Bảo Ngọc biết mình lỡ lời, bị Bảo Thoa bẻ lại, đang tìm cách lấp liếm. Bỗng thấy Thu Vân đến thưa :
– Ông lớn ở nhà ngoài gọi cậu đấy.
Bảo Ngọc vội vã đi ngay đến chỗ Giả Chính. Giả Chính nói :
Ta gọi mầy không có việc gì khác là hiện mầy đang có tang, không thể đến trường học, vậy ở nhà mầy phải cố chăm lo ôn lại bài vở. Nhân dịp này ta rỗi rãi, cứ vài ba ngày, mầy làm vài bài văn đưa tới, ta xem mầy học hành có tấn tới không.
Bảo Ngọc đành phải vâng lời. Giả Chính lại nói :
Tao cũng bảo em Hoàn và cháu Lan phải ôn tập bài vở. Nếu bài vở của mầy mà kém chúng nó thì thật không ra thể thống gì.
Bảo Ngọc không dám nói, chỉ dạ một tiếng, đứng yên. Giả Chính bảo :
Thôi, cho về.
Bảo Ngọc lui ra, vừa gặp bọn Lại Đại đem sổ đến trình. Bảo Ngọc chạy một mạch về phòng, Bảo Thoa hỏi lại, biết rõ là Giả Chính bắt anh ta làm bài, trong lòng cũng mừng. Riêng Bảo Ngọc không thích nhưng cũng không dám lười biếng. Đang định ngồi một lúc để cho tâm hồn thư thái, bỗng thấy hai ni cô ở am Địa Tạng đến. Trông thấy Bảo Thoa, hai ni cô liền nói :
Xin đến chào mợ Hai. Bảo Thoa ra vẻ thờ ơ nói :
Hai cô vẫn mạnh khỏe chứ ?
Rồi gọi người hầu pha trà cho các sư phụ uống, Bảo Ngọc cũng muốn bắt chuyện với các ni cô, nhưng thấy Bảo Thoa có vẻ chán ngấy bọn họ nên cũng không tiện xen vào. Các ni cô thấy Bảo Thoa ra chiều lạnh nhạt, cũng không ngồi lâu, cáo từ xin về. Bảo Thoa nói :
Ngồi chơi lúc nữa.
Chúng tôi bấy lâu bận việc công đức ở chùa Thiết Hạm nên không đến thăm các bà
và các mợ được. Hôm nay đến hầu bà và mợ rồi phải đến thăm cô Tư nữa.
Bảo Thoa gật đầu, để họ đi. Đến phòng Tích Xuân, các ni cô trông thấy Thái Bình liền hỏi :
Cô ở đâu ?
Đừng nhắc đến nữa. Cô tôi mấy hôm nay chẳng thiết ăn uống gì cả, chỉ nằm một chỗ.
Sao thế ?
Nói ra thì dài lắm. Các cô vào thăm, có lẽ cô tôi sẽ nói chuyện đấy.
Hai cô vẫn khỏe mạnh đấy chứ ? Gần đây thấy nhà chúng tôi sa sút, chắc các cô không đến nữa ?
A di đà phật ? Dù có cho hay không thì cũng vẫn là thí chủ. Đó là không nói chúng tôi tu ở trong am nhà ta, chịu nhiều ơn huệ của cụ. Nay nhân việc tang của cụ, chúng tôi đã gặp đủ các bà và các mợ, chỉ còn thiếu cô thôi, nên nhớ cô, hôm nay chúng tôi cốt đến thăm cô đấy.
Tích Xuân nhân tiện hỏi thăm các cô tu trong am Thủy Nguyệt. Các ni cô nói :
Trong am có xảy ra chút việc không hay, nên lâu nay không cho người ngoài ra vào. Đoạn họ lại hỏi Tích Xuân :
Hôm trước nghe nói sư phụ Diệu Ngọc ở am Lũng Thúy đã đi theo người ta phải không ?
Câu nói ấy ở đâu ra thế ? Ai nói coi chừng sẽ bị cắt lưỡi đấy ? Người ta bị kẻ cướp bắt đi, sao lại nói bậy như vậy ?
Sư phụ Diệu Ngọc là người kỳ quặc, chúng tôi sợ cô ta bày đặt ra thôi. Trước mặt cô, nói ra thì không tiện, chứ cô ta có phải như bọn quê mùa chúng tôi đâu. Chúng tôi chỉ biết tụng kinh niệm Phật, sám hối cho người khác, và cũng tu lấy thiện quả cho mình.
Như thế nào là thiện quả ?
