Cũng nhân dịp này, tôi muốn trở lại Huế sau hai năm xa vắng để thăm bạn bè, bà con cũ, cũng như ghé thăm ông Ngô Đình Cẩn trong ngôi nhà ở Phú Cam năm xưa. Ngôi nhà đó, bây giờ, đã mất đi cái phong cảnh cũ mà tôi hằng lưu niệm, đã mất đi cái vẻ cổ kính đầy huyền thoại đã từng quyến rũ tâm hồn tôi ngày nào. Ngôi nhà lầu chính không thay đổi nhiều, chỉ sửa sang cho quang đãng và sinh động hơn, trái lại những ngôi nhà phủ lợp bằng tranh ở phía sau đã được thay đổi bằng một dãy nhà gạch dài kiến trúc hiện đại hơn. Vườn hoa quê mùa và đơn sơ thuở trước cũng đã được sửa sang lại như một cảnh vườn Nhật Bản quy mô với nhiều loại hoa quý và chim chóc, thú vật.
Thời ông Diệm chưa cầm quyền thì cảnh nhà Phú Cam đạm bạc, dưới mái tranh chỉ có bà Cụ Cố và mụ Luyến thui thủi ra vào, còn ngôi nhà Từ đường ở trên chỉ có ông Cẩn ngày đêm cô quạnh. Bây giờ không khí của toàn bộ khuôn viên trở nên tấp nập oai nghiêm như dinh thự chốn công đường. Chỉ hai năm mà lắm thay đổi so với những kiến trúc bất biến của xứ Thần Kinh trầm lặng.
Dinh Ngô Đình Cẩn được biệt phái một tiểu đội do đại uý Tôn Thất Đô chỉ huy gồm toàn sĩ quan và hạ sĩ quan lo việc phục dịch trong nhà, làm công tác vệ sinh, chăm sóc cây cảnh chim chóc, và đặc biệt phụ trách luôn việc đồng áng mùa màng cho những mẫu ruộng ở An Cựu và ở miệt các Lăng. Nhờ có một người anh làm thượng sĩ trong tiểu đội phục dịch này mà đại tá Phùng Ngọc Trung mới có thể cho tôi biết rằng mặc dù tiền bạc châu báu chất chồng, mặc dù dinh thự nhà cửa tậu mãi đã rất nhiều mà ông Cẩn vẫn giữ cái tính keo kiệt bủn xỉn như thời còn hàn vi. Tiểu đội sĩ quan và hạ sĩ quan đó, hàng tháng phải đóng góp chung tiền lại để mua chổi, bóng đèn, vòi nước, gạch đá, dụng cụ làm vườn và trăm thứ linh tinh khác... vì đã có lần họ xin ông Cẩn ngân khoản bảo trì hàng tháng, bị ông mắng chửi cho một trận và còn hăm doạ đuổi ra đơn vị tác chiến. Ngoài tiểu đội quân nhân được sử dụng như gia nô đó, ông Cẩn còn có một văn phòng Quân Chính (quân sự và chính trị) do đại uý Minh (Công giáo di cư) làm chánh văn phòng để lo vấn đề giấy tờ, thư tín và liên lạc với người ngoài Dinh.
Nhưng có lẽ những thay đổi của cảnh vật không làm tôi ngạc nhiên bằng những thay đổi của con người vì sự kiện đập mạnh vào mắt nhất là sự thay đổi toàn diện nơi con người của mụ Luyến. Mụ Luyến mà tôi thường thấy trước kia là một mụ Luyến lam lũ, quê kệch, áo nâu quần đen, chân đi đất, còn mụ Luyến mà tôi gặp hôm nay mặt mày son phấn, áo quần lụa là chân đi guốc hoa, mình đầy nữ trang óng ánh và được mọi giới chức quyền gọi bằng Bà. Sự đắc thắng vinh quang của dòng họ Ngô Đình quả thật đã được thể hiện rõ ràng nhất qua sự thay tính đổi hình dáng nơi người đầy tớ gái quá nửa chừng xuân này.
Xe jeep của sở An ninh quân đội chở tôi đến dinh thự của Cẩn ở Phú Cam đúng lúc một viên chức đại diện cho tỉnh trưởng Quảng Ngãi cũng vừa chở đến một bức sập gụ quý giá để dâng cho ông Cố vấn miền Trung. Bức sập gụ đó thật hiếm có vì chỉ gồm một tấm liễn mà bề ngang khoảng một thước sáu, bề dài hơn ba thước và bề dày phải hơn một tấc tây. Tôi bước vào cổng nhà lúc ông Cẩn và mụ Luyến còn đứng chỉ trỏ xem xét và trầm trồ khen ngợi bức sập gụ quí giá đó. Phong cách Ngô Đình Cẩn vẫn không thay đổi bao nhiêu, vẫn bộ bà ba lụa trắng vẫn nhai trầu nhóp nhép, chỉ trừ đôi guốc hạ đã được thay bằng đôi giày hạ, bề ngoài trông giống như một nhà phú hộ miền quê. Nói phô thì Cẩn vẫn như độ nào, vắng mặt người ta thì Cẩn kêu gọi họ bằng thằng nọ thằng kia dù người ta có tuổi cao đức trọng hay bộ trưởng, rướng tá. Thái độ mục hạ vô nhân vẫn là cái bệnh chung của tất cả anh em nhà họ Ngô. Trong một buổi nói chuyện ngắn ngủi, thỉnh thoảng Cẩn lại cho gọi một người vào để Cẩn nạt nộ biểu dương oai quyền trước mặt tôi. Người đối thoại chỉ biết cúi đầu, miệng vâng dạ lia lịa. Những ai chưa biết rõ con người của Cẩn, khi nghe hay khi thấy Cẩn làm những màn kịch cỡm này thì sợ hãi lắm, nhưng đối với ông Võ Như Nguyện và tôi, vốn biết Cẩn quá rõ, thì cái trò "rung cây nhát khỉ" để làm dáng lãnh tụ đó chỉ làm cho chúng tôi buồn cười và khinh thường Cẩn hơn.
Thật ra tôi cũng không có chuyện gì mà bàn với Cẩn, chỉ đến thăm ông ta và nhìn lại ngôi nhà cũ, nơi mà mình đã có nhiều kỷ niệm để xem thử thời thế đổi thay đã đem lại những thay đổi gì. Ngày hôm sau, tôi được đại uý Nguyễn Tiến Sung, Chánh sở An ninh quân đội Quân khu I, trình cho tôi một tấm thiếp của ông Hà Thúc Luyện, Tỉnh trưởng Thừa Thiên, mời tới ăn cơm tối. Bữa tiệc đó thật ra là do ông Ngô Đình Cẩn bày ra đề đãi tôi tại Toà Hành chính Thừa Thiên. Tôi thấy có đại biểu chính phủ Hồ Đắc Thương. Thiếu tướng Tư lệnh Quân khu I là Lê Văn Nghiêm, cụ Đoàn Nhượng, chủ tịch Phong trào Cách mạng quốc gia tỉnh Thừa Thiên, và độ ba mươi quan khách thân hữu. Trước khi ăn, Ngô Đình Cẩn nâng chén chúc mừng tôi mới đi xa về (Pháp) và ca ngợi tôi là "nhà cách mạng, là cán bộ trung kiên, tài ba nhất" của lãnh tụ Ngô Đình Diệm và của đảng Cần lao. Hôm ấy và vào thời ấy quả là một vinh dự lớn lao cho tôi, vì suốt đời Cẩn có coi ai ra gì đâu, có bao giờ Cẩn dãi đằng ai đâu mà hôm nay lại dành cho tôi một sự tiếp đón long trọng và những lời chúc tụng cao quý. Thật thế, ngay cả ông Lê Văn Đồng, vừa là Bộ trưởng Canh Nông vừa là uỷ Viên Trung ương Đảng Cần lao lại thừa lệnh Tổng thống đi kinh lý tỉnh Quảng Trị mà Cẩn còn ra lệnh cho Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đông (người Phú Cam) không thèm đón tiếp chỉ vì ông Đồng đã không lo việc cung cấp cây gỗ cho Cẩn đầy đủ như ông ta đã lo cho giám mục Ngô Đình Thục, huống gì tôi chỉ là một viên đại tá tầm thường. Bữa tiệc hôm nay do đích thân Cẩn chủ toạ là một biến hạn hữu và đặc biệt đã làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng từ trong thâm tâm, tôi biết hành động đó của Cẩn chỉ là một thủ đoạn.
Cẩn bày ra tiệc tùng, tôn quý và đề cao tôi thật ra chỉ vì quyền lợi của Cấn. Cẩn biết Tổng thống Diệm đặc biệt thương mến tôi, vả lại tôi thường dám nói thẳng những điều mà người khác e ngại không dám nói nên Cẩn muốn gây tình cảm với tôi để khỏi báo cáo với ông Diệm những sai lầm tội lỗi của Cấn. Ngoài ra, về dài, Cẩn còn hy vọng sẽ lôi kéo được tôi về phía phái Cẩn vì lúc này hai anh em Cẩn và Nhu đã đi đến giai đoạn tranh chấp khó hàn gắn được. Cẩn tưởng lầm là tôi có thể tạo thế thăng bằng giữa ông ta và Nhu mà cộng sự viên thân tín của ông Nhu là bác sĩ Trần Kim Tuyến lại là người Cẩn rất căm thù. Trong dinh Độc lập, Cẩn có đồng minh là Võ Văn Hải, viên chánh văn phòng đặc biệt của ông Diệm quyết liệt chống đối vợ chồng Ngô Đình Nhu nhưng Cẩn vẫn thấy chưa đủ vì ông Diệm vẫn kính nể ông em khoa bảng luôn luôn ở sát cạnh mình, ông Diệm lại nể nang đến độ sợ hãi bà Nhu người em dâu lắm mồm lắm miệng sẵn sàng gây chuyện thị phi có thể làm mất uy tín của chính quyền của ông ta, nên những lời lẽ chống đối vợ chồng Ngô Đình Nhu của Võ Văn Hải không ảnh hưởng gì đến định kiến đã có của ông Diệm.
Lần ra Huế đó, mặc dù được Ngô Đình Cẩn ân cần tiếp đón và tỏ ý ve vãn nhưng lòng tôi vừa buồn rầu vừa lo lắng vì đằng sau cái huênh hoang trơ trẽn và cái oai quyền hống hách đó là một bức tranh ảm đạm của chế độ đang càng hiện rõ tại miền Trung.
Những bạn bè cũ của tôi, những cán bộ và chiến hữu đã từng vào tù ra khám, hy sinh gian khổ cho ông Diệm và cho tổ chức ngày xưa, chỉ chưa đầy ba năm mà đã vắng bóng biệt tích. Kẻ thì bị hạ tầng công tác đổi ra nước ngoài như Nguyễn Đôn Duyến, Trần Văn Hướng, kẻ thì "cởi áo từ quan" về đi buôn như Võ Như Nguyện, kẻ thì bị mất chức như Nguyễn Chữ, Võ Thu Tịnh, kẻ thì trốn Huế vào Nam như Nguyễn Vinh, kẻ thì xa lánh chế độ như cụ Trương Văn Huê, kẻ thì bị chế độ bạc đãi như Trần Điền... Những ngày đó, ngày xưa, đã từng là bức thành đồng che chở cho ông Diệm trong những giờ phút gian truân nguy hiểm mà bây giờ cảnh cũ còn đó người xưa đâu còn.
Bây giờ chỉ còn lại những Vưu Hồn, Bí Trọng khét tiếng như Hoạt, Đông, Phong, Hiếu (ở Công an), như Đăng Sĩ ở Quân Đoàn I, quận Trợ, quận Thái, như Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Tất, Nguyễn Đình Dân, Nguyễn Văn Đông... toàn là loại hung thần ác quỷ "đeo thánh giá mà chà đạp giáo điều Chúa Ki Tô”. Để bổ túc dữ kiện cho cuộc điều tra trước lúc đánh giá chế độ, tôi ghé thăm cụ Trương Văn Huê, một nhân sĩ Công giáo Phú Cam, bạn thân lâu năm của nhà Ngô, từng đứng đầu trong bản kiến nghị đệ lên Quốc trưởng Bảo Đại xin cử ông Diệm là Thủ tướng. Nhưng nay Cụ là người bất mãn với chế độ. Cụ vồ vập nói chuyện như để trút bớt nỗi lòng uất hận của mình: "Đại tá phải nhớ nhà Ngô thuở bần hàn khác, nay có quyền thế thì khác. Trước kia thì nói chuyện cách mạng, đạo đức, liêm chính, nay chỉ biết tham nhũng, bóc lột, làm tiền. Đại tá cứ nhìn vào việt xử tệ với ông Trần Văn Lý và nâng thằng Nguyễn Cao Thăng lên hàng dân biểu thì rõ". Cụ dằn giọng: "Anh em nhà Ngô là hàng phản phúc, hàng ăn cháo đá bát, tôi sẽ bỏ Huế tôi đi, ở đây chướng tai gai mắt lắm”.
Thật vậy, từ khi ông Diệm củng cố quyền lực, từ khi các chiến khu Việt Quốc và Đại việt bị đánh tan và hai đảng ấy bị tê liệt hẳn, thì tại miền Trung, Ngô Đình Cẩn không còn ai là đối thủ nữa. Cẩn trở thành một thứ lãnh chúa ở miền Trung và miền Cao Nguyên với một triều đình riêng, uy quyền riêng, lực lượng riêng. Chỉ mới mấy ngày ở Huế mà tôi đã nghe nói đến những vụ tham nhũng kinh khủng, nhiều vụ bắt bớ các nhà giàu tra tấn cho đến chết để làm tiền. Tôi cũng nghe nói đến những hành động phá hoại Phật giáo rất hạ cấp bỉ ổi. Tôi còn nghe nói Cẩn cho xây nhà mát ở Cửa Thuận, hàng tuần, hàng tháng đem người đẹp đến đó du hí chơi bời. Người ta còn kể cho tôi nghe mỗi lần đoàn xe Cẩn từ Huế xuống Thuận An hay ngược lại là dân chúng phải tránh thật xa, phải "khuynh cái hạ mã" như các cuộc vi hành của vua chúa thời phong kiến. Tôi được nghe nói bọn Cần lao bắt buộc dân chúng bỏ đạo ông Bà để theo đạo Thiên Chúa, những cán bộ, công chức cấp thấp không theo đạo thì sẽ bị thuyên chuyển đến những vùng xa xôi...
Có lẽ vì biết tôi có đặc quyền trình thẳng với ông Diệm, có tư cách của một nhân viên an ninh cao cấp, lại là một người theo đạo Phật nên bà con, thân hữu kể cho nghe vô số tội ác của Ngô Đình Cẩn và bọn Cần lao. Dân chúng chỉ biết nghiến răng ngậm miệng chịu đựng vì kêu trời nào có thấu. Ngay cả Phật giáo bị chính phủ Sài gòn bãi bỏ ngày nghỉ lễ Phật Đản trong chương trình nghỉ lễ hàng năm để quân nhân công chức không thể đi chùa, đã kêu ca với không biết bao nhiêu đơn từ mà vẫn không được hồi âm huống gì dân đen yếu thế cô
Cái biểu tượng uy quyền khiếp đảm nhất của Ngô Đình Cẩn và cũng là khí giới tàn độc nhất để Cẩn xây dựng bạo lực và quyền uy là "Ban Công tác miền Trung" (tức là Ban Mật Vụ Lưu Động), một tổ chức lấy bạo lực vừa làm cứu cánh vừa làm phương tiện, một cách nôm na là người khác có khổ đau thì mình mới khoái lạc. Ban công tác miền Trung như một đoàn hung thần bủa màng lưới sắt xuống đời sống của Quân Dân Chính miền Trung mà cuối màng lưới, ở cái nút khoá oan nghiệt là trại giam người có tên là "Chín Hầm", một trại giam tuy lộ liễu hơn nhưng lại khủng khiếp hơn trại P42 ở Sở Thú Sài gòn của Ngô Đình Nhu. Sau này, khi Ngô Đình Cẩn bị xử tử, trại Chín Hầm, trước khi bị phá huỷ, trở thành một trung tâm thăm viếng của dân Thừa Thiên để dặn nhau ghi nhớ đời đời tội ác của nhà Ngô.
Từ ngày đi Huế về, tình trạng bi thảm của miền Trung do Ngô Đình Cẩn và lực lượng Cần lao gây ra đã làm cho tôi thấy lo lắng và bi quan cho chế độ. Tôi thương ông Diệm bao nhiêu thì tôi lại thù ghét Ngô Đình Cẩn và nhóm Cần lao tại miền Trung bấy nhiêu. Từ ngày đó, tôi quyết định không bao giờ gặp Ngô Đình Cẩn nữa, và mãi cho đến năm 1964, sau khi chế độ nhà Ngô bị lật đổ tôi mới trở lại Cố đô.
Tuy ở Sài gòn, nhưng nhờ bằng hữu và hệ thống an ninh tại miền Trung của Nha, tôi biết rất rõ Ngô Đình Cẩn và nhóm Cần lao càng ngày càng lộng hành, càng lao đầu vào hố sâu tội lỗi, dân chúng miền Trung và miền Cao Nguyên mỗi ngày mỗi thống khổ thêm và nỗi oán hận chế độ Diệm càng thêm chồng chất. Tôi thường trình bày những tội lỗi sai lầm của Cẩn (và của cả vợ chồng Ngô Đình Nhu với ông Diệm biết nên Cẩn giận tôi lắm, nhắn tin là sẽ chém đầu tôi cũng như hăm doạ sẽ chém đầu hai ông Trần Chánh Thành và Trần Kim Tuyến). Nhưng đời nào tôi sợ bọn gian hiểm, bất lương. Cẩn càng doạ nạt tôi thì tôi càng hạ nhục Cẩn bằng một chiến dịch kể tội Ngô Đình Cẩn với bằng hữu và các cộng sự viên của Cẩn. Thấy không lay chuyển được thái độ của tôi, Cẩn bèn dùng thủ đoạn cầu hoà.
Một hôm tôi đang ngồi nói chuyện với hai người bạn là đại tá Nguyễn Vinh và Phùng Ngọc Trưng (hiện ở Pháp) tại nhà riêng thì bỗng kỹ sư Nguyễn Xuân Thưởng, giám đốc công chánh miền Duyên hải, và ông Dân biểu Đoàn Đình Dương đi vào. Hai thuộc hạ cao cấp đó của Cẩn cho tôi biết họ được lệnh ông Cố vấn miền Trung vào mời tôi ra Huế một chuyến để ông Cố vấn và tôi "thông cảm", gây lại hoà khí xưa... Họ mới nói tới đó là tôi nổi nóng ngay. Tôi bảo họ về nói với Ngô Đình Cẩn rằng "tôi thề sẽ không bao giờ gặp mặt ông ta nữa vì ông ta chỉ là một thứ chánh tổng, cường hào ác bá, không xứng đáng để tôi gặp gỡ nói chuyện”. Tôi bảo hai kẻ thân tín của Cẩn về nói rõ cho Cẩn biết rằng Ngô Đình Cẩn và nhóm Cần lao đang phá hoại chế độ và đang phản bội Tổng thống Diệm. Tôi bảo họ về nhắn kỹ với Ngô Đình Cẩn rằng "Đỗ Mậu chưa hề biết sợ ai, đừng có doạ dẫm, đừng có thủ đoạn mà uổng công..." sợ liên luỵ đến một người bạn vẫn còn nhiều bà con tại miền Trung nên nói đến đó tôi ra dấu cho đại tá Phùng Ngọc Trưng ra về, để tôi mạnh miệng hơn trong việc kể tội Ngô Đình Cẩn.
Dưới thời Pháp thuộc, trong mưu đồ tiêu diệt nền Tam Giáo tại Việt nam để có thể dễ dàng truyền đạo, các vị Cố đạo ngoại quốc thường dựa vào quyền hành và luật lệ của thực dân, hay dựa vào tiền bạc và thế lực của chính phủ bảo hộ để mua chuộc giới bình dân Việt nam theo Thiên chúa giáo, xúi giục họ từ bỏ tục lệ, phong hoá cổ truyền của dân tộc như học giả Đào Trinh Nhất nói rõ trong cuốn Phan Đình Phùng. Phương cách và thủ đoạn đó không mang lại kết quả bao nhiêu cho tham vọng của các giáo sĩ Tây phương như học giả Đào Duy Anh đã trình bày... Trong số những người theo đạo Cơ Đốc Giáo, một phần rất lớn là vì lợi mà theo chứ không phải vì tín ngưỡng sâu xa, cho nên ta có thể nói rằng ảnh hưởng tinh thần của Cơ Đốc đối với dân ta lại còn ít hơn những thành tích thực hiện nữa.
Mãi đến năm 1 944, Thiên chúa giáo mới cho ra đời cuốn Lịch sử đạo Thiên Chúa tại Việt nam với hậu ý muốn chứng minh sự hiện hữu có nguồn gốc của Giáo hội Thiên chúa giáo Việt nam trong lịch sử dân tộc Việt Trong bài đề tựa, Đức Khâm mạng Toà thánh Drapier than phiền chỉ có dân nghèo, chỉ có giới bình dân dốt nát mới nghe theo Tin Mừng của Chúa Ki-tô, còn giới có học thì "cố tình không biết đến đạo lý của Gia Tô “. Ngay cả trí thức Công giáo như ông Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung cũng phải nêu lên lý do "bất khoan dung" của đạo Công giáo làm cho các dân tộc Á Đông bất mãn, khước từ.
Như vậy, sau gần 400 năm rao giảng tin mừng, kết quả của việc truyền bá Thiên chúa giáo tại Việt nam quả thật là nhỏ nhoi khiêm tốn, mà thể hiện rõ ràng nhất là Giáo hội Thiên chúa giáo Việt nam, tuy có cơ sở ở thượng tầng nhưng về mặt ăn sâu gốc rễ vào quảng đại quần chúng thì bị khước từ và bật dội ra khỏi tâm thức của đại khối dân tộc vì tính bất khả hoá và bất khả dụng của nó. Năm 1945, với sự du nhập của chủ nghĩa Mác xít (mà công khai là hội Nguyên cứu Chủ nghĩa Mác xít ở Hà nội) và với pháp lực của một cuộc kháng chiến thực dân Tây phương do Đảng Cộng sản điều động để vận dụng và kết hợp toàn dân, nhất là thành phần tiểu tư sản trí thức, nên các tu sĩ lãnh đạo Giáo hội Thiên chúa giáo Việt nam ý thức được mối nguy cơ đang làm suy hại khả năng truyền bá của Giáo hội (trên mặt tư tưởng cũng như hành động) nên đã phản ứng công khai và dứt khoát để đối kháng với sức mê hoặc vô thần của Đảng Cộng sản.
Tôi còn nhớ lá thư luân lưu của Đức giám mục Phát Diệm Lê Hữu Từ lên án Cộng sản vô thần. Tôi còn nhớ ở Huế nhiều linh mục như cha Thích, cha Thinh... thường diễn thuyết tại hội Quảng Trị đề cao thuyết Duy linh và tôn vinh Thượng đế... Dần dần, các vị linh mục như Bửu Dưỡng, Nguyễn Văn Thích, Lý Văn Lập cùng với ông Ngô Đình Nhu đi đến quyết định phải chính trị hoá Giáo hội mà khởi đầu là hình thành một chủ thuyết vừa triết lý vừa chính trị gọi là chủ nghĩa Nhân vị dựa theo thuyết Personnahsm của nhà trí thức Thiên chúa giáo Pháp, ông Emmanuel Mouniers. Tôi không có tham vọng giải thích thuyết Nhân vị ở đây, nhưng đại để thì Nhân vị là vị thế của con người, lấy con người làm giao điểm trong trục tương quan với đồng loại, thiên nhiên và Thượng đế. Người là trung tâm để phục vụ, có ưu thế hơn các thực tế khác như dân tộc, nhân loại, hay nhu cầu vật chất. Con người có phần xác và phần hồn, mà linh hồn được coi là chủ yếu hơn vì linh thiêng bất tử và là nguồn gốc của văn minh. Tinh thần có tính thiêng liêng vì do chính Thượng đế tạo ra và có khả năng vươn lên cảm thông với Thượng đế... Trên mặt triết học, học thuyết này chỉ là một triển khai có hệ thống những phạm trù tôn giáo của thuyết Duy linh quá nặng nề về mặt tín ngưỡng của giáo lý Thiên chúa giáo mà thôi. Và thành phần trí thức Thiên chúa giáo, mà chủ yếu là một số linh mục học ở Pháp hoặc ở La mã, và ông Nhu, đã thai nghén trong vòng bí mật cho mãi đến năm 1951, khi ông Nhu rời Đà Lạt xuống Sài gòn (ở số 8 đường Ypress) mới bắt đầu thêm ý niệm về Cần lao trong vế thứ hai của lý thuyết. Và công khai phổ biến trên tuần báo Xã hội do ông chủ trương.
Nhưng vì lý thuyết này không xuất sinh từ thực tế lịch sử và không phù hợp với hiện thực xã hội của dân tộc mà chỉ là phó bản chắp vá của một giáo lý tôn giáo Tây phương nên cuối cùng không thành hình được một sử quan nhất quán để vận dụng vào thực tế đấu tranh của nước nhà. Những bài nghiên cứu công phu trên tuần báo Xã hội (cũng như sau này trên tạp chí Quê hương dưới thời ông Diệm) do đó chỉ là những món trang sức tri thức quý giá cho một thiểu số mà thôi. Tuy quý giá thật đấy nhưng chỉ là một thứ trang sức, nghĩa là vô dụng và vô nghĩa cho hiện trạng xã hội Việt nam.
Cho đến năm 1953, nhờ những yếu tố khách quan của quốc tế, mà chủ yếu là sự yểm trợ chủ động của khối Thiên chúa giáo La mã và Hoa kỳ qua thế cờ Ngô Đình Diệm (chứ không phải nhờ tác động của lý thuyết Nhân vị cần lao), ông Nhu mới quyết định năng động hoá lý thuyết của mình. Một mặt ông Nhu (cùng các ông Trần Văn Đỗ, Trần Chánh Thành, Nguyễn Tăng Nguyên, Trần Trung Dung) xin phép thủ tướng Bửu Lộc cho ra đời một lực lượng thợ thuyền lấy tên là "Tổng Liên đoàn Lao công" (Lao là Lao động, Công đặc biệt nghĩa là Công giáo) dựa theo mô thức lãnh đạo và tổ chức của lực lượng thợ thuyền Thiên chúa giáo Pháp. Mặt khác, họ hình thành một hội nghị "Đại đoàn kết" vào tháng 9 năm 1953, đòi hỏi hoà bình cho Việt nam với sự tham dự của ông Nhu và các đoàn thể chính trị gồm luôn cả Bảy Viễn và các giáo phái. Song song với hai công tác nổi đó, ông Nhu bí mật hoạt động cho ra đời đảng “Cần lao nhân vị cách mạng". Thật ra, không ai biết được đảng Cần lao nhân vị khai sinh thế nào và bao giờ ngoại trừ ông Nhu và các đồng chí của ông Nhu đã nói trên kia, và cũng không ai thấy cương lĩnh, nội qui của đảng như thế nào để nghiên cứu mà đồng ý hay chống đối. Nhưng qua một số bài báo biểu lộ tư tưởng của ông Nhu trên tuần báo Xã hội, và qua những đề tài giảng dạy tại Trung tâm Nhân vị Vĩnh Long sau này, nhiều người đã phải chán nản nặng lời phê phán thuyết Nhân vị của ông Ngô Đình Nhu... là một thứ trộn mình Ngô đầu Sở, chắp vá bằng một mớ tư tưởng hổ lốn, góp nhặt mọi thứ một ít từ giáo lý Thiên chúa giáo đến chủ nghĩa Nhân vị của Mounier pha thêm thuyết Nhân ái của Khổng Tử, cộng thêm vài nét của chủ nghĩa Tư bản lẫn lộn với chủ nghĩa Duy linh chống cộng... phải chăng vì sự pha trộn quá tham lam đến độ nghịch lý đó mà Stanley Karnow đã nhận định rằng: Thuyết Nhân vị của Ngô Đình Nhu đã chịu hai sự tai hại. Thứ nhất là ngay cả giới trí thức mà còn không thể hiểu nổi thuyết đó là gì huống chi quần chúng. Thứ hai là ông Ngô Đình Nhu bị người thừa kế của Mounier lên án là "gian lận" trên tờ báo Công giáo Esprit tại Pháp. Ngô Đình Nhu cố gắng tổng hợp một cách quá gượng ép nhiều hệ thống tư tưởng vào thuyết Nhân vị của ông ta vì tuy chủ yếu mô phỏng thuyết Nhân vị của Mounier nhưng ông lại muốn có những thêm bớt, đổi thay cho có vẻ đó là sáng tạo độc lập riêng của mình. Đã thế ông Nhu tuy là một người Việt trí thức nhưng lại xuất thân từ trường Tây nên không viết được hay không muốn viết bài bằng quốc ngữ mà chỉ muốn viết bằng tiếng Pháp rồi có người dịch ra tiếng Việt. Do đó bản dịch không lột hết được tư tưởng của ông ta. Nguyên bản tiếng Pháp đã khúc mắc khó hiểu vì khó khăn diễn đạt thì bản dịch Việt ngữ chắc chắn như một mớ chỉ rối. Chẳng trách, ngay đến giờ này, một lý thuyết gia đã từng nhận là chỉ đạo sinh mệnh quốc gia suốt chín năm trời như thế mà không để lại được một tác phẩm nghiên cứu nào, lại càng không để lại một vết tích suy tư nào trong tâm thức dân tộc, ngoại trừ một thiểu số "hoài Ngô" chỉ biết hò hét hai chữ Nhân vị nhạt nhẽo.
Ông Ngô Đình Nhu, cha đẻ của thuyết Nhân vị cần lao, sinh tại Huế vào ngày 7 tháng 10 năm 1910, sau khi đỗ cử nhân Văn chương tại Pháp, ông vào trường "Quốc gia cổ tự học" (Ecole Nationale des Chartres, ngành Arehiviste Palcographe), một trường nổi tiếng ở Paris mà nếu tôi không lầm thì người Việt nam duy nhất trước ông ta học ở đó chỉ có cụ Phan Vô Kỵ. Ra trường và về Việt nam năm 1938, ông Nhu làm việc cho Nha Văn khố Trung ương Đông Dương tại Hà nội từ năm 1938 đến năm 1943. Từ năm 1943, ông làm chủ sự phòng Văn khố Toà Khâm Sứ Huế, và trong thời gian này ông được ông Trần Văn Lý, Đổng lý ngự tiền văn phòng của Nam triều, mời giữ chức chủ tịch Hội đồng Chỉnh đốn châu bản và văn khố nhà Nguyễn. Năm 1945 sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông được chính phủ Trần Trọng Kim cử giữ chức giám đốc Văn khố Trung ương tại Hà nội. Tuy là một nhà trí thức xuất thân từ một gia đình quan lại nhưng ông không chịu viết bằng tiếng Việt mà chỉ viết bằng tiếng Pháp. Chứng tỏ là về mặt tác phẩm ông chỉ viết độc nhất một bài khảo luận độ 7, 8 trang mà lại viết bằng tiếng Pháp nhan đề là "La Fête de louverture du Printemps à Hanoi sous les Le Posterieurs" và dưới thời Đệ nhất cộng hoà, hầu hết diễn văn quan trọng của ông Diệm đều do ông Nhu viết bằng Pháp văn rồi Võ Văn Hải dịch ra quốc ngữ.
Cần phải nói rõ ra như thế để giải thích về những bài viết ký tên Ngô Đình Nhu trên tuần báo Xã hội với ý và văn khúc mắc khó hiểu, nên đã làm cho ký giả Karnow nhận định chính xác rằng “những người tri thức cũng không hiểu nổi thuyết Nhân vị của Ngô Đình Nhu".
Hiến pháp Việt nam cộng hoà năm 1956 tuy là sự đóng góp trí tuệ của nhiều người nhưng cái sườn chính vẫn do ông Nhu soạn ra. Cũng như bản chung quyết của Hiếp pháp trước khi biểu quyết tại Quốc hội Lập Hiến để trở thành văn kiện căn bản của quốc gia là do ông Nhu nhuận đính và chung quyết. Bản hiến pháp này, ngoài một vài từ ngữ mà trên mặt tượng thanh có vẻ Nhân vị hoặc có liên hệ đến thuyết Duy linh như “giá trị siêu việt", "sứ mạng", "Nhân vị", "Duy linh", "tạo hoá"... còn nội dung thật sự của nó đã không biểu dương được chút nào yếu tính căn bản - nếu có của thuyết Nhân vị. Có hai lý do để giải thích hiện tượng này: thứ nhất là vì thuyết Nhân vị hỗn tạp quá nên không có những yếu tính đặc thù để tạo hoá ra nét độc đáo riêng biệt cho Hiến pháp; và thứ hai là nhu cầu quyền lực chính trị quá lớn nên ông Nhu đã bất chấp cái nội dung Nhân vị dù còn mơ hồ chưa thành hình để đưa vào Hiến pháp những nguyên tắc chính trị chà đạp sinh hoạt dân chủ của quốc gia và quyền tự do của công dân để tập trung quyền hành vào một thiểu số thống trị. Nghĩa là chủ xướng tối đa tính độc tài trong bộ luật căn bản nhất và cao nhất của quốc gia...
Tuy hợp tác với ông Ngô Đình Diệm từ năm 1942 với tư cách một chiến hữu, một cán bộ vào hàng kỳ cựu nhất của ông Diệm, nhưng quả thật tôi cũng không nắm vững tiến trình thành lập và phát triển của đảng Cần lao. Tôi chỉ biết rằng vào đầu mùa Thu năm 1955, nhân kỷ niệm năm thứ nhất ngày chấp hành của ông Diệm, tôi được Toà Đại biểu Chính phủ Trung Việt mời ra Huế diễn thuyết tại rạp Morin về đề tài "Chí sĩ Ngô Đình Diệm với chính nghĩa quốc gia", và sau đó tôi được Ngô Đình Cẩn mời đến nhà ở Phú Cam để tuyên thệ gia nhập đảng Cần lao. Một bàn thờ tổ quốc để làm lễ tuyên thệ được thiết lập tại phòng khách ngôi nhà chính của anh em ông Diệm ngay trước bàn thờ có tượng của chúa Jesus, có đảng kỳ, chân dung ông Diệm, một cây gươm và chiếc lư hương đồng trang trí cho bàn thờ. Về đảng kỳ, tôi không còn nhớ hình dáng, màu sắc, nhưng tôi còn nhớ mãi ba lời thề gồm có: "Trung thành với Tổ quốc trung thành với lãnh tụ Ngô Đình Diệm, và trung thành với đảng Cần lao nhân vị”. Ngô Đình Cẩn bận áo lương đen, bịt khăn đóng đứng cạnh bàn thờ đại diện cho lãnh tụ giơ tay cao chấp nhận lời thề của tôi. Trước và sau đó cũng đã có rất đông nhân vật cao cấp trong và ngoài chính quyền tuyên thệ vào đảng tại nơi đây và đều do Ngô Đình Cẩn đại diện lãnh tụ chấp nhận lời thề. Trong số các sĩ quan vào đảng Cần lao tại Huế nghe nói có tướng Lê Văn Nghiêm, đại tá Tôn Thất Đính, Tôn Thất Xứng, Nguyễn Vinh, Phùng Ngọc Trưng v.v... Độ vài tháng sau thì chính ông Nhu ra Nha Trang chủ toạ buổi họp thành lập "Quân uỷ Cần lao" trong quân đội như tôi đã kể trong một chương trước. Tôi lại nghe nói vào cuối năm 1955 thì Trung ương Đảng Cần lao nhân vị được thành lập do ông Nhu giữ chức Tổng bí thư Đảng, uỷ viên Trung ương Đảng gồm có các ông Trần Trung Dung, Nguyễn Tăng Nguyên, Lý Trung Dung, Hà Đức Minh, Trần Quốc Bửu, Võ Như Nguyện, Lê Văn Đông.
Vào khoảng đấu năm 1956, một Trung tâm Nhân vị được thiết lập tại Vĩnh Long, vốn là giáo phận của Giám Mục Ngô Đình Thục, do chính ông ta và một số linh mục phụ trách quản lý cũng như giảng huấn. Công chức quân nhân phải lần lượt đi thụ huấn lớp Nhân vị ở Vĩnh Long này.
Vào những năm đầu của chế độ Diệm (khoảng 1956, 1957) tại miền Nam, đi đâu cũng nghe người ta nói đến thuyết Nhân vị như Chu Bằng Lĩnh đã kể lại: Chúng ta hẳn chưa quên đã có một thời kỳ vàng son của thuyết "Nhân vị", thời kỳ vững chãi của chế độ Ngô Đình Diệm. Vào thời kỳ này, nói tới thuyết Nhân vị là nói tới một cái "mốt chính trị" của thời đại. Bất kỳ ở đâu cũng nói tới hai chữ “Nhân vị “ người ta làm như nếu không hiểu biết thuyết Nhân vị thì không chống cộng, cứu nước được. Lại nữa ở Vĩnh Long, ông Giám Mục Ngô Đình Thục mở ra một Trung tâm huấn luyện cán bộ suốt lượt từ cấp Bộ trưởng trở xuống về Nhân vị. Chỉ có những người đã có mảnh bằng Nhân vị ở đây ra mới có cảm tưởng là Nhân vị của mình từ nay tạm yên ổn với cơ quan mật vụ của chế độ. Rồi những Giám đốc, Chủ Sự nào đó đã đi học “Nhân vị” Vĩnh Long về đều lên mặt hãnh diện cả, ra điều ta đã là cán bộ gạo cội của chế độ rồi vậy.
Đúng như Chu Bằng Lĩnh đã viết, thuyết Nhân vị và đảng Cần lao ra đời được dư luận bàn tán mỉa mai, chỉ trích ồn ào một thời gian rồi thuyết thì chìm dần vào bóng tối quên lãng, không còn ai nhắc nhở đến nữa, còn Đảng Cần lao nhân vị thì biến thể để trở thành đảng “Cần lao công giáo” gây thống khổ điêu linh cho nhân dân miền Nam.
Một trong những lý do chính yếu nhất khiến cho thuyết Nhân vị bị chỉ trích mạnh mẽ là tại trung tâm huấn luyện Vĩnh Long cũng như trong các buổi thuyết trình ở các địa phương, người ta chỉ nghe các linh mục giảng dạy gần như hoàn toàn về giáo lý Thiên chúa giáo mà thôi. Các học viên cảm thấy bị chế độ “lừa” đem về Vĩnh Long để bị thuyết phục theo Thiên chúa giáo. Đó là những dấu hiệu công khai đầu tiên của chế độ Diệm trong chính sách kỳ thị tôn giáo và trong ý đồ Thiên chúa giáo hoá miền Nam Việt nam sau này. Lý do quan trọng khác khiến cho Đảng Cần lao nhân vị bị mỉa mai, chỉ trích là vì hầu hết những kẻ gia nhập Đảng đều không phải để theo đuổi và sống chết cho một lý tưởng cách mạng mà chỉ vì muốn cúi mình theo sức mạnh của chế độ để được hưởng những đặc quyền đặc lợi do chế độ ban bố. Từ đó dư luận mỉa mai đảng Cần lao là đảng “Cao Lần” hay đảng Cần lao nhân vị là đảng “Cần câu Ngân vị”. Nhưng điều làm cho nhân dân căm thù uất hận chế độ và đảng Cần lao hơn cả là chủ trương chà đạp Nhân vị người dân một cách có hệ thống của cấp lãnh đạo chính quyền và của các đảng viên Cần lao. Phê bình thuyết Nhân vị của Ngô Đình Nhu, Giáo sư Buttinger đã viết:
"Cái thuyết giả tạo Nhân vị đó không bao giờ trở thành được một chủ nghĩa chính trị chân chính, tự do, nhân bản. Chủ thuyết này chỉ có thể được người ta theo đuổi một cách trung thành nên giới thanh niên trí thức và tất cả các đảng phái chống Cộng được tham dự tự do vào đời sống chính trị của quốc gia”.
Tuy nhiên vào những năm đầu của chế độ Diệm, tai hoạ do đảng Cần lao nhân vị gây ra cho nhân dân miền Nam chưa đến độ khủng khiếp trắng trợn như từ khi đảng Cần lao nhân vị biến thể thành đảng “Cần lao công giáo”. Tôi xin mở dấu ngoặc ở đây để xác định rõ ràng tôi không chủ quan và nhắm mắt tổng quát hoá hiện tượng đó, nghĩa là tôi không nói đến toàn thể người Công giáo tại miền Nam từng xả thân chống đối hoặc đứng ngoài không ủng hộ chế độ Ngô Đình Diệm, hơn nữa còn có nhiều người Công giáo lại là nạn nhân đau thương của chế độ Ngô Đình Diệm là khác. Thật vậy, trước hết, đa số những người Công giáo Nam phần (Nam Kỳ cũ) (dĩ nhiên ngoại trừ một số rất hiếm hoi các linh mục và giáo dân theo Giám mục Ngô Đình Thục) đã quyết định không ủng hộ ông Diệm. Việc này chính Chu Bằng Lĩnh (trong tác phẩm "Đảng Cần lao”) và Jean Lacouture (trong tác phẩm Le Vietnam en tre deux paix", Paris 1965) đã nói rõ. Thứ hai là một số hàng giáo phầm và nhân vật chính trị Thiên chúa giáo Trung, Nam, Bắc đã chống đối hoặc bất hợp tác với chế độ Ngô Đình Diệm và Đảng Cần lao mà tôi biết được như các Đức cha Lê Hữu Từ, Đức cha Nguyễn Văn Hiến, các linh mục Quỳnh, Của, Vui, Dũng (đó là chưa kể các linh mục trong nhóm Đường Sống), các nhân sĩ, chính khách tên tuổi như các ông Lê Quang Luật, Trần Văn Lý, Phan Quang Đán, Nguyễn Tôn Hoàn, Trần Điền, Trần Trọng Sanh, Trương Văn Huế, Nguyễn Văn Huyền, Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Mai Ngọc Liệu... Ngay chính Giám Mục Nguyễn Văn Bình, trong suốt thời kỳ cai quản giáo phận Sài gòn, vẫn ở vị thế độc lập không chạy theo quỵ luỵ chế độ. Đó là chưa kể rất nhiều người Công giáo ban đầu theo ông Diệm nhưng rồi phản tỉnh trở thành đối lập với chế độ mà điển hình là ông Phan Xứng và Nguyễn Thái cựu Tổng giám đốc Việt Tấn Xã. Ông Nguyễn Thái là một nhà trí thức trẻ tuổi đã hoạt động đắc lực cho ông Diệm thời còn ở Mỹ, ông Thái thuộc dòng dõi họ Nguyễn Hữu Bài có liên hệ thân tình với anh em ông Diệm, thế mà phải bỏ chế độ ông Diệm lưu vong ra nước ngoài để viết sách phổ biến cùng thế giới lên án chế độ. (Hiện ông Nguyễn Thái ở Oakland, California). Nói tóm lại chỉ có đại đa số người Công giáo miền Bắc và Liên khu Tư di cư và người Công giáo miền Trung là theo chế độ Diệm và đều trở thành "Cần lao công giáo".
Tại sao lại có tình trạng biến thể từ "Cần lao nhân vị" ra "Cần lao công giáo" đó? Theo dõi tiến trình hình thành của đảng Cần lao, ta thấy gồm 3 giai đoạn:
Giai đoạn một bắt đầu năm 1953 khi Ngô Đình Nhu bí mật khai sinh ra đảng “Cần lao nhân vị” mà đa số cấp lãnh đạo trung ương đều là người không Công giáo như các ông Trần Văn Đỗ, Huỳnh Kim Hữu, Trần Chánh Thành... Có lẽ lúc bấy giờ Ngô Đình Nhu chỉ có ý định thành lập một tổ chức theo công thức các đảng “Dân Chủ Xã hội Thiên chúa giáo" Âu Châu, nhưng với một chủ trương kết nạp những người không Công giáo vào đảng vì Ngô Đình Nhu biết rằng lịch sử Giáo hội Việt nam và chính Công giáo Việt nam đã từng bị mang tiếng làm tay sai cho Tây, cũng như biết rằng trong khối Công giáo Việt nam không có những nhân vật chính trị cách mạng tên tuổi. Một yếu tố quan trọng khác nữa là lúc bấy giờ Nhu chủ trương lập đảng để ủng hộ cho một Ngô Đình Diệm sẽ về làm Thủ tướng dưới chế độ quân chủ đại nghị của Quốc trưởng Bảo Đại mà thôi, chứ chưa hề có ý nghĩ truất phế Bảo Đại. Nói cách khác Nhu chỉ nghĩ đến hình thức một đảng Dân Chủ Thiên chúa giáo đấu tranh nghị trường để cầm quyền kiểu Tây Đức với một lãnh tụ như Adenauer làm Thủ tướng.
Giai đoạn hai kể từ năm 1955 khi ông Diệm đã về chấp chánh và củng cố được quyền lực thì hai ông Nhu, Cẩn chính thức tổ chức đảng Cần lao nhân vị với chủ trương lấy những tín đồ Thiên chúa giáo làm chủ lực nòng cốt, nhưng vẫn tiếp tục thu nạp và san sẻ quyền hành không quan trọng với những người khác tôn giáo để trình bày một bộ mặt chính trị đoàn kết, dù lúc bấy giờ số mạng của Quốc trưởng Bảo Đại đã được định đoạt và các đảng phái đã bị tiêu diệt. Sở dĩ lấy thành phần Công giáo làm chủ lực là vì lúc bấy giờ hầu hết người Công giáo di cư và Công giáo miền Trung đã là hậu thuẫn vững chắc cho chế độ Diệm rồi. Và sở dĩ chưa quyết liệt Công giáo hoá toàn bộ đảng là vì chế độ còn gặp nhiều khó khăn trong công cuộc kiến thiết quốc gia và guồng máy chính quyền còn yếu ớt, đòi hỏi sự đóng góp của nhiều chuyên viên, nhất là nhiều sĩ quan cao cấp trong quân đội mà đại đa số là tín đồ của các tôn giáo khác. Giai đoạn ba bắt đầu vào cuối năm 1957 khi anh em ông Diệm tin tưởng rằng chế độ của họ đã thực sự vững vàng rồi, và họ phải có một chủ lực thuần nhất sắt đá, hoàn toàn trung kiên để đi đến việc “Công giáo hoá” miền Nam mục đích tối hậu của nhà Ngô do đó mà đảng Cần lao nhân vị biến thành đảng “Cần lao công giáo”, lấy tôn giáo làm yếu tố ưu tiên và độc nhất làm cơ sở cho mọi chính sách nhất là chính sách nhân sự nên đảng viên gồm toàn là những tu sĩ và giáo dân.
Cũng từ đó, những đảng viên Cần lao nhân vị không Công giáo bắt đầu bỏ đảng, không còn liên hệ gì nữa như các ông Võ Như Nguyên, Tôn Thất Xứng, Lê Văn Nghiêm... và tôi. Ngay cả bác sĩ Nguyễn Tăng Nguyện (Công giáo), một lãnh tụ trung ương của đảng, từng giữ chức Bộ trưởng Lao động và Thanh niên trong chính phủ đầu tiên cũng bỏ đảng và trở thành người đối lập quyết liệt. Những nhân vật từng cộng tác với chế độ Diệm vào thời khó khăn lúc đầu như bác sĩ Huỳnh Kim Hữu, Trần Văn Đỗ cũng xa lánh rồi chống đối nhà Ngô (bác sĩ Đỗ sau này gia nhập nhóm Caravelle, ra tuyên ngôn chống đối chính sách độc tài của chế độ Diệm). Phân tích về quá trình ba giai đoạn phát triển Cần lao công giáo như đã nói ở trên, ta thấy nổi bật hai điểm rất rõ ràng. Thứ nhất là ngay từ đầu, Ngô Đình Nhu đã lấy triết lý Duy linh của Thiên chúa giáo làm cốt tuỷ cho chủ đạo và chủ thuyết của đảng, cũng như lấy hình thái tổ chức của một lực lượng chính trị Thiên chúa giáo Tây phương làm khuôn mẫu tổ chức, mà bộ phận ngoại vi rõ ràng nhất là Tổng Liên đoàn Công giáo trong giai đoạn một. Điểm thứ hai thuộc về sách lược là để tiến đến mục đích tối hậu “Công giáo hoá Việt nam”, con đường duy nhất là nắm chặt và sử dụng chính quyền như một vũ khí truyền giáo ở giai đoạn ba.
Thành ra, thành lập một đảng chính trị với một chủ đạo phát xuất từ một triết lý tôn giáo không có gì là sai lầm và xấu xa, nếu không muốn nói là một điều nên làm vì tôn giáo nào, ở phần tinh tuý nhất của nó, cũng tìm cách giải thoát và thăng hoa con người cả. Nhưng nó chỉ trở nên độc hại ghê gớm khi đảng đó cho tôn giáo của mình ngôi vị độc tôn bằng phương sách đàn áp huỷ diệt các tôn giáo khác (trên mặt nhân văn) và độc tài khống chế sinh hoạt của quốc gia (trên mặt chính trị). Vì điều đó chỉ làm huỷ hoại sinh lực của dân tộc, tiêu huỷ khả năng sáng tạo phát triển của quốc gia và kéo tổ quốc ra khỏi đà tiến hoá của thời đại để trở về thời quân chủ độc tài phong kiến mà thôi.
Đảng Cần lao nhân vị, vì tham vọng độc tôn của nó, đã biến thành đảng "Cần lao công giáo" và trao cho một số chức sắc trong hàng giáo phẩm những đặc quyền chính trị siêu chính phủ. Điển hình rõ ràng nhất là trường hợp của giám mục Phạm Ngọc Chi và một số linh mục khác, chỉ nhờ chiếc áo chùng đen, bỗng trở thành những vị lãnh chúa, điều động các đảng viên Cần lao công giáo đem áp bức, khổ nhục trải khắp miền Nam Việt nam, mà đặc biệt là tại miền Trung và Cao Nguyên Trung phần.
Giám mục Phạm Ngọc Chi là ai? Thời toàn dân kháng Pháp (1946 - 1954), ông là một giám mục đã đưa cả giáo phận Bùi Chu làm công cụ cho quân đội viễn chinh Pháp. Phạm Ngọc Chi tuy theo Tây nhưng còn theo tiền nữa nên cũng đã bị cả tướng Delattre De Tassingy (trong historia số 25) và Bảo Đại (trong Ledragon d’annam) mô tả là tay làm áp phe chuyên nghiệp. Khi môi di cư vào Nam, Phạm Ngọc Chi mưu đồ thành lập "Tập Đoàn Công dân" (một đảng chính trị gồm toàn người Công giáo) nhưng bị anh em ông Diệm, trong chủ trương "độc đảng”, bắt buộc “Tập Đoàn Công dân" phải giải tán nên từ đó Phạm Ngọc Chi gia nhập đảng Cần lao và được Ngô Đình Cẩn cho đứng chung làm đồng chủ tịch, Phạm Ngọc Chi đã từng đi Mỹ tuyên truyền cho đảng “Cần lao công giáo” và được giới Công giáo Mỹ giúp đớ tiền bạc rất nhiều và cũng chính Phạm Ngọc Chi đã vận động thành lập toà lãnh sự Mỹ tại Huế. Sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, ngôi sao Phạm Ngọc Chi bị lu mờ một thời gian nhưng rồi cũng trở lại với địa vị lãnh chúa dưới chế độ Nguyễn Văn Thiệu như William Jilederer đã mô tả trong "Ourown worst ennemy".
Vào những năm vàng son của chế độ Diệm, tuy nhân dán đã sống dưới chế độ hà khắc độc tài rồi, nhưng từ khi đảng “Cần lao nhân vị” biến thành đảng “Cần lao công giáo” thì dân mìẽn Nam mới thực sự sống trong cảnh địa ngục trần gian.
Trong 8, 9 năm trời ngự trị trên đất nước quê hương, chế độ Ngô Đình Diệm và đảng Cần lao công giáo đã đưa ra nhiều chính sách hà khắc, nhiều biện pháp thất nhân tâm mà nhiều tài liệu đã đề cập đến rồi. Ở đây tôi xin đề cập một phần chính sách “Công giáo hoá” bộ máy chính quyền song song với sách lược “Công giáo hoá nhân dân”.
Khi mới cầm quyền, vì còn gặp nhiều khó khăn chống đối, vì còn bỡ ngỡ trước tình thế phức tạp của đất nước, anh em ông Diệm còn sử dụng nhân sự không Công giáo trong các cơ cấu chính quyền và quân đội, nhưng dần dần khi chế độ vững vàng họ mới bắt đầu đặt những người Công giáo vào thế chỗ những người của tôn giáo khác, bắt đầu từ những cơ quan quan trọng trước.
Ví dụ trong Lực lượng đặc biệt, họ đặt anh em Lê Quang Tung, Lê Quang Triệu, Trần Hữu Kính; trong Công an, họ đặt hai phụ tá là Dương Văn Hiếu, và Nguyễn Văn Hay (dưới quyền đại tá Nguyễn Văn Y). Chính Dương Văn Hiếu mới là nhân vật cốt cán trong ngành Công an vì y phụ trách Công tác đặc biệt, nghĩa là phụ trách việc tình báo, phản gián, bắt người, giết người, tiêu diệt đối lập. Trong Bộ quốc phòng thì có cháu rể là Trần Trung Dung và Tổng giám đốc nha Hành Ngân Kế, Bộ quốc phòng là Nguyễn Đình Cẩn (Bí thư Cần lao ở Sài gòn) đã phụ trách làm kinh tài cho nhà Ngô, Nha Nhân viên thì họ đặt trung tá Kỳ Quang Liêm thay đại tá Đinh Sơn Thung. Trong Quốc hội thì chủ tịch luôn luôn là một nhân vật Công giáo, đa số dân biểu đều là người Công giáo. Đứng đầu tổ chức kinh tài trung ương là dân biểu Nguyễn Cao Thăng, người Công giáo Phú Cam, đặc trách về ngành thuốc O.P.V thao túng việc xuất nhập cảng thuốc Tây. Ngành dân vệ thì do trung tá Trần Thanh Chiêu chỉ huy, một người Công giáo Quảng Nam đã phạm lỗi lầm chiến thuật khiến cho sư đoàn 21 bị Việt cộng đánh cho thảm hại tại Tây Ninh.
Cho đến đầu năm 1963, tất cả Tỉnh trưởng, Thị trưởng miền Trung và miền Cao Nguyên đều nằm trong tay người Công giáo Bắc và Trung trừ Thị trưởng Đà Lạt là ông Nguyễn Hữu Phước, Tỉnh trưởng Thừa Thiên là Nguyễn Văn Đảng và Tỉnh trưởng Phú Yên là thiếu tá Dương Thái Đồng.
Thiếu tá Dương Thái Đồng (hiện ở Mỹ) do chính tôi đề cử với Tổng thống Diệm. Đồng là một sĩ quan ưu tú, trình độ văn hoá cao xuất thân từ trường Võ Bị và đã từng tu nghiệp tại Mỹ. Đồng có kinh nghiệm chiến đấu đa diện tại chiến trường Bắc Việt trước 1954, và từng chỉ huy các đơn vị pháo binh chiến đấu ở miền Nam. Khi Đồng đi nhận chức Tỉnh trưởng, ông ta có nhã ý đến chào tôi. Tôi khuyên Đồng phải giữ đúng phong cách “Cần, Kiệm, Liêm, Chính" của một vị Tỉnh trưởng. Tôi cho Đồng biết ở Phú Yên có một thế lực mạnh, một thế lực nổi của chính quyền là nhóm Cần lao do linh mục Tô Đình Sơn lãnh đạo làm mưa làm gió ở tỉnh này, và một lực lượng bí mật đối lập với chính quyền và lực lượng quốc gia Đại Việt của cụ Trương Bội Hoàng. Thế mà chỉ mới nhận chức độ vài tháng, chưa phạm lỗi lầm gì, Đồng đã bị nhóm Cần lao Tô Đình Sơn vận động với Tổng thống Diệm và ông Ngô Đình Cẩn hạ tầng công tác thuyên chuyển đi nơi khác. Thay thế Đồng là trung tá Nguyễn Hoài. Kinh nghiệm của Hoài là Trưởng phòng tài chính cho nha Tổng giám đốc Bảo An, Hoài chưa hề tác chiến và chỉ có bằng tiểu học, nhưng vì Hoài là người Công giáo, có em làm linh mục nên được Cần lao nâng đỡ.
Về chức Tỉnh trưởng Thừa Thiên và Thị trưởng thành phố Huế, đã có lần ông Diệm bổ nhiệm Nguyễn Đình Cẩn giữ chức vụ quan trọng đó. Thừa Thiên và Huế là thủ đô văn hoá của miền Trung, có nhiều nhân sĩ trí thức, khoa bảng lại là nơi mà dân số có hơn 90% theo Phật giáo mà Nguyễn Đình Cẩn lại là người Công giáo, nguyên chỉ là một thư ký toà Sứ thời Pháp thuộc, cho nên đã phạm một số lỗi lầm bị dân chúng Huế bất hợp tác. Do đó mà chính quyền đành phải thay thế Nguyễn Đình Cẩn bằng một Tỉnh trưởng theo đạo Phật là ông Nguyễn Văn Đẳng. Và vì Tỉnh trưởng là người theo đạo Phật cho nên nhà Ngô mới đặt một phó Tỉnh trưởng Nội an là Đặng Sĩ người đã có thành tích chống Phật giáo hung hãn tại tinh Quảng Trị lúc y còn làm trung đoàn trưởng ở sư đoàn I dưới quyền đại tá Tôn Thất Xứng. Biến cố Phật giáo tháng 5 năm 1963 xảy ra, thiếu tá Nguyễn Mâu, người Công giáo quê tỉnh Khánh Hoà, được Tổng thống cử thay thế Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đảng để đàn áp Phật giáo. Nói tóm lại, cho đến năm 1968, trừ Thị trưởng Đà Lạt là người theo Phật giáo, tất cả Tỉnh, Thị trưởng tại miền Trung và Cao Nguyên đều là tín đồ Thiên chúa giáo.
Tại Nam phần, vì sự hiện diện phức tạp nhiều tôn giáo như Cao Đài, Hoà Hảo, Phật giáo nguyên thuỷ... và đời sống tín ngưỡng có mức độ nồng nàn sôi nổi một cách thần bí của những Đạo Dừa, Đạo Khăn Trắng, Bà Chúa, ông Đồng... cho nên chính quyền Ngô Đình Diệm còn dè dặt trong chính sách Công giáo hoá bộ máy cai trị. Tuy nhiên ông Diệm cũng đã bổ nhiệm một số Tỉnh trưởng Công giáo ở những tỉnh, quận như Gia định, Bình Tuy, Định Tường, Phước Long, Long Khánh, Kiến Hoà, Phước Thành, Vĩnh Long v.v...
Tại đô thành Sài gòn - Chợ Lớn, vì đã có ông Diệm và bộ máy Cần lao công giáo Trung ương ở đó nên không gấp gáp có một Đô trưởng Công giáo. Tuy nhiên đa số những Quận trưởng cảnh sát đều là người Công giáo và vị Phó Đô trưởng kiêm thủ lãnh Thanh niên cộng hoà Đô thành là trung tá Nguyễn Văn Phước thì không những là một tín đồ Thiên chúa giáo ngoan đạo mà còn sinh đẻ tại Thừa Thiên.
Về phía quân đội thì khi ông Diệm mới chấp chánh chỉ có một mình tướng Trần Văn Minh là người Công giáo, ngay cả số sĩ quan cấp tá theo đạo Công giáo cũng như lá mùa thu, cho nên anh em ông Diệm đã phải thăng cấp thật mau và đặt những chức vụ quan trọng vào tay những sĩ quan Công giáo như tướng Huỳnh Văn Cao, các sĩ quan cấp tá như Nguyễn Bảo Trị, Lâm Văn Phát, Trần Thanh Chiêu, Bùi Đình Đạm, Trần Văn Trung, Trần Ngọc Huyền, Nguyễn Văn Châu, Kỳ Quang Liêm, Nguyễn Quang Trọng, Nguyễn Thế Như, Huỳnh Công Tịnh, Nguyễn Văn Thiệu, Ngô Du v.v... Những sĩ quan được đặc cách thăng thưởng mau nhất trong quân đội Việt nam cộng hoà, mà mau nhất là tướng Huỳnh Văn Cao và Lê Quang Tung. Tướng Nguyễn Khánh thời làm Tham mưu trưởng đã có lần đề nghị cách chức tư lệnh quân đoàn 4 của tướng Huỳnh Văn Cao vì lý do thiếu khả năng, nhưng không được vì anh em ông Diệm hết sức tín nhiệm và che chở cho Huỳnh Văn Cao. Theo tôi biết thì anh em ông Diệm muốn thổi Huỳnh Văn Cao lên thật mau để trong tương lai Cao nắm chức Tổng tham mưu trưởng quân đội thay tướng Lê Văn Ty. Họ đã dám đưa những sĩ quan bất tài, suốt thời gian tại ngũ chưa từng chỉ huy đơn vị tiểu đoàn để giữ chức vụ sư đoàn trưởng như trường hợp Trần Thanh Chiêu và Bùi Đình Đạm chẳng hạn, thì việc đưa Huỳnh Văn Cao giữ chức Tổng tham mưu trưởng quân lực là việc không thể xảy ra. Chưa kể những yếu tố khác, chỉ với chính sách Công giáo hoá quân đội mà thôi đã gây bất mãn cho hàng ngũ sĩ quan, cho nên những binh biến do chính quân nhân tổ chức đã liên tiếp xảy ra từ 1960 đến 1963.
Dựa vào thiểu số 10% Công giáo để thao túng và áp bức đại khối dân tộc tự căn bản là một sai lầm trầm trọng, đã là một chính sách thất nhân tâm, có khác gì thời thực dân chỉ có 5, 7 ông Tây mà cai trị toàn dân cả tỉnh. Huống gì cái thiểu số đó lại là thiểu số nặng đầu óc phe phái, hẹp hòi, giáo điều và mang rất nhiều mặc cảm tội lỗi, cái tội lỗi lịch sử đã theo Tây phản dân hại nước.