Hơn nửa đời hư

20

Sau cuộc di tống nầy, một cuộc biểu tình bỗng xảy ra, thành phần gồm đông đủ sắc người, đa số là thanh niên Việt và rất đông nam phụ lão ấu từ châu thành đến vùng phụ cận hoặc từ những làng mạc xa xôi ở ngoại châu thành đồng kéo tớỉ tụ tập làm biểu tình. Nhơn cuộc đó, dân chúng bày tỏ ước vọng mong thấy Uỷ ban hành chánh loại khỏi thành phần ba uỷ viên kể ra sau: quí ông Ngô Văn Nghị, đốc phủ sứ, chủ quận kiêm cảnh sát trưởng châu thành. (Chức viên nầy bị dân chúng trách vì có thái độ lưng chừng khả nghi trong các biến cố vừa rồi). Đào Văn Hội, tri phủ, phó chủ tịch Uỷ ban hành chánh lâm thời. (Vị nầy bị dân chúng trách vì có cử chỉ thiếu minh bạch và vì tánh do dự trong các biến cố đã qua). Trần Văn Trọng thông phán ngạch chánh phủ, đã được Uỷ ban phó thác quyền kiểm soát các cơ quan tài chánh trong tỉnh. (Vị nầy nguyên là tri phủ nhưng đã bị giáng chức hồi trào Pétain, cải bổ qua ngạch thơ ký vì hồ sơ cá nhân tệ xấu. Phần đông dân chúng trách ông có hành vi bất ứng).

Cũng trong buổi biểu tình, những người tham dự có yêu cầu mong mỏi Uỷ ban mời một công chức đã về hưu tham gia, là ông Vương Hồng Sển, ngạch thông phán chánh phủ. Bởi thế, cùng một ngày, ông nầy được chúng tôi mời gia nhập Uỷ ban, hầu chia sớt trọng trách làm cho trôi chảy công việc trong tỉnh cùng các cơ quan sở tại, trong khi chờ đợi sự bổ nhiệm các trưởng ty thực thụ. Nhơn dịp nầy Uỷ ban đều đồng ý rằng một viên chức lão luyện, đã từng đảm đang nhiều cơ quan trọng yếu, vả lại còn trẻ trung, thêm ai ai cũng công nhận tánh liêm cần mẫn cán, biết xử sự hợp lẽ phải như ông ấy, thiết nghĩ lúc nầy không được dưỡng nhàn nữa và phải có bổn phận thi thố khả năng giúp ích trong tỉnh.

Như vậy, kể từ ngày 19-3 Uỷ ban hành chánh lâm thời bổn hạt đã sửa đổi như sau:

- Không còn trong Uỷ ban, quí ông:... đốc phủ sứ;... tri phủ;... thông phán: (Uỷ ban đã cấp cho mỗi vị nầy vì tình hình hiện tại: và do đơn họ yêu cầu, mỗi người một giấy phép được nghỉ việc ba tháng có thể được sung công trở lại nếu có chỉ thị của Chánh phủ đương quyền. Và chúng tôi xin đãi lịnh trên về các đương sự).

- Uỷ viên mời dự tuyển nhập có quí ông:

- Hồ Văn Xuân, tri phủ, chủ quận ở Long Phú. Cử kiêm nhiệm chức cảnh sát trưởng Châu Thành, quản đốc khám đường, luôn chủ quận Long Phú.

- Vương Hồng Sển, công chức về hưu - Cử làm phó Uỷ ban hành chánh lâm thời trong tỉnh, do ước vọng công chúng thêm do sự tán đồng của toàn thể Uỷ ban, cho rằng xứng đáng với trách nhiệm giao phó

Ngày 24-3, có cứ hành lễ truy điệu chí sĩ Phan Châu Trinh. Có hương án bày nơi công trường trong tỉnh, trên mấy trăm người tham dự. Có diễn văn nhắc lại sự tích nhà ái quốc nầy, và không có việc gì xảy ra trong buổi hành lễ.

Ngày 28-3, ông Satoh, phó thống đốc Thương chánh, có đến thanh tra sở thương chánh địa hạt. Ông nầy ra lịnh trả về ty bưu điện ông Cao Văn Thành trước đó được Uỷ ban hành chánh cử làm trưởng ty, và ông Odaka đã bổ nhiệm ông Nguyễn Đăng Định thay thế ông Thành, vào chức quyền trưởng ty thương chánh địa hạt.

° ° °

Ngày 30-3, mặc dầu không có lịnh nào, nhiều tín đồ Cao Đài đã ngang nhiên chiếm cứ trụ sở ty Thương chánh ở Đại Ngãi và chiếm lữ quán băng-ga-lô Sốc Trăng. Nhưng qua ngày 4-4, những người nầy rút lui trả hai nơi nầy do ông Satoh phó thống đốc ra lệnh và có nhờ hiến binh Nhựt ở Cần Thơ can thiệp.

Cũng trong đêm 30-3, ngày tín đồ Cao Đài chiếm cứ băng-ga-lô vào lối 22 giờ. Không rõ vì sự thông đồng với người ngoài hay chỉ là sự lơ đễnh của gác-dan, có 83 tù nhân đánh cắp xâu chìa khoá của giám ngục và đã tẩu thoát khỏi khám đường địa hạt. Chúng tôi đang mở cuộc điều tra về những người có trách nhiệm về vụ tù nầy.

Tôi không có tự đề cao khi nhắc lại đoạn sử nhỏ của tỉnh Sốc Trăng, nơi chôn nhau cắt rún của tôi. Không bao lâu nữa tôi củng trở về với cát bụi, đề cao cho mình làm gì. Nửa đời lăn lóc, cố vật lộn mà mãi vẫn bị đè xuống dưới, tôi chịu thua, đã xin và đã được về hưu trí từ lâu. Vì một chút háo thắng, muốn thấy tận mắt tận mày buổi các quan thầy cũ, bị Nhựt lùa lên ca-mi-ông như cá mòi trong hộp thiếc, cái tội tôi quá tiểu nhân thiếu khoan hồng, đã làm tôi bị kẹt nặng. Tôi đang đứng nhìn xem mãn nhãn cảnh mấy ông Tây và mấy bà đầm rất quen, nay mặt mày méo xẹo đang gượng gạo leo lên xe ca-mi-ông một cách nặng nề, “một bước hoá mười lui”, vì đã trở nên tù bỉnh của quân đội Nhựt. Mới ngày nào, nhứt hô bá ứng, lên xe xuống ngựa, nay bị áp giải nghe nói về Cần Thơ để rồi trực chỉ lên Sài Gòn, tánh mạng như treo sợi chỉ mành, thiệt là “vinh hà nhục hà” trong nháy mắt! Còn gì hách xì xằng với anh thơ ký, nạt nộ chị bồi con bếp? Mụ Tây đoan và mụ vợ sen đầm, vốn là người quê mùa rẫy bái, nay tay dắt con thơ, vừa mếu vừa lau nước mắt không che giấu được nỗi buồn.

Duy mấy quan lang-sa, mới hôm qua hôm kia còn là chủ tỉnh quan toà, bây giờ nét ủ mày châu, sậm mặt như gà lôi sắp đem ra cắt tiết. Trong thâm tâm, tôi còn chút máu quân tử Tàu, tôi quên hết những việc cu họ đã làm, và đứng đây, tôi thấy xúc động và tội nghiệp giùm thân thế họ. Bỗng tôi nghe tiếng vang dội thanh niên kêu réo tên tôi, kẻ gọi “anh Hai” là gọi theo thứ tự của tôi, kẻ khác kêu “anh Tư” là gọi theo thứ tự bên vợ trước, tôi nghe những gì hoan hô rồi những gì là “cho vào uỷ ban cai trị” thét lỗ tai tôi nghe ù ù rồi không nghe chi nữa cả.

Tôi chưa vội nói ra đây cái vinh và cái nhục của sự được thanh niên hoan nghinh nầy. Cho hay muốn làm quan thì phải học cho giỏi và thi đậu cho cao, và cứ đường ngay nẻo thẳng mà đi, thì mới gọi là tốt phúc. Xin chớ mượn hơi cáo đội lốt hùm, làm quan theo buổi loạn ly, tự mình vẽ bùa mình đeo (hoạ phù thân đái), nó vô đoan (vô duyên) và xấu phúc làm sao? Tôi sẽ chừa vấn đề nầy lại đoạn sau sẽ dẫn giải. Nhưng sự việc xảy ra trong khoảng thời gian đầu tháng ba dương lịch 1945 không dễ dàng mà cũng không khô khan như dã tả trên đây. Sự thật các việc ấy oái ăm thúc giục và dồn dập đưa tới một cách gần như bất ngờ mà tuần tự ngoài xa sự dự định trước của những người đương cuộc và những người góp mặt. Lúc đó tôi có ghi chép vào nhựt ký, nay xin sao lục lại đây làm thiên ký sự nầy, hầu cô bác tỉnh Sốc Trăng có một tài liệu chắc chấn về những biến thiên buổi hỗn loạn tại tỉnh nhà trong năm 1945 ấy. Sau đó tôi sẽ lần lượt rút tỉa và đối chiếu so sánh với các tài liệu hoặc công văn chánh thức tôi còn giữ, hoạ may soi sáng được phần nào buổi đen tối Mars 1945 ở Sốc Trăng vậy.

NHỰT KÝ NĂM 1945 - ÂM LỊCH, NĂM ẤT DẬU

1) Tháng giêng dương lịch có xảy ra một việc cho rằng lạ: nhơn xuống trại ruộng (đường mé sông đi Bãi Xàu) xem dỡ nóc lá cũ thay lại mới, có một con rít to bằng ngón chân cái, dài hơn một gang tay từ nóc rớt xuống, chun tót vào quần lúc nào không hay, không cắn mà cũng không động đậy. Mãi hơn hai giờ sau, tôi đạp xe trở về nhà ở đường Đại Ngãi, mở cửa vô ngồi nơi ghế xa-lông, tôi đang quạt xạch xạch, bỗng thấy đầu con rít to bằng ngón cái có hai càng to đỏ lòm to bằng đầu mút đũa ngo ngoe bò từ trong quần cụt bò ra. Tôi tá hoả tam tinh, đứng phắt dậy và tuột cái quần cụt ra, bất chấp đang đứng ở xa-lông, ngoài kia là đường cái tức giữa thập mục sở thị. Nhưng con rít to tướng kia đã vụt biến mất, tôi nhắm mắt lại để định thần, và cũng không dám tìm hiểu rít đã rớt tự nhiên hay đã chạy trốn kẹt xó nào mất dạng. Trong mắt tôi vẫn còn hình bóng nó, mình đỏ au, đầu vàng khè và cặp càng to hằng đầu mút đũa.! Nếu bấy lâu tôi tính ác, thì dễ gì nuôi con rít độc trong quần suốt mấy giờ đồng hồ mà nó không cắn không kịp. Thật là khó hiểu và cho đến bây giờ tôi cũng chưa giải nghĩa cho xuôi việc lạ lùng nầy. Xin đừng vội nói con rít nầy tu!

