Hồi ký Nguyễn Hiến Lê

Lời nói đầu

Năm 1935, hồi mới vào đời, làm ở Sở Thủy lợi Nam Việt, những lúc lênh đênh trên kinh rạch miền Hậu Giang, nhớ mặt nước xanh rêu của Hồ Gươm, con đê thăm thẳm của sông Nhị, tôi viết hồi kí, chép lại những hình ảnh của người thân, những vui buồn của tuổi thơ và tuổi niên thiếu. Viết được khoảng sáu trăm trang vở học trò, không có ý in thành sách mà chỉ để vài người thân đọc. Tập đó còn lại được vài trăm trang, gần đây đọc lại, không có gì đáng giữ. Năm nay, 1980, gần tới lúc cuối đời; thực hiện xong chương trình biên khảo về triết học Trung Hoa thời Tiên Tần - tập cuối cùng: Kinh Dịch, Đạo của người quân tử, hoàn thành năm ngoái - cũng trong cảnh xa quê và người thân như 45 năm trước, tôi lại viết hồi kí, cũng không có ý in thành sách mà chỉ để cho vài người thân đọc. Viết lần này không say mê như lần trước, mà tôi chắc cũng không có gì đáng lưu lại. Để qua những dư niên, thế thôi.

 

Chép sử, dù có tinh thần khách quan, khoa học tới mấy, dù tra cứu được đủ tài liệu, dù đích thân được sống thời đại mình chép, thì cũng không sao ghi đúng được sự thật. Chỉ có loại sử biên niên chép những biến cố, những việc lớn xảy ra từng năm từng tháng, sắp đặt theo thứ tự thời gian mà không thêm bớt gì hết, nhất là không phê bình hoặc ghi cảm tưởng của mình hay của người trước, chỉ có loại đó là không sai, nhưng nó lại câm, không cho ta biết chút gì về dân tình, không khí của thời đại, như vậy đâu phải là sự thật! Vì người chép không thể nào ghi hết mọi việc được, tất phải lựa chọn, bỏ bớt, và nội công việc đó cũng có tính cách chủ quan ít nhiều rồi. Cho nên tôi nghĩ không có gì là sự thật thuần túy cả.

 

Chép hồi kí về đời mình, lại càng dễ bị nhiều người chê là chỉ nêu những cái hay của mình mà giấu những cái xấu; ngay khi tự vạch những cái xấu của mình ra thì nếu không phái do lòng tự cao, cũng là để tự biện hộ. Dù là tập Confessions của J.J. Rousseau hay tập Autobiography của Bertrand Russel thì cũng chỉ đáng tin một phần nào thôi.

 

Tôi lại nhận thấy bây giờ chép lại tuổi thơ và thiếu niên, tôi bỏ đi gần hết nhũng điều tôi đã chép năm 1935; mà tập tôi mới viết xong đây nếu chép từ năm 1974, đầu năm 1975, thì nội dung tất khác bây giờ nhiều; nếu trái lại tôi được sống đến năm 1985-90, và lúc đó mới chép thì nội dung cũng lại khác, có thể khác xa nữa.

 

Tôi đã ghi một số biến cố, một số tình cảm, suy tư của tôi lúc này về một số việc xảy ra trong đời tôi mà tôi đã được nghe hoặc thấy. Có nhiều chỗ tôi đã vô tình chép sai sự thật, hoặc bỏ sót, điều đó không sao tránh được, lỗi ở kí tính con người: nó bị tình cảm sai khiến; lại thêm ở tuổi 70 như tôi, nó suy giảm nhiều rồi.

 

Một đời người 70 năm dài thật chứ! Có bao nhiêu việc tưởng như ngẫu nhiên mà xét cho kĩ thì đều có ý nghĩa như đã được an bài từ trước để mỗi người đóng cho xong vai trò của mình.

 

Ngày nay, ôn lại dĩ vãng, tôi thấy ngoài hai đấng sinh thành ra tôi, và bà ngoại tôi; còn ba bốn vị nữa tiếp tay nhau dắt dẫn cho tới khi tôi thành người, cứ vị này xong thì lại giao cho vị khác. Ra đời rồi, tôi được hai người bạn cùng chia xẻ những khổ vui, thành bại với tôi; lại giúp mọi việc nhà cho, để tôi có thể đem tất cả tâm trí vào việc trứ tác.

 

Hai hạng người trên đều ảnh hưởng rất lớn đến đời tôi, đều là ân nhân của tôi. Tiếng ân nhân này tôi thấy nhẹ quá, vì ân nhân hàm cái nghĩa là người khác với mình, còn những người thân của tôi đó đều tạo nên tôi, là một phần của tôi.

 

Ngoài ra, tôi lại may mắn gặp được khoảng một chục bạn cùng đi một quãng đường dài hay ngắn với tôi, hợp tác với tôi mỗi người một cách; và một số khá đông bạn bốn phương kẻ xa người gần; nhiều người tôi không biết mặt mà cũng không biết cả tên, nhưng hết thảy đều theo dõi con đường của tôi, gợi ý cho tôi hoặc khuyến khích tôi, khiến tôi vững bước - cái duyên đó, duyên văn tự, thật bất ngờ mà thích thú, không bao giờ tôi quên được.

 

Tính sổ đời, tôi chỉ mừng rằng đã không làm gì khiến các bậc trưởng thượng của tôi phải xấu hổ và các bạn của tôi phải thất vọng.

 

Long Xuyên, ngày 12 tháng 9 năm 1980

(Mùng 4 tháng 8 năm Canh Thân)

(Ngày giỗ ông Nội tôi)