Những người cùng bị giữ trong khách sạn này với Phổ Nghi lúc đầu chỉ gồm có vài người trong gia đình Phổ Nghi. Nhưng ít lâu sau người Nga chuyển tới khách sạn này cả Trương Thanh Hải và các bộ trưởng cùng tướng lãnh và nhân viên cao cấp trong chính phủ Mãn Châu cũ. Thoạt đầu người Nga cũng không biết phải đối xử với Phổ Nghi như thế nào, nên cứ để cả nhóm nhởn nhơ tháng ngày trong khách sạn sang trọng, với đầy đủ tiện nghi vật chất và thực phẩm đắt tiền. Tất cả nhóm này được tự ý muốn làm gì thì làm trong phạm vi khách sạn, ngay hành lý của họ cũng không hề bị lục soát. Riêng Phổ Nghi chỉ bị một viên đại tá tình báo Nga thẩm vấn vài lần, nhưng cũng không đi sâu lắm vào chi tiết.
Cuộc sống của Phổ Nghi và các viên chức Mãn Châu rất thoải mái đầy đủ. Mỗi ngày họ được dùng ba bữa ăn thịnh soạn, một bữa uống trà vào buổi xế trưa, còn rượu Vodka thì được uống vô giới hạn. Mỗi buổi sáng, hai nữ y tá xinh đẹp tới thăm hỏi Phổ Nghi xem có được dễ chịu không, và có cần dùng gì về thuốc men không. Khi một người trong bọn lâm bịnh, lập tức có bác sĩ tới săn sóc chữa bệnh. Về giải trí họ được đọc sách báo; mỗi tuần lễ Phổ Nghi được coi hai cuốn phim. Nếu Phổ Nghi muốn đi dạo bên bờ hồ thì có người sẵn sàng đi hầu hướng dẫn. Chưa bao giờ Phổ Nghi được sống thoải mái như thế, nên Phổ Nghi gửi văn thư lên chính quyền Nga Sô xin được ở lại Tây Bá Lợi Á vĩnh viễn. Nhưng các tùy tùng của Phổ Nghi và bọn Trương Thanh Hải vô cùng sợ hãi nếu phải ở lại Tây Bá Lợi Á suốt đời. Họ còn có gia đình vợ con tại Mãn Châu. Họ năn nỉ Phổ Nghi xin cho họ được trở về vùng Đông Bắc Trung Hoa.
Việc làm hàng ngày của Phổ Nghi là cầu nguyện đọc kinh Phật. Phổ Nghi vẫn đòi hỏi mọi người phải coi mình như một vị hoàng đế, và các đầy tớ của Phổ Nghi vẫn bị Phổ Nghi trừng phạt như cũ; bây giờ Phổ Nghi không dám dùng roi đánh họ nữa, mà chỉ tát vào mặt họ thôi. Mọi người không còn được phép gọi Phổ Nghi là “Hoàng Thượng” hoặc “Bệ Hạ” nữa, mà chỉ gọi là “Bề Trên” thôi. Không những Phổ Nghi không làm gì cho những người chung quanh, mà nếu có người nào trong gia đình Phổ Nghi làm giúp điều gì, chẳng hạn như trải bàn ăn cho người khác, Phổ Nghi cũng ngăn cấm người đó ngay. Hàng ngày Phổ Nghi vẫn được nghe tin tức quốc tế, nhưng không được rõ ràng lắm, chỉ biết rằng quân đội Quốc Dân Đảng của tưởng Giới Thạch đã giao chiến với quân đội cộng sản của Mao Trạch Đông rồi. Mãi năm năm sau Phổ Nghi mới biết về cái chết của Uyển Dung hoàng hậu.
