THÂN NHƯ CON VỊT QUAY TÍT!
Ý ĐỊNH KHÔNG MUỐN SỐNG!
- 18-12-1945( 16/2-1946: tản cư vô Hoà Tú;
- 25-10-1946 ( 15-11-1946: tản cư lên Kế Sách;
- 7-7-1947 ( rời Sốc Trăng chạy tuốt lên Sài Gòn.
Vô khám Sốc Trăng nếm mùi cơm gạo lức nước phong-tên vì tôi nhứt định gặp cảnh nào theo cảnh nấy, nên không cho người nhà đem cơm vô. Tôi thản nhiên cười nói như ở ngoài đời, anh em đều lấy làm lạ, hoặc cho tôi lập dị. Trưởng toà Sính là người nhiều phong kiến, một hai đòi xin giam chỗ khác, không ở chung với thường phạm; tôi không đồng ý, cho rằng “tố nào theo tố nấy” như vậy mà yên thân hơn, tách ra riêng chăng may bị bỏ rơi đói khát, hoặc họ phóng hoả chết cháy cũng chưa biết được, đã oan mạng, thêm mang tiếng tự mình lựa cái chết. Ông Sính nghe được, mới chịu thôi, không kêu nài. Vả chăng kêu nài cũng không ai nghe.
Tưởng ở đây đến Tết, ngờ đâu 2 giờ khuya hôm 24-9 vô đây đến 10 giờ sáng 27-9-1945 cửa khám mở rộng cho về; đi bộ từ ngục về tới nhà, tay ôm chiếc chiếu lác đã xười, vì tật chơi đồ cổ không bỏ và dầu sao cũng là vật kỷ niệm bốn ngày Dũ-lý. Về nhà bế môn không tiếp khách, duy tiếp một người như ruột rà là em Kim Chi, đến thăm chúa nhật 30-9, là bạn thân của cả vợ và chồng.
Mua hai trăm ký gạo giá tám mươi bốn đồng (84$00), không như bây giờ 1975, một bao trăm ký trên 20.000$.
Ngày 11-10 cho đến ngày 21-10, tản cư xuống trại ruộng lộ nhỏ đường đi Bãi Xàu vì tuân lịnh Uỷ ban kháng chiến. Nhưng ở đây cũng không được yên, vì tuy khách không đến khuấy rầy, nhưng tối bữa 13-10 (đêm 8 qua 9 tháng 9 Ất Dậu) có quân tử ngồi rường đến viếng; không trộm của mình mà nhè áo quần tế nhuyễn của ông bà công táp Huỳnh Văn Đạo ôm sạch. anh em làm sao biện minh? 21-10, dọn trở về nhà cũ, 31 đường Đại Ngãi. Lúc nầy thành phố sôi sục, nạn cướp bóc trong các làng xa do giặc Thổ khuấy, tin Sài Gòn rất xấu chưa biết chừng nào bọn Tây xuống đây. Ở nhà cũng không yên, Tư thường đi vắng, qua nhà anh là Tường Khi canh bài, khi gặp Thân. Mối tình đầm thẩm khi nghèo, nay đã manh nha tan rã...
Ngàv 9-12 là ngày 10-12 (5 và 6 tháng 11 Ất Dậu) gặp lại bạn cũ hội Khuyến học Sài Gòn là anh Ngô Quang Huy, chạy xuống đây, chia nhau giấy quyến hút thuốc vì đều là bợm ghiền thuốc điếu. Huy cho hay vài tin tức Sài Gòn, rồi từ giã nói lên đường đi Cao Lãnh.
Ngày 16-12, em là Vương Minh Quang dọn đồ đạc, ghế tràng kỷ, tủ áo xuống ghe và đưa thân phụ chạy về tản cư bên quê vợ ở làng Thạnh Thới An, sau bị giặc Thổ đốt phá cướp sạch luôn độ nghề làm thợ bạc, bàn cán là vật kỷ liệm thân phụ trân trọng về sau tiếc mãi. Thổ tàn ác, lột sạch, thân phụ phải đóng khố bằng vải mùng rách mà bọn chúng còn muốn không buông tha tánh mạng. Mấy hôm sau, Quang qua Hoà Tú gặp mình, mình tạm gởi mớ áo quần đỡ ngặt và phụ thân bớt lạnh đêm đông.
Ngày 17-12-1945, thanh niên đến nhà treo đồ bổi lá khô trên trình thượng hai căn phố 31 và 33 của thân phụ, ép mình ký tên cho phép đốt nhà “tiêu thổ khi có giặc Tây đến. (Về sau nhà cháy, nhưng bên bang “Công sở Quảng Đông” ở sát vách qua cứu kịp, khỏi bị hoả tai. Lúc tản cư trở về, nhà còn y, duy nám sém cửa sổ)
Cùng trong ngày, mình về dọn đưa lư hương vừa nhang qua tạm để góc tre sau trại ruộng dường Bãi Xàu, tản cư về, bát nhang ông bà còn y nguyên, vô sự.
Ngày 18-12-1945, đến lượt mình dọn hết đồ đạc sách vở đồ đưa xuống ghe tản cư vô ở nhờ nhà Trần Đắc Lợi (Chủ Lý) làng Hoà Tú. Ngày 19-12, ghe vô tới nơi, dọn lên.
Ngày 26-12, dự xem thanh niên diễn tuồng ái quốc tại nhà Chủ Lỹ.
Ngày 27-12-1945, dùng tiệc cơm Tàu nhà Trần Kế Vĩnh do chú Chín Cảo đứng nấu. Cũng vì tánh ham cao lương mỹ vị, mà chạy bỏ xừ mấy phen, nhưng chưa thấy tởn. Ngày nay vùng nầy không còn một cục gạch di tích sự nghiệp xưa, chớ xóm bà Hương Chanh nầy, trước năm 1945 là một vùng sum mậu nhứt:
- Nhà Ba Chen là một villa khang trang đẹp đẽ, nhiều nhà vùng Sài Gòn Gia Định ngày nay cũng khó sánh về mỹ thuật; em gái Chen là cô Tư, làm bánh, nấu bếp khéo vô song.
- Nhà Chủ Lỹ, là một ngôi nhà cổ ba căn, lẫm lúa cội núi dăng dăng. Lỹ là tay hào kiệt coi tiền như đất, mấy năm tản cư, đồng bào chạy ngang đều được tiếp tế đầy đủ. Gạo lúa muốn xúc bao nhiêu anh không bao giờ nói, vì tánh anh là người tiền phong, anh nuôi ý tưởng xã hội chủ nghĩa và vẫn xem tiền là phù vân, là nước bọt. Nếu có khả trách là trách anh vốn đệ tử tiên nâu, hút đến phá sản. Khi anh nằm xuống, ruộng vườn ông hà để lại không còn (nên khỏi bị truất hữu) đuy còn một chút ruộng hương hoả thì vợ con cũng chưa lãnh, vì trục trặc giấy tờ.
