Như đã phê bình trong chương trước, những danh từ hoa mỹ và nhiều khi thần bí trong hiến pháp cũng như những điều khoản căn bản phải có của một hiến pháp là chỉ cốt để che giấu một cách vụng về những điều khoản phản dân chủ, phản thời đại, và phản dân tộc của nó.
Đã không thiếu những luật gia lúc đó cũng như sau này phát hiện ra tính bất quân bằng trong nguyên tắc phân quen cũng như sự tập trung quyền lực quá độ vào vị nguyên thủ quốc gia của bản hiến pháp này. Để kiểm soát và hạn chế hai tác hại lớn lao này, người ta "đã tìm thấy rất ít điều khoản bảo đảm sự ngăn ngừa, chặn đứng một chế độ độc tài, độc đảng”.
Tuy điều 98 chỉ cho Tổng thống đặc biệt nắm nhiều quyền hành trong nhiệm kỳ lập pháp đầu tiên mà thôi để bảo đảm sự ổn định là liên tục của sinh hoạt quốc gia nhưng sau khi hết nhiệm kỳ đó rồi, anh em ông Diệm - Nhu vẫn theo đà, tiếp tục đưa ra những chánh sách và biện pháp chà đạp những điều khoản dân chủ hiếm hoi còn lại trong hiến pháp. Diệm và Nhu hoàn toàn không biết đến hiến pháp, chỉ cai trị bằng sắc lệnh và bằng ý kiến riêng của mình, hơn nữa, thể chế độc tài của họ lại được thực hiện đến tận cấp thôn xã.
Một quyết định sai lầm lớn nhất của ông Diệm lúc bấy giờ là bãi bỏ những cuộc bầu cử thôn xã vốn là đơn vị hành chính cơ bản và đắc dụng của xã hội Việt nam. Từ tháng 6 năm 1956 trở đi các viên chức điều hành cấp xã đều sẽ do Tỉnh trưởng chỉ định chứ không phải là hội đồng do nhân dân trong làng bầu lên nữa. Chế độ thôn xã Việt nam vốn có truyền thống sinh hoạt theo nguyên tắc đồng thuận hoà hài, các viên chức quản trị do chính dân làng bằng hình thức này hay hình thức khác tín nhiệm đề cử, nhờ vậy thôn làng đã trở thành những pháo đài xây dựng nên sức mạnh mãnh liệt và viên mãn không những để chống thắng các đạo quân xâm lược mà còn nhiều khi chống đối, khước từ các chính sách các đạo quân xâm lược mà còn nhiều khi chống đối, khước từ các chính sách tàn ác của các triều đình Việt nam, vì vậy mà "phép vua mới thua lệ làng". Nhưng dù là cựu quan lại Nam triều, ông Diệm cố tình bác bỏ những yếu tố tính văn minh và truyền thống dân tộc đó nên những tác hại chiến lược về sau, khi phải đối chọi với cuộc chiến tranh nhân dân do Cộng sản chủ xướng, còn kéo dài cho đến ngày mất miền Nam.
Hơn tháng sau đó, vào tháng 10, ông Diệm lại ban hành dụ 57a cho phép Tỉnh trưởng được trưng tập nhân dân trong những công tác cứu tế xã hội... đã biến một số đông những Tỉnh trưởng, Quận trưởng và Xã trưởng thành ra màng lưới quyền lực đầu tiên ở cấp địa phương để khai sinh và nuôi dưỡng những mầm mống bất công, tham nhũng và áp bức từ đó cho đến sau này.
Tất cả màng lưới đó tuy chằng chịt đan nhau nhưng lại qui về một mối tại dinh Độc lập nơi mà Tổng thống Diệm tập trung tất cả mọi quyết định, vi phạm mọi nguyên tắc hành chính cơ bản, để can thiệp trực tiếp và mạnh mẽ vào những sinh hoạt nào mà ông muốn, cấp độ nào mà ông thích. Chủ trương trung ương tập quyền tuyệt đối đó, một lần nữa phản ánh cái tâm lý độc quyền và độc tôn là một trong những nét đặc thù của con người ông Diệm từ những ngày đầu mới làm quan Nam triều. (Cho nên như tôi đã trình bày trong một mục trước, việc ông đòi hỏi người Pháp phải cải cách xã hội thời làm Thượng thư Bộ Lại chỉ là một cái cớ thuần lý và khôn khéo thể hiện tham vọng nắm hết và nắm chặt quyền lực trong tay mà thôi. Vì rõ ràng nhất là tại sao thời làm Thượng thư bộ Lại ông đòi hỏi tự do và chủ quyền cho người dân mà bây giờ, đến lúc làm Tổng thống, ông lại bãi bỏ chế độ dân cử tại thôn xã để tước đoạt quyền tự do và quyền làm chủ của người dân).
Song song với những biện pháp hành chính thất nhân tâm đó, chế độ lại phạm thêm một lỗi lầm khác, đẩy nhân dân thêm một bước nữa về sự khủng hoảng tín nhiệm dọn đường màu mỡ cho mầm Cộng sản sinh sôi nảy nớ sau này. Đó là một chiến dịch rầm rộ và lố bịch để đề cao và thần thánh hoá ông Diệm. Từ bài "Suy tôn Ngô Tổng thống" được ra lệnh hát bất kỳ lúc nào có chào cờ đến những ngày lễ "Thánh Bổn Mạng", từ một ngày lễ "Song Thất" bắt chước một cách vụng về ngày lễ Song Thập của Trung Hoa đến chân dung Ngô Tổng thống xuất hiện trong các rạp hát chiếu bóng, rạp cải lương (đến độ nhiều khán giả đã đợi cho đến khi xong cái trò hề suy tôn đó rồi họ mới chịu vào rạp xem phim chính). Kỹ sư Trần Văn Bạch, nguyên Bộ trưởng Bộ Công chánh, đã không chịu hô "Ngô Thủ tướng muôn năm” trong các buổi lễ suy tôn nên bị vu cáo là có liên hệ với Bình Xuyên đến nỗi phải bị mất chức, hạ tầng công tác.
Những biện pháp cai trị mở đầu đó, có những điều khoản phản dân chủ trong hiến pháp chứng tỏ rằng quả thật anh em ông Diệm đã không chuẩn bị hoặc không thiết lập được một kế hoạch xây dựng quốc gia nào trong thời gian mới lên nắm chính quyền. Như một phép lạ do ơn trên ban xuống, như một kẻ chuyên môn kéo màn bỗng bị đẩy ra sân khấu diễn tuồng, anh em ông Diệm choáng váng trước hoàn cảnh và trước mức độ quá to lớn của vấn đề quản trị đất nước, nhất là vì muốn giới hạn quyền quản trị đó trong gia đình mình thôi. Cho nên kế sách đầu tiên phải làm là củng cố quyền lực, tập trung quyền lực và độc chiếm quyền lực. Kế sách đó được biểu hiện dưới ba kế hoạch.
1. Biến Tổng thống chế dân chủ thành một "triều đại quân chủ với những đặc quyền tuyệt đối và to lớn trong tay vị lãnh đạo.
2. Xây dựng một giai cấp thống trị dựa trên thiểu số Cần lao công giáo do chính anh em trong gia đình kiểm soát và điều động.
3. Thiết kế một hệ thống quyền lực từ thượng tầng đến hạ tầng cơ sở để chi phối và ảnh hưởng mọi sinh hoạt quốc gia.
Kế hoạch ba tầng đó chỉ nhằm mục tiêu Công giáo hoá toàn bộ nhân dân miền Nam để duy trì quyền lãnh đạo đất nước anh truyền em nối. Phát xuất từ những sai lầm cơ bản về nhận định như chỉ có người Thiên chúa giáo mới chống cộng, chỉ có người Thiên chúa giáo mới được quốc tế ủng hộ. Và cũng phát xuất từ những tính toán chủ quan như xây dựng một chủ thuyết Thiên Chúa giáo là có thể vạch được một sinh lộ cho Tổ quốc, xây dựng được một chủ lực Thiên chúa giáo là có thể điều động được toàn khối dân tộc cho nên nền độc tài Thiên chúa giáo mà anh em ông Diệm chủ xướng và thực hiện ngay từ đầu (và kéo dài suốt 9 năm của chế độ) chỉ là hệ quả tất nhiên của những con người đã đánh mất hồn nước trong tâm thất và không biết đến những quy luật dựng nước trên mặt trận chính trị. Và ở trên những nhận định sai lầm cơ bản đó là những thôi thúc cuồng tín và quá độ của những người tự nhận mình có sứ mạng tông đồ, có chức năng của hàng giáo phẩm, quyết rao giảng (dù phải áp đặt) tôn giáo mà mình tin tưởng cho cả dân tộc.
Tại sao khi chưa cầm quyền thì đả kích Bảo Đại độc tài phong kiến, khi họp Nghị Đại đoàn kết (1953) thi hô hào dân chủ tự do, mà lúc lên chấp chánh thì lại đôn tộc, độc tài chà đạp chính cái dân chủ tự do mà mình đã từng lớn miệng đòi hỏi? Tại sao khi đã dẹp hết các giáo phái, các đảng phái chính trị, các tổ chức và cá nhân chống đối và đang được đa số quần chúng ủng hộ để xây dựng một miền Nam thịnh vượng và hùng cường trong hoà bình, thì lại tiến hành những chính sách kìm kẹp bạo trị, bất chấp nguyện vọng chính đáng của toàn dân?
Có phải vì yêu nước không hay là vì tôn giáo của mình quá độ, yêu gia đình mình quá độ, yêu cá nhân mình quá độ! Có phải vì để chống Cộng không hay là vì để chống các thành phần dân tộc khác, chống các lực lượng chính trị khác, chống các khuôn mặt quốc gia khác?