Hai tháng sau, Phổ Nghi được phi cơ Nga chở sang Đông Kinh để ra trình diện trước Tòa Án Quân Sự Quốc tế. Tòa án đặc biệt này xét xử các phạm nhân chiến tranh Á Châu và kéo dài suốt hai năm rưỡi. Trong số hai mươi tám tội nhân bị buộc tội “phạm tội ác đối với nhân loại” thì tám người bị xử giảo, trong đó có các đại tá một thời làm mưa làm gió tại Mãn Châu là Doihara và Itagaki. Ngoài ra các nhân vật quan trọng của Nhật bị treo cổ còn có thủ tướng Đông Điều, các Tướng Matsui, Yamashita. Tất cả những phạm nhân quan trọng đều có liên hệ với Phổ Nghi và người ta muốn dùng Phổ Nghi, trước hết như một nhân chứng và sau đó có thể Phổ Nghi trở thành bị cáo, nếu Phể Nghi trả lời thiếu khéo léo để lộ tội phạm của mình.
Chính tại tòa án này người ta phải công nhận Phổ Nghi rất khôn ngoan, có tài hùng biện và tránh né được tất cả những lời buộc tội rất sắc bén của các luật sư danh tiếng quốc tế. Trong thời gian ở Nhật, Phổ Nghi chính thức thuộc quyền sử dụng của Tướng MacArthur, tư lệnh Đồng Minh tại Nhật, mặc dù trước đó đại diện của Nga Sô chỉ chấp thuận cho Phổ Nghi tới Đông Kinh với điều kiện Phổ Nghi phải trở về Nga Sô sau cuộc điều trần tại tòa án.
Lúc đó Stalin dùng áp lực đòi đem Nhật Hoàng Hirohito ra xử như một phạm nhân chiến tranh. Mục đích của Stalin trước hết là tạo khó khăn cho Mỹ, và sau đó là tạo ra sự bất ổn chính trị tại Nhật để cho cộng sản Nhật có thể khai thác được hoàn cảnh hỗn loạn ấy. Người Anh cũng cho rằng Hirohito phải chịu trách nhiệm về các tội ác của quân Nhật tại Á Châu. Nhưng Tướng MacArthur cương quyết chống lại các yêu sách của Anh và Nga, vì ông hiểu rằng chỉ có Nhật Hoàng mới đủ tư cách làm ổn định tình thế của nước Nhật sau chiến tranh. MacArthur dùng tất cả quyền hạn của mình để bênh vực Nhật Hoàng vì quyền lợi của Mỹ. Một nước Nhật không có Nhật Hoàng sẽ trở thành hỗn loạn và việc chiếm đóng của quân đội Mỹ sẽ rất khó khăn.
Chính vì thế MacArthur không vui gì khi Phổ Nghi được đưa ra trước Tòa Án Quốc Tế, vì địa vị của Nhật Hoàng cũng tương tự như địa vị của Phổ Nghi, và ông rất sợ Hirohito cũng sẽ phải ra trước tòa làm nhân chứng như Phổ Nghi. Khi Phổ Nghi bước vào tòa án thì cả thế giới quay về phía vị hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa năm đó vừa đúng bốn mươi tuổi. Phổ Nghi đứng trước tòa án, người cao lớn, hơi mập ra vì những tháng sống sung sướng tại vùng nghỉ mát Khaborovsk. Đối diện với Phổ Nghi là vài chục bị cáo người Nhật, có cả Itagaki, Doihara, những người từng áp đảo tinh thần Phổ Nghi tại Mãn Châu trước kia.
Trong suốt mười một ngày kế tiếp, Phổ Nghi trở thành trung tâm của thế giới. Phổ Nghi đã tỏ ra là một diễn viên có tài, khiến cả tòa lúc thì ngỡ ngàng lúc thì tức giận trước những câu trả lời rất khôn ngoan tránh né, những lời nói dối hiển nhiên nhưng không ai tìm được chứng cớ để phản bác lại. Trong cái chỗ ngồi làm nhân chứng đó, Phổ Nghi trôi nổi lúc thì như một con bướm hiền lành, nhởn nhơ tránh né các lời buộc tội, các bẫy gài sẵn của các tay công tố viện lão luyện, khi thì như một con ong đốt lại địch thủ những phát chí tử.