- Không đẹp mà khoái lạc nhứt là cơ ngơi của Trần Kế Vĩnh, ngoài gọi cậu Hai Vĩnh. Nhà ở là một nhà lầu của ông bà để lại, tuy thấp xưa mà kiên cố: vách tường dày ba lớp gạch (vách ba mươi), bọc thêm bên trong một lớp hàng rào sắt ba phân tròn, không sợ giặc cướp buổi đó. Nhà cất nối dài, nhờ vậy sau tôi dọn về đây, lại có dịp bành trướng tủ sách sập vàng y như lúc ở chợ Sốc Trăng. Nhưng chỗ tôi thích nhứt là vườn rau của Hai Vĩnh và ao nuôi cá tôm. Mương đào nước chảy thì Vĩnh nuôi cá, đủ thứ đủ giống từ cá trê vàng lườm, và tôm, loại tôm càng thật lớn con, giờ nào buổi nào có khách tới muốn ăn thức gì đều có sẵn, từ tôm nhúng giấm đến tôm luộc, tôm nướng, qua cá nướng trụi hoặc xắt lát mỏng nhúng tái ăn “tạp-pín-lù” (gọi ăn cù lao). Nhà Vĩnh tư niên chứa đủ rượu Tây ngon, rượu khai vị Martel, rượu sâm banh, chỉ thiếu nước đá, vì thuở ấy khó sắm tủ fri-gi-đe chạy dầu hôi, kỳ dư tàu vị yểu, nước chấm maggi, nước mắm hòn không bao giờ thiếu. Vĩnh không tiếc tiền, dọn ruộng đắp đất làm được một sân túc cầu trồng cỏ còn khéo và đều đặn hơn sân đá banh vườn ông Thượng Sài Gòn. Nhưng tuyệt đẹp tuyệt mỹ và bất ngờ nhứt giữa cảnh đồng khô cỏ cháy nước mặn là vườn rau Hai Vĩnh bốn mùa có đủ ớt cay, củ sả, nghệ vàng, ngải bún, và các thứ rau ngoại quốc chỉ hạ thuỷ thổ với Đà Lạt như xa-lách xon (cresson), xa-lách Đà Lạt, luôn cả khoai Tây (pomme de terre) béo bùi không chút sượng. Vĩnh có đến ba đầu bếp chuyên môn nấu theo Tây Tàu và Ta. Như đã nói bởi ham ăn khoái khẩu mà xuýt chút nữa tôi đã chôn xác và bỏ cả gia tài nơi điền Bà Hương Chanh nầy.
Năm 1946 (Bính Tuất) tin dồn dập đến tôi tại Hoà Tú và đều là tin xấu, tin nguy:
- Ngày 5-1-1946, hay tin chợ phố Sốc Trăng bị đốt, binh Tây kéo đến, bên ta rút lui.
Ngày thứ bảy 6-1-1946, đến phiên chợ phố Bãi Xàu bị cháy.
Ngày 7-1-1946, đồn điền Phủ Thạnh (Hoà Tú) ngang điền bà Phủ An, tổ chức phiên canh phòng ngừa giặc Thổ cướp phá. Điền Phủ Thạnh (con cháu là Cao Triều Trực, Cao Triều Phát), cũng ở ngang điền Nguyễn Tấn Phát (có đào con kinh nay còn gọi kinh Xã Phát), không biết hai người giận nhau điều gì, duy bên nhà dòng Nguyễn Tấn, lúc trước thấy có tấm biển treo đề hai chữ “Chánh Thọ”, không ai biết muốn nói gì, sau có người nói nhỏ, đó là “Chó Thạnh”.
Ngày 9-1-1946, tin đến càng gần, ở Hoà Tú đứng chỗ trống thấy khói mịt mù đó là chợ phố Nhu Gia bị hoả thiêu.
Ngày thứ tư 10-1-1946, Thổ dựa hơi Tây đàn áp dân ta, cướp của giựt tài sản dân đem theo, lửa khói mù trời miệt ấp Hoà An. Chúng vô lương tâm, lùa giết đồng bào vô cớ, chúng nắm tay nhau giăng thành hàng, chân giậm đạp dưới sình bùn như đi bắt chim, bao nhiêu người trốn trong lứt đế ô-rô đều bị chúng tôi ra, không trốn khỏi người nào, và đều bị chúng lấy phảng phát cỏ kéo cán thêm dài, chúng chặt đứt đầu, và oang oang tuyên bố theo lịnh Pháp dạy: “An Nam độc lập còn lâu, Đàn Thổ làm giàu một bữa!”. Lối dã man ấy, chúng gọi trong lúc rượu trắng nốc say tuý luý là “cáp duồng”, do chữ “Vương” trong “An Nam quốc vương”, nói không đủ tiếng và gọi tất là “Duồng”. Ngó ra cánh đồng chỉ thấy thiên hồn địa ám, tiếng hò tiếng hét và lửa cháy lu bù... Trong bụng nao nao, ai ai đều toan chạy nhưng chả biết chạy đi đâu. Thân khổ?
Thứ sáu 12-1-1946, tin báo đến tai: Ba bị Thổ cướp sạch tại Thạnh Thới An, trọn đêm không ngủ và nước mất cứ tuôn rơi. Sáng ngày mượn Ba Kỷ là người vạm vỡ nhứt trong đám bộ hạ, tuôn bụi lướt sình đi lấy tin tức và tiếp tế cho Ba (phụ thân), chớ thân tám thước nuôi cho nên vế nên vai nầy cam tội bất hiếu vì trói gà không chặt, đi chân không trên ruộng nẻ mùa khô, một mình không vững, chạy không xong, tiếp cứu Ba làm sao được! Giặc Thổ đâu không thấy, chỉ thấy trâu nhốt trong chuồng bị muỗi chích nên khua sừng vào cổng chuồng, hai thằng dân chợ, cả hai đều cận thị, không dùng vào đâu được.
Ngày 17-1-1946, linh ứng khiến nên mượn Thanh niên, Nông dân cứu quốc dọn sách và đồ đạc cho vừa mắt, việc xong đền ơn rất hậu, nhờ đó gây cảm tình. Nửa đêm có một anh lay xách tầm vông vạt nhọn, đến báo tin định đốt nhà mình đang tá túc, vì nghi là Việt gian. Sáng ngày ra mắt Uỷ ban cách mạng, cất nghĩa thân mình không khác con cóc đến ở nhờ hang rắn độc, nay xin phép cho mình dời qua nhà khác...
Ngày 18-1-1946, dời hết sách và tủ giường qua nhà anh Chủ Lỹ, cho ở nhà sau trọn ba căn rộng nên được dịp bày binh bố trận y như nhà cũ ở chợ Sốc Trăng. Khi binh Tây kéo đến, lấy chỗ nầy làm trụ sở, cấm phá phách, nhưng đó là việc sau.
Đêm 18-19 tháng giêng Tây (mồng năm rạng mồng sáu tháng chạp Ất Dậu). Đêm nay là đêm kinh khủng nhứt trong cuộc tản cư nầy, vừa mười giờ khuya, tiệc liên hoan cháo vịt nửa chừng, bỗng thấy lửa đỏ trời, tiếng súng nổ chát chúa điếc tai, thì ra đó là tin Tây kéo binh dùng tàu từ Bạc Liêu đánh lên Hoà Tú. Cả mấy gia quyến lật đật hốt ba mớ đồ và chạy bộ lẩn quẩn sáng đêm trên đánh đồng từ ấp Hoà Quái qua Rọc Tre, tới ấp Hoà An, chung quy một đêm tới sáng coi lại chạy không hơn ba cây số, mà kẻ mất quần, người rách áo, duy Chủ Lỹ, tay dắt mẹ, tay thủ siêu đao, ai nấy đem của quý hộ thân. Anh Chủ Lỹ chỉ lựa một lồng cu và đem theo một con gáy hay nhứt và một bó lúa vừa chín, ấy quan niệm của một người tôi cho là tiền phong là vậy! Cũng đêm nầy, người ở lại không chạy, lục soát phòng tôi, đốt giấy tờ tài liệu, thất vọng vì kiếm không thấy tiền bạc tức giận bèn rọc bìa sách may làm túi ba nha, vứt sách ra đầy ruộng, may sao cậu Năm Tuấn em Ba Chen lượm lại phơi khô sau trả đủ, thật là ơn trọng.
Ngày 20-1-1946 đến 25-1-194ó, ngồi trong ghe lớn chèo khắp vùng Lá Banh (Thổ gọi là Chắc Đối, một tên tiền định chờ phóng hoả, do chữ “Mà chắc mà đott”, tiếng Miên nghĩa là “vừa xỏ” (mà chắc), “vừa ghim” (mà đoạt), vì cá ở dưới sông nhiều cho đến bắt xỏ xâu không kịp. Đó là làng Gia Hoà thuộc hạt Sốc Trăng giáp giới tỉnh Bạc Liêu. Chạy tản cư là chạy chết, quanh đi quẩn lại chỉ dời chỗ nầy qua chỗ khác gần đó, trêu tức người bất lương chờ dịp làm hỗn, lấy của hại mạng, hễ thấy ghe Diệp Quang Dõng dời đi, thì chống ghe lại thế chỗ, và ghe Dõng lại lấy chỗ cũ của mình, vần quay xay lúa, đâu chẳng tới đâu, chán quá!
Vì kinh nghiệm năm Bính Tuất (1946), nên qua năm Mậu Thân (1968), năm Nhâm Tý (1972), năm Ất Mão (1975), nhứt định không chạy nữa, và ở một chỗ, thà chết được chết tại nhà, như vậy mà tìm được lẽ sồng, may thay! Một lẽ khác là thiên đạo chí công, tránh bịnh tránh vi trùng, không bao giờ tránh được bão tố lụt ngập, đó đều là tai trời ách nước, người ta ra sao thì mình như vậy, ở cho vững lương tâm là thượng sách. Lại nữa: “Ở đời, khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”, cũng đừng thiên mưu bách kế, khoe tài khoe giỏi hơn ai, khôn một đời chỉ dại một phút. Bình sanh vơ vét, phè phỡn mà, muốn trường cửu sao được? Rõ là thiên sanh hữu mạng, nếu bất thân thì ráng bắt chước sen bèo, mọc trong bùn mà chẳng hôi tanh, giữ vững phận bèo phận sen quản bao giọt nước hoạ may có lối thoát.
Ngày 27-1, chạy đã quá mệt, chèo chống rã tay, đua nhau đổ về nhà thờ Cha Lý, một chân tu đã trên tám mươi tuổi, ở Lá Banh, nơi nầy Thổ không dám động, một là vì chỗ tu hành, hai là Giatô - giáo là đạo của Tây, tức quan thầy của Thổ cho nên Thổ rất nể. Ở đây quả là một thánh địa, yên ổn tâm hồn được một thời gian, cầm bằng phơi nắng suốt nửa ngày bỗng gặp một tô nước mát, thêm dịp đâu lạ lùng, gặp được một bộ Vĩ dã thi tập của Tuy Lý Vương, do một tên Thổ già vơ vét một chiếc ghe nhà trí thức nào đó bỏ chạy, mua được với giá năm đồng (5$) không thì bác Thổ đã xé tơi làm giấy hút thuốc, đi đời một bộ Hán văn hiếm có (xem lại “Thú chơi sách” thuật đầy đủ hơn).
Ngày 7-2, bình bồng trên ngọn sông vắng Lá Banh (Chắt Đốt) thoạt gặp sếp Hên là thông dịch viên của hiến binh Nhựt, cũng bỏ chạy như mình, và không biết va có xấu với ai chăng, chớ với mình vẫn tốt, gặp lần nầy rồi vĩnh biệt sếp Hên luôn, kiếp con người buổi loạn ly còn rẻ hơn con trùn con dế. Ôi! Sếp Hên!
Ngày 10-2, chạy loạn mà tánh ham ăn ngon không bỏ, gặp giữa rừng già một chợ chồm hổm trên nước, thật sự là không biết bao nhiêu ghe thuyền bu xung quanh một chiếc xuồng ba lá, trên xuồng có một chảo mỡ sôi và một chị gái đầu gà đít vịt độ ba mươi tuổi, đang chiên và phân phát mau lẹ, một đồng bạc được ba con cò vừa đủ lông, rán mỡ vàng lườm, nóng hổi vừa thổi vừa ăn, còn khoái khẩu và đặc biệt hơn bồ câu ra ràng xa xỉ phẩm của bọn đài các nhóm cao lâu Chợ Lớn: Đại La Thiên, Thoại Quỳnh Lâm thời vàng son buổi trước. Cò con là thực phẩm không mất tiền mua của “sân chim” Lá Banh, mỡ heo rẻ rề, khen cho chị nông dân quê kệch xóm Chắc Đốt, lại trổ tài “ngự thiện”, biết tìm cách hốt bạc của bọn tản cư còn đột lốt phong lưu lỗi thời?
Ngày thứ hai 12-2, ngồi trong ghe nghe tin đồn xóm Bà Hương Chanh bị Thổ đốt, đến chiều có tin chắc chắn không bị đốt, quả nhiên tin đồn thất thiệt đời thuở nào vẫn có, và cái miệng con người nếu sớm biết câm thì hay biết mấy.
Gặp một chiếc ghe của Ba Oai ở Kế Sách đi ngang, truyền rằng kinh sấm dạy: đi lên thì sống, đi xuống là chết; ngặt thuyền mình đang trở mũi về Nam mới ngao ngán làm sao. Dòm lên bờ sông, cột nhà cháy còn đỏ om, càng tê tái lòng.
Ngày 15-2-1946, có người nhà ở Hoà Tú đến trao tay một giấy phép cho trở về. “Ai về nhà nấy, giặc đã yên”, giấy ký đề ngày 14-2-1946 của quyền chủ quận Phú Lộc (Đặng Hữu Nghiệp) sau lưng còn có mấy hàng chữ Thổ.
Ngày 16-2-1946, chống ghe từ Gia Hội (Chắt Đốt) về chỗ cũ làng Hoà Tú, bụng vững vì chắc “khỏi bị đốt rồi!” Xế chiều dọn đồ đạc xuống ba chiếc ghe cà vòm, hai chiếc của Bà Cả Tám cho mượn, một chiếc của anh Chủ Lỹ.
Ngày 17-2-1946, là ngày hồi quy, lòng phơi phới như trống mở cờ rung. Sáng sớm bảy tám người kéo ra chợ Hoà Tú ăn mỗi người một tô hủ tiếu các chú và uống mỗi người một tách cà phê sữa, nó ngon làm sao! Húp hủ tiếu không chừa cặn! Nút từ giọt cà phê đến sạch tách! Ôi, thứ đồ quen bơ sữa, hư thân? Thế mà lúc nãy, khi dưới ghe đi lên, đi ngang một lùm cây có một nhóm người đang dựng cột nhà, thấy bọn nầy rần rần rộ rộ đi, tưởng là bọn bạt ti zăn Tây đi bố, đã núp trốn trong cây, bọn nầy đi rồi mới dám ló ra, té ra người nhát người, các anh là lương thiện, chúng tôi đây cũng là lương thiện, khéo sợ nhau làm chi, chúng tôi nếu làm cho các anh sợ, chẳng qua là hổ giả hổ oai, con hổ có sợ người đã đành, bầy cáo như bọn tôi thế cũng có người kiêng nể, nghĩ cũng nực cười? Quả đúng: khi cá ăn kiến, khi khác kiến ăn lại cá!
Trưa ngày 17-2-46, tôi phải qua ấp Cây Gừa nơi có đồn lính Tây đóng để xin chiếu khán trên giấy phép chở đồ về chợ Sốc Trăng. Cùng đi có chị Sáu Lụa, sau là bạn trăm năm của Trần Kế Vĩnh, và nay đã mất từ lâu trong một tai nạn xe hơi chạy sau, xóc đầu vào đít xe bò chở tre và tầm vông, chị bị ngọn tre đâm vào mặt vào đầu nên chết tức tối. Đã nói đàn bà, đến Trời cũng phải sợ! Trong khi tôi ở nhà trước đang đứng xin Tây ký giấy phép và đang cắt nghĩa bọn bạt-ti-zăn Thổ hoành hành cướp bóc người Việt Nam, chị Sáu Lụa mon men xuống bếp, sáu trự Tây đang làm việc trên bu rô, cái lò nướng bánh bay hơi thơm phưng phức, chị Sáu không dằn lòng được, bèn dở nắp lò thấy sáu cái bánh bột mỳ nhân thịt, gọi bouchée à la Reine, bánh vừa chín, màu vàng khè bay thơm ngào ngạt, nhột mũi quá, chẳng lành thì chớ, chị ngó giáo giác, thấy vắng bóng người, thì lẹ như chớp, tay chị đã nhón lấy hai cái bánh và sẵn giấy nhựt trình cầm tay, chị gói lẹ làm một gói, rồi tỉnh bơ ra ngồi chờ tôi nơi băng trường kỷ kê ngoài lan can; khi tôi lãnh được giấy phép từ giã Tây ra về, vừa đi tới bờ mẫu, chưa ngoài hai chục thước, nghe tiếng chị hỏi nho nhỏ: “Dượng ăn không, Dượng Tư!”. Tôi đứng lại, chị phạch cái gói ra có hai cái bánh mời mọc cám dỗ ngon lành, mình mẩy tôi mọc ốc, mà tay vẫn bốc một cái bánh đưa vào mồm, miệng còn ứa ngốn vừa thốt câu nhân đạo: “Trời đất ôi! Bánh của Tây, chị dám ăn cắp, nó biết nó bắn thấy cha!”. Thay vì im, chị còn bướng bỉnh: “Bánh ngon quá hè! Phải chi miếng giấy lớn, tôi đã gói hết!”. Chị Sáu cũng may đã từ trần, phải chị còn, có cái gì mà chị không dám làm! Và người nữ cán bộ tên là Sáu Lụa, quê ở Bãi Xàu xưa, kháng chiến chống Tây như vậy đó!
