Hồi ký bà Tùng Long

Chương 1

Docsach24.com

ha ơi! Hôm nay con đứng ở hành lang cư xá nhìn xuống sân thấy mấy đứa trẻ đang xúm nhau dán diều, rồi sau đó chúng xách con diều giấy chạy qua chạy lại cho diều lấy đà để bay bổng lên không, con bỗng nhớ cha vô hạn. Thời gian trôi qua mau quá cha nhỉ, mới đó mà đã 75 năm! Con đã già, hơn tám mươi tuổi rồi, còn cha đã ra người thiên cổ từ lâu (cha mất năm Bính Thân - 1956).

 

Docsach24.com

Hồi con mới lên năm tuổi, cha từ Đà Nẵng đổi vào Tam Quan, một huyện miền biển của tỉnh Bình Định. Mới năm tuổi nhưng con đã biết đọc biết viết do cha dạy. Suốt thời thơ ấu và niên thiếu con, cha luôn luôn là ông thầy nhân từ mà cũng rất nghiêm khắc. Với năm tuổi ấy, con được cha dạy rất nhiều, nào những bài thơ dạy con của Nguyễn Trãi, những bài ca trù con thường nghe cha đọc, cho đến những bài hát bộ mà khi hứng lên cha hát và phùng man trợn mắt như một Lưu Bị hay một Địch Thanh.

Mỗi sáng sớm, vào lúc năm giờ, con thường theo cha ra biển để thả diều ô. Diều của cha là một con diều lớn, làm bằng những miếng tre vót kỹ, có hình thù một con chim, với đôi cánh dài và cái đuôi như cánh quạt, được bồi bằng những tờ giấy màu thật đẹp. Hai cha con, cha đi trước cầm con diều, con đi theo sau ngắm vầng thái dương mới ló dạng ở chân trời. Gió biển buổi sáng thật mát, thật trong lành và mặc dù phải dậy sớm, trong khi mẹ con còn ngủ với em, con vẫn tỉnh tào và chạy lạch bạch theo cha, lòng vô cùng thích thú.

- Cha ơi! Hôm nay trời mát quá cha nhỉ?

- Mau lên con, gió đang lên, diều sẽ bay cao...

Bãi biển với những cồn cát rất quen thuộc với tôi, nhưng mỗi ngày tôi luôn khám phá ra một chuyện gì đó rất mới mẻ để mà theo đuổi trong khi cha tôi đang điều khiển sợi dây cước cho diều lên, lên cao, lên cao. Tôi đi tìm những ổ trứng của các con chim biển đẻ trên bãi cát. Chim chỉ cần bươi một cái hộc cạn rồi đẻ. Có khi tôi lượm được ba trứng, có khi năm, và sau đó cắc ca cắc củm đem về luộc ăn. Có khi tôi tìm thấy cả một đống trứng ba ba hay con vít, làm dấu để đó, không dám hốt, chờ khi cha tôi cuốn dây cước, hạ diều xuống, hai cha con mới hốt về. Thế là được một bữa ăn lạ miệng. Khi không tìm được trứng chim, tôi đi hái những trái ma vương chín ở các bụi gai mọc rải rác trên bãi biển, dưới chân các nống các. Trái ma vương có mùi thơm, ngọt ngọt, chua chua, ăn rất dòn và ngon hơn cả trái sơri. Gặp mùa, tôi hái bỏ đầy cả hai túi áo. Khi về, hai cha con vừa đi vừa ăn thật thích thú.

Cha tôi thỉ thả diều đến sáu giờ hơn, khi mặt trời đã đã lên khỏi chân trời và rọi sáng mặt biển, vì cha tôi còn phải về ăn sáng rồi đi làm việc.

Sáng nào cũng vậy, nếu trời không mưa là cha con tôi đi thả diều. những buổi sáng ấy là những ngày đẹp đẽ nhất trong cuộc đời tôi, sau này và mãi mãi không bao giờ tôi tìm lại được.

Cha tôi làm thông phán ở Sở Thương chánh Tam Quan, ngày nay đó là công việc của một viên chức hải quan lo chuyện xuất nhập của ghe thuyền. Sở nằm trên một ngọn đồi cao nhìn ra biển và nhà của chúng tôi ở cách đó một cây số. Sở làm bằng bê-tông cốt sắt, còn ngôi nhà của cha tôi gồm ba gian một chái, một bếp lợp tranh, nền xi măng, lát gạch, nằm giữa một ngôi vườn rộng và quay mặt ra sông, quay lưng ra biển. Trước nhà là một con đường đất bằng phẳng chạy dài, một bên là con sông, một bên là hàng dừa ngút ngàn. Ngoài cổng nhà là một giàn thiên lý, đêm đêm hoa tỏa hương thơm cả xóm.

Cha tôi rất thích trồng cây, nhất là hồng, đủ thứ, đủ màu. Có lẽ cha tôi mạng thủy nên hễ cây cha tôi trồng là tươi đẹp và lắm bông. Phần tưới cây là phần của tôi, cha tôi mua cho tôi một cái đồ tưới nhỏ, vừa với sức của tôi để tôi sáng và chiều tưới những chậu hồng nhung, những bụi tường vi dọc rào và những chậu mẫu đơn. Cha tôi dạy tôi sử dụng cái bay để xới đất: “Phải xới đất để rễ cây thở và cây xanh hơn”.

Cha tôi nói: “Hồng nhung là biểu tượng của sự trung trực, hồng trắng sự trinh bạch, còn hồng vàng là sự phản bội”.

Tôi hỏi:

- Vậy sao cha trồng cả hồng vàng làm gì?

Cha tôi nói:

- Vườn hoa cũng như trường đời, có người trung trực, trinh bạch thì cũng có kẻ phản bội, vô ơn bạc nghĩa... Ra đời phải biết phân biệt ai tốt ai xấu con ạ.

Có lần tôi nói:

- Con thấy hoa mẫu đơn chả thơm tho gì sao cha trồng làm gì vậy?

Cha tôi liền đọc:

- Mẫu đơn thiên hạ xôn xao

Ham mùi phú quí biết bao nhiêu người

Rồi cha nói:

- Vườn hoa phải có nhiều loại, chả lẽ mình trồng toàn hồng cả sao? Huống chi mẹ con lại thích hoa mẫu đơn để ngày rằm, ngày mồng một hái vào cúng Phật nên cha trồng.

Trong những lúc đi biển, cha tôi thường kể cho tôi nghe về cuộc đời người.

Xuất thân từ một gia đình nho giáo, học chữ nho đến năm 12 tuổi, sau đó vì thời cuộc đổi thay nên đổi sang học quốc ngữ. Cũng như các thanh niên khác ở thời kỳ ấy, lòng yêu nước khiến họ do dự trước khi bước chân vào đời. Những người có sĩ khí không chịu đi làm cho người Pháp, mặc dù dù đã theo học ở các trường Pháp Việt. Cha tôi là con trai duy nhất của một gia đình. Ông nội tôi quê từ Nghệ An trong một chuyến đi buôn vào Hội An, gặp bà nội tôi, rồi định cư ở đó. Ông nội tôi rất giỏi võ, mấy đời các ông trong gia tộc đã làm quan võ dưới trướng ngày Lê văn Duyệt. Đến đời ông nội tôi vì không muốn làm cho Pháp, nên bỏ đi buôn với chiếc ghe bầu, từ Bắc chí Nam.

Bà nội tôi là một người đàn bà đảm đang và có tài nói năng hoạt bát, từ khi còn con gái đã buôn bán giỏi có tiếng. Bà chuyên đón các ghe ngoài Bắc vào hay trong Nam ra cửa bể Hội An để mua cả chuyến hàng trên ghe như lúa gạo, hột vịt trong Nam, mạch nha, tương ngoài Bắc. mua như vậy chỉ cần nhắm hàng trả giá tổng quát, khi chủ ghe chịu thì bà đứng ra kêu các hiệu buôn bán lại. Xong đâu đó mới nộp tiền cho chủ ghe, buôn lối ấy gọi là buôn kiểu đầu nậu.

Với cái nghề ấy bà tôi gặp ông tôi trong một chuyến ông tôi chở đường và tương ra Bắc vô Nam. Và rồi người cảm tài, kẻ phục đức, hai bên đã xây tổ ấm ở một làng tên gọi Hội Sơn gần Bàng Thạch, cách Hội An một buổi đò dọc.

Ông nội tôi ngày trước cũng như các cụ khoa bảng đều có chân trong trong các hội chống Pháp bằng cách làm việc, dành dụm tiền đóng góp cho Hội để đưa người ra nước ngoài vận động cho phong trào chống Pháp. Để tìm thêm hội viên ở khắp các tỉnh miền Trung. Vì vậy cha tôi khi còn đi học đã gia nhập phong trào Duy Tân, theo các bậc đàn anh làm chính trị, và sau khi học xong, cha tôi vẫn không chịu làm cho Pháp. Khi bà tôi còn buôn bán, gia đình tuy không giàu có nhưng cũng đủ ăn đủ xài, việc cha tôi phải tìm kế sinh nhai bà tôi không quan tâm cho lắm. Khi còn buôn bán, bà tôi là người nổi tiếng là giàu lòng từ thiện. Mấy làng ở Hội An, như Hội Sơn, Bàch Thạch, chợ nội Rang..., không ai là không biết tiếng bà Quyền. Cứ đến ngày mồng một và ngày rằm là bà tôi sai một người chú bà con của tôi và cũng là người làm vườn, săn sóc nhà cửa cho bà tôi, nấu chè, nấu xôi múc ra, đĩa bát bày đầy cả ba nong sắp giữa sân rồi kêu những người đi xin ở các chợ về ăn. Họ có thể kéo đến bất cứ giờ nào, cứ tự tiện ngồi vào các chiếc chiếu trải ngoài sân và muốn ăn bao nhiêu cũng được. Cứ thế bà tôi đã làm công việc từ thiện ấy suốt cả thời gian bà tôi còn ăn ra làm nên. Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần theo cha về thăm ông bà, tôi đã chứng kiến được cảnh ấy...

Nói đến chuyện đi tăm ông bà cả chuỗi dài kỷ niệm của một thời thơ ấu êm đềm vô giá. Trước khi cha tôi vào làm ở Tam Quan, thời thơ ấu của tôi đã trải qua trên thành phố Đà Nẵng, con sông Hàn, ở làng Trẹm của bờ biển Đà Nẵng.

Lúc ấy là lúc ông bà tôi gặp một chuyện tai biến, bao nhiêu tiền của bị mất sạch vì mấy chuyến buôn bán thua lỗ, mà nguyên nhân chỉ tại chánh quyền Pháp nghi ngờ việc cha tôi gia nhập phong trào Duy Tân.

Cha tôi là con trai duy nhất nên ông bà tôi rất e ngại bị mất cha tôi, vì thế cứ khóc lóc nài nỉ cha tôi phải kiếm việc làm hợp tác vói chánh phủ Pháp để khỏi bị tình nghi và theo dõi. Vì thế cha tôi phải ra Đà Nẵng lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp. Không khí ở đây dễ thở hơn các tỉnh thuộc quyền bảo hộ của Pháp. Các đồng chí đàn anh hiểu hoàn cảnh cha tôi nên khuyên cha tôi xin làm cho một hãng buôn của Pháp, hãng Sica làm rượu, nấu rượu bán cho dân để dễ hoạt động và cũng để che mắt bọn mật thám Tây, bọn này dạy cho cha tôi và không khỏi khen cha tôi có chí. Khi làm ở đây thì tôi ra đời, hoàn cảnh sinh sống lại càng khó khăn, nay kẻ này bị bắt, mai kẻ khác bị kêu lên Sở Mật thám để điều tra.

Về chuyện này bà nội tôi hết sức lo nghĩ, tâm thần bất an nên sinh ra bệnh hoạn, công việc làm ăn lại bị trở ngại. Ông nội tôi cứ với lai lịch ở Nghệ An, cái nôi của bao nhiêu cuộc nổi dậy chống Pháp,từ chối không chịu làm cho các quan cai trị dưới chế độ Pháp thuộc, nên lúc nào cũng bị theo dõi. Đã vậy ông tôi rất giỏi võ, một mình có thể đánh với một lũ cướp gồm hai ba chục người nên lại càng bị nghi là thuộc nhóm người võ trang chống Pháp. Bà tôi bệnh kéo dài trở thành viên phổi mãn tính, phải cần thuốc thang tĩnh dưỡng, với mẫu vườn trồng khoai, bắp và mì, thêm mấy sào ruộng không đủ cho ông bà tôi sống qua ngày, thế là cha tôi phải đi làm hãng Sica. Là một thanh niên có học, có tinh thần trách nhiệm, liêm khiết, dù làm cho một hãng buôn Pháp cha tôi vẫn giữ sự ngay thẳng, làm việc siêng năng cần mẫn, nhờ vậy ông chủ hãng mấy lần đã bênh vực cha tôi khi sở mật thám bí mật cho biết cha tôi là một đồng chí của phong trào Duy Tân.

Mùa đông năm ấy, thời tiết ở Đà Nẵng rất xấu, lụt bão lung tung, nhà cha mẹ tôi ở ven biển, làng Trẹm, nên trong một trận lụt lớn đã ngập nước. Nước dâng lên cao, ngập cả sân nhà, tràn vô nhà, tràn lên giường chiếu, lúc bấy giờ cha mẹ tôi lo dọn đồ đạc trong nhà mang vào hãng gởi. Chiếu nôi của tôi treo trên cao, lúc ấy tôi mới năm, sáu tuổi, không ai ngờ nước có thể lên đến, vả lại trong một giờ đem đồ gởi xong trở về có ai nghĩ là nước sẽ dâng mau, lên đến nóc nhà hay ngập cả chiếc nôi treo lơ lửng trên cột. Cũng may lúc bấy giờ một bác nông dân trong hãng được cha tôi nhờ chạy về khuân đồ đạc bắt gặp nước đã liếm lên đáy nôi mà tôi thì cứ nằm yên, ngon giấc. Bác công nhân này vôi vàng ôm toi trùm trong chiếc áo mưa, bỏ cả đồ đạc lội về phía thành phố, cứu tôi khỏi bị nước cuốn trôi đi. Lúc bấy giờ cha mẹ tôi hoảng hốt nhớ lại chiếc nôi không biết nước có dâng cao hơn không, vội vã chạy về thì dọc đường gặp bác công nhân đang ôm tôi vào lòng, chạy về hướng thành phố.

Thật hú hồn và ai cũng bảo là mạng tôi lớn nếu không bị nước cuốn trôi đi mất rồi. Sau này mỗi lần gặp tôi, bác ấy thường nhìn mặt tôi nói:

- Không có bác thì nước lụt đã cuốn mất cháu đi rồi.

Lụt bão làm hư hại mùa màng, gây ảnh hưởng lớn ở các vùng nông thôn lân cận, vì vậy sự tiếp tế cho các đảng viên cũng gặp nhiều khó khăn, không đủ tiền để nuôi các đồng chí trong tù, không có tiền để giúp một số thanh niên trong phong trào Duy Tân trốn ra nước ngoàivà cũng không có tiền để một số cán bộ nữ làm kinh tài. Trong khi làm việc ơ hãng Sica, cha tôi đã xin vào đảng Phục Hưng, lúc bấy giờ do bác Pham Thành Tài cầm đầu. Theo mẹ tôi kể lại thì mấy chú mấy bác đảng viên lấy nhà cửa của cha tôi làm chỗ liên lạc. Mỗi tháng bác Phan Thành Tài (cha của ông Phan Bá Lân và Phan Thuyết, Phan Kình, Phan Út) mang tiền từ Quảng Nam ra giao cho cha tôi (do tánh cha tôi liên khiết, cẩn thận, ngăn nắp kính đáo, nên đảng đề nghị cha tôi giữa tiền, tức là làm thủ quỹ cho đảng), sau đó có người đến lấy để lo công việc tiếp tế cho đồng đội. Mẹ tôi nói, bác Thành Tài nhét tiền trong một cái ruộng tượng dài mang quanh người, ăn mặc rách rưới, đầu đội nón lá, đi bộ từ Quảng Nam ra, di dọc theo đường rầy xe lửa, ngụy trang như một người đi ăn xin ra tỉnh tìm việc làm. Các bác các chú mỗi lần đền gặp cha tôi rất thương tôi, ẵm bồng nâng niu và không khỏi lo lắng cho cha tôi, e rằng công việc khó qua mắt bọn Tây mật thám và tôi sẽ mất cha khi còn quá nhỏ. Những chú còn trẻ chưa lập gia đình, chưa có con thì thương tôi như con. Các bác đã già như bác Tám Vận, bác Thành Tài thì con cái đã lớn, xem cha tôi như em út và mỗi lần đến là nuông chìu tôi, cho quà bánh.

Thế rồi cuối năm Ất Mão, bác Thành Tài trong một chuyên đi liên lạc các nơi bị mật thám bắt. Bác nhất định không chịu khai và bị kê án tử hình. Việc này làm một số đồng chí phải chốn chui trốn nhủi. Bác Tám Vận sai người bí mật bảo cha tôi phải cho mẹ tôi ãm tôi về quê nội (Hội Sơn, một làng ở cách Hội An hai giờ dò dọc) sống với ông bà nội tôi. Một mặt khác, các bác khuyên cha tôi thu xếp nhà cửa gọn gàng đâu vào đó, như là nhà cửa một kẻ độc thân, bao nhiêu giấy tờ liên quan đến hội, danh sách các đồng chí đều đốt hết. Ban đêm ba tôi ôm sách đi học tiếng Pháp với tụi lính Tây trong đồn như cũ, như không có chuyện gì xảy ra.

Khi mẹ tôi ẵm tôi về quê nội thì cha tôi liền thủ tiêu hết tất cả giấy tờ quan trọng, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng. Trong khi ấy bác Tám Vận và nhiều bác khác bị bắt, bị tra tấn nhưng không ai khai cho cha tôi. Tuy vậy, lính mật thám vẫn đến xét nhà cha tôi vì biết cha tôi có quen với bác Thành Tài. Tụi nó lục lạo từ trên xuống dưới. Trần nhà, cống rãnh, bất cứ chỗ nào chúng nghi ngờ là lục lạo, nhưng không thấy có gì đáng nghi cờ cả. Tiền bạc thì cha tôi chỉ có năm ba đồng, sổ sách thì chỉ có tiền gởi về nhà cho ông bà nội tôi, cùng tên thuốc men mua ở tiệm thuốc tây vì bà tôi bị suyễn. Tủ giường ngăn nắp, giấy tờ đâu vào đấy, tụi nó đành kéo nhau về đành nói với cha tôi: “Thật là một thanh niên có thứ tự”. Không có chứng cớ, họ không bắt cha tôi. Nhờ vậy một số các chú các bác làm ở các cơ quan nhà nước Pháp không bị bắt. Những bác bị bắt đều bị đày ra Côn Đảo lãnh án tù từ 10 đến 20 năm. Tôi còn nhớ khi tôi học ở trường Đồng Khánh năm 1931, trong mùa hè niên học ấy bác Tám Vận được thả về có đến thăm cha mẹ tôi và khi thấy tôi đã lớn, bác mừng rỡ cười nói om sòm, chỉ tôi và nói:

- Cái con nhỏ này hồi tụi tao tụ tập tại nhà ba mày thì mày mới có sáu, bảy tuổi. Nếu không vì mày, không thương cha mày là con một và mày là đứa cháu nội của dòng họ Lê thì tụi tao sau những trận tra tấn xé thịt nát da thì đã khai ra cha mày rồi!

Thế là cha tôi khỏi bị tù đày nhưng điều này khiến cha tôi không khỏi áy náy trong lòng và lúc nào cũng nghĩ là mình mang cái tình che chở của bao nhiêu người đã huy sinh, kẻ bị án tử hình như bác Phan Thành Tài, bác Thái Phiên và còn bao nhiêu người bị dày ra Côn Đảo. Khi phong trào này êm dịu bớt, mẹ tôi mới đưa tôi về Đà Nẵng sống với cha tôi.

Sống trong một gia đình như vậy làm sao tôi không chịu ảnh hưởng của các bậc cha chú và lẽ nhiên tôi lớn lên trong một bầu không khí có nhiều gương tốt đẹp, đáng noi theo. Tiếc vì tôi là con gái mà ở vào cái xã hội ấy,cái xã hội bị đô hộ, bao nhiêu lớp người đã huy sinh, bao nhiêu đảng phái bị tan rã, tôi cứ thường nghe các bậc cha chú than thở: “Các bác, các chú còn không làm được việc gì! Các cháu là con gái thôi thì cứ ráng lo học hành, học công dung ngôn hạnh. Ngay như các bác, các chú và cả cha con phải tìm kế sanh nhai, phải đi làm công chứ cho Pháp. Các con của bác Phan Thành Tài còn phải để cho bọn Tây giúp đỡ đi học”. Lúc ấy tôi nghĩ: Lớp người này làm không được thì lớp người sau tiếp tục làm, miễn là tinh thần yêu nước, cái tinh thần bất khuất của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, vẫn còn sống mãi trong đầu óc người dân Việt.

Còn bác Thành Tài khi bị kêu án tử hình thì người con trai lớn là anh Phan Bá Lân đang học ở trường tiểu học Đà Nẵng hay Hội An gì đó. Mật thám can thiệp không cho anh học, buộc nhà trường phải đuổi anh. Tôi cũng nghe các người làm ở tòa khâm sứ Huế kể lại, lúc ấy anh Phan Bá Lân tìm gặp ông khâm sứ và đã giận dữ nói: “On a tué mon père, et on a fermé l’école à moi!” (Người ta đã bắn cha tôi, người ta còn đóng cửa trường với tôi!). Thấy thái độ phẫn nộ của anh Phan Bá Lân lúc ấy, viên khâm sứ tên Chatel - nếu tôi nhớ không lầm - đã cho anh Phan Bá Lân học lại và cũng từ đó giúp đỡ anh học cho đến thành tài. Có người còn nói anh Lân là con nuôi của Chatel. Việc ấy tôi không biết có đúng không? Nhưng theo tôi hiểu thì anh Lân nhân cơ hội này học hành thành tài và cả đàn em của anh người nào cũng có bằng cử nhân, bằng tú tài và cả các con của các anh này đều học rộng, tài cao, hiện giờ một số vẫn làm nghề giáo. Sau này vào khoảng năm 1930, anh Lân mở trường tư thục Chánh Thanh ở Sài Gòn và thu hút được nhiều giáo sư giỏi về dạy. Trong ấy có ông Phan Khôi dạy Việt và Hán văn. Anh Lân còn là bạn tâm giao của anh Hồng Tiêu, chồng tôi. Khi anh Hồng Tiêu cưới tôi, anh Phan Bá Lân đã mừng ngày cưới chúng tôi cả một giường nệm có mùng theo kiểu Tây, một cái gương to treo trên tường, và suốt những năm chúng tôi sống ở Sài Gòn vẫn gặp anh Lân rất thường.

Khi Nhật xâm chiếm Việt Nam và sau đó Mỹ thả bom ở Sài Gòn, năm 1943, tôi đưa các con về Quảng Ngãi quê chồng,mất liên lạc với anh Phan Bá Lân. Sau hiệp định Genève, tôi nghe tin anh Phan Bá Lân ở ngoài Bắc và năm 1975, sau ngày thống nhất đất nước, tôi nghe tin anh Lân về Sài Gòn, đôi mắt bị mù. Anh về trong Nam, nghe nói có nhờ người đi tìm nhà tôi và anh Bút Trà nhưng lúc ấy Sài Gòn đang hồi bể dâu, nên chẳng ai dám chỉ, họ sợ mang vạ vào thân. Thành ra những người bạn thân xa nhau những bao nhiêu năm vậy mà trước chuyện sống chết lại không có cơ hội gặp nhau, để cùng bắt tay nhau một lần chót. Thương tâm và cũng chua xót thật! Bây giờ khi tôi ngồi viết những dòng này thì tất cả anh em Phan Bá Lân, Phan Kình, Phan Thuyết (cựu hiệu trưởng trường Đạt Đức ở Phú Nhuận), Phan Út (cựu hiệu trưởng trường Tân Thịnh ở Tân Định) đều đã ra người thiên cổ.

Trở lại chuyện sao khi Đảng Phục Hưng bị bể bạc. Bà tôi khi nghe tin về chuyện bọn Tây đến lục xét nhà cho tôi và trong đường tơ kẽ tóc, cha tôi có thể bị bắt và bị đi đày thì đâm ra hoảng hốt, gọi cha tôi về, thuyết đủ mọi cách,nào hăm dọa bị tù đày, bỏ vợ bỏ con không ai nuôi,nào cha mẹ già không chỗ nương tựa. Lời nói không làm xiêu lòng cha tôi, thì bà nội tôi lại lấy nước mắt để cha tôi phải nghe theo. Ông tôi không hề nói gì vì ông xuất thân từ một tùy viện của ngài Lê văn Duyệt, có võ, không thể ngăn cản con mình vì nó cũng đi vào con đường mà mình đã trải qua. Nhưng ông tôi chỉ nói là nếu không ai lo cho ông bà tôi trong lúc tuổi già bóng xế thì ông tôi sẽ trở về Nghệ An vì ngoài ấy ông tôi có cả một đại gia đình có thể sống yên thân cho đến cuối cuộc đời. Nghe thế bà tôi càng khóc lóc than thở: “Sắp mất con bây giờ lại sắp mất chồng”.

Thế là cha tôi trở lại công việc ở hãng Sica. Nơi đây người chủ Tây rất mến nể cha tôi vì cha tôi làm việc chuyên cần thanh liêm, công nhân trong hãng cũng rất yêu mến. Mấy lần cha tôi xin thôi việc để thi vào một công sở không có liên quan gì nhiều đến việc chánh trị như là Bưu Điện, Sở Thương chánh, hay phòng Thương mại, nhưng ông chủ hãng cứ cho lên lương mỗi lần cha tôi muốn nghỉ, để giữ cha tôi lại. Cho đến khi cha tôi thi đậu vào Sở Thương chánh Đà Nẵng, làm ở làng Trẹm, và sẵn có người chồng mới cưới của dì tôi, một nhân viên có tay nghề, biết đánh máy, chịu nhận công việc của cha tôi thì ông xếp mới bằng lòng cho cha tôi nghỉ. Chuyện đổi việc làm này một phần do sức ép của bà nội tôi, muốn con làm trong cơ quan nhà nước có nhiều tiền hơn và có tương lai hơn.

Bà tôi hay tin mới yên lòng và mẹ con tôi lại từ quê nội ra sống bên cha tôi. Thời gian này tôi sống bên cha mẹ dược hấp thụ sự dạy dỗ chu đáo và tình yêu thương vô bờ bến. Tôi mãi đến bốn tuổi mới có em nên thời gian này được sự nuông chiều của cả cha mẹ lẫn ông bà nội ngoại.

Trong những năm tháng này tôi thường thao cha mỗi tuần về thăm ông bà nội tôi. Cứ chiều thứ bảy cha tôi và tôi xuống ghe - đò dọc - ở sông Hàn để sáng lại về đến Hội An, qua Bàng Thạch về thăm ông bà nội tôi. Một đêm tên sông nước, nhìn phong cảnh hai bên bờ sông, được cha tôi kể chuyện sông nước, cuộc sống của những người chài lưới trên sông, và gặp những đêm sáng trăng thì tha hồ mà ngắm cảnh đẹp, nghe tiếng hát của các cô gái chèo thuyền, hát đối đáp với các chàng trai trên các chiếc ghe khác cùng đi về một hướng hay ngược dòng sông. Những kỷ niệm ấy ngày nay tôi không còn làm sao tìm thấy được,những kỷ niệm ấy vẫn sống mãi trong lòng tôi sau bao nhiêu vật đổi sao dời. Sáng chủ nhật ghe cập bến trước nhà ông bà tôi, cha tôi và tôi mang hành lý lên sống bên ông bà tôi suốt một ngày, để tối lại có ghe đến rước. Rồi cũng suốt đêm trên cuộc phiêu lưu giữa sông dài, trời rộng, cho đến năm giờ sáng thì đến bến chợ Hàn kịp để cha tôi về nhà ăn sáng rồi đi làm.

Với những chuyến đi ấy, tôi học được rất nhiều điều lạ, bổ ích mà các trẻ em ở cái tuổi ấy chưa chắc đã biết được. Nào cuộc sống của người mò cua bắt cá trong đêm, họ vừa làm việc vừa hát hò đối đáp, dường như không thấy được cái cảnh lấy đêm làm ngày nhọc nhằn, khổ sở. Nào những con đò xuôi ngược, họ quen nhau vì thường gặp nhau trên đoạn đường này. Mỗi lần gặp nhau họ kêu ơi ới, chào hỏi vui vẻ. Có ghe câu được cá liền ném qua cho các ghe chưa có gì để nấu buổi cơm tối cho khách trên ghe. Thường thì chúng tôi được mời ăn cháo lúc mười giờ đêm, gọi là ăn khuya, món cháo cá vừa câu được, hay cua tôm mua được của những người đi mò dưới sông. Sống ở thành phố, có biển, có hàng phi lao vi vu của bãi tắm Đà Nẵng, có sông có núi, tôi về quê được sống với những người nông dân chân lấm tay bùn, cày sâu cuốc bẫm, trồng trọt quanh năm, tôi có thêm nhiều kiến thức. Tôi chứng kiến những bữa cơm đạm bạc của họ. Một rổ rá cơm ghế khoai lang hay ghế bắp, thường thì khoai hay bắp nhiều hơn gạo, với một tô mắm cá cơm đã mặn còn bỏ thêm một vốc muối, ít khi có rau và chỉ có những quả cà pháo bỏ trong mắm. Vậy mà người nào người nấy ăn rất ngon, có người ăn cả năm sáu bát, khiến tôi cảm thấy chán cơm trắng của tôi mà bà nội tôi đã bỏ đầy cá thịt không còn ngon lành, trái lại còn vô vị nữa là khác. Và tôi đã năm nỉ chú Đài của tôi, người bà con trong họ giúp việc cho ông bà nội tôi, đổi chén cơm của tôi lấy một chén cơm trộn khoai hay bắp. Chú Đài không dám đổi mà những người đến làm thuê cho ông bà nội tôi cũng không ai chịu đổi. Tôi năm nỉ mãi và cuối cùng tôi cũng đạt được ý muốn trẻ con ấy. Nhưng mà mấy người này khuyên tôi nên bưng cơm ra bụi tre mà ăn đừng để ông bà tôi thấy. Ôi! Cái hồi đó tôi thấy chén cơm ghế khoai lang hay ghế bắp sao mà ngon đến thế! Sau này khi tôi đưa các con tôi về Quảng Ngãi, rồi tản cư lên Mỹ Thịnh, vì đồng lương của tôi chỉ đủ mua có hai mươi ngày gạo, đó là không nói đến thức ăn, tôi phải thêu may mướn mới có tiền mua thịt cá. Còn mười ngày gạo kia phải thêm bắp hay khoai lang khô vào cơm. Mấy đứa con tôi chẳng đứa nào chịu ăn bắp ăn khoai mà lừa lại, bới toàn cơm không.