Hãy bắt đầu bằng chính sách đáng kể nhất: Tố Cộng, Tiêu diệt Cộng sản tại miền Nam, trước hết, đáng lẽ phải là một chủ trương của toàn thể nhân dân miền Nam mà trong đó nỗ lực chính phải đều từ nhân dân, phải đến bằng chính ý thức chống Cộng (nếu có) của người dân quê tại thôn xã (là nơi mà trong 10 năm kháng Pháp, Cộng sản đã xây dựng hạ tầng cơ sở). Nhưng vì chế độ Diệm không nắm vững nguyên lý đó nên cả chiến dịch, thay vì là một chiến dịch diệt Cộng lại trở thành một chiến địch “Tố Cộng” của chính quyền như cái tên gọi sai lầm của nó. Và thay vì Tố Cộng, bộ máy Cần lao công giáo đã tố chính những thành phần dân tộc quốc gia, đã lạm dụng tình trạng khẩn trương giả tạo để làm mất quyền làm chủ tại thôn xã.
Không những thế, nương theo đà Tố Cộng hung hãn của chánh quyền, những oán thù cũ của 10 năm máu lửa không dính líu gì đến “theo Cộng” hay “chống Cộng” được dịp bùng lên để mang ra tố nhau dưới chiêu bài "Tố Cộng" đang được chính quyền bảo trợ và khuyến khích. Do đó mà "chiến dịch Tố Cộng đã bắt giam vào trại cải tạo từ 50.000 đến 100.000 tù nhân, nhưng chua xót thay, đa số tù nhân này lại không phải là Cộng sản".
Quốc sách diệt cộng chính đáng và cần thiết đó bỗng thành một nguyên nhân gây mâu thuẫn trong lực lượng nhân dân, đã bỗng thành một nhược điềm cho cán bộ Cộng sản lúc đó và sau này khai thác để tuyên truyền chống phá các chính phủ quốc gia.
Kiểm điểm lại quá trình phát triển và những thành tích đẫm máu của Cần lao ở miền Trung, các sử gia và quan sát viên vô tư đều phải công nhận tính cách sát phạt khủng khiếp của lãnh chúa Ngô Đình Cẩn. Số cán bộ Việt cộng bị giết thì chẳng bao nhiêu nếu những kẻ bị coi là Việt cộng quả đã hoạt động thực sự cho Cộng sản! Mà số người bị giết vì bị phân loại là Việt cộng hầu hết chỉ là dân đen, hiền lành, đói khổ, bất mãn với chế độ hét ra lửa của “ông Cậu”. Sở dĩ có sự đáng tiếc đó xảy ra là vì tại những vùng đất rộng lớn khắp giải Quảng Bình vào đến Phú Yên, hầu hết những làng mạc đã từng bị Cộng sản cai trị một thời gian khá lâu trước kia được quân lực VNCH giải phóng. Và trong thời gian sống dưới chế độ Cộng sản của chánh quyền nhân dân Việt minh, người địa phương nếu muốn sống yên thân làm sao tránh tham gia ít nhiều vào các công tác của Việt cộng. Nếu nay chính quyền Cẩn buộc tội họ đã làm Cộng sản mà đem giết đi thì họ cũng đành chịu chết oan chứ biết làm sao thanh minh cho được. Từ đó, tâm lý của nhân dân miền Nam phát xuất từ sự sợ hãi chính quyền hơn là từ ý thức đề kháng và khước từ Cộng sản một cách sáng suốt và tự do. Chống Cộng và càng chống Cộng một cách hăng hái trên mặt hình thức, bỗng trở thành lá bùa hộ mệnh cho một quần chúng yếu đuối nhất ở thôn quê. Chính cán bộ chính quyền cũng bị điều kiện hoá trong khả năng thẩm định lập trường chính trị của quần chúng; cứ ai hô hào chống Cộng lớn miệng nhất là đáng tin cậy, là người quốc gia? Nếu chế độ Diệm đã trọng dụng những phần tử có quá trình hoạt động cho Việt minh như các ông Kiều Công Cung (từng là Sư đoàn trưởng, là Dân biểu Quốc hội của Việt minh) được cử giữ chức Đặc uỷ Công dân vụ Trần Chánh Thành (từng là Chánh án Liên khu Tư của Việt minh) được trọng dụng làm bộ trưởng, Phạm Ngọc Thảo (từng chỉ huy tình báo cao cấp của Việt minh) được mang cấp bậc đại tá, giữ chức tỉnh trưởng... thì thử hỏi vì sao đảng viên các đảng phái quốc gia chống Cộng lại bị liệt vào hàng Cộng sản để rồi bị tiêu diệt.
Bị thôi thúc bởi bản tính bất nhân và bị chỉ đạo bằng những lý luận bất trí, chế độ Diệm đã đùng bạo lực thay vì chính trị, dùng khủng bố thay vì giáo dục trong cái giai cấp mà nhân trị - chứ không phải đạo trị - là phương sách duy nhất và phù hợp nhất để thu phục nhân tâm, xây dựng niềm tin và sự ủng hộ của quần chúng miền Nam. Chính vì đã không xây dựng được niềm tin đó, chính vì đã không xây dựng được sự ủng hộ đó cho nên khi Mặt trận Giải Phóng Dân tộc Giải Phóng Miền Nam ra đời, đã có sẵn một đại khối thôn quê (đang là nạn nhân bất mãn với chính quyền) che chở, bảo vệ và yểm trợ. Từ năm 1959, tình hình an ninh của miền Nam bắt đầu sụp đổ, Việt cộng củng cố và phát triển được hạ tầng cơ sở cùng các mật khu an toàn, đặc công Cộng sản bắt đầu ám sát, bắt cóc, phá hoại, tiêu huỷ những nhân viên và nỗ lực của chính quyền tại hầu hết vùng thôn quê là những chứng cứ rõ ràng không chối cãi được, mà cao điểm của sự sụp sau này là sự ra đời của “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam” vào cuối năm 1960.
Chính sách độc tài thứ hai là chính sách kiểm soát và khống chế báo chí. Để che giấu tội ác và những biện pháp sắc máu của chế độ, anh em ông Diệm chủ trương tiêu diệt đế tứ quyền của nhân dân. Họ dùng những biện pháp kiểm duyệt gắt gao sách báo để kìm kẹp báo chí, phát bông giấy để duy trì đặc quyền đặc lợi cho chủ nhiệm các báo trung thành với chế độ, tập trung phát hành vào nha Tổng Phát Hành Thống Nhất, một cơ quan do tay sai của chế độ nắm giữ để chặn đứng sự phổ biến các tờ báo đứng đắn mà họ gọi là "phản động”, và đặt cán bộ Cần lao vào hàng ngũ báo chí để làm mật vụ theo dõi, điểm chỉ các nhà văn, ký giả yêu chuộng tự do và dân chủ thật sự. Nhưng trắng trợn và khủng khiếp hơn cả là những biện pháp Công an trị và cảnh sát trị bằng cách cho tay sai đến đập phá các toà báo, khủng bố và truy tố ra toà các chủ nhiệm những tạp chí có khuynh hướng đối lập. Dù đó là đối lập xây dựng trong khuôn khổ hợp pháp và Hiến định.
Ngày 13 tháng 3 năm 1958, chỉ vì bài báo Thư gởi ông Nghị của tôi. Ông Nghiêm Xuân Thiện, chủ nhiệm báo Thời Luận bị toà phạt 10 tháng tù treo, 100.000 đồng phạt vạ, và bị rút giấy phép xuất bản với tội danh "có mục đích và tính cách xúc phạm chính quyền". Thật ra nội dung bài báo chẳng có gì là vi luật và vi hiến nếu không muốn nói là cần thiết vì nội dung bài báo chỉ đòi hỏi các ông Dân biểu hành xứ đúng đắn nhiệm vụ đại diện cho dân, đừng làm nghị gật, đừng làm Dân biểu gia nô. Tuy nhiên, vì tờ báo đó là của khối dân chủ, một khối đối lập với chính quyền do các ông Hoàng Cơ Thuỵ, Phan Quang Đán, Nghiêm Xuân Thiện chủ trương nên nó đã không được phép hiện diện trong một chế độ độc tài nữa. Tội nghiệp ông Nghiêm Xuân Thiện vốn là một chiến sĩ chống cộng ngay từ năm 1945, tờ báo Thời Luận của ông đã từng bị Pháp cho ném lựu đạn lúc còn ở Hà nội vì những luận điệu chống thực dân, cho nên ngay lúc di cư vào Nam sau khi đã bỏ lại tất cả cơ nghiệp ở miền Bắc, ông Thiện góp vốn với bạn bè cho bản tờ Thời Luận mong đóng góp tiếng nói chống Cộng với toàn dân. Không ngờ thiện chí đó của ông Thiện được trả lời bằng biện pháp Công an, cảnh sát đến đập phá toà báo, phạt tù và phạt một số tiền vô cùng to lớn đối với thời giá đồng bạc bấy giờ. Điều mỉa mai là khi còn ở Bắc, khi còn ở dưới chế độ thực dân, tờ Thời Luận của các ông Nghiêm Xuân Thiện, Trần Trung Dung... vì đòi hỏi tự do dân chủ mà bị Pháp cho người đập phá, nay vào Nam cũng vì đòi hỏi dân chủ tự do mà bị chế độ cộng hoà Nhân vị trừng phạt, ông Nghiêm Xuân Thiện phải ra toà trong lúc ông Trần Trung Dung (là cháu rể của họ Ngô) thì lại chễm chệ trong chức vụ phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng.
