Làm công chức lớp xưa, khi giữ tròn được bổn phận, gẫm có chỗ sướng: tuy lương ít ỏi, nhưng vẫn có đều đều, nếu biết liệu cơm gắp mắm, thì khỏi lo như bác nhà nông, nai lưng kệch dầm sương dang nắng mà còn lo hạn hán lụt lội nhiều bề; và vẫn sướng nhiều hơn, chú thương gia, mỗi khi tính sai một con toán hay lầm một chuyến bổ hàng, là có thể tán gia bại sản. Người công chức ngày xưa, sống ở giữa chốn thị thành, khi trẩy Bắc ra làm ở Hà Nội, dinh toàn quyền, khi vào Nam tùng sự nơi dinh thống đốc, nếu có lịnh sai xuống tận Cà Mau thì cũng ở chợ làm nơi dinh quận hay toà bố, không sợ muỗi mòng đỉa vắt, và hưởng đủ mọi thứ phong lưu đời trước, tiệc tùng ăn nhậu, và luôn luôn làm việc nơi bàn giấy, có quạt máy mùa hè trong Nam, và có lò hơ mùa giá rét ngoài Bắc, thương gia hạng trung và điền chủ cỡ nhỏ, làm sao sánh bằng anh công chức cỡ lương bảy tám chục đến một trăm đồng mỗi tháng. Không có cảnh “lặn lội eo sèo” như bà Tú năm xưa nuôi chồng cực khổ, và vẫn ung dung với cảnh “tối rượu sâm banh, sáng sữa bò”, nên có nhiều người chỉ trích. Tôi tả oán mấy câu, rao Nam đôi chặp để vào để thuật chuyện hôm nay, tuy vẫn biết “chuyện thằng tôi là đáng ghét” (le moi est haissable).
Tôi hai lần đã “đụng ông Diệm”. Ngày nay nhắc lại ông, nói rằng “tiếc” thì sẽ có người vọt miệng chửi: “tôi phe Tổng Diệm”, bằng nói “ghét” thì thú thật ông không có làm gì cho tôi có ác cảm, và nên ghét là “thằng đã bỏ chạy” ôm mớ tiền vơ vét cạn kho, bay qua Đài Loan, tên ấy tội đáng chết bằng mười bằng trăm. (Nhưng thiên bất dung gian, chuyện còn dài, hạ hồi phân giải).
Nay xin nhắc chuyện cũ về ông Tổng Diệm. Còn ai hách hơn ông, vào khoảng năm 1960? Thời thế đẩy đưa, ông lên như diều gặp gió. Quyền uy suất sá, bạo lực bao trùm từ vĩ tuyến 17 đến tận mũi Cà Mau. Tổng thống đầu tiên của Việt Nam cộng hoà! Câu “hét ra lửa”.., nơi đây nên dùng một nửa, dùng trọn câu, e ông đỏ mặt!
Ấy thế mà bỗng nhiên, một hôm ông làm thông ngôn cho thằng thơ ký quèn ăn lương công nhựt là tôi, vì vậy cho nên tôi đã hạ câu “làm công chức có khi lại sướng hơn ông Tổng thống!”. Câu chuyện đầu đuôi như sau, xin thong thả để tôi tường tận:
Ngày 17-12-1960, Tổng thống Diệm đón tiếp một ông thượng khách Tàu từ Trung Hoa hải đảo trẩy sang. Hai người vốn quen biết nhau từ buổi ông Ngô xách va li lưu vong thiên địa không nhà. Nay vị thượng khách của ông từ ngàn dặm bay qua đất Sài Gòn để mục kích tận mắt cảnh người vong khách không đất cắm dùi nay bỗng nhiên “bì với vua tuy chưa dám xưa “trẫm”, và cả hai đều rạng mặt.
Ông Tổng nhà tôi, bụng phệ, ôm cái thùng nước lèo “hoài bão quốc gia”.
Ông thượng khách, trái hẳn, mình gầy vóc khô, nhưng thanh tân mỹ mạo.
Cắc cớ thay con Tạo, là hai người bất đồng ngôn ngữ, và cây cầu nối tiếp đôi bên là một tuỳ giá quan cao lớn đẫy đà, mỗi lần chủ khách có dịp trao đổi ý kiến, ông nhà tôi nói tiếng Pháp, ông khách sử dụng rặt giọng Bắc Kinh, và cây cầu “thông dịch” phải nghe tiếng Tây, dịch lại tiếng Tàu, giọng Quan thoại, như vậy chủ và khách mới hiểu được nhau, tôi ở giữa bắt buộc làm nhân chứng bất đắc dĩ, và phải nhìn nhận thuở giờ tôi chưa gặp một ông Ba Tàu nào dùng tiếng Pháp đúng giọng Ba-ri-diên (Parisien) và đúng văn phạm như vị tướng quân thòn-xán (Dường sơn) nầy. (Không biết có phải đó là ông Hồ Liên, sau làm đại sứ bên này chăng?).
Còn ai không biết tính ông Diệm, hễ có dịp thì phô trương thanh thế đến tột cùng, cốt cách thượng thơ cũ triều đình Huế, chưa gột sạch: thôi thì tiền hô hậu ủng, nhà có bao nhiêu sai nha nô dịch, ông dắt hết ra đường: đằng đằng sát khí, đứa chó lửa giật lưng, đứa súng sáu treo đùi, mô tô phạch phạch chạy trước, ô tô bóng loáng theo sau, nghe đồn xe nầy ngồi trong không sợ bị ám sát vì kính che gió đạn bắn không lủng, và bánh lốp ổ ong, dẫu nổ không xẹp v.v...
Hôm ấy ông Diệm đưa ông khách đến viếng thảo cầm viên là một nơi thắng cảnh ông ưng ý nhứt trên đất Sài Gòn nầy. Nực cười tuy ông ưng ý, mà có nhiều người không biết ý ông, nên đã làm cho ông nhiều lần bực tức. Nguyên trước cửa vườn thảo cầm, ngay sân tiền của Viện bảo tàng, từ xưa để lại có trồng hai hàng cây “dái ngựa”, tên gọi chướng tai làm vây vì tới mùa trổ trái, trái vẫn tròn tròn mốc mốc y như hai viên hạ đạn của ngựa không khác.
Một hôm ông vào vườn chơi, hỏi tên, ông quản thủ thảo cầm viên tình thật nói ngay, ông đỏ mặt quở rân “tên không thanh” chút nào. Ông quản thủ sợ quá, hội nhân viên chuyên môn và đề nghị đổi lên mới là cây “nhạc ngựa” (nay còn bảng treo), nhưng quên rằng đã xỏ ông Tổng nhà tôi rất nặng, vì bao giờ nhạc ngựa lại treo lủng lẳng dưới đì? Cũng như trong vườn, hoa thơm thú là không thiếu, có cả chim hạc, chim séo biết nhảy múa theo nhạc điệu du dương, nhưng bộ hạ ông đã xỏ ông nữa, khi dâng lên ông một con “bạch tượng” báo điềm lành, mà con tượng bạch nầy da mốc mốc như đau ghẻ lác chớ không bạch chút nào. Và cũng như ở tận mút vườn, gần sở Ba Son, ông ngoại giao khéo lắm mới đổi được với Phi châu hai con giả nhơn, vóc lớn bằng trẻ lên mười, nhưng cớ chi mỗi lần ông mon men đến gần chuồng để viếng thì vẫn làm trò khỉ tục tĩu trước mặt. Nhưng nói sao hết, ông có tánh bẽn lẽn như gái muốn chồng, từ ngày ông ngự trị Miền Nam, ông nghe đầy lỗ tai những danh từ không thanh tỷ dụ như “dây thúi địt” và cây “cặc chó”, v.v. Ông cố tâm đổi ra cho thanh: Blao làm Bảo Lộc, Djiring làm Dĩ Linh, nhưng bộ hạ ông từng đổi “dây thúi địt” làm “dây mơ tam thể” (vì lá nó xanh tím nhiều màu), nhưng đến danh từ “cây cặc chó”, nhân viên đặc trách ăn đã hao mòn mấy quỹ ngân sách tìm chưa ra danh từ thay thế, thì ông đã hồn quy dị lộ.
Nhắc lại, hôm 17-12-1960, ông bổn thân đưa khách quý dạo chơi viện thảo cầm, hai người dạo khắp đó đây mà trời còn sớm quá chưa tới giờ về dinh ngự thiện, ông bỗng nảy ý cùng với khách đến xem một lần cho biết Viện bảo tàng Sài Gòn, mà ông chưa đặt chân đến lần nào. Khổ nỗi ông không cho tôi hay trước mới chết cha một cửa tứ! Thú thật tôi không phải là một nhân viên gương mẫu, và sở trường của tôi, cũng như của bao công chức khác đồng thời là vô làm trễ, đi về sớm, miễn công việc trôi chạy, để bù trừ những lúc làm thêm giờ bất chấp sớm trưa. Cũng may cho tôi bữa đó, dường như linh ứng mách bảo nên vào giờ ấy, hơn mười một giờ rồi, mà tôi vẫn chưa ra về. Như mọi ngày, tôi ăn mặc rất xoàng xĩnh, một bộ xá-xẩu cụt tay bốn túi, và đang cắm cúi viết viết trong văn phòng. Bỗng cửa phòng mở toát nghe một cái rốt. Ông tổng giám đốc cảnh sát, ông Nguyễn Văn Là bằng xương bằng thịt, đứng tần ngần trước mặt, dõng dạc hô to như giữa trận tiền: “Có Tổng thống viếng Viện bảo tàng! Mời giám đốc theo tôi ra rước!”
Thoạt nghe mấy tiếng, tôi quăng viết, ba chân bốn cẳng, vội chạy một hơi bám sát gót ông Là, hồn vía cũng chạy theo. Vả lại Viện bảo tàng vốn rộng thênh thang như nhà lồng chợ, hai tôi bắt từ văn phòng chạy một mạch đến chỗ ông Tổng thống và các quan khách đứng chờ thì đã gần hụt hơi. Lúc ấy đồng hồ điểm mười một giờ rưỡi trưa. Phái đoàn hiện đã qua khỏi cửa đại môn, lướt qua khỏi phòng mỹ thuật Chàm, và đang đứng ngắm nghía chuyện trò nơi phòng mỹ thuật Cơ-me. Ông Diệm vốn có tánh khó, cấm gọi ông bằng Cụ bằng ông, và chỉ ưng gọi ông trống trơ “Tổng thống”. Nhớ được điều đó, tôi đứng thẳng người, ngó ngay mặt ông, cung kính thưa một hơi không kịp thở:
- Kính thưa Tổng thống, Tổng thống đến quá đỗi thình lình, và vì không hay trước nên tôi không kịp mặc đúng lễ, và đã không kịp ra nghinh tiếp Tổng thống tận cửa viện như lòng mong muốn, xin Tổng thống lượng xét cho.
Nói xong câu ấy, biết rằng mình dối lòng mình vì câu nói gượng ép không tự nhiên, tôi đứng trân nín thở, không khác anh binh nhì đứng trước ông tướng ba bốn ngôi sao. Ông Diệm day mặt lại, nhìn tôi từ đầu chí gót, lấy cây ba-ton nhịp nhịp vào sân gạch, tôi lúc ấy cũng trộm nhìn ông, thấy mặt ông tươi rói, hồng hào như bao nhiêu gương mặt kẻ đắc thời ăn no ngủ kỹ, bỗng ông sầm nét mặt lại... Cặp mắt ông dường như muốn xẹt lửa, cặp chân mày đen đậm lông dài và dày khít, bỗng nhíu lại như báo tin một cuộc sấm sét bất ngờ, rồi bỗng tan ra như mây bị gió tạt. Ông day lại ngó vị tân khách, ông nghĩ ngợi về câu tôi tự bào chữa, ông không gật đầu cũng không bắt tay. Ông ngó lại tôi một lần nữa, phen nầy từ gót chi tóc... Tôi đứng thẳng lưng chờ đổ trận lôi đình. Ông không thốt lời nào, thì xin cho tôi suy nghĩ trộm: ông không chào, tôi không lấy làm lạ. Trong bụng tôi xét, giữa ông và tôi, vả chăng giai cấp và quan niệm rất cách biệt. Ông làm Tổng thống, ông nhờ. Tôi sở dĩ vô làm đây là vì vấn đề cơm áo thê nhi, cũng không phải ăn mày của ai mà phải khúm núm. Giữa ông và tôi, xa cách đến quăng mười lăm bã trầu chưa tới, tôi đâu có đèo bòng cái bắt tay chào. Nó có ích lợi no béo gì cho tôi, rủi gặp tay nhớt, tay mồ hôi bịnh phong thấp lại càng thêm gớm. Thà đừng ngoài mặt làm bộ xã giao mơn trớn, rồi lát nữa ông lên mặt chủ, là đủ tôi cám ơn ông nhiều. Tôi đoán chừng ông nhìn thấy tôi ăn mặc quá lèn xèn, ông lấy đó mắc cỡ hộ với ông khách thượng lân: “Nước Việt Nam tiếng rằng giàu có, có một thằng quản thủ Viện bảo tàng quá nghèo hèn!” Hay là đã có người “tâu” lên với ông, lên tôi là thế thế, lỡ Tàu lỡ Việt, rồi không khinh thầm? Ông có tiếng là người thuần tuý, chuộng thích những danh từ cho thật êm tai, những tên ngọt lịm: Chánh Thành hoặc Đình Thuần? Trung Dung? Nhưng Dung lỡ Dung, Thành chẳng Thành, ông giận đứng trước một người có tên xấu xí. Câu tôi vừa thốt là thành thực tạ lỗi, giọng thiết tha thẳng thắn, ông bắt tôi đợi một giây lâu. Sau rốt, cơn chuyển mưa vừa vần vũ kế gió đánh mây bay mất, ông khệ nệ ban cho hai chữ “Thôi được!” rồi ông lê cây gậy cù nèo và nơ cái bụng nước lèo bước tới, hai hàng chân vịt xàng xê, họ Tạ trong tuồng San Hậu! Trong lúc ông xê dịch, sau trước có tiền hô hậu ủng: nào cảnh sát chìm cảnh sát nổi, thám tử, mật quân, chúng bao vây ông chật phòng; trong lúc ấy tôi là quản thủ Viện bảo tàng, đã có mấy ông Phật Miên bằng đá chở che. Nhờ Trời Phật câu nói của tôi ban nãy làm tan cơn sấm sét. Tôi vẫn thấy và phục ông là con người khá, nhơn chi sơ tánh bản thiện; tự nhiên tôi có thiện cảm, càng thương ông sau nầy bị nịnh xỏ mũi mà hư cơ đồ, đến nỗi luỵ thân, (nhưng sau nầy khi đọc công văn thấy anh em ông ẵm bao vàng trên năm chục ký mà ngao ngán bất cứ ai, lòng tham không đáy).
Nhắc lại, hai tiếng ông ban ra “Thôi được!” đã làm cho tôi hoàn hồn, nhưng cũng vì đó, cái tánh châm biếm cũng lót tót trở lại: chứng nào tật nấy! Tôi vừa nối gót theo chân ông, bụng vừa suy nghĩ: “Có đời nào tôi được như hôm nay, đi đứng gần ông chỉ cách không hơn một thước! Mẽ! Lạ nầy? Cớ sao tóc ông để quá dài, không hớt? Ô, tội nghiệp quá, vì ông làm việc quá nhiều, đến không có thì giờ ngồi cho thợ con nó tỉa bớt để tóc tai bùm sùm như đám hippy già. Ủa? Mà ông tuy ăn sung mặc sướng, mà đã có vài sợi tóc bạc mọc dưới gáy đâm lún phún như râu chú giám? Ông đáng thương thật! Thân không vợ không con, sống không đủ thì giờ hớt tóc. Làm Tổng thống coi vậy mà cực quá, có sướng ích gì? Uý nè? Trời hỡi trời? Ông bôn ba hải ngoại mấy năm trời, mà làm sao ai giữ được cho ông, bộ tussor ông mặc, may kiểu áo bốn nút cổ lỗ sĩ, nhưng hàng nầy đúng là tussor đất Nam Định nổi danh. Trời ơi, bộ đồ tussor nầy đã trỗ vàng vì đã quá lâu năm. Cổ vai đã xùi, đúng ông là một người độc thân không ưa đàn bà, thêm thằng đầy tớ quá lập công, không dám giặt thường sợ áo mau mục rách và vì quá o bế, ủi đi ủi lại mãi, ủi thét đến hàng dợn sóng, ủi như vầy giáp sắt cũng tơi sợi bông chỉ, nói gì tussor. Nếu ông hà tiện quá làm vầy, tiền của dư ông làm gì cho hết? Nhưng nói thật, sẽ chết cha hết thảy, chớ bọn công chức chúng tôi làm gì lên lương được với một Tổng thống quá rít róng như ông làm vầy? Tôi mãi theo sau lưng, suy nghĩ lung tung, bỗng ông dừng bước, ngó ngay mặt tôi và chăm bằm nói trống:
- Hãy nói liếng Việt Tôi sẽ dịch lại. Không được dùng ngay tiếng Pháp. Nhớ chứ?
Ông dặn bấy nhiêu lời, tôi dạ một liếng cụt ngủn, nhưng nhỏ nhẹ lễ phép. Trong lòng, tôi mừng còn hơn trúng số độc đắc. Vô tình, ông đưa cán dao cho tôi nắm để ông cầm dao phần lưỡi. Ông giành nghề thông ngôn với tôi, rồi sẽ biết. Thông dịch tiếng Pháp thông thường đã là khó, nay ông sính tài muốn thông dịch danh từ chuyên môn về khoa khảo cổ, tôi sẽ làm cho đổ lửa cho xem. Ông đã khoe tài, tôi chờ dịp trác. Ông là Tổng thống, tôi chẳng qua một thơ ký quèn, ăn lương công nhựt. Ngoài mặt tôi làm tuồng cung cung kính kính, trong thâm tâm tôi trúng tủ, giữ phần ăn chắc như đánh bài cào, ông chín nút, tôi chộ ba Tây? Làm nơi Viện bảo tàng suốt mười mấy năm nay, tôi đã quá cháo chan thông thuộc và biết éo le từng món cổ vật như đồ chơi để trong túi.
Ông Tổng thống đi đến giữa phòng Cổ Cao Miên, đứng lại lấy gậy nhịp nhịp vào một khối đá vuông và to, đầu tròn, đặt ngay trung tâm phòng nầy và hỏi trống:
- Cái chi đây?
- Thưa Tổng thống, viên đá nầy, chữ Phạn gọi linga, tiếng Việt dịch sợ khó nghe.
- Cho phép nói.
- Dạ thưa, đó là cái ngọc hành, đạo Bà-la-môn thờ dương vật làm thần tạo hoá, sanh sanh biến biến, vũ trụ cũng là đó. Phạn tự gọi linga, Pháp giữ y cũng gọi linga, không đổi.
Tôi vừa nói câu nầy, bỗng thấy Tổng thống đỏ mặt nhưng thản nhiên dịch lẹ:
- Đây là hòn đá thiêng của đạo Bà-la-môn, gọi linga, các người biết chứ? (Cesl une pierre sacrée du culte brahmanique, le linga, vous le savez bien?). Rồi ông lật đật xách gậy, lẹ làng bước qua chỗ khác. Tôi chạy theo định giới thiệu ông đứng lại xem một tượng Phật đá ngồi buông thòng hai chân xuống đất theo điệu ngồi Tây phương, không như các tượng Phật khác, ngồi xếp bằng theo điệu tham thiền thường thấy, nhưng ông chưa hết đỏ mặt, giả chước không nghe và vẫn bước tới trước, tự tìm những cổ vật lạ để ngắm xem lấy mình. Tôi thầm phục ông là người có bản lĩnh, không phải bất cứ ai muốn dẫn dắt, “xỏ mũi” ông thế nào ông cũng nghe, đến đây tôi giựt mình, tự xét tốt hơn là phải biết an phận, ông hỏi gì sẽ liệu mà ứng đối, không nên láu táu mà bỏ mạng sa tràng với ông. Nãy giờ tôi mới hiểu thâm ý của Tổng thống, sở dĩ ông bắt buộc tôi nói tiếng Việt cho ông dịch lại tiếng Pháp là đề phòng sợ tôi nói ngay Pháp ngữ rủi có sơ hở lỡ lời, lấy lại không kịp, và như vây là ông cố ý muốn duyệt lại những gì tôi trình bày, liệu cái gì chính đáng ông sẽ dịch, cái gì thừa thãi có hại, ông sẽ bỏ bớt, như vậy ông sẽ làm chủ câu chuyện và giữ được bí mật, quả ông cao thâm lắm và vì tôi còn thấp trí nên khinh thường. Tổng thống thông qua chuyện linga là nhẫn nhịn lắm, xong rồi nu na đi tới trước. Tôi lại có dịp so sánh và cân nhắc các nhân vật hiện diện bữa ấy. Tôi thấy ông khách Tàu, ăn mặc tiêm tất trong một bộ quốc phục vừa sang trọng vừa đúng đắn, mặt mày ông vừa phương phi vừa nghiêm trang, quả ông là một nhân vật phi phàm. Nhưng tôi để ý nhứt là ông tuỳ giá quan, ông nầy mới là một nhân vật đặc biệt. Ông mặc quân phục cấp tướng, rất vừa vặn đúng thời trang, và có lẽ ông ở đất Pháp và học Pháp văn lâu năm lắm cho nên ăn nói văn hoa bóng bảy giọng đúng giọng kinh thành Paris lắm; Còn ông Tổng thống chúng tôi, thật ra tôi không dám khinh thị ông, nhưng nghe ngóng và dò xét buổi tiếp kiến nầy, thì ông sử dụng tiếng Tây cũng không chi đặc sắc, bất quá là bá quốc, ông nói tiếng Pháp y một kiểu với bọn xơ-krê-téc quét bu-rô như tôi, chớ gẫm lại không hơn, và về giọng nói thì Ơ-nam Huế rặt. Hai nhà ngoại giao, kẻ Hoa người Việt, đàm luận cùng nhau coi bộ tương đắc lắm, mà phải cần dùng đến ba cây cầu, cầu Tàu giọng Bắc Kinh, cầu Nam giọng Sài Gòn, (còn chi hân hạnh bằng) và cầu Tây do một ông Huê kiều nối cho liên lạc quả là một buổi tao phùng “ngàn năm một thuở”, và càng nghĩ càng nực cười cho con Tạo khéo trớ trêu. Tôi đang thầm nghĩ tới đó, bỗng ông Tổng thống đứng lại ngay một viên đá dài kê bên vách, hất hàm hỏi:
- Cái gì đây?
- Thưa Tổng thống đó là đặc điểm của tinh thần đạo Phật phái Cổ Cao Miên. Hình đá nầy chạm tích vị thần Indra biến thân hoá làm con voi lớn có ba đầu, hai đầu tả hữu dùng vòi nắm chặt đầu rắn dữ Mãng xà vương, chạm đuôi rắn quấn chắc hai bên đông tây đại hải, rồi dùng phép thần căng thẳng thân con rắn Khổng Lồ ấy hoá ra sợi dây thần thông dài thiên lý, dùng đó toan tát cạn nước biển để tìm cho được vị thuốc trường sanh bất lão, sẽ làm cho con người trắng da dài tóc sống mãi đời đời thiên thu bất diệt. Thưa Tổng thống, Tổng thống để ý xem như viên đá nầy chạm khấc từ thế kỷ thứ X thứ XI, thế mà linh động vô song, và người thợ đá chế tạo, quả tài tình có một. Dưới nét chạm chỗ nầy, thưa đó là mấy con chim ăn bám, bình sanh theo sát người mà đớp bóng bắt mồi, chim no lòng khỏi tốn công tìm bắt, và đây, thưa Tổng thống, đây là thợ đá tạc hình những người còn mê sa vật chất nên phải chết đuối, thân còn lặn hụp giữa khổ ải trầm luân. Như vậy bức đá chạm tuyệt tác nầy tượng trưng xã hội chúng ta, luôn luôn vẫn có bọn ăn bám ở nhờ, luôn luôn có người đắm đuối trong ba đào biển khổ.
Câu viết tuy dài, nhưng lúc nói, tôi nói chậm và rõ ràng từ tiếng, nói tới đâu tôi trộm thấy mặt ông Tổng thống sáng lên, như bao nhiêu bực dọc nãy giờ đã tiêu tan, tôi thấy ông cười cười dường như vui lên, khiến cho tôi thao thao bất tuyệt rán diễn sát nghĩa và giữ đúng tinh thần của người thợ cổ để lại trong phiến đá câm. Sự thật lúc ấy tôi cố đem sở trường học hỏi bấy lâu cố thuyết phục vị tân khách Tàu và ông Tổng thống công giáo nầy rằng đạo giáo miền Nam từ nhiều đời vẫn có truyền thống riêng và vẫn có chứa ẩn nhiều diệu thuật mà những người theo đạo nước khác chưa khám phá được tường tận. Vừa nói tôi vừa nhìn kỹ nét mặt Tổng thống. Tuy lúc ấy ông đang giữa thời kỳ cực thịnh, nhưng mặc dầu tôi không phải nhà tướng gia, nhưng đầu mày cuối mắt, tôi quá thấy dường như có một cái gì đen tối sắp phát hiện. Một, hay là ông đau gan đau thận? Hai, hay là thời vàng son đã xuống dốc lần lần đây? Tôi tự cười thầm không phải thầy coi tướng tại sao vơ vẩn tìm hiểu chuyện đâu đâu. Nhưng tánh tọc mạch khiến tôi nhìn kỹ quả dưới mắt Tổng thống có một nốt ruồi “yểm luỵ” quả trong đời ông luôn luôn có sự lo buồn, nhưng hà cớ mỗi lần chào cờ trong rạp chớp bóng, bác phó nhòm nào đã quá nịnh, nên đã tẩy mất vết ruồi xúi quảy báo điềm nầy.
Tổng thống vui vẻ bước qua phòng Đế Thiên Đế Thích, nhưng đến đây ông khách thân mật lấy tay chỉ một pho tượng Phật bằng gỗ cao trên ba thước dựng sát vách và lấy mắt hỏi Tổng thống.
Ông Tổng thống lấy cây gậy nhịp nhịp dưới sàn gạch hoa, tôi biết ý bước lại gần, ông hất hàm hỏi:
- Phật nầy bằng gỗ gì, làm đời nào?
- Thưa Tổng thống, vị Phật nầy, trước năm đảo chánh 1945 nhà học giả Malleret đem về từ ruộng sâu làng Phong Mỹ ở Đồng Tháp Mười. Phật làm bằng gỗ mù u và có lẽ đã có từ đời Tiền Đế Thiên Tiền Đế Thích, tức đã lâu đời lắm. Gỗ mù u, danh từ chuyên môn La tinh gọi gỗ “Calophyllum inophyllum”.
- Gỗ chi? - Tổng thống cắt ngang lời tôi nói, vì có lẽ ông không biết nên dịch ra làm sao danh từ lạ tai “Calophyllum inophyllum” nầy.
- Dạ thưa, gỗ mù u. - Và để ông dễ hiểu, tôi lật đật nói trớ lại - Thứ gỗ nầy, ở miền Nam mọc nhiều, quả nó tròn làm gáo múc dầu, mủ nó xức ghẻ mau lành lắm.
- Đây là Phật bằng gỗ, - Tổng thống nương lời tôi nói mà dịch lại - Phật bằng gỗ tìm gặp ở Đồng Tháp Mười, xưa gần ngàn năm làm bằng gỗ mù u, thứ gỗ nầy mủ nó dùng trị ghẻ chốc. (Voici un bouddha en bois, trouvé au Tháp Mười, de près de mille ans d'âge, fait dans un bois qui s'appelle “mù-u”, et dont la résine sert à guérir la gale, là?)
Tổng thống dịch và đưa mắt liếc tôi, tựa hồ nói: “Ta dịch sao, mi không cần biết”.
Thú thật tôi đâu dám bất kính tìm hiểu Tổng thống dịch sát nghĩa hay dịch không sát nghĩa. Tôi cần ông đừng la lối rầy rà tôi là quý, và tôi nói thầm trong bụng: “Ai nói sao, theo mình “ông già nầy” quả là người khá xài được, có thiện chí, nói phải biết nghe, hiềm vì lũ nịnh sàm ngôn quá nhiều nên hư việc”.
Tổng thống và vị tân khách bước qua phòng mỹ thuật Trung Hoa, đến đây tôi mừng được thoát nạn như kẻ tắm sông sắp lội vào bờ, vì đối với một ông Tàu và một ông cựu quan Thượng triều đình Huế, trước mỹ thuật Trung Hoa, tôi nào dám “Ban môn lộng phủ”. Qua tới phòng mỹ thuật Việt Nam, hai ông dừng lại trước một tủ kính, trong có chưng một bức bình phong Pháp lam (cloisonné) xinh xinh, đế làm bằng gỗ trắc quý trổ ra hình chữ “Vương” có vân mây bao trùm, xem khéo lắm.
- Cái ni là cái chi? - Tổng thống hỏi.
- Dạ thưa, đây là bức bình phong Pháp lam của vua Minh Mạng, có bài thi ngự chế.
Ông chống gậy cúi xuống xem, hai người cùng đọc bài thi chữ Hán. Bỗng ông Tổng thống dõng dạc nói:
- Mấy người biết chứ! Các vị tiên vương nước Đại Nam đều là thi sĩ. Đây là một bài ngự chế của ngài Minh Mạng đó. (Vous savez que les anciens Empereurs du Đại Nam étaient tous des poètes. Voici une poésie écrite de la min de lempereur Minh Mạng.Voi là).
Cắt nghĩa xong, Tổng thống đưa khách qua phòng mỹ thuật Ốc Eo, không ngó vật nào, và ông bước đi thoăn thoắt, không cần biết đến ai, tay xách gậy ngoe nguẩy bước ra Đại môn, bọn tuỳ tùng ráp lại tiền hô hậu ủng và tôi thoát nạn. Vị tân khách Tàu nán lại day qua tôi, nói một tràng tiếng Quan thoại, trong xâu dài dọc tôi chỉ hiểu được hai tiếng “tố chè” (đa tạ). Ông tướng quân to lớn xiết tay từ giã, niềm nở như bạn quen từ thuở nào.
Tôi tiễn ra cửa, đứng nhìn, khỏe trong lòng như có uống sâm nhung. Phái đoàn lên xe đi mất dạng, tôi còn tần ngần đứng đó suy nghĩ viễn vông. Nhớ lại lúc chín giờ ban mai, có lão Ngô Quang Huy lại kéo đi ăn hủ tíu cá khu Canh Nông, nếu ăn rồi ăn quen như mọi ngày, cút về nhà luôn, không trở vô sớ để tiếp Tổng thống thì ắt là mất chức. Thiệt là phước ông phước cha để lại? Ủa? Mà sao ông Tổng thống ra về, không bắt tay mà cũng không một liếc mắt chào? Á! Mà thôi! Hơi nào phiền trách. Tội nghiệp bây giờ ông đã chết, nhớ ông, vừa có người hù, ông đã bỏ ngôi chạy mất. Chớ chi lão kia sớm biết thân như ông, thì đỡ khổ cho dân biết mấy?
Trở vô lấy xe đạp, đạp về nhà, kim đồng hồ chỉ đúng mười hai giờ rưỡi.
Vừa đạp xe, vừa suy nghĩ: “Cũng chưa phải là thần thánh gì. Vậy mà có đứa vào chầu, khi trở ra, đi thụt lùi làm chi đến bể chậu quý? Lại có thằng nào đó, nịnh thôi là nịnh, bỏ cả cha mẹ ông bà, để xin rửa tội nhập đạo Thiên chúa, rốt cuộc rồi cũng bị cho ra rìa. Còn mình, biết chừng nào được thảnh thơi, khỏi kiếp làm công chức tạm, khỏi chào cờ, khỏi chầu hầu phiền phức? Lại khỏi mỗi thứ hai hát bài “suy tôn”. Ông không nắm tay tôi, mà ông tự làm thông ngôn cho tôi. Còn khoái gì bằng, rán nhớ để viết bài trước khi đậy nắp quan”.
Cuối tháng chạp, y như lệ, xin điện thoại lên phủ Tổng thống, muốn biết quý danh hai vị tân khách viếng Viện bảo tàng để làm tờ phúc trình hằng tháng, trên phủ trả lời “khỏi hài tên làm gì”.