Nhưng vẫn chưa hết nạn. Về tới nhà Chủ Lỹ, trời đã quá ngọ. Bốn lính Tây mình lông lá ở trầni trùi trụi, mặc quần đùi, nịt kè kè cây súng lục bên lưng, đang thả hồn theo mây theo, gió trên bộ ván, trước đây là tổng hành dinh của anh Chủ Lỹ nằm hút, bên vách trước mặt Tây, tôi đang lui cui mở tủ fri-gi-đe xem có gì ở trong. Bỗng tôi đóng cửa tủ lại, day mặt ngó bốn thằng mập đang ngủ vùi như bốn thây ma, tôi tỉnh hồn lại và lấy chăn tắm lật đật tôi ra nào phi tiêu nào bê rê mũ bánh dừa, nào túi đựng dao ba- nha may bằng lưng bìa da các sách quý của tôi, còn ràng ràng chừ mạ vàng: “Bulletin des Amis du Vieux Huế” V.H..., tôi biết Tây đang ngủ mê, tôi dồn hết vào chăn và êm ái ôm ra trước nhà nơi con kinh đang chảy xiết, tôi chuồi trọn gói vào dòng nước phi tang xong rồi tôi mới trở vô đánh thức mấy ông Tây, nhờ mấy ông cho phép dọn đồ lui ghe cho kịp con nước. Tôi còn giả bộ thân thiện biếu lại ba cuốn sách khiêu dâm như Satan condutt le bal, La garonne v.v..., cho mấy anh đọc chơi giải buồn... Tôi xin thêm được một xấp độ mười lăm giấy thông hành tạm ghi tên, tôi giả cớ tìm người khuân dọn, rủ hết anh em lớn nhỏ, bây giờ thế yếu, thà sớm thoát chốn nầy chờ dịp khác, mấy anh em nghe lời giả bộ người phu gồng gánh xuống dọn và theo ghe tôi về chợ Sốc Trăng rồi chia nhau giải tán, vuột khỏi bàn tay đẫm máu của lính Thổ tàn ác và lính Tây không kém ngón dâm dật, ưa hãm hiếp và cướp bóc có danh. Trong khi các anh em lo dọn, tôi lại giả đò đi tắm, kỳ thật là đi thu hồi cái hộp sắt đựng kim cương mà sau nầy vì giá trị quá lớn nên đứa gian phi đã quá mê và ẵm luôn vừa vợ vừa cái hộp sắt hiệu Fichet chứa đầy hột xoàn. Cơ khổ! Lúc tôi chôn vào bùn cái hộp ấy, tôi nhớ rõ ràng là dưới gốc cây dừa nơi ao tắm của Hai Vĩnh, và đúng mực nước mặt ao nầy. Thế mà hôm nay mò kiếm cả giờ mà không gặp cái hộp. Tôi tưởng đã bị kẻ trộm phỗng tay trên, nhưng sau rốt tôi tìm được thì cái hộp đã trồi lên cao hơn mặt nước cả tấc Tây vì lúc chạy và chôn đồ là trung tuần tháng mười một Ất Dậu (đầu năm 1946) và ngày nay đến lấy là vào tháng chạp gần Tết, trời bắt đầu hạn hán, nước sắc và mực nước xuống thấp hơn độ trước. Thảo nào, và báo hại vì đang nắng đổ mồ hôi nhiều và dầm dưới nước trót buổi, nên tôi bị cảm hết mấy ngày và vẫn mất vợ. Còn nhớ lúc ba chiếc ghe lui bến ông Tây xếp bót Hoà Tú tử tế, có cho một tên cai bat-ti-zăn Thổ theo hộ tùng, cai nầy tới mỗi khúc quanh sông Cổ Cò đều bắn súng đùng đùng, tôi khuyên đừng bắn vì phí phạm đạn dược, nhưng va vẫn không nghe, về sau tôi rõ lại va bắn để báo tin cho các bợm Thổ đừng xuất hiện kẻo khó lòng, vì va đã có lời dặn của chủ Tây, nếu để hơ hỏng, tôi có bề gì, chuyến về Tây bắn va nát óc.
Té ra hôm ấy mình gởi thân cho ăn cướp mà không hay biết. Đêm đó thức tới sáng, ngồi be ghe chịu cho sương sa gió thổi tôi về tới nhà bị cảm ho mấy ngày. Trong khi ấy người vợ trước của tôi, đau một chuyến thập tử nhứt sanh, một tay tôi tận tuỵ điều dưỡng, không kể dơ sạch, bổn thân làm cái việc đổ bô lau quét nhưng nay kể lể làm gì với người đàn bà bạc tình ấy, sống mười chín năn với kẻ nầy và sống hai mươi tám năm với người kia.
Tản cư lên Kế Sách (25-10-1946 đến 15-11-1946)
Ở Hoà Tú tản cư về, lại bị ở trong một thế kẹt. Tháng 2 năm 1946, Pháp đẻ ra “Hội nghị tư vấn Nam Kỳ”, mà phiên chớm khai mạc định vào 12-2-1946. Vừa trở về xin giấy định cư, gặp chủ tỉnh Barthel mời làm một chơn trong hội đồng nầy thay mặt cho tỉnh Sốc Trăng. Tôi giả đau từ chối khéo nên thoát nạn. Và người ra gánh vác để chết đáng thương, vì bị ám sát, lại là thầy cũ xưa dạy lớp tư (cours préparatoire) là ông Cao Đắc Lý. Ông nầy đã làm nhà mô phạm thì tưởng nên ở trong phạm vi dạy trẻ cho yên thân. Ông lại ra làm hương chủ hương cả làng sở tại Khánh Hưng, nội cái phát bông mua vải mua đường, vì thiếu kinh nghiệm hành chánh, ông đã bị bộ hạ bán đứng và mang tiếng (thầy pháp ăn mà thầy chùa chịu), nay lại nhận làm hội đồng tư vấn cho thực dân Pháp, thì dầu tu hành đạo đức như ông cùng không thoát búa rìu dư luận và của người kháng chiến; tình cảnh của ông, theo tôi, đáng thương hơn là đáng trách. Đó là cảm tưởng của tôi xét qua chút tình nghĩa thầy trò, chớ dư luận chung trong tỉnh, vẫn chờ một ngày kia, nguội rồi sẽ lấy bình lâm, công tâm soi xét.
Riêng tôi, tưởng một lúc “đánh ba búa Giảo Kim chơi”, không dè vì cãi lời thầy, “trót xuống núi lỡ rồi”, chúng nào để cho yên. Tôi cố giả dại qua ải, nhưng giả cũng không xong. Từ tháng hai đến tháng chín năm Bính Tuất (1946), tôi trở lại cái đời lêu lổng ăn chơi bài bạc, ấy là lỗi thời và có tội lúc quốc gia hữu sự. Bi cảnh cáo bốn ngày nếm gạo lức, nước phông-tên, chưa đủ; nay rục rịch hay tin kín “bên ta muốn “mời” ra Ngã Tư tiếp sức”, “bên nầy Tây sắp ép ra làm việc lại”, đêm nằm nát một lá gan tính không ra kế. Sẵn chị Hai Giang Văn rủ ren, nên nhận lời tản cư phen nầy lên Kế Sách xem cho biết cảnh vườn cây ăn trái, và cũng để tránh cơn gió mạnh: trở lại kiếp con giang hồ trải thân đãi khách nữa thì nhứt định không làm, nhưng biết làm sao từ chối với bên ta? Đã không còn trai tráng làm một Thạch Bernard, tuy có máu Tây mà chống lại Tây đến lính Tây ghê mặt; cũng không làm được như Paul Giang Văn, lẫy lừng mấy trận đánh binh đội Pháp lấy một cự mười thôi thì đi theo chị Giang Văn nầy là má của Paul, gọi tránh gỉó vừa lánh mặt khỏi làm tay sai cho Pháp và như vậy tuy không ích gì cho bên ta, nhưng cũng được khỏi tiếng giúp giáo cho giặc, tuy không khỏi tội “lãnh đạm với thời cuộc”. Nhưng đi tản cư kỳ nầy mới biết là lếu. Chỉ chạy nhà nầy qua nhà nọ cho chúng nuôi cơm, thọ ơn người vẫn là khó trả, hay là như vậy mới đúng với câu Tử vi thầy Tàu xem lúc bé: “Có phần ăn cơm bá tánh”! Còn nhớ lời Ba tôi nhắc lại việc bói số nầy, nghe câu ấy, ai cũng khen tôi có lộc ăn, duy Ba tôi nói gọn: “Số ăn mày không khác”. Cùng đi chung tản cư trong một chiếc ghe lồng khá rộng, gồm có: chị Giang Văn, vì anh ấy ở sẵn trên vườn đợi mình, vợ chồng một bạn làm y tá tên Châu, và hai đứa chúng tôi đủ vợ đủ chồng. Vợ chồng anh Châu đi được bốn ngày thì trở lộn về chợ, vì một hôm chị tâm sự với tôi trước khi tản cư chị giấu nữ trang trong một hộp thiếc thòng xuống giếng sâu sau nhà. Tôi hỏi: Còn sợi dây? Chị đáp sợi dây để nguyên. Tôi nói: Thế là chị “dâng cơm cho ni (ni là mầy)!”. Chị chưa hiểu, tôi mới giải: Chị giấu cái hộp mà còn sợi dây nhủn nhẳn, chị đi rồi, đứa nào còn ở lại, ra lấy nước dùng, thấy mối dây bèn kéo lên thì cả gia tài của chị cúng cho nó! Nghe tôi bàn làm vậy, vợ chồng anh Châu ngủ không được và sáng ngày lật đật không đợi giã từ, quá giang ghe quen rút êm về chợ Sốc Trăng, cũng may, không ai để ý chị Châu giấu vàng và vàng còn y nguyên, năm sau gặp lại nhau trên Khánh Hội (Sài Gòn), kể lại chuyện cũ, chị mắc cỡ, nói câu nửa chừng: “Mắc dịch anh, chuyện cũ nhắc hoài!”.
Còn lại vợ chồng tôi, ban đầu ở nhà vườn chị Giang Văn, là một túp lều chứa hai tim vàng còn chật huống hồ chứa vợ chồng chủ nhà thêm chứa vợ chồng tôi. Nhưng ở vườn chị Giang Văn cũng không yên thân, có tin báo động Thổ sắp đến cướp phá.
Ngày 1-11-1946, là lễ các Thánh (27 tháng 9 ta), đề huề cùng chị Giang Văn khăn gói đùm đề chạy qua tá túc nhà Bảy Thà là em của Từ Ngươi Đông, bạn học cũ. Chị Giang Vãn chiếm giang san là một giường Hồng kông có lò xo (ressort), vợ chồng tôi khẩn một bộ ván ba rộng chán. Nhà Bảy Thà ở về xóm chợ, nên mỗi sáng lại cũng ra tiệm các chú cà phê xíu mại, xá xíu bánh mì không khác lúc ở chợ Sốc Trăng. Bảy Thà là tay thín cẩu lúc trước, nay tiếp đãi tử tế, biết thuở nào báo đáp ơn tốt nầy. Sau gặp lại trên Sài Gòn, Thà làm sốp phơ, nhưng phong độ cũ không mất. Từ năm 1972, nghe nói Thà thôi làm tài xế và lui về Kế Sách xây nhà nhỏ y chỗ cũ nối lại nghiệp ông bà. Biết thuở nào chúng ta gặp nhau. Trước đây gặp một lần thì Thà đã đầu bạc trắng còn tôi thì như đèn treo trước gió, đã bảy mươi tư tuổi đầu (1975).
Riêng anh Từ Ngươi Đông, năm ngoái còn gặp anh xách gậy dạo chơi vùng chợ Tân Định, mắt lờ răng rụng ráo. Nãm nay, nhứt là từ lễ mừng Độc lập, dân ta toàn thắng, hết hạn xiềng xích thoát ách kìm kẹp Mỹ Mẽo, cũng chưa gặp và biết anh có còn để bắt tay mừng, thoả kỳ vọng ao ước năm xưa. Anh Tư Đông ôi!
Ngày 2-1l-1946, giữa trưa lén làm chúc ngôn đề phòng bất đắc kỳ lử. Nay xem lại không khỏi buồn cười, vì người thụ hưởng chỉ định đã ôm cầm sang thuyền khác.
Ngày 3-11 (thứ bảy), anh Huỳnh Vạng Thân, cai tổng kiêm chủ quận Kế An lúc ông Đảnh về làm chủ tỉnh Sốc Trăng, mời đãi cơm tại nhà và viếng vườn sầu riêng đã có trái và vườn trồng quít xiêm, mỗi năm hoa lợi trên mười vạn. Đến mùa có khách trú đến mão, mua trụm quít trái trên cây, nằm dưới gốc chờ chín và canh trộm lén. Trái sai nhành, lá xanh xen trái đỏ trái vàng, lúc ấy đứng dưới gốc bắt thèm, cảnh nhà vườn giàu hơn nhà làm ruộng, nay thời ai ai cũng trắng tay, hoạ may từ đây độc lập sẽ xây dựng lại mấy hồi. Nhưng cố nhân Huỳnh Vạng Thân có còn chăng? Chung quanh không ai biết mà trả lời!
Ngày 8-11-1946 ghé nhà Trần Phong Ngàn. Đặc biệt anh viết chữ Hán rất đẹp. Thấy anh bắt nhớ người cha sanh thành, tóc bạc phơ thường ngồi ghế tre trước cửa nhà số 31-33 đường Đại Ngãi khi thì sử dụng cây đờn Tam (Tam huyền), khi khác hút thuốc Gò xem người qua lại, lòng còn gởi đám mây Hàng, nhớ nhà ghê! Vợ anh Ngàn là chị Thu, chị của Từ Ngươi Đông, trước học lớp nhứt trường tỉnh, cùng một lớp với chị Võ, chị của Nguyên Văn Truyện, Nguyễn Văn Kế và kẻ hèn nầy. Ngàn tưởng tôi giỏi thơ, ngâm vang nhà và bắt tôi hoạ lại. Tôi nói dốt thơ, Ngàn tưởng tôi khiêm nhường và vẫn không tin.
Ngày 10-11-1946 (tháng 10 Bính Tuất), dự tuần lễ vàng tại Kế Sách. Nhà làng, gọi nhà việc (nhà để làm việc), hoặc nhà vuông (vì kiểu vuông vắn y nhau), khi khác gọi công sở, nay đổi lại là trụ sở Uỷ ban. Buổi nhóm có đủ mặt thân hào và anh em mới tháng trước đây làm chung tại Sốc Trăng dưới danh từ “Uỷ ban ban ủng hộ kháng chiến”. Mấy ngày rày không tìm ra cách trả ơn vợ chồng Giang Văn, nay thừa dịp nầy, cởi chiếc nhẫn đeo tay và chiếc nhẫn của vợ, dâng vào hộp tuần lễ vàng, một chiếc gọi đóng góp mọn mảy phận nầy, một chiếc gián tiếp trả ơn chị Giang Văn, tuy vẫn biết chị không là Phiếu mẫu và kẻ hèn nầy còn xa và làm sao sánh được người xách giỏ xử Hoài âm. Chẳng qua là một ví dụ vụng về của một tên gàn ham dẫn sách.