Những người ăn ở phúc đức như nhà ta đây thì không kể, còn các nhà khác thì dù là mệnh phụ, tiểu thư cũng khó lòng giữ trọn vinh hoa suốt đời. Đến lúc gặp tai nạn, sẽ không tài nào cứu vớt được. Chỉ có đức Phật Quan âm đại từ đại bi thấy người khổ nạn mới rủ lòng từ bi ớm phương cứu giúp. Vì thế xưa nay người ta vẫn gọi bà là đức
Phật Quan âm đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn. Chúng tôi là người tu hành, so với các bậc phu nhân, tiểu thư thì chịu khổ nhiều hơn, nhưng lại ít gặp tai nạn. Dù không được thành Phật thành tiên, nhưng cũng cố tu để kiếp sau họa may làm con trai. Như thế đã là phúc rồi, không đến nỗi như cái kiếp con gái bây giờ, bao nhiêu nỗi uất ức lo buồn, đều không thể nói ra được. Thưa cô, cô còn chưa biết hay sao ? Dù là bậc tiểu thư đi nữa, nhưng đã lấy chồng thì suốt đời chỉ biết theo người ta mà thôi. Nhưng đã tu thì phải tu cho đứng đắn. Sư phụ Diệu Ngọc cứ cho mình tài giỏi hơn chúng tôi, cứ chê bọn chúng tôi là tục. Biết đâu có tục mới có “duyên lành”. Còn mình, rốt cuộc lại gặp phải điều khổ lớn !
Tích Xuân nghe các sư cô nói rất hợp với ý của mình, nên cũng không ngại có bọn a hoàn ở đó, kể chuyện Vưu thị đối xử với mình thế nào. Hôm trước mình ở lại coi nhà trong lúc đám tang như thế nào, đoạn chỉ món tóc trên đầu, nói :
Các cô xem tôi còn luyến tiếc cái hố lửa này không ? Tôi rắp tâm từ lâu, chỉ vì chưa biết tìm ra con đường nào đó thôi.
Các ni cô nghe vậy, giả bộ làm kinh hoảng :
Cô đừng nói thế chứ ! Mợ Cả Trân mà nghe thấy thì nhất định mắng chúng tôi chết mất và sẽ đuổi chúng tôi ra khỏi am đấy . Cô là người phẩm cách như thế, gia đình như thế, ngày sau lấy chồng sẽ suất đời hưởng vinh hoa phú quý…
Tích Xuân không đợi họ nói hết lời, mặt đỏ lên, bảo :
Chị cả Trân đuổi được các cô. Tôi lại không đuổi được các cô hay sao ?
Các ni cô biết Tích Xuân một lòng muốn đi tu, liền tìm lời nói khích :
Chúng tôi lỡ lời, xin cô đừng chấp. Các bà và các mợ đời nào lại chiều theo ý muốn của cô ? Lại xảy ra chuyện lôi thôi thì thật không ra làm sao. Chúng tôi nói vậy cũng là vì cô đấy.
Tích Xuân nói :
Việc này chờ xem sao đã.
Thấy câu chuyện không hay. Bọn Thái Bình liền đưa mắt ra hiệu. Họ hiểu ý, cũng sợ, nên không dám gợi chuyện, liền cáo từ ra về.
Tích Xuân cũng không mời lại, chỉ cười nhạt, nói :
– Xem chừng trong thiên hạ chỉ có một cái am Địa Tạng của các cô hay sao ?
Các in cô không dám trả lời. Thấy vậy. Thái Bình sợ mang lỗi, liền đến trình với Vưu thị :
CôTư khăng khăng đòi cắt tóc đi tu. Mấy hôm nay không phải cô ấy đau ốm đâu mà chỉ vì than thân tủi phận đấy thôi. Mợ nên đề phòng, kẻo xảy ra việc rồi lại đổ tội cho chúng cháu.
Vưu thị nói :
Lẽ nào cô ấy lại muốn đi tu . Chỉ vì cậu nhà đi vắng nên cô ấy cố ý làm ra thế, để tỏ ra chẳng ăn ở được với ta. Thôi thì cứ mặc cô ấy !
Bọn Thái Bình không biết làm thế nào, đành chỉ tìm lời khuyên giải. Không ngờ Tích Xuân vẫn không chịu ăn uống gì, chỉ nói đến việc cắt tóc đi tu. Bọn Thái Bình không thể làm thinh, đành phải đi trình các nơi. Hình phu nhân và Vương phu nhân cũng khuyên can nhiều lần, nhưng Tích Xuân vẫn một mực không nghe. Hai người đang định trình với Giả Chính, bỗng bên ngoài có tin truyền vào :
Bà lớn họ Chân dẫn công tử Bảo Ngọc đến.
Mọi người vội vàng ra đón, mời bà Chân vào phòng Vương phu nhân. Hai bên chào hỏi, hàn huyên. Vương phu nhân sực nhớ người ta nói Bảo Ngọc giống hệt con mình nên mới mời anh ta vào để xem mặt. A hoàn đi ra một lúc trở lại nói :
Cậu Chân đang ở thư phòng hầu chuyện ông lớn. Ông lớn rất vừa lòng nên có sai người đến mời cậu Hai, cậu Ba và cả anh Lan cũng ra ngoài ấy ăn cơm. Ăn xong, cậu Chân sẽ xin vào hầu. Sau đó trong nhà cũng dọn cơm ăn.
Số là Giả Chính trông thấy diện mạo của Chân Bảo Ngọc giống hệt con mình. Khi hỏi đến văn chương, anh ta đối đáp như nước chảy, nên trong lòng rất là yêu mến, bèn cho gọi bọn Bảo Ngọc ra cốt để khuyên răn họ. Đồng thời, cũng muốn nhân đó so sánh giữa hai người xem sao. Bảo Ngọc vâng lời, mặc bộ đồ trắng, dẫn em và cháu đi ra. Trông thấy Chân Bảo Ngọc, Giả Bảo Ngọc thân mật như bạn cũ. Chân Bảo Ngọc cũng tưởng chừng như mình đã gặp Giả Bảo Ngọc ở đâu rồi. Hai chào hỏi nhau xong. Giả Hoàn và Giả Lan cũng đến chào. Giả Chính trải chiếu ngồi dưới đất (1), muốn mời Chân Bảo Ngọc ngồi trên ghế, nhưng anh ta là bậc con, đời nào dám ngồi, liền trải nệm ra ngồi giữa đất. Nay Bảo Ngọc đến, nhất định không thể ngồi chung với Giả Chính được. Chân Bảo Ngọc lại là hàng em, càng không thể để Giả Bảo Ngọc cứ đứng
mãi đấy. Giả Chính thấy không tiện, chuyện trò vài câu rồi đứng dậy, bảo người nhà dọn cơm và nói :
Tôi xin lỗi để các em ngồi tiếp. Anh em nói chuyện với nhau. Mong cậu dạy bảo cho.
Chân Bảo Ngọc khiêm tốn từ tạ : .
Xin bác cho tùy tiện. Chính cháu cũng muốn học hỏi các anh đây !
Giả Chính đáp lại vài lời rồi đi vào thư phòng. Chân Bảo Ngọc muốn tiễn ra cửa. Giả Chính ngăn lại. Bọn Bảo Ngọc ra đứng ngang ngưỡng cửa thư phòng đợi Giả Chính đi rồi mới trở vào mời Chân Bảo Ngọc ngồi. Hai bên nói những lời khách sáo một lúc. Đại khái : “bấy lâu nghe tiếng. vẫn mong gặp mặt” v. v .
Giả Bảo Ngọc gặp Chân Bảo Ngọc liền nhớ lại cuộc gặp gỡ trong giấc mộng khi trước. Lại vốn biết Chân Bảo Ngọc là người như thế nào, nên chắc rằng anh ta sẽ cùng một ý nghĩ như mình, và nghĩ rằng mình đã gặp được người tri kỷ. Nhưng vì mới gặp nhau lần đầu, không thể ăn nói vội vàng, lại có Giả Hoàn, Giả Lan ngồi đó, nên Bảo Ngọc đành phải hết lời khen ngợi :
Nghe tiếng anh đã lâu, chưa có dịp được gần. Hôm nay gặp mặt, trông anh thật là hạng thần tiên giáng thế !
Chân Bảo Ngọc thường ngày cũng đã biết Giả Bảo Ngọc là người như thế nào. Hôm nay gặp mặt, quả là không sai, nghĩ bụng : “Anh này chỉ có thể cùng chung học, chứ không thể cùng đi một đạo với mình. Anh ta không những trùng tên mà diện mạo lại như nhau. Âu cũng là linh hồn cũ trên hòn đá “tam sinh” đây mà.
Nay ta có hiểu biết ít nhiều lý lẽ, sao không đưa ra giảng giải cho anh ấy nghe. Nhưng vì mới gặp lần đầu, chưa biết anh ấy có suy nghĩ như mình hay không, nên phải để thư thả đã .”
Chân Bảo Ngọc nói :
Tài danh của anh, em đã biết từ lâu. Anh thực là học thanh nhã, mười người mới có một. Còn em đây chỉ là hạng ngu dại, tầm thường, thế mà lại được trùng tên với anh, em cảm thấy đã làm nhơ bẩn đến cái tên Bảo Ngọc ấy.
