Khi tôi giáp mặt thì ông nói Tổng thống muốn biết ý kiến của tôi về những cổ vật do Tổng thống đã lựa nơi phòng triển lãm báo chí đô thành và do hai nhà buôn Chánh và Trọng trưng bày từ 16-12-1962 đến 12-1-1963 và hiện đã đem về để tạm nơi tầng dưới trong phủ. Ông Giá liền đó đưa tôi vào phòng xem, khi về sở là hết trọn buổi sáng.
Qua buổi chiều, đồng hồ chỉ mười lăm giờ thì có tiếng điện thoại gọi nữa. Chuyến nầy, tôi lên phủ tổng thống là lần thứ hai trong một ngày, gặp lại ông Giá, ông đưa tôi giới thiệu với chánh văn phòng là ông Võ Văn Hải. Tôi được hai người dắt tôi lên phòng tiếp khách rằng hãy chờ khi nào Tổng thống rảnh việc, sẽ cho vào yết kiến. Phòng nầy rất rộng, nguyên là phòng họp của hội đồng tư vấn (conseil privé) của trào Pháp cũ, và với tôi không lạ vì trước kia tôi từng làm việc nơi toà lâu đài nầy, thuở ông Rivoal làm thống đốc Nam Kỳ. Tôi ngồi chưa nóng ghế: thì thấy một người sĩ quan bưng ra để trước mặt tôi một mâm gỗ, trên mâm có bày một hộp thuốc lá 555 vừa khui (vừa mở), chưa dùng điếu nào, kế bên có để sẵn một hộp diêm quẹt cũng mới, thêm có một tách trà thơm khói bốc ngát và một tách cà phê sữa xem ngon mắt lắm.Vị sĩ quan ấy cúi đầu mời tôi “Xin cứ tự tiện” rồi lui ra bỏ tôi lại bơ vơ với bao nhiêu món cám dỗ ấy. Tôi làm cao không động rớ món nào, ngực thì nhảy thình thịch, mắt vẫn liếc, nhìn từ cái bàn cái ghế sang trọng đến màu sơn trên vách, quả không thấy thay đổi nhiều sau cuộc đảo chánh vừa rồi năm 1945. Quả thật không có chi nặng lòng bằng sự chờ đợi. Tôi khó chịu vì ngồi đã lâu mà không ai nói đến mình, trong khi ấy tôi cố nhìn những vật trước mắt đã biến thành cố tri, từ cây đinh cũ nơi chưn bàn, và thấy tiếc tiếc cho tách cà phê, cho tách trà, ở nhà mình không có để uống, mà ở đây đành để cho nguội không người dùng, thiệt là phí phạm. Đôi giày vẹc-ni đen mới; tôi lấy ra “khai trương” bữa nay nhơn dịp ra mắt ông Tổng thống đã bắt đầu làm tê tê mấy đầu ngón chân, nay khởi sự ngứa rần rần mà ở đây là chốn tôn nghiêm làm sao dám cởi giày ra để gãi cho sướng! Chờ mãi đến mười tám giờ, ngồi nhớ tiếc cái cảnh làm việc ở Viện bảo tàng, tuy ăn lương ít, nhưng cũng “làm vua một cõi” và cũng vì ham chút bã vinh hoa ấy mà nay bị hành phạt như vầy.
Bỗng ông Giá mở cửa phòng bước vô nói năm điều bảy chuyện, cho hay Tổng thống quá bận khách có lẽ không liếp được, thôi thì hãy về nhà và dặn kỹ đêm nay đừng đĩ đâu hãy túc trực sẵn, phòng hờ Tổng thống rảnh sẽ cho xe đến rước! Nghe mà chết được trong lòng, không lẽ kêu mình ban đêm để ngủ chung? Huống hồ gì, đêm nay lại được lần thứ nhứt, vợ mua vé tặng xem cải lương gánh Năm Châu, diễn tại rạp Thống Nhứt tuồng “Tây Thi gái nước Việt” mà mình ao ước muốn xem diễn lại. Thôi thì trối kệ, cứ đi xem hát cái đã, rủi mất chức thì cũng đành, chớ không lý bỏ vé vợ mua sẵn để bận đồ lớn ngồi nhà chờ xe Tổng thống. Tuy vậy, ngồi xem diễn tuồng mà lòng đã thất hứng, lát lát liếc ngó chừng phía cửa rạp, chỉ sơ có lịnh đòi.
Nhớ buổi chiều tài xế trên phủ lái xe đưa về, nay thấy ai bước vào bận áo bâu cứng cao cổ cũng tưởng đó là bác tài xế Hiệp. Vãn hát về không ngủ được vì vẫn hồi hộp.
Ngày 16-1-1963 - Buổi sáng đi làm, vô sự. Buổi chiều vững bụng, nên ăn quen vẫn mặc bộ đồ “xườn xám” cho gọn. Dè đâu vừa vô sở, thì điện thoại gọi.., lật đật đạp xe về nhà (lúc ấy nhà ở Vườn Dâu bộ Canh nông, đường Hồng Thập Tự) hối hả thay bộ đồ lớn, trở lại Viện bảo tàng thì vừa kịp có xe lại rước đưa lên phủ.
Phen nầy, trong lúc ngồi chờ, ông Giá đưa một xấp giấy trắng và mời viết vào đó những ý kiến của mình đối với từng món cổ vật bày trong phòng mật viện cũ. Viết thẳng thét trong hai tiếng đồng hồ, được bảy trang chữ bút atomic xanh. Thấy thấm mệt, nên tự thưởng một tách cà phê sữa ngon lành và nốc luôn một tách nước trà. Không làm kiêu nữa, và dại gì của sẵn không dùng? Đúng mười tám giờ, có xe đưa về, không quên dặn đừng ra cửa, e có lịnh đòi, nhưng trọn đêm vô sự, ngủ bằng an.
Ngày 17-1-1963 Nghe theo lời ông Giá dặn hôm qua, nên sáng nầy vận đại phục vô sở, ngồi chờ tới trưa không việc gì. Buổi chiều có giờ dạy nơi Đại Học văn khoa, vừa dạy từ mười bốn giờ rưỡi, đang ngon trớn, kế có lịnh đòi. Lật đật từ giã sinh viên xách cặp bước mau qua phủ, cũng may ở gần cùng một khu. Chưa đi bươn bả theo ngõ tắt, lính kêu mặc lính, vừa đến kịp gặp ông Giá, ông đưa qua phủ, đến ngay phủ nơi phòng có trưng bày cổ vật, chưa kịp mở cửa vào phòng thì có điện thoại gọi giựt dội từ trên lầu ra chỉ thị xuống, dạy ông Giá phải đưa tôi thẳng lên từng thượng, để yết kiến ông Tổng thống, vì ông vừa rảnh tay và hiện chờ tôi tại văn phòng của người. Xin nhắc lại dinh Gia Long, nay Tổng thống lấy đó làm phủ từ ngày ở “điện Toàn quyền cũ” về đây, nguyên là dinh cũ Phó Soái Nam Kỳ và từ năm 1935 đến 1942, tôi từng làm việc ở đây, nên vốn không xa lạ đối với tôi. Chân tôi bước theo bén gót ông Giá, mỗi lần gót giày nện mạnh lên thang gỗ lòng thấy nao nao nhớ lại buổi thanh xuân còn ghi dấu đâu đây. Lên đến từng lầu trên, thì phong cảnh dấu vết cũ không thay đổi chi nhiều, nền gạch bông vẫn bóng láng như xưa, duy trên vách gạch, tấm tranh sơn dầu “cảnh vẽ cột cờ thủ ngữ và cầu tàu tán dóc” (Pháp gọi “poinle des blagueurs”) vì có tánh cách thực dân, nên đã bôi mất dấu, cũng như cảnh vẽ “vườn cao su” nơi sau chỗ ngồi của hai ông Rivoal và Weber độ nào, nay cũng bị tẩy đi cho sạch vết tích chế độ Pháp cũ. Bức vách nầy, như các bức vách khác, nay sơn dầu một màu vàng trứng gà, xem vừa sạch vừa nhã và trang trọng tinh khiết hơn xưa. Tôi bước tới trước cửa văn phòng, dòm vô trong thấy ông Ngô Đình Diệm, mặc bộ u-oe túc xo, ngồi chễm chệ trong một chiếc ghế bành bọc da thật lớn và mới toanh, hai tay ông đặt ngay thẳng trên chỗ dựa y như một tượng gỗ, còn hai mắt ông thì ngó thẳng vào cửa chỗ tôi đang đứng. Tôi thủ lễ, đứng thẳng người, đầu cúi miệng thưa lễ phép “Kính chào Tổng thống”. Ông gật đầu, xem bộ hiền lành, tôi nghe ông thốt hai tiếng “Mời ngồi” mà không nghe rõ mời ai, cụ, ông hay là mấy. Tôi lúc ấy vẫn cứ đứng, y như điệu chàng rể tiếp xúc lần đầu tiên với nhà gái. Kế tôi nghe ông ban thêm ba tiếng “Ngồi đi mà!” nghe êm ái hơn hai tiếng “mời ngồi” ban nãy. Rồi tôi bước tới, đặt bàn toạ vào ghế, nhưng chỉ ngồi ghé nơi bìa cạnh, y một kiểu với cách mấy chục năm xưa tôi ra mắt nhạc gia tôi khi đi xem mất vợ. Cái ghế của tôi ngồi, vẫn đặt mé bên tả của ghế ông và vẫn giống y cái ghế đặt bên hữu, hai ghế nầy thấy đều cũ kỹ, đã “xập kỷ nình” (cũ thập dư niên); vì tôi ngồi ghé nên thấy dường như ngồi trên khúc củi, vừa ê vừa thốn, thật không êm ái đỡ mỏi chút nào. Tôi vừa an toạ, kế có điện thoại reo. Tổng thống với tay chụp ống nghe, và trong khi ông bận lo trả lời, tôi thừa dịp lấy mắt quan sát kỹ vuông phòng nầy mà những năm xưa kia, vào dịp đầu xuân hay khánh hạ, tôi đã từng ra vào, tôi thấy trong phòng, những đồ tư khí cũ thời Pháp, hoặc dã di chuyển một nơi khác, hoặc đã biến mất từ năm đảo chánh 1945, hoặc vì ngày nay không vừa ý nên đã dời chỗ nào tôi chưa biết, tức là không mất.
Tóm lại những lời đã nghe có sự mất mát nơi nầy, chỉ là lời đồn đãi thất thiệt. Tôi chú ý nhứt là chiếc ghế bành của ông Tổng thống ngồi, bọc da màu vàng, xám nâu (beige) xem bề thế và rất mềm, rất êm ái. Đây là chỗ ông ngồi làm việc thường ngày, vừa khỏe lưng trong lúc tỷ như duyệt khán công văn, và cũng tiện lợi vì có thể nằm nghỉ lưng đỡ mỏi trong chốc lát. Kế bên chiếc ghế bành nầy, nơi mé tay mặt, có đặt một hộp lớn làm bằng gỗ trắng đánh vẹt-ni, trong chứa đựng cả xấp hồ sơ và công văn đang nghiên cứu hay còn xem xét. Hộp gỗ nầy có gắn một hàng nút điện sành trắng và nhỏ bằng cỡ đầu ngón tay út khi Tổng thống bấm vào là để gọi từng bộ hạ cộng tác, khi gọi ông chánh văn phòng hay chánh võ phòng, hoặc bí thơ hay tuỳ giá quan,.., khỏi nhọc công sai người đi mời. Trước mặt ghế ông ngồi và đôi bên tả hữu của chiếc ghế nầy, như đã có nói rồi, là hai chiếc ghế dạ đỏ đã phai màu, góc cạnh đã sù sì vì đã quá thâm niên, quá tuổi lưu dụng.
Một chiếc tôi đang ngồi, và vì không dám ngồi ngay giữa ghế nên không rõ bộ lò-xo có còn êm ái không, duy chiếc để trước mặt tôi, vốn là một cặp với chiếc kia, không nữa cũng đồng niên đồng tuế năm mua năm sẩm, hai chiếc ghế dành cho khách ngồi nầy, tại sao quá khác biệt với chiếc của Tổng thống ngồi, chiếc ghế của chủ thì vừa đẹp vừa êm, thêm vừa mới, còn hai chiếc nọ lại cũ kỹ và hư tệ đến thế. Xem ghế biết tánh chủ nhà, cực chẳng đã ông mới dám sài chớ bình sanh để làm theo ý ông, thì ông là người hà tiện nhứt trên đời, vì tiếng còn để lại, gia đình ông thuở ông Khả còn sanh tiền, thì đất Huế còn nhắc danh nhà nầy lấy tôn chỉ là “tề gia chi bổn thượng sách”. Có một chiếc ghế khác, kiểu xích đu loại Rocking chair hiệu Thonet thứ thiệt, thì chắc là không mấy năng đùng, nên tôi thấy trên mặt ghế chồng chất một đống hồ sơ cao nghệu, thấy mà ngán. Xem kỹ lại đâu đâu cũng thấy toàn là hồ sơ cái bìa xanh cái lại bìa đỏ, trước mặt Tổng thống, hai bên Tổng thống, bên vách tả cũng có một hàng dài dài trừ bên vách hữu, thấy một dãy ba chiếc tủ gỗ to tướng, choán gần trọn mặt vách trên sáu thước chiều dài, những