Một nền báo chí có thể ví như một tấm gương. Nếu chế độ dân chủ thực sự thì tấm gương sẽ giúp chế độ thấy điều xấu để sửa sai và thấy điều tốt để khai dụng. Nhưng nếu chế độ độc tài thì tấm gương phải bị đập vỡ tan nát để chế độ có thể hài lòng với cái ảo tưởng xinh đẹp của mình và để đừng phản chiếu cái thô kệch xấu xa cửa mình cho cả nước cùng biết.
Chế độ Diệm đáng lẽ không thể nhân danh an ninh quốc gia và quốc sách chống Cộng của mình để khống chế báo chí vì như vậy là tự chặt đứt mình với đại khối dân tộc để độc quyền chống Cộng. Chế độ lại càng không thể khống chế một tờ báo có khuynh hướng đối lập xây dựng khi chính nhóm chủ trương “Dân Chứ chỉ gồm những thành viên đã có lập trường và quá trình chống Cộng dứt khoát và rõ ràng. Vậy thì chỉ có thể giải thích rằng chính sự hiện diện của nhóm đối lập đó, của tạp chí đối lập đó đang làm phương tiện đến quyền lợi của anh em họ Ngô vốn đang cố bám chặt lấy danh vọng và quyền uy mà thôi.
Sau tờ Thời Luận thì đến số phận đắng cay của nhật báo Tự Do. Trường hợp tờ Tự Do là trường hợp hạn hữu nói lên cái tấn tuồng "bi hài kịch" và chính sách báo chí chỉ xảy ra dưới những chế độ chính trị như chế độ Ngô Đình Diệm.
Tờ Tự Do được ra đời để giải toả áp lực của một dư luận quốc tế đang lên án và đả kích nặng nề chính sách kìm kẹp báo chí gắt gao của chế độ Diệm. Vì vậy ông Ngô Đình Nhu và bác sĩ Trần Kim Tuyến, giám đốc sở Nghiên cứu chính trị, bèn cho tờ nhật báo Tự Do ra đời, nguỵ trang đối lập nhằm cải chính dư luận của quốc tế và đóng vai trò giải toả ẩn ức cho quần chúng Việt nam.
Nhật báo này do ông Phạm Việt Tuyền làm chủ nhiệm và ông Kiều Văn Lân làm quản lý. Hai ông này đều là người Thiên Chúa giáo và lúc đó đang thật tâm ủng hộ chế độ. Một số các nhà văn và ký giả tên tuổi như các ông Như Phong, Hiếu Chân, Mặc Thu, hoạ sĩ Phạm Tăng được mời vào ban biên tập như là chủ lực của tờ báo. Ông Như Phong phụ trách viết quan điểm và tham luận, ông Hiếu Chân phụ trách mục "truyện phim", ông Phạm Tăng, mục hí hoạ chính trị và thời sự
Vì hoài bão muốn xây dựng một cuộc cách mạng xã hội tại miền Nam và vì tin tưởng vào sự đồng thuận của chính quyền, các ông Như Phong và Hiếu Chân (vốn là đảng viên của Việt nam Quốc Dân Đảng) đã viết những bài có nội dung cổ xuý cho một quan điểm chống Cộng khôn ngoan và hiện thực của xã hội miền Nam lúc bấy giờ; đồng thời các ông cũng công khai chủ trương đánh phá những biện pháp độc tài phản dân chủ để xây dựng sức mạnh cơ bản thật sự cho miền Nam.
Vào dịp tết Canh Tý (đầu năm 1960), nhóm Tự Do cho ra số Xuân với bức hí hoạ đặc biệt ở trang bìa làm sôi nổi dư luận và đem thích thú lại cho độc giả cũng như đem tai hoạ cho nhóm chủ trương. Bức tranh bìa của tờ báo vẽ sáu con chuột háu ăn, nanh vuốt bén nhọn, đang tham lam tranh nhau gậm xới một trái dưa hấu đỏ trên bản đồ miền Nam Việt nam. Nhìn bức hí hoạ ai cũng có thể thấy được thâm ý của nhóm chủ trương và người hoạ sĩ đã có tài phản ảnh trung thực tình trạng đất nước đang bị sáu anh em ông Diệm tranh nhau đục khoét tài nguyên quốc gia. Chuột là con vật tượng trưng cho tuổi Tý theo quan niệm tướng số học của Tống Nho, mà tuổi của ông Diệm lại là tuổi Canh Tý. Chuột cũng tượng trưng thứ thú vật dơ bẩn, thường đi kiếm ăn về ban đêm (bất chánh), và thường mang lại bệnh tật cho loài người nên ai cũng ghê tởm muốn giết đi Sáu con chuột trên bức hí hoạ rõ ràng ám chỉ sáu anh em nhà Ngô: Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và vợ, Ngô Đình Luyện và Ngô Đình Cẩn. Tờ báo xuân Tự Do bán chạy như tôm tươi và Tết năm đó, mọi người gặp nhau, câu chuyện đầu môi là bức hí hoạ chuột. Nhưng trong lúc dân miền Nam hả hê với bức tranh chuột của báo Tự Do thì những kẻ chủ trương lại gặp tai hoạ.
Vào một ngày cuối tháng Hai năm đó, tôi đang thẩm định một số phúc trình về tình trạng đào ngũ gia tăng của một số đơn vị ở miền Tây thì thiếu tá Nguyễn Thành Long, Chánh sở An ninh quân đội Biệt Khu Thủ Đô, xin vào gặp. Mới thấy tôi, Long đã vội vã xin lỗi và phúc trình một công tác quan trọng: "Thưa đại tá 12 giờ đêm hôm qua, đại uý Quyền (người Công giáo miền Trung) cảnh sát trưởng quận nhất, đại uý Minh (người Công giáo di cư) chỉ huy Hiến binh Sài gòn, Chợ Lớn, và em, đại diện nha An ninh quân đội, được lệnh tối mật của ông cố vấn đến đập phá toà báo Tự do và lùng bắt những người chủ trương tờ báo. Theo đại uý Quyền, người nhận lệnh trực tiếp từ ông Cố vấn và người chỉ huy cuộc hành quân, thì cuộc bố ráp phải được tuyệt đối giữ bí mật, không được cho đại tá biết cho đến khi thi hành xong nhiệm vụ. Bây giờ công tác đã hoàn thành, em đến trình công việc lên đại tá rõ. Em xin lỗi đại tá".
Từ lâu, tôi đã quá biết thủ đoạn thâm độc của Ngô Đình Nhu đã quá biết cung cách làm việc "hỗn quan hỗn quân" của chế độ Diệm nên sau khi nghe thiếu tá Long trình bày, tôi chỉ cười và an ủi viên sĩ quan thuộc cấp, vốn người Công giáo miền Nam chân thành ngay thẳng. Long cho biết theo lệnh của ông Nhu thì phải lùng bắt cho được tên Hiếu Chân Nguyễn Hoạt thường mượn chuyện xưa tích cũ để chửi bóng chửi gió các cấp lãnh đạo quốc gia trong mục “Nói hay Đừng”, nhưng Hiếu Chân lại lọt lưới, chỉ bắt được các ông Như Phong, Phạm Việt Tuyền và Kiều Văn Lân (hai ông Tuyền và Lân hiện ở tại Hải ngoại). Cũng theo lệnh của ông Cố vấn thì ba ông phải đưa giam giữ tại Sở An ninh quân đội biệt khu thủ đô.
Cũng từ lâu, tôi không ngạc nhiên về chuyện bắt bớ giam giữ báo chí, vốn là việc của Công an mật vụ thế mà Ngô Đình Nhu lại giao về cho nha An ninh quân đội như đã nhiều lần dùng thủ đoạn “Di hoạ Giang Đông” đó để làm cho tôi bị "vấy máu" trong việc bắt bớ người quốc gia đối lập. Nhưng đời nào tôi lại mắc mưu Ngô Đình Nhu, huống chi chủ trương của tôi là luôn luôn bảo toàn sinh lực quốc gia bằng chính sách đoàn kết với người quốc gia chống Cộng dù họ là thành phần đối lập với chế độ, nên tôi vội vã đến thăm các can nhân đang bị giam giữ trong trụ sở An ninh quân đội của thiếu tá Long. Khi tôi đến nơi thì các ông Phạm Việt Tuyền, Kiều Văn Lân và Như Phong đang bị nhốt trong nhà lao của Sở. Tôi ra lệnh cho Long di chuyển ba ông về một căn phòng thoải mái, cho phép vợ con của các ông ấy đến thăm viếng bất kỳ lúc nào, và cả đem sách báo, cờ tướng cho các ông giải trí. Tôi cũng ra lệnh cho Long là không được điều tra thẩm vấn gì cả, đợi độ một tuần rồi làm tờ trình lên cho tôi là ba nhà báo này không có tội tình gì cả để tôi toan liệu xin với Tổng thống trả tự do cho họ. Nhưng ba vị ký giả này mới chỉ bị giữ ba bốn ngày tại sở An ninh quân đội biệt khu Thủ đô thì tôi được lệnh của ông Nhu chuyển hồ sơ qua nha Công an để Công an thụ lý. Thấy không di hoạ được mà lại đoán ra ý định của tôi, ông Nhu bèn ra lệnh chuyển nội vụ qua Công an. Vốn đã chán ngấy những việc làm thất nhân tâm của anh em ông Diệm, lại biết ông Nhu đã đề phòng nên tôi đã không thể theo dõi số phận của ba nhà báo ở nha Công an nữa.
Cho đến sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ tôi mới có dịp gặp lại các ông Phạm Việt Tuyền, Như Phong và Hiếu Chân khi các ông ấy đến thăm tôi tại nhà riêng ở Sài gòn để cảm tạ chút tình tri ngộ. Cái tai hoạ cho bức tranh Chuột gây ra bỗng trở thành cơ duyên cho tôi được thêm ba người bạn mới, tuy hoàn cảnh không cho phép thắm thiết nhưng thời gian đã thử thách cho được sự keo sơn. Riêng ông Hiếu Chân Nguyễn Hoạt thì trong đêm bị bố ráp đã nhanh chân trốn thoát đến trú tại một làng ở kinh Vĩnh Tế gần biên giới Miên-Việt, mãi cho đến sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ mới trở về lại Sài gòn đoàn tụ gia đình. Sau đó, viết hồi ký kể lại đoạn trường của nền báo chí Việt nam dưới chế độ “cách mạng Nhân vị” Ngô Triều, ông có nhắc lại chuyện này và trong đó có nhiều đoạn khen ngợi sự sáng suốt và can đảm của vị “Giám đốc Nha An ninh quân đội” thời đó,.
Với những biện pháp kiểm duyệt, bắt bớ, khủng bố ký giả truy tố chủ nhiệm ra toà như thế, tình trạng báo chí dưới chế độ Diệm vừa ít ỏi về lượng, vừa nghèo nàn về phẩm. Số báo hàng ngày tại Sài gòn và được phân phối cho gần 15 triệu độc giả Việt nam chỉ vẻn vẹn có 12 đến 15 tờ, hết thảy đều là loại thán chính quyền hoặc lại văn nghệ vô thưởng vô phạt. Rất nhiều nhà báo đã từng can đảm khôn ngoan tồn tại được qua chế độ kiểm duyệt của thực dân Pháp, nhưng dưới thời ông Diệm cũng đành tự ý đình bản những đứa con tinh thần và tạm chấm dứt đệ tứ quyền của mình hoặc vì không muốn bẻ cong ngòi bút để làm một thứ bồi bút táng tận lương tâm, hoặc vì không chịu nổi áp lực của các cơ quan mật vụ Công an.
Các ông Mạc Thu, Huỳnh Hoài Lạc, Nam Đình... đã tự ý đóng cửa các tờ Người Việt Tự Do, Chuông Mai, Thần Chung cho đến vào khoảng tháng 12 năm 1963, khi chính sách khống chế báo chí cùng theo chế độ Ngô Đình Diệm bị nghiền nát dưới sự phẫn uất của toàn dân, và lúc đó tôi đang làm tổng trưởng Thông tin trong tân chính phủ, (sau ngày l-11-1963) những tờ báo nói trên mới hồi sinh để có thể ngẩng mặt cùng với toàn dân hành xứ quyền nghe và nói sự thật.
Ông Huỳnh Hoài Lạc vốn là một cây viết chủ lực của tờ Thời Cuộc vào những năm 1948, 1949 và đã hết lòng ủng hộ ông Diệm, nhưng vì phẫn uất chế độ Diệm nên đành đóng cửa tờ Báo Chuông Mai, gác bút nằm nhà chịu sống đời ẩn dật. Ký giả lão thành Nam Đình (người bạn trẻ thân thiết của nhà báo yêu nước tiên phong Diệp Văn Kỳ) cũng bất mãn với chế độ độc đoán kỳ thị của ông Diệm nên đã quyết định đình bản vĩnh viễn tờ Thần Chung. Ký giả kỳ cựu và nhiều uy tín Trần Tấn Quốc cũng từ giã nghiệp báo, thà chịu sống thất nghiệp nhưng trong sạch, cho đến khi “được mời” vào dinh Độc lập để vừa nghe hăm doạ, vừa nghe phủ dụ ông mới rất thỉnh thoảng viết một bài loại vô thưởng vô phạt.
Riêng ký giả M.T, dù đã có một thời ở trong nhóm chủ trương của tờ Tự Do và liên hệ chặt chẽ với bác sĩ Trần Kim Tuyến, nhưng sau vụ khủng bố đầu Xuân Canh Tý ông bắt đầu chống đối chế độ một cách quyết liệt Sau này, dưới bút hiệu Chu Bằng Lĩnh, ông viết lại trên nhật báo Thách Đố một loạt bài nghiên cứu và phê phán đảng Cần lao dưới chế độ Diệm. Loạt bài trở thành một chứng tích quí giá và đã được nhiều nhà nghiên cứu tán thưởng nên ông cho in thành sách với tựa đề Đảng Cần lao. Nhưng khi in xong và sắp phát hành thì một số phần tử Cần lao đã tìm gặp tác giả đòi mua hết số sách đã in kèm thêm với lời hăm doạ là nếu không bán thì sẽ bị thủ tiêu, ký giả M.T đành chịu nhượng bộ.
Vì vậy tác phẩm nghiên cứu Đảng Cần lao đã không được phổ biến tại Việt nam, và cũng vì vậy mà những người biết chuyện này khám phá thêm được nỗi lo sợ của những cựu đảng viên Cần lao nếu sự thật về đảng này lại được lột trần thêm cho hậu thế phê phán. Tuy nhiên cơ quan văn hoá Mỹ tại Sài gòn cũng đã kịp thời mua được một số sách từ chính tác giả nên hiện nay tác phẩm này, từ năm 1977, đã được phóng ảnh và phổ biến tại hải ngoại (thư viện Quốc hội Hoa kỳ hiện còn giữ 5 cuốn trong thư mục).
Tiếc rằng hồi còn gặp nhau tại Sài gòn, tôi đã quên không hỏi ký giả M.T tên tuổi những phần tử nào đã mua toàn bộ mấy ngàn cuốn sách của ông, tuy nhiên tôi nghĩ rằng tác giả cũng đã cho một số bạn bè và bà con thân thích biết những danh tính này để đề phòng trường hợp bị hành hung thì sẽ đưa ra công lý và công luận.
Ngoài báo chí do những ký giả lấy công tâm chức nghiệp và lý tưởng tự do làm vũ khí đấu tranh ra, giới nhà văn nhà báo cũng là đối tượng cần phải khống chế của chính sách độc tài của chế độ Ngô Đình Diệm. Trong một buổi hội thảo tại Hội Bút Việt, ông Lê Văn Siêu đã phải cho nổ bùng lên tiếng súng báo động: “Về sách và báo chí thì hồi tiền chiến dưới thời Pháp thuộc danh nhân ký giả còn được hưởng nhiều tự do dân chủ hơn dưới chính thể Cộng hoà ngày nay".
Điều độc tài tàn bạo thứ ba của chế độ Diệm là chính sách xuống tay huỷ diệt đối lập, là đối xử với đối lập chính trị như (hay nhiều khi tàn tệ hơn) kẻ thù Cộng sản. Dù trên mặt định chế và xưng danh, một chế độ có gọi là gì đi chăng nữa thì có 3 dấu hiệu rất rõ ràng và rất dễ nhìn thấy để xác định một chế độ có độc tài hay không: Thứ nhất là báo chí có bị tước đoạt quyền tự do ngôn luận không, thứ hai là bầu cử có gian lận không, và thứ ba là đối lập có bị đàn áp không. Nếu câu trả lời là có thì chắc chắn chế độ đó độc tài. Chế độ Diệm, trong cả 3 trường hợp và qua nhiều bằng chứng cụ thể đã trâng tráo trả lời Có.
Quốc hội dưới chế độ Diệm là một thứ Quốc hội bù nhìn, mà các dân biểu chỉ làm cái công tác hình thức nhằm thông qua các dư luận cho Phủ Tổng thống gởi tới. Những cuộc vận động tranh cử trong quân đội cũng như ngoài nhân dân lố lăng và kệch cỡm như những trò hề nhạt nhẽo để che đậy những gian lận và bịp bợm. Các buổi tranh luận dự luận tại nghị trường thì chỉ là những màn dàn cảnh để khoa trương một trò chơi dân chủ mạo hoá. Khốn nỗi đạo diễn thì độc đoán mà đào kép thì gật gù, nên toà nhà Quốc hội trở thành một nhà hát rẻ tiền của thành phố, càng diễn nhiều trò càng làm bẩn mắt quần chúng và thế giới.
Cứ mỗi lần sắp sửa đến ngày bầu cử Quốc hội, ông Diệm, ông Thục, ông Nhu, ông Cẩn, bà Nhu mỗi người một danh sách tay sai "giỏi" của mình. Tất cả 5 danh sách đó được tập trung vào tay vợ chồng Ngô Đình Diệm để lượng giá và làm bảng tổng kết đưa cho ông Diệm duyệt lại lần cuối. Nếu có sự bất đồng ý kiến giữa anh em, thì Dân biểu Hà Như Chi (hiện ở Ginjose) mang chỉ thị của vợ chồng đôn đáo chạy xuống Vĩnh Long hay chạy ra Huế để xin sự thông cảm của cha Thục, cậu Cẩn. Những ai đã được lọt vào bảng danh sách chung quyết là được coi như đã đắc cử Dân biểu rồi, chỉ còn đợi trò " Sơn Đông Mãi Võ" diễn ra khắp nơi để hợp thức hoá địa vị của họ nữa là họ nghênh ngang đi vào toà nhà hát lớn với tư cách của một nhà Lập Pháp dân cử đã làm tròn nhiệm vụ Dân biểu gia nô. Nhưng có nhiều trường hợp khi Nhu bất đồng ý kiến về một ứng cử viên nào đó thì tai hoạ sẽ đến cho ứng cử viên kia: ông ta sẽ là cái gai của Nhu nếu ông ta là người của Cẩn, hay ngược lại để không sớm thì muộn bị kẻ thù của chủ nhiệm trù yếm, đoạ đày: Nói rõ ra, Dân biểu dưới chế độ Diệm là Dân biểu được bổ chứ không phải là dân biểu được bầu.