Phổ Nghi rất giỏi tiếng Anh, nhưng cho biết không hiểu những câu hỏi bằng tiếng Anh và bắt phải thông dịch lại sang tiếng Trung Hoa. Trong khi đó Phổ Nghi đã hiểu rõ câu hỏi rồi và lợi dụng lúc người thông dịch nói tiếng Trung Hoa để sắp đặt câu trả lời. Phổ Nghi một mực xác nhận mình vô tội, bị người Nhật bắt cóc sang Mãn Châu và phải làm bù nhìn cho Nhật Bản nếu không sẽ bị người Nhật giết. Khi công tố viện hỏi tại sao Phổ Nghi không từ chối lệnh của người Nhật thì Phổ Nghi lớn tiếng hỏi, “Lúc đó các quốc gia dân chủ không hề chống lại quân Nhật thì một mình tôi làm sao có thể từ chối lệnh của họ hoặc chống lại họ được?” Phổ Nghi lập đi lập lại trong thời gian từ năm 1931 cho đến lúc đứng trước tòa, Phổ Nghi không phải là một người tự do có thể tự ý hành động.
Khi công tố viện nhắc lại lời tuyên bố của Phổ Nghi nói với Nhật Hoàng Hirohito, “Hạ thần lấy làm vinh hạnh được là mặt trăng đối với mặt trời Mikado,” thì Phổ Nghi làm một bộ mặt rất ngơ ngác của một người vô tội và nhìn quan tòa và hỏi tại sao người ta có thể tin được một lời nói như thế. Rồi Phổ Nghi thổn thức bộc lộ nỗi khổ tâm của một Phật Tử sùng đạo hàng ngày ngồi xếp chân tĩnh tọa để thiền, mà bị bắt buộc phải theo đạo Shinto của người Nhật thờ Thái Đương Thần Nữ. Khi bị hỏi Phổ Nghi tự ý hợp tác với người Nhật vì ý muốn tái lập nhà Đại Thanh thì Phổ Nghi phủ nhận ngay. Công tố viện liền trưng bằng cớ trong cuốn “Hoàng Hôn Trong Cấm Thành” của Sir Johnston, trong đó Phổ Nghi thổ lộ ước muốn tái lập ngai vàng bằng mọi phương tiện. Phổ Nghi liền chỉ trích Johnston đã xuyên tạc với dụng ý thương mại để cho cuốn sách bán chạy.
Đôi khi Phổ Nghi lấn át cả tòa án khi lớn tiếng, “Tôi chưa trả lời xong câu hỏi trước của ngài,” mỗi khi bị toà án chặn lại khi Phổ Nghi trả lời dài dòng đi ra ngoài đề. Lúc thì Phổ Nghi gay gắt nói, “Ngài không cần phải hỏi tôi câu ấy,” hoặc “Tôi nghĩ chúng ta không nên phí thời giờ về vấn đề này.” Khi một luật sư đưa ra một lá thư do chính Phổ Nghi viết năm 1931 bày tỏ ước muốn được người Nhật bảo trợ để tái lập ngai vàng. Vị luật sư hỏi, “Có phải lá thư này do chính ông viết hoặc do lệnh của ông và có đóng dấu của Tuyên Thống Hoàng Đế không?” Phổ Nghi nhìn lá thư và bất thình lình vùng đứng lên. Cả tòa giật mình và các binh sĩ canh gác người Nga vội sửa soạn tiến vào giữ Phổ Nghi; quan tòa Sir William Webb phải ra lệnh cho Phổ Nghi ngồi xuống. Nhưng Phổ Nghi giận dữ hét to vào mặt viên luật sư, “Đây là một sự giả mạo. Phải trừng phạt kẻ nào đưa ra tài liệu giả mạo này.”
Rồi Phổ Nghi nói tiếp với luật sư buộc tội, “Tôi không trách ông đâu vì ông là luật sư buộc tội. Dĩ nhiên ông muốn tôi bóp méo sự thực... Nhưng sự thực là sự thực.” Phổ Nghi tránh né không bao giờ trả lời những câu hỏi bằng một tiếng “Đúng” hay “Sai.” Một nhà ngữ học Mỹ là thiếu tá Moore phản đối sự kiện này với quan tòa Sir William Webb và nói tiếp, “Theo kinh nghiệm của tôi với người Á Đông thì người Á Đông thường lươn lẹo tránh né vấn đề chính.”
