Trong một tác phẩm (cuốn Tự học để thành công, sau đổi là Tự học, một nhu cầu của thời đại), tôi đã nói được học chữ Hán với bác tôi trong ba vụ hè. Nay nhớ lại thì chỉ đáng kể là hai thôi: hè 1928 và 1929; còn hè 1930, tôi mới về Phương Khê được độ mươi bữa, học chưa được một tuần, thì một người em cháu cô cháu cậu tôi, Đỗ Bàng, ở Hà Nội lên Phương Khê mời bác tôi xuống Hà Nội có việc gấp. Thế là sáng hôm sau bác tôi, Đỗ Bàng và tôi đều rời Phương Khê.
Tới nhà tôi mới hay rằng bà ngoại tôi ba đêm trước trúng phong té xỉu. Mẹ tôi khiêng người vào, đánh gió, đổ nước gừng vào miệng, người mở mắt, nhưng cấm khẩu, toàn thân tê liệt, không cử động được nữa. Chắc bà bị đứt mạch máu. Vậy là mẹ tôi đã nhờ anh Bàng - Bàng tuy vai em nhưng lớn tuổi hơn, nên tôi gọi là anh - về Phương Khê báo cho bác tôi hay, nhưng bác tôi giấu tin đó.
May tôi về kịp để săn sóc người được một ngày trước khi người mất, năm đó người trên sáu mươi. “Đi” mau như vậy, không đau đớn gì cả, thực là một cái phước cho người. Bệnh đó có khi kéo dài hàng năm; nếu là bán thân bất toại thì có người chịu cực hình cả chục năm.
Thế là trong mười năm tôi mất hai người thân: cha tôi năm 1920 (Canh Thân), bà tôi năm 1930 (Canh Ngọ).
Trong nhà chỉ còn bốn anh em (mẹ tôi vẫn đi buôn bán suốt ngày); em gái lớn của tôi 15 tuổi, thay bà tôi lo việc cơm nước được rồi, em gái út 12 tuổi cũng đã giúp được việc nhà.
Chôn cất bà tôi xong, tôi ở lại Hà Nội, bỏ học chữ Hán.
Nghỉ hè năm sau, 1931, lo thi vào trường Cao đẳng Công chánh, tôi cũng không học chữ Hán, chỉ về quê thăm bác tôi mươi bữa, nửa tháng. Mấy năm sau vì bác tôi yếu, rồi mất (1933) nên tôi không học thêm được gì, mãi đến năm 1934, ở trường Công chánh ra tôi mới tự học lại.
MỘT GIA ĐÌNH CÁCH MẠNG: HỌ ĐỖ Ở THỊNH HÀO
Ở trên tôi đã nhắc đến Đỗ Bàng. Anh là cháu nội cụ Đỗ Uẩn, anh rể ông nội tôi, là con trai út của Đỗ Cơ Quang (tức Đỗ Chân Thiết) mà trong Đông Kinh nghĩa thục tôi gọi là chú Ba Đỗ.
Ông nội tôi có một bà chị và một bà em, cùng lấy một chồng, cụ Đỗ Uẩn. Chú Ba Đỗ tôi là con bà thứ. Chú cưới vợ ở hàng Bạc, nhà có của, làm nghề kim hoàn. Chú ở trong Đông Kinh nghĩa thục như các bác, thuộc nhóm bạo động như bác Cả tôi, cũng qua Trung Hoa liên lạc với cụ Sào Nam, vô Việt Nam Quang Phục hội, phụ trách cơ sở Vân Nam, chở tạc đạn về nước, tổ chức vụ liệng tạc đạn vào khách sạn Coq d'or ở Hà Nội ngày 26-4-1913, bị bắt và xử tử với một số đồng chí năm 1914.
Chú để lại vợ góa và bốn con: Xương con trai cả, tư cách tầm thường, rồi tới hai gái - mà tôi chỉ nhớ tên người chị là Đỗ Thị Tâm – và người con trai út, Đỗ Bàng. Hai chị em (Tâm và Bàng) mưu sinh bằng nghề kim hoàn, đều nối chí cha, làm cách mạng, gia nhập Việt Nam Quốc Dân đảng.
Đỗ Bàng nhỏ người, miệng tươi, hoạt bát, có vẻ nho nhã - mặc quốc phục, chít khăn, áo dài thâm, đi giày - ít học, chữ Hán và chữ Pháp chưa đủ để đọc sách, nhưng kiến thức khá. Tính tình nhã nhận, tận tâm nhất là gan dạ. Làm liên lạc viên cho đảng; nhiệm vụ chính mà tôi đoán được - vì tôi không tò mò hỏi, mà Bàng cũng kín tiếng - là đưa các đồng chí qua Trung Hoa bằng con đường xe lửa Hà Nội - Vân Nam.
Những năm 1929, 1930, hai anh em tôi vì tính tình hợp nhau nên thường gặp nhau, hoặc ở nhà tôi - ngõ Phất Lộc - hoặc ở nhà Bàng tại làng Thịnh Hào, hoặc trong nhà một bà chị của cụ Chân Thiết - chồng là ông cả Kiên[1], cũng hi sinh cho tổ quốc - ở làng Hạ Đình.
Một buổi xế trưa mùa hè năm 1929, tôi ngạc nhiên thấy Bàng dắt vào nhà bác tôi ở Phương Khê một anh bạn học cùng lớp với tôi ở trường Bưởi, anh Nghiêm, cải trang làm thợ nề có đại tang. Chúng tôi ra bờ đê nói chuyện, sáng hôm sau họ dậy sớm qua Việt Trì để đáp xe lửa lên Lào Cai.
Trong lớp tôi, hồi đó còn một anh nữa, tên là Thiều, nhỏ người, thông minh, học lơ mơ mà cũng vào hạng trên trung bình, ít nói, hay mỉm cười bí mật, bỗng nhiên thôi học, và mùa xuân 1930 tôi thấy anh đứng soát vé ở ga xe lửa Việt Trì. Chúng tôi chỉ nhìn nhau, khẽ mỉm cười. Tôi hiểu rồi: anh thôi học để làm cách mạng và lãnh nhiệm vụ đưa đón các đồng chí từ trong nước qua Trung Hoa hoặc từ Trung Hoa về. Việt Trì là một trạm liên lạc quan trọng của đảng.
Hồi đó chắc Bàng muốn tôi vô đảng lắm, nhưng biết mẹ tôi chỉ trông vào tôi, cái trụ chính tương lai trong nhà, nên không thúc tôi và tôi chỉ làm một cảm tình viên ở ngoài thôi.
Sau vụ Yên Bái (1930), Đỗ Thị Tâm bị bắt ở phố hàng Bột (Hà Nội), giam ở Hỏa Lò. Muốn khỏi bị tra khảo, chị lấy dải yếm thồn vô họng cho nghẹt thở mà chết. Tôi nhớ ngày đó là một ngày rằm, có lẽ vào tháng bảy âm lịch, anh Bàng sáng sớm lại nhà tôi, vẻ lo lắng, cho tôi hay tin đó và bảo tôi đốt tất cả những gì liên quan đến anh. Mấy tháng trước đã có một người em họ bên ngoại cho tôi hay đừng nên tiếp Bàng ở nhà nữa.
Hai năm sau, 1932, Bàng cũng bị bắt trong một nhà ở phố hàng Bông (gần cây đa cửa Quyền), trước ngày định trốn qua Trung Hoa, rồi bị đánh chết trong sà lim Hà Nội.
Một nhà mà ba cha con hi sinh cho cách mạng, thực không kém nhà họ Lương (Lương văn Can, thục trưởng Đông kinh nghĩa thục) ở phố hàng Đào (coi Đông kinh nghĩa thục). Gia đình tôi không bằng.
Hồi đầu thế kỉ, nhà Nho nào làm cách mạng thì chẳng những hi sinh thân mình mà còn hi sinh vợ con, cả dòng dõi nữa cho nước. Sau khi tiếng súng đã im hẳn ở Bãi Sậy (1897), Nguyễn Thiện Thuật phải lèn qua Trung Hoa; rồi Đề Thám phải tạm hòa giải với Pháp, lập ấp ở gần Nhã Nam để hai năm sau ra hàng ở Nhã Nam, công việc bình định của Pháp kể như đã kết liễu, thế của họ ở Việt Nam rất vững; lúc đó mà làm cách mạng thì mười phần chắc thất bại cả mười, và cụ nào lẻn ra nước ngoài thì gia đình kể như chết rồi; các cụ bà tự coi như người “vị vong” – tức quả phụ - tự lo lấy việc nuôi con, dạy con, cốt sao cho con giữ được phần nào chí khí của cha, chứ không thể cho học hành đến nơi đến chốn được.
Hai trường hợp điển hình là trường hợp cụ bà Phan Sào
Đây là lời cụ bà Sào
Còn cụ Nguyễn Quang Diêu, sau mười mấy năm xa quê, qua Hương Cảng, bị bắt giam ở Hà Nội, bị đày qua Guyane (Nam Mĩ) rồi vượt ngục trốn qua đảo Trinidad, trở về Trung Hoa, lẻn về Sa Đéc nhắn vợ ở Cao Lãnh ra để gặp mặt ở nhà cụ Võ Hoành[2] cũng chỉ bảo vợ: “Tôi tưởng bỏ thân nơi đất lạ, nay may mà được về đây, mừng rỡ gặp nhau như vầy cũng là quí lắm rồi. Thôi bà trở về lo lắng nuôi con, còn phần tôi bao giờ việc nước chưa xong thì chắc tôi chưa sum vầy với gia đình được”[3].
Vợ bị hi sinh như vậy mà con không được học hành: con cụ Phan cũng như con cụ Nguyễn chỉ biết ít chữ Nho và (vần) Quốc ngữ, rồi làm ruộng giúp mẹ; cho nên các gia đình cách mạng đều nghèo, mỗi ngày mỗi suy, không giữ được chút tinh anh của ông cha nữa, thành bần dân vô học như gia đình nông dân[4]. Thật chua xót.
Nghĩ vậy, tôi thấy bác Cả tôi rất sáng suốt: đã tính làm cách mạng nên không chịu lập gia đình, sau khi ông nội tôi mất, lẻn qua Trung Hoa và từ đó không cho các em biết tung tích của mình nữa; trước khi đi, bác tôi lại phân công: bốn anh em thì hai người làm cách mạng (bác Cả và bác Ba tôi), còn hai người ở lại thờ phụng tổ tiên bên nội, bên ngoại, dạy dỗ con cái, giữ truyền thống của nhà (Bác Hai tôi và cha tôi).
HỌC GIỎI MÀ LẠI RỚT
Tôi nhận thấy sự học của tôi - mà tôi đoán đa số học sinh cũng vậy - muốn cho tiến phát, cần hai điều kiện: có sức khỏe dồi dào và gặp những giáo sư mình quí mến, khuyến khích, thúc đẩy mình học.
Hai niên khóa cuối 1929-1930, 1930-1931, ở ban Cao đẳng tiểu học (sau đổi là ban Trung học đệ nhất cấp) tôi có đủ hai điều kiện trên nên sự học của tôi vượt lên đều đều. Giáo sư các môn quan trọng nhất là Pháp văn: thầy Dương Quảng Hàm mà tôi đã nhắc ở trên; Toán: thầy Vũ Tiến Sáu rất nghiêm khắc (học sinh nào dở cũng nơm nớp lo sợ trước khi vào lớp) nhưng giảng bài rõ ràng, kiểm soát chặt chẽ sự học của chúng tôi và ra nhiều bài tập về nhà làm, cho nên hạng giỏi, có khiếu về toán, học thầy rất có lợi; Lí Hóa: thầy Vũ Lai Chương, giảng bài rành mạch, bài gọn, cho nên cuối giờ một anh bạn tôi và tôi gần như thuộc rồi, về nhà không phải học nhiều. Luân lí là một môn phụ, nhưng năm thứ tư, nhờ giáo sư Foulon, tôi biết được kha khá và có dịp tập tiếng Pháp cho trôi chảy. Các môn đó tôi đều nhất hoặc nhì (Toán), các môn khác cũng vậy, chỉ có một hai môn đứng hạng ba.
Nhà ở xa trường, mỗi ngày bốn lượt đi về, mất khoảng ba giờ rồi, thì giờ còn lại ít, nhưng tôi khéo tổ chức việc học, nên học đều đều, dễ dàng, không phải thức khuya, dậy sớm, không phải “piocher” (cuốc) như người Pháp nói mà cuối năm cũng được giải thưởng nhất (Prix d'Excellence), lại nhà hát Tây để lãnh như năm cuối ở tiểu học.
Nhưng hai lần đều xui xẻo kì dị: lần trước nhất lớp mà thi vào trường Bưởi rớt vì môn chánh tả; lần này nhất lớp mà rớt bằng cấp Cao đẳng tiểu học cũng chỉ vì môn chánh tả.
Năm đó, tôi thi xong môn chánh tả buổi sáng, tin chắc là rất ít lỗi, mà qua được môn đó, tôi sẽ đậu. Buổi chiều bỗng có tin đầu bài bị tiết lộ nên bỏ, sáng hôm sau thi lại (Nghe nói kẻ tiết lộ đầu bài là một học sinh ban Tú tài bản xứ trường Bưởi, được Thống sứ Bắc Kì yêu vì giỏi Pháp văn).
Ai cũng bực mình, từ giám khảo đến thi sinh vì phải mất thêm một ngày nữa. Nữ giáo sư Pháp, giám khảo phòng tôi tỏ vẻ quạu quọ, đứng một chỗ ở đầu phòng, đọc bài chánh tả cho chúng tôi viết một cách vội vàng, nhanh quá, chúng tôi nghe không ra; cả phòng ngơ ngác mà không được phép xin giám khảo đọc lại cho rõ ràng. Khóa đó phòng tôi rớt oan về chánh tả rất nhiều.
Tôi oán cách người Pháp dùng môn chánh tả để loại thí sinh. Cách đó vô lí, tàn nhẫn. Một người đứng yên một chỗ đọc (lệ trường thi như vậy?), không có người thứ nhì đứng ở cuối phòng đọc lại cho, thì chỉ những thí sinh ngồi ở gần nghe rõ, ngồi ở xa tất bị thiệt thòi nhiều. Rồi cái lệ nghe không rõ mà không được phép xin giám khảo đọc lại cho, thì như vậy đâu còn là môn chánh tả, chỉ là môn nghe; thí sinh tai hơi nặng, hoặc ít được học giáo sư Pháp thì phần rớt gần như chắc chắn. Mà rớt môn chánh tả thì những môn khác đáng được bình, ưu cũng không chấm.
Hình như từ sau thế chiến vừa rồi, ở Pháp người ta đã bỏ môn chánh tả trong hết thảy các kì thi lấy bằng cấp[5] ngay cả ở tiểu học (?). Một lối thi cử vô lí như vậy mà các nhà giáo dục Pháp duy trì từ thời Napoléon I một thế kỉ rưỡi, thì ta cũng đừng nên quá chê người Trung Hoa thời xưa dùng lối văn tám vế để lựa nhân tài. Nhưng ở Pháp ngày nay người ta lại mắc cái tệ ngược lại: vì trường học coi thường môn chánh tả nên học sinh lên Trung học đệ nhất cấp viết sai chánh tả còn hơn học sinh lớp sáu hồi xưa nữa.
Rớt lần này, tôi không buồn như lần thi vào trường Bưởi, vì bất quá chỉ chậm hai tháng (chứ không đến nỗi thiệt cả một năm) và tôi chắc chắn khóa nhì thế nào tôi cũng đậu.
Tôi nhớ năm đó (1931) là năm cuối cùng các trường Cao đẳng Hà Nội (đại học duy nhất ở Đông Dương thuộc Pháp - Indochine française - chung cho Việt
Vì nhà nghèo, tôi không muốn học ban tú tài bản xứ, nên xin thi vào trường Công chánh. Tôi hỏi thăm chương trình thi: chỉ có ba môn: Luận, Pháp văn, Toán (như chương trình Cao đẳng tiểu học) và vẽ Công chánh. Môn vẽ này rất dễ: dùng tire-ligne và compas, mực Tàu vẽ những đường thẳng và cong sao cho nét đều, nhỏ; rồi tô màu cho nhạt và đều, không loang lỗ, sau cùng kẻ chữ.
Tôi nộp đơn thi, nhờ một anh bạn thí sinh chỉ cho môn vẽ, chỉ vài lần là biết, tập độ sáu, bảy lần là thạo. Còn việc học ôn chương trình thì để đến nửa tháng trước kì thi coi lại là đủ.
Chuẩn bị xong rồi, tôi về Phương Khê nghỉ ngơi độ một tuần, rồi lên làng Xuân Lũng thăm hai anh bạn học, để rủ nhau đi thăm đền Hùng Vương. Tôi tính đi độ 5, 6 ngày, chỉ mang theo một bộ áo cánh (tức bộ bà ba trong Nam) gói trong một tờ báo cũ rồi lên bến đò Vân Sa qua Việt Trì. Ước gì bây giờ tôi cũng sống giản dị được như vậy.
THĂM ĐỀN HÙNG
Làng Xuân Lũng ở gần con đường xe lửa Việt Trì - Phú Thọ, cách Việt Trì độ 15 cây số, cách đền Hùng độ 7, 8 cây số, có tiếng về văn học; mấy năm trước 1930 có một tổ chức của Việt Nam Quốc Dân đảng, chế tạo bom cho đảng. Lần đầu tiên tôi được thấy cảnh đồi trùng trùng điệp điệp của miền trung du Bắc Việt, trên ngọn là mấy cây chẩu (có hột để ép dầu), thân thẳng như cây cau, cao sáu bảy thước, tàn xòe như cánh quạt, che một mái miếu cổ, dưới chân là một thung lũng nhỏ trồng lúa. Có vài ngọn đồi trồng đầy chè xanh, làm cho tôi nhớ câu hát của các thôn nữ quê tôi:
Rủ nhau lên núi hái chè,
Hái dăm ba lá xuống khe ta ngồi.
Tôi thích cảnh Xuân Lũng vì địa hình thay đổi, nhà cửa thưa thớt, có những đường mòn quanh co đưa lên đồi, xuống bờ ruộng hay bờ đầm, và có nhiều giếng nước trong mát.
Con đường từ Xuân Lũng tới núi Tổ (núi Hùng) trải đá, rất vắng, rất sạch, đi cả cây số mới gặp một bóng người. Đường uốn khúc trong đám rừng và các đồi chè, dứa, trên ngọn có căn nhà lá của người giữ trại. Trái thị chín vàng trên cây, không khí thơm thoang thoảng. Tiếng bìm bịp khắc khoải làm cho cảnh càng thêm tĩnh và buồn.
Tới một khúc quẹo, ngọn núi Hùng âm u hiện lên, sừng sững trước mặt chúng tôi, cao và thanh tú hơn các ngọn chung quanh, tôi hồi hộp như nghẹt thở. Đường dốc, tôi vừa bước vừa ngẩng lên nhìn cửa tam quan và cứ mỗi bước, núi càng dâng cao lên nền trời xanh, cánh thật uy nghi. Núi có tên là Nghĩa Lĩnh, thuộc thôn Cổ Tích, phủ Lâm Thao, dân trong vùng thường gọi là núi Đền.
Có khoảng 300 bực xây đưa lên đỉnh. Chúng tôi thăm đền Hạ, cũng gọi là đền Giếng, thờ hai bà công chúa, con một vua Hùng; nghỉ ở tam quan đền Trung, đây có một tấm bia nhắc lại lịch sử các vua Hùng; sau cùng lên đền Thượng thờ 18 đức Hùng Vương, phía trước có bức hoành phi lớn khắc bốn chữ “Nam Việt Triệu Tổ”[6], nét rất hùng kính.
Sau đền có một cái tháp, không có vẻ cổ kính, gọi là Lăng Tổ; tại đây nhìn qua cành lá thấy loang loáng ở xa xa, dòng nước Ngã ba Bạch Hạc. Cái khu mấy chục cây số từ núi Hùng tới Bạch Hạc này gợi cho chúng ta biết bao cố sự, lòng hoài cảm của tôi dào dạt.
Cuộc thăm mộ Tổ này tôi đã chép kĩ trong tập Con đường thiên lí[7].
Ở chơi Xuân Lũng ba ngày, tôi trở về Phương Khê để xuống Hà Nội chuẩn bị thi vào trường Công chánh trước, rồi sau thi kì II bằng Cao đẳng tiểu học.
ĐẬU VÀO TRƯỜNG CÔNG CHÁNH
Có ba trung tâm thi vào trường Công chánh cùng một ngày, cùng bài thi: Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Trung tâm Hà Nội có hơn hai chục thí sinh, Huế và Sài Gòn chắc ít hơn. Ba môn viết thi một ngày rưỡi thì xong, không có vấn đáp. Bài thi ở Huế và Sài Gòn gởi ra Hà Nội chấm.
Tuyển mười bảy người. Trường Bưởi, ngoài tôi ra còn hai bạn cùng khóa với tôi cũng dự thi, anh Đỗ Văn Hách và một anh nữa tên Long.
Độ nửa tháng sau, thi bằng Cao đẳng tiểu học, hồi đó gọi là bằng Thành chung, tôi đậu hạng bình thứ[8], thêm chứng chỉ chữ Hán. Giám khảo môn đó là cụ Bùi Kỷ. Cụ bảo tôi viết chữ phụng 奉 là dâng. Tôi viết lên bảng, cụ và thầy Dương Quảng Hàm cùng mỉm cười, cho tôi ra. Tôi tưởng đâu phải đọc một đoạn sách rồi dịch nghĩa chứ.
Đậu bằng cấp đó rồi, ít ngày sau đi coi bảng, lại đậu vào trường Công chánh nữa. Ngày đó là một trong những ngày vui nhất của tôi, tôi đã ghi trong tập Cháu bà nội, tội bà ngoại, như sau:
“Hôm đó vào đầu mùa thu, tôi đi coi bảng từ buổi sáng, thấy đậu vô trường Cao đẳng Công chánh, về nhà không báo tin cho ai cả, ngong ngóng đợi tối, mẹ tôi về. Khoảng tám giờ tối, tôi đương nằm ở giường đọc sách thì nghe thấy mẹ tôi gọi từ ngoài của:
- Trong nhà có đứa nào không; ra tiếp tay cho tao này.
Tôi nhảy phắt xuống đất, chạy ra, vừa thấy mẹ tôi, tôi thưa ngay:
- Con đỗ vào trường Công chánh rồi mẹ ạ. Đỗ đầu, được học bổng.
Mẹ tôi cười rất tươi:
- Giỏi nhỉ.
Rồi hai mẹ con cùng nhau khiêng thúng gạo vào. Tới phòng, đặt thúng xuống, tôi bảo:
- Giá còn bà thì bà mừng lắm.
Mẹ tôi thở dài, hai mẹ con ngồi yên lặng một chút rồi người hỏi tôi:
- Có phải sắm sửa gì vào trường không?
Mười một năm cực khổ nuôi tôi từ khi cha tôi mất, bây giờ người mới được thấy tôi không phụ lòng người, mẹ tôi được hãnh diện một chút với họ hàng bên nội, bên ngoại, và thấy nhẹ mình vì từ nay có thể khỏi nuôi tôi nữa: tôi được ăn ở trong trường, mỗi tháng lại được lãnh sáu đồng rưỡi để tiêu vặt (trước kia là tám đồng, vì đương thời khủng hoảng kinh tế, nên rút xuống)”.
Tôi về Phương Khê chơi ít bữa trước khi vô trường; viết thư báo tin cho bác Ba tôi ở trong Nam, bác thưởng tôi ba chục đồng để tôi mua viết máy, đồng hồ, giày, may một cái áo vừa đi mưa, vừa chống lạnh. Hè năm sau nhờ để dành học bổng, tôi may được một bộ đồ Tây duy nhất, thứ rẻ tiền.
[1] Ông Kiên là cháu nội cụ nghè Lê Đình Duyên, thầy học của ông nội tôi mà tôi đã nói ở trên.
[2] Trong Đông Kinh nghĩa thục, cụ bị an trí ở Sa Đéc, làm Đông y sĩ.
[3] Trong cuốn Nguyễn Quang Diêu của Nguyễn Văn Hầu (Xây dựng – 1961)
[4] Gia đình cụ Võ Hoành về sau cũng vậy, phiêu tán hết, chỉ còn một người con trai làm thợ nề ở Sài Gòn, nghèo mạt.
[5] Người ta chấm bài luận văn của thí sinh mà biết được có dốt chánh tả quá không, dốt quá thì có thể bị rút đi ít điểm.
[6] Sách in là: “Việt Nam Triệu Tổ”. (Goldfish)
[7] Nxb Long An, 1990 (BT).
[8] Cao nhất là hạng ưu (mention très bien), kế đến là hạng bình (mention bien), rồi bình thứ (mention assez bien), thấp nhất là thứ (mention satisfaisante). (Goldfish)