cuộc đảo chính trên lý thuyết còn lố bịch hơn, vì chẳng có quân lính nào dính líu tới bị khởi tố.
Sự nghiệp chính trị khoa trương và ngắn ngủi của Chakrapong đã đến hồi kết thúc khi ông bị trục xuất sang Malaysia, còn Sin Song thì bị quản thúc trong một ngôi nhà ở thủ đô Campuchia và không ngờ, chẳng có một lời đe dọa nào từ bất cứ thành viên của hoàng gia đối với Ranariddh.
Hun Sen nói « Việc trục xuất Chakrapong được tiến hành theo đề nghị của Nhà vua Sihanouk đưa ra. Điều đó cũng có lợi cho Ranariddh vì hại vị Hoàng tử này không có quan hệ thuận hảo với nhau ».
Nỗi lo lắng phiền muộn đeo đuổi Chakrapong suốt con đường tới Malaysia. Ông và gia đình đến thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, nơi họ ở với một người bạn. Chính phủ Malaysia cho phép Chakrapong nhập cảnh vào nước này dựa theo yêu cầu của Sihanouk đưa ra một năm trước, sau khi Chakrapong có vấn đề cố gắng thành lập vùng ly khai. Vào ngày 6 tháng 7, Chakrapong cố thuyết phục chính phủ Malaysia cho phép ông sống ở quốc gia này, đồng thời phủ nhận sự dính líu tới cuộc đảo chính đã sớm thất bại một tuần trước đấy. Chakrapong làm một đơn kháng cáo với phó Thủ tướng Malaysia, Anwar Ibrahim. Nhưng Anwar cho biết Malaysia không thể đểt Chakrapong ở lại cho tới khi họ bàn bạc với chính phủ Campuchia. Không đến một tuần sau, chính phủ Campuchia bày tỏ cho biết họ không vui về việc Chakrapong tiếp tục có mặt ở Malaysia. Không có gì ngạc nhiên, chính phủ Malaysia muốn duy trì các mối quan hệ tốt đẹp với Ranariddh và Hun Sen, nên họ đã cho Chakrapong biết rằng ông phải rời khỏi nước này. Ông được yêu cầu đi định cư ở nước thứ ba và được cho thời gian đủ để làm các thủ tục đó.
Khi Pháp và hai quốc gia khác được yêu cầu tiếp nhận ông, người ta còn thấy Chakrapong và vợ, con trai và hai người bạn ăn pizza tại một tiệm bán thức ăn nhanh ở một vùng ngoại ô Kuala Lumpur. Tuy vậy, cuộc sống của họ hầu như không được bình thường. Nhưng chính phủ Malaysia hy vọng Chakrapong sẽ rời khỏi Malaysia trước khi Ranariddh và Hun Sen viếng thăm vào tháng 8.
Chakrapong hoàn toàn thất vọng, ông nói một cách chua chát về việc « bị buộc phải rời khỏi Phnom Penh », rồi đến Malaysia. Ông xin tỵ nạn ở Thái Lan, nhưng ông đã phàn nàn là « Một lần nữa lại buộc phải rời khỏi Thái Lan, nơi mà vợ và con tôi là người dân tộc Thái ». Dưới áp lực của Phnom Penh, ngay cả chính phủ Thái cũng không cho phép ông lưu trú.
Ông nói « Từ khi rời khỏi Phnom Penh, tôi đã quyết tâm ổn định cuộc sống bình lặng với gia đình, nhưng thay vì thế, nhà cầm quyền Campuchia đã tìm cách trục xuất tôi ra khỏi mọi nơi tôi đến, không khác gì như kẻ đi lánh nạn. Thậm chí tôi không thể được hưởng một cuộc sống bình dị của một người chồng đối với vợ và một người cha đối với con cái của mình ».
Vào cuối tháng 7 năm 1994, Pháp mở cánh cửa cho Chakrapong, đã làm êm dịu tình hình ngoại giao bất lợi cho Malaysia và Thái Lan.
Bị các phương tiện truyền thông săn đuổi gây cho ông bị tổn thương. Chakrapong cho biết báo chí đã « săn lùng ông giống như một tên tội phạm hoặc thậm chí như một tên khủng bố ». Ông nói thêm « Ngay cả khi tôi ăn cũng không yên. Lúc rảnh rỗi thậm chí tôi không thể đi lang thang ngoài phố mà không khỏi lo sợ liệu mỗi bước đi của tôi có bị giới báo chí theo dõi giống như một dã thú đi săn mồi hay không ».
Chakrapong hay chống đối, được người ta tin là đã gia nhập vào một nhóm chống đối mới được một lãnh đạo Khơme Đỏ, Chan Youran cầm đầu. Khơme Đỏ cho biết nhóm chống đối mới này bao gồm một số thành viên của các đảng phái trước đây do Sihanouk và Son Sann đứng đầu. Đài phát thanh Khơme Đỏ nói rằng nhóm này đã được thành lập sau một sự chia rẽ trong nội bộ Khơme Đỏ,gồm 2.300 thành viên và được gọi là « quân đội giải phóng ». Chakrapong tức giận bác bỏ bản tin của đài phát thanh Khơme Đỏ.
Ông nói « Thủ đoạn chính trị bí mật của Khơme Đỏ và có thể của chính phủ Campuchia quả thực là đặc điểm của một lối chính trị hèn hạ, hiện đang làm đất nước tôi tan nát ».
Chakrapong đã rời khỏi Campuchia, nhưng dư âm của cuộc đảo chính sớm thất bại của ông vẫn còn được người ta tiếp tục cảm thấy ở Phnom Penh. Chính phủ đã đóng cử một tờ báo bằng tiếng Khơme được nhiều người ưa thích, tờ Tin Buổi Sáng, vào đầu tháng 7 vì có liên quan đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ Sar Kheng – anh rể của lãnh tụ tối cao Chea Sim của Đảng CPP – với những âm mưu của cuộc đảo chính ấy. Trong khi chủ bút tờ Tin Buổi Sáng, Nguon Nonn bị khiển trách, chính phủ đã cấm các bộ trưởng nói với giới truyền thông về những vụ điều tra liên quan đến cuộc đảo chính bất thành ấy. Điều bí mật bị rò rỉ ấy đã phải bịt lại, và các nhân viên chính phủ đã phải rất vất vả để làm công việc này.
Campuchia là một nơi khoan dung, dễ tha thứ. Nó đã sẵn sàng đón tiếp những người du kích Khơme Đỏ trước đây quay trở về, chẳng hạn như, Hun Sen, Chea Sim và Heng Samrin là các nhà lãnh đạo thời nay và dường như không có lý do gì tại sao Chakrapong cuối cùng lại không được cho quay về trong cùng tinh thần hòa giải dân tộc và tha thứ.
Chakrapong vẫn như một kẻ lưu đày cho mãi tới tháng 11 năm 1997, khi Sihanouk xá tội cho ông. Trong tâm trạng hòa giải, Hun Sen đã đồng ý đề nghị của Nhà vua để cho đứa con trai bướng bỉnh của ông trở về.
Nhưng Hun Sen vẫn cảnh giác với Chakrapong. Quân bài chủ mà Hun Sen và các bạn đồng sự trong Đảng CPP của ông đã nhận ra ở Chakrapong khi họ giới thiệu ông vào đảng, gần như đã làm cho họ phải trả giá đắt cho ý đồ đó.