Trời trong trẻo, mát mẻ. Trên đường xuống Phú Nhuận, có nhiều nhà treo cờ thanh thiên bạch nhật: hôm đó là ngày quốc khánh (lễ Song thập 10-10) của Trung Hoa, quân cách mạng thắng quân nhà Thanh ở Vũ Xương năm 1911. Đa số xe đạp cắm một cây cờ Trung Hoa nhỏ bằng giấy trước ghi đông. Trung Hoa đã leo lên địa vị cường quốc thứ năm trên thế giới; người ta cho rằng cờ của họ là lá bùa hộ mạng khi gặp quân Anh, Pháp.
Gần tới ngã năm Phú Nhuận tôi thấy một chiếc “xe cá” chở đầy sách gấp mười số sách của tôi, trong lòng vừa phục mà vừa thương hại: chở gởi đi đâu? xa không? cực khổ quá!
Ba anh em chúng tôi chỉ có hai cái va li nhỏ, một giỏ đồ vặt, cố mắc vào xe đạp, rồi thay phiên nhau đẩy. Một đứa cháu 12 tuổi giúp việc nhà, lẽo đẽo theo sau. Lác đác có từng nhóm người tản cư cũng như chúng tôi, không ai có vẻ buồn rầu, lo lắng cả. Gặp nhau người ta còn mỉm cười với nhau nữa.
Vào khoảng trưa chúng tôi tới Thủ Đức, vào một khu vườn cao su cách chợ hơn một cây số, chỗ để hai chiếc xe ngựa lớn, có mui, có cửa, của sở Thủy lợi. Người coi vườn chào tôi, đưa chìa khóa xe cho tôi. Tôi hỏi thăm tình hình trong miền, người đó đáp: “Yên ổn lắm, nhưng những nhà ở gần đường lộ cũng ngại quân Anh, Pháp sẽ lên đây. Họ tính lùi vào trong xóm, ở xa đường một chút... Còn đường về miền Tây, ông có tin tức gì không?
Tôi bảo: “Nghe nói quân Pháp đã xuống đến Tân An rồi, con đường Sài Gòn - Tân An nghẽn. Vì vậy tụi tôi phải đi vòng lên đây để kiếm đường về miền Tây”.
Người đó khuyên tôi lên chợ Lái Thiêu rồi kiếm ghe quá giang về Mĩ Tho. Chúng tôi theo ý kiến đó, nghỉ lại trong xe, nấu cơm lấy mà ăn; sáng hôm sau lại lên đường. Người coi vườn tiễn chúng tôi một quãng, chỉ cho chúng tôi một bụi cây ở xa, bảo: “Người ta nói Phan Văn Hùm bị giết ở bụi cây đó. Ông biết Phan Văn Hùm không?”.
Tôi đáp: “Nghe tiếng chứ không biết mặt. Tại sao ông ấy bị giết?”.
- “Không ai biết. Thời buổi này mà!”.
Chia tay người đó rồi, tôi mới hỏi Tân Phương:
Phan Văn Hùm là một nhà cách mạng trong nhóm Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, chắc là theo Đệ tứ Quốc tế, được nhiều người mến. Mà nhóm Đệ tứ có Trần Văn Thạch ở trong Ủy ban Hành chánh Nam Bộ thì ai giết Phan Văn Hùm? Tôi chắc là người ta đồn bậy.
Tân Phương làm thinh, có vẻ suy nghĩ.
Cũng ngày đó, chúng tôi lại được tin Tạ Thu Thâu bị giết ở Quảng Ngãi trên đường từ Huế về Sài gòn. Tôi xúc động mạnh vì tôi rất quí ông ta. Ông gốc ở Long Xuyên, du học Pháp về, sống rất giản dị, bình dân, khắp thành phố Long Xuyên không ai không vừa trọng vừa yêu, nhất là giới thợ thuyền. Căn nhà của ông ở gần Cầu Máy, một khu lao động, tuy bằng gạch, nhưng nhỏ, hẹp, xấu xí.
Hai chiến sĩ đệ tứ bị giết trong khoảng nửa tháng hay một tháng thì khó có thể cho là bịa được, mà cũng khó bảo là ngẫu nhiên được. Mấy năm sau tôi mới được biết cả hai vụ đó có thật, chỉ sai một điểm là Phan Văn Hùm bị giết ở gần quê ông (Búng, thuộc tỉnh Thủ Dầu Một), chứ không phải ở gần Thủ Đức.
Bốn giờ chiều chúng tôi mới tới chợ Lai Thiêu, may gặp một nhân viên của tôi cũng tản cư về đó và làm trong Ủy ban hành chánh xã. Thầy kiếm nhà cho chúng tôi tá túc. Nhà ở giữa một khu vườn măng cụt và sầu riêng, có đường mương ngang dọc, săn sóc rất kĩ.
Thầy lại xin cho chúng tôi một giấy chứng nhận của Ủy ban hành chánh và sáng hôm sau tìm cho tôi một chiếc ghe về phía Mĩ Tho. Thầy làm việc với tôi đã mười năm, tính tình hiền lương; tôi tiếc là từ buổi đó đến nay tôi không được gặp lại thầy nữa.
Lái Thiêu cũng sợ quân Anh, Pháp sắp tới, nên rất nhốn nháo. Nhân viên các ủy ban và thanh niên đi đi lại lại, người nào cũng vội vàng, dân chúng chen chúc nhau ở trụ sở hành chánh để xin giấy tờ đi đường. Thiếu giấy, phải dùng mặt sau của các công văn thời trước. Con dấu thì bằng gỗ. Ai cũng có thể làm giấy chứng nhận giả được.
Náo nhiệt nhất là cảnh chợ. Trên bờ, dưới sông, tấp nập kẻ qua người lại và ghe xuồng đủ cỡ... Mọi người lo mua đồ tích trữ: từ gạo, than đến thuốc uống, cả nồi niên, chiếu, nóp... Rõ ràng là cảnh sắp loạn lạc, chia li.
°
Chiếc ghe chúng tôi mướn được là ghe thương hồ, bán hết đồ, trở về Mĩ Tho. Chúng tôi đi chung với một gia đình khác làm ăn ở Lái Thiêu, di tản về quê ở Tân An. Ghe đi vòng lên Đức Hòa rồi theo một con kinh vào Đồng Tháp. Khỏi Đức Hòa một chút, một chị nông dân Thanh niên tiền phong bảo ghe ghé bờ để xét. Chị bận một bộ đồ hàng Tân Châu - tôi đoán là bộ tốt nhất của chị - lưng dắt dao găm, nhưng coi mặt không dữ tợn. Thấy tôi mang một cuốn sách khá dày, chị mở ra coi mà lại cầm ngược - chị chưa biết chữ Quốc ngữ - hỏi tôi:
- Anh mang sách gì vậy?
Tôi đáp:
- Sách về nghề đốc công thủy lợi của tôi.
- Sách Tây hả?
- Phải.
- Thời buổi này mà anh còn giữ sách Tây à? Anh đi theo tôi vô Ủy ban xã.
Tôi lên bờ theo chị. Ghe phải đậu lại. Chúng tôi đi qua một cánh đồng rộng, tới xóm làng, lại đi một đỗi nữa mới tới trụ sở ủy ban ở trong một Nhà việc. Ủy ban gồm sáu bảy người đương bàn về kế hoạch phục kích quân Pháp ở một dốc cầu. Trông thấy tôi vào, một người chạy ra hỏi:
- Ủa. Ông đi đâu đây?
Lại gặp may nữa: cũng là một nhân viên cũ sở Thủy lợi.
Thầy đó cầm cuốn sách của tôi, đưa viên chủ tịch coi. Tôi được thả. Thầy còn ân cần đưa tôi ra khỏi xóm, bảo tôi:
- Ông đừng nên giữ một cái gì có màu xanh, đỏ, trắng của cờ Pháp, người ta cho là ám hiệu liên lạc với địch đấy.
Về tới ghe, ai nấy đều mừng. Tối đó ghe đậu ở một xóm bên bờ kinh. Đồng quê hồi đó còn yên ổn, không có trộm cướp. Khoảng bốn giờ chiều hôm sau tôi mới tới một chợ quê cách Tân An độ mươi cây số về phía tây, ghe đậu lại. Chủ ghe, một giáo viên hồi hưu, đãi chúng tôi một bữa cháo vịt rất thân mật. Sáng hôm sau - ngày thứ năm từ khi rời Sài Gòn - chúng tôi lại dắt xe ra đường lộ Tân An - Trung Lương, rồi thuê xe ngựa đi từng chặng tới Mĩ Tho. Quân Pháp mới tới thành phố Long An, chưa tiến xa hơn nữa; nên trên đường xe cộ dập dìu.
Khoảng 3 giờ chiều chúng tôi tới Mĩ Tho. Không khí căng thẳng, thành phố rất náo nhiệt. Chúng tôi lại Ủy ban Hành chánh
Chúng tôi lại một trường tiểu học, vô một lớp học, sắp đặt hành lí, kê bàn làm chỗ ngã lưng rồi đi nghe diễn thuyết về hôn nhân - diễn giả khuyên thanh niên đợi 25 tuổi hãy kết hôn - lại ăn cơm xã hội của thị xã. Tối trở về trường, tắm xong, ngủ thẳng một giấc tới sáng.
Thức dậy, không kịp ăn sáng, chúng tôi ra bến tàu, mua giấy đi Long Xuyên. Khi tàu rời bến, chúng tôi mới nhẹ người.
Năm giờ chiều hôm đó tới Long Xuyên. Như vậy từ Sài Gòn đi Long Xuyên mất sáu ngày. Chúng tôi ghé nhà cô Nguyễn Thị Liệp và nhờ người nhà nhắn với bác tôi ở Tân Thạnh (Đốc Vàng) rằng chúng tôi đã tới Long Xuyên.
Thị xã Long Xuyên có vẻ buồn hiu. Ủy ban hành chánh đã ra lệnh tiêu thổ kháng chiến: đập phá các công sở, đốt hết các hồ sơ; tư gia thì phải dỡ mái ngói, gở tất cả các cánh cửa, để địch không có chỗ ở. Lệnh chỉ được thi hành một phần thôi: mới có vài cơ sở bị phá, một số nhà dỡ một phần mái; nhưng đồ đạc quí thì đã chở lần lần đi gởi ở trong làng, xa thị xã, những chỗ chắc địch sẽ không tới.
Ở Long Xuyên hai ba ngày thì có ghe nhỏ ở Tân Thạnh qua đón chúng tôi. Hồi đó đã gần cuối mùa lụt, nước trong đồng rút mạnh ra Tiền Giang, Hậu Giang; ghe gặp toàn nước ngược, cả giờ chỉ tiến được vài ba cây số. Chiều hôm đó chúng tôi phải nghỉ lại nhà một người quen ở giữa đường Long Xuyên - Mĩ Luông; sáng hôm sau mới đi tiếp. Trên bờ, thấp thoáng trong các vườn xoài, dừa, một đám khoảng vài chục thanh niên vác tầm vông vạt nhọn, đương tập quân sự. Người nào cũng bận bà ba đen, đi chân không, nét mặt hăng hái, vui vẻ. Nghe họ hô “một hai, một hai” và tiếng chân họ nện trên mặt đất, lòng tôi cũng sôi lên.
Tới Mĩ Luông, ghe phải đi men bờ, ngược lên gần chợ Thủ rồi mới qua sông. Ngồi ghe lâu quá, tù túng, mấy anh em tôi lên đi bộ cho ghe được nhẹ. Giữa đường từ Mĩ Luông tới chợ Thủ, chúng tôi được biết ba tín đồ Hoà Hảo bị giết ngày 17-10-1945 ở sân vận động Cần Thơ: Nguyễn Xuân Thiếp, hiệu là Việt Châu, người thứ nhì là em trai út Thầy Tư Hòa Hảo, người thứ ba là con trai của Trần Văn Soái, Tổng tư lệnh quân đội Hòa Hảo.
Chúng tôi bàng hoàng, lặng lẽ cúi đầu đi, không ai nói một lời. Tôi nhớ lại buổi trưa đó, anh Việt Châu từ biệt tôi đi Cần Thơ để hòa giải, hai bên vui vẻ và tự tin, chắc thành công: mọi sự chia rẽ lúc đó chỉ có lợi cho địch, mà anh tuy theo Thầy Tư nhưng vẫn có cảm tình với Việt Minh thì khó khăn nào mà không giải quyết được. Dè đâu, lần chia tay đó lại là lần vĩnh biệt.
VIỆT CHÂU
Chỉ vì tin đó mà chuyến về hết vui. Bác trai tôi rầu rầu trách chúng tôi: “Sao ở trên đó lâu vậy? Ở nhà mong mãi”.
Cả nhà xúm lại. Chúng tôi kể tin tức Sài Gòn, Long Xuyên, những nỗi khó nhọc khi đi đường đường, mà không dám nhắc tới tin buồn kia.
Bác tôi nói trước:
- Khi nó hỏi ý bác có nên giúp thầy Tư Hòa Hảo không, bác bảo giúp thì giúp, nhưng chỉ nên lãnh công việc xã hội, đừng làm chính trị. Nó không nghe lời bác. Có tin cho hay khi nó tới Cần Thơ, người ta ngờ nó xuống để kích động tín đồ, bắt giam nó liền, không chịu nghe nó phân trần. Rồi tín đồ thấy nó bị bắt lại càng làm dữ, tình hình mỗi ngày thêm găng và kết quả như vậy. Ra pháp trường, nó không một lời nào nhắn gia đình gì cả, ung dung ngâm bốn câu thơ rồi hô: “Việt
Việt Châu (Nguyễn Xuân Thiếp) tính tình giống bác tôi, có khí tiết mà mềm mỏng, khéo xử sự, biết lo cho gia đình mà có tài làm thơ, nên bác tôi mến nhất. Anh sanh năm 1918, biết chút ít chữ Pháp, chữ Hán và nhà coi sóc ruộng nương. Năm 1940 hay 41, mới 23 tuổi đã xuất bản tập thơ Lông ngỗng gieo tình (truyện Mị Châu, Trọng Thủy) được một số thi sĩ ở Bắc khen, rồi ít năm sau viết xong một tập thơ nữa trên ngàn câu về Dương Qui Phi, chưa xuất bản. Thỉnh thoảng có thơ văn đăng trên báo; lại giữ phụ trương văn chương một tờ nhật báo ở Sài Gòn, có nhiều bạn thơ ở
Trong cuốn Thi ca Việt
Mới 28 tuổi đã lìa đời, nếu không sự nghiệp thi văn của anh còn tiến nhiều. Từ 1945 đến 1974, năm nào “tổ đình” - đình thờ gia đình thầy Tư ở làng Hòa Hảo, được tín đồ coi như thánh địa - cũng làm giỗ anh với hai người tử vì đạo với anh.
Nhưng có điều là do thời cuộc, thơ anh ngay vợ con anh cũng không giữ được. Anh có hai người con trai, một người theo nghề võ, một người viết báo, nhưng không ai biết làm thơ.
TÂN PHƯƠNG
Chín năm sau bác tôi lại bị một cái tang nữa. Người con trai lớn tên là Nguyễn Xuân Tăng (bút hiệu là Tân Phương) đẹp trai, nhưng ẻo lả, chết một cách thật vô nghĩa.
Bác sĩ rọi phổi bảo là bị bệnh lao. Thời đó (khoảng 1950), Tây y đã có những thuốc rất công hiệu để trị lao: Streptomicine, Rimifon, P.A.S. Anh ấy mới chích một mũi Steptomicine rồi nhất định không chịu chích nữa (có lẽ vì sợ chích) mà tự dối mình là chỉ ho thường thôi chứ không bị lao, rồi uống thuốc Nam, thuốc Bắc, không chịu đi bác sĩ. Bệnh mỗi ngày một nặng, vài ba năm sau, khi toát mồ hôi lạnh, yếu quá rồi, vợ mới vội đưa ngay lên bệnh viện Grall ở Sài Gòn, thì phổi đã bị vi trùng lao đục rỗng, vài ngày sau chết tại bệnh viện. Năm đó anh mới 39 tuổi. Thật uổng một đời thông minh.
Giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh, làm thông dịch viên cho cơ quan Domei của Nhật. Mới tự xuất bản được một tập nhỏ nhan đề là Vers une dictature đại ý là muốn cho thế giới hết loạn thì phải cho Hội Vạn quốc (Société des Nations) có đủ binh lực và quyền hành để buộc các nước lớn nhỏ trên thế giới phải tuân lệnh. Tập đó ra năm 1938 hay 1939, trước khi thế chiến nổ. Thỉnh thoảng anh có viết chuyện ngắn, làm một bài thơ đăng báo. Anh viết kĩ, văn gọn, có khí, đôi khi bóng bẩy.
Tôi còn giữ được truyện ngắn Tình trong bức tường (đăng trên nguyệt san Tiểu thuyết Thứ bảy – số tháng 9 năm 1944) tả mối tình tuyệt vọng của một thanh niên hơi có học, nghèo, làm thợ nề mê con gái một điền chủ, mà không dám ngỏ lời, kín đáo chép tâm sự bỏ vào một cái chai lén giấu trong bức tường của ông điền chủ khi chàng xây tường.
Thơ anh cũng đăng trên nguyệt san đó, bài thơ Trương Lương cũng được nhiều người tán thưởng.
KHÔNG KHÍ LÀNG TÂN THẠNH
Không khí làng Tân Thạnh đã thay đổi nhiều. Trên đường chỉ thấy thanh niên nam nữ đa số là gia đình nông dân. Các hương chức và điền chủ ít ai ra khỏi nhà. Ghe xuồng bớt qua lại, tuyệt nhiên không thấy một chiếc ghe hầu, một chiếc ca nô. Một hai miễu ông Tà bị lật đổ, nhưng chưa hất xuống rạch. Ở đình người ta làm lễ, nhưng rất sơ sài; một hai nhà cách mạng theo phong trào mới tới dự, nhưng bận áo bà ba và không vái. Vài nhà cách mạng khác bỏ làng, theo kháng chiến. Gần cuối năm 1945, vài gia đình ở nơi khác tản cư về đây, trong số đó có gia đình cô giáo Liệp[1] và gia đình một thầy giáo nữa ở Long Xuyên.
Chủ tịch Ủy ban Hành chánh xã là một thanh niên học tới trung học, ở bên cạnh nhà bác tôi và có họ hàng với bác gái tôi. Mấy anh em tôi lại trình diện với ông ta và tôi cũng đi canh gác một hai đêm với thanh niên ở bến đò gần nhà.
Trong làng ai cũng biết nhau và có họ hàng xa gần với nhau nên ít có sự nghi kị. Chỉ có mỗi một lần vào mùa xuân năm 1946 vài anh bộ đội đóng đâu ở phía Phong Mĩ vào nhà bác tôi đòi khám xem có súng ống không vì họ biết anh Tân Phương làm việc với Nhật. Họ chỉ xét qua loa rồi ra. Sau đó anh ấy lánh qua bên chợ Thủ sống với vợ con. Còn anh Việt Châu thì không ai nhắc tới cả. Mãi hai năm sau, khi thầy Tư Hòa Hảo đã bị thủ tiêu (lúc này tôi đã qua Long Xuyên rồi), ủy ban xã mới mời bác tôi vô trụ sở, giam mấy ngày để điều tra, rồi thả, vì biết bác tôi từ 1939 không hề ra khỏi làng, không hề biết mặt thầy Tư.
Mùa đông năm 1945, một chiếc ghe chở muối từ Bạc Liêu lên bán ở Long Xuyên, ghé Tân Thạnh cho tôi biết: vợ con tôi vẫn bình an ở nhà người em ruột tại Long Điền. Em rể nhà tôi trước làm Xã trưởng làng đó, nay lại làm Chủ tịch ủy ban nhân dân xã. Tôi yên tâm. Tạm sống xa nhau như vậy vì tôi tin chiến tranh sẽ mau kết thúc.
Nhưng đợi tới cuối năm, tình hình vẫn chưa có gì thay đổi. Tết đó thật buồn, chợ Tết lèo tèo, nhà nào cũng cúng qua loa. Không có dưa hấu, quít, mứt. Chỉ gói một nồi bánh tét, mổ thịt một vài con gà.
TÔI HỌC ĐÔNG Y
Về Tân Thạnh được vài tháng, không có công việc gì làm, để khỏi buồn, tôi xin bác tôi dạy cho tôi đông y.
Tôi học bộ Y học toản yếu gồm sáu quyển của Lưu Thánh Tuyền. Tôi đọc rồi bác tôi cắt nghĩa. Thỉnh thoảng có bệnh nhân xa gần lại nhờ bác tôi trị (làm phúc), nhờ vậy tôi có dịp tập coi mạch.
Sau chín mười tháng tôi nhận được một số bệnh, biết chút y lí, phân biệt được hàn nhiệt, hư thực trong những trường hợp dễ, sử dụng được một số toa thuốc cơ bản, cổ điển: loại bổ, loại tán (làm cho tà khí tan đi), loại hàn (thuốc mát), loại nhiệt (thuốc nóng), loại công (công phá, như thuốc xổ); thuộc được tính chất độ một trăm vị thuốc thường dùng; biết gia giảm những vị nào cho hợp với bệnh nhân; lại biết nấu thục địa, sao, tẩm một số thuốc.
Đọc các sách thuốc khác như bộ của Hải Thượng Lãn Ông, tôi đã hiểu được nhưng chưa thể làm y sĩ được vì thiếu nhiều kinh nghiệm. Sự hiểu biết của tôi chỉ dùng được cho người trong nhà, về những bệnh thông thường.
Tôi thấy y lí của phương Đông, sự phân biệt hàn nhiệt, hư thực thật tinh tế và có lợi. Tôi lấy thí dụ bệnh ho do phải cảm hay thời tiết thay đổi, nếu phân biệt được hàn nhiệt, thì chỉ vài thang là hết, trong khi các bác sĩ thử hết thuốc nước này, thuốc hoàn khác mà bệnh không dứt. Mới mười năm trước đây, đọc một số báo Pháp hay Mĩ thấy một bác sĩ chỉ dùng cách này mà trị được một bệnh ho dai dẳng: bảo bệnh nhân vẩy nước trong phòng cho không khí ẩm thấp, mát mẻ; vài ngày sau bệnh nhân hết ho. Trường hợp đó đông y cho là do nhiệt mà ho.
Bệnh đi tiêu chảy, đông y phân biệt hàn nhiệt và cách trị khác nhau. Bệnh lị Đông y phân biệt hàn nhiệt, tây y phân biệt dysenterie amibienne và dysenterie bacillaire. Hai cách phân biệt đó có điểm nào giống nhau không?
Đông y có một kinh nghiệm lâu dài (trên mấy nghìn năm) và rộng rãi (trên miền Đông Á rộng bằng cả châu Âu không kể Nga) tất có nhiều điều đáng cho tây y tìm hiểu. Ngày nay ai cũng biết công dụng của tử hà sa (nhau), đồng tiện (nước tiểu trẻ em), cam thảo (để trị loét bao tử) mà người Trung Hoa đã tìm ra được hàng ngàn năm trước; phương Tây đương nghiên cứu khoa châm cứu của Trung Hoa và hình như bây giờ đã có bác sĩ nhận rằng thận có nhiều công dụng khác quan trọng ngoài công dụng tiết ra nước tiểu, rằng Đông y có lí khi bảo trẻ em và người già cần bổ thận. Nhưng chúng ta vẫn chưa hiểu rõ quan niệm khí (khí huyết), quan niệm thận thủy và thận hỏa… của Trung Hoa. Nghiên cứu theo khoa học để tìm hiểu Đông y là việc làm lí thú và có ích cho nhân loại.
Tuy nhiên chúng ta phải nhận rằng Đông y chỉ giúp cho Tây y được thôi chứ không thể nào tiến mau như Tây y được. Tây y dùng thuốc hóa học, chế tạo được rất nhiều thuốc mới mà giá lại rẻ; Đông y gần như chuyên dùng thảo mộc, mà trồng thảo mộc đã lâu, lại phải tùy đất, tuỳ thời tiết, phải bào chế, giá thuốc quá đắt, ít người mua nổi.
Nhất là phương pháp dạy, nghiên cứu của Đông y cổ lỗ quá, cần phải canh tân.
CÁC KHOA HỌC HUYỀN BÍ CỦA TRUNG HOA
Trong những năm 1939-1940 tôi đã đọc một hai cuốn Tử vi viết bằng tiếng Việt. Năm 1945 về Tân Thạnh tôi đọc thêm sách Tử bình bằng chữ Hán. Năm 1974 tôi lại được đọc cuốn Bát tự Hà Lạc của Học Năng, một bạn già của tôi quê ở Thanh Trì (Hà Nội) có cả Hán học lẫn Tây học, đã lần hiệu trưởng nhiều trường tiểu học.
Tôi đọc chỉ do tò mò muốn biết mấy môn học huyền bí đó của Trung Hoa. Hơn hai chục năm trước, một anh bạn “làm cách mạng” thấy tôi đọc sách tử vi, hỏi tôi:
- Tại sao anh lại tin những sách vô lí như vậy?
Tôi đáp:
- Anh thiếu tính thần khoa học rồi. Phải tìm hiểu một môn học rồi mới phê bình nó được chứ. Ở đời thiếu gì cái vô lí mà có thực. Một người thân ở xa bị tai nạn, đúng lúc đó mình ở nhà bồn chồn, lo lắng cho người đó; hiện tượng cách cảm (télépalhic) đó, lấy logique mà xét thì thấy vô lí, nhưng vẫn có thực. Anh vẫn thường bắt tin tức thế giới trong máy thâu thanh; nửa thế kỉ trước, ai mà không cho như vậy là vô lí, không thể có được.
Anh bạn đó làm thinh.
Trong cuốn Luyện lí trí (1965) chương VII tôi đã đưa ra vài nhận xét về khoa Tử Vi và Tử bình rồi kết như sau:
“Tôi không quả quyết rằng những khoa Tử vi, Tử bình hoàn toàn vô giá trị. Vì tôi đã thấy những trường hợp nó đúng một cách không phải là ngẫu nhiên. Tôi lấy thí dụ một gia đình nọ gồm bốn anh em mà tôi được biết.[2]. Khi mới sanh, mỗi người đều có một lá số tử vi. Số đoán rằng một người con trai sẽ khá nhất, càng đi xa càng khá, một người con trai nữa sẽ chết yểu, một người con gái được nhờ chồng, một người nữa không được nhờ chồng mà được nhờ con. Hiện nay, sau nửa thế kỉ, tôi thấy những điều đó đều đúng mà đúng tới vậy thì không thể cho là ngẫu nhiên được.
(...) Tôi lại nghiệm thấy rằng coi qua những số của các bà con, bạn bè cũng có thể đoán ngay được mỗi người vào hạng nào trong xã hội, nghĩa là số tốt hay xấu. Mà những lời đoán đó phần nhiều đúng, đúng về đại cương, đúng một cách tương đối. Và vấn đề nhân sự, hoàn cảnh vấn là quan trọng”. (trang 174-175).
Ngày nay (1980) tôi có thể nói thêm: lấy theo Tử vi thì 10 lá số chỉ đúng độ 6, 7 lá; những lá đúng đó, thì mười điều cũng chỉ đúng được 6, 7, càng đoán về tiểu tiết thì càng sai.
So sánh ba khoa Tử vi, Tử bình, Hà lạc, tôi thấy:
- Tử vi cho con người chịu ảnh hưởng kết tụ của các vì sao (tinh đẩu), mà như vậy mọi việc đã an bài sẵn. Không thể cải được mệnh.
Tử vi dùng trên trăm sao và có tới 12 cung: mạng, thiên di, tài bạch, quan lộc. phúc đức, phụ mẫu, phu thê, tử tức, huynh đệ... cho nên đoán được nhiều chi tiết: tính tình mỗi người, sang hèn, giàu nghèo ra sao, cha mẹ, vợ con, anh em, cả bạn bè, bệnh tật, mồ mả tổ tiên, nhà của, ruộng nương..., nhiều chi tiết hơn Tử bình và Hà lạc; có lẽ chính vì vậy mà nhiều người thích khoa đó; nhưng đi vào chi tiết thì dễ đúng mà cũng dễ sai; mà tâm lí chung của mọi người là để ý đến những điều đúng hơn là những điều sai, cho nên khoa đó được nhiều người tin là đúng.
Sự thực, theo tôi thì khoa đó không hợp lí vì dùng âm lịch, mà âm lịch có tháng nhuận; gặp người sinh tháng nhuận thì đành phải coi thuộc về tháng trước hay tháng sau, như vậy hai người sinh cách nhau một tháng, người sinh trong tháng 6 chính chẳng hạn, người sinh tháng 6 nhuận, ngày giờ giống nhau thì số y hệt nhau: điều đó không chấp nhận được.
Ngoài ra, Tử vi còn nhiều điểm mâu thuẫn, chẳng hạn sao phá quân thuộc thủy, ở cung tí cũng là thủy thì tốt; nhưng tại sao ở cung ngọ là hỏa (thủy khắc hỏa) cũng là tốt? Nhất là ở 4 cung thìn tuất sửu mùi (thổ), thủy bị thổ khắc mà sao cũng vẫn tốt? Lại thêm ở cung hợi (thủy), thủy với thủy mà lại cho là xấu, hãm địa?
Không thể nào kể hết những điểm khó hiểu đó được.
Lại thêm các sách không nhất trí về cách tính sao hỏa, và 12 sao vòng trường sinh, không biết nên theo cách nào.
- Tử bình gọi năm, tháng, ngày, giờ bằng can chi hết; có 4 can, 4 chi, do đó gọi là bát tự (8 chữ). Không có tháng nhuận, vì dùng dương lịch (tính năm, tháng theo thời tiết) cho nên hợp lí hơn nhiều. Nó dùng luật ngũ hành tương sinh tương khắc và theo qui tắc cứ quân bình là tốt: hễ “hành” nào thiếu thì đi vào vận có hành đó hoặc có một hành sinh ra nó (ví dụ thiếu hỏa, di vận có hỏa hoặc có mộc sinh hỏa) mới tốt. Điều đó cũng hợp lí. Lại thêm nó dùng ít sao, ít có trường hợp sao này tương phản với sao khác, nên đoán ít sai. Nhưng chính vì ít sao, đoán được ít chi tiết, nên nhiều người không thích khoa đó.
- Hà lạc gọi là bát tự vì cũng gọi năm, tháng, ngày, giờ bằng can chi; nhưng khác hẳn tử bình ở chỗ đổi những can chi đó ra số Hà lạc, để lập thành một quẻ kép trong kinh Dịch, quẻ này biến thành một quẻ kép khác nữa, sau cùng cứ theo ý nghĩa của mỗi quẻ, mỗi hào trong kinh Dịch mà đoán vận mạng (mỗi hào âm là 6 năm, mỗi hào dương là 9 năm; còn Tử vi và Tử bình thì mỗi vận là 10 năm).
Như vậy Hà lạc chỉ cho ta biết sơ về số mạng (giàu sang hay nghèo hèn, thọ hay yểu) và mỗi hạn 6 hay 9 năm tốt xấu ra sao, chứ không cho ta biết gì về gia cảnh, cha mẹ, vợ con... Sau mỗi hào có lời khuyên nên cư xử ra sao, tiến thoái, hành xử ra sao cho hợp với nghĩa tùy thời trong kinh Dịch.
So sánh ba khoa đó, tôi thấy Tử vi thích hợp với đàn bà, họ muốn biết nhiều chi tiết; Tử bình hợp lí, thích hợp với giới trí thức; Hà lạc thích hợp với người học đạo cư xử ở đời.
Ba khoa đó phương pháp đều huyền bí, rất khác nhau mà lạ lùng thay, kết quả nhiều khi giống nhau tới 7 phần 10.
Thí dụ trường hợp của tôi. Tôi sinh năm Tân Hợi, tháng 11, ngày 20, giờ Dậu (Tây lịch: 8-1-1912), bát tự là năm Tân Hợi, tháng Tân Sửu, ngày Quí Mùi, giờ Tân Dậu.
Số Tử vi đoán tính tình, khả năng của tôi đúng, về phúc, thọ của tôi cũng đúng, về vợ con cũng đúng nữa; nhưng về cung quan lộc thì đúng một phần thôi, về đại hạn 43-52 tuổi thì sai nhiều.
Số Tử bình đoán đại khái cũng đúng gần như Tử vi, tuy ít chi tiết hơn, và riêng đại hạn 41-50 tuổi thì đúng hơn Tử vi.
Số Hà lạc cũng đoán rất đúng về đại hạn đó, còn về phúc, thọ, tư cách thì cũng giống Tử vi và Tử bình. Về gia đình tôi, Hà lạc không đoán, như tôi đã nói.
Ba khoa nguyên tắc khác hẳn nhau mà kết quả hợp với nhau như vậy thì đáng gọi là kì dị. Nhưng tôi cũng thấy mấy người trong họ hàng tôi số Tử vi, Tử bình khác nhau xa; và có khi gần hoàn toàn sai cả nữa.
Vậy ba khoa đó bảo là vô căn cứ thì sai mà bảo là đáng tin hẳn thì cũng không được. Tò mò đọc cho biết thì nên, bỏ trọn đời để nghiên cứu thì tôi e mất thì giờ mà chưa chắc đã phát kiến được gì. Cho nên tôi không muốn lấy số cho trẻ trong nhà. Và tôi cho cứ tận lực của mình là hơn cả. Nếu có số thì con người có khi cũng thắng được số[3]. Tất cả các sách số đều khuyên vậy: “Tín mệnh bất tín lực, thất chi viễn hĩ” (Tin số mà không tin sức mình thì lầm lớn). Vả lại người ta có thể sửa được số. Cổ nhân tin rằng số giàu mà mình không ham giàu, tránh giàu thì sẽ tăng tuổi thọ; số sang mà mình tránh sang thì được hưởng phúc nhiều hơn. Cổ nhân còn nói: “vận nước thắng vận người” (Quốc mạng thắng nhân mạng). Những lời đó đều đúng cả.
Đó là bài học tôi rút được khi rảnh, đọc chơi môn lí số của Trung Hoa.
°
Tôi lại đọc môn bói nữa trong bộ Bốc phệ chính tôn và Dã hạc.
Môn bói trong hai cuốn đó đều dùng quẻ Dịch một cách tài tình. Khi ta đã chấp nhận một số định đề, nguyên tắc rồi thì cứ áp dụng luật ngũ hành tương sinh tương khắc mà suy đoán mọi việc sẽ xảy ra. Bói và Tử bình có lẽ là hai khoa hợp logique nhất trong các khoa học huyền bí của Trung Hoa, khiến tôi mê mải đọc. Đem ra thực hành thì tôi thấy có một số quẻ đúng một cách kì dị như hai quẻ tôi đã dẫn trong cuốn Luyện lí trí (tr. 177), một quẻ về bệnh của mẹ tôi, một quẻ về việc buôn bán của một bà chị tôi; đúng về tốt xấu là chuyện thường (vì chỉ có tốt với xấu, như vậy dù có đúng cũng chỉ được 50%), nhưng còn đúng cả về ngày và tháng nữa thì thật lạ lùng.
Nhưng sau tôi thấy nhiều quẻ sai be bét: người chết rồi thì bảo là chưa chết; miếng đất đoán là sẽ mua được mà rốt cuộc không mua được. Đoán rất đúng sách, chỉ tại quẻ không nghiệm thôi. Chính một bạn tôi có mấy chục năm kinh nghiệm về khoa đó cũng nhận rằng có người xin quẻ thường nghiệm, có người trái lại; lại có người lúc thì nghiệm lúc thì không. Hình như quẻ nghiệm hay không còn tùy nhân điện của người xin quẻ, của người gieo tiền, hoặc tùy tâm trạng người đó, tùy lúc, tùy giờ hay tùy cái gì đó nữa.
Riêng tôi chỉ thấy sai nhiều nên không tin khoa đó nữa, cứ xét nhân sự mà quyết định mọi việc; nhưng vẫn nhận là kì dị, huyền bí chứ không phải là chuyện nói láo mà chơi.
Trong tủ sách bác tôi còn có một bộ Địa lí hám giá, tôi cũng lấy ra coi, chỉ xin bác tôi giảng cho ít thuật ngữ, một vài qui tắc rồi đọc lấy được.
Khoa này còn huyền bí hơn các khoa trên nữa. Cổ nhân đã nói muốn làm thầy địa lí (tức khoa phong thủy, để mả chỗ nào cho kết (phát) thì phải có “lòng thần, mắt thánh, cẳng tiều phu”. Tôi không có lòng thần, cũng không có mắt thánh, cho nên dù được các bác tôi dắt đi coi vài kiểu đất kết, chỉ cho “mạch” phát từ đâu, đi theo hướng nào, tụ ở đâu, đâu là tay long, đâu là tay hổ v.v... tôi cũng chẳng thấy gì cả. Tôi nghĩ, ở một miền hoang vu, nhận những chỗ cao thấp trên mặt đất thì còn có thể thấy được long mạch; chứ trên một cánh đồng đã khai phá cả mấy trăm năm, cả ngàn năm rồi, gò đồi đã san phẳng, hồ ao đã lấp hoặc đào thêm, đường đi đã chằng chịt như bàn cờ, thì căn cứ vào đâu để bảo đó là long mạch. Cho nên khoa địa lí tôi chỉ đọc qua thôi và tin rằng sẽ không còn ai học nó nữa.
TRỒNG DÂU NUÔI TẦM
Tôi làm tất các việc lặt vặt trong nhà: nhổ cỏ, quét sân, xách nước, giã gạo, bữa củi... Khi tản cư tôi còn được 700 đồng. Tôi hùn nuôi tằm, không lời mà cũng không lỗ. Tôi nghĩ nếu trồng dâu, có sẵn dâu để nuôi tằm thì vừa tiện vừa có lời. Tôi bèn cuốc một công đất ở bên cạnh nhà, đầu mùa mưa 1946 qua chợ Thủ mua từng bó thân dâu đem về chặt rồi giâm, cắm. Nhưng thiếu kinh nghiệm: Tân Thạnh ở ngang chợ Thủ, tuy chỉ cách con sông Tiền Giang mà đất hai nơi rất khác nhau: chợ Thủ là đất bãi, trồng dâu tốt, còn Tân Thạnh là đất đồng, đất sét, dâu mọc rất chậm, mới cao được vài tấc thì gặp mùa nước lớn, lá dâu vàng úa lần lần rồi ngọn chìm dưới nước. Thế là bỏ luôn cả việc nuôi tằm.
PHÁP BẮN PHÁ TÂN THẠNH – TÔI MẤT BẢN THẢO
Mùa xuân năm đó, luôn nửa tháng, sáng nào cũng khoảng 9, 10 giờ là máy bay Pháp lượn trên mấy làng Tân Phú, Tân Thạnh..., sà xuống tưởng như gần sát ngọn sao, ria liên thanh xuống. Nhiều nhà đào hầm ở dưới bụi tre để núp. Đàn bà, con nít và các ông già bà già ăn cơm sớm rồi di tản vào trong đồng từ 8, 9 giờ sáng, 3, 4 giờ chiều mới về. Nhà chúng tôi di tản qua chợ Thủ, chỉ có tôi và một người nữa ở lại coi nhà. Nhà cài then cửa trước, cửa sau, hễ máy bay tới thì ra núp ở bụi tre. Có hôm chúng bắn rát quá, tôi hồi hộp, quặn đau ở bụng. Bệnh loét bao tử của tôi có lẽ phát từ hồi đó. Trong xóm không có người nào bị thương, nhưng vài nhà bị mấy chục viên đạn vào nóc, vách.
Máy bay tới bắn phá được ít lâu thì quân Pháp và “partisan” (lính Việt đánh thuê) tới đóng đồn ở làng Tân Phú và làng Tân Thạnh, hai đồn cách nhau độ ba cây số. Mỗi đồn có một hạ sĩ quan Pháp và dăm ba lính Việt. Mới tới chúng hiếp dâm một chị nông dân rồi bắn chết, vất thây xuống sông. Chúng vào khám xét một số nhà, bắt gà, vịt…
Tới mùa nước lên, cả miền đó như mặt biển, nước mấp mé tới sàn, đường sá đều ngập hết, đi đâu người ta cũng phải dùng xuồng. Vậy mà tên Pháp coi đồn cũng chịu khó lội nước theo bờ rạch từ đồn nọ đến đồn kia để xét giấy tờ của các chủ nhà. Coi vẻ nó uể oải, một nhọc lắm, còn tên lính Việt đi theo thì như thường. Cuối mùa nước chúng rút đi đâu không biết, đồn bỏ hoang.
Một đêm, hồi chưa có đồn Pháp, ba bốn tên cầm đuốc vào nhà bác tôi, đập cửa bảo để xét nhà. Bác tôi không ngờ là cướp, mở của; chúng trói bác tôi bắt ngồi một chỗ, rồi đi lục một lát, sau thấy chiếc va li của tôi, chúng xách đi; ngoài ra không lấy gì khác. Trong va li đó chỉ có ít thước vải, vài cuốn sách và bản thảo. Cũng may tiền tôi không cất trong đó. Tôi không tiếc vải, chỉ tiếc hai bản thảo về cải tổ giáo dục và về Đồng Tháp Mười.
Chủ ý bọn đó không phải là để cướp nhà bác tôi mà để bắt cóc một ông Hội đồng, con ông phủ Nghĩa ở Tân Phú, có tiếng là giàu nhất trong quận. Từ mấy hôm trước ông ta đã bỏ nhà, lại trốn trong nhà bác tôi, suốt ngày không ra khỏi phòng riêng vậy mà chúng cũng hay được. Đêm đó ông ta ngủ ở nhà sau, thấy động ở nhà trước, nhanh chân nhảy ngay xuống dưới sàn núp, bọn cướp không thấy. May cho ông ta mà rủi cho bác tôi - bị thương nhẹ vì chúng hành hung - và cho tôi. Bản thảo Đồng Tháp Mười trả về cho Đồng Tháp Mười và chắc chúng dùng để vấn thuốc.
[1] Tôi không biết trước hay sau khi tản cư về làng Tân Thạnh, gia đình cô Liệp còn tản cư vô làng Vĩnh Trạch, quận Núi Sập (nay là huyện Thoại Sơn), ở nhà một ông họ Cao, cách chợ Long Xuyên khoảng 12 cây số. (Goldfish).
[2] Chính là tôi và ba em tôi (chú thích năm 1980)
[3] Nghĩ vậy cho nên theo Tử vi thì vận năm 1953-1963 của tôi rất xấu, vậy mà năm 1953 tôi vẫn đổi nghề, không dạy học nữa mà chuyên viết văn, xuất bản (coi ở sau) và từ đó tôi phát đạt.