Hồi ký Nguyễn Hiến Lê

Chương 7

BA HẠNG DÂN: GIÀU, TRUNG LƯU, NGHÈO

 

Tôi rất tiếc không được biết nhiều về đời sống dân làng tôi, vì mỗi năm chỉ về quê chơi trong bảy ngày Tết và hai năm đầu ở trung học, được sống thêm ở làng tháng rưỡi hay hai tháng trong dịp hè nữa. Đã vậy, gia đình tôi không phải là gia đình nông dân, lối sống hơi cách biệt với dân làng, nên tôi chỉ thấy được bề ngoài của họ thôi.

 

Người giàu nhất trong làng tôi, họ Phùng, có một ngôi nhà ngói đại khái cũng như nhà tôi, và sáu mẫu ruộng. Ông ta trước làm ruộng, có hồi làm lí trưởng, có uy tín, được bầu làm tiên chỉ. Chức này như chức cố vấn, có danh chứ không có quyền. Tôi không biết ông ta, nghe nói không hống hách gì mấy, rất có tinh thần gia tộc, bênh vực người trong họ, muốn rằng họ ông luôn luôn mạnh nhất trong làng, mà quả thật, không họ nào lớn, nhiều người làm hương chức bằng họ ông. Sở dĩ ông giàu được phần lớn nhờ cần và kiệm: lúa dư ăn, nhưng lúc nào giá cao, ông bán để đổi ngô, bắt cả nhà ăn độn. Ông có một người con học bác tôi, thông minh hơn các học trò khác nên bác tôi khuyên ông cho con ông sang Việt Trì học, ông nghe lời và sau cậu bé trạc tuổi tôi, đậu bằng cấp tiểu học, thi vào vào trường Sư phạm, học thêm một năm, rồi được bổ làm trợ giáo (instituteur auxiliaire) ở trường sơ học Phú Xuyên, tổng tôi, lương 20 đồng một tháng, bằng hai lương hương sư.

 

Hai người nữa giàu vào hàng thứ nhì có ba bốn mẫu ruộng thì một người cũng học bác tôi rồi cũng làm thầy đồ (dạy mươi đứa nhỏ trong xóm) kiêm thầy lang, mua một chức phó lí hàm, mất một số tiền khao làng, để có chút danh, khỏi bị ai ăn hiếp, chứ cũng không dự gì vào việc làng. Sống cũng giản dị, ăn độn, vợ con phải làm vườn, làm ruộng, như mọi gia đình nông dân. Nhà ngói của tổ tiên để lại cũng ba gian hai chái.

 

Còn người kia thì hoàn toàn là nông dân, học ít, hiền lương, nhờ hai đời ki cóp nên có một ngôi nhà gạch, vài ba sào vườn và bốn mẫu ruộng. Làm chánh hương hội nhờ được lòng nhiều người. Chức này tuy cao nhưng không có quyền gì; có quyền nhất là lí trưởng do dân bầu.

 

Tóm lại, những nhà giàu trong làng tôi toàn là nông dân, chỉ có khoảng hai héc ta ruộng, vợ con làm lấy, cũng lam lũ như ai, làm không hết thì cho lãnh canh; nhà nào nuôi trâu hay bò thì mướn thêm một đứa bé để chăn, mỗi năm cho một bộ quần áo nâu, rộng rãi lắm thì bố mẹ nó cuối năm được thêm một đồng bạc. Đi họp việc làng, đi hầu quan tổng lí đều xách cái ô, đi chân không hoặc mang theo đôi giày, tới nơi mới rửa chân, xỏ vào giày. Mãi đến năm 1927-1928, làng tôi mới có một chiếc xe đạp, mà chủ nhân lại không phải là người giàu, chỉ là con một nhà trung bình có được hai mẫu ruộng, được hưởng gia tài cha để lại, huy hoắc trong hai ba năm thì hết. Cả làng chỉ có một chiếc đồng hồ báo thức mà bác tôi mua khi làm hương sư, và sai một đứa học trò ngày hai buổi xách tới trường rồi lại xách về nhà.

 

Tôi đã nói tỉnh tôi là một tỉnh trung bình ở Bắc mà làng tôi là một làng trung bình trong tỉnh, không có nhà nào giàu lớn mà những năm mất mùa dân cũng không đến nỗi chết đói. Vì người giàu đều gốc nông dân, do cần kiệm mà vượt lên, mà cũng chẳng phải giàu lớn, nên nạn cường hào ác bá ở làng tôi tương đối ít. Họ cũng ăn bớt ăn xén của dân, cũng cho vay nặng lãi, và bắt người vay phải kí văn tự bán vườn, bán ruộng, quá hạn không trả đủ vốn lẫn lời thì họ cũng cắm vườn, cắm ruộng; nhưng khắp đất Bắc đâu đâu cũng vậy, nên họ không thấy vậy là tàn nhẫn, cho là thường.

 

Một vài làng khác chung quanh như làng La Phẩm, làng Vân Sa, làng Phú Xuyên, đất rộng hoặc có tiểu công nghệ, nên có gia đình trung phú: mười lăm, hai mươi mẫu ruộng, một nhà gạch hai từng; làm dân biểu, có nàng hầu, có tàu ngựa; tôi không biết đời sống của họ ra sao, nhưng cũng không nghe nói họ hà hiếp dân tới cái mức như nghị Hách trong Giông tố của Vũ Trọng Phụng, hoặc như hạng tổng lí trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Tất nhiên tôi không bảo họ là hạng lương thiện cả đâu.

 

Hạng trung lưu trong làng tôi có từ một tới hai mẫu. Họ ở giữa, có thể vượt lên bực trên và cũng dễ dàng tụt xuống bực dưới.

 

Nếu cả gia đình siêng năng, thắt lưng buộc bụng, để dành mỗi năm một chút, nếu lại gặp may trúng luôn hai ba mùa thì thế của họ vững rồi, sửa sang nhà cửa, tậu thêm ruộng, mua thêm con trâu cày rồi. Lúc này là lúc họ phải khôn, đừng nghe lời dụ dỗ của họ hàng, bạn bè, đừng nóng nảy trước lời khiêu khích, mỉa mai của những kẻ ghen ghét họ, đừng chạy chọt một chân lí trưởng, chỉ mua một chức nhỏ hữu danh vô thực, như nhiêu, xã hay phó lí để được miễn tạp dịch, khỏi bị gọi là bố cu, ra đình cũng có chỗ ngồi ở hàng cuối - chức đó chỉ tốn từ một đến hai sào ruộng là nhiều- rồi chí thú làm ăn, chẳng ganh đua, gây gổ với ai, thì thế nào hồi năm chục tuổi, họ cũng có được ngôi nhà ngói, bể nước, cây mít, có chuồng lợn, chuồng trâu và ba bốn mẫu ruộng, lúc đó họ sẽ được mọi người trọng nể.

 

Trái lại, nếu họ tức khí, ham danh, ham ganh đua, ưa nịnh, dại dột bán đi hai mẫu ruộng để mua phiếu trong làng, đút lót quan phủ mà tranh chức lí trưởng thì mau suy lắm. Họ “bận việc quan”, vợ họ ham danh bà lí, sinh làm biếng, bỏ bê vườn ruộng, mà ruộng bán cũng gần hết rồi, huê lợi không có gì, làm sao sống được? Lí trưởng không có lương, chỉ được thu tiền trà nước mỗi khi thị thực đơn từ, văn tự của dân, có thể mùa thu thuế cũng được hưởng một số tiền nào đó do hương hội, tiên chỉ ấn định tùy theo tục lệ mỗi làng; nhưng những số thu đó không đủ ứng những số chi tiêu khá lớn vì thường phải ra phủ, phải đút lót cho quan, phải tiếp đãi bạn hương chức trong làng, nhất là phải tỏ ra “lịch thiệp”, văn minh, chứ không “đình dù” (tiếng này vốn là tên một làng, Tự Lực văn đoàn dùng với nghĩa quê mùa, hủ lậu), nói trắng ra là phải biết hút thuốc phiện và đi cô đầu. Tới cái mức đó thì bán hết gia sản cũng không đủ, và tôi biết một ông lí - em ruột ông nhà giàu làm thầy đồ và thầy lang kể trên - khi làm hết khóa ba năm rồi, phải bỏ làng vào Nam làm lao công, rồi sau mua bán ve chai để sống và gởi thây luôn ở Cao Lãnh. Một ông lí khác sau khi bán hết tổ nghiệp, bỏ làng, về quê vợ sống, không biết làm nghề gì, con cái không đứa nào được học tới lớp nhì.

 

Sau cùng là hạng nghèo. Tôi kể trường hợp một người em họ tôi, ở gần nhà tôi. Nhà chỉ có hai anh em trai. Khi cha chết, để lại cho một ngôi nhà lá ba gian hai chái, một khoảnh vườn độ một sào, có hàng rào tre, không biết có được thêm sào ruộng nào không, nếu có thì khi tôi lớn lên cũng bán rồi, không còn. Vườn không trồng trọt được gì vì đất quá chai mà lại rợp bóng tre gần suốt ngày.

 

Biết không sống nổi, người em chưa vợ phải bỏ làng lên Hoàng Xá (Chợ Bờ) làm ăn. Người anh có vợ rồi ở lại giữ nhà và việc cúng giỗ. Có hai đứa con trai còn nhỏ.

 

Làng tôi cũng như mọi làng khác ở Bắc, có một số công điền, theo nguyên tắc thuộc về nhà nước, làng chia đều cho trai tráng (từ 18 đến 60 tuổi), mỗi người được độ hai sào, mỗi năm phải đóng thuế. Tôi không nhớ Marx hay Lénine gọi chế độ đó là cách thức sản xuất của Á châu.

 

Người em lên Hoàng Xá để lại phần công điền của mình cho anh làm, và anh phải đóng thuế, làm (hoặc thuê người làm) tạp dịch cho em.

 

Như vậy là người anh có được khoảng bốn sào công điền - hạng xấu tất nhiên, ruộng tốt thì hạng chức sắc đã chia nhau cả rồi. Tôi không biết cách chia đó ra sao, vì gia đình tôi, bác tôi và các anh tôi đều nhường lại công điền cho làng để được miễn tạp dịch, nhưng vẫn đóng thuế như mọi người. (Tôi sinh trưởng ở Hà Nội, không vào hộ tịch làng).

 

Nặng nhất là khoản thuế thân. Mới đầu, giàu nghèo phải đóng như nhau, sau (không nhớ từ năm nào) phân biệt người nghèo, vô sản đóng 1,5đ, còn những người khác 4,5đ một năm. Vào những năm 1930-1933, dân quê làm mướn chỉ được một hào một ngày; 1,5đ tức là 15 ngày công của họ.

 

Vậy em họ tôi có 4 sào ruộng mà phải đóng hai phần thuế cho mình và cho em, phải nuôi vợ và hai đứa con trai nhỏ, mà vợ yếu đuối, vụng về không làm được gì cả, không hề ra khỏi nhà nữa. Ngoài ngày mùa ra, trong làng không ai thuê mướn, mà trong ngày mùa, một mình làm số công điền đó cũng không còn sức làm việc khác. Như vậy có thể nói là nghèo mạt.

 

Tôi thường đi qua nhà, thỉnh thoảng ghé vào chơi. Ngoài sân không thấy một con gà, một ngọn rau. Nhà rộng mà tối om om, trống rỗng, ngoài bàn thờ với một bát hương, hai cái chõng tre, không còn đồ gì khác. Lạnh lẽo, hôi hám. Có lần hai vợ chồng và con cái ngồi ở mái hiên đương ăn khoai lang thay cơm, biết rằng tôi không ăn nhưng cũng chào mời lấy lệ.

 

Không có công việc gì làm, người chồng suốt ngày đi dạo xóm. Vào chơi nhà mấy người bà con, nói dăm ba câu chuyện, xin một quả khế, một vài trái ổi, rồi đi về. Không ngày nào không vào nhà bác tôi vài lần, thấy việc gì cũng tiếp tay, hút điếu thuốc lào, uống một ngụm trà mạn. Mỗi khi bác tôi nhờ một việc gì như đốn một cây tre, làm một cái máng nước, dựng cây rơm, cuốc khu vườn thì bác tôi giữ lại ăn cơm, lâu lâu cho một ít khoai, ngô.

 

Suốt mấy tháng hè, tôi thấy chú ấy ở trần trùi trụi. Mùa đông tôi chắc chỉ có một manh áo, co ro, hai tay thu thu trong bụng cho ấm, và nếu không có công việc gì phải ra ngoài thì cả gia đình ngồi trong bếp, gần đống rơm. Mùng một Tết, lại nhà tôi thì khoác thêm chiếc áo dài vải đen. Ngoài Bắc có câu: “Cơm ba bát, áo ba manh”, cho như vậy là đủ, không cần thêm. Nhưng ở thành thị, người giàu thì mớ bảy mớ ba, áo cánh ở trong, rồi áo dài đơn, kép hai ba lớp, ngoài có khi thêm chiếc áo bông nữa; còn dân nghèo ở quê thì làm gì có áo bông, may lắm được cái áo cánh độp ở trong với một cái áo cánh tươm tất ở ngoài, nghĩa là chỉ có hai manh, không được ba manh; cơm ngày mùa thì có thể được ba bát, còn những tháng giáp hạt, tức tháng 3, tháng 8, lúc thóc cũ đã hết mà thóc mới chưa có, thì chỉ những gia đình có máu mặt mới được ba bát cơm độn ngô, khoai.

 

THIẾU ĂN, THIẾU THUỐC

 

Làng tôi không có ai chết đói, nhưng không một ai không thiếu ăn (sous alimenté), từ ông tiên chỉ trở xuống, ít nhất là sáu tháng trong năm. Người nghèo thì may lắm có được 1.500 ca-lo thức ăn một ngày, đủ để duy trì hơi thở. Thiếu ăn thì dễ sinh bệnh, mà hạng nghèo bị bệnh thì chỉ có cách rán chịu dăm ba ngày, may ra tự nhiên bớt. Một sách thuốc nói: đau mà không uống thuốc, để cơ thể tự chống với bệnh, tức là gặp được một y sĩ trung bình rồi. Trăm lần thì có 50 lần bệnh tự nhiên hết. Dân nghèo bất đắc dĩ phải theo đúng lối đó.

 

Nếu dăm ba ngày không bớt thì nghe người mách, kiếm thuốc nam trong xóm; nhưng không hiểu sao ngay thuốc nam làng tôi cũng ít nhà trồng, dễ gì xin được một củ riềng, một quả chanh, một củ hành, một nắm kinh giới, hương nhu... Ngay bác tôi mà cũng chỉ để sẵn trong nhà một gói thuốc tiêu Nhân đơn và một ve bạc hà; những nhà khác tuyệt nhiên không trữ một thứ gì hết. Mà gia đình bác tôi cả năm cũng chỉ dùng hai thứ thuốc đó, không bao giờ đi cân một lạng thuốc Bắc vì tốn tiền và vì xa: phải đi hai cây số lên chợ Vân Sa mới có một hiệu thuốc Bắc nhỏ bán bốn năm chục thứ thuốc thông thường như đương qui, thục địa, xuyên khung, bạch thược, bạch trật, hoàng cầm, hoàng liên, cam thảo, phòng phong, chỉ xác, ma hoàng, sài hồ, trần bì, cát căn...

 

Tây y thì phải xuống phủ, cách làng năm cây số mới có một trạm y tế, một nhà hộ sinh. Không kiếm đâu ra một tiệm trữ thuốc Tây; dân làng tôi không bao giờ thấy một viên aspirine. Cho nên hễ một người bị bệnh thổ tả thì cả xóm kinh hoảng, tưởng như Diêm vương sai quỉ sứ lên bắt. Cũng may trong mười mấy năm, làng tôi và vài làng chung quanh không bị nạn dịch tả lần nào. Có khi chỉ bị bệnh tháo dạ (diarrhée) vì phải cảm gió hay ăn bậy mà không có thuốc, sức suy quá, chịu không nổi rồi cũng chỉ một hai ngày là chết.

 

Trong khoảng mười năm, tôi chỉ thấy mỗi một năm, 1925 hay 1926, nhờ được mùa và lúa có giá mà dân làng tôi ăn tết khá vui. Gần như nhà nào cũng may được áo mới cho trẻ, hạng thanh niên còn “diện” một đôi vớ màu vàng như nghệ, đi đôi guốc. Trẻ con có xu đồng leng keng trong túi và chỗ nào cũng có một đám đánh đáo. Năm đó học trò đi tết bác tôi cũng hậu hơn, và mùng hai bác tôi cho chúng tôi hai hào mua thêm một bánh pháo toàn hồng để đốt rời từng cái.

 

Những năm khác, tết tuy không vui bằng, nhưng nhà nào cũng có bánh chưng, có thịt lợn kho (một người mổ lợn và bán cho cả xóm); còn quanh năm trong các gia đình nghèo không khí trầm trầm, an phận, buồn tẻ. Nhóm Tự Lực văn đoàn gọi cảnh quê là cảnh bùn lầy nước đọng, thật đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

 

Từ trăm năm trước, đất đai khai phá hết rồi, bạt hết đồi, gò để biến thành ruộng, rồi bờ ruộng mỗi ngày một xén lần tới mức chỉ còn đặt vừa một bàn chân, không còn cách nào mở mang thêm đất cày được nữa. Xưa mỗi gia đình có được bốn năm mẫu; dân số mỗi ngày một tăng, nay mỗi gia đình chỉ còn trung bình được năm bảy sào để nuôi năm sáu miệng ăn. Phương pháp canh tác vẫn cổ hủ như đời Minh Mạng, Thiệu Trị; cày bừa vẫn là kiểu cũ, phân bón vẫn là phân chuồng, không có phân xanh, lúa giống cũng không thay đổi, công việc thủy lợi thiếu hẳn, năng suất của ruộng không tăng mà dân số thì tăng, nên mỗi ngày một nghèo thêm. Trong làng lại không có một công nghệ nào; ngoài những ngày mùa, dân không biết làm gì để kiếm thêm lợi, như vậy là đa số non nửa năm ở không, đàn ông thì thả diều, chơi bời lêu lổng, đàn bà thì ngồi lê đôi mách.

 

AN PHẬN, SỢ LI HƯƠNG

 

Có một cách cải thiện đời sống là li hương, nhưng chỉ một số rất ít xuống Hà Nội, hoặc lên Chợ Bờ làm ăn, còn thì người ta sợ bỏ quê cha đất tổ lắm, vì ngại phấn đấu, ngại mạo hiểm, và một phần cũng vì người ta cho bỏ quê là tủi nhục.[1]

 

Trong cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười tôi đã viết: “Hai năm trước[2] tôi dắt sáu người bà con ở Bắc vào đây (Đồng Tháp Mười). Họ nghèo, tôi muốn giúp họ làm ăn, xuất tiền xe cho họ rồi gởi gấm họ với một ông chủ điền ở đây để họ làm ruộng.

 

Tôi dẫn họ đi coi làng xóm, chỉ những cánh đồng bát ngát, những đống lúa chót vót cho họ thấy. Họ đều trầm trồ khen: “Chà! Ruộng thật là thẳng cánh cò bay! Quả là lúa chất thành núi!...”

 

Tôi lại dắt họ vào thăm những gia đình nghèo nhất ở đây: bữa ăn luôn luôn có cơm và cá; quần áo có vài bộ bằng hàng (lụa). Họ nhận rằng dân miền này ít khi biết đói, rét, ít lắm. Vậy mà trong số sáu người, chỉ có một người chịu ở hẳn trong này, nay sắp thành một thương gia nhỏ; còn năm người kia đi làm mướn một hai năm, dư được ít tiền rồi về Bắc để thăm bà con, đình chùa, lũy tre, cổng xóm mà không vô nữa, chịu cảnh ăn khoai trừ cơm và mặc áo đụp quanh năm. Họ nặng lòng cố hương quá. Làm sao thay đổi tinh thần đó nhỉ?”.

 

Thực ra, thời nào và ở đâu cũng có một số người có tinh thần phấn đấu, nhưng dân làng tôi chỉ biết phấn đấu trong khu vực chật hẹp của làng thôi: rán làm nhiều, tiêu ít, để dành được một số tiền mua ruộng, cho vay, mua chức nhiêu, chức xã, tức như tục ngữ nói: “Gà què ăn quẩn cối xay”. Như vậy thì cả đời ăn độn, rốt cuộc họ cũng chỉ được bốn năm mẫu là cùng; nếu vào Nam, nơi đất hoang còn mênh mông, sự buôn bán dễ dàng thì trong vài chục năm có thể có được vài chục hécta (sáu chục mẫu, ngoài Bắc)[3], hoặc một tiệm tạp hóa ở một chợ quận.

 

NHỮNG CÁI VUI NHO NHỎ CỦA HỌ

 

Họ chịu an phận và cũng tìm được cái vui trong cảnh đói rét. Ăn vài củ khoai, uống một gáo nước mưa trong vại, rồi qua hàng xóm ngồi xem đánh cờ, hoặc ra cổng xóm nhìn cánh diều, đảo trên nền trời xanh, nói chuyện phiếm dưới bóng tre, trong ngọn gió hiu hiu. Hôm nào có được dăm xu trong túi, đi chợ Vân, chợ Mơ cách xa làng hai ba cây số, thăm cô hàng xén, mua một chùm dâu da hoặc một túi táo vừa đi vừa ăn. Tối đùa giỡn với con ở sân, dưới bóng trăng, hát vài câu lí giao duyên. Mùa cấy, mùa gặt có cái vui làm tập thể, vừa làm vừa hát ví: “Ới anh Cả ấy ơi... Ới cô Hai ấy ơi!...”. Vui nhất là những ngày ra đình ăn cỗ, lấy phần hoặc ăn khao, ăn giỗ nhà một người quen. Rồi những đêm hát chèo ở làng bên, một đám ba bốn chàng rủ nhau đi coi, coi chèo thì ít, mà lượn để trêu các thiếu nữ làng khác thì nhiều.

 

Họ có nhiều cái vui nho nhỏ như vậy. Còn cái vui này nữa. Một ông già gần lục tuần rồi, mắt mờ, không thấy rõ đường, ít khi ra khỏi nhà. Bà vợ bé gần ngũ tuần, phàn nàn với bạn bè hàng xóm rằng ông lão vẫn chưa cho bà nghỉ đẻ. Bác tôi một hôm khuyên ông ta thôi đi, nếu không thì “âm kiệt mà hỏa quá vượng” sẽ mù hẳn. Ông ta đáp: “Tôi cũng biết vậy, nhưng ông nghĩ mà xem: tôi không có danh vọng chức phận gì, chức tước gì, nhà cũng chẳng giàu có gì, không được ăn ngon mặc đẹp, sống ở đời còn có lạc thú gì ngoài cái đó đâu, nếu lại tự cấm mình thì sống để làm gì kìa?”.

 

Dù trong cảnh cực khổ đến đâu, loài người cũng tìm được cái vui này, vui khác, có vậy mới duy trì được cuộc sống và giống nòi.

 

Đáng thương nhất là các thôn nữ giàu cũng như nghèo. Cả đời, họ chỉ được hưởng năm sáu năm vui tươi; từ tuổi mười lăm mười sáu, nhựa sống trong người họ bắt đầu dồi dào, họ sắm một cái gương con bằng lòng bàn tay, một hộp sáp Cô Ba để bôi tóc cho mướt, kiếm một cái bao hương giấy đỏ để bôi môi, mua một cái yếm trắng cổ viền, một cái thắt lưng bằng sồi, một cái khăn mỏ quạ bằng vải đen, láng (alpaga) và may một cái áo tứ thân bằng vải nhuộm nâu; như vậy là sang rất mực rồi; nếu họ có được nước da bánh mật, cặp mắt tình tứ, nụ cười tươi thì đủ làm cho trai làng mê mẩn tâm thần; và họ thấy đời họ đẹp lạ, mà tiếng hát ví, hát lí, hát cò lả của họ những khi cấy, gặt hay giã gạo, xay lúa trong trẻo, vui vẻ như tiếng chim sơn ca.

 

Cái vui nhất của họ là ngày xuân cùng với chị em đi xem hội, lễ chùa trong tổng (làng tôi nhỏ, không bao giờ mở hội, chùa lại không có người trụ trì, bỏ hoang, sau

dùng làm trường học), hoặc theo mấy ông già bà già đi xa hơn, xem lễ đền Hùng ở Phú Thọ, đền đức thánh Trần ở Kiếp Bạc. Đi như vậy có khi mất bốn năm ngày, nhà có của mới đi được. Lần nào cũng có vài ba chàng trai nhập bọn, mà tình xuân thật phơi phới, suốt đời không quên được.

 

Tôi chưa thấy bài thơ nào tả cảnh xuân thôn quê và tình xuân thôn nữ Bắc Việt đúng và hay như bài dưới đây của Nguyễn Bính:

 

----------XUÂN VỀ

 

-----Đã thấy xuân về với gió đông,

-----Với trên màu má gái chưa chồng.

-----Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm,

-----Ngước mắt nhìn trời, đôi mắt trong.

 

-----Từng đàn con trẻ chạy xum xoe,

-----Mưa tạnh, trời quang, nắng mới hoe.

-----Lá nõn cành non ai tráng bạc?

-----Gió về từng trận, gió bay đi...

 

-----Thong thả nhân gian nghỉ việc đồng,

-----Lúa thì con gái mượt như nhung.

-----Đầy vườn, hoa bưởi hoa cam rụng,

-----Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng.

 

-----Trên đường cát mịn, một đôi cô,

-----Yếm đó khăn thâm, trẩy hội chùa.

-----Gậy trúc dắt bà già tóc bạc,

-----Tay lần tràng hạt niệm nam vô.

-------------------------------(Tâm hồn tôi)

 

Phải sống với nông dân mới tả mùa xuân trong lòng họ và trong cảnh vật như vậy được.

 

Nhưng khi họ có chồng thì chỉ vài ba năm sau, có được hai đứa con là cảnh của họ đã đáng thương rồi. Ca dao có câu:

 

Trai ba mươi tuổi đang xoan, (tức xuân)

Gái ba mươi tuổi đã toan về già.

 

Tôi thấy nhiều cô ở làng tôi mới ngoài hai mươi, sau mấy năm quần quật làm việc nhà chồng, sau vài lần sanh đẻ, đã không còn vẻ gì xuân nữa, tưởng như ngoài ba mươi. Nếu nhà chồng đủ ăn, chồng không hư hỏng thì họ còn được lành lặn, còn được cái vui mang danh cô xã, cô nhiêu, bà chánh, bà phó; nếu không thì chỉ là mẹ đĩ, lam lũ cho tới chết, nhịn ăn nhịn mặc cho chồng, con, mà không được đền đáp chút gì cả.

 

TIỂU THUYẾT TIỀN CHIẾN VỀ NÔNG DÂN

 

Trong mấy trang trên tôi chỉ giới thiệu sơ sài đời sống dân quê làng tôi; muốn biết rõ tính tình, phong tục, cảnh cơ cực, ước vọng của nông dân Bắc, Trung thì phải đọc những tiểu thuyết của Trần Tiêu, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Bùi Hiển, Tô Hoài, Thanh Tịnh... Những tiểu thuyết đó có giá trị vừa về tài liệu, vừa về nghệ thuật, một vài trăm năm nữa sẽ rất quí, vì là những bức tranh của xã hội nông nghiệp cuối thời đại phong kiến.

 

Mấy nhà kể trên mỗi người ở một miền, mỗi người một bút pháp, một cá tính, tác phẩm của họ bổ túc cho nhau. Thanh Tịnh tả tình hồn hậu, kín đáo, dịu dàng của dân quê miền Quảng Trị, Thừa Thiên (hay cả Quảng Nam); truyện Quê Mẹ của ông nên thơ, sự thực chắc không thường được đẹp như vậy.

 

Bùi Hiển trong Nằm VạMạ Đậu có giọng hoạt kê, cho ta thấy vài hài kịch trong đời sống dân quê Nghệ-Tỉnh.

 

Trần Tiêu chuyên tả phong tục hơn là đời sống nghèo nàn của nông dân Bắc Việt (Thái Bình, Nam Định?). Trong Con TrâuChồng Con, chúng ta thấy đủ các tục mua nhiêu, mua xã, cầu tự, vào đám tế đình, bốc mả, cưới nàng hầu, cả trò chơi diều nữa... Tình tiết không có gì éo le mà văn lại có giọng bình tĩnh, cho nên tiểu thuyết của ông không hấp dẫn lắm, nhưng là những tài liệu đáng tin về đời sống nông dân - đời sống bề ngoài hơn là đời sống nội tâm.

 

Ngô Tất Tố khác hẳn, ở Bắc Ninh, vốn là nhà Nho, sau học thêm chữ Pháp, viết như các nhà văn lớp mới, có một cá tính sắc, mạnh, không có tài về tiểu thuyết mà nổi tiếng về phóng sự. Tập Việc Làng của ông tả tỉ mỉ, gọn mà sắc bén, thói tranh nhau một miếng thịt, một cục xôi của hương chức trong đình, gây ra những vụ đánh nhau chí mạng rồi đưa nhau đến phủ huyện. Thật đúng với câu “miếng ăn là miếng nhục”. Ông rất ghét hạng hương chức, không xét do đâu mà có tục đó: một phần là tại họ luôn luôn thèm thịt, như tôi đã nói; một phần nữa là họ có quan niệm sai về thể diện: “Một miếng ở làng bằng một sàng xó bếp”. Trái lại, ông rất thương hạng dân nghèo bị hương chức, phủ huyện ức hiếp; nhưng ông dùng những màu tối quá, truyện Tắt Đèn của ông chỉ đúng sự thực một phần thôi.

 

Theo tôi, tiểu thuyết của Tô Hoài (Quê Người) gần đúng sự thực hơn hết, tả hạng dân nghèo làng Nghĩa Đô (gần Hà Nội) chuyên nghề dệt lĩnh (lãnh). Họ có những lúc vui - khi nghề dệt thịnh - và những lúc khổ - khi kinh tế khủng hoảng, lĩnh ế, họ phải tha phương cầu thực. Tác giả sống với họ, biết rõ đời sống về tình cảm của họ, thương họ mà thỉnh thoảng cũng mỉa nhẹ họ. Đời họ không bi đát quá như trong Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, cũng không nên thơ như trong Quê Mẹ của Thanh Tịnh. Văn Tô Hoài không chuốt, nhưng giản dị, tự nhiên, dí dỏm.

 

Có tài nhất là Nam Cao, nhưng Nam Cao chỉ giỏi viết truyện ngắn, truyện dài của ông tầm thường. Khi ông tả bọn cường hào ác bá, hạng du côn làm tay sai cho hạng trên, ông cũng dùng màu tối quá, mỉa mai cay độc nữa, nên văn rất sắc bén nhưng không khiến ta cảm động. Chỉ những khi ông tả hạng nông dân thấp cổ bé miệng, an phận, hiền lương, thành thực, thương vợ, thương con, là ta thấy tài của ông cao mà lòng trắc ẩn của ông dào dạt. Ông chỉ ghi từng cử chỉ, ngôn ngữ, rồi chép lại một cách trung thực mà gây cho ta một nỗi buồn mênh mông.

 

Truyện ngắn hay nhất, bất hủ của ông là truyện Một đám cưới đã khiến tôi đọc đi đọc lại mấy lần mà lần nào cũng bùi ngùi, rơm rớm nước mắt. Tôi dã giới thiệu nó, lần đầu trong tập Hương sắc trong vườn văn (1961), lần sau kĩ hơn, trong tờ Tổ Quốc số 12 - 1977. Phải đọc truyện đó mới yêu hạng nông dân chất phác, hoàn cảnh của họ càng đáng thương thì họ càng dễ thương.

 

Ngoài ra còn một số tiểu thuyết gia khác thỉnh thoảng cũng viết một truyện hoặc một đoạn về nông dân, như Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam... nhưng không có gì đặc biệt, tôi ngờ rằng họ không sống với nông dân.

 

THỜI TRƯỚC NƯỚC MÌNH KHÔNG CÓ GIAI CẤP ĐẤU TRANH

 

Quan niệm giai cấp của phương Tây và người đưa ra thuyết giai cấp đấu tranh có lẽ là Marx. Theo Raymond Aron trong La lutte des classes (Gallimard - 1964) thì Marx đưa ra ba định nghĩa về giai cấp, mà định nghĩa dưới đây trong Le 18 Brumaire de Louis Napoléon (Cuộc đảo chánh ngày 18 Brumaire của Louis Napoléon, tức Napoléon III), rõ ràng, đầy đủ nhất:

 

“Dans la mesure où des millions de familles vivent dans des conditions d'existence qui séparent leurs modes de vie, leurs intérêts et leur culture de ceux des autres classes et les mettent en contraste hostile à l'égard de ces derniers, ils forment une classe. Dans la mesure où il n'y a qu'une solidarité globale entre petits paysans et où l’identité de leur intérêts ne crée pas d'unité, pas d'union nationale, pas d’organisation politique, ils ne forment pas une classe”. (tr.41 - 42).

 

“Khi nào có nhiều triệu gia đình sống trong những điều kiện khiến cho từ lối sống đến quyền lợi, văn hóa của họ đều cách biệt với lối sống, quyền lợi, văn hóa của các giai cấp khác, và họ sinh ra tương phản, thù nghịch với những giai cấp khác đó, khi nào như vậy thì những gia đình đó họp thành một giai cấp. Khi nào chỉ có một sự đoàn kết tổng quát giữa các tiểu nông với nhau mà sự đồng quyền lợi của họ không tạo nên sự thống nhất, đoàn kết dân tộc, cũng không tạo nên một tổ chức chính trị, khi nào chỉ như vậy thì không thành một giai cấp”.

 

Vậy muốn cho có một giai cấp thì một số đông người phải sống gần nhau, làm một công việc đại khái như nhau; bấy nhiêu chưa đủ, họ còn phải có tương quan thường xuyên với nhau thành một sự nhất trí, cùng hòa đồng với nhau mà cùng chống đối những nhóm khác nghĩa là họ phải có ý thức về sự đoàn kết, thống nhất của mình mà chống đối với các nhóm khác.

 

Theo định nghĩa đó thì nông dân Việt Nam từ xưa tới năm 1945, chưa bao giờ thành một giai cấp cả. Có thời họ chống một triều đại lầm than, như hậu bán thế kỉ XIX, dân Bình Định, Phú Yên (nói chung là Đàng Trong) oán nhà Nguyễn mà theo Tây Sơn, nhưng họ không thành một tổ chức chính trị, mà khi nhà Tây Sơn lên ngôi thì họ theo chế độ quân chủ của nhà Nguyễn mới, rồi khi nhà Nguyễn cũ làm chủ sơn hà, họ cũng theo nữa. Ở Nam, trước năm 1945, thỉnh thoảng có những cuộc nổi loạn lẻ tẻ nhỏ của nông dân, như vụ đồng Nọc Nạn ở Bạc Liêu, nhưng chỉ là để chống đối bọn điền chủ chiếm công lao khai phá đất hoang của họ, không phải là chống cả “giai cấp” điền chủ, không có tính cách chính trị.

 

Công nhân cũng vậy, từ 1930 đã có những cuộc biểu tình của thợ thuyền, họ đoàn kết, có người lãnh đạo, có ý thức chính trị, nhưng toàn là để chống bọn tư bản Pháp, vì lúc đó chỉ thực dân Pháp mới có những xưởng, mỏ, nhà máy, đồn điền lớn; chưa bao giờ thợ thuyền Việt chống tư bản Việt: các nhà tư bản Việt như Bạch Thái Bưởi ở Bắc, Trương Văn Bền ở Nam, nhỏ quá, đâu đã làm mưa làm gió gì được?

 

Ở làng tôi, như trên đã nói, ngoài nhà bác tôi ra, toàn là nông dân, mà nông dân giàu hay nghèo thì lối sống cũng như nhau, trình độ văn hóa cũng như nhau. Có sự bóc lột lẫn nhau, nhưng giàu nghèo cứ thay đổi nhau lên xuống, không thành được những giai cấp phú nông hay bần nông có ý thức đoàn kết chính trị được[4].

 

 

ĐÁM TANG BÁC TÔI - SỰ SUY VI CỦA CON CHÁU

 

Bác tôi sống y như nông dân, chỉ khác họ về nghề nghiệp, văn hóa, cách ăn nói, cư xử, giúp đỡ mọi người, không hà hiếp ai, chẳng đứng về một phe nào, gia nhập một tổ chức nào, nên được dân làng trọng nể. Nhưng các con của bác tôi, sức học và tư cách không hơn ai, mà vẫn được coi ở vào một hạng riêng, hạng con nhà sang, hạng “cậu”[5] không phải chân lấm tay bùn, không phải làm xâu, đi tuần – vì không lãnh phần công điền – nên bị nhiều kẻ ganh tị. Bác tôi biết hết nhưng đáng lẽ phải cho người con cả và con thứ ba, học dở nhất, tập một nghề tay chân, hoặc làm ruộng, hoặc làm thợ - thợ may, thợ mộc, thợ nề… và sống hoà đồng với nông dân, thì người vì thể diện, vì thương con hoặc vì một lẽ gì khác, để cho lêu bêu, không tự lực mưu sinh được, chỉ trông vào mấy mẫu ruộng tổ tiên để lại. Mối suy bắt đầu từ đó, mà đó cũng là tình trạng chung của bọn con cái nhà nho lỡ thời.

 

Bác tôi mất năm 1933, thọ 55 tuổi (đã góa vợ từ mấy năm trước). Đám tang thật long trọng. Trong hai ngày, hàng trăm môn sinh lớn tuổi lại thu xếp, làm rạp để tổ chức cuộc tế tam sinh: bò, lợn, dê. Có trống, kèn, văn tế. Môn sinh trẻ đứng đầy sân, và người tới coi chật ngõ.

 

Động quan vào cuối giờ ngọ hay đầu giờ mùi một ngày hè. Đích thân mười hai môn sinh thân tín bận đồ tang ghé vai khiêng linh cữu. Một người đi giật lùi ở phía trước để ra hiệu cho cử động của mọi người phối hợp với nhau. Họ phải rán khiêng sao cho bát nước đặt trên linh cữu không sóng sánh. Họ rón rén bước một bước rồi lại ngưng một chút, từ trong nhà ra tới cổng độ hai chục thước mất đến nửa giờ. Ngừng ở đó khá lâu, rồi lại tiến từng bước ra cổng xóm. Khúc đường này rợp bóng tre, độ trăm thước, cũng mất nửa giờ nữa. Từ cổng xóm tới huyệt (trong một thửa ruộng của bác tôi) toàn là ruộng với những bờ ruộng rộng không đầy gang tay, phải lội càn xuống ruộng mới cấy độ một tháng. Dưới nắng chang chang và trong hơi nước hừng hực từ ruộng bốc lên, cả trăm người cũng lội theo linh cữu - vì theo lễ từ đời Chu (?) bên Tàu, thì “tống tang bất khả tị đồ” (đưa ma thì phải theo đúng đường của linh cữu, không được tránh qua lối khác). Người nào người nấy mồ hôi ướt cả áo trong và áo ngoài mà nét mặt vẫn nghiêm chỉnh. Khúc này dài độ vài trăm thước, đi cũng mất non một giờ nữa, vì rất khó đi và khó giữ cho bát nước khỏi sóng sánh.

 

Tới huyệt, hạ quan, lấp huyệt, đắp nấm kĩ lưỡng cũng mất một giờ nữa. Tính ra trước sau mất non bốn giờ mới về tới nhà. Lúc đó đã chiều rồi, các môn sinh chia tay nhau.

 

Lần đó tôi được thấy cái lễ nghi nghiêm trang, cảm động của Khổng giáo. Có phần nghiêm trang nhiều hơn bi ai.

 

Tình của môn sinh nếu được như vậy hoài thì đẹp biết mấy. Nhưng chỉ sáu tháng sau, tình của họ đối với gia đình bác tôi đã khác nhiều. Ai cũng biết trước rằng gia đình đó sẽ suy mà suy rất mau. Những môn sinh ở làng khác, ba bốn chục tuổi, đứng đắn, vẫn giữ bổn phận, ngày giỗ tết đều nhớ lại cúng, nói dăm ba câu chuyện rồi về; có việc gì cần thì họ cũng giúp. Còn các môn sinh trong làng, ngay cả một số người thân tín vào hạng học trò “ruột” của bác tôi, cũng mừng thầm rằng giậu đã đổ rồi. Mà giậu đổ thì bìm leo.

 

Họ muốn cho sản nghiệp của bác tôi để lại tan tành sớm, mà con cháu bác tôi cũng sẽ nghèo khổ như họ, hay hơn họ. Hình như có một tâm lí chung: trong làng thấy nhà nào suy thì người ta mừng, thấy nhà nào thịnh thì người ta nịnh.

 

Người con cả bác tôi và cả vợ nữa - con một lí trưởng ở Thanh Mai - đều mong có một chức gì trong làng để khỏi mang tiếng là bạch đinh, bị người ta gọi là bố cu, mẹ đĩ: ba người em trai, cả người có bằng tiểu học làm hương sư, cũng muốn cho anh như vậy; dân làng, môn sinh cũ xúi giục thêm; và hai ba năm sau khi bác tôi mất, nhân làng khuyết chân lí trưởng, cả bốn anh em nghe một bọn môn sinh của bác tôi bày kế, sửa đổi chúc thư, bán ruộng đi, cả ruộng hương hỏa để ra tranh lí trưởng. Hễ chịu tung tiền cho nhiều thì ngu dốt tới mấy cũng thắng. Thế là vợ chồng vinh hãnh được dân làng gọi là ông Lí bà Lí. Gia sản chỉ còn độ một nửa, bổng lộc ít, tiêu pha nhiều, lại mang thêm tật nghiện thuốc phiện, đánh xóc dĩa nữa; vợ lại đần và làm biếng, nên còn mấy mẫu ruộng bản lần để ăn; hết rồi thì cầm cố vườn, nhà thờ, bán hết đồ đạc trong nhà, cả câu đối, hoành phi, khám thờ nữa, rốt cuộc chỉ còn một cái chõng tre, môn sinh tới làm giỗ thầy phải đặt đồ cúng lên chõng mà vái. Năm 1943, mười năm sau khi bác tôi mất, sản nghiệp của mấy đời, không còn gì cả. Gia đình tan tác: vợ chồng con cái người con cả vô ở Thanh Mai (nhà bố vợ); người con trai thứ hai ở nhà vợ trên Vân Sa. Còn hai người sau vào Nam, ở với bác Ba tôi.

 

Tôi chép lại mấy trang bi đát đó để vạch cái hại của thói giữ thể diện, không trọng sự trị sinh; và cái kết quả rất hời hợt của sự giáo hóa: đối với một số người, nó chi là lớp sơn lễ nghĩa ở bề ngoài, còn cái tính, cái lòng thì không thay đổi được. Tôi giận nhất là chính một hai môn sinh trước kia kính cẩn khiêng linh cữu bác tôi ra sao, thì nay nhà bác tôi suy rồi lại xúc xiểm các con bác tôi đào mả ông nội tôi lên - tức cha của thầy học của họ - để xem mộ có động gì không mà nhà mau suy như vậy! Và bọn bốn đứa cháu bất hiếu đó đã ngu xuẩn nghe lời, quật mồ ông nội mình lên. Thấy chiếc áo gấm khi liệm còn nguyên vẹn, sợ quá, vội lấp lại. Một tai vạ của thói tin địa lí, mà cũng là sự vô ơn, tàn nhẫn vô cùng của mấy tên tự xưng là có “nho học”. Không gì đúng bằng câu này của Mạnh tử: “Hễ không có hằng sản thì không có hằng tâm”; nghèo khổ thì sinh ra vô lễ, bất nghĩa, tàn nhẫn, đê tiện, vô sở bất vi.

 

Muốn học gì thì học nhưng trước hết phải có một nghề để sống đã, bài học đó của ông nội tôi, mà cháu người không biết theo.

 

Tôi nghe nói ngày nay dân làng tôi ai cũng đủ ăn, sàn sàn như nhau cả và những thói ham danh, xúc xiểm nhau, bóc lột nhau, tranh giành nhau địa vị bớt rồi. Nếu đúng vậy thì thật đáng mừng, mà đó là công của cuộc cách mạng 1945. Nhưng đời sống của dân còn phải cải thiện nhiều nữa.


[1] Tâm trạng tủi nhục đó do tổ chức hương thôn của mình. Mỗi làng là một địa phương tự trị, có tục lệ riêng, tài sản riêng (công điền), gần như một triều đình riêng. Người nơi khác tới có cảm tưởng như vô một xứ lạ, bị dân làng nghi kị, không muốn cho nhập tịch – vì không muốn chia công điền cho họ - và chỉ cho ngụ cư (ngày nay gọi là tạm trú). Dân ngụ cư không có chút quyền lợi gì cả (không được dự việc làng không được chia ruộng) nên bị khinh. Đã bị nghi kị lại bị khinh, tất khó làm ăn, nên không ai muốn bỏ quê hương mà đi ngụ cư nơi khác cả, cho việc li hương phải ngụ cư là một tủi nhục. Ngày nay chế độ xã hội chủ nghĩa lại áp dụng chính sách thời phong kiến, chính sách địa phương tự trị đó cũng phân biệt tạm trú và thường (có hộ khẩu) gây rất nhiều rắc rối và tham nhũng. Bao giờ nước mình mới văn minh được?

[2] Khoảng 1936. Gần đây một số tờ báo đặt vấn đề bỏ chế độ hộ khẩu, nhưng thực tế cho thấy sự cách biệt giữa thôn quê và thành thị còn quá xa, điều đó ảnh hưởng đến nhiều vấn đề chưa thể giải quyết được (NXB)

[3] Có lẽ tác giả muốn nói:  2 hécta = 2 x 10.000m2 = 20.000m2 bằng khoảng 6 mẫu ngoài Bắc = 6 x 3.600m2 = 21.600m2. (Goldfish).

[4] Đoạn này nằm trong văn mạch, trong sự suy tư của một học giả có nhiều uy tín với bạn đọc, chúng tôi giữ lại để những ai nghiên cứu về Nguyễn Hiến Lê có tài liệu làm việc. (Nxb Văn Hoá).

[5] Dân làng gọi chúng tôi là “cậu”. Nhiều gia đình hạng sang gọi cha là cậu, mẹ là mợ cũng để tỏ ý đó.