Từ ngày chế độ Diệm được ra đời, nhiệm kỳ Quốc hội nào cũng dành hai đơn vị cho vợ chồng Ngô Đình Nhu, chồng thì ứng cử ở Khánh Hoà trong lúc vợ ứng cử ở Long An. Như một cặp vợ chồng nhà giàu luôn luôn đặt sẵn hai vé ở một rạp diễn tuồng họ thích, nhưng dân chúng hai tỉnh đó quả thật chưa bao giờ thấy mặt mũi người đại diện của mình, chưa bao giờ thấy ứng cử viên đến đơn vị để vận động tranh cứ, nhưng kết quả vẫn luôn luôn là trên 90%. Tất cả các tài liệu nói về các cuộc bầu cử dưới chế độ Diệm đều chứng minh điều đó.
Vê trường hợp là Dân biểu Ngô Đình Nhu, đại tá Nguyễn Chánh Thi, nguyên tư lệnh Nhảy dù, đã có nhận xét rõ rệt khi ông ta phải gặp vị Tư lệnh Quân khu Thủ đô là Trung tướng Thái Quang Hoàng để trình bày về trường hợp ông ta bị chế độ nghi ngờ. “Nhưng Trung tướng nghĩ sao về hiện tình đất nước của chúng ta, về sự bất lực của chính phủ và nhất là về hành động bạo ngược của mụ Nhu. Miệng tuyên bố vì dân vì nước, mà trong bụng chứa toàn âm mưu phản dân hại nước. Người ta (ý ông muốn nói đến hai ông Phan Khắc Sửu và Phan Quang Đán) được dân bầu, mình lại dùng thủ đoạn gian manh đã gạt ra rồi đem bọn tôi tớ khốn kiếp vào trong Quốc hội. Và ngay cả chính mụ Nhu nữa, mụ đại diện cho ai? Dân Đức Hoà, Đức Huệ có ai biết mụ đâu, có ai ưa mụ đâu (xin lưu ý rằng, khi có cuộc bầu cử nhiệm kỳ hai ngày 20-8 năm 1959 mà đại tá Thi đề cập đến là lúc mà tình hình tại tỉnh Long An mất an ninh rồi, vì thế việc bà Nhu trúng cử 98% tại Đức Hoà, Đức Huệ, vùng mất an ninh nhất của Long An đã làm cho dư luận báo chí quốc tế chỉ trích)".
Năm 1959, để giải toả áp lực chính trị của Hoa kỳ đòi hỏi phải thực thi dân chủ, để đối phó với những đợt mỉa mai của quần chúng tại thôn quê và nhất là (theo giáo sư Buttinger) vì chủ quan tin rằng mình đã kiểm soát được quần chúng tại thủ đô, anh em ông Diệm quyết định trình diễn một màn ngoạn mục bằng cách cho phép hai nhân vật Phan Khắc Sửu và Phan Quang Đán ra tranh cử tại Sài gòn.
Và mặc dù chính quyền đã sử dụng những thủ đoạn gian lận như di chuyển đơn vị quân đội về để bỏ phiếu, tráo thùng phiếu... hai ông Sửu và Đán vẫn đắc cử vẻ vang, dẫn đầu tất cả ứng cử viên của chính quyền tại Đô thành Sài gòn Chợ Lớn. Riêng ông Đán thì đắc cử với 36.106 phiếu (63% tổng số) của quận Nhất, đơn vị có dinh Độc lập toạ lạc. Thắng lợi của hai ông Đán và Sửu biến sự sững sờ vì không ngờ quần chúng lại tín nhiệm kẻ đối lập của mình và phẫn nộ vì thấy kẻ đắc thắng ngay tại Thủ Đô, nên họ liền ra lệnh cho Uỷ ban Hợp thức hoá cuộc bầu cử tuyên bố hai ông Sửu và Đán là bất hợp lệ.
Sự kiện chỉ có hai người đối lập trong một Quốc hội gồm đến 123 Dân biểu mà anh em ông Diệm vẫn không chấp nhận chứng tỏ nhà Ngô muốn ráo riết xây đắp một nền độc tài tuyệt đối như thế nào, và cũng chẳng chứng tỏ họ đã xem thường những nguyên tắc dân chủ cơ bản đến độ nào! Hai nhân vật (Sửu và Đán) được nhân dân tín nhiệm dồn phiếu cho thì lại bất hợp lệ hai nhân vật (vợ chồng Nhu) không hề tiếp xúc với nhân dân thì lại đắc cử với 98% số phiếu. Chua xót và mỉa mai thay cho danh từ Nhân vị và cộng hoà. Chính sánh tác hại thứ tư xuất phát từ chủ trương gia đình trị nên quan niệm việc nước là việc nhà, xem quốc gia và dân tộc như là của riêng gia đình mình, muốn áp đặt luật lệ, muốn thi hành hiến pháp thế nào cũng được.
Năm 1959, chính phủ Ngô Đình Diệm cho ban hành Luật gia đình số 1/59 gồm 135 điều cấm ly dị, cấm đa thê và truất phế quyền lợi con ngoại hôn. Đạo luật đó do bà Dân biểu Ngô Đình Nhu dự thảo và trình bày trước Quốc hội ngày 13 tháng 12 năm 1957. Ngày 21 tháng 12 năm 1957, bà Ngô Đình Nhu bỏ phòng họp ở Quốc hội ra về vì có vài dân biểu muốn duy trì một số quyền cho người chồng trong gia đình. Đây cũng là luật của VNCH bị hầu hết các ký giả, nhà viết sử ngoại quốc dùng nó để đả kích bà Ngô Đình Nhu vì đạo luật đã đi ngược lại truyền thống sinh hoạt của gia đình Việt nam và không phù hợp với tình hình chính trị xã hội lúc bấy giờ.
Công bằng mà nói thì cấm đa thê là một việc làm hợp lý tuy chưa hợp tình hợp cảnh, nhằm bãi bỏ một cổ tục từ ngày xưa. Chỉ tiếc rằng việc làm này chưa đúng lúc vì tuy đất nước tạm thanh bình nhưng lòng người chưa định, mà dân chúng thì còn nghèo đói nên hỏi họ trông chờ và đòi hỏi nhà cầm quyền đặt trọng tâm và nỗ lực vào những biện pháp cấp tốc cho vấn đề dân sinh dân kế hơn là gây ra những xáo trộn xã hội. Còn luật cấm ly dị thì lại là một đạo luật vô lý, vô nhân đạo, gây ra rối loạn xã hội mà ngay cả những nước khác trên thế giới dù chịu ảnh hưởng văn minh Đông phương hay Tây phương, dù sinh hoạt xã hội có bị chi phối nhiều hay ít bởi tôn giáo cũng chưa một nước nào dám áp dụng, kẻ cả Italia, một nước mà toàn dân đều theo đạo Thiên chúa giáo. Dư luận Việt nam lúc bấy giờ, từ thành thị đến thôn quê, từ mọi giai tầng khác nhau trong xã hội, nơi nào cũng ồn ào sôi nổi bàn tán chống đối vì đạo luật đó sẽ ảnh hưởng tai hại cho hạnh phúc của mọi gia đình, mọi cặp vợ chồng. Ngay những dân biểu Quốc hội, thứ Dân biểu chỉ định thứ Dân biểu được dân gọi là nghị gật, mà cũng có người dám phản đối dự luật gia đình thì đủ biết sự bất mãn của dân miền Nam lên cao đến mức độ nào. Dân biểu Nguyễn Huy Chương đả kích kịch liệt dự luận của bà Nhu mà ông cho rằng: "Bảo vệ gia đình bằng luật này là chống Cộng có một chân, là trái luật thiên nhiên, khiến vợ chồng kiện nhau, gây nhiều bất công và xui ra rối loạn..." Ngày 19 tháng Giêng năm 1958, vài Dân biểu phẫn nộ vì bà Nhu đã chỉ trích nhiều vị muốn phá hoại không biểu quyết dự luật gia đình "chỉ muốn lấy vợ lẽ" và có thái độ “thật hèn". Theo các ông Dân biểu thì như vậy là xúc phạm Quốc hội, bà Nhu phải xin lỗi thì Quốc hội sẽ bỏ qua.
Mấy ngày sau bà Nhu cho đăng báo, thanh minh rất dài, cải chính những lời gán cho bà. Bà đã nói "thất hẹn" chứ không nói "thật hèn".
Vấn đề đặt ra là tại sao đạo luật gia đình đi ngược với lòng dân, bị dư luận chống đối mà anh em Diệm-Nhu vẫn cứ bênh vực bà Nhu, vẫn cứ áp lực bắt Quốc hội thông qua để ban hành thành luật bằng được. Chúng ta hãy nghe một chứng nhân thời cuộc, một cộng sự viên thán tín của chế độ, một người hàng ngày ra vào dinh Tổng thống 5, 7 lần và là người chịu trách nhiệm phổ biến tin tức quốc tế và Quốc hội cho cả nước là ông Tổng giám đốc Việt Tấn xã Nguyễn Thái trình bày: Việc cho ban hành đạo luật của bà Nhu đã cho thấy chế độ Ngô Đình Diệm đang đi đến một khúc quanh làm nổi bật bà Nhu như là một trung tâm quyền lực quan trọng nhất. Với đạo luật gia đình, lần đầu tiên bà ta chứng tỏ công khai bà là người thật sự nắm quyền tại miền Nam. Đạo luật được thông qua đúng lúc địa vị của ông Nguyễn Hữu Châu bị lung lay. Với tư cách Bộ trưởng Phủ Tổng thống kiêm Bộ trưởng Bộ nội vụ, ông Châu là nhân vật quan trọng sau Tổng thống Ngô Đình Diệm. Nổi tiếng là một luật sư thành công nhất Sài gòn, lại là con cháu của một đại phú gia tại Gò Công, ông Nguyễn Hữu Châu được coi là một Bộ trưởng liêm khiết và tài ba của chế độ Diệm. Đối với người Nam thường lo âu và nghi ngờ người Bắc di cư là " kẻ xâm lược, Nguyễn Hữu Châu là kẻ đỡ đầu, là Bộ trưởng của họ. Đối với lớp trí thức trẻ của chế độ ông Châu là người cấp tiến họ có thể trông cậy nơi ông ta trong công cuộc cải tiến xã hội. Đối với người lên án chế độ Diệm là một chế độ tham nhũng thì Nguyễn Hữu Châu ít bị nghi ngờ nhất vì ông Châu đã quá giàu có nhờ vào lợi tức của văn phòng luật sư và nhờ thừa kế một gia tài đồ sộ. Đối với Tổng thống Diệm thì ông Châu là một đảng viên tài ba, đắc lực có thể diễn đạt và phổ biến được những ý kiến lúng túng mơ hồ của ông Diệm thành ra những đường lối tốt cho chính phủ. Đối với ông Ngô Đình Nhu thì ông Châu là người anh cột chèo vì ông Châu lấy chị ruột bà Nhu là bà Trần Thị Lệ Chi làm vợ. Vốn liếng tài năng, đức độ của ông Châu là biểu tượng liêm chính cho chế độ Ngô Đình Diệm, nhờ đó thân thế, địa vị ông Châu trôi chảy tốt đẹp êm đêm cho đến khi dự luật gia đình của bà Nhu ra đời.
Tại Sài gòn, từ năm 1957, những ai từng biết tình cảnh gia đình của ông Châu đều lo âu cho sự nghiệp chính trị của ông ta sẽ bị lung lay và đều bị nghi ngờ thất sủng của Tổng thống Diệm đối với ông Châu có liên hệ đạo luật gia đình của bà Nhu. Họ bảo rằng khi nào ông Châu quyết định ký giấy ly dị vợ ông ta, một người đang sống với tình nhân tại Paris, tức là lúc ông ký bản án chôn vùi sự nghiệp chính trị của mình. Dù đúng hay những thì giới trí thức Sài gòn đều giải thích rằng luật gia đình của bà Nhu đã ngăn cản ông Châu ly dị vợ. Những điều quan trọng trong đạo luật gia đình lại là những điểm nói về tài sản của hai vợ chồng khi xảy ra ly dị như trường hợp của ông Nguyễn Hữu Châu. Những tài sản của cặp vợ chồng ly dị vẫn là tài sản chung cho đến khi có phán quyết của toà án, tài sản sẽ thuộc về người thắng cuộc (tất nhiên trong khi gia đình ông Diệm còn cầm quyền, bà Nhu vẫn còn là Nữ Hoàng, thì chị bà, là người đàn bà ngoại tình Trần Thị Lệ Chi chắc chắn sẽ thắng kiện và ông Châu sẽ mất hết gia tài sự nghiệp). Vì lý do đó nên vấn đề ly dị chưa phải là vấn đề trầm trọng của xã hội Việt nam mà bỗng nhiên đưa ra để cấm ly dị...
Chỉ cần nghiên cứu qua loa về đạo luật gia đình của bà Nhu cũng thấy những điều quan trọng được chú trọng được chú ý đặc biệt là điều 55 đến 70, những điều nói về cấm ly dị và những điều 45 đến 54 là điều bảo vệ tài sản chung cho hai vợ chồng đã ly dị toàn là những điều liên hệ với trường hợp của ông Nguyễn Hữu Châu. Còn lại những điều khác chỉ là điều thừa, chỉ để giải quyết một số vấn đề xã hội mà buồn cười thay cho nó không xảy ra tại xã hội Việt nam, hoặc chỉ dùng làm bình phong che đậy những mục đích chính, ví dụ nói về tục đa thê một tập tục cổ truyền của xã hội Khổng Nho nó đã quá quen thuộc với người Việt nam, không còn là một tệ trạng của xã hội Việt nam nữa.
Ngoài ông Nguyễn Thái ra, tất cả những ai biết rõ hoàn cảnh ông Nguyễn Hữu Châu đều biết Luật gia đình của bà Nhu chủ yếu nhằm cản trở ông ta ly dị với người vợ hư thân mất nết và để bảo đảm một tài sản to lớn cho người chị ruột bà Nhu. Ký giả Stanley Karnow cũng như ông Trần Văn Đôn, bạn thân của bà Nhu, cũng đều xác định như thế.
Theo ông Phan Xứng, một thời gian là cán bộ trung kiên của ông Diệm từng làm thầu khoán tại Đà. Lạt và đã đóng góp ủng hộ tài chánh cho ông Ngô Đình Thục và vợ chồng ông Ngô Đình Nhu thì bà Trần Thị Lệ Chi từ lâu đã sống với người Pháp tên là Ogery vốn là một chủ nhân một garage tại Đà Lạt. Dân chúng Đà Lạt đã hết lời nguyền rủa người đàn bà lăng loàn đó, thế là bà Nhu lại lạm dụng quyền hành, bất chấp đạo lý nhân tình, bất chấp dư luận quần chúng, xuống tay làm luật gia đình mong hại người anh rể, hại kẻ hoen tài.
Riêng ông Nguyễn Hữu Châu, vì biết rằng người em vợ độc ác nham hiểm đưa luật gia đình ra là cốt để không cho mình ly dị, vì biết rằng người em đồng hao là ông Ngô Đình Nhu đã phản bội, vì biết rằng đã bị Tổng thống Diệm phũ phàng cho nên nếu ở lại làng quê nhà thì thế nào cũng bị hãm hại, tánh mạng cũng sẽ khó an toàn mà gia tài sự nghiệp có thể bị tịch thu, cho nên ngày 5 tháng năm 1958, ông đành phải xin từ chức Bộ trưởng rồi bí mật vượt đường bộ trốn lên Cao Miên để sang Pháp ty nạn. Bỏ lại sau lưng quê hương xứ sở, bỏ lại sau lưng sự nghiệp gia tài, bỏ lại sau lưng bà con thân thuộc, ông Nguyễn Hữu Châu đem thân làm kẻ lưu vong nơi đất khách quê người chỉ vì một "con gà mái bắt đầu cất tiếng gáy”.
Thế là bắt nguồn từ chuyện nội bộ gia đình, mà nếu dàn xếp trong khuôn khổ giới hạn của những đương sự thì chị mình sẽ mất đi phần tài sản béo bở, bà Nhu đã biến nó thành chuyện của quốc gia, nguỵ trang bằng những lý luận hoa mỹ mà không biết hoặc không cần đối chiếu với hiện thực xã hôi Việt nam, cái thái độ bất cần quần chúng, cái cung cách đối xử với những vị Dân cử bạn đồng viện như thế chỉ có thể giải thích bằng sự thiếu giáo dục đạo đức trong gia đình và sự say mê quyền uy đến độ mù quáng mà thôi.
Sự say mê đó, sau khi Đạo luật gia đình đè bẹp mọi chống đối và bất chấp sự phẫn nộ của quần chúng để vẫn được thông qua, bỗng trở thành một sự xác định chắc nịch về sức mạnh quyền hành có thật của bà Nhu. Ý thức được vị trí và vai trò của mình, từ đó, bà Nhu bắt đầu can thiệp mạnh mẽ hơn vào bộ não của chánh quyền, tức là gia tộc Ngô Đình. Và cũng từ đó, nói đến chế độ là không thể tách rời bà Nhu, cũng như nói đến bà Nhu là nói đến bản chất của chế độ vì chính bà đã khôn khéo áp đặt, vận dụng, ảnh hưởng, can dự, thôi thúc đóng góp, thảo luận, chi phối, điều động mọi quyết định của cái nhóm mà anh em nhà chồng đang nắm giữ mọi quyền lực lãnh đạo đất nước.
Thật vậy Cụ Tôn Thất Toại đã cho tôi biết rằng quyết định ủng hộ đạo luật gia đình này của ông Diệm là do ảnh hưởng của người em dâu. Nguyên Cụ Toại thuộc một gia đình đại vong tộc ở miền Trung mà thân phụ là một vị Phụ chính Đại thần, đồng thời Cụ cũng là bạn thân của ông Khôi, ông Diệm từ nhỏ, từng học chung với nhau ở Pellenin và trường Hậu Bổ Huế. Từ lúc được bồ làm Tri huyện cho đến ngày nắm chức Thượng thư tại triều, Cụ luôn luôn giữ gìn và hành xử trong mâu mực Cần, Kiệm, Liêm, Chính của một người công bộc gương mẫu.
Trong suốt cuộc chiến tranh Pháp-Việt 1945-1954, dù thuộc dòng dõi Tôn Thất liên hệ với Bảo Đại toàn thể anh em Cụ đều sống ẩn dật, mưu sinh bằng những nghề lương thiện, quyết không hợp tác với Pháp để giữ trọn đạo đức và thanh danh của gia đình. Cho đến năm 1953, anh em Cụ Toại mới thể hiện lập trường của mình bằng quyết định chính trị ủng hộ ông Ngô Đình Diệm. Chính em ruột của Cụ Toại là ông Tôn Thất Cẩn ở Pháp đã có công rất lớn với ông Diệm, đã từng nuôi Diệm ăn ở tại Paris và từng hết lòng vận động ông Bảo Đại và bà Nam Phương để ông Diệm được chỉ định làm Thủ tướng. Còn chính Cụ Toại thì gia nhập Phong trào Cách mạng quốc gia, hoạt động hăng say để xây dựng sức mạnh và uy tín cho Diệm, sau đó Cụ đắc cử vào Quốc hội, đơn vị Nha Trang.
Tại diễn đàn Quốc hội, Cụ Toại là một trong những Dân biểu kịch liệt chống đối luật gia đình, vì thế một hôm Cụ nhận được tấm thiệp của ông Ngô Đình Nhu, trên thiệp chỉ có mấy chữ: "Ông Toại liệu hồn, hãy câm mồm lại". Vốn người khảng khái cho nên sau khi nhận được lời hăm doạ của ông Nhu, Cụ Tôn Thất Toại bèn vào dinh Độc lập để bộc lộ nỗi bất bình. Gặp ông Diệm, Cụ Toại nói thẳng: "Thưa Cụ, Cụ và tôi là đôi bạn từ thời thơ ấu, hai gia đình chúng ta thâm tình thân thiết từ xưa nay, anh em chúng tôi chỉ hết lòng ủng hộ Cụ chỉ mong Cụ bảo vệ miền Nam chống lại Cộng sản. Trong tinh thần đó tôi đã chống đối Luật gia đình của bà Nhu, một đạo luật đưa ra chỉ làm toàn dân phẫn nộ. Không ngờ ông Nhu chỉ đáng là em út tôi, cũng là một dân biểu như tôi mà lại nghe lời vợ bất chấp lòng dân, viết giấy hăm doạ tôi, cho nên tôi vào đây kêu gọi Cụ hãy vì dân, vì nước, vì tương lai chế độ mà ra lệnh bãi bỏ cái dự luật thất nhân tâm đó đi”. Ông Diệm không cần suy nghĩ, vội vã trả lời: "Bà Nhu đưa Đạo luật gia đình ra là có mục đích cải tiến xã hội, bảo vệ hạnh phúc cho nhân dân. Cụ và tôi đều già cả rồi, đều mang tâm hồn bảo thủ, vậy Cụ yên lặng đi để cho lớp trẻ họ có ý kiến tiến bộ họ mang ra để phục vụ cho xứ sở”.
Cụ Toại không ngờ ông Diệm lại bênh vực việc làm bất chính của người em dâu, cũng không trách móc em ruột hỗn láo và thiếu sáng suốt đến thế, bèn trả lời: "Tôi tưởng tôi vào đây để trình bày sự hơn thiệt lợi ích quốc gia, không ngờ Cụ lại bênh vực ông bà Nhu thì nhân đây tôi xin chào từ biệt Cụ luôn, không còn bao giờ dám gặp Cụ nữa và cũng không bao giờ đi họp Quốc hội nữa. Tôi cũng thưa Cụ biết, nếu không vì Cụ thì tôi đã họp báo đưa lời hăm doạ của ông Nhu ra cho Quốc dân và quốc tế biết". Những sự kiện trên đây đều được ông Tôn Thất Toại thông báo cho một số Dân biểu đồng viên và người em ruột ông là Tôn Thất Thiết Giám đốc sở Nội dịch Phủ Tổng thống biết.
Nguyễn Phước Tộc là một dòng họ lớn nhất miền Trung, có rất nhiều thành phần tri thức nhân sĩ. Từ sau khi anh em ông Ngô Đình Diệm bắt bà Từ Cung đi bỏ phiếu truất phế người con trai ruột thịt là Quốc trưởng Bảo Đại, tịch thu tài sản của Cựu hoàng, của bà Nam Phương, của ông Vĩnh Cẩn cuối năm 1955 thì hầu hết người của dòng họ Nguyễn Phước Tộc đều xa lánh ông Diệm. Việc nhà Ngô bắt bớ giam cầm ông Bửu Bang và vu khống cho ông ta là gián điệp Pháp để làm tiền, việc nhà Ngô định hãm hại nha thầu khoán tên tuổi là ông Tôn Thất Cẩn cũng để làm tiền... càng làm cho bà con dòng họ Nguyễn Phước Tộc căm thù thêm anh em ông Diệm. Chỉ còn lại hệ phái của cụ Thân- Thần là còn ủng hộ ông Diệm thế mà nay nhà Ngô bạc đãi khinh thị ông Tôn Thất Toại, hắt hủi ông Tôn Thất Hối (nguyên là đại biểu chính phủ miền Cao nguyên), phản bội ông Tôn Thất Cẩn thì Nguyễn Phước Tộc không còn ai có thể gọi là người tiêu biểu có cảm tình với anh em ông Diệm nữa, ngoại trừ ba nhân vật tôn giáo là ông Bửu Vu, ông Tôn Thất Trạch, linh mục Bửu Dưỡng và hai nhân vật Phật giáo: ông Tôn Thất Thiện cựu giám đốc phòng báo chí phủ Tổng thống, ông Bửu Hội một nhà bác học Việt nam vừa thân Cộng lại vừa thân với nhà Ngô, đã hết mình ủng hộ nhà Ngô trong biến cố Phật giáo năm 1963 dù mẹ là sư bà Diệu Huệ chống lại nhà Ngô.
Quyết định bênh vực bà Nhu để thông qua Luật gia đình rõ ràng đánh tan cái huyền thoại “Khổng Mạnh” mà gia đình ông Diệm và bộ máy chính quyền đã tô vẽ. Một chút ý thức và truyền thống đã tô vẽ. Một chút ý thức và truyền thống nho sĩ còn sót lại nơi ông Diệm thì cũng vì hành động bênh vực người em dâu vô hạnh và ác đức này mà tan thành cát bụi. Đồng thời, vì quen lợi của chị bà Nhu mà phế bỏ ông Châu đã tạo tiền đề cho chính sách dụng nhân sai lầm sau này, một chính sách tuyển chọn đặt tiêu chuẩn trên tâm chất và khả năng mà lại đặt trên sự trung thành và khả năng bảo vệ quyền lợi gia đình họ Ngô.
Điều tác hại thứ năm là Chương trình Cải cách điền địa. Từ năm 1955, khi Đại sứ Collins còn kiêm nhiệm việc phối trí các chương trình yểm trợ VN tại Sài gòn, chính quyền Hoa kỳ đã khuyến cáo và cụ thể đề nghị những kế sách to lớn với ông Diệm (lẽ dĩ nhiên là có kèm thêm ngân khoản viện trợ) nhằm gấp rút thực hiện một chương trình Cải Cách Điền Địa để thu phục tầng lớp nông dân. Hoa kỳ còn biệt phái một phái đoàn chuyên viên canh nông cầm đầu bởi ông Wolf Ladejius, người đã thành công mỹ mãn trong công tác tương tự tại Đài Loan và Nhật Bản giúp hai nước này trở thành những quốc gii có khả năng sản xuất lúa gạo cao nhất tại á Châu lúc bấy giờ. Và không những Hoa kỳ mà chính cả Pháp, vì quyền lợi của các kiều dân của họ còn lưu ngụ tại Việt nam cũng đã tháo khoán những ngân khoản lớn lao để giúp VNCH trong tương lai mua lại đất đai rộng lớn của các đại điền chủ để phân phát cho một số lượng tá điền đông đảo.
Trước vấn đề cơ bản và khẩn cấp như thế mà ông Diệm cứ ngập ngừng mãi cho đến hai năm sau mới ký sắc lệnh về Cải Cách Điền Địa để tiến hành một chương trình nông nghiệp mà tác dụng kinh tế to lớn của nó chắc chắn không lớn các tác dụng chính trị rất quan trọng và rất lâu dài.
Nhưng tai hại thay những nguyên tác chỉ đạo mà ông đưa ra để điều hướng chương trình này không những đã ngược lại với các khuyến cáo của Hoa kỳ mà, đây mới là điều đau đớn, còn phản bội những ước nguyện của nông dân vốn đã trao cho ông niềm tin và kỳ vọng từ những ngày ông còn phải điên đầu với các giáo phái vũ trang Sài gòn.
Những nguyên tắc này, nhìn toàn bộ, chỉ nhằm ve vãn giới đại điền vốn có ảnh hưởng chính trị tại Sài gòn và các tỉnh ly bằng cách vẫn duy trì cho họ các đặc quyền, đặc lợi trong việc tư hữu và khai thác các vùng đất rộng lớn hơn là quân phân đồng đều và toàn diện để các tá điền nghèo nàn được làm sở hữu chủ một mảnh ruộng mà họ hằng ước mơ. Chà đạp lên trên ước vọng đơn sơ nhưng chính đáng của đại khối nông dân vẫn chưa đủ, ông Diệm còn vì những mục tiêu chính trị thiển cận và cá nhân, mà nhân danh quốc sách chống cộng mù quáng để trừng phạt các nông dân trong thời kháng Pháp đã được Việt minh cáp phát cho ít ruộng đất. Ông ra lệnh truất hữu các tá điền hoặc bắt đóng tiền bồi thường nặng nề cho các điền chủ, những tá điền nào hiện đang chiếm hữu những mảnh đất mà ngày xưa Việt minh đã lấy của người giàu chia cho người nghèo.
Chính sách bất công đó đã bị Việt cộng lợi dụng tối đa để phản tuyên truyền và xuyên tạc hữu hiệu một vài thành quả nhỏ nhoi tại một vài địa phương biệt lệ tương đối thành công. Trong gần 4 năm phát động chính sách, tính đến tháng 7 năm 1961, ông Diệm đã phân phát ruộng đất cho 109.438 tá điền trong tổng số trên một triệu nông dân Việt nam. Nghĩa là vẫn còn khoảng 700.000 nông dân đổ mồ hôi nước mắt cho một thiểu số đại điền chủ ngồi mát ăn bát vàng. Chính một gia đình đại điền chủ tại Việt nam cho rằng chính sách này đã trở thành mối hoạ lớn không những cho tá điền mà còn cả cho chủ điền và kẻ có lợi nhất trong chính sách này chính là Việt cộng.
Tuy nhiên, sự thất bại đó, trên cả hai mặt nông nghiệp lẫn chính trị, dù có nặng nề đến đâu vẫn chưa phải là điểm tôi muốn nhấn mạnh đến chương sách này. Điểm quan yếu mà tôi muốn nói đến là trong khi tiến hành chương trình cải cách điền địa, chủ trương bất công của ông Diệm đã đẻ ra tại nông thôn một ung nhọt nhân văn mới làm huỷ hoại sinh lực quốc gia một cách sâu sắc và lâu dài. Tôi muốn nói đến biện pháp có chủ trương rõ ràng nhằm nâng đỡ một cách quá đáng những người Bắc Công giáo di cư trong khi phân phát ruộng đất Chủ trương đó tự nó không có gì là sai lầm nếu không muốn nói là cần thiết nữa nhằm giúp những người đã từ bỏ quê cha đất tổ để bắt đầu lại một đời sống mới tại miền Nam tự do.
Nhưng từ đó và vì đó là lạm dụng để tước đoạt và chà đạp quyền lợi (cũng chính đáng) của những người nông dân miền Nam đã sinh ra, lớn lên và khai thác vùng đất sơn lam chướng khí của mấy thế hệ một nắng hai sương thì công phẫn và căm thù bắt buộc phải vùng lên.
Cứ nhìn một khu Cái Sắn mênh mông và trù phú, cứ nhìn tiền của, dụng cụ, nhân sự đổ vào để xây dựng thành một vựa lúa của vựa lúa miền Tây thì, một cách dễ hiểu và dễ thông cảm nhất, ta có thể cảm nhận và chia sẻ được cái tình cảm bất mãn chế độ đến tình cảm thù ghét người Bắc chỉ còn là một sợi tóc phân cách nhỏ, mà sự vụng về tắc trách của các cán bộ thừa hành muốn làm hài lòng vị tổng thống mù quáng, mà sự hăng say quá đáng của các Cha xứ trách nhiệm giáo phận, đã bước qua không ngại ngùng. Mâu thuẫn địa phương, vốn đã ầm ĩ tại đô thị, bắt đầu gieo vi khuẩn độc hại tại nông thôn từ đó.
Mâu thuẫn địa phương này càng ngày càng trầm trọng vì bị chính trị hoá, cộng với mâu thuẫn tôn giáo vốn đã ầm ĩ từ lâu, rồi bùng nổ trong biến cố Phật giáo năm 1963 đã là hai sản phẩm đặc thù của chế độ Ngô Đình Diệm. Năm ngàn năm dựng nước mà hai mâu thuẫn độc hại này vẫn không thấm thấu được vào cơ thể mẹ Việt nam, vẫn không xâm nhập được vào hồn Việt nam, thế mà chỉ một chế độ 9 năm của anh em họ Ngô, chúng đã tàn phá khủng khiếp sinh lực của dân tộc và không biết còn di hại đến bao nhiêu thế hệ nữa. Chính sách tai hại thứ sáu phát xuất từ quan niệm sai lầm của ông Diệm về mục đích “khai sáng và giáo khoa" đồng bào miền Thượng.
Quan hệ Kinh Thượng, từ lâu, đã là một vấn đề gai góc của đất nước. Những khám phá mới nhất về ngôn ngữ học, phong tục học, và ngành khảo cổ đã chiếu những ánh sáng khiêm nhường dầu tiên vào lịch sử xa xăm của lịch sử dân tộc để xác định sự liên đới huyết thống của hai dân tộc Kinh Thượng cho phù hợp với huyền sử 50 con theo mẹ Âu Cơ lên núi vốn là người Mường và các dân tộc thiểu số, đã tạm biệt 50 con theo bố Lạc Long ra biển từ thời đại hồng hoang xa xưa của đất nước ta. Nhưng những khám phá tiềm ẩn nhiều ước mơ chủ quan đó vẫn chưa đủ để hoá giải các mâu thuẫn trầm trọng phát xuất từ những va chạm văn hoá, va chạm quyền lợi, và cả va chạm súng đạn đã liên tục xảy ra giữa người Kinh và người Thượng cả từ hơn một thế kỷ này.
Đó là vấn đề tối quan trọng, là một vấn đề sinh tử lâu dài cho tất cả mọi nhà lãnh đạo Việt nam. Quốc cũng như Cộng, trong quá khứ cũng như trong tương lai. Nhưng trong bối cảnh những năm đầu của chế độ, ông Diệm đã không ý thức được vấn nạn lịch sứ đó, cũng như trong khuôn khổ chính trị của thời đại, đã không nắm vững được những qui luật chính trị của tình thế. Ông Diệm đã ào ạt vụng về và độc đoán can thiệp mạnh mẽ vào mối quan hệ Kinh Thượng trong cái tinh thần "khai hoá" của các cha cố Tây phương đi mở mắt cho giống man di, mọi rợ, trong cái cung cách ngang tàng của những tay súng Viễn Tây Mỹ đi mở mang bờ cõi, và trong lối hành xử ban bố "như cha người ta" (paternalism) của những vị quan phụ mẫu chi dân. Ông Diệm cho rằng vì các tộc trưởng đã tuyên thệ trung thành với ông và quỳ dưới chân ông thì ông có thể xem họ như đứa con ngoan phục để ông có thể chăm sóc hay la mắng càng nhiều càng tốt mà ông không biết rằng họ cũng đã từng tuyên thệ với Bảo Đại, với quan Tây, với viên chức Mỹ. Thôi thúc và thoả mãn trong cái mặc cảm tự tôn đó, ông đã thúc đẩy cho người Thượng mau chóng được đồng hoá với người Kinh. Ông đã ra chỉ thị hoặc khẩu lệnh cho các viên chức thừa hành về những tiểu tiết như sửa đổi từ cách ăn mặc đến lối làm việc, tự tay vẽ những kiểu quần áo cho may liền và phân phát tại chỗ. Ông trách móc nhân viên tại sao cho người Thượng tiếp tục ở trần và tỏ ý muốn bãi bỏ những tập tục nào của người Thượng được bắt đầu và chấm dứt bằng những lễ lạt có uống rượu cần. (Mục đích bỏ những cổ tục là để đi dần đến việc Công giáo hoá người Thượng).
Không thành công trong việc tập trung nhiều bộ lạc khác nhau thành một khu dinh điền lớn nên các chương trình y tế, giáo dục, khai thác lâm sản của ông đều tốn kém rất nhiều mà kết quả chằng là bao nhiêu. Đáng lẽ phải có từng biện pháp riêng cho từng sắc dân, có từng kế hoạch riêng cho từng địa phương, và có từng loại nhân sự riêng cho từng vấn đề để tránh xúc động tâm lý quá mạnh thì ông lại hấp tấp nóng nảy muốn chóng thành công nên đã "Kinh hoá" toàn bộ theo một mô thức độc nhất, gây bất mãn trong lòng đồng bào thiểu số.
Đã thế chính quyền địa phương và cán bộ điều hành thì tắc trách, tham nhũng, hống hách nên lại làm cho người Thượng bị chạm tự ái, nhất là về phương diện phong tục và tín ngưỡng. Việc mở những Trung tâm Dinh điền để định cư một số giáo dán di cư và một số dân di chuyển từ miền Trung lên bằng cách chiếm đất đai của người Thượng, chiếm những đồng cỏ nuôi súc vật của họ, chiếm những khu rừng gỗ của họ... một cách ngang nhiên không thèm hội ý với các tù trưởng, đã đẩy người Thượng ở vào thế kẻ thù của người Kinh, của VNCH và tất nhiên là thêm một cơ hội cho Việt cộng tranh thủ những bộ lạc này để tuyên truyền thắng lợi. Cũng vì chính sách sai lầm của ông Diệm và sự hăng say quá độ của các linh mục tại các trung tâm dinh điền mà các tướng Tôn Thất Đính, rồi Nguyễn Khánh (Tư lệnh Quân Đoàn II) và tôi đã phải nhiều phen đối phó với những tình trạng rất phức tạp trong quân đội. Quân nhân người Thượng ở trong các sư đoàn và các đơn vị Bảo an tại tất cả các tỉnh Cao nguyên từ năm 1960 đến năm 1963, hầu như cứ mỗi năm một lần tổ chức đấu tranh bất bạo động để chống chính phủ.
Họ không làm gì, chỉ xin nạp vũ khí lại cho cấp chỉ huy, xin không đi hành quân và không làm tạp dịch nữa. Chúng tôi biết những cuộc đấu tranh đó đều do lực lượng Fulro ngầm chủ xướng và chỉ huy, nhưng không có phương cách giải quyết nào hơn là hễ họ bắt đấu đấu tranh thì chúng tôi lại đến phủ dụ, an ủi. Tuy cuộc đấu tranh bất bạo động của lính Thượng bề ngoài không gây thiệt hại bao nhiêu cho quốc gia, cho quân đội, nhưng về phương diện chính trị thì lại tai hại vô cùng vì mỗi lần bị như thế, các cuộc hành quân lại bị ngưng trệ và Việt cộng lại được dịp xâm nhập vào các bản, các buôn Thượng để tuyên truyền phát triển tinh thần bài người Kinh và xây dựng các tổ tình báo. Tinh thần bài người Kinh sau này được người Thượng thể hiện và khủng khiếp trong vụ Việt cộng tiến chiếm Đắc Lắc đầu năm 1975, khi toàn thể binh sĩ người Thượng tại đó theo Việt cộng hết và biến thành một lực lượng tiền phong gây cuộc thảm sát kinh khủng cho sĩ quan và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa.