Hồi ký Nguyễn Hiến Lê

PHẦN I - Chương 1

Hai năm trước, hai ông bạn tôi đều trên dưới thất tuần, một ở Paris, một ở Gia Định gần như cùng một lúc nhắc đến câu thơ này:

 

Vạn sự qua như mây khói

 

mà tôi đã dịch của Tân Khí Tật: “Vạn sự vân yên hốt quá” trong bài Tây giang nguyệt. Câu đó ở thế kỉ XII, đời Tống đã là sáo rồi, vậy mà thời này đọc lên chúng tôi vẫn xúc động, buồn mang mang. Nghĩ cho kĩ, khó kiếm được một hình ảnh nào diễn đúng được cái ý trong câu đó hơn nữa.

 

Lịch sử nhân loại ngày nay tiến với một tốc độ siêu thanh. Các thế kỉ trước, hoàn cầu như mặt hồ thu lâu lâu gợn sóng; qua thế kỉ này thành một mặt biển trong cơn giông tố. Khoan nói tới thế giới, chỉ xét riêng nước ta: Thời biến động nhất trong lịch là thời cuối Lê. Trong 30 năm anh em Tây Sơn nổi lên dẹp họ Nguyễn ở Nam, diệt họ Trịnh ở Bắc, đuổi quân Thanh về Tàu, chấm dứt nhà Lê, nhưng thống nhất quốc gia mới được mấy năm thì giang sơn đã về họ Nguyễn ở Nam. Biến cố dồn dập, khiến Phạm Thái thời đó phải than thở:

 

Ba mươi tuổi lẻ là bao tá,

Năm sáu đời vua thật chóng ghê!

 

Chúng ta ở thời này, cũng chỉ trong 30 năm, từ 1945 đến 1975 đã chứng kiến biết bao sự thay đổi. Chúng ta đã thấy ba bốn trào thực dân cũ và mới: Pháp rồi Nhật, rồi lại Pháp, sau cùng là Mĩ; non chục đời thủ tưởng - cũng không khác chi đời vua thời Phạm Thái - hai cuộc cách mạng với hai cuộc đảo chánh hụt; cổ nhân chỉ đuổi quân Thanh, chúng ta đã đuổi Pháp, đuổi Mĩ, đuổi Miên rồi bây giờ lại phải đương đầu với Trung Hoa nữa; chúng ta đã biết xã hội nông nghiệp của tổ tiên, xã hội tư bản rồi xã hội kĩ nghệ của phương Tây, lại được thấy hình ảnh xã hội hậu kĩ nghệ - cũng gọi là xã hội tiêu thụ của Mĩ. Còn chế độ chính trị thì chúng ta từ quân chủ dưới quyền thực dân chưa kịp tiến lên quân chủ lập hiến đã nhảy qua chế độ dân chủ Tây phương, rồi bây giờ là chế độ xã hội chủ nghĩa.

 

Tôi không biết các bạn năm đã 50 tuổi trở lên, mục kích những biến chuyển đó có hãnh diện được làm chứng nhân trong một thời đại cực kì quan trọng của lịch sử nước nhà không; có vui hoặc buồn rằng mình đã đóng góp hoặc không đóng góp được chút gì trong thời đó không; nhưng tôi chắc người nào cũng phải nhận rằng mọi sự qua mau quá, như mây khói và ôn lại thì không khác chi đã sống trong một giấc mộng.

 

Tôi sinh ngày 20 tháng 11 ta, giờ dậu, năm Tân Hợi[1] (nhằm ngày 8 tháng 1 năm 1912[2] nhưng khai sinh ghi là 8-4-1912), ở nhà số 4 ngõ Phất Lộc, Hà Nội.

 

Năm Tân Hợi là năm có cuộc cách mạng đầu tiên ở Trung Hoa (ngày 10-10-1911) mà ngày nay người ta gọi là cuộc cách mạng tiểu tư sản; cuộc cách mạng sau, năm 1949, là cuộc cách mạng vô sản. Tới nay, sau non 70 năm, Trung Hoa cũng có biết bao cuộc cách mạng lớn lao như Việt Nam, nhưng xét về mức sống của nhân dân thì gần như không có gì thay đổi, khiến tôi nhớ lời một chính khách phương Tây nói mươi năm trước ở Sài Gòn trước một nhóm trí thức Việt Nam: “Muốn biết một xã hội hai mươi năm nữa ra sao thì cứ coi xã hội đó lúc này, sẽ không có thay đổi gì lớn đâu”. Lời đó trước tôi cho là bi quan, nay tôi thấy có phần đúng và bên cạnh những cái biến chuyển rất mau khiến Tân Khí Tật và Phạm Thái phải than thở, cho ta thấy nhiều cái gần như không thay đổi gì cả. Xã hội Trung Hoa bây giờ tương đối quân bình hơn thời trước, không còn sự cách biệt quá lớn giữa người giàu và người nghèo, không còn nạn chết đói hăng triệu người như dưới thời quân chủ; nhưng mức sống của nhân dân sau ba chục năm cách mạng vô sản vẫn rất thấp: không chết đói chớ vẫn thiếu ăn, thiếu mặc, ăn thì ăn độn, quanh năm chỉ có món bắp cải như ở mình món rau muống, mặc thì mỗi năm mỗi người được phát cho không tới một thước vải, mà vải hầu thì hầu hết là màu lam. Xã hội mình ở Bắc khá hơn họ một chút, nhưng đại khái cũng vậy. Đó là một sự bất biến chung cho các nước kém phát triển trong cuộc đại biến của nhân loại. Còn nhiều sự bất biến nữa trên thế giới: sự bất quân, bất bình đẳng giữa các nước phát triển mạnh và “thế giới thứ ba” ở Á, Phi, đời sống xa xỉ của Âu, Mĩ: sản xuất cho nhiều để hưởng thụ cho thích, và hưởng thụ thật phí phạm để có thể sản xuất được nhiều; rồi tinh thần tranh giành nhau ảnh hướng giữa các nước mạnh, sự ganh đua chế tạo vũ khí mỗi ngày một mới hơn, mạnh hơn, tàn sát được nhiều hơn...; nhưng ở đây tôi không muốn bàn đến vấn đề đó, mà chỉ muốn ghi lại ít cảm nghĩ liên miên của tôi do một câu thơ của Tân Khí Tật gợi nên.

 

NƠI SINH TRƯỞNG: NGÕ PHẤT LỘC

 

Ngõ Phất Lộc, nơi tôi sinh cũng là một cái bất biến, nhưng thứ bất biến này có điểm khả ái: nó là di tích của một thời cổ, may mắn không bị tàn phá, nên tôi muốn ghi lại vài nét ở đây sợ một ngày kia, hai ba thế hệ nữa, nó cũng sẽ qua “như mây khói”.

 

Từ ngày nước nhà thống nhất đến nay, tôi chưa có dịp ra Hà Nội, nhưng theo các bạn tôi ở ngoài đó thì nó vẫn như hồi tôi còn đi học nửa thế kỉ trước.

 

Nằm sau lưng phố Bờ Sông (Quai du Commerce)[3], đầu trông ra Cột đồng hồ ở bờ Sông Nhị, đuôi trở ra phố hàng Mắm, ngõ Phất Lộc rất hẹp độ hai thước, dài non hai trăm thước, lát đá gồ ghề, chỉ có một dãy nhà nhìn ra phía sau một dãy nhà mới hơn, cao hơn ở sát ngay trước mặt. Đã không có gì đẹp mà lại bẩn thỉu nữa, chỉ có đặc điểm là cổ.

 

Nhà nào cũng xây cất có lẽ từ thời Tự Đức, thấp hơn mặt đường khoảng một thước - vì đường được đắp sau - và từ đường phải xuống ba bốn bực gạch mới vào được phòng ngoài. Thời xưa có vài nhà bằng lá, nhưng từ hồi tôi lớn lên thì nhà nào cũng bằng gạch. Nhà đa số hẹp, chỉ hai ba thước, và sâu có chỗ tới trên 30 thước. Đi ngoài đường nhìn vào thường thấy một căn phòng hun hút thấp kê một án thư với hai tràng kỉ hai bên, và một ông già ngồi với chiếc điếu thuốc lào mà xe điếu là một cần trúc uốn cong. Trước năm 1930 thỉnh thoảng còn thấp thoáng một thiếu nữ mảnh khảnh, trắng trẻo, xanh xao, ăn mặc theo lối cổ, tóc để đuôi gà, từ phía trong đi ra nhà ngoài rồi lại trở vào ngay. Những nhà đó vào hạng khá phong lưu, chủ nhân là một ông phán hay một ông đồ. Nhà nào cũng có sân nhỏ ở trong, trồng cây cảnh; tường hai bên xây thành từng bực đi xuống như cầu thang, tôi nhớ như chỉ có một nhà là có tường thấp phía trước, từ trong ló ra một ngọn cây đào, cây lựu hoặc khế, và khách qua đường không thể không ngừng bước trước cánh cửa đóng kín mà tưởng tượng vẻ yêu kiều, thướt tha của một hai thiếu nữ chơi với em nhỏ ở phía trong.

 

Ngõ có một ngôi đền kiến trúc sơ sài[4], cửa gỗ luôn luôn đóng, trên cửa là một mái nhỏ với một bầu rượu lớn ở giữa. Tôi chỉ vô đền có một hai lần thuở nhỏ, thấy sân khá rộng nhưng rất vắng, vắng cả bóng ông từ. Ông lủi thủi như một bóng ma, không ai thấy ông ra khỏi đền. Tôi không biết đền thờ ai mà quanh năm cơ hồ không có người đến lễ. Lạnh lẽo mà buồn, nên tụi nhỏ chúng tôi chỉ ghé mắt nhìn vào chỗ thờ phụng tối om om rồi chạy ra liền.

 

Hai căn nhà số 2 và số 4 ở đầu ngõ do cụ ngoại tôi cất trong đời Tự Đức (không rõ năm nào) có thể tiêu biểu cho những ngôi nhà cổ tương đối phong lưu ở Hà Nội. Mái ngói, tường gạch, rui, cột, xà đều bằng danh mộc, năm sáu chục năm không mọt. Ngôi nhà số 2 chiều ngang ba thước, chiều sâu 32 thước, ngoài đường bước vào là một căn bếp thấp hơn mặt đường ba bốn tấc, qua khỏi bếp, xuống ba bốn bực nữa, tới nhà trong thông thống từ trước tới sau, không ngăn thành từng phòng; có một sân nhỏ mỗi chiều chừng hai thước cho nhà khỏi tối; tiến vô sâu nữa, gặp một sân dài bốn thước và choán hết chiều ngang của nhà, sân đó có một bể con chứa nước. Gần cuối nhà có một khúc quẹo qua bên trái thuộc về nhà số 4, rộng hai thước rưỡi, sâu mười thước, gồm hai phòng 2,5x3 thước, cách nhau bằng một cái sân dài bốn thước.

 

Nhìn bản đồ[5], chúng ta thấy hai ngôi nhà thông với nhau bằng cửa A đó, thật là ngoắt ngoéo như một mê thất, không tiện cho người thường ở, mà rất tiện cho các nhà làm cách mạng. Trong cuốn Đông Kinh Nghĩa Thục tôi đã nói các bác tôi dùng căn nhà số 2 làm chỗ tiếp các đồng chí – Nói đôi khi vài nhà cách mạng Trung Hoa, và giấu các đồ quốc cấm: sách, báo, truyền đơn, súng lục. Mật thám của Pháp tới xét thì mới còn mò từng bước ở nhà ngoài, các cụ ở nhà trong đã kịp trốn hoặc chuyển đồ qua nhà số 4 bằng cửa C, xong rồi khóa trái cửa đó lại; từ nhà số 4 có thể leo tường qua nhà bên cạnh được. Nhưng trong thời các cụ hoạt động (1906-1910), mật thám không tới xét lần nào cả. Thời đó hai ngôi nhà của chúng tôi thật là nơi kín đáo, lí tưởng. Tôi nghe nói cuối năm 1946, đầu năm 1947, các nhà ở ngõ Phất Lộc đều đục tường thông với nhau để tự vệ quân dễ dàng lưu thông mà chống Pháp, sau cùng rút lui về phía cầu Long Biên, vượt sông Nhị, qua bên Gia Lâm.

 

TỔ QUÁN: LÀNG PHƯƠNG KHÊ

 

Tôi sinh trưởng ở Hà Nội, nhưng tổ quán ở Sơn Tây, phủ Quảng Oai, làng Phương Khê, nay là tỉnh Hà Sơn Bình (Hà Đông - Sơn Tây - Hòa Bình hợp lại), huyện Ba Vì, làng Phú Phương (Phương Khê với Phương Châu hợp lại)[6].

 

Phương Khê nằm trên hữu ngạn sông Hồng Hà, cách khoảng năm cây số về phía Bắc phủ lị Quảng Oai, và hai cây số về phía Nam bến đò Vân Sa, bến này đối diện với Việt Trì.

 

Sơn Tây là một tỉnh trung bình ở Bắc Việt, không giàu mà cũng không nghèo, từ xưa tới nay ít khi bị nạn đói như Thái Bình, Hưng Yên, vì dân tương đối thưa thớt. Phương Khê lại là một làng trung bình - có phần hơi nhỏ - trong tỉnh Sơn Tây; so với các làng chung quanh thì kém Vân Sa (nơi có tiểu công nghệ nuôi tằm, dệt tơ) và Phú Xuyên (nơi giàu có nhờ nhiều ruộng); nhưng lớn hơn làng Hạc Sơn (ít ruộng, dân đông).

 

Làng có một ngôi đình và một ngôi chùa nhỏ. Năm 1920 điền và thổ được hơn trăm mẫu ta (mỗi mẫu là 3.600 mét vuông), khoảng 30 héc ta; số đinh (trai tráng) độ 300; số gia đình (hộ) khoảng 200, như vậy mỗi gia đình trung bình 5 người được nửa mẫu ta (1.800 mét vuông). Họ Phùng lớn nhất được độ 200 đinh, rồi tới họ tôi, độ 60 đinh, còn những họ khác chỉ có từ 10 đến 30 đinh.

 

Ruộng phần lớn là ruộng mùa, phần nhỏ là chiêm. Ngoài lúa ra chỉ trồng ít khoai lang và đậu. Không có công trình thủy lợi, gặp lúc nắng hạn phải tát nước từ một lạch nhỏ, hẹp mà sâu, nhưng cạn, đưa lên thước rưỡi mới tới mặt ruộng.

 

Không có một tiểu công nghệ nào, không có chợ, không ai buôn bán gì; vườn lại ít, cho nên quanh năm gia đình nào cũng chỉ trông vào mấy thửa ruộng. Gia đình giàu nhất, làm tiên chỉ, chỉ có sáu mẫu ta (khoảng hai héc ta); có nào có được ba mẫu như gia đình ông bác tôi kể là đã có máu mặt. Nhà nào cũng có tháng phải ăn độn (ngô, khoai) kể cả hạng giàu nhất, chỉ trừ nhà bác tôi vì cụ có nghề dạy học, trước làm ông đồ, sau làm Hương sư, lương tháng năm 1930 là 10 đồng.

 

Về phong tục, làng tôi cũng có đủ những hủ tục và thói xấu như các làng khác ở Bắc Việt mà Ngô Tất Tố, Nam Cao, Tô Hoài, Trần Tiêu... tả trong các tiểu thuyết tiền chiến: cũng ham ngôi thứ, ham ăn uống những khi có việc làng, cũng cho vay nặng lãi, cũng phe đảng, lớn hiếp bé, cũng tranh giành nhau, gian lận từng tấc đất, tấc vườn, từng gầu nước, gốc lúa; cũng bạc ác giả dối, phản phúc, nhỏ nhen...(tôi nói số đông). Dân tộc nào, thời nào hễ nghèo đói thì cũng như vậy hết. Nhưng vì trong làng không có người giàu quá, cũng ít kẻ nghèo tới nỗi không có cái bát mẻ, cho nên những cái xấu xa kể trên so với các làng khác cũng vào mực trung. Không có kẻ hống hách quá, cũng không có kẻ hung tợn. Sự bóc lột, lừa gạt lẫn nhau không quá tàn nhẫn, trắng trợn.

 

Cả làng chỉ có bốn năm gia đình đi làm ăn nơi xa: hoặc xuống Hà Nội sinh sống như nhà tôi, hoặc lên Hoàng Xá, chợ Bờ (Hưng Hóa) buôn bán, làm rẫy. Những gia đình đó, tết nhất vẫn trở về làng, vẫn nộp thuế cho làng, nhưng không dự việc làng. Họ thường đủ ăn; vì ra ngoài biết nhiều hơn nên tổng lí nêu nể thì cũng không ăn hiếp họ.

 

Về văn học, làng tôi kém hai làng Phú Xuyên và Vân Sa, nhưng hơn mấy làng khác trong tổng, nhờ có gia đình tôi.

 

Từ giữa thế kỉ 18 đến đầu thế kỉ 20, làng tôi chỉ có mỗi một cụ Tú, tức ông nội tôi, và trong nửa đầu thế kỉ 20 cũng chỉ có một mình tôi tốt nghiệp đại học.

 

Về kiến trúc, Phương Khê chỉ có một ngôi đình, một ngôi chùa nhỏ hơi cổ, độ trăm năm và một từ chỉ thờ Khổng tử, cất giữa đồng sau khi ông nội tôi đậu tú tài; từ khi cụ mất, trong làng không còn ai là khoa bảng nữa, nên không cúng tế nữa, bỏ hoang. Vân Sa, Phú Xuyên có những kiến trúc lớn hơn, cổ hơn; nhất là làng Hạc Sơn, giáp làng tôi về phía bắc, có một ngôi đình nhỏ nhưng rất đẹp, cột, rui, mè chạm trổ rất khéo, được liệt vào hàng cổ tích đáng bảo tàng của Quốc gia.

 

Phong cảnh Phương Khê còn tầm thường hơn nữa. Con đê Hồng Hà từ phủ Quảng Oai lên Vân Sa, cắt đôi làng tôi: bên phải là bãi, ở phía ngoài đê, ruộng tốt nhưng năm nào tới tháng 7, mùa nước lớn cũng bị ngập nhiều hay ít, bên trái là đồng ở phía trong đê, ruộng trung bình không bị ngập. Tương truyền khoảng cuối thế kỉ 18, phía đồng có tới 72 cái gò, sau bị san bằng lần lần để làm ruộng, và khi tôi lớn lên chỉ còn năm sáu cái: cái lớn nhất, cao hơn mặt ruộng non một thước, dài vài 30 thước, rộng 7, 8 thước, bỏ hoang, gọi là gò Cá vì giống hình một con cá, đuôi hưởng về mộ tổ cụ Lê Anh Tuấn (1671-1736) ở làng Thanh Mai, giáp làng tôi về phía Tây. Cụ nổi tiếng thần đồng, đỗ tiến sĩ năm 1694, làm tới chức tham tụng thời Trịnh Cương, nhận Đoàn Thị Điểm (1705-1746) làm con nuôi vì thấy bà thông minh. Cụ rất thanh liêm, cương trực, văn thơ hay; nhưng sau bị Trịnh Giang hãm hại (có sách nói là buộc phải tự tử) vì khi Trịnh Cương muốn lựa Trịnh Giang làm thế tử, cụ biết Giang hoang dâm, tàn bạo, khuyên Trịnh Cương lựa người khác, Cương không nghe. Các nhà phong thủy (xưa gọi là địa lí) cho rằng tại kiểu đất mộ tổ của cụ tuy đẹp nhưng bị gò con Cá vẫy đuôi vào nên cụ hiển đạt nhưng bất đắc kì tử.

 

Ngoài gò đó ra, các gò khác chi cao hơn mặt ruộng 1, 2 tấc, dài năm ba thước như gò Mèo, nơi có mộ tổ chi chúng tôi.

 

Cả một cánh đồng dài, rộng mấy cây số mà không có một ngọn đồi, một cây cao như cây đa, cây gạo, toàn là ruộng lúa. Chỉ ở chân trời phía bắc có ngọn núi Hùng,  phía tây có dãy núi Lưới Liềm, dài mà thấp; và phía tây nam có núi Tản Viên, hết thảy đều cách xa làng tôi từ 15 đến 25 cây số, là làm cho phong cảnh bớt tẻ.

 

Núi Tản, cao nhất và đẹp nhất. Hình dáng, nhất là màu sắc lúc xám, lúc xanh nhạt, xanh đậm hoặc tím có sức thu hút tôi lạ lùng. Nó cũng có tên là Ba Vì, vì có ba ngọn núi nhọn, cao đều nhau; ngọn thứ ba ở phía bắc khuyết một mảnh, tương truyền là sau một lần sụp núi thời Lê mạt, báo hiệu một thời vận suy của dân tộc. Thật đáng tiếc, nếu không thì có lẽ không núi nào vừa thanh tú vừa hùng vĩ uy nghi như núi đó, Phú Sĩ sơn ở Nhật cũng không bằng được.

 

Tháng 6 âm lịch, trời Bắc Việt thường trong mà cơ hồ không lúc nào không có một đám mây trắng vắt ngang làm nổi bật màu xanh lam đậm của núi trên nền trời thanh thiên và trên một cánh đồng màu lá mạ. Đứng ở dưới gốc muỗm, tại cổng xóm, tôi nhìn thấy rõ mồn một những vạch trắng như những ô nhỏ hình chữ nhật, tức dãy nhà nghỉ mát trên núi. Thỉnh thoảng một đàn cò vẫy cánh bay qua đầu tôi, tiến về phía núi và tôi ao ước được như chúng.

 

Khi ánh tà dương đã tắt hẳn, núi đổi ra màu tím đen thì ở lưng núi hiện lên những đám lửa hồng chập chờn, nhấp nháy của người dân tộc đốt rừng làm rẫy; tôi tưởng đâu như một dạ hội của quần tiên, và núi lúc đó có vẻ huyền bí nhắc cho tôi huyền thoại thần Tản Viên từ mấy ngàn năm trước.

 

Ở Hà Nội, mỗi khi nhớ quê hương, tôi thường lựa một ngày trong sáng lên đường Cổ Ngư - nay là đường Thanh Niên - nhìn ngọn núi Tản sau làn nước nhấp nhô, bên kia Hồ Tây, phía làng Bưởi, nhưng ở đây nó kém cao mà màu kém tươi nhiều lắm.

 

Một cảnh nữa tôi cũng lưu luyến là cảnh sông Hồng ở bến đò Vân Sa qua Việt Trì.

 

Phải qua sông vào mùa nước đổ - tháng 6, tháng 7 âm lịch - mới thấy được sự bát ngát, hùng vĩ của núi sông. Chỗ ngã ba Bạch Hạc này - một nơi danh tiếng trong lịch sử - đã được Nguyễn Bá Lân (1701-1785), một ông nghè làng Cổ Đô làm thượng thư đời Lê, tả trong bài phú Nôm bất hủ “Ngã ba Hạc”:

 

-----(…) Xinh thay ngã ba Hạc; lạ thay ngã ba Hạc.

-----Dưới hợp một dòng; trên chia ba ngác.

-----Ngóc ngách khôn đo rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào;

-----Lênh lang dễ biết nông sâu, nước đen pha bạc.

-----(…)

 

Sông vào mùa lụt rộng mênh mông, có tới ba cây số, nước chảy băng băng và ta liên tưởng tới câu: “Đại giang đông khứ” của Tô Đông Pha. Chiếc thuyền thúng chỉ dài hai ba thước bập bồng tránh làn sóng không khác chi một cánh bèo. Phải ngược dòng một khúc xa rồi mới qua sông, có khi mất hai giờ mới tới bờ bên kia. Cây gạo cổ thụ trơ trọi, gốc lớn không biết mấy ôm, cùng với nhà cửa ở Việt Trì nhô lên lần lần.

 

Cảnh ở đây sao hợp với cảnh trước Phượng Hoàng đài ở Kim Lăng thế:

 

-----Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại,

-----Nhị thủy trung phân Bạch lộ châu.

----------------------------------------Lí Bạch

 

-----Ba non[7] rớt nửa ngoài trời biếc,

-----Hai nước chia đôi bãi Lộ[8] bồi.[9]

 

Cũng hai dòng nước: dòng sông Đà (quê hương Tản Đà ở trên bờ con sông này) nước trong veo và dòng sông Hồng cuồn cuộn nước đỏ như son, cũng một bãi cò trắng (bạch lộ), tức bãi Vân Sa chạy lên tới Chiểu Dương, nơi có một vườn vải danh tiếng nằm sát bờ sông, dài mấy cây số còn núi thì phía tây nam có ba ngọn núi Tản, phía bắc có ngọn núi Hùng. Kim Lăng là cố đô của Trung Hoa, thì đây trên bờ con sông Hồng này có làng Cổ Đô (không rõ là kinh đô thời nào), lại có huyện Bạch Hạc, xưa là đất Phong Châu, nơi Hùng Vương đóng đô. Nỗi hoài cổ của ta bát ngát như dòng sông.

 

Sông Hồng và núi Tản thật hùng vĩ xứng nhau, mà lại ở gần nhau như vậy thì dây chính là đất thiêng của dân tộc; tổ tiên ta lựa nơi đây làm nơi phát tích thì dòng giống tất trường cửu và uy hùng như sông núi.

 

Trường cửu thì nhất định là trường cửu, uy hùng thì đã có nhiều thời rất uy hùng, nhưng cho tới bây giờ, thời nào dân chúng cũng nghèo, nghèo quá. Năm 1930, làng tôi có khoảng 200 nóc nhà thì chỉ có độ mươi nhà ngói, còn toàn là nhà tranh vách đất.

 

Nhà thờ của chi chúng tôi do cụ tổ bốn đời của tôi cất vào thời 1840-1850, có thể tiêu biểu cho những ngôi nhà gọi là phong lưu ở nông thôn Bắc Việt thời Tiền chiến, nên tôi cũng ghi lại dưới đây vài nét.

 

Cũng vẫn là kiểu nhà ba gian hai chái rất thông dụng, chỉ khác mái ngói, tường gạch dày 10 phân. Ba gian ở giữa thông với nhau, không có vách ngăn, mỗi gian rộng hai thước, sâu năm thước, gian giữa là bàn thờ, hai gian bên kê giường, án thư, với bốn chiếc ghế dựa, và một cái hòm (rương) lớn, cao để chứa những đồ vật hơi có giá. Hai chái hai bên hẹp hơn, chỉ độ một thước rưỡi, một chái là phòng của đàn bà, một chái dùng làm kho chứa thực phẩm. Hai chái đó có vách gỗ ngăn cách với ba gian giữa. Không có cửa sổ. Phía ngoài hiên rộng khoảng thước rưỡi, kê được hai bộ phản, một ở giữa làm chỗ dạy học và tiếp khách, một ở bên trái làm chỗ ăn; bên phải dựng một bồ lúa. Một dãy cửa gỗ ngăn cách hiên với các gian, chái.

 

Hai bên nhà, cách đầu nhà độ vài thước là hai căn nhà lá nhỏ, một ở bên trái làm bếp, một ở bên phải làm phòng khách. Cối xay lúa đặt ở trong bếp, cối giã gạo đặt ở bên hông bếp.

 

Cả nhà lẫn vườn, rộng non hai sào (mỗi sào 360 thước vuông).

 

Hai sào nhà, vườn đó với ba mẫu ruộng là sản nghiệp các cụ tôi xây dựng trong khoảng một trăm năm, ba đời liên tiếp; vậy mà khi suy, sau ngày bác Hai tôi mất thì chỉ trong mười năm, hai người con trai lớn bán hết, không chừa một chút gì. Việc này tôi sẽ kể kĩ hơn trong một chương khác.


[1] Đổi ra bát tự, bốn can bốn chi để lấy số Tử bình hay Hà Lạc thì tôi sinh năm Tân Hợi, tháng Tân Sửu, ngày Quí Mùi, giờ Tân Dậu.

[2] Trong phần này tôi tính theo tuổi ta, vì tôi sinh gần cuối năm âm âm lịch.

[3] Có tài liệu ghi là phố Quai de Commerce : Kè Thương mại. (Goldfish).

[4] Trong bài Tâm tình học giả Nguyễn Hiến Lê, Lê Phương Chi ghi lại lời của cụ Nguyễn Hiến Lê giải thích về chữ Đình (trong tên hiệu Lộc Đình) như sau: “Bên ngoài, trên đường bờ Bờ Sông, gần ngõ Phất Lộc còn có một cái đình không biết thờ vị thần nào mà kiến trúc rất đơn sơ”. Vậy đình này ở trong ngõ hay ở ngoài ngõ Phất Lộc? (Goldfish). 

[5] Trong sách không thấy in bản đồ. (Goldfish).

[6] Nay là xã Phú Phương, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. (Goldfish)

[7] Trỏ dãy núi phía nam thành Nam Kinh.

[8] Tên một bải nay trong thành Nam Kinh.

[9] Hai câu thơ dịch này là của Vô Danh, tức của cụ Phương Sơn (theo Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học sử Trung Quốc, Nxb Trẻ, năm1997 - về sau gọi tắt là ĐCVHSTQ, trang 337). (Goldfish).