2) Ngày 16 tháng chạp Giáp thân (29-1-1945), tôi đang ở nhà sau căn 31 đường Đại Ngãi, lui cui cắm cúi rửa kiếng để lát nữa thợ gắn vào cửa tủ sách, bỗng đứa ở bên căn 33 bưng qua một cái lư hương không (tro và nhang trút sạch) rằng chú Tư (em một cha khác mẹ) “đã đổ bỏ và không cho thờ nữa” nay trả lại tôi lư hương không nầy. Thiệt là một tin sét đánh, nghe rồi nước mắt tự nhiên tuôn trào, lòng dường dao cắt, tôi cầm cái lư hương hai tay run rẩy, xin con ở giùm qua hốt lại một mớ nhang tàn, đem về bên ni đốt ba cây nến lâm râm khấn vái hồn mẹ vợ, đứa em đã nghịch ngợm, giận vợ chồng tôi mà đành làm một tội bất kính lớn đối với người quá vãng, thôi thì xin dung thứ bao nhiêu tội tôi xin gánh chịu. Thà rằng chín giận mười hờn, em C. cầm lư hương qua trả cũng đủ, lựa chi có cử chỉ ấy, làm xúc phạm đến hương hồn một người đã theo đạo Thiên chúa nhưng tôi vẫn thờ theo đạo Khổng, để tưởng niệm ân thâm gả con cho tôi. Quả thật tôi là một thằng hư, đến lư hương thờ cúng mẹ vợ mà không đủ tài giữ gìn cho khỏi chuyện xúc phạm nầy. Xin mẹ nhơn từ tha thứ cho em C. và bao nhiêu tội con xin gánh chịu. Ngày nay nhớ lại, sau đó vợ chồng tôi hồ tan keo rã, một phần lớn cũng vì sự em chồng trút lư hương thờ mẹ vợ, và không trách, khi hết thương, nàng sẽ mượn cớ bước sang thuyền khác dễ dàng. Mấy hàng lẩn thẩn nầy ghi chép giữa lúc bom Mỹ mỗi đêm, năm 1945, bay qua trút trên đầu đạo binh Nhựt trú đóng ở Sốc Trăng, hoạ lây cho dân Việt vô cô, không gây chiến mà vẫn gánh chịu nạn chung. Những tin tức nầy đối với tai hoạ treo trên đầu dân Sài Gòn và phụ cận là Gia Định vào nửa tháng tư năm 1975, thì là mười phần không có một. Nay ngồi đánh máy chép lại ký ức cũ mà lòng ngao ngán viết bất thành văn.

Bắt đầu tháng ba dương lịch năm Ất Mão 1945 nầy, tin tức ngoài chiến trận hoàn toàn xấu tệ: mất Ban mê thuộc, Plei-ku, Kon-tum, là “phối kiểm vị trí”; mất Quảng Trị, Huế, cũng lại vì phối kiểm nữa, kế đến mất Đà Nẵng, rồi Đà Lạt, rồi Nha Trang, rồi gì gì nữa, đều mất luôn lòng nào ngồi đánh máy cho yên? Nhưng cũng vẫn bắt buộc phải ngồi đánh máy để quên hết việc ngoài tai, lại nữa con người chỉ có một lần chết? Chỉ tội đọc tin đồng bào chạy nạn từ xa xôi Đà Nẵng, rừng già miền Trung, chạy bộ vào Miền Nam, của mất nhà tan, bổn mạng còn rẻ hơn loài hạ thú, bất giác tủi hổ thấy mình vì kiếp sống thừa chật đất, có mắt ngó có tai nghe mà vô khá nại hà. (Ai dám nói sống dai thấy nhiều, là có phúc?) (Trang nầy đánh máy đến đây thì tối lại ông Thiệu tuyên bố từ chức Tổng thống trên đài truyền hình 21-4-1975).

3) Ngày ba mươi tháng chạp Ất Dậu (12-2-1945), đứng trong nhà ngó ra thấy bạn học cùng trường ở Chasseloup năm xưa là Nguyễn Ngọc Chỉ, nay là tri phủ làm việc trên Tây Ninh, về nghỉ phép ở Sốc Trăng, đi ngang nhà, quần đùi tay sơ mi lòi cùi chỏ, thế mà đầu đội nón cát trắng lại có gắn huy hiệu của chánh phủ đô hộ ban và chỉ được phép dùng khi mặc âu phục đại lễ. Không thể nín được vì xốn mắt quá, nên phải gọi lại mà rằng: “Chỉ à! Đợi phải cần đội nón có huy hiệu “tri phủ chủ quận” ấy thì người ta mới biết mầy là ai hay sao? Uổng vì tao nay là một thằng dân quèn nên không thể nước mấy vào nhà, nhưng tao vẫn không quên bài ngụ ngôn “Bạn học trò, một người đậu một người rớt” của ông Trương Vĩnh Ký. Mầy về lấy ra coi lại. Chỉ giận lắm mau mau đi một nước, và sau mất tại Trà Vinh, vì không chịu ăn theo thuở, ở theo thời (bất thức thời vụ).

Mải ham nói chuyện cà kê nghê ngỗng mà tới ngày quan trọng thứ sáu 9-3-1945 mà không hay biết gì. Xin các bạn chịu khó tìm đọc quyển hồi ký “1925- 1964, tập II từ 1945 đến 1954” của ông Nguyễn Kỳ Nam thì biết. Sách nầy đọc thật hấp dẫn và tả cảnh binh Nhựt trong đêm ấy thủ tiêu chánh quyền đô hộ Pháp và khuya 12 giờ, tuyên bố giải tán chánh phủ trào Tây ở Đông Dương.

Tin nầy đến sáng ngày 10-3-1945 thành phố Sốc Trăng nghe radio mới hay Toàn quyền Decoux đã bị Nhựt bắt làm tù binh và cả thành náo động như ong vỡ tổ, nhưng vẫn bán tín bán nghi, bởi tám chục năm nô lệ không dễ gì tháo bỏ trong một giây phút, mơ màng e nỗi radio đồn tin thất thiệt. Một điều lạ mắt là thấy các quan lang-sa, từ quan bố đến ông cò, đều ra chợ mua và giấu hối hả những nhiên liệu giấu được và còn mua được như dầu xăng, rượu cồn để chạy xe, dầu nhớt, vỏ ruột xe v.v... Họ bắt các tàu dưới sông phải đậu một chỗ để chờ khi có việc họ dễ dàng tẩu thoát và lúc nầy mới thấy họ phần giống chuột hơn giống người, nhưng biết thì biết vậy, nào dám nói ra vì họ có súng và đang điên loạn. Nói thật, ban đầu cũng không thấy chi đáng sợ, chỉ biết họ sắp sửa trốn bỏ cho mình ở lại bơ vơ để lo tự thoát thân và chỉ biết mau mau ra khỏi tầm tay quân lính Nhựt mà thôi.

Ngày 11-3, radio tuyên bố rằng quân đội Nhựt thông cáo cho các sắc dân Đông Dương biết rằng khởi từ đây, Đông Dương được độc lập, nhưng buồn cười là độc lập ấy đầu tiên đặt tạm dưới quyền bảo hộ của Đại Nhựt Bản! Buổi chiều ngày 11-3 có một tốp lính Tây và quan Tây hôm trước chạy trốn, nay trở về khá đông tụ tập ở chợ Bãi Xàu, rồi cùng với tên Siccé là lính đoan coi lò nấu rượu làng nầy, đồng kéo qua chợ Sốc Trăng, ào vào các hiệu buôn khách như Di Ký, Diễu Hưng. Di Lạc, Vĩnh Dũ Nguyên, bắt buộc những nhà nầy có bao nhiêu thực phẩm, đồ hộp, rượu chai, giấm chua, đường và hộp quẹt, v.v., phải đưa nạp cho họ, và khi các nhà buôn yêu cầu xuất trình giấy “bông” (lúc đó hộp quẹt bán, phải có “bon” do chánh phủ ký mới mua được tức thì họ chìa súng lục ra rồi đi luôn, mà các hiệu buôn thấy họ rút lui là đủ hú hồn hú vía, nào cần chi tiền. Thành phố Sốc Trăng lần thứ nhứt bàn tán lăng xăng rằng mới thấy ông Tây mua không trả tiền mà mấy ông Ba Tàu không nói gì. Tại sao lúc nầy kẻ thì dữ quá còn người thì hiền quá? Và cái gì làm cho họ đổi thay tâm tánh mau quá vậy?

Ngày 12-3 nhằm thứ hai, 28 tháng giêng ta. Có tin đội quân đội Nhựt đã đổ binh sang khỏi sông Bassac và đã kéo tới thành phố Cần Thơ. Dân thành phố Sốc Trăng bắt đầu xao xuyến. Nhưng nỗi lo sợ đến cùng tột, khi đến chiều lang-sa đưa lính đặt chôn trái phá dưới gầm cầu quây kinh xáng Maspero, định phá huỷ cây cầu sắt độc nhứt nối liền Cần Thơ qua chợ Sốc Trăng; khi ấy ai nấy đều kinh hồn thất sắc, kể như sẽ chết hết, vì thuở ấy chưa ai hiểu sức tàn phá của trái phá lang-sa là dường nào.

Ngày thứ ba 13-3 (29 tháng giêng Ất Dậu). Sáng dậy sớm thấy bộ tịch mấy ông Tây khăng khăng quyết tử thủ, nên sợ, vợ chồng tôi đưa nhau xuống tản cư nơi trại ruộng, trọn ngày đóng cửa khin khít, sau rõ lại Tây họ giả bộ kháng chiến cho dân sợ, rồi Tây rút êm trốn hồi nào không hay.

Ngày 14-3-1945. Thứ tư, mồng một tháng hai Ất Dậu. Bữa nay mới thật là ngày đáng kỷ niệm cho tỉnh nhỏ Sốc Trăng để nhớ thuở bị binh Nhựt chiếm đóng. Sáng vừa năm giờ, trời tưng bẩng tôi đã thấy lính Nhựt lù lù đi ngang hé cửa hai bên phố đường Đại Ngãi. Họ chia ra nhiều tốp để nhập Châu Thành, tốp đi ngả giữa đường Đại Ngãi nơi có nhà Ba tôi ở; tốp khác đi bọc ngả mé kinh lấp có nhà ông Phán Sáng; một tốp nữa đi ngả Chợ Cá nhà bà Phủ An. Tôi lấp ló kẹt cửa, thấy rõ lính Nhựt đi hai hàng, tay cầm súng trường đầu gắn lưỡi lê, chân bước chậm chậm, mất ngó kỹ đôi bên, còn giữa đường có một tốp hộ tống một ông tá bốn lon, cao lớn dình dàng dẫn đầu, gươm dài tuốt trần, cán gươm lấp lánh một máy radio nhỏ xíu để bắt nghe tin tức, mệnh lệnh.

Họ kéo qua cầu bon, đến dinh Tham biện chủ tỉnh, thì ông Barthel đã trốn mấy ngày trước rồi. Họ thất vọng kéo tới nhà các quan toà. Có một ông da cà phê sữa sớn sác còn nói tiếng Tây và xưng mình là Président. Họ nghe thấp thố tưởng đó là Résident, tức quan đầu xứ, họ sai lính bắt trói đem kê sát vách tường định bắn, thời may viên thông ngôn cắt nghĩa lại, Président du Tubunal có khác với Résident de province, nên ông nầy thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Quả ông nầy chưa tới số! Tuy rằng tha chết, nhưng họ bắt dẫn theo làm tù binh. Đó rồi họ kéo tới ty ngân khố. Mụ Hémon, vợ ông kho bạc, nguyên là con gái của ông Favier, phó giám đốc trường máy đường Đỗ Hữu Vị, nơi tôi đầu quân năm xưa, mụ Hémon đang pha cà phê buổi sáng. Nhờ nhạy linh tính, mụ cầm một tách nóng hổi hai tay dâng cho ông tá Nhựt. Ông nầy kéo ghế ngồi xuống hớp từ hớp cà phê ngon lành, và không xiết lời cảm ơn. Sẵn trớn, mụ mới thỏ thỏ mét ông quan tư rằng ban nãy mụ ra sân xuống bếp lấy hũ đường, mụ bị một lính Nhựt sờ vào má! Ông tá hiểu được đứng dậy ra sân trống, gọi các quân lính xếp làm hai hàng sau ngân khố, mụ chỉ ngay người lính đã xúc phạm mụ, lập tức ông tá gọi người lính bước ra khỏi hàng ngũ, xáng cho mấy bốp tai nháng lửa, thấy đủ ba mươi sáu ngọn đèn, xử phạt xong ông day lại mụ Hémon và chậm rãi nói: “Thưa bà, tôi có phận sự đến đây giải giới tất cả người Pháp và bắt họ làm tù binh. Chồng bà và bà cũng bị bắt. Nhưng vì tách cà phê ban nãy, vây tôi cho phép bà trở vào nhà lựa những gì quí báu thu góp vào một xách tay. Tôi cam đoan bà sẽ không mất món nào, vì quân lịnh của đạo binh Nhựt là quân lịnh sắt. Bây giờ mời bà hãy mau tay để kịp lên xe!”. Mà quả thật, mấy tháng sau sau khi quân Nhựt đầu hàng, mụ Hémon theo chồng trở lại Sốc Trăng, khi gặp tôi, việc đầu tiên là mụ cười cái miệng móm xọm và không ngớt ngợi khen quân đội Nhựt vì suốt mấy tháng bị giam cầm cái xách của mụ có trên năm chục lượng vàng lá, không hao đến một ly!

Sau khi ông tá làm xong phận sự đi lùa bắt Tây, đến trưa gần Ngọ, có một ông tướng lãnh Nhựt ngồi xe sơn màu lá cam, ghé toà bố, ra lịnh cho cai hầu ra mời thân hào nhân sĩ, các nhà tai mắt và công chức lớn nhỏ tề tựu tại dinh tỉnh trưởng và ra chỉ thị cấp thời lập Uỷ ban cai trị như đã tả nơi trang trước. Tôi không tham dự mấy lần nhóm họp nầy, vì muốn ở ngoài càn khôn để được tự do.

“Sớm khuya, khăn mặt, lược đầu.

Phận con hầu, giữ con hầu, dám sai!” (K.V.K)

Ngày 15-3, hay tin ông chủ quận Châu Thành, coi luôn ty cảnh sát thành phố là ông đốc phủ Ngô Văn Nghị. Nhớ lại mới đây, ngày 25-2 có ông Đoàn Quan Tấn, hội trưởng hội khuyến học Sài Gòn cùng xuống đây với cố giao Hồ Đắc Thăng, diễn thuyết về nghệ thuật hát bội, mình được mời cùng dùng cơm tại dinh, nay ông lên làm trưởng ty cảnh sát, ắt ông không làm khó dễ sòng thín cẩu, vì biết mình chơi cầu vui chớ không có máu cờ bạc. Mừng lòng một đỗi.

Ngày 16-3, có bạn nhỏ Đức, Thanh niên tiền phong, đến cho hay không chừng mình sẽ được cử coi ty thương chánh, mình cười và năn nỉ hãy để được yên, e khi vào đó thấy kho á phiện, động lòng tham thì khốn!

Ngày quân đội Nhụt bắt và giải về giam tại lữ xá băng-ga-lô tên Siccé, trước coi lò nấu rượu trắng công xi ở Bãi Xàu và lão Canavaggio, là trưởng ty mật thám Sốc Trăng. Nghe nói Canavaggio có bị đánh, nhưng không biết nặng hay nhẹ. Làm cái nghề đánh người, nay người đánh lại, cũng là oan oan tương báo.

Ngày 17-3, nhóm thanh niên biểu tình dán giấy tuyên bố “Việt Nam độc lập”. Có tên Pháp Fauvel là người đi mua lúa đứng cho hãng Continental, chẳng lành thì chớ, nhè xé bố cáo của thanh niên, bị bắt giải cho quan Nhựt ở băng-ga-lô, ông nầy đánh vài bốp tai, nếu tên Pháp biết lỗi nhẫn nhịn bao nhiêu cái tái tai không chống lại thì việc đến đây ắt chấm đứt, ngờ đâu tên nầy không chịu xuống nước cầu hoà và vung tay thoi lại, khiến cho quan Nhựt nổi đoá, dạy lính bắt trói anh ta dắt đi khắp chợ phố cho trẻ nhỏ hành hà, mặc tình đánh đập. Có người chủ tiệm mộc tên Lưu Trọng Quyền, chủ hiệu Việt Nam mỹ nghệ, là nặng tay hơn cả. Đến chiều quân đội Nhựt giải Canavaggio, Siccé và Fauvel xuống tàu đi Ngã Năm, bắt dẫn đường để nã tróc thêm những người Tây lẩn trốn trong vùng nầy. Lúc giải xuống tàu, thiên hạ đúng coi nườm nượp.

Ngày 18-3 nhằm chúa nhựt. Nghe nói có lịnh không cho người Nam lai vãng và thông đồng nói chuyện hoặc cho đồ ăn cho người Pháp bị giam lỏng ở băng-ga-lô. Trái lại, người Pháp quá nhát gan, sợ người Việt oán thù, nên hạ mình xin quân Nhựt ủng hộ, rán canh gác cho kỹ kẻo người Việt nam cho ăn đòn, oan mạng. Nếu lương tâm họ trong sạch thì đâu có cái sợ vô lý như thế? Buồn cười là họ quên tất cả đến lầm gởi tánh mạng trong tay đại thù địch Phù Tang! Quả gởi trứng cho ác!

Ngày 19-3-1945 nhằm ngày thứ hai trong tuần. Hôm nay nghe nói sẽ có hai cuộc biểu diễn: một là chở các quan lang-sa lên Cần Thơ, hai là nhóm thanh niên biểu tình. Và tôi là khán giả khỏi trả tiền mà sẽ đi dự kiến như đi xem cải lương. Té ra vì tánh tọc mạch và tiểu nhân thiếu độ lượng (coi Tây làm tù binh) mà tôi bị kẹt như đã nói ở đoạn trước, tôi nghe tiếng đồn thanh niên đòi đả đảo:

a) ông chủ quận châu thành, họ trách ông còn quá ưa Tây và ông đòi giải tán họ!

b) ông phủ đứng đầu công chức toà bố thì quá ưa hộp quẹt và ưa bông mua vải

c) ông phủ Trần Văn Tân, là một tên sâu dân mọt nước, một đồng bạc cũng ăn, ăn hết không chừa!

Thanh niên lại chê ông kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích là “làm phách”, còn ông luật sư N.V.D, thì thân Tây hơn thân Việt và biết tiếng mẹ đẻ ít hơn tiếng lang-sa. Ông toà thì họ chê có vợ đầm, ông đốc công trường tiền thì họ chê nói tiếng Tây còn trật (Trần Tân và Đỗ Văn Trà). Tôi nghe ngóng nhàm tai, trong thâm lâm tôi phát sợ một cái gì xảy ra, nên khi bốn xe camion chở người Pháp đậu trước dinh ông Chánh vừa sấp sửa lăn bánh thì tôi lật đật về nhà. Nhưng vừa về tới và chưa cởi áo, thì có chủ tiệm rượu Hoà Bình tửu, tên là Cu Liếm, lúc đó là một thanh niên xốc xáo nhứt, đến gọi tôi gấp trở ra toà bố vì đám biểu tình “muốn cần dùng gì đó”. Ấy rồi tôi bị kẹt như đã nói nơi đoạn trước. Và cho hay trăm sự, “hư” cũng tại mình. Nếu tôi là gái chính chuyên, không dốc lòng “làm đĩ” một phen nữa, thì tại sao tôi “đứng ra đường cả buổi như ban nãy?” Bởi tôi bán dạng thuyền quyên, chán chường khoe mặt mốc, thì nay còn than van “thanh niên mời mọc” làm gì cho thấy dối lòng? Quả tôi giấu đầu lòi đuôi. Và cử chỉ của tôi là cử chỉ của một thằng tự mâu thuẫn lấy mình. Thú thật, tôi có hành động như vậy, cũng vì một chút hiếu thắng. Mấy chục năm thi rớt mãi, và mãi lận đận lao đao nơi trường ốc, tại sao không cho tôi “đánh ba búa” chơi như tướng hề Trình Giảo Kim trong truyện Thuyết Đường? Xin chớ cười và ai có qua cầu mới hay mới biết! Đánh được ba búa cho sướng tay rồi sẽ xuống, có hại gì?

Nhưng khi lâm sự, lên ngồi lưng cọp rồi mới biết. Bỗng thinh không tôi để thanh niên lôi tôi ra, và làm cho tôi từ rày mất hết tự đo Còn gì cái thú “ăn lương hàm chánh thất” (ăn lương của vợ), sống lêu lổng ngoại càn khôn, rong chơi hút gió, gọi là “thả xệch phê” (do chữ siffler là hút gió) ngày ngày cùng a-xẩm, á-múi (a-muội) xoa bài mạt chược vui cười qua ngày tháng, và thôi rồi từ giã cái tự do, từ rày phải tập làm nghiên, chỉnh túc y quan, sáng vác ô đi, tối vác về, và một khi trở vô chung lo việc nước, thì thân không khác con bò kéo xe cỏ cho bò khác ăn, và từ đây phải bỏ hết những gì hư, tập tánh nết trở lại đường hoàng, cho xứng đáng bộ mặt Phó chủ tỉnh?

Mà ăn cái thá gì, vì vẫn làm ông Phó mà trả lương theo lương thông phán hạng nhì, không tới hai trăm bạc mỗi tháng! (tính ra tôi trở vô làm từ ngày 19-3 cho đến ngày 4-6-1945, lãnh lương được 437$56! Thấy thảm não quá ông chủ tỉnh lâm thời nhóm Uỷ ban dạy xuất tiền công nho làng phụ cấp thêm 500$00, vị chi tôi lãnh được cả thảy là 937$56).

Cái số của tôi là số “dã tràng xe cát”, một đời cực nhọc không công cán gì! Lại còn mang lời ăn tiếng nói! Lúc còn làm nơi dinh thống đốc, tuy là thơ ký quèn nhưng anh em chúng bạn đều nể mặt. Nhà dư ăn, không thiếu nợ ai. Công việc làm, dịch điện tín mật mã và ghi chép công văn mật, là việc trọng yếu, tôi làm tròn phận sự nên Tây tà đều kiêng; các người trên trước tôi, ông Ngôn, bà Bá đều có học lực và hạnh kiểm cao, bạn bè ngồi chung quanh đều hay giỏi, và tôi học khôn với họ rất nhiều. Từ khi rớt kỳ thi huyện chót (1942), tôi thấy tương lai không ngõ thoát, nên tôi xin nghỉ việc. Tôi có linh tính nếu kéo dài đời công chức ở đây, có ngày Nhựt lên nắm chánh quyền thì cái kiếp làm nô lệ vẫn y như cũ nếu không nói là thay chủ mới còn e bóp siết nặng nề hơn, và “làm đĩ” một lần với Tây cũng đủ xấu hổ trọn đời! Tôi không muốn trải thân cho ông bạn lùn giày vò bóp méo vo tròn, ngờ đâu kiếp làm tôi mọi cho ngoại bang vẫn còn nặng nợ, xin được trảm giam hậu nhưng không dễ gì xin đại xá.

Chánh phủ Pháp không cho tôi từ chức, và đã ban đặc ân cho tôi đổi về xứ sở ấp ủ se ấm mấy ngày tàn của cha già đã trên bảy mươi tuổi. Kế hoạch của tôi là dốc lòng thoát thân, nhưng tôi đã thất vọng to. Tôi còn luyến tiếc kiếp sống an nhàn “bơ sữa”, dè đâu về đến tỉnh nhau rún ở chung một nhà với cha, mới hiểu muộn màng câu “Xa mỏi chân, gần mỏi miệng!” Ba tôi tuổi Đinh Hợi (1887), tôi lại tuổi Nhâm Dần (1902), cách xa thì như thường, đáp lại gần thì xung khắc. Tánh tôi thêm lỗ mãng quen nết con cưng và con hư. Bình nhựt với chúng bạn, tôi quen ăn ngay nói thẳng giận thì tôi chịu. Nay với cha già, bay giờ nghĩ lại ăn năn đã muộn, vì nhiều việc vặt vãnh, tiền chợ tốn hao, ba tôi vì già chịu nấu cho mềm, tôi thì còn trẻ lại thích gân giòn xương sụn, mỗi lần nấu nhừ, hễ vừa miệng cha thì không vừa miệng con! Tánh tôi lại ham gây gổ, thấy việc trái dẫu là ông phủ, ông gì, tôi cũng không nhịn. Nhưng tôi được tánh thích làm vừa lòng kẻ dưới, nhất là đám em út bạn nhỏ, dẫu lỡ chửi tôi cũng nhịn, và thường hay binh vực kẻ yếu chống chọi người bề trên. Từ ngày đồi về Sốc Trăng, tôi không học thêm được gì nữa, vì nhân viên toà bố đều lục lục thường tài. Tôi lại bị giao trọng trách coi về hành chánh, giữ hộ tịch bộ đời Pháp, nhứt là “đứng bàn ông chánh” tức làm thông ngôn cho chủ tỉnh, mà có khi ông phó cũng xâu tôi làm thông dịch viên luôn, thế là tôi “đứng cả hai bàn chánh phó”. Chỗ nầy đối với người khác thì “no” lắm, vì kiếm chác được nhiều, tỉ dụ xin nhập tịch dân Tây, xin sắm súng hộ thân, xin khẩn đất, xin cất nhà, v.v., nhưng tôi cứ “nét thắng như mực Tàu”, tôi không ăn hối lộ vì đã có vợ giàu, tôi lại cứng cỏi, vì biết mình trong sạch nên coi Tây tà và các nhà thế lực trong tỉnh như không có. Làm việc ở toà bố được một năm, xảy ra việc ông cai tổng Nhiêu Khánh là tổng châu thành, lục cụ Thạch Suôn từ trần. Tôi viện lẽ mấy tháng sau nầy thường đau yếu, tôi vừa nằm nhà thương sở tại và còn nghỉ dưỡng bịnh, tôi mượn các cớ ấy nên nói với chủ tỉnh xin cho tôi từ chức, hưu trí non (hưu bổng tỷ lệ), để có dịp ra ứng cử cai tổng thế ông Suôn, và như vậy tôi vẫn còn phục vụ trong chánh phủ. Thế là ông B. mắc kế tôi, vì khi được cho về hưu, tôi phỉnh lờ việc ra tranh cai tổng. Như vậy, tôi được nghỉ việc trong buổi trong xứ còn chiến tranh, mà tôi không bị khiển trách vì tôi hội đủ điều kiện, đủ thâm niên về hưu, và việc tôi làm vẫn hợp lệ đúng như luật định.

Nhưng số trời khó chạy, và tôi đã lính già ra non! Vợ trước của tô, cô Tuyết, quen sung sướng ở Sài Gòn, bài bạc không ai nói, nay về chung một nhà với cha chồng em chồng, tù túng bực bội, nên thường mượn cớ lên Sài Gòn buôn bán kim cường, ban đầu đi về ít bữa, sau kéo dài hàng tuần rồi hàng tháng.., cái hoạ bội tâm đã nẩy mầm từ đây. Thêm nỗi tôi vì quá mê đồ xưa và quá tin người bạn trăm năm (nay đã hết trăm năm), bởi tin nên mắc, quá nghe nên lầm! Cái tội bất hiếu của tôi và tội làm chồng bất xứng, thôi thì khỏi nói!

Từ ngày thôi làm công chức, đời tôi đã hư nay còn thêm lậm. Tôi trở nên một “ông viên ngoại” rất nhàn nhã, và rất hư thân. Cò bót làm ngơ, sức bực tham biện chủ tỉnh, tôi muốn vào văn phòng lúc nào cũng được, khiến nên nhà tôi, số 31 đường Đại Ngãi là một nhà xét (cercle) thín cẩu đánh công khai chứa hai sòng bài, bài con chim chơi tôi ngày sáng đêm không dứt, cửa ngõ không đóng và đèn đốt thuốc phiện rần rần, chung quanh cái đi-văng đỏ “long phụng sàng” lót ngay sa lông ngó ra đường cái, là nơi anh hùng hội, đủ mặt trai hư: Bảy Thà (Kế Sách), Tư Chẩn (Bãi Xàu), Y (con trai Tám Nam Thành), Mười (con ông trưởng toà Kiều), v.v., và thỉnh thoảng lại có sự hiện diện của Việt Hùng, lúc ấy chưa trổ mặt nghệ sĩ hữu danh cải lương như nay, và vẫn còn khoác áo tiểu công chức, nhưng đã thành thạo đủ nghề ca ngâm và khi cao hứng thường đến cho chúng tôi nghe những bản thúc giục lòng ái quốc và những bản cải cách nung nấu lòng kháng chiến chống quân xâm lăng: “Bà Tư bán hàng có bốn người con” v.v...

Ấy, tôi đang ở trong cảnh “giả dại qua ải”, muốn bài bạc để quên cảnh rối rắm nước nhà, Bá Lạc Đài (nhà xét của tôi) thực ra không phải để đóng vai vua Trụ mất nước”, kỳ thực đó là hình thức bề ngoài để che mắt nhà cầm quyền Pháp, khiến họ quên tôi kể như một công chức về vườn vô thưởng vô phạt.

Ấy nay vì đám thanh niên tiếc mến chút tánh tháo vát và tánh cứng cỏi của tôi rồi bỗng kéo tôi xuống khỏi đài truỵ lạc chơi bời ấy và sáng hôm 19-3, lại đẩy tôi lên diễn đàn nầy, là cái bệ lan can ngay thang lầu văn phòng ông chánh cũ, bảo tôi tuyên bố ít lời cảm ơn vì được cử làm phó hội trưởng Uỷ ban cai trị trong tỉnh, là tuyên bố làm sao? Họ lại bảo tôi nhậm phận sự tức khắc, không được diên trì vì thời kỳ quá cấp bách. Theo họ phải có người ký tên giấy thông hành tạm, bài sanh ý và bài thuế trâu ghe, không thì công việc của tỉnh phải đình trệ hết. Rõ sướng cho tôi chưa?

Nhưng quả thật không sướng chút nào! Tôi từ giã đám bạn nhỏ thanh niên, mà tôi thề không có giao thiệp và vận động cho họ đề cử tôi như vậy, tôi bước vào văn phòng chủ tỉnh, ra mắt ông hội trưởng Lâm uỷ hành chánh là ông đốc phủ sứ Võ Văn Đảnh, vốn là bạn cũ quen biết nhau từ lúc còn làm chung một toà bố ở Sa Đéc, lúc ấy ông là huyện đứng đầu phòng địa bộ điền thổ, còn tôi là ký lục phát ngân coi về bút toán ngân sách địa hạt. Tôi chào và bắt tay ông. Tôi tỏ vẻ ái ngại, nay không muốn làm thì cứ trái lòng thanh niên cũng khó, bằng nhận làm, thì e tài bất kham trọng trách, thiệt là nan giải; và thật ra tôi không có nhúng tay vào việc biểu tình, không tham dự cũng không xin xỏ việc đề cử ngang xương nầy. Tôi còn nói nữa, nhưng bao nhiêu ấy đủ làm ông Đảnh chia xớt nỗi lòng. Ông bắt tay đưa ra cửa, khuyên tôi chiều vô làm việc và nên tạm nhận hai phòng búl toán công nho tỉnh, là nghiệp cũ sở trường của tôi, dầu sao cũng ít nặng nhọc hơn ghế phó hội trưởng. Tôi vừa ra khỏi cửa, đám thanh niên chận tôi lại, tôi thú thật hết và họ cương quyết dặn tôi đừng chịu áp lực bất cử của ai: “Làm phó hội trưởng thì làm, bút toán đã có người khác”.

Và việc gì phải đến, đã đến.

Từ ngày 19-3, tôi trở vô toà bố với chức phó tỉnh trưởng, tiếng nghe cho rôm, chớ lợi lộc danh giá gì? Tôi dư biết đang đóng vai tuồng thằng hề làm trò xiệc đi dây chọc cười, thằng ngổng đánh đu bầu (chớ chi được đánh đu tiên có đào lịch sự thì cũng đáng), và ngày nào tôi rủi lé xuống đài, dẫu chết phơi thây cũng chẳng ai thương! Tôi biết dư, làm đây là làm tạm thời, trong cảnh ngộ dầu sôi lửa bỏng, chớ ngày nào trong tỉnh trở lại bình thường thì tôi sẽ được “mời” ra lập tức và cái cỗ ngon lành dọn sẵn nầy, sẽ có người trên Sài Gòn được bổ nhiệm xuống hưởng, thứ đồ bất tài thi rớt như tôi, mấy đời ai cho vượt bực, ngồi trên ngồi trước người thi đậu? Trong bụng biết vậy, nhưng nay cờ đã về tay, không phất há chẳng “phi anh hùng”!

Công việc khi vô thấy rất bề bộn, ứ đọng nhiều ngày, nhưng tôi đều coi là thường, vì tôi đã quá quen thuộc, và đều thu xếp ổn thoả, đến ông Đảnh cũng ngạc nhiên và mừng thấy tôi làm việc được: Thật tình mà nói, thanh niên có mắt và biết lựa, biết tánh tôi ngay thẳng ắt làm xong đâu vào đó, nhưng họ quên và tội nghiệp cho tôi, vì làm theo công tâm, nói nghe thì dễ, nhưng đụng chạm rất nhiều. Những ai thương tôi cũng có, nhưng người ghét và ganh tôi thật ra không phải ít:

- Ngày 20-3, mới vô làm được một ngày, sáng sớm vừa để chân vô toà bố, gặp ông Đảnh từ trên lầu bước xuống, cho hay trọn ngày ông sẽ vắng mặt vì phải lên thị sự đất giá công điền ở quận Kế Sách, và ân cần dặn tôi “hãy coi tiệm, coi nhà cho vén khéo”, “những giấy tờ quan trọng để đó tối về ông ký”.

Trời tối sẩm ông Đảnh vẫn chưa về, đợi mãi không được, tôi lui cui đạp xe về nhà, vừa ngồi vào bàn lùa được một miếng và, bỗng có đội Tỷ, là lính hầu sau đóng lon quản, chạy đến hối, có hai ông quan võ Nhựt muốn gặp gấp. Cuộc tiếp xúc hoà nhã, tôi thừa dịp xin họ dễ dãi cho ba ông Tây làm sở dẫn thuỷ nhập điền, nay còn kẹt ở vàm Cổ Cò, hiện muốn ra trình diện chịu làm tù binh, ông sĩ quan Nhựt chịu ký giấy để lại cho họ cầm đi Cần Thơ vô sự. Khi ông Đảnh về, hay tin nầy, ông tỏ vẻ rất bằng lòng cách tôi dàn xếp mau và khéo như vậy.

- Ngày 22-3 - Hôm nay Uỷ ban cai trị nhóm kỳ đại hội lần thứ nhứt, tôi thủ vai thơ ký Uỷ ban. Tự tay bao gồm từ tả tờ vi bằng phiên nhóm và thảo hết thơ văn và nghị định. Bản thảo ông Đảnh chấp thuận không sửa đổi câu nào.

Ngày 24/3 - Có lễ truy điệu nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Thức đêm viết bài nhắc công đức, sáng ngày ông Đảnh cử làm đại diện đọc trên diễn đàn đặt nơi công trường Hai Hình. Nhờ có ống phóng thanh do Nguyễn Văn Thân, con ông Đại, cho mượn, trên năm trăm người dự kiến và dự thính đều tỏ vẻ hài lòng. Một phụ nữ, bà sương phụ Phủ Chiếu, không cầm lòng đậu, lấy khăn lau nước mắt mãi. Sáng ngày bà lên toà bố xin một bông rượu cồn để lên Sài Gòn có việc, bây giờ mới hiểu nước mắt mỹ nhân là do không có rượu chạy xe hơn là cảm vì giọng vịt đực mình lên bổng xuống trầm.

Ngày 25/3 - Hôm nay, chúa nhựt, có thanh niên biểu tình. Sau khi kéo đi cùng đường, họ về tề tựu tại công trường Hai Hình. Có năm người ghi tên diễn thuyết. Mình đứng nghe:

1) Thầy sáu Trần Ngọc Vĩnh, đông y sĩ, mừng Việt Nam độc lập và cám ơn Đại Nippon (sic);

2) Phan Mỹ Nhựt, làm sở Bưu điện, nói về chủ nghĩa Thanh niên;

3) Võ Văn Hai, cũng làm sở Bưu điện, nói về ý kiến của Thanh niên đối với những trang sử oai hùng: chống Nguyên, kháng Minh, vua Quang Trung, Nguyễn Thái Học;

4) Lâm Văn Nhơn, thơ ký toà án, nói về ý nghĩa và sự hy sinh của dân Việt Nam;

5) Lê Văn Lý, con ông Xếp Lỏi, nói về chủ nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Tương như vậy là dứt, sửa soạn ra về, té ra thanh niên kéo mình lên diễn đàn. Không từ chối được, mình ứng khẩu về ý nghĩa bốn chữ Tận trung báo quốc của Quan Công Hầu và bốn chữ Tin trung báo quốc của Nhạc Võ Mục.

Ngày 26/3 - Lên lầu đưa công văn cho ông Đảnh ký, ông khen “Anh viết văn xuôi hay quá”. Mình cám ơn và thuật lại chuyện Diệp Sanh trong Liêu Trai, nữa đời luân lạc thi mãi không đậu, sau vâng lời một ông quan đỡ đầu, theo ông nầy về kinh, kèm dạy cho con ông ấy thi đậu và thành tài, Diệp Sanh cũng đậu khoa ấy, nhơn đi phó nhậm, con ông quan đưa Diệp Sanh trở về cố trang thì vợ Diệp Sanh khóc lạy rằng vì nghèo, quan cửu của chồng chưa chôn nay xin hồn ma đừng về khuấy phá. Nghe đến đó bỗng thấy Diệp Sanh sụp xuống, chỉ còn áo mão một đống còn người đâu không thấy. Bây giờ mới rõ lại, lúc ông quan sai người mời Diệp Sanh theo về kinh thì Diệp Sanh đang đau nặng, và chỉ cái hồn xuất ra đi theo người mời, còn cái xác trơ ở lại cho vợ gói ghém tẩm liệm. Cho hay cái tinh anh của một người bất đắc chí nó mạnh như vậy. Nay tôi tự ví như Diệp Sanh còn anh là ông quan đỡ đầu cho tôi đó.

Nghe đến đó. Ông Đảnh cười, ngó tôi mà rằng: “Chuyện anh kể nghe sao bi thảm quá. Mà anh là Vương Hồng, đâu phải Diệp Sanh?”. Ấy cái tình giữa hai tôi nồng nàn thân thiết như vậy, nay ông Đảnh đã thành người thiên cổ duy tôi luân lạc vân còn luân lạc, ai nói sống dai là hạnh phúc?

Ngày 27-3, ông Đảnh đi Bố Thảo (Thuận Hoà) chủ toạ cuộc đấu giá đất công điền bỏ tôi ở lại toà bố; ông Nghĩa thanh tra tiểu học kiêm thủ lãnh thanh niên, bảo tôi ký các giấy trưng dụng súng của các điền chủ làng Mỹ Phước, tôi tỏ vẻ ái ngại vì chữ ký ông Phó lậu vô giá trị, nhưng ông Nghĩa vẫn bảo ký, cười mà rằng: “Ký đi! Không sao đâu! Chỉ mình hai tôi (Đảnh và Nghĩa) có nói chuyện anh” (Câu nầy tôi ghi lại y nguyên văn, và có lẽ có một nghĩa nên hiểu ngầm).

Ngày 28/3 - Thứ tư, rằm tháng hai Ất Dậu. Ngày nay phí phạm sức khỏe nhiều nhứt và chỉ làm việc không công, “gánh bàn độc mướn”, làm cho người khác hưởng, còn mình vẫn “hoàn cốt khỉ”.

Phải chăng kiếp trước làm mọi bá gia? Sáng nầy, cả toà bố đều náo động, vì có quan Phó Thống đốc Nhựt, Satoh, lần đầu viếng tỉnh, với nhiệm vụ thanh tra tình hình cai trị các tỉnh. Mặc dầu ông Đảnh làm chủ tỉnh nhưng do quan hai Nhựt và thông dịch viên Sếp Hên nói sao với ông, mà ông chỉ tiếp xúc với mình. Tôi phải vừa bổn thân ghi chép khẩu lịnh ông truyền, và noi theo đó đặt để lại tờ sự vụ lịnh bằng Pháp vãn, tự đi đánh máy và trình lên cho ông đặt chữ ký vào, nhứt nhứt đều một mình làm cả.

Đến 12 giờ trưa, bổn thân mời ông Satoh và ba ông sĩ quan tuỳ tùng qua dinh chủ tỉnh dùng bữa cơm. Ông Satoh ngỏ ý cậy tôi đi kiếm mua cho ông một đôi bít-tất mà ông gọi tiếng Pháp là socquette, và dặn giá nào cũng mua, dẫu trả theo giá chợ đen cũng không sao! (même s'il le faut, au marché noir). Mua được đem về, xem bộ ông rất hài lòng và mời mình ở lại dùng bữa, nhưng mình xin kiếu vì ngày nay là rằm, ăn chay. Lúc ấy nếu quả mình muốn xin cho làm thiệt thọ, thì đây là dịp may hiếm có để ớ lại mặc sức xin xỏ, nhưng mình đã có ý riêng, chỉ mong thoát khỏi biển trầm luân và không có lòng cầu cạnh.

Tin buổi chiều ngoài phố đều đồn mình “giỏi tài ngoại giao” và làm 9/10 công việc cho chủ tỉnh. Riêng chỉ sợ nói mình bợ đít.

Ngày 23/9. Ông Satoh ở Bạc Liêu trở về, ghé nói với mình: “J'ai beaucoup à faire à Baclieu” (Tôi ở Bạc Liêu có nhiều việc phải làm lắm), coi bộ ngài rất ưng bụng về tỉnh Sốc Trăng, và chính mình tiễn ông ra xe về Sài Gòn, còn ông tỉnh trưởng Đảnh vẫy tiễn trong vòng rào toà bố. Nhưng cái ngày mình bị đào thải, ông Satoh nào hay biết.

Ngày 31-3 (thứ bảy) Uỷ ban cai trị họp phiên bất thường. Ông Đào Văn Hội làm đơn xin trở vô làm việc lại, và mình làm đơn xin nghỉ việc về hưu.

Ông hội trưởng Đảnh yêu cầu mình ở lại tiếp tục làm việc chờ ông đi dự kỳ đại hội tỉnh trưởng trên Sài Gòn, đãi lịnh trung ương rồi sẽ hay.

Ngày 3-4-1945 - 4 giờ khuya có lính kêu cửa cho hay chiếc tàu sai đi bắt Tây ở Cà Mau nay hư máy nằm chình ình tại ngã tư Cái Quanh. Giữa canh khuya phải viết tay tờ lịnh khẩn cấp như vầy:

Lịnh phiếu

Cai Mã Văn Cự, được lịnh nầy phải theo tên Long Suôn xuống chiếc tàu “Phước Hùng”, truyền lịnh cho chiếc tàu nầy mở máy chạy lập tức ra ngã tư, rước nhà binh Nhựt về Sốc Trăng, không được trái lịnh nầy.

Vì gấp rút, tôi, Phó Hội trưởng Uỷ ban cai trị tỉnh Sốc Trăng, ký lịnh nầy thế cho ông chánh chủ tỉnh Sốc Trăng ngày 3-4-1945. 4 giờ sáng.

Từ 4-4-1945 đến 23-4-1945 - Không xảy ra việc chi lạ. Nhờ biết tháo vát, công việc trở lại bình thường, nhưng tự xét thấy tủi thân vì lúc làm thơ ký “chấm công ăn tiền”, nhàn hạ làm sao nay lên ngồi ghế phó tỉnh tưởng nhọc xác bằng mười, có khi phải đặt gấp tờ lịnh rồi tự đánh máy lấy cho ít mất thì giờ, rồi tự đóng dấu trước, và bổn thân lên thang xuống thang xin chữ ký của ông chủ tỉnh cho người xin việc về kịp con nước khỏi chờ đợi tốn tiền, hoặc phải thị oai nộ nạt là cái bình sanh không muốn vì chỉ làm mích lòng anh em, thêm họ cứ khuấy rầy bằng xin bông mua sữa, mua áo thun, quên rằng mình còn phải nhiều việc quan trọng hơn như đương đầu với sự đòi hỏi quẫn bách của quân đội Nhựt, của nhà thương thiếu sữa nuôi trẻ, vân vân... Càng lấy công bình và lương tâm mà làm, càng thêm đụng chạm sanh oán sanh thù.

Ngày 8-4, ông chủ tỉnh đi Sài Gòn dự đại hội các chủ tỉnh từ 9-4 đến 12-4 giao nhà coi “nhà”, may được vô sự bình yên. Coi xử lý thường vụ và ký thế...

Ngày 10-4 và 11-4, có quan Năm Nhựt chức tá, đến nói về vấn đề súng đạn và có năm ông sĩ quan khác ghé tra vấn về vấn đề kinh tế, đêm ngủ lại đây mà lữ quán băng-la-gô chưa sửa chữa, phải châm chước mượn mùng mền nơi dưỡng đường của các bà sơ, mới được êm thắm. Cũng về vấn đề mùng mền và vải drap của dưỡng đường, sau quân đội Nhựt ép mình ký giấy sung công, mình đổ thừa làm tạm chưa có giấy bổ nhiệm, nên chữ ký vô giá trị, nhờ đó sau khỏi thường tiền và nghe đâu nơi nhiều tỉnh khác, mấy ông phó nhẹ dạ ký bừa đều thường tiền túi.

Chiều đến, bảy giờ tối, cái lão Nhựt Ezaki té xe bể đầu bầm mình, mình dậy chở lên nhà thương băng bó và chích thuốc ngừa phong đòn gánh. Về sau gặp ở đâu lão cũng xí xô xí xào cám ơn, nhưng tiếng Nhựt, tiếng Ăng-lê mình nhứt định không học, tủi thân trót biết tiếng Tây, làm đĩ một lần đủ nhục!

Về một vụ lập bản thống kê lúa gạo trong tỉnh, nơi Bạc Liêu hẹn một tuần nhựt là hoàn thành, tỉnh Sốc Trăng hẹn nửa tháng. Quan Nhựt để gươm lên bàn, trách tôi không lòng hợp tác tôi bình tỉnh trả lời: “Thời gian mười lăm hôm mới đủ hỏi từ quận xuống tổng đến làng rồi chờ làng chạy tờ lên tổng lên quận mới đến loà bố. Hay ho gì hẹn gấp mà cho tin sai, thà tôi hẹn trễ mà tin đúng”. Từ ấy người Nhựt ở Sốc Trăng biết tôi cương trực và mọi việc giao thiệp đều dễ dàng. Để chứng tỏ cách làm việc, tôi ra lịnh các anh em toà bố ráp lại làm một bảng thống kê khẩn, nội một buổi sáng là xong kẻ cộng người đánh máy, Nhựt khen Sốc Trăng làm việc số dách.

Ngày 12-4, ông chủ tỉnh ở Sài Gòn về, ra lịnh giải tán nhóm Bảo An. Bữa nay, có xe thơ bắt đầu lấy thơ chạy lên Sài Gòn. Ông Đảnh đặt thơ dạy mình đánh máy, ông ký tên gởi theo xe Huê-Nam, đề nghị mình làm phó chủ tỉnh thiệt thọ. Mình vâng lời gởi đi mà mười phần biết chắc không đi đến đâu. Số mình là vậy.

Ngày 20-4-1945, có quan tư Noda cùng đi với ông Diệp Văn Kỳ đến thanh tra trong tỉnh, mình kiếm mua dùm họ được hai bịch thuốc hút Mélia bao vàng, và đêm lại sai dọn dẹp mùng mền cho họ nghỉ tại lữ khách riêng toà bố (mai son des passagers), sáng ngày mình hối hả đi vắng vì công vụ, sau nhận được tờ lưu bút của Diệp quân, và cũng là di tích chót của chủ bút tờ Thần Chung như vầy.

“Monsieur L' Administrateur-adjoint,

Mr le Commandant NODA me charge de vous écrire, parce que vous étiez absent à notre départ, - ces mots afin de vous remercier très sincèrement de votre hospitalité, lors de notre passage dans votre province.

Nous avons constaté avec plaisir que sous votre sage administration, les populations de Soctrang ont continué à vivre dans la tranquillité et la sécurité la plus absolue.

En réitérant mes sincères remerciements, Mr le Commandant NODA et moi, vous souhaitons bons succès et prospérité.

Signé: Diệp-Văn-Kỳ.

Đó là bức thơ viết hối hả nên nếu có phạm lỗi nhỏ đôi chỗ nên châm chế dịch là:

“Ông phó tỉnh trưởng. Quan thiếu tá NODA có cậy tôi viết thư nầy để lại ông vì lúc chúng tôi lên đường, ông vắng mặt. Chúng tôi thành thật cám ơn lòng tử tế tiếp đãi nhã nhặn, và lấy làm vui mà thấy dân sự ở tỉnh sống yên ổn và tiếp tục sống hoàn toàn an ninh nhờ sự cai trị sáng suốt của ông. Một lần nữa, chúng tôi xin đa tạ và quan tư NODA và tôi chúc ông thành công và thịnh vượng. Ký tên: Diệp Văn Kỳ”.

Ngày 22-4, thay mặt tỉnh trưởng, điếu tang mẹ anh Thái Tân Hoà bạn đồng liêu cũ trên dinh Thống đốc và mẹ bạn Thái Tân Đồng, cùng làm nơi toà bố Sốc Trăng.

Ngày 26-4, ra Đại Ngãi đọc điếu văn thay mặt tỉnh trưởng, điếu ông Đoàn Văn Tùng, là thân phụ bạn Đoàn Bá Lộc, lục sự toà án.

Ngày 5-5, đến kỳ hậu lệ tại toà bố, có quan hai Nhựt Yamamoto dự kiến.

Ngày 6-5, đổi thiếu uý Yamamoto, ông Watanabé đến thay.

Ngày 7-5, thiếu uý Watanabé đến nhà viếng xã giao.

Ngày 9-5, quan năm Nishyama đến thanh tra. Đảnh, Hồ Văn Xuân và mình đến chào ra mắt tại sở Hiến binh. Thiếu uý Watanabé đọc diễn văn phúc trình. Bữa tiếp tân có rượu bia, đậu phộng rang muối y như Triều Châu thường dùng ăn với cháo trắng, hột vịt chiên tráng thật mỏng (hà tiện) và gỏi dưa leo bóp đường.

Ngày 18-5, dự tiệc nhà cựu bang trưởng Triều Châu, Lưu Liễu tự Bang Tư, thịt dê nấu tám món do Châu Xi, chủ quán cơm danh tiếng đứng nấu.

Ngày 2-6-1945, trong đống công văn nhận được, có bức thư số 1985-P đề ngày 28-5-45 do ông Minoda ký, (và do tôi ký nhận tuân lịnh ngày 4-6-45 số 1433 CP) thì thống đốc Minoda ra lịnh thuyên chuyển ông Nguyễn Văn Trác tự Paul Larrive chức rédacteur de lère classe des Services administratifs (tôi dịch tham tá biên tập đệ nhứt hạng ngạch hành chánh) xuống thay thế tôi và dạy tôi phải nghỉ việc lập tức, vì cuộc thanh niên bầu cử tôi là không hợp pháp.

Khi tiếp công văn nầy, ông Đảnh tỏ vẻ buồn nhiều hơn tôi. Đến đêm tôi thản nhiên đi xem hát, gánh Long Xuyên xuống hát thâu tiền cứu giúp đồng bào ngoài Bắc Kỳ. Tôi ngồi gần ông Đảnh và gặp lại sau lâu năm xa cách bạn học cũ là Hồ Văn Ngà, nhưng tôi không nói chuyện nhiều e có người nghi tôi cầu cạnh, vì lúc ấy Ngà giữ chức phó khâm sai miền Nam. Dè đâu buổi gặp ấy cũng là ngày vĩnh quyết, Ngà bị hại cách mấy tháng sau.

Ngày 4-6-1945, tôi vô toà bố giã từ anh em, bắt tay biệt nhau.

Ông Đảnh nói mấy lời cảm ơn tôi đã tận tâm giúp ông mấy tháng nay. Luôn dịp tôi xin một bản sao thơ cho nghỉ việc.

Ngày 5-6, tưởng đà hết nợ, dè đâu ông Đảnh và ông Hồ Văn Xuân đi Long Phú, xe đi ngang qua nhà, hai người ép tôi cùng đi và trên xe, ông Đảnh tỏ ý tiếc thay mình ra đi, ông vô toà bố dường như thiếu một người. Ông nói một câu tiếng Pháp: “Je sen ùn vi de autour de moi” (Tôi có cảm tưởng thấy một khoảng trống chung quanh bao vây tôi). Ông than: “Anh đi rồi, bá ban vạn sự đều trút dồn về một tay tôi, nên ngã lòng quá”. Đoạn ông tâm sự: “Đánh trống động chuông, bứt mây động rừng”. Tôi với Nghĩa là bạn thâm giao, tôi lại mang tiếng nhờ Nghĩa “cử lên ngai vàng nầy”. Nay dẫu có vì tại Nghĩa mà hư hỏng việc trị an, tôi mang danh bất tài, thì cũng đành liều cho mang tiếng luôn. Chừng ấy có lẽ tôi sẽ đặng an ủi: “Ôi! Nên cũng Hà mà hư cũng Hà”.

Ngày 7-6-1945, có gánh Việt Nam kịch đoàn xuống diễn tại Sốc Trăng của chánh phủ trong đoàn có cô Năm Phỉ, người tôi mơ ước và đã nói nhiều trong “Năm chục năm mê hát” (trang 99). Gặp nhau, nghẹn lời vì tôi đã có bạn, và cô danh tiếng lẫy lừng, một đoá hoa, đang thời xuân sắc, ong bay bướm liệng chung quanh dập dìu.

Cùng đi với Việt Nam kịch đoàn, có ban chớp bóng của Sở Thông tin Sài Gòn xuống tuyên truyền. Ăn cơm tại Câu lạc bộ gọi Cercle de Sốc Trăng, do chủ tỉnh đãi Cô Năm và mười người tai mắt trong xứ của ông Cò-mí dẫn đoàn chớp bóng. Tuy đã nghỉ việc, nhưng người đẹp mời ngồi gần và không xiết gọi mình ông Phó nầy, ông phó kia, nghe nhột nhạt mà không dám mở lời cải chính. Tiệc xong, đi xem diễn tuồng “Vì đâu nên nỗi”. Ghế mời R.5 và R.6 (R, là réservé: ghế dành riêng), khi chưa làm tuồng, Cô Năm còn xuống ngồi gần hàn thuyên tâm sự, cô hẹn chấn chắn sẽ đến nhà ăn “ăn cơm một bữa, như buổi còn ăn chén hột gà chưng trên Chợ Lớn”, báo hại mình mãi ấp cây chờ thỏ, sau rõ lại Cô chọn đi dùng bữa tại nhà ông Hội đồng Quản hạt Nguyễn Văn Nhung bên Bãi Xàu và đi khiêu vũ trên đồn điền Robert Labsthe ở Hélène-ville (phụng Hiệp), hai nơi nầy cố nhiên sang trọng hơn nhà lên thơ ký tiếm vị Phó tỉnh trưởng, để gái bao ăn hột gà chưng năm xưa.

Ngày 22-6. Ông Phủ Hồ Văn Xuân được lịnh đổi đi làm chủ quận Long Mỹ (Rạch Giá). Tiệc tiễn biệt có đánh thín cẩu.

Ngày 27-6 hội quán Quảng Đông mời dự tiệc đãi sĩ quan hiến binh Nhựt. Đánh tửu rất vui, rượu bia rót đầy ly uống không bao giờ cạn. Say và làm mất một kỷ vật quí, đó là ống điếu hút thuốc vấn bằng bích ngọc rất cổ.

Ngày 27-6, dự tiệc ông Đảnh gả con, rể là một tham tá lục sự ở Vĩnh Long. Nhóm họ và chơi thín cẩu tại dinh chủ tỉnh! Tiệc cảm động vì ông Đảnh trao hết tiền hồ và sính vật cho con và rể trước mặt họ hàng và sui gia. Thực đơn viết toàn Việt ngữ, như vầy:

Hôtel Inspection- Sốc Trăng ngày 27-1945 (23 tháng 5 năm Ất Dậu) (nhóm họ)

Long đình ngư bì  (canh da cá bóng)

Phụng thể kim hoa  (Gà lôi đúc lò)

Mạch tửu chữ dương  Dê tơ nấu rượu.

Đại hồng bưu thạch (Heo con đúc lò)

Liệt thiêu tiền ngư  (Cá bống chiên)

Thập trận đại hội  (cù-lao lửa)

Ngọc chủng Lam-điền  (Cơm, cá, thịt kho)

Quả bỉnh song hiệp  (trái cây, bánh ngọt)

Hương băng thanh vị  (bom lách-xê)

Võ Văn Đảnh và nội nhân đốn thỉnh.

Ngày 7-7, dự lễ tứ tuần chị Emilie Pennen là vợ trước ông Nguyễn An Ninh.

Ngày 14-7, máy bay Mỹ bắn chiếc xe hơi chạy trên đường Văn Cơ - Đại Ngãi. Lúc bắn vào lối 12 giờ khuya. Chết ba người: hai người theo xe đi rước thầy, và ông đông y sĩ Thầy Tàu, mọi lần rước bằng xe lôi không sao, hôm nay sanh sứa đòi ngự xe ôtô, và vì đèn pha rọi sáng, nên máy bay Mỹ bắn theo chết tốt. Rạng ngày lên nhà xác nhìn kẻ lòi mắt, người văng óc, máu me đỏ lòng, ghê quá. Chiến tranh diễn ngoài Đông Dương đã trở nên khốc liệt và tỉnh nhỏ Sốc Trăng vẫn còn mê ngủ như các tỉnh nhỏ khác. Người Nhựt bắt đầu bại trận mà còn giấu.

Ngày 4-8, một ngày mà được mời dự ba bữa tiệc, cậu Ba Etienne mời đám giỗ cúng cha; ông Nghĩa đãi thân bằng lương hữu (đã nói nơi đoạn trước), và ông mời đãi thiếu uý Nhựt Watanabé.

Nhơn tiệc nầy, mình say, đòi ông Watanabé cho xem gươm báu, nghe mình xin như vậy, ông Watanabé tái mặt, trâm một hơi tiếng Nhựt với Sệp Hên là thông dịch rằng gươm rút ra khỏi vỏ phải có vấy máu mới trở vào vỏ được. Đến phiên mình xanh mặt hết say và xin rút lời nói vụng về. Ông Watanabé nhứt quyết không nghe, nắm tay mình và dắt Sếp Hên ra sân sau Câu lạc bộ, chỗ có trồng bụi chuối. Mình tưởng giờ tử hình đã đến, ông tuốt gươm sáng quắc mời mình xem lưỡi gươm hồn bất phụ thực, mình nào dám nhìn. Bỗng nghe một tiếng “phụp” một cây chuối to lớn ngã cái “rột”, ông Watanabé cười mà rằng: “Chuối thế mạng người”. Watanabé đưa tôi trở lại tiệc hồn tôi lâu lắm mới nhập, và từ ấy tôi không dám hở hang lời nói nữa. Mãn tiệc vội nghe tin ông Nghĩa, đứt gân máu lại là một bài học khác cùng một ngày cho kẻ dẫu ham rượu cách mấy cũng phải chừa. Nhưng trên đời có mấy thằng ham rượu, thề thốt đinh ninh rồi biết giữ lời?

Đêm nay, tiệc tan, thiếu uý Watanabé lui về, còn lai hai bợm rượu Nhựt, một đội trưởng và một tài xế, kẹp cổ tôi bảo dắt lên nhà Ba Chỉ, lựa ba cô đưa nhau trở lại Lữ quán băng-ga-lô chọn ba phòng.

Sáng ngày, ông Đảnh hay, dạy tìm ra cho ra khoản trả tiền: ba cô ba chục là chín chục, tiền phòng mười tám đồng (sáu đồng nhân cho ba), vị chi một trăm lẻ tám đồng cả thảy. Mấy đời có ai đánh bài công khai dinh tỉnh trưởng và được xuất công nho bao tiền trả gái.

Ngày 10-8- Từ đây, sự việc diễn biến đột ngột và quá mau, không theo và không hiểu kịp. Mới ngày 4-8 còn yến ẩm cười nói vô tư lự, hôm nay 10-8 lối mười giờ khuya, có tiếng gõ cửa gấp.

Ông Watanabé cùng đi với Sệp Hên, mặt buồn lắm, đến từ giã, rằng có việc đi xa và xin gởi tôi một báu vật. Tôi tỏ vẻ ưng thuận. Watanabé bèn gỡ cây gươm đeo bên mình, trân trọng hai tay đưa tôi, và rằng: “Cho xin gởi và khéo giữ gìn. Như hai năm nữa không trở lại thì xin tặng luôn làm vật kỷ niệm, bảo kiếm nầy đã lưu truyền đến tôi là ba đời”. Than ôi. Trong bước truân chuyên lao đao lận đận, tôi mỏi mắt chờ trông mà cố nhân Watanabé nào thấy dạng hình, duy bảo kiếm vẫn còn treo mãi trên vách. Thân tôi trói gà không chặt, mang tiếng là học giả mà câu văn viết chưa gọn, thêm tuổi già lẩn thẩn theo sau, ông giao cho tôi làm chi binh khí chỉ báu trong tay nhà tướng, nội chuyện ông chém chuối, nhớ lai tôi đủ lạnh mình (Té ra ngày 10-8 đã có tin hai trái bom nguyên tứ Mỹ thả xuống Hiroshima rồi và Nhựt sắp đầu hàng mà ông Watanabé rất kín miệng, còn giữ bí mật với tôi. Và ông gởi gươm mà không nói).

Ngày 10-8, tôi đến thăm ông đốc Nghĩa.

Ngày 13-8, Thanh niên tiền phong thành lập tại Sốc Trăng và làm lễ ra mắt (14-8). Ông chủ tỉnh cậy tôi đại diện, giới thiệu thủ lãnh Dương Văn Đen với công chúng. Tạ Bá Tòng diễn thuyết về mục đích của Thanh niên tiền phong.

Ngày 12-8, tin Nhựt đầu hàng Đồng Minh đồn rùm. Bọn chợ đen nhạy hơi, bán đổ bán tháo vật tích trữ lâu nay, vì biết rằng chiến tranh sắp dứt.

Có tin đáng mừng là Đồng Minh sẽ tuyên bố độc lập cho tất cả các nước bấy lâu bị bắt làm thuộc địa của các nước Tây phương giàu mạnh. Duy tình trạng Nam phần Việt Nam rồi sẽ ra sao?

Vấn đề nầy rất lâu không dứt khoát. Trong buổi nhóm tại Long Xuyên, trước mặt thân hào nhân sĩ và ông phủ Nguyễn Văn Tiếp làm chủ tỉnh tạm thời, ngày 30-3-1945, ông Satoh là Phó Thống đốc thay mặt ông Minoda thống đốc và có quyền hành rất lớn, đã nhạy miệng thổ lộ như sau:

Nguyên văn bằng chữ Pháp:

“II y a un gros malentendu au sujet de l'indépendance de l'Indochine. Celle-ci toute entière ;st sous le contrôle “militaire du Japon. L'indépendance de 'Empire d'Annam et du royaume du Cambodge a été proclamée. La Cochinchine, non seulement se trouve sous” le contrôle militaire nais encore sous l'administration militaire japonaise. Donc, pas l'indépendance de la Cochinchine.

“Juridiquement, la Cochinchine était un pays franais! Juridiquement” vous étiez Franais. Vous étuez tous, sujets 'rancais, c'est-à-dire des” Franais. Il y aurait bientôt une procla-nation du Commandant en chef de” l'Armée japonaise. Vous allé? conquérir probablement la nationalité annamite. Au point de vue sentimental, je comprends que vous sentez annamites. Les habiants pourront donc pavoiser leurs maisons aux couleurs annamites. Pour les bâtiments publics, n'arborez pas le drapeau annamite, on pourrait dire que c'est l'Empire d'Annam qui gouverne la Cochinchine. Je ne sais pas quand cela arrivera. Personnellement, j'en serais heureux, mais maintenant vous êtes sous l'Administration militaire japonaise.

“M. le Vice-Gouverneur insiste: “L'Empire d'Annam abrogé le traité de protectorat avec la France. L'Empire d'Annam était un pays protégé, et la Cochinchine était une terre franaise, maintenant, elle est sous le contrôle militaire japonais, (extrait du compte-rendu du passage de Monsieur le Vice-Gouverneur Satoh à Long Xuyen le 30 Mars 1945).

Tôi xin tạm dịch:

“Hiện có một hiểu lầm rất lớn về chế độ độc lập của Đông Dương. Cho hay toàn cõi vẫn ở dưới quyền điều khiển của nhà binh Nhựt. Sự độc lập của đế quốc An Nam và của vương quốc Cao Miên đã được tuyên bô. Nhưng cõi Nam Kỳ vẫn dưới quyền kiểm soát và dưới quyền cai trị của nền hành chính quân đội Nhựt. Và như thế đâu có độc lập cho xứ Nam Kỳ.

Đối với mặt luật, thì Nam Kỳ trước đây là một lãnh thổ thuộc Pháp. Đối với mặt luật, mấy ông đây đều là Pháp. Các ông đều là thần dân của Pháp tức người Pháp đó chi! Sắp có bản tuyên bố của quan tổng tư lịnh tổng quân đội Nhựt. Các ông sẽ thâu hồi đại khái quốc tịch An Nam. Luận về tình cảm, tôi hiểu được ông muôn được làm dân An Nam. Như vậy dân sự vẫn được treo quốc kỳ An Nam. Nhưng dinh thự công cộng không nên treo cờ An Nam, không khéo có người sẽ nói đế quốc An Nam ngự trị trên đất Nam Kỳ. Tôi chưa biêt việc ấy chừng nào sẽ đến. Riêng tôi, nếu chuyện nầy xảy đến, tôi sẽ rất vui mừng. Nhưng hiện nay các ông vẫn được đạt dưới quyền cai trị của nhà binh Nhựt”.

Phó Thống đốc Satoh lại tiếp:

“Đế quốc An Nam đã thủ tiêu tờ điều ước đô hộ của Pháp quôc. Đế quốc An Nam trước đây là một nước bị đô hộ, còn Nam Kỳ trước đây vẫn là một lãnh thổ Pháp, nay bị đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội Nhựt...” (trích bản phúc trình cuộc tuần du tai Iong Xuyên của Phó Thống đốc Satoh ngày 30/3-1945 hiện cất giữ tại nhà).

Than ôi! Một cục mỡ béo treo trước miệng mèo, một miếng thịt bít-tết ngon lành treo trước mõm chó, đất Nam Kỳ là một thiên đàng dưới dương gian, thảo nào người ta không thèm thuồng, hễ vớ được rồi là quyết ngoặc lại cho chắc, bao giờ chịu nhả ra! Lại còn giả đạo đức, lấy luật nầy luật kia ra nói! Cho nên sau nầy dẫu thua sát nước mà họ vẫn kiên trì không chịu trả Nam Kỳ lại cho ta, và khi cùng phương đối đế, không giữ được nữa họ mới đành buông bằng cách chôn súng rồi chỉ chỗ cho lấy, vân vân...

Ngày 19-8, có cuộc biểu tình mừng độc lập và hoan nghinh ông Nguyễn Văn Sâm được vua Bảo Đại phong làm khâm sai Nam Bộ, Hồ Văn Ngà làm phó khâm sai.

Ngày 20-8, Thanh niên tiền phong biểu tình.

Ngày 25-8, Nội các Trần Trọng Kim đổ, Nguyễn Văn Sâm từ chức theo, Hồ Văn Ngà nhượng bộ. Có tin Bảo Đại thoái vị. Thiệt là quá mau và tỉnh nhỏ Sốc Trăng nào hiểu biết gì. Toàn thể công chức chỉ biết vâng vâng dạ dạ, sai gì làm nấy.

Ngày 26-8, lễ tuyên thệ của Thanh niên tiền phong trên sân vận động Chung Đôn.

Ngày 27-8, đúng ngày mình vô làm nơi Trường Máy, nay đã được 22 năm kể từ 27-8-1923. Ông Đảnh mời vô toà bố nhờ viết bài xin trả chức.

Ngày 29-8, nửa đêm nghe tiếng còi báo động, sáng hay tin ông Đảnh chủ tịch, ông Sang bác sĩ, ông Quế chủ sự Dây Thép và ông Sính trưởng toà bị thanh niên bắt rồi thả. Ngồi nhà, tâm trí ngổn ngang, nghĩ lại thương ông Đảnh tốt với mình quá, biết bao giờ gặp một người tri kỷ như vầy. Đọc lại bút tích ông viết mấy tháng trước: “Tất cả những vấn đề nào anh làm đặng, trả lời được thì nhờ anh cứ trả lời và giải quyết thế tôi. Người nào, quan khách nào tôi không rước thì anh cứ rước và trả lời “en l'air” (sic) cho xuôi việc và gởi đi lịch sự thôi”. (Võ cố nhân ôi, ngày nay tôi đọc mà còn ưa nước mắt).

Về tình nghĩa thầy trò, lúc tôi còn làm, tôi có nhận của một ân sư một giấy xin lãnh coi sóc lữ xá băng-ga-lô, một ân sư khác can thiệp cho bồi cũ ông chánh B, xin một chân lính cảnh sát. Hai việc đều ngoài phạm vi của tôi vả lại trái với lương tâm. Hai thầy nay đã năm yên dưới ba tấc đất, xin tha thứ cho con? Không phải con quên ơn hai thầy, nhưng xin thầy hiểu việc công đâu làm như việc tư được?

Ngày 2-9, Việt Minh biểu tình lần thứ nhất, tại Sốc Trăng vào mười bốn giờ chiều. Lưu Trọng Quyền dẫn theo một tù xa đề: “Bắt cóc bọn thân thiện với Pháp”. Sai may cờ mới treo trước cửa và dự biểu tình cho đến mãn cuộc.

Ngày 5-9, thanh tra miền Tây của Lâm uỷ hành chánh là ông Nguyễn Văn Tây, cùng đi với Chung Bá Khánh, trước học Chasseloup, đại diện Phật giáo Hoà Hảo, xuống Sốc Trăng diễn thuyết nhìn nhận ông Đảnh coi về cai trị. Thành lập Uỷ ban địa hạt gồm Dương Kỳ Hiệp (em cột chèo ông Nghĩa) làm chủ tịch, Tạ Bá Tòng làm phó chủ tịch. Cố vấn: ông Trương Đại Lượng đại diện Hoà Hảo và Sơn Thái Nguyên đại diện người Việt gốc Miên.

Ngày 7-9, Cần Thơ có lộn xộn, Hoà Hảo giành quyền cai trị. Thanh niên Sốc Trăng và Bạc Liêu kéo lên hiệp với thanh niên Cần Thơ mới dàn xếp xong.

Ngày 9-9, tiễn ông Lý Bình Huê toà Sốc Trăng, lên làm cố vấn Bộ Tư Pháp. Thanh niên bắt mấy người theo Hoà Hảo: Trương Đại Lượng, Lý Công Quận, Nguyễn Hữu Trinh (ngoài gọi Xã Mười Trinh) nghiệp chủ lớn, con bà Cả Tru.

Kể từ ông Đảnh có Uỷ ban hành chánh lâm thời giúp việc cai trị, mình trở nên “hưu thiệt thọ” và lãnh phận sự thay mặt Uỷ ban tiễn đưa chiến sĩ từ trần:

- Ngày 21-11-1945, điếu Phan Thành Mỹ chết trận Cái Tắc, người thứ nhất nằm nghĩa địa mới lập trước trại lính tập cũ nay không biết còn chăng?

- Ngày 22-11-1945, đọc ai điếu nhơn lễ truy điệu trận vong tướng sĩ;

- Ngày 23-11-1945 ứng khẩu khóc tại mộ anh Nguyễn Văn Chức, 37 tuổi, thợ hồ;

- Ngày 1-12-1945, khóc tiễn trước mộ chung “chiến sĩ trận vong”, anh Lâm Văn Hai tự Lén, 25 tuổi, đánh xe ngựa con ông Lâm Văn Xện, có nhà và chuồng ngựa trước trại ruộng của mình trên mé kinh và mé lộ dưới đường đi Bãi Xàu. Anh Lén chết mất xác ở Cần Thơ trong trận đánh du kích chống quân Pháp. Tôi khóc anh Lén thật tình và người chung quanh cũng khóc với tôi. Đời còn lắm phong ba, chết là yên, sống thừa thêm khổ.

Ngày 15-12-1945, đọc ai điếu nhơn lễ truy điệu chiến sĩ trận vong lần nữa.

Tuy khóc thật tình, nhưng nước mắt vẫn còn, và biết bao giờ cạn. Và đời vẫn còn thừa chuyện tếu, bắt buộc phải lau nước mắt để cười, mới sống được đến hôm nay.

Năm 1945, tôi không giữ nhật ký vì lịch bỏ túi không đâu có bán thêm nữa có lệnh cấm ngặt không cho ghi chép vì e lọt tay địch thù? Đêm 24-9, lối 2 giờ khuya, tôi được mời vô khám đến 27-9 lối 10 giờ sáng thì thả. Nhưng nhớ lại lúc đó trời bắt đầu có gió lạnh và sắp dứt mua. Có hai mươi ngoài người như tôi, trong ấy còn nhớ có Phán Kiểng, hội đồng Nhung, bác sĩ Sang, nhất là ông trưởng toà Sính, vì quá lật đật quên đem hàm răng rời theo, sáng ngày anh em ngồi chò hỏ ngó mặt nhau buồn nghiến vì sợ ở luôn đây với tết thì xui xẻo lắm. Có Phán Lợi ăn cưới về còn mặc nguyên com-lê nỉ đen, thảy đều do Chủ tịch mới hội nghị gấp mười một mười hai giờ khuya, bác sĩ S. tay còn xách túi da đựng thuốc vì chiều bữa đó ông được mời đi đón anh em ở Côn Đảo về, tội nghiệp nhất là ông trưởng toà S, quên đem theo hàm răng giả, nên sáng ra ở nhà đem cơm vô chúng tôi được hưởng trọn những gì ngon giòn còn ông chỉ trệu trạo và nuốt cơm lạt, ở được vài hôm cũng vừa quen quen với nhà pha Sốc Trăng nầy, bỗng chiều bữa nọ, cơm nước vừa xong, bác sĩ vốn là bạn thân từ lúc nhỏ, nay thêm thân vì đồng cảnh ngộ làm tù, hai đứa tôi đang cùng đi bách bộ trong khám cho đỡ tù túng chân giò. Thoạt nghe từ một trại giam bít bùng, có tiếng ai lên dây đờn cò réo rắt. Bác sĩ lấy mắt hỏi tôi, tôi cười và nói nhỏ rằng: “Thời buổi loạn ly, nếu họ cho phép đem đờn vào khám thì e chúng mình còn ở đây lâu, vì trật tự không còn và một khi trật tự đã mất, thì người ta ở ngoài sẽ quên mình và đôi ta sẽ khó trông cậy vào công bằng soi xét”. Nhưng rồi cũng quên đi... Ngờ đâu qua hôm sau, chiều đến vào đúng giờ ấy, lại nghe giọng đờn nữa, và phen nầy càng nhức nhối não nùng hơn đêm trước nhiều:

“Nghe não nuột mấy dây buôn bực,

Dường than niềm tấm tức bấy lâu” (Tỳ bà).

Không thể chịu được nữa, bác sĩ và tôi phăng lần theo hướng có tiếng đàn. Qua khỏi sân nhà xay lúa và giã gạo thì đến khám giam tội tử hình, quen gọi khám tối. Trong một khuôn cửa sầu thảm âm u, bỗng vọng ra tiếng đàn rõ rệt. Buổi ấy lính tráng cũng thật tình dễ dãi. Vả chăng hai tôi vẫn là bực đàn anh trong xứ, một người là bác sĩ chủ sở y tế địa phương có tiếng là hiền từ nhơn đức còn tôi dầu sao đi nữa mới mấy ngày trước còn ràng ràng vẫn được thanh niên yêu vì bầu cử lên làm phó tỉnh trưởng một thời gian, có quyền ký sổ mua gạo mua thực phẩm nuôi tù, vì các lẽ ấy nên xếp khám là ông Quản Lý (tên Lý) vẫn tha hồ để chúng tôi đi đi lại lại trong khám không một lời khiển trách. Nhờ vậy chúng tôi bước trờ tới cửa sổ nơi phát ra tiếng đờn. Chúng tôi định thần nhìn kỹ giây lâu, thấy lần lần hiện ra một bóng người trần truồng ngồi đưa lưng ra cửa, chân còng trong một cây cùm sắt to bằng cườm tay người lớn. Lúc ấy tiếng đàn đã bặt từ nãy giờ. Tôi lên tiếng hỏi và không quên búng mạnh vào một điếu Bách-tô đốt sẵn ngay chỗ có tiếng người. Bỗng thấy lẹ như chớp, người ấy tay chụp điếu thuốc, hít một hơi dài gần như nuốt mất cả khói, tay kia vội vội kéo manh đệm che phân nửa khúc thân dưới quá loã lồ, một cử chỉ tuyệt nhã đối với một tử tù bắt tôi băn khoăn nhớ cảnh “đàn che nửa mặt bến Tầm Dương” và nước mắt tôi bỗng rơi vì xúc cảm. Đoạn người ấy lễ phép thưa: “Dạ, không phải tôi đàn, ấy tôi hút gió bằng miệng mà thôi”. Nhơn chúng tôi hỏi vì tôi chi mà thân bị nhốt khám đại hình, bỗng người ấy đáp: “Trước kia làm nghề đi bạn ghe chài, chẳng may chủ chở đạn dược súng lậu Nhật chận bắt, chủ thuyền, lái và thuỷ thủ có dư tiền lo lót nên đều thoát khỏi vòng lao lý, duy thân nầy nghèo khổ trơ trọi, còn sót lại nằm đây, không biết ngày mai ra sao!”.

Người ấy nói tiếp nếu có được trong tay một chót đuôi lá trầu hay một cạnh lá gì cũng mặc, sẽ lấy đó làm “lưỡi gà” và tiếng kêu càng giòn càng giống hệt tiếng đàn cò hay tiếng kèn hơn nữa, và khi ấy muốn thổi bản nào, giọng nào, dây hơi nào, đều dám chắc không thua đàn thiệt. Chúng tôi cũng ngồi tù như anh, trong tay không có lá nào, vậy xin cho nghe một buổi đàn miệng suông cũng đủ là thoả nguyện. Nghe làm vậy, người ấy bèn giụm hai tay trước mồm, thọc hai ngón trỏ vào họng, rồi vừa thổi ra vừa hít hơi vào quả thật chúng tôi đứng nghe khoái trá đến quên cả cảnh tù đày và chỉ nhớ và thèm thuồng đây là một nghệ thuật độc đáo, có một không hai.

Cũng trong đêm ấy, cửa ngục thoạt mở cho chúng tôi ra khỏi khám đường Sốc Trăng, nhớ lại chúng tôi đà trải qua bốn ngày bôn đêm trong nầy. Kế liên tiếp và dồn dập sự biến chuyển của thời cuộc năm Ất Dậu, Bính Tuất (1945 - 1946) tới mãi không ngừng, chúng tôi khiếp nhược chỉ biết lo cho thân, khiến cho đến nay, tin tức âm hao người nghệ sĩ xấu số kia cũng bặt, sống chết không hay.

Đã mấy lần về thăm nhà, có người chỉ biết nghệ sĩ ấy quê ở Đại Ngãi, mà tông tích thế nào không ai biết.

Trong những buổi tiếp xúc với người Nhựt, bất cứ với quân đội hiến binh hay sĩ quan, tôi luôn luôn giữ thái độ mềm mỏng nhưng bất khuất, không bao giờ bợ đỡ, biết thì nói, không biết thì thưa không biết. Chủ trương của tôi là giữ lợi khí duy nhứt của kẻ yếu là ăn ngay nói thật. Tôi hiểu rằng đối với người có binh khí cầm tay, nhứt là đối với người Nhựt mộc mạc, nóng tính, ghét dối trá một khi bắt được nói dối thì chăng bao giờ nghe nữa. Như vậy là mình tìm cái chết. Trái lại dịu ngọt và nhỏ nhẹ, giữ đúng tiếng nói của lương tâm, thì hoạ may đổi con sư tử ra con trừu. Vả lại trong thời kỳ chiến tranh, mạng người rẻ hơn bèo. Bao giờ mình là người thụ động, bị ở trong cảnh đánh giặc, chớ lòng nào gây chiến với ai? Từ khi tôi thôi làm, có vấn đề nào éo le, cần nói chuyện với cơ quan Nhựt tại tỉnh, ông Đảnh thường cậy tôi dàn xếp và ông thường viết câu: “Anh rán hát cho hay...”. Mỗi khi có tiệc tùng, người Nhựt thường buộc tôi có mặt. Những khi như vậy, lòng nào muốn mà cũng phải đi, cũng vì tánh nhát sợ có sự hiểu lầm. Khi tôi thôi việc, họ thường nhắc nhở. Trong thơ viết từ giã yêu cầu cho thôi để hưởng hưu bổng, có câu nầy nay đọc lại thấy xấc: “Tôi không xin xỏ cũng không van nài, cũng không tìm cách từ chối bằng lối si-mê hay xu mị, kiêu ngầm hay chọc tức. Ngày nào quý vị biết rõ tôi là “đại chi vô dụng” (như cây cỏ dại mọc xó hè) và dể tôi yên thân, ngày ấy tôi mới thật mừng”. Câu nầy không phải của tôi và tôi lấy ý của Chateaubriand, nhưng không đủ tài dịch rõ hơn: “Je ne demande rien, je ne sollicite rien, je ne veux mettre ni passion, ni orgueil, ai taquinerỉe à refuser, mai aussi je sentirai une vraie joie, le Jour cù il ser arrêté que je ne sui bon à rien ét qưil faut me planter là”.

Khi bị ép ra làm, tôi có nghĩ hai câu đến nay chưa bằng bụng vì tôi không có khiếu về thơ tuy có tánh song tàng, ưa mượn của kẻ khác, hoặc làm thơ con cóc:

Lầu xanh dời lạt lầu hồng,

miệng ngoài nói cứng mà lòng đã ưng.

Lầu xanh xé giấy khoan mừng,

Giấy kia dầu xé cũng từng lầu xanh!