Lời nói của thiếu tá Moore gây phẫn nộ trong tòa, đặc biệt là các thẩm phán người Á Châu. Cuối cùng quan tòa bắt thiếu tá Moore phải xin lỗi và tòa bỗng có cảm tình với Phổ Nghi. Sir William Webb luôn nhắc nhở công tố viện là tòa án không xử nhân chứng và Phổ Nghi chỉ là nhân chứng thôi. Ngày 27 tháng 8, sau mười một ngày Phổ Nghi đứng trước tòa, Sir William Webb, một Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Úc nổi tiếng là một quan tòa nghiêm khắc, quyết định chấm dứt cuộc thẩm vấn Phổ Nghi. Công tố viện yêu cầu giữ Phổ Nghi tại Đông Kinh để có thể thẩm vấn nữa khi cần, nhưng Sir William Webb cho rằng không cần thiết phải giữ lại Phổ Nghi, và trao trả Phổ Nghi cho người Nga. Cả tòa án và Tướng MacArthur thở dài nhẹ nhõm khi Phổ Nghi chấm dứt vai trò nhân chứng và trở về Nga Sô.
Bằng tài nói dối và đóng kịch tuyệt luân, Phổ Nghi đã không bị Tòa Án Quốc Tế Đông Kinh buộc tội. Nhưng tâm trạng của Phổ Nghi cũng không vui sướng gì. Mấy câu viết sau đây của Phổ Nghi đã tỏ rõ tâm trạng chán nản của vị hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa:
“Bây giờ ta đã thất bại và tất cả giấc mộng của ta không thực hiện được, ta thực vô cùng hối tiếc.
“Trong hơn mười năm qua những nỗi đau khổ ta phải trải qua và sự áp bức ta phải chịu đựng thực là quá sức của một người thường.
“Đối với ta chữ “Tự Do” đã mất hết ý nghĩa.
“Bây giờ ta chỉ còn biết than khóc mà thôi!”
Khi trở về Khabarovsk, một viên chức Mãn Châu cho Phổ Nghi biết một phái bộ Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch đã tới Mạc Tư Khoa để yêu cầu Nga Sô trao trả Phổ Nghi cho Trung Hoa. Phổ Nghi rất dỗi kinh hoàng, vì nếu lọt vào tay Tưởng Giới Thạch thì không thể nào tránh khỏi bị xử tử vì tội phản quốc. Tuy nhiên Nga Sô không bao giờ trao một món hàng quý giá như Phổ Nghi cho chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, vì lúc đó chính phủ này đã có vẻ lung lay lắm rồi. Nga Sô tin tưởng Mao sẽ chiến thắng tại Trung Hoa và lúc đó sẽ giao Phổ Nghi cho phe Trung Cộng.
Không phải mọi người trong đoàn tùy tùng của Phổ Nghi đều được hưởng sự biệt đãi như Phổ Nghi. Một số bị làm lao công cực khổ, như trường hợp của anh ruột của Uyển Dung hoàng hậu là Lý Đại và các cháu của Phổ Nghi. Họ phải làm lao công tại các xưởng thợ, nông trường tập thể, người may mắn nhất thì được làm bồi khách sạn. Khi đã phải làm lao công thì họ đều bị đối xử tàn tệ theo chế độ lao công cưỡng bách, phải làm nhiều giờ trong các điều kiện kham khổ về thực phẩm, quần áo và chỗ ở; không những thế họ còn bị trừng phạt nếu không làm đúng mức. Những người không may mắn này bắt đầu hồi tưởng lại những biến cố quá khứ đã dẫn họ tới sự cực nhục ngày nay, và họ thấy rằng chính sự liên hệ với Phổ Nghi vì gia tộc hoặc việc làm đã làm khổ họ. Họ bắt đầu oán trách Phổ Nghi. Tuy vