Phổ Nghi tin rằng xe lửa đang đưa mình dần tới một đội hành quyết, một cái chết chắc chắn không tránh khỏi. Ban đêm trong khi mọi người ngủ ngon lành thì một mình Phổ Nghi mắt mở thao láo không thể chợp mắt được, vì nghĩ đến cái chết sắp đến. Rồi Phổ Nghi cầu nguyện và nghĩ đến các người ngủ chung quanh và than một mình, “Đời ta không kéo dài hơn những giọt sương đọng trên cửa sổ trong khi các người ngủ như khúc gỗ.”
Sáng hôm sau, Phổ Nghi được dẫn sang một toa xe lửa khác, trong đó có hai người Trung Hoa đang chờ; một người mặc quân phục, và một người mặc đồ dân sự. Người mặc đồ dân sự nhìn Phổ Nghi từ đầu tới chân rồi nói, “Chúng tôi tới đón ông theo lệnh của Thủ Tướng Chu Ân Lai. Bây giờ ông đã có cơ hội trở về tổ quốc rồi.” Phổ Nghi chờ đợi bị còng tay, nhưng không thấy ai đến còng tay cả, liền nghĩ, “Chắc họ biết ta không trốn thoát được.” Một giờ sau xe lửa vào một nhà ga tại biên giới. Trên sân ga, hai hàng lính đối diện nhau, một bên là lính Trung Cộng và một bên là lính Nga Sô. Phổ Nghi đi giữa hai hàng lính để tới một chiếc xe lửa khác đang đợi gần đấy. Khi bước lên xe lửa, Phổ Nghi thấy tất cả ngững người Trung Hoa bị tù đầy cùng với mình đã có mặt trên xe lửa rồi, và không một ai bị còng hoặc bị trói cả. Phổ Nghi thấy cửa sổ toa dành cho mình bị dán giấy kín mít nên tưởng rằng xe lửa sẽ đưa tới nơi hành quyết.
Lúc nào Phổ Nghi cũng bị ám ảnh bởi cái chết nên không biết rằng Trung Cộng rất cần Phổ Nghi và muốn bắt Phổ Nghi phải trải qua một cuộc cải tạo tẩy não, biến Phổ Nghi thành một người khác. Thực ra cuộc cải tạo cho Phổ Nghi đã bắt đầu ngay trên toa xe lửa này. Phổ Nghi và đồng bọn được lính gác đối xử rất tử tế. Một sĩ quan tới chào mừng họ đã trở về và trấn an họ không có gì phải lo lắng sợ hãi cả. Trên xe lửa có một bác sĩ để săn sóc cho họ khi đau ốm. Buổi sáng đầu tiên họ được ăn một bữa điểm tâm rất đầy đủ, gồm có các loại rau muối chua, trứng muối và cháo. Lính gác thấy họ thích món cháo liền nhường phần của mình cho họ. Phổ Nghi vẫn bi quan cho rằng lính gác biết họ sắp chết rồi nên cho họ được thoả mãn đôi chút trước giờ chết.
Sáng hôm sau xe lửa ngừng lại; Phổ Nghi không biết là đâu, nhưng nghe thấy các binh sĩ nói chuyện thì biết đã tới Trường Châu, thủ đô cũ của Phổ Nghi khi còn làm hoàng đế Mãn Châu. Một lát sau xe lửa lại tiếp tục chạy và vài giờ sau thì tới Thẩm Dương. Một người mặc quần áo dân sự bước lên toa xe, tay cầm một danh sách và gọi tên một số người, trong đó có Phổ Nghi.
Tất cả được đưa lên xe buýt để tới một ngôi nhà lớn ở ngoại ô thành phố, có lính cộng sản canh gác nghiêm mật. Phổ Nghi kinh sợ khi nghe tên cán bộ cộng sản nói, “Các ông sợ hãi gì? Tôi đã chẳng bảo sẽ đưa các ông tới đây để yên nghỉ hay sao?” Trên một phòng trên lầu có đủ loại bánh, trái cây, trà nước cho một buổi tiệc. Phổ Nghi tin rằng đây là bữa ăn cuối cùng, liền cầm lấy một trái táo. Vì cứ bị ám ảnh bởi cái chết sắp đến, Phổ Nghi ăn xong trái táo liền quay lại nói với tên cán bộ, “Nào thôi đi, tôi sẵn sàng rồi!”
Tên cán bộ liền giải thích Phổ Nghi không cần phải vội vàng, vì Phổ Nghi sẽ còn nhiều thì giờ tại Phú Sơn. Đến đó Phổ Nghi mới thở phào nhẹ nhõm. Sau đó cả bọn lại tiếp tục lên xe lửa để tới Phú Sơn. Tới nơi, Phổ Nghi và đồng bọn được viên quản đốc ra chào đón. Viên quản đốc trước kia đã từng phải đứng sắp hàng phất cờ vẫy chào mỗi khi Hoàng Đế Phổ Nghi đi ra ngoài. Trong thâm tâm, viên quản đốc này cũng có đôi chút nể nang Phổ Nghi. Tên quản đốc nhắn nhủ Phổ Nghi và mọi người, “Quý ông tới đây như là những người đi học tập để trở thành những công dân mới, chứ không phải là những tù nhân. Để xứng đáng là công dân tốt của nước tân Trung Hoa, mọi người phải làm việc chăm chỉ và phải cải tạo lại tư tưởng. Đó là lý do tại sao các ông được gửi đến đây.”
Mọi người sau đó phải khai chi tiết mọi thứ trong hành lý mang theo, và được chỉ định phòng ngủ. Thoạt đầu Phổ Nghi được ở chung với Phổ Kiệt và các cháu. Nhưng chỉ một tuần sau, ban quản đốc nhà tù nhận thấy Phổ Nghi không có khả năng lo liệu mọi việc cá nhân cho Phổ Nghi. Viên quản đốc liền thử cho Phổ Nghi ở riêng một phòng trong một tuần lễ xem Phổ Nghi có thể tiến bộ không, nhưng kết quả thực là thảm hại. Mặc dầu đã 45 tuổi rồi, nhưng Phổ Nghi không thể tự mặc quần áo được. Chân tay Phổ Nghi lóng ngóng dường như không thể làm được việc gì; ngay những công việc đơn giản nhất như cài nút áo, hoặc thắt giây giầy cũng ngoài khả năng của Phổ Nghi. Mỗi khi Phổ Nghi xuất hiện trong phòng ăn là một trò cười cho người khác, quần áo xốc xếch, khuy nọ cài vào khuy kia, giày chỉ mang được một chiếc, áo mặc ngược. Về buổi chiều, các tù nhân phải làm vườn, nhưng Phổ Nghi bị cấm không được lai vãng ra ngoài vườn, vì Phổ Nghi có thể nhổ cả những cây hoa thay vì nhổ cỏ.
Viên quản đốc rất thất vọng về khả năng thể chất của Phổ Nghi, nhưng lại rất hài lòng về các tiến bộ của Phổ Nghi trong việc học tập chính trị. Tù nhân được chia làm hai nhóm và học tập các tài liệu chính trị. Họ phải viết lại những bài phản ảnh quan điểm chính trị của họ. Nhóm của Phổ Nghi phải đọc cuốn sách “Tân Dân Chủ.” Thoạt đầu Phổ Nghi không thể viết được gì mà không viết lại những lời trong cuốn sách. Một hôm Phổ Nghi nẩy ra một ý kiến khôn ngoan. Phổ Nghi nhớ lại trước kia đã có lần ví Nhật Hoàng là Mặt Trời, và bây giờ có thể áp dụng với Mao Trạch Đông. Phổ Nghi đã viết được những câu:
“Mao chủ tịch là Mặt Trời chiếu xuống khắp nhân loại. Chừng nào tôi còn sống, tôi sẽ tuân theo Mặt Trời này. Tôi cương quyết sửa đổi tôi thành một người mới.”
Viên quản đốc rất thích mấy câu trên của Phổ Nghi. Bất cứ khi nào có nhân vật cao cấp tới thăm trại tù thì tên quản đốc lại đem bài viết của Phổ Nghi ra khoe.
Mỗi ngày Phổ Nghi có ba mươi phút tập thể dục ngoài sân, ngày ăn ba bữa và được dùng phòng công cộng vào một giờ nhất định mỗi ngày để nghe tin tức, đọc báo chí hoặc nghe nhạc. Sự đối xử của cấp chỉ huy nhà tù với Phổ Nghi cũng khá thân thiện. Họ được tắm nước nóng về mùa đông, không bị cai tù chửi rủa hoặc đánh đập. Người cháu của Phổ Nghi tìm cách hối lộ cai tù một chiếc đồng hồ, nhưng người cai tù không dám lấy.
Người Nhật xây nhà tù Phú Sơn năm 1936 để giam giữ những tù chính trị Mãn Châu. Khi Nhật thua trận và đầu hàng năm 1945, Tưởng Giới Thạch dùng nhà tù này làm trại kỵ binh. Năm 1950 Chu Ân Lai ra lệnh tu bổ nhà tù này để giam giữ các tù nhân Mãn Châu và Nhật Bản; Chu Ân Lai đặc biệt theo dõi trại tù này. Về sau trại tù này là nơi giam giữ các tướng trong quân đội Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch. Năm 1952, các tướng Nhật nổi loạn phản đối tại sao chiến tranh đã chấm dứt lâu rồi mà họ vẫn thường xuyên phải viết những bản tự thú về những tội ác trước đệ nhị thế chiến và trong cuộc Trung-Nhật chiến tranh. Trung Cộng có vẻ e ngại các tướng Quốc Dân Đảng nhất, vì năm 1964, các tướng Nhật được thả ra, năm 1965 các tù chính trị Mãn Châu được trả tự do, trong khi mãi tới năm 1975, gần ba mươi năm sau khi cuộc chiến Quốc-Cộng chấm dứt, các tướng Quốc Dân Đảng mới được bước ra khỏi nhà tù Phú Sơn.
Riêng Phổ Nghi phải mất chín năm để được cải tạo, biến đổi từ hoàng đế thành một công dân trong chế độ cộng sản. Theo lời viên quản đốc nhà tù thì trường hợp của Phổ Nghi mau lẹ như thế là vì chính quyền Trung Cộng đã ra chỉ thị cho y phải cải tạo Phổ Nghi càng mau lẹ bao nhiêu càng tốt bay nhiêu, vì chính quyền Trung Cộng cần đến Phổ Nghi và muốn Phổ Nghi trở thành “một công dân tốt” trước khi quá già. Trung Cộng muốn sử dụng Phổ Nghi như một thí dụ điển hình của sự cải tạo con người cho mục đích ý thức hệ, ngoài ra cũng còn cần uy tín của Phổ Nghi để nắm được dân Mãn Châu đang được Nga Sô mua chuộc.
Viên quản đốc tỏ ra có cảm tình với Phổ Nghi vì cũng là người Mãn Châu, và đã bênh vực Phổ Nghi trước những sự nhạo báng và hành hạ của những cựu viên chức cao cấp trong chính phủ Mãn Châu Quốc. Trong nhà tù Phú Sơn, Phổ Nghi được coi là một con người yếu đuối nhất, cả tinh thần lẫn thể xác vì cuộc đời làm hoàng đế trước kia đã biến Phổ Nghi thành một người lúc nào cũng phải nhờ cậy người khác, dù là những công việc tầm thường hàng ngày, như giặt quần áo, tự lấy đồ ăn... Nếu không có sự che chở đặc biệt của viên quản đốc thì Phổ Nghi khó mà chịu đựng được những sự tấn công của những bầy tôi cũ.
Ngay bên trong phòng giam riêng biệt dành cho gia đình Phổ Nghi, những đầy tớ như Lý Đại, các đứa cháu của Phổ Nghi cũng chống lại một người đã từng gia ơn cho họ lúc còn là hoàng đế. Mấy người ở chung phòng với Phổ Nghi từ chối không giúp đỡ Phổ Nghi đến nỗi cuối cùng Phổ Nghi được chuyển tới một phòng khác ở chung với các người hoàn toàn xa lạ. Lần đầu tiên Phổ Nghi biết thế nào là lao động, khi phải tự vá lấy quần áo, đơm khuy áo, giặt quần áo. Nhưng dù đã cố gắng nhiều, nhưng Phổ Nghi bao giờ cũng lúng túng chậm chạp. Buổi sáng khi Phổ Nghi còn đang vất vả với chiếc bàn chải đánh răng thì các bạn đồng tù đã ăn sáng xong rồi. Phổ Nghi trở thành một trò cười thường xuyên cho tất cả các tù nhân chung quanh. Trước kia những tù nhân này kính sợ Phổ Nghi và không dám nhìn thẳng vào mặt Phổ Nghi. Nỗi khổ tâm nhất của Phổ Nghi là khi phải đi đổ cầu tiêu, vì cho rằng mình đã làm nhục đến cả tổ tiên. Quần áo Phổ Nghi lúc nào cũng tả tơi, không rách thì cũng mất khuy áo.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên đã gây khó khăn cho Phổ Nghi và các tù nhân tại Phú Sơn. Sợ quân Mỹ có thể tràn qua biên giới Triều Tiên và chiếm trại tù, chính quyền Trung Cộng cho di chuyển cả trại tù qua Ha Nhĩ, tại đây điều kiện sinh sống còn tệ hại hơn ở Phú Sơn. Trại tù Ha Nhĩ cũng do người Nhật xây ra, nhưng không có đủ tiện nghi và rất lạnh về mùa đông. Trận chiến Triều Tiên trở thành một đề tài thảo luận nhiều nhất giữa các tù nhân. Họ tin rằng Trung Cộng đang bị Hoa Kỳ đánh bại, và một số tù nhân hy vọng rằng họ sẽ được người Mỹ giải thoát. Trái lại Phổ Nghi rất bi quan vì nghĩ rằng nếu Trung Cộng thua thì Trung Cộng sẽ giết tất cả tù nhân chính trị chứ không để họ lọt vào tay quân địch. Sự bàn luận của tù nhân sôi nổi đến nỗi ban quản đốc nhà tù phải tập họp họ lại và bảo đảm rằng sinh mạng của họ không hề bị nguy hiểm. Tuy thế ban quản đốc cũng nhấn mạnh rằng dù sinh mạng của họ không bị nguy hiểm nhưng họ vẫn chưa được trả tự do, vì nếu họ chưa được cải tạo thành một công dân mới thì họ sẽ phạm phải tội ác nữa.
Khi phải viết những bản tự thú về những tội ác trong quá khứ, Phổ Nghi bao giờ cũng căn cứ vào cuộc làm nhân chứng tại Tòa Án Chiến Tranh Đông Kinh, và lúc nào cũng giữ vững lập trường: từ lúc rời khỏi Cấm Thành, Phổ Nghi chỉ là một nạn nhân bất đắc dĩ của Nhật Bản. Đồng thời lúc nào Phổ Nghi cũng cố gắng làm một tù nhân gương mẫu. Phổ Nghi tình nguyện làm người phục vụ cho mọi người cùng phòng, nhưng không ai đồng ý cho Phổ Nghi lấy đồ ăn cho họ, vì Phổ Nghi quá vụng về và thường làm đổ đồ ăn. Phổ Nghi cố bày tỏ lòng trung thành với tân chế độ. Trong bọc của Phổ Nghi có những ấn tín làm bằng ngọc từ thời vua Càn Long. Một hôm khi có một cán bộ cao cấp viếng thăm trại tù, Phổ Nghi trịnh trọng dâng những ấn tín quý báu đó cho tên cán bộ cao cấp, nhưng Phổ Nghi kinh ngạc khi thấy tên cán bộ từ chối không nhận.
Theo các tiếng lóng của nhà tù Trung Cộng thì có hai loại tù nhân cải tạo, một loại gọi là “tù nhân thuốc đánh răng” và loại thứ hai được gọi là “tù nhân vòi nước.” Phổ Nghi thuộc loại tù nhân “thuốc đánh răng,” nghĩa là phải đi từng giai đọan như người ta nặn ống thuốc đánh răng từ từ. Trái lại những người vốn thuộc thành phần bần cố nông, như Lý Đại chỉ cần một vài tháng là trở thành một con người mới. Lý Đại nhận thức rằng khi hắn làm đầy tớ cho Phổ Nghi, tức là hắn đã phục vụ cho một địa chủ lớn nhất Trung Hoa; hơn nữa hắn còn nhận thức rằng hắn chẳng có tội gì; hắn bị bắt chỉ vì hắn không may là đầy tớ của Phổ Nghi. Lý Đại bắt đầu căm thù và từ chối không chịu vá đôi vớ cho Phổ Nghi. Phổ Nghi rất e ngại sự chống đối của Lý Đại vì Lý Đại biết rõ mọi hành động của Phổ Nghi từ ngày còn ở Thiên Tân. Nếu Lý Đại cho cán bộ trại tù biết tất cả thì những bản tự thú của Phổ Nghi sẽ trở thành những lời nói gian dối. Các cháu của Phổ Nghi cũng đem lòng oán hận Phổ Nghi. Phổ Nghi vẫn còn giấu một số ngọc quý trong chiếc máy ảnh. Sợ các cháu bội phản tố cáo, Phổ Nghi quyết định nộp tất cả số tài sản đó cho trại tù.
Thực ra nhân viên trại tù đã biết tất cả những sự giấu diếm của Phổ Nghi ngay từ ngày Phổ Nghi bước vào trại tù, nhưng họ đợi chờ cho đến khi Phổ Nghi tự ý dâng nộp. Quản đốc trại tù nhận các báu vật và trao cho Phổ Nghi một tờ giấy biên nhận 468 viên ngọc quý. Hành động của Phổ Nghi được coi là “thành khẩn hối hận” và được các bạn đồng tù khen ngợi, và bắt đầu gọi Phổ Nghi là “Lão Phổ,” một cách gọi thân thiện hơn. Sự trả lại các viên ngọc quý cho “nhân dân” của Phổ Nghi là bước đầu cho sự cải tạo. Phổ Nghi bây giờ nhận thức rằng các bản tự thú gian dối trước kia của mình không ăn khớp với nhau, và hành động gian dối này chỉ kéo dài thời gian cải tạo cho tới lúc mọi hành động quá khứ được khai hết.
Phổ Nghi nói với tên quản đốc, “Tôi phải thành khẩn thú tội của tôi với nhân dân. Tôi không thể nào đền được tội lỗi của tôi, dù tôi phải chết mười ngàn lần.” Phổ Nghi bắt đầu viết tất cả những gì nhớ được từ những ngày còn ở Thiên Tân và những hoàn cảnh đưa tới việc trở về Mãn Châu. Đọc những bản tự thú của Phổ Nghi, người ta nhận thấy suốt đời lúc nào Phổ Nghi cũng bị ám ảnh bởi sự sợ hãi và tội lỗi. Kể từ đó, Phổ Nghi mang tâm trạng tự trách mình cho tới lúc chết, và lúc nào cũng mang ơn sự khoan hồng của chính thể cộng sản. Phải chăng đó chính là kết quả của chính sách cải tạo của Trung Cộng?
Phổ Nghi đã hiểu được hệ thống cải tạo của Trung Cộng và nhờ đó đã mau lẹ trở về đời sống của một công dân tự do. Nhiều tù chính trị khác trong chính phủ Mãn Châu Quốc đã mắc phải một lỗi lầm nghiêm trọng khi tố cáo Phổ Nghi về đủ mọi tội ác. Các viên chức trại tù cho rằng đây là một hành động man trá, cố tình chuyển tội của mình sang người khác để làm nhẹ tội của mình. Hành động của họ không giúp cho họ sớm ra khỏi nhà tù như họ tưởng. Trường hợp Lý Đại thì khác hẳn. Lý Đại đã cung cấp cho chính quyền mọi chi tiết về tất cả hành tung của Phổ Nghi từ năm 1924 cho tới năm 1945, nhưng Lý Đại không hề tỏ lòng bất mãn cá nhân với Phổ Nghi. Năm 1956, Lý Đại và vài người cháu của Phổ Nghi được trả tự do.
Năm 1954, các tù nhân được chuyển trở về trại tù Phú Sơn. Tháng Ba năm đó một nhóm tướng lãnh cao cấp Trung Cộng, trong đó có thống chế Chu Đức, tới trại thăm Phổ Nghi và Phổ Kiệt. Các tướng cộng sản khuyên anh em Phổ Nghi phải tiếp tục việc học tập để sớm trở thành công dân mới. Lời khuyên của các tướng lãnh cao cấp này tạo ra cho các tù nhân một niềm hy vọng rằng cuối cùng họ sẽ có cơ hội được ra khỏi nhà tù, vì tù nhân số một là Phổ Nghi mà còn được hứa trả tự do.
Trong trại tù, Phổ Nghi lúc nào cũng bị chỉ trích bởi các bạn đồng tù, quần áo không bao giờ gọn ghẽ, không bao giờ nhớ khóa vòi nước sau khi dùng xong. Các tù nhân khác vừa khinh bỉ vừa bực mình trước sự vụng về của Phổ Nghi. Chính quyền tổ chức những cuộc du ngoạn tới những nơi các tù nhân đã phạm tội ác. Mặc quần áo kiểu Mao Trạch Đông, Phổ Nghi gặp lại vợ con các nạn nhân của các vụ chết đói hoặc các vụ hành quyết. Những người đàn bà nhà quê có lẽ đã được lệnh trước của chính quyền nên đều tỏ vẻ tha thứ cho Phổ Nghi hoặc các tù nhân khác. Họ thường nói, “Chuyện đó đã qua rồi không nên nhắc đến nữa.” Những lời tha thứ của dân chúng cũng nằm trong đường lối cải tạo của Trung Cộng, nhằm khiến các tù nhân xúc động đến cùng cực sau khi đã bị hành hạ tâm trí trong một thời gian lâu dài. Các tù nhân cảm thấy được hưởng lượng khoan hồng của cả chế độ và quần chúng.
Một hôm Lý Ngọc Cầm đến thăm Phổ Nghi và đây là một sự bất ngờ cảm động cho Phổ Nghi. Ngọc Cầm đem biếu Phổ Nghi một đôi giày và một cây viết. Lúc đó Ngọc Cầm đang có chửa với một người đàn ông khác, nhưng viên quản đốc nhà tù dặn Ngọc Cầm không được cho Phổ Nghi biết. Người đàn ông làm Ngọc Cầm có chửa bị gửi đi một trại lao động tập thể vì tội “tư tình với một người đàn bà đã có chồng.” Đứa con của Ngọc Cầm khi sinh ra được một cặp vợ chồng không có con nhận làm con nuôi. Lý Ngọc Cầm trở lại thăm Phổ Nghi hai lần nữa trong các năm 1957 và 1958. Một lần Ngọc Cầm ngủ lại cùng phòng với Phổ Nghi trong hai đêm liền. Ngọc Cầm thoạt đầu làm việc tại một xưởng làm len, về sau được chuyển đến làm việc trong một thư viện. Lần cuối cùng đến thăm trại tù, Ngọc Cầm hỏi viên quản đốc về số vàng ngọc của Phổ Nghi và với tư cách là vợ chính thức của Phổ Nghi, Ngọc Cầm sẽ được chia bao nhiêu. Viên quản đốc cho biết Phổ Nghi đã giác ngộ và trả hết số vàng ngọc ấy cho nhân dân rồi. Ngọc Cầm vẫn hy vọng được hưởng tài sản khổng lồ của Phổ Nghi. Nhưng Phổ Nghi bây giờ đã tay trắng nên rất căm hận và thất vọng. Ngọc Cầm lập tức xin ly dị với Phổ Nghi để lấy chồng khác. Tội nghiệp ông vua cuối cùng của Trung Hoa bị vợ ly dị tới hai lần!
Trong cuốn tự thuật, Phổ Nghi không nhắc nhở gì đến Ngọc Cầm. Trái lại Phổ Nghi chỉ viết về một cuộc viếng thăm của người chú là Thái Đạo. Ngày 10 tháng 3 năm 1956, hai anh em Phổ Nghi được gọi lên phòng quản đốc để gặp Thái Đạo và hai người em gái của Phổ Nghi. Không những thế, Phổ Nghi được viết thư thăm mọi người trong gia tộc. Phổ Nghi rất vui mừng khi mọi người trong gia đình được bình yên, trừ cái chết của Đoan Dung hoàng hậu và của thân phụ là Thuần Thân Vương năm 1951.
Thuần Thân Vương, phụ thân của Phổ Nghi, được bình yên trong thời Nhật chiếm đóng và trong trận chiến Quốc-Cộng sau đó. Ông và người con trai mở một trường học. Khi cộng sản chiếm Bắc Kinh, trường bị đóng cửa và cả hai cha con trở thành giáo viên cho chính phủ, nhưng không đủ sống. Một vài tháng sau, Thuần Thân Vương phải bán dinh thự cho tân chế độ và nhờ thế có đủ tiền sống cho cả gia đình. Người chú của Phổ Nghi là Thái Đạo không liên hệ gì với các chế độ cũ nên trở thành một dân biểu đại diện cho người Mãn Châu. Chính Mao Trạch Đông đã gợi ý và cho phép Thái Đạo được tới nhà tù Phú Sơn thăm Phổ Nghi. Các em gái của Phổ Nghi trước kia sống một cuộc đời nhàn hạ lúc nào cũng có người hầu hạ, nay cũng hoàn toàn thay đổi cho thích hợp với tân chế độ, người làm cô giáo, người làm trong xưởng thợ. Không một người nào trong gia đình bị trừng phạt vì liên hệ với Phổ Nghi. Phổ Nghi rất đỗi biết ơn tân chế độ và cho rằng chế độ đã thành công đem lại hạnh phúc cho dân chúng. Tuy nhiên Phổ Nghi không biết đến những tai họa do kế hoạch kinh tế “Bước Tiến Nhẩy Vọt” của Mao đã gây ra những hậu quả đen tối cho đời sống dân chúng, và nền kỹ nghệ của Trung Cộng phải thụt lùi hàng chục năm.
Phổ Nghi là một tù nhân nổi tiếng và đã được nhiều cơ quan thông tin tới phỏng vấn. Bắt đầu từ năm 1956, mỗi năm Phổ Nghi chấp nhận khoảng từ 10 tới 20 cuộc phỏng vấn. Giây phút đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời tù đầy của Phổ Nghi là năm 1959, khi Phổ Nghi đóng một vai trong một vở kịch chống lại việc Anh Quốc đánh chiếm kinh đào Suez của Ai Cập. Phổ Nghi đóng vai phe đối lập chất vấn bộ trưởng ngoại giao Anh Quốc. Trong lúc hai diễn viên tranh luận, Phổ Nghi quên mất phần đối thoại của mình nên quýnh quáng quát to với diễn viên đóng vai ngoại trưởng, “Cút ngay ra khỏi Quốc Hội! Cút mau!” Cơn thịnh nộ của Phổ Nghi chỉ vì không thuộc tuồng được khán giả nồng nhiệt vỗ tay khen ngợi.
Tháng 7 năm 1955, Phổ Nghi được làm nhân chứng trong một phiên xử một số người Nhật. Phổ Nghi biết rõ những gì người Nhật làm. Khác hẳn với lần làm nhân chứng tại Tòa Án Chiến Tranh Đông Kinh lúc nào cũng phải lo đối phó với một công tố viện đầy thù nghịch, Phổ Nghi lần này đứng sang sảng buộc tội người Nhật vào những tội mà họ không thể chối cãi được. Vả lại không bị can nào có quyền bào chữa cãi lại trong một phiên tòa cộng sản, nhưng lòng nhiệt thành buộc tội của Phổ Nghi đã khiến tất cả bốn mươi lăm phạm nhân người Nhật bị những án tù rất nặng. Phổ Nghi trở về trại tù như một vị anh hùng, và được viên quản đốc nồng nhiệt bắt tay khen ngợi.
Ngày 14 tháng 9 năm 1959, Trung Cộng sửa soạn kỷ niệm mười năm chiến thắng và thành lập chế độ Cộng Hòa Nhân Dân. Mao tuyên bố: “Đây là cơ hội thuận tiện ban Đại Xá cho một số phạm nhân chiến tranh và phản động nếu họ tỏ ra đã sám hối cải tạo.” Mao cho rằng chính sách cải tạo bằng lao động và học hỏi ý thức hệ đã tỏ ra thành công. Ba ngày sau, Lưu Thiếu Kỳ, người thừa kế của Mao ban lệnh ân xá. Tại Phú Sơn, Phổ Nghi và các tù nhân khác cực kỳ hứng khởi hy vọng, và tất cả hô to khẩu hiệu “Vạn Tuế Chế Độ Cộng Hòa Nhân Dân!” Phổ Nghi kể lại lúc đó tiếng hô lớn như mười ngàn ngòi pháo nổ cùng một lúc.
Không phải ngẫu nhiên Mao Trạch Đông ban lệnh Đại Xá này. Ngay từ năm 1957, tình thân hữu giữa Nga Sô và Trung Cộng đã bắt đầu rạn nứt. Không những Nga Sô và Trung Cộng có những khác biệt về ý thức hệ, mà cả hai đều nhằm quyền lợi tại vùng Đông Bắc, gồm có Mãn Châu và Mông Cổ. Đã đến lúc Mao cần đến lá bài Phổ Nghi như người Nhật đã dùng Phổ Nghi vào giữa thập niên 1930 để nắm các nhóm dân thiểu số tại miền Bắc Trung Hoa. Chính Mao Trạch Đông đã sai người chú của Phổ Nghi là Thái Đạo tới thăm Phổ Nghi. Sau lần viếng thăm của Thái Đạo, đời sống của Phổ Nghi trong Trung Tâm Kiểm Soát Tư Tưởng tại Phú Sơn được cải tiến rất nhiều, mặc dầu tên quản đốc trung tâm vẫn phê bình Phổ Nghi chưa thành khẩn hối cải.
Nhưng các tù nhân phải chờ đợi hai tháng nữa sau khi lệnh Đại Xá được công bố. Rồi một buổi tối tên phó quản đốc trại tù đến thăm Phổ Nghi và hỏi, “Ông sẽ nghĩ thế nào nếu tên ông có trong sách được ân xá?” Phổ Nghi cười sung sướng trả lời, “Tôi không dám mơ được như vậy.”
Ngay sáng ngày hôm sau, các tù nhân được tập trung vào hội trường. Trên bức tường là một hàng chữ lớn: “Trại Tù Phú Sơn – Đại Ân Xá.” Phổ Nghi run rẩy hồi hộp. Sau một vài lời mở đầu của Quản Đốc Trung Tâm Kiểm Soát Tư Tưởng, một đại diện của Tối Cao Pháp Viện Nhân dân đứng lên đọc bản tuyên cáo dưới đây:
“Tuyên Cáo về một Đại Ân Xá của Tối Cao Pháp Viện Nhân Dân Trung Quốc.
Để phù hợp với Lệnh Đại Xá của Chủ Tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc ban hành ngày 17 tháng 9 năm 1959, bản tòa đã điều tra trường hợp của phạm nhân chiến tranh Mãn Châu Aisin-Gioro Phổ Nghi.
Phạm nhân chiến tranh Aisin-Gioro Phổ Nghi, phái nam, 54 tuổi, quốc tịch Mãn Châu, sinh quán tại Bắc Kinh, đã bị giam giữ gần mười năm.
Vì kết quả cải tạo bằng lao động và học tập chính trị trong thời gian bị giam giữ, đương sự đã tỏ ra thành khẩn cải tạo. Theo đúng tinh thần của Điều I của Lệnh Đại Xá, đương sự được phóng thích.
Tối Cao Pháp Viện
Nhân Dân Trung Quốc
Ngày 4 tháng 12 năm 1959
Phổ Nghi quỵ xuống khóc vì sung sướng.
Ngày đêm ấy, đài phát thanh Bắc Kinh loan báo cựu Thiên Tử sẽ được trở về Bắc Kinh. Tin Phổ Nghi được phóng thích trở thành tin lớn trên trang nhất của báo chí tại Đông Kinh, Luân Đôn, Ai Cập, Hương Cảng và Nữu Ước. Cùng được thả với Phổ Nghi còn có một số tướng lãnh và bộ trưởng trong chính phủ Mãn Châu cũ.
Tại Bắc Kinh, hãng thông tấn Tân Hoa Xã loan tin những phạm nhân chiến tranh này được trả tự do là vì họ đã thống hối, nhìn nhận tội ác của họ và chứng tỏ họ sẵn sàng mở một trang mới của đời họ. Bản tin còn viết thêm rằng tất cả đều hứa sẽ tiếp tục tự cải tạo hơn nữa để xây đựng một nước Trung Hoa mới. Các cựu tù nhân này còn bày tỏ lòng biết ơn vô cùng của họ đối với quốc gia.
Phổ Nghi được tặng một bộ y phục mới và một tấm vé xe lửa về Bắc Kinh. Như một đại sứ rời nhiệm sở, Phổ Nghi từ giã tất cả mọi người còn lại trong trại tù. Trước khi ra đi, Phổ Nghi được viên quản đốc tặng một kỷ vật: đó là chiếc đồng hồ của Pháp bằng vàng mà Phổ Nghi đã mua năm 1924 trên đường đi xin ty nạn chính trị tại tòa đại sứ Nhật.
Phổ Nghi lên đường đi Thẩm Dương để thăm lại lăng tẩm của Long Hổ Tướng Quân, vị vua khai sáng nhà Thanh, rồi lên xe lửa đi Bắc Kinh, một khoảng cách chừng 500 dặm. Định mệnh đã khiến Phổ Nghi phải rời Bắc Kinh năm 1924 và trở về Bắc Kinh năm 1959 trong một hoàn cảnh bất lợi thù nghịch. Khi xe lửa băng qua Sơn Hải Quan tại mỏm cực Đông của Vạn Lý Trường Thành, Phổ Nghi không thể không nhớ lại chính tại đây năm 1644, tổ tiên hùng mạnh của Phổ Nghi đã tràn vào Trung nguyên và thiết lập một triều đại kéo dài gần ba thế kỷ, và Phổ Nghi chính là hoàng đế cuối cùng của triều đại ấy. Sau đó xe lửa tiến về hướng Tây trên những đường rầy do chính Lão Phật Bà, tức Từ Hi Thái Hậu, ra lệnh xây cất năm 1897. Ở đâu Phổ Nghi cũng trông thấy di tích và công nghiệp của tổ tiên để lại.
Ngày 9 tháng 12, khi ngó qua cửa kính xe lửa lúc gần tới Bắc Kinh, Phổ Nghi trông thấy cảnh cũ quen thuộc, lòng tràn đầy những hoài niệm xót xa. Khi bước xuống sân ga, Phổ Nghi trông thấy những lớp mái mầu vàng của Cấm Thành cũ đang tươi rực lên trong ánh nắng ở đàng xa.
Trước kia, khi từ giã Cấm Thành ra đi, Phổ Nghi đã tự hứa với chính mình và tổ tiên rằng sẽ nhất định có ngày trở lại Bắc Kinh. Phổ Nghi phải trở lại cái thành phố nơi Phố Nghi đã chào đời, cái thành phố đã chứng kiến vinh quang cũng như bất hạnh của Phổ Nghi. Phổ Nghi đã trở về đúng như lời thề, nhưng nỗi khổ tâm đau lòng của Phổ Nghi là trở về với tư cách không giống như lòng mong đợi, khác hẳn khí thế của Phổ Nghi khi ra đi 34 năm về trước. Vị hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa nay chỉ là một tù nhân mới được phóng thích, sau những năm dài tủi nhục trong lao tù của cộng sản.