tủ nầy do trào Pháp còn sót lại, mặt gỗ liền màu đỏ kiến gián làm bằng gỗ danh mộc đắt tiền. Trong tủ không biết có chứa đựng giấy má hồ sơ tối mật chi không, nhưng độ chừng ông Tổng thống là một thầy tu lỡ mùa, thuở nay quen sống độc thân, cho nên y phục tế nhuyễn vật cần thiết của người, người đều dồn hết vào đây, là một văn phòng mà cũng một tư phòng bất khả xâm phạm, và bấy lâu vì thiếu bàn tay bà nội tướng, nên tha hồ người để bừa bãi, thậm chí tôi liếc thấy chiếc gậy tuỳ thân ông thường cầm trên tay mỗi khi đi kinh lý “làng chiến lược” và chiếc nón nỉ lịch sử ông thường đội đầu, nay cũng ngự chễm chệ, nón thì đặt trên một hồ sơ một nơi nầy, gậy thì dựng nơi kẹt một góc nọ, mãi xa mút sau chót ba chiếc tủ gỗ kia. Trong khi Tổng thống mãi bận trả lời trong điện thoại, tôi chợt đưa mắt lên đầu chiếc tủ giữa bỗng thấy một khuôn hình lớn vẽ dầu màu, hoạ chân dung cụ cố Ngô Đình Khả, mình mặc sắc phục võ tướng, hai tay giụm lại đứng chống gươm xem rất oai nghi, nhưng cớ sao trong mắt tôi lúc ấy lại thấy dường như bơ vơ trơ trọi trên đầu loại tủ đựng áo quen mặt bằng gỗ liền nầy. Trong bụng tôi suy nghĩ bâng quơ: Hỡi trời? Đã tột bực đỉnh chung, lên ngồi trên cả thiên hạ, thế mà tìm không được một chỗ thờ cha cho xứng đáng. Hãy chừa cho bọn thơ ký nghèo như chúng tôi thờ cách ấy! Nếu ông là người công giáo thuần tuý không nhìn nhận sự thờ phượng ông bà, không muốn bắt chước bọn bên lương lập bàn thờ thờ cúng tổ tiên, thì cứ việc “làm theo Tây u”, tốn một cây đính đóng lên vách như treo hình đức Chúa hay hình ký kiểu La Joconde chẳng hạn, bằng không nữa thì thà đừng thờ và chỉ “tâm thờ”, thờ trong lòng, trong tư tâm cũng được đi, chứ thờ làm chi trên đầu tủ bọn tiểu công chức nhà như ổ chuột, trong nhà chỉ có cái tủ áo là cao, cũng không đành thờ cha mẹ ông bà như thế. Đang trí còn nghĩ ngợi viển vông, thoạt nghe Tổng thống đặt máy nói vào móc tôi vừa day lại thì nghe ông nói chậm rãi nửa thân nửa chí tình: “Cách nay mấy mươi năm, tôi cũng từng làm một nghề tương tợ như nghề ông (tiếng ông gọi tôi lần thứ nhứt), nhưng vẫn không phải nơi chốn nầy đâu!”.
- Dạ thưa Tổng thống, - tôi thầm phục và thầm khen ông khéo lựa mấy lời quá êm cởi mở - Dạ thưa Tổng thống, tôi đã từng đọc bài nghiên cứu của Tổng thống viết về chiếc nghiên mực “Tức mặc hầu” đăng năm xưa trong tập san Đô thành hiếu cổ.
- Ờ! Phải đấy. Bài ấy tôi viết đã lâu lắm rồi. Có đọc hỉ!
Nói đến đó rồi ông chăm chỉ lật lật xấp bản thảo tôi đã viết, vừa đọc vừa hỏi trống lỗng:
- Chữ ai viết mấy trang nầy vậy?
- Dạ, chữ cụ Sển viết! - Ông Giá khoanh tay đứng gần tôi trả lời.
- Già mà chữ viết còn hay hỉ! - Tổng thống ngó tôi mà khen.
Tôi cúi đầu nói nhỏ câu “Tôi không dám!” nhưng trong bụng, tật cũ không chừa, vẫn cãi:
- Trong Nam, chúng tôi nói chữ viết “cứng”? Viết hay là khác!
Rồi lại nghe Tổng thống hỏi tiếp:
- Hiệu “Ngoạn Ngọc” dùng được chớ hỉ?
- Dạ thưa, Ngoạn Ngọc là quý, là cổ lắm vậy.
- Ờ, ờ! Xưa tại nhà, có khá nhiều đồ hiệu Ngoạn Ngọc.
- Dạ thưa, - Tôi bất trớn nói tiếp - Đồ cổ đề hiệu Ngoạn Ngọc là nên dùng lắm. Người châu Âu, châu Mỹ, rất chuộng, và gọi theo Pháp là “Bibelot de jade”. Dạ, nhưng nó chưa quý bằng đồ cổ kiểu ký hiệu chữ “Nhựt”.
- Vì sao vậy? Tổng thống hỏi.
- Dạ, theo tôi hiểu, thưa Tổng thống. Hiệu “nhựt” là đồ sứ “Quân dụng”, chế tạo riêng cho quân vương dùng, khác với Ngoạn Ngọc là hiệu thường, ký trên đồ sành sứ từ nhà quan quyền đến nhà lê thứ đều dùng được cả, tức cũng như đồ thông thường, “quan đụng”, “dân dụng”.
Nói đến đây, tôi nhìn trộm, thấy mặt Tổng thống vui lên, cười cười rồi với tay bấm một nút chi nhỏ nhỏ gắn nơi hộp gỗ đã tả, tức thì hiện ra một tuỳ giá quan mặc một bộ quân phục bén ngót, vừa mở cửa vào, vừa chào và đứng thẳng mình.
- Cho ở dưới lầu hay tôi xuống xem các vật vừa sắm đó.
Ông Tổng thống đứng dậy, tôi cũng lật đật đứng theo. Tôi bước trái qua một bên, nhường chỗ cho ông bước ra khỏi ghế, rồi chờ ông bước được vài bước, tôi khi ấy mới nối gót theo sau. Bỗng cửa phòng mở toác, tôi giựt mình khi thấy ngoài cửa có hai ông cao cấp quen mặt, tay ôm hồ sơ chực sẵn từ lúc nào, đầu cúi ngó mũi giày, áo gài nút kín, mỗi ông đứng một bên cửa, không khác ông Thiện và ông Ác vẽ trên cửa chùa, nói làm vậy chớ vẫn mong hai ông đều hiền và không có ông nào xứng danh là ông Ác. Một ông, bấy lâu tôi nghe tiếng đồn là thanh liêm “tuy gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, nhưng nay thấy tận mắt vì ông có xương sống gắn bản lề khá dẻo cho nên người ta mới còn dùng đến nay, trong bụng thầm tiếc một người có Đức như ông, nấm nuối làm chi chốn nầy, ham quyền chức e có ngày vướng bùn mất chữ thanh cao, hay là cũng vì ông đã trót lựa chữ lót là “Tòng”.
Ông kia tôi gặp một lần trong một buổi đi nghe diễn thuyết nay cũng không nhớ tên, khi tôi đi ngang chỗ ông đứng, tôi ễnh ngực, nện mạnh gót giày, ý chừng muốn cho ông thấy tên ăn lương công nhựt nầy, cũng có lúc đi gần chủ của ông để được ông cúi chào, sướng quá. Buổi ấy, Tổng thống dẫn đầu đi trước, thứ đến là tôi kế nữa là một cận vệ quan, và sau rốt là ông Giá, chức coi về từ khí thập vật trong phủ, Pháp gọi “garde-meuble du palais”, tạm dịch nội phu quan chớ không lý dùng chữ “nội dịch” nghe tệ quá
Xuống đến phòng tạm chứa đồ sứ, một phòng rộng lớn thênh thênh thuộc mé hữu của toà lâu đài nầy, tôi thấy các cổ vát, cổ ngoạn đã được dọn bày sẵn làm ba hàng dài: chóe sành, bầu hồ lô tô kiểu, bình phong nạm ngọc, vân vân, đủ thứ, nhưng thứ thật tốt, đẹp và cổ thì ít, thứ xoàng xoàng không xưa không nay thì nhiều, theo ý riêng tôi, sở dĩ họ đem đến đây, cốt bán cho được nhiều tiền, kiếm đồng lãi và không sợ sự bình luận mai sau. Gẫm lại nguy hiểm thay cho cái nghề “chuyên viên khảo về cổ vật” như mình, có tiếng mà không có miếng, nay được đòi đến đây để giảo nghiệm, nhưng xét ra từ ông Tổng thống cho đến mình, còn cách xa biết bao nhiêu độ, mấy lời mình trực ngôn còn bị nhiều ý kiến tay ngang của các “cục cưng giỏi sàm tấu” xuyên lạc, không khéo “chơi dao có ngày đứt tay”, mình nói trắng, họ thay đen, mình nói “nay” họ đổi ra xưa”, - mình sẽ bị “bán đứng” bị lợi dụng, bị mang tai tiếng, từ đó đi đến sự “ủ-tờ” cũng chưa biết chừng. Ôi! Cái nghề làm quản thủ Viện bảo tàng ăn lương công nhựt!
Trong buổi ấy, tôi theo sát bên lưng Tổng thống. Ông xem xét từng món, ông hỏi tôi về món nào, tôi cố đem hết sức bình sanh tìm lời giải thích cặn kẽ về gốc tích, điển cố nào tôi biết được. Đi xem được giây lát, định chừng ông hài lòng về mấy lời tôi cắt nghĩa, nên ông “nói chuyện”quên thôi, và lần lần nói giọng rất thân mật, và cố nhiên bầu không khí trong phòng trở nên nhẹ nhàng dễ chịu. Ông Giá lấy mắt nháy lén tôi, hình như muốn nói: “Được lắm! Tiếp như vậy hoài đi”! Mỗi lần tôi cố ý nói giặm nói chêm một đôi chỗ cho thêm vui câu chuyện, tôi lén nhìn thấy hai môi Tổng thống như muốn cười nhưng còn giữ bộ nghiêm. Và khỏi nói khi thấy được cởi mở, mấy ông tuỳ giá lúc ấy cũng tiếp sức tôi vài câu đúng lúc cho không khí được “dễ thở” thêm. Tỷ dụ khi đứng trước một cái tô có đề thi nôm, tôi quên lưng hiện mình đang giỡn với lửa và tôi bỗng đọc đủ giong phù trầm.
- Bộ biết chữ Nho khá lắm hả? - Tổng thống cắt ngang và hỏi tôi như vậy.
- Dạ thưa Tổng thống, đó là tôi thuộc lòng vì quá quen mặt với tô nầy, chớ về chữ Nho, tôi vẫn dốt, vì cha tôi không cho tôi học chữ ấy từ lúc nhỏ.
Qua khỏi truông vấn nạn nầy, tôi lại tiếp tục nối gót theo ông Tổng thống. Bỗng đi đến trước một bộ chén trà cổ. Ông với cầm lên một cái chén “quân” và nói: “Đây chữ gì? Tôi không đọc được?”. Nghe vậy tôi tiếp cầm cái chén, vụt đọc lớn: “Tuyên Hoá”.
Ông Tổng thống chận tôi lại, cười và nói: “Đó! đọc được chữ Nho đó!”
Hồn bất phụ thể, tôi vội nói chữa lời: “Dạ! Cái chén nầy, thưa Tổng thống, nó là chén giả hiệu. Vì chữ viết nhòe nên Tổng thống không đọc được. Tôi quá quen và đã từng thấy nhiều bộ cổ hơn và chánh hiệu, nên mấy chữ nầy dễ nhìn, dễ đọc ra. Vả lại vua đời Minh có hiệu Tuyên Đức và hiệu Thành Hoá mà thôi. Nay chén nầy xưng “Tuyên Hoá” không có trong niên hiệu nhà Minh, cho nên tôi gọi là giả hiệu. Họ lấy chữ Tuyên trong Tuyên Đức và chữ Hoá trong Thành Hoá, hai chữ đều dễ đọc. Tổng thống gật đầu bước qua dãy khác, và tôi thoát nạn. Hú hồn!
Đi được giáp phòng một vòng tròn, đại khái đi đến đâu tôi đều trả lời suôn sẻ, độ chừng nãy giờ Tổng thống bằng lòng lắm. Kế đó bắt qua xem mấy bức bình phong sơn mài có nạm ngọc quý, treo trên vách. Đến đây tôi có dịp dò xét ý ông. Quả ông là người có bản lĩnh, đừng khinh ông mà lầm. Ông là người tự làm lấy mình, tự xem xét và tự quyết định lấy mình, vốn ít nghe lời ai mà cũng không muốn nghe lời ai khuyến biểu. Sở dĩ sau nầy việc đa đoan và bọn gian thần sanh ra quá nhiều và thời đã hết nên phải hư việc. Như hôm nay, ông đang đứng trước một bức bình phong có nạm ngọc nầy. Đó là một bộ tranh sáu bức, dài và hẹp, cỡ 2m x 0,50, cả thảy sáu tấm ráp lại bằng nhiều bản lề, nền tranh là gỗ thông sơn mài màu đen, trên nền sơn, cẩn đủ thứ ngọc quý giá, từ ngọc vân thạch, đến nhiều thứ quý hơn nữa...
- Tranh ngọc nầy, - Tổng thống nói - tại sao lặp đi lặp lại có một kiểu, trông nhàm quá.
- Thưa, tuy vậy mà nay không làm được nữa - Ông Hải nói tiếp - Nếu nhà Thành Lễ làm như vầy được, không biết sẽ tính đến giá nào!
Câu nói là câu có ý tán thành, ý định muốn giúp cho tấm bình phong được Tổng thống chấm mua, không dè đã làm Tổng thống nổi cơn thịnh nộ bất ngờ, như trời không kéo mây bỗng vụt mưa ồ. Ông day lại, nói rất lẹ:
- Mà ai mua làm chi của nhà Thành Lễ. So sánh làm chi vật xưa với vật nầy. Bức tranh nầy, vừa nói ông vừa lấy gậy chỉ, giá sáu chục nghìn (60.000$) kia mà!
- Dạ, hai trăm sáu chục nghìn chứ (260.000$). - Ông bí thư Hải cải chính.
- Ôi cha! Tôi không mua với giá đất đó đâu!
Ông Tổng thống đáp và bước te te đi một nước, làm cho chúng tôi phải bước lẹ mới theo kịp. Rồi liền đó, ông hạ giọng, day lại tôi và chậm rãi nói:
- Với những giá biên ra đây, tôi định sẽ giảm bớt đồng đều hoặc 25 hoặc 30 phần trăm. Nghĩ sao? Nếu họ không bằng lòng bán thì không mua.
- Dạ thưa Tổng thống, nếu cho phép tôi đưa ý kiến. Tôi chuyên xem kỹ về vấn đề tốt hay xấu, giả hay thật, cổ hay không cổ còn về giá cả, tưởng tôi không quyền định đoạt.
- Thôi được! ông Tổng thống nói - Rồi ông bắt qua chuyện khác. Kế ông lại hỏi:
- Đây họ đề “ambre”. Mà “ambre” là gì?
- Dạ thưa Tổng thống, “ambre” là hổ phách.
- Ủa! Lạ nầy! Tổng thống nói. Ambre, không phải là chất nọ tiết ra bởi loài cá ở biển kia sao?
- Thưa Tổng thống, tôi đáp. Nếu “ambre gris” thì đó là chất vôi hay là tinh của loại cá “cachalot”, thường thấy trôi cả giề lên mặt biển và người đánh cá vớt lên đem phơi khô, cân bán với giá rất mắc, gọi là “long diên hương”. Dạ, còn “ambre” nầy là ngọc hổ phách, vốn là mủ, nhựa cây thông bên Tàu, được trên ngàn tuổi, biến thành. Dạ thưa, mủ thông, ta gọi “tòng hương”, Pháp gọi “résine de conịfères”. Tòng hương, ta dùng thoa dây kéo đàn, cũng giống như colophane của Pháp. Và khi nào “tòng hương” để lâu được trăm năm, sẽ biến thành “phục linh”, một vị thuốc Bắc và nếu “tòng hương” ở dưới đất trên ngàn năm, sẽ biến thành hổ phách, như vầy đây. Đó là tôi đọc theo sách Tàu dịch ra, chớ đúng không thì tôi không rõ.
Buổi đặc biệt tôi được tiếp xúc với ông Ngô Đình Diệm, đến đây là chấm dứt. Và đây là lần thứ nhì ông cho tôi yết kiến. Tên tôi viết theo Tàu có lẽ ông không ưa, vì bình sanh ông chỉ thích những người có tên tốt. Cũng vì tên không tốt, nghe không thanh và quá “chệc”, nên ông hành tội bắt chầu hầu suốt mấy hôm liền mới cho ra mắt. Ông đã hiểu lầm và có lẽ hôm nay ông biết rõ tôi hơn chăng?
Nhắc lại, sau khi tôi trả lời đầy đủ như học trò trả bài cho thầy, ông Tổng thống gật đầu, quay lưng lại, và vừa đi vừa nói: “Thôi được? Mời ông lên lầu dùng trà”.
- Đội ơn Tổng thống, tôi đáp. Nhưng tôi không dám làm mất thì giờ quý báu của Tổng thống. Xin cho tôi về.
Ông gật đầu, bước thẳng lên thang. Tôi vừa mừng thoát nạn, bỗng ông chánh văn phòng Võ Văn Hải đến gần khều tôi và nói nhỏ:
- Sao cụ không nhận lời ông Tổng thống mời, ngàn năm một thuở mà?
- Thưa ông, - Tôi đáp lẹ - Cũng biết vậy đó chút, nhưng ông nghĩ lại: phàm một tên học trò đi thi, một khi ứng đáp được trôi chảy, kể chắc có hy vọng thi đậu, là đủ mừng. Há tham làm tàng và đèo bòng, chạy theo chủ khảo, ông chất vấn thêm, rủi bí là bao nhiêu công khó cũng trôi dòng nước, chằng là uổng công tu luyện hay sao?
Ông Hải cười và nói:
- Cụ là người cao kiến.
Giờ tôi bước vào phủ Tổng thống, nhớ lại là mười lăm giờ chiều. Nay bước chân ra khỏi phủ, là đồng hồ đã điểm mười bảy giờ bốn mươi phút. Thế là tôi được hầu ông Tổng thống ngót hai giờ bốn mươi phút. Khi bước vô, lòng nặng như núi đè. Nay bước ra, lòng nhẹ như được đầu thai kiếp mới.
Vài hôm sau, tôi nhận được một bức công văn, xin chép y, để làm kỷ niệm:
Việt Nam Cộng Hoà
Tổng thống phủ
Văn phòng
Số 62-TTP/ĐL
Sài Gòn, ngày 18 tháng 1 năm 1963
Đổng lý Văn Phòng Phủ Tổng thống
Kính gửi ông Bộ trướng Quốc gia Giáo Dục Sài Gòn.
Thưa ông Bộ trướng,
Văn phòng tôi trân trọng kính chuyển quý Bộ, chỉ thị sau đây của Tổng thống. “Có nhiều đồ cổ cần mua cho Viện bảo tàng, xin ngân khoản mà mua thì có khó khăn, cho nên cho phép ông Quán thủ Viện bảo tàng là người rành rỏi và biên khá về đồ cổ, khi nào có gặp đồ cổ thì ông ấy có thể trình gấp, vì theo thú tục giấy tờ mất ngày giờ, trễ ké khác đã mua rồi.
Nếu thiếu ngân sách, thì trình lên Thượng cấp để xin ngân khoản đặc biệt.
Nay kính, Ký tên
Quách Tòng Đức
Dưới bức công văn chánh, do phủ Tổng thống gởi, còn mấy hàng phụ như sau:
Bộ Quốc Gia Giáo Dục
Số 2044 - GD/KTNS/2
Sao y kính gửi.
Ông Giám đốc Viện Khảo cổ, Sài Gòn.
Quản thủ Viện bảo tàng, Sài Gòn.
“để thi hành”.
Sài Gòn ngày 9 tháng 2 năm 1963.
K. T. Tông thơ ký, Phó Tổng Thơ ký
Ký tên: Đỗ Bá Khê
Do công văn chép lại như trên thì từ đây, tôi đã được lọt mắt xanh. Người khác, nếu được như vầy, ắt mừng lắm vì tương lai hy vọng tràn trề.
Nhưng đối với tôi, vốn sẵn tánh bi quan từ thuở nào, tôi chỉ thấy kể từ đây thiếu gì nguy hiểm khó phòng ngừa được: mỗi lần trên Phủ muốn mua đồ cổ, sẵn tôi đang được tin dùng, thiếu chi người, từ bọn buôn đồ cổ, bọn đứng trung gian đến kẻ hám lợi chưa biết được, họ có thể sẽ bán đứng tôi có ngày. Tỷ dụ tôi không thấy món đồ, mà họ hô “tôi xem rồi”, hoặc tôi đã bảo biết là đồ quý.
Nhưng cũng may, cái sợ của tôi chỉ là trong tưởng tượng.
Cách đó không bao lâu, Tổng thống Diệm đột ngột lìa đời, còn tôi cũng bị cho ra rìa, lìa khỏi Viện bảo tàng, trở về kiếp sống “hưu trí non”, và mười mấy năm làm thêm nơi viện nầy, không được kể vào tuổi thâm niên hưu trí, vì trong khế ước, tôi là nhân viên công nhựt.
Nay xin có mấy hàng hồi ký, không phải tiếc ông Diệm, sự thật chỉ ngậm ngùi cho thân. Từng đọc bài thi Lão ky qui y của ông Tôn Thọ Tường, càng thấm thía thấy thân sao giống hệt. Đối với riêng tôi, ông Diệm không có làm điều gì có hại cho cá nhân tôi.
Một phút gặp gỡ cũng là tình, dẫu không phải một bức tình chung, nhưng cũng đủ hư thân trọn đời. Tôi viết mấy trang nầy, chẳng qua để nhắc việc cũ, dẫu có người trách tôi còn tưởng niệm ông, thân nầy có thể ví với gái hư, nay đã già, cho nên thà ở goá ngồi ngoài lần chuỗi cho qua ngày tháng.
Gia Định 15-7-1968 chép lại 20-4-1975.