Giả Bảo Ngọc nghe xong, nghĩ bụng : « anh này quả cùng một ý nghĩ với mình. Nhưng anh ta với mình đều là con trai, có đâu được trong sạch như đám con gái. Vì
sao anh ta lại xem mình như con gái ?” Nghĩ vậy, rồi đáp :
Anh quá lời khen. Tôi đâu dám nhận. Tôi là hạng rất ngu, rất bẩn, chẳng qua chỉ là một hòn đá thô kệch đó thôi. Tôi dám đâu sánh với anh có đủ phẩm cách thanh cao, thực là người xứng đáng với hai chữ ấy.
Chân Bảo Ngọc nói :
Hồi còn bé, em chưa biết cân nhắc, cứ cho mình có thể mài dũa được. Không ngờ vận nhà gặp cơn sa sút, nên vài năm nay em lại càng kém xa ngói gạch. Tuy em không dám khoe đã từng trải hết mùi cam khổ. Nhưng về nhân tình thế thái thì em cũng đã hiểu được ít nhiều. Anh là con nhà phú quý, mặc đẹp ăn sang. Việc gì cũng được vừa lòng, chắc rằng áng văn chương cũng như tài kinh bang tế thế của anh phải hơn hẳn mọi người. Vì vậy bác mới thương yêu, coi như hòn ngọc quý. Cho nên vừa rồi em bảo anh thật xứng đáng với cái tên Bảo Ngọc.
Bảo Ngọc lắng nghe, thấy trong lời lẽ chẳng khác gì khuôn sáo của bọn “mọt ăn lộc nước”, nên đương nghĩ cách trả đũa.
Giả Hoàn chưa được nói chuyện với Chân Bảo Ngọc, trong bụng thấy ấm ức. Trái lại, Giả Lan nghe vậy, thấy rất hợp ý mình, liền đỡ lời :
Anh khiêm tốn quá đấy thôi. Văn chương cũng như tài kinh bang tế thế tất phải do rèn luyện mà ra mới là thực học. Cháu còn nhỏ tuổi, chưa hiểu rõ văn chương là gì. Nhưng cứ nghiền ngẫm thì thấy thú vị lắm. Cho hay danh tiếng còn quý gấp trăm lần cái trò ăn ngon mặc đẹp.
Giả Bảo Ngọc nghe vậy càng không thích, nghĩ rằng : “không biết thằng bé này học cái lối gàn dở ấy từ bao giờ ?” Và nói :
Tôi nghe anh nói ghét bọn tục, chắc trong lòng anh thế nào cũng có những ý nghĩ khác người. Hôm nay may mắn được tiếp mong anh dạy bảo cho những điều “siêu phàm nhập thánh”, để từ nay em rửa sạch được lòng trần, mở rộng được tầm con mắt. Không ngại anh lại cho em là một phường ngu xuẩn, nên đã đem cái chuyện của bọn tục khách ra nói với em.
Chân Bảo Ngọc nghe vậy, trong bụng hiểu rằng : “anh ta biết rõ tính tình của mình lúc còn nhỏ nên mới ngờ mình giả dối. Thôi mình cứ nói thẳng, may ra anh ta sẽ là bạn tri âm của mình thì hay lắm. Nghĩ rồi nói :
Anh nói thật là sâu sắc. Từ bé em đã ghét cay ghét độc những câu khuôn sáo cũ rích ấy. Chỉ vì mỗi năm một lớn, thân phụ em lại về hưu, nhác tiếp khách, thường giao việc ấy cho em. Nhờ vậy, em gặp dược các bậc đại nhân, những vị đã làm rạng rỡ cha ông, danh tiếng lẫy lừng. Em lại thấy người ta viết sách viết văn, không ngoài chữ trung chữ hiếu. Bản thân mình có lập nên dược sự nghiệp đạo đức và văn chương mới khỏi uổng cái cơ hội được sinh ra trong thời vua thánh trị vì. Và cũng không phụ công ơn cha nuôi thầy dạy. Vì thế, bao nhiêu chuyện thoát phàm tục đi vào cõi thánh mơ tưởng hão huyền ngây ngô của em hồi bé dần dần thì vứt bỏ hết. Nay em cũng muốn đi tìm thầy hỏi bạn, dạy bảo cho mình khỏi bề ngu tối. May mắn được gặp anh, chắc rằng, anh sẽ hết lòng chỉ bảo giúp. Những câu em nói đây, thực quả không phải là những lời khách sáo dâu.
Giả Bảo Ngọc càng nghe càng phát ngấy, không tiện tỏ vẻ lạnh nhạt, đành phải nói đưa đẩy cho qua chuyện. May sao có người trong nhà ra nói :
Nếu các cậu xơi cơm rồi. Xin mời cậu Chân vào trong nhà chơi.
Bảo Ngọc nghe vậy, nhân tiện mời Chân Bảo Ngọc vào. Chân Bảo Ngọc đi trước, bọn Giả Bảo Ngọc theo sau vào chào Vương phu nhân. Giả Bảo Ngọc thấy có bà Chân ngồi trên liền đến chào. Giả Hoàn, Giả Lan cũng đến chào. Chân Bảo Ngọc đến chào Vương phu nhân. Lúc đó, hai bà mẹ cùng nhận mặt hai cậu con. Mặc dầu Giả Bảo Ngọc đã có vợ, nhưng Chân phu nhân nhiều tuổi, lại là bà con lâu đời, thấy Giả Bảo Ngọc mặt mày in hệt con mình, tự nhiên tỏ ra thân yêu vồn vã. Vương phu nhân càng không cần phải nói, cứ cầm tay Chân Bảo Ngọc hỏi hết chuyện này sang chuyện nọ và nhận thấy anh ta có phần chín chắn hơn con mình. Nhìn lại Giả Lan, mặt mày thanh tú, tuy không bằng hai chàng Bảo Ngọc, nhưng cũng không kém bao nhiêu. Riêng Giả Hoàn thì dáng người thô kệch, nên bà ta không khỏi có lòng thiên vị. Thấy hai chàng Bảo Ngọc cùng ở một nơi, mọi người đều đến nhìn rồi nói :
Lạ thật ! Tên giống nhau đã đành, sao người lại in hệt như nhau ? May mà Bảo Ngọc nhà ta mặc đồ tang, nếu hai người cũng ăn mặc như nhau thì khó mà phân biệt. Trong đám này có Tử Quyên nảy ra một ý nghĩ ngây ngô. Nhớ đến Đại Ngọc, chị ta nghĩ bụng : “Chỉ tiếc cô Lâm chết rồi ! Nếu không, lấy Chân Bảo Ngọc chắc cô ta cũng bằng lòng đấy”. Bỗng nghe Chân phu nhân nói với Vương phu nhân :
Hôm trước nghe ông nhà tôi về bảo “Bảo Ngọc nhà tôi cũng đã lớn, muốn nhờ ông lớn bên này tìm hộ một nơi.”
Vương phu nhân vốn yêu Chân Bảo Ngọc, liền thuận miệng nói ngay :
Tôi cũng muốn làm mối cho cậu em bên nhà đấy. Nhà chúng tôi có bốn cô : “Ba cô đầu thì một cô đã chết. Một cô đã đi lấy chồng không nói làm gì. Còn cô em gái anh cả Trân chúng tôi lại kém những mấy tuổi, e cũng không đẹp đôi. Chỉ có hai cô em họ chị dâu Cả nhà tôi, vẻ người đoan chính. Cô Hai đã hứa gả cho người ta rồi, còn cô Ba thì thật là tốt đôi vừa lứa với cậu em đây. Để mai kia tôi làm mối cho. Nhưng chỉ hiềm nhà người ta hiện nay có phần sa sút.
Chân phu nhân nói :
Bà lớn khách sáo làm gì. Nhà chúng tôi hiện nay thì có cái gì kia chứ. Chỉ sợ người ta chê nghèo thôi.
Vương phu nhân nói :
Hiện nay quý phủ vâng mệnh ra làm quan, sau này không những sẽ trở lại như cũ mà chắc còn thịnh vượng hơn trước nhiều.
Chân phu nhân nói :
Được như lời bà lớn thì hay quá. Vậy nhờ bà lớn làm mối hộ cho.
Chân Bảo Ngọc thấy hai bà nói đến chuyện dạm vợ cho mình, liền cáo từ đi ra. Bọn Giả Bảo Ngọc cũng phải theo đến thư phòng. Thấy Giả Chính ở dấy, Chân Bảo Ngọc đứng lại nói chuyện mấy câu. Bỗng thấy người nhà họ Chân đến thưa với Chân Bảo Ngọc :
– Bà sắp ra về, xin mời cậu đi ngay.
Chân Bảo Ngọc cáo từ đi ra. Giả Chính sai Bảo Ngọc, Giả Hoàn và Giả lan cùng tiễn ra ngoài. Từ hôm được gặp thân phụ Chân Bảo Ngọc. Giả Bảo Ngọc biết rằng Chân Bảo Ngọc sắp vào kinh nên ngày đêm mong đợi. Nay được gặp mặt, trong lòng khấp khởi, tưởng sẽ gặp người tri kỷ. Không ngờ nói chuyện với nhau hồi lâu, vẫn thấy loạc choạc. Rồi Bảo Ngọc buồn rầu về phòng chẳng nói chẳng rằng, người như mất hồn. Bảo Thoa liền hỏi :
Anh Chân Bảo Ngọc có thật giống cậu không ?
Diện mạo thì hệt nhau. Nhưng xem cách nói năng chẳng qua chỉ là « con mọt ăn lộc » mà thôi.
Cậu lại đặt điều cho người ta rồi. Sao lại biết anh ta là « con mọt ăn lộc ? »
Nói chuyện với anh ta chẳng có câu nào là tâm đầu ý hợp cả, chỉ rặt văn chương với kinh bang tế thế, và trung hiếu gì đó. Hạng người như thế không phải là « con mọt ăn lộc » thì là gì ? Đáng tiếc hắn sinh ra mặt mày hệt như tôi. Tôi nghĩ đã có nó rồi thì tôi cũng chẳng cần đến diện mạo của tôi nữa.
Bảo Thoa thấy Bảo Ngọc lại nói ngớ ngẩn, liền bảo :
Cậu nói rõ buồn cười. Tại sao cậu lại không cần đến diện mạo. Vả lại lời nói của người ta là đúng. Làm con trai phải lo lập thân, làm cho rạng rỡ tiếng tăm chứ ? Ai lại như cậu, chỉ toàn là những tâm tình yếu đuối và ý nghĩ riêng tây. Cậu không thấy là mình không có chí khí cứng rắn gì hết, lại bảo người ta là « con mọt ăn lộc » à ?
Bảo Ngọc nghe Chân Bảo Ngọc nói đã ngấy lắm rồi, nay lại bị Bảo Thoa trách móc cho một trận, trong bụng càng không thích, rồi cứ buồn rầu mê mẩn, bất giác bệnh cũ trở lại. Anh ta chẳng nói chẳng rằng, chỉ cười luôn, miệng như ngây như dại. Bảo Thoa không hiểu, cứ tưởng vì mình lỡ lời nên anh ta cười nhạt cũng không để ý. Nào ngờ hôm ấy Bảo Ngọc lại trở lại bệnh ngây. Bọn Tập Nhân cố chọc cũng chẳng nói năng gì. Cách một đêm. Sớm hôm sau ngủ dậy, anh ta vẫn cứ ngây ngô, lại giống như bệnh lần trước.
Vương phu nhân thấy Tích Xuân định cắt tóc đi tu. Vưu thị không ngăn lại được, xem chừng nếu không chiù cô ta thì cô ta sẽ tự tử. Mặc dù ngày đêm có người canh giữ, nhưng cũngkhông thể kéo dài được mãi. Vì vậy Vương phu nhân nói với Giả Chính. Giả Chính thở dài, dẫm chân nói :
Bên phủ Đông không biết làm thế nào mà đến nông nỗi thế này ?
Lại gọi Giả Dung đến nói một hồi, bảo về nói với mẹ hắn, nên cố hết sức khuyên giải
« nếu nó cứ khăng khăng một mực thì sẽ không phải là con gái nhà này nữa. » Nào ngờ Vưu thị không khuyên can còn khá, chứ hễ khuyên can thì cô ta lại cứ đòi chết, và nói :
– Sinh ra con gái, rút cục không thể nào ở nhà cha mẹ suốt đời. Nếu tôi gặp cảnh ngộ chị Hai, chỉ làm cho chú và thím đau lòng rồi rút cục cũng chết. Nay cứ xem như là tôi đã chết, để mặc cho tôi đi tu, thì đời tôi sẽ được trong sạch. Thế là chú
thương tôi đấy. Vả chăng tôi đi tu cũng không phải là ra khỏi nhà. Am Lũng Thúy là thuộc về phủ chúng ta, tôi sẽ ra tu ở đó. Dù tôi có làm sao thì các người cũng còn chăm sóc được. Hiện nay người coi nhà cho Diệu Ngọc còn ở đó. Các người hãy chiù tôi thế là tôi được yên thân ; nếu không thì tôi cũng không có cách gì khác, chỉ chết mà thôi. Nếu tôi được thỏa lòng mong ước thì đến khi anh Cả trở về, tôi sẽ nói cho anh ấy biết rằng không phải các người bức bách gì tôi, lỡ bằng tôi chết đi, thì khi anh ấy về đây sẽ trách móc các người không lo cho tôi.
Vưu thị xưa nay vốn không hợp với Tích Xuân. Nhưng nghe cô ta nói, có vẻ có lý đành phải tới trình Vương phu nhân. Vương phu nhân lúc này đã sang bên Bảo Thoa. Thấy Bảo Ngọc như người mất hồn, bà ta nổi nóng, liền bảo Tập Nhân:
Chúng mày không để ý gì cả. Cậu Hai bị bệnh cũng không sang trình ta biết. Tập Nhân nói :
Bệnh của cậu Hai thì thường vẫn thế. Khi lành khi lại ốm. Ngày nào cậu ấy cũng sang hỏi thăm bên bà lớn như thường, vẫn yên lành chẳng có chuyện gì cả. Hôm nay mới đâm ra lẩn thẩn như thế. Mợ Hai đang định sang trình bà, nhưng lại sợ bà bảo chúng tôi chưa chi đã làm ầm ĩ cả lên.
Bảo Ngọc nghe Vương phu nhân mắng họ, trong bụng tỉnh táo. Sợ họ bị mắng oan, liền nói :
Xin mẹ cứ yên tâm. Con có đau ốm gì đâu. Chỉ thấy trong bụng hơi buồn bực mà thôi.
Mày vốn đã có sẵn bệnh ấy, nên nói sớm đi, để mời thầy thuốc uống vài thang xem có khỏi không ? Nếu lại để như hồi bị mất viên ngọc thì sẽ sinh ra nhiều chuyện.
Nếu mẹ không yên tâm thì bảo mời thầy đến xem. Con sẽ uống thuốc.
Vương phu nhân liền bảo a hoàn truyền ra cho người đi mời thầy thuốc. Bà ta chỉ lo nghĩ về việc Bảo Ngọc nên quên hẳn việc Tích Xuân. Một lúc lâu, thầy thuốc đến xem bệnh và cho thuốc, rồi Vương phu nhân ra về.
Cách mấy hôm sau, bệnh Bảo Ngọc lại càng nặng, cơm cũng không ăn. Mọi người nhốn nháo cả lên. Lại vừa gặp lúc đoạn tang, cả nhà bận rộn. Không có người, đành phải gọi Giả Vân đến để tiếp thầy thuốc . Trong nhà Giả Liễn cũng không có ai coi sóc, nên mời Vương Nhân đến giúp đỡ lo liệu việc ngoài. Còn Xảo Thư thì cứ ngày
đêm khóc mẹ, nên cũng ốm. Vì vậy, phủ Vinh rất là nhốn nháo.
Một hôm làm lễ đoạn tang xong về nhà, Vương phu nhân đến thăm Bảo Ngọc, thấy anh ta mê man bất tỉnh. Mọi người cuống quít không biết làm sao, vừa khóc vừa sai đi trình Giả Chính :
– Thầy thuốc nói là không thể cho thuốc nữa. Chỉ nên sắp sửa hậu sự thôi.
Giả Chính than thở luôn miệng, đành phải thân hành đến thăm. Quả thấy khó khỏi được, liền bảo Giả Liễn đi sắp đặt công việc. Giả Liễn không dám trái lời, ra bảo người đi lo liệu. Nhưng trong nhà thiếu thốn, đang khó nghĩ. Bỗng thấy một người chạy vào nói :
– Cậu Hai ơi ? Nguy to ? Lại có chuyện rầy rà !
Giả Liễn không rõ việc gì, giật mình, trừng mắt hỏi :
Cái gì thế ?
Có một nhà sư đến trước cửa, tay cầm viên ngọc của cậu Bảo bị mất và nói đến lấy một vạn bạc thưởng.
Giả Liễn suýt một cái nói :
Tưởng là việc gì mà mày nhớn nhác như thế. Độ trước đã bị viên ngọc giả, mày không biết à ? Mà dù có là viên ngọc thật đi nữa thì bây giờ người đã sắp chết còn cần nó làm gì ?
Con cũng đã nói rồi. Nhưng vị hòa thượng ấy bảo cứ đưa bạc cho ông ta là bệnh khỏi.
Đang nói lại thấy người ở ngoài xôn xao chạy vào nói :
Nhà sư hổ mang ấy cứ xông thẳng vào nhà, chúng tôi cản lại không được !
Đâu lại có việc lạ lùng thế ? Chúng mày không đuổi ông ta đi à ?
Đang lúc ồn ào. Giả Chính thấy vậy, không biết tính sao. Trong nhà lại nghe tiếng kêu khóc :
– Cậu Hai nguy rồi !
GiảChính lại càng bối rối. Bỗng thấy nhà sư ấy nói :
– Muốn người sống thì đem bạc ra đây ?
Giả Chính chợt nhớ lại hồi trước Bảo Ngọc bị bệnh, nhờ một vị hoà thượng chữa khỏi, bây giờ nhà sư lại đến, có lẽ cũng là cứu tinh đây. Nhưng nếu viên ngọc ấy là thật mà
nhà sư cứ đòi cho được bạc thưởng thì làm thế nào ?
Sau lại nghĩ : “Bây giờ hãy khoan để ý đến điều đó, nếu người khỏe được thì ta sẽ tính sau”. Ông ta liền sai người ra mời, thì nhà sư đi vào không chào hỏi, cũng không nói năng gì, cứ chạy thẳng vào trong nhà. Giả Liễn giữ lại, nói :
– Trong nhà, đều là đàn bà con gái, hạng người như anh chạy vào làm gì ?
Khắp nhà trong nhà ngoài, ai nấy đều vui mừng niệm Phật. Ngay cả Bảo Thoa cũng không e ngại có nhà sư ở đó nữa. Giả Liễn cũng chạy đến xem, quả thấy Bảo Ngọc đã tỉnh lại, trong bụng mừng rỡ, vội đi ra. Nhà sư chẳng nói chẳng rằng, vội
nắm tay Giả Liễn mà chạy. Giả Liễn đành phải đi theo, ra đến phía ngoài trình với Giả Chính. Giả Chính nghe nói mừng rỡ, liền đến chào hỏi và tạ ơn. Nhà sư đáp lễ rồi ngồi xuống. Giả Liễn trong bụng ngờ vực chắc là ông ta đòi cho được bạc mới chịu đi. Giả Chính nhìn kỹ thì không phải là nhà sư đã gặp lần trước, liền hỏi :
Hòa thượng tu hành ở chùa nào ? Pháp hiệu là gì ? Viên ngọc ấy tìm được ở đâu ? Vì sao thằng con nhà tôi trông thấy mà sống lại được ?
Ông ta mỉm cười trả lời :
Tôi cũng không biết rõ. Cứ đưa một vạn lạng bạc ra đây là được.
Giả Chính thấy ông ta thô kệch, cũng không dám trái ý, liền nói :
Xin vâng.
Có thì đưa mau, tôi phải đi đây.
Xin mời người ngồi nán lại một chốc, để tôi vào trong nhà xem đã.
Ngài vào rồi ra mau cho.
Giả Chính không nói năng gì, đi ngay đến trước giường Bảo Ngọc. Bảo Ngọc thấy cha, muốn cố gắng ngồi, nhưng người còn yếu, không thể dậy được. Vương phu nhân giữ lại, bảo :
– Đừng gượng dậy nữa.
Bảo Ngọc cười, cầm viên ngọc đưa cho Giả Chính xem và nói :
– Bảo Ngọc về đây rồi !
Giả Chính nhìn qua, biết viên ngọc ấy có căn nguyên, cũng không xem kỹ, đoạn hỏi
Vương phu nhân :
– Bảo Ngọc đã khỏe rồi. Còn số bạc thưởng thì định thế nào ?
Vương phu nhân nói :
Cứ đem tất cả những đồ đạc của tôi bán đi để trả cho ông ta là được. Bảo Ngọc nói :
Con e rằng nhà sư ấy không phải cốt đòi số bạc đâu.
Ta cũng cho là một người kỳ lạ, nhưng ông ta lại cứ cố đòi cho được số bạc. Vương phu nhân nói :
Ông hãy ra tiếp ông ta rồi ta sẽ nói chuyện.
Giả Chính đi ra. Bảo Ngọc liền kêu đói, húp một bát cháo, lại đòi ăn cơm. Các bà già đưa cơm đến. Vương phu nhân còn chưa muốn cho ăn. Bảo Ngọc nói : – Không can gì đâu, con đã khỏe rồi.
Rồi anh ta bò dậy ăn một bát, quả thấy tinh thần dần dần khá lại, liền định ngồi thẳng dậy.
Xạ Nguyệt đỡ nhè nhẹ. Vì vui mừng quá chị ta lỡ lời nói :
Thật là bảo bối ! Mới nhìn thấy đã lành bệnh. May mà hồi trước không đập vỡ đi! Bảo Ngọc nghe vậy liền đổi thần sắc, bỏ viên ngọc ra rồi ngả người ra đằng sau. Chưa biết sống chết thế nào ?
Chú thích :
Theo tục phong kiến Trung Quốc. Khi có tang cha mẹ, thì lòng nằm đất đế tỏ lòng thương xót. Lúc nầy Giá Chính đang chịu tang Giá mẫu nên cũng trải chiếu ngồi giữa đất.