Mướn ghe đi ăn cơm dạo thiên hạ thét cũng thấy thẹn, bèn xin về chợ như cũ và ghe về nhà ngày nào nay cũng quên. Duy có ghi rõ mỗi ngày tiền mướn ghe chỉ có một đồng bạc, tiền cơm tiền nước chủ thuyền không kể, thiệt là giá rẻ quá sức tưởng tượng, không như tháng tư Tây năm 1975, đồng bào chạy từ miền Trung vào Sài Gòn, kẻ mướn trọn chiếc thuyền hay tàu trên bạc triệu, kẻ khác chỉ một thân tay xách mà trả giá trên mấy trên ngàn, hồi tưởng lại một phần vì đồng bạc rẻ như bèo, mà một phần lớn là người vẫn bóc lột người, và biết chừng nào đồng bào mới giác ngộ bỏ tánh tham nhũng, biết cứu người lâm nạn và biết không lợi dụng những cơn nguy cơ ấy mà lột da xẻ thịt người thất cơ.
Bài học khôn của cuộc tản cư nầy là từ đây không đi theo các chị nữa, mà cũng không nghe lời các chị nữa. Tính coi bữa ra đi ghe chèo trên ruộng ngập nước, khoảng Phú Nổ có thèo lèo ngon, bỗng có tiếng la hét từ xa, chị Giang Văn ngồi trên thuyền oai như Tôn phu nhân, dõng dạc hét bảo tôi xách súng nhảy xuống ruộng chờ Thổ đến thì bắn, tôi vâng lời nhảy xuống nước, hỏi bì đạn đâu thì chị nói không có, xem đi xem lại thì cây súng là loại súng gió bắn se sẻ, có khi đạn làm bằng hột đậu xanh. Cũng may Thổ không dám đến cho nên ngày nay tôi còn đây để thuật lại một chuyện anh hùng rơm. Leo lên thuyền, ủa lên ghe, trực nhớ lại câu hát Miên và cùng nhau cười ngả nghiêng ngả ngửa. Thổ Sốc Trăng, những lúc đua thuyền, hát rằng:
Kra bây xi srâu, bon mành xâu hen đenh
Kra bây dơ chênh, bon dênh oi trây mơ!
Dịch là:
Con trâu ăn lúa, anh không dám đuổi
Con trâu đi rồi, anh đuổi cho nàng xem.
Con trâu đang ăn lúa là con trâu đói và hung dữ, đuổi nó chém toi mạng. Con trâu ăn no là con trâu hiền, dẫu la ó sau đít nó, nó cũng vẫn đi và không quay đầu lại. Tôi nói anh hùng rơm là vậy.
Anh Giang Văn và tôi chỉ là người lối xóm. Lúc bình thời, nhà anh là một căn phố lầu ở đường Đại Ngãi, gần nhà Di Ký, đối diện và xéo xéo nhà Ba tôi số 31-33 cùng một con đường. Chị Giang Văn là người có bóng sắc, Tây lai biệt dạng mũi cao mắt sáng, nên sanh con đều lịch sự. Con trai là Paul, chết cho nước trong buổi đầu kháng chiến chống giặc Pháp. Vợ chồng Giang Văn trước ở chợ Bãi Xàu, sau dọn về đường Đại Ngãi bán đồ tạp hoá, quen gọi Bazar Giang Văn. Khi có Nhựt lật đổ chánh quyền Tây, nhứt là có Uỷ ban ủng hộ kháng chiến chúng tôi mới thân nhau và tình càng khăng khít từ độ chạy tản cư lên Kế Sách. Sau đó xa nhau, đến khi tôi chạy lên Sài Gòn, bỗng hay tin anh mất và mang theo một bầu lâm sự nan giải, anh tự vận hay tự tìm cái chết vì không muốn làm luỵ gia đình với một chứng bệnh nan y, thổ huyết. Chị Giang Văn mới mất gần đây, vì dâu trước của chị bà C.V.V, tuy có chồng khác, nhưng nuôi chị đến mãn đời.
Lìa Sốc Trăng chạy tuốt lên Sài Gòn, ngày 7-7-1947.
Tôi không muốn rời Sốc Trăng là nơi nhau rún, quê cha đất tổ, lại nữa tâm thân hư hỏng lê gần khắp lục châu, ăn cơm gần khắp lục tỉnh, năm 1947 cũng đà mỏi cánh, ỷ y có hai trăm mẫu ruộng tốt ở làng Hoà Tú, tuy rằng ruộng bên vợ, nhưng công lao khó nhọc không có tôi thì gia đình họ Nguyễn chẳng bao giờ hưởng được gia tài bà Phủ An mà di chúc một tay tôi viết tôi làm, vả lại ruộng do tôi và Thị Tuyết đồng đứng tên trong địa bộ, nhưng ngờ đâu sau nầy hồ tan keo rã, thôi thì mình còn hai tay, tự lập lấy thân, nên mặc cho bà ấy ăn trọn. Từ tản cư ở Kế Sách về, vợ thường đi vắng, dối rằng lên Sài Gòn đòi liền bán xoài còn thiếu, thật ra tôi quá tin nào biết sự nhị tâm của một người đã chung chạ từ mười chín năm, tuy không con nhưng cực khổ có nhau và lúc lâm bịnh một tay tôi nuôi dưỡng. Ban ngày tôi thường đi chơi mạt chược giải khuây nơi khách sạn với các bạn Huê kiều, nhứt là với mấy a-múi xẩm con nheo nhẻo. Đêm đến lật đật ăn cơm chiều thật sớm rồi qua ngủ nhờ nhà anh vợ là nhà lầu bà Phủ An, nơi đây kiên cố và có một toán lính Tây gác đêm, vì lúc ấy có nạn bắt cóc và bài trừ Việt gian, đêm nào tối trời và thỉnh thoảng ngoài ngã Tư thường vô chợ, chúng tôi dầu biết chẳng có làm gì nên tội, nhưng đèn nhà ai nấy sáng, tránh voi không xấu mặt. Và vẫn tánh như khó chừa, qua ngủ, nhờ bên nhà lầu bà Phủ Anh còn nhiều cuộc vii chán, cháo gà, cắt tê trâu, thín cẩu “chà nhẹ nhẹ”. Cùng lúc đó các công chức được lịnh vô ngủ Toà bố, thì đâu có ngủ mà vẫn thức sáng trắng với canh bài con bạc, vợ con cuối tháng không tiền đi chợ. Thiệt là hư hỏng?
Một buổi trưa nọ. Độ trước ngày 7-7-1947 lối mươi bữa, tình cờ tôi đến Phòng ngủ Tư Cảnh, trên đại lộ Kinh lấp xéo xéo dãy phố bà Phủ An, bỗng gặp một thầy tướng Tàu còn trẻ, nói được tiếng Việt, khi thấy tôi, y nói khan: “Sắc diện xấu, nếu không sớm cao chạy xa bay, e sẽ mắc nạn gần”. Trong bụng bán tín bán nghi, tôi hỏi gượng: “Nạn gì?” - “Nạn bị bắt không bên nầy thì bên kia! Bên nầy là bên nào, còn bên kia là bên gì? Ông hiểu lấy? Tôi thấy sao nói vậy. Nếu ông chậm trễ, qua khỏi rằm, e bít lối đi”. Tôi giã từ, biếu thầy năm đồng nhưng thầy không lấy, và rằng: “Tuy vậy, ông còn trở lại. Nếu sau nầy lời nói tôi có linh nghiệm; ông sẽ thưởng tôi?”. Thế là tôi nhứt định phái đi.
Lúc ấy tôi ho khúc khắc, một vì lo rầu việc nhà, một lẽ khác vì thuốc men không có. Tánh tôi vốn kỹ, muốn khứ lai minh bạch, nên liền đó tôi viết ít hàng gởi ra Ngã Tư xin phép đi Sài Gòn dưỡng bịnh, bữa sau được giấy trả lời vỏn vẹn hai chữ “cho đi”.
Vững bụng rồi, buổi chiều tôi vào Toà bố từ giã bên nầy là B, chủ tỉnh B, do dự, muốn cầm ở lại, viện cớ nếu để tôi đi sẽ làm nao núng nhiều người. Nhưng tôi nói thẳng: “Ở đây không có đảm bảo”. Tôi kiếu từ, đi mua vé xe, chỉ còn một chỗ chót. Tối, tôi về nhà, từ giã cha già, tội nghiệp thấy ông ứa nước mắt, tôi cầm lòng không đậu. Tôi giao việc nhà cho em là Quang, vì lúc ấy, cảnh còn trong xa, còn Vinh đã đền xong nợ nước, thân gởi ngoài cù lao, chưa biết chừng nào mới được đem xác về. Sáng ngày thui thủi xách một gói nhỏ quần áo ra xe, là một chiếc Citroen đã cũ kỹ, bảy chỗ ngồi, mang số C.P.145. Tôi ngồi băng giữa sau lưng tài xế những hành khách kia đều lạ, phụ nữ và trẻ con sau rõ lại là gia đình ông Bang Tư (Lưu Liễu), ăn mặc theo tàu, nói giong Triều Châu. Lúc ấy làm dân ông Tưởng thống chế là sướng nhứt đời ra đường không ai dám tra xét, vì tướng Lư Hán theo lịnh của Đồng Mình tước khí giới của hàng binh Nhựt vùng bắc tuyến. Thiếu chi đàn bà Việt Nam cắt tóc, diện theo xẩm buôn bán chợ đen chợ đỏ, làm giàu ngang xương, đến khi gặp lính Tây hãm hiếp không chừa, khi ấy họ mới bớt việc giả Tàu giả khách. Và quả lời thầy tướng tiên tri rất đúng. Xe tôi là chuyến áp chót qua khỏi ngày rằm tháng đó, thì đường Sốc Trăng lên Sài Gòn nghẽn lối, vì nhiều cầu vùng Phụng Hiệp bị phá hư xe không qua được, và nếu tôi còn bận bịu ở lại dưới thì có lẽ cuộc đời tôi đã xoay hướng khác, cố nhiên không giống như ngày nay, âu cũng là số mạng hay, tiền định. Và không biết xoay nên hay hư để sa lầy thêm nhiều?
Mà chuyến ra đi nầy, nhớ lại, cũng cam go không xiết kể, tưởng đã không đi đến Sài Gòn. Xe chạy vừa tới Phụng Hiệp, thoát được bót canh của lính Tây, nó xét giấy, nhìn mặt từ bộ hành rồi ra hiệu cho đi, bỗng cách không hơn một cây số ngàn xe ngừng lại vì có một nhóm thanh niên ra chận. Phen nầy nói ra sao? Một anh trai độ mười lăm mười sáu tuổi, trên tay lo le một quả mãng cầu sắt (lựu đạn), thò đầu vào cửa xe, không ngó người nào, lăm lăm chỉ ngó tôi, hỏi:
- Ông là ai?
Nghe hỏi mình mẩy tôi nổi ốc, nhưng gượng làm tỉnh:
- Tôi là Vương Hồng Sển.
- Ông đi đâu?
- Tôi đi Sài Gòn, đau đi uống thuốc.
- Thằng Cảo chết rồi, anh biết không?
Tôi nghe gọi bằng anh, lập lức hoàn hồn lại, và thằng Cảo là đứa em vừa hy sinh cho nước, tôi ngó ngay người ấy mà rằng:
- Tôi đã biết tin đó.
- Thôi, anh Hai đi đi, và chúc anh mạnh giỏi. Tại tôi nhỏ, anh không biết là ai, chớ tôi biết anh dư. Tô là bạn của Cảo, mỗi ngày đi học đều có ghé trước cửa nhà anh. Thôi, xe chạy đi!
Cả xe đều nhẹ nhõm, bác tài xế sang số mau mau miệng lầm bầm:
- Không có ông thì kẹt nặng.
Xe chạy ngang chợ phố Cần Thơ, không dám ghé vì sợ trễ chuyến đò. Qua khỏi bấc Cái Vồn, vừa chạy được vài cây số lại gặp một trạm người mặc áo vải đen (Hoà hảo). Xét hỏi giấy tờ, đếm từ tấm giấy trong ví, cũng may không sờ mó trong thân vì tôi có giấy một mớ nữ trang đem lên vợ. Xe chạy một đôi mới biết đó là binh lính của ông Năm Lửa, đóng ở Ngã Ba, mới đây còn gọi là Ngã Ba Bà Năm, sau cấm tiệt không cho gọi làm vậy vì có người cắt nghĩa “Ngã ba ống quần”.
Qua khỏi tay dân quân Hoà Hảo có tiếng là thích ép người chạy nạn phải thuộc hay biết một vài câu kinh mới buông tha, cũng may những người tôi gặp đều hiền và biết điều, hay là lời đồn kia là lời đồn huyễn, chuyên nói xấu người khác đạo? Đến bến phà Mỹ Thuận, thấy có trật tự khá, vì đây là địa điếm quan trọng chặn hai ngả thiết yếu, đường về Hậu Giang và đường đi Châu Đốc, Long Xuyên và Sa Đéc, nên trấn một thiếu uý Tây, có chút học thức, tránh được nạn hối lộ đút lót. Xe tuy khá đông, nhưng lên xuống đò ngang có thứ tự và qua sông suôn sẻ. Lòng mừng được một đỗi, xe chạy bon bon và lướt qua cầu An Hữu, rồi Cái Bè, duy khi đến Cai Lậy thì gặp một chướng ngại bất ngờ tưởng đã không kịp lên tới Sài Gòn trước bảy giờ tối là giờ thiết quân luật. Có một tên ba-đá (soldat) nhừ nhừ say, một hai muốn bắt chúng tôi xuống để nó mượn xe trở lại An Hữu gọi rằng đi thăm một thằng bạn hữu rồi sẽ trả xe cho đi thong thả. Lúc ấy trời đã chênh chếch ngả bóng về chiều, độ gần mười lăm giờ có hơn, bất đắc dĩ tôi phải dùng cách xuống nước, nài nỉ ôn hoà, cắt nghĩa êm ái rằng đường tới Sài Gòn còn xa, anh ta còn có thể đón xe sau còn nhiều chuyến nữa, và nếu dung tha chúng tôi đi trót lọt thì có ơn lớn nào bằng. Cũng may không biết tại “tiếng Tây” của tôi chưa “rỉ sét” còn đủ cam ngôn mỹ từ làm xiêu lòng ông ta, hay là nhờ một cạc-túc (cartouche) thuốc Bách tét (Bastos), hai chục gói chớ không vừa, của bác tài đem đặt trên ghế bô chỗ nó nằm mà tên say nầy gật đầu ra dấu hiệu “phóng sanh” Chúng tôi khấp khởi mừng bằng đầu thai một kiếp mới, lật đật lên xe dung rủi..Sau khi xe chạy đã xa nghe bác tài rủa một câu chỉ đủ lọt tay tôi:
- Ông coi? Đ.m! mua được năm bịch thuốc bao xanh, tưởng đem lên Sài Gòn chộ một chút lời, không dè mãi cúng dọc đường cô hồn các đảng mà cụt vốn. Chính thằng ban nãy là con hạm lớn nhứt, hôm qua đây nó đòi đốt xe tôi vì tội tiếp tế cho địch, cũng may bữa nay nó say nên quên phứt không nhìn ra tôi, và nó dốt không biết đọc sô xe ông à? Lại nữa ông biết tiếng Tây giỏi quá, coi bộ nó phục ông lắm, nên mới thoát khỏi tay nó với một bịch thuốc rẻ rề. Tôi cũng chạy vài chuyến nữa rồi kiếm nghề khác nuôi vợ con, chớ tình hình như vầy còn cầm tay lái e có ngày “mất xe mất mạng”. Xe lên tới Sài Gòn ghé chợ Bến Thành vô sự. Tôi lên xe kéo, nhờ kéo về dãy phố đường Aviateur Garros (nay Thủ khoa Huân), tìm số 75 nhà bà Hai Hẩu, xin cho tạm dung thân một thời gian để kiếm chỗ định cư.
Từ ngày 14-7-1947, lại một phen nữa, một gói một xách, tôi từ giã Bà Hai và dời về ở đậu nhà anh Tư Pierre Nguyễn Thuận Thiên, mà chúng tôi thường thân mật gọi nhau là anh Tư Ve, vì anh là bạn ve chai có hạng, lấy rượu chát làm nước, và Ve là do chữ Pierre nói trại. Chị Ve, lên tộc là Emilie Penne, không ai khác hơn là bạn trăm năm của ông Nguyễn An Ninh, nhưng nửa đường chia tay. Vợ chồng anh Ve hào hiệp có tiếng, thêm chị là người đồng hương, nên tôi không ngần ngại đến ở chung để mong gặp người đầu óc, nhưng rủi cho tôi, những khách làm chánh trị như Lê Văn Trường (nha y sĩ) tôi ít gặp, và vì số hư đi đến đâu cũng hoàn hư, khiến tôi chi gặp toàn khách tay bài con bạc, khi kéo bài oắt, khi đánh cắt tê cóc keng, khi dà-dách, khi xì-phé chạy gạo, chơi để giết thì giờ, chơi để quên thời sự. Nay đem lại những bạn như Nguyễn Văn Công (hãng Denis Frères), Cao Thượng Thinh, trong bộ biên tập tờ bác do Lê Văn Trường chủ trương, thì đã ra người thiên cổ, còn lại như Etienne Penne và chúng tôi, thì đã chia tay mỗi người có một số phận khác nhau.
Một điều nên nhắc là nay nước nhà đã độc lập, nếu cần dựng ia nhắc chuyện cũ, thì tưởng nên gắn một tấm bảng đồng nơi đường Nguyễn Huệ (Charner cũ), nơi trụ sở năm xưa của nhà khách sạn Chiêu Nam Lầu của người cô ông Nguyễn An Ninh, là nơi tụ hội khách làm chánh trị của nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục, và cũng nên gắn một tấm bảng đồng khác nơi số 34 Bonnard nầy, là nơi còn dấu chân ông Nguyễn Hữu Thọ buổi thiếu thời, lối năm 1946-1947 vậy. Một người khác, không biết nay có còn mạnh khỏe chăng, là bạn Võ Văn Nhung, cựu giáo viên ở Sốc Trăng, có tên trong bộ biên tập quyển “Lịch sử thủ đô Hà Nội” (Viện sử học Hà Nội xuất bản năm 1960), đi tập kết từ lối năm 1946 nhưng nay sao chưa thấy trở về?
Qua ngày 19-7-1947, tôi mua được vé máy bay (giá 50 đồng) cho vợ bay về Sốc Trăng, ngờ đâu từ đây, con cá lặn biệt tăm, con chim bay không trở lại. Con người bạc tình ấy, khi nắm được hộp nữ trang quý giá, đã ôm cầm sang thuyền khác. Sự thật, khi trở lên, nàng có hỏi tôi muốn giữ hộp đựng mấy trăm hột kim cương do bà Phủ An để lại cho hai tôi ấy chăng? Nhưng lúc ấy, thân ăn gởi nằm nhờ nhà anh Ve, tôi không muốn có sự rắc rối cho bạn nếu rủi ro bị mất cắp, nên tôi không nhận giữ hộp của báu làm chi. Và quả thật, kiến tài ám nhãn, chẳng những tôi mất của tiền lại mất luôn vợ từ đó. (Án ly dị tại toà Sài Gòn xử ngày 7-7-1958). Nhưng thà như vậy mà rảnh tay! Có lẽ cuộc dứt tình đã khởi sự từ sau tản cư Hoà Tú trở về, nhưng vì tôi ngu tối nên không để ý, và khi thu hồi số của thì lòng tham con người càng mau xúi giục sự phân ly.
Ngày 31-7-1947, gặp Năm Sa Đéc đã quen từ lúc làm việc ở Sa Đéc, trước là nhân ngãi, nay ra đá vàng. Hai lần bị phụ tình, nay mới thiệt ban trăm năm lại không làm hôn thú. Nhưng đây mới là tình thật.
Tháng 10-47, dọn từ nhà anh Ve lên ở với Năm, một căn nhà lá, trên đất Thầy Sáu, xóm Cù Lao, đường Võ Di Nguy nối dài.
Ngày 3-4-1948, được cho vô làm trở lại nơi Viện bảo tàng, ăn lương công nhật, tính theo lương thông phán hạng nhì. 1.173$00 mỗi tháng và kể từ 1-4-1948 (số lương tuy ít, nhưng đủ dùng, nhờ vật giá rẻ, tiền phố 300$, đi chợ mỗi ngày 1$ đủ ăn, một vịt quay 40$)
Tháng 6-1948 có bố ráp tại xóm Cù Lao, lính Tây bắt cả xóm ra ngồi ngoài sân, trong lòng sợ có người lấy mất chiếc xe đạp Peugeot của bác sĩ Sang cho mượn làm chân, cũng may lính Tây cho lãnh xe lại, không lấy. Tuy vậy tiền hung hậu kiết, vì nhờ nạn bố ráp nầy, mình xin được Sở Canh nông cho phép cất một căn nhà lá tạm (giá 1.800$00, vừa công và vật liệu, cá cần đóp và đòn tay tạp). Tuy là nhà lá nhưng ở được đến năm 1953 mới dọn đi, vì nơi đây là hạnh phúc nhất trong đời tôi, vừa còn trẻ, thêm sanh nơi đây một đứa trẻ duy nhất chào đời ngày 15-1-1951 đặt tên là Vương Hồng Bảo.
Ngày 2-2-1953, dọn về nhà mới xây dựng tại làng Bình Hoà, ấp Hoà Nhơn, tỉnh Gia Định, là nơi cư trú cho đến nay. Xác nhà đã cũ trên một trăm năm, trên cửa còn chạm năm tạo lập: GIÁP DẦN NIÊN (1954).
Xác nhà nầy mua giá 6.500 bạc, giấy bán đứt đề ngày 23-2 năm 1951 lập tại Phú Xuân Hội (Nhà Bè), có thị chứng trước mặt làng ngày 30-1-1951. Chở về Bình Hoà, xây dựng lại với vật liệu cũ từ 28-9-1952 tới 2-2-1953, hoàn thành, phí tổn tính chung là 18.826$.
Cất trên sở đất diện tích 964 thước vuông (Bằng khoá II số 1.392 ngày 11-3-1965, tờ đoạn mãi lập trước chứng khế F.Fays ngày 6-11-1952, ghi trước bạ ngày 8-11-1952, bộ số 315 trương 6, số 37giá mua 20.000$00).
Đây cũng là một duyên phần gần như tiền định. Một lần xin cất trong Thảo cầm viên, sau Viện bảo tàng và hứa khi mãn phần sẽ hiến Chánh phủ, nhưng lời xin không được chấp thuận. Kế đó xin với Đô thành Sài Gòn cho cất trong vườn Tao Đàn, khi lâm chung sẽ cho luôn Đô thành vừa nhà vừa từ khí thập vật, nhưng cũng chẳng ai nghe, nay xây cất được trên sở đất của mình làm chủ, sau có trăm tuổi thì con thừa hưởng, phải chăng đây là duyên phần tiền định như trên đã nói.
Mấy phen gặp biến cố: Mậu Thân (1968), Nhâm Tý (1972), và Ất Mão (1975) đều thoát khỏi nạn binh đao, thêm nữa, nếu xây cất trong Thảo cầm viên và vườn Tao Đàn, chi cho khỏi nạn cướp phá của Bình Xuyên và lính Nùng, tôi nói có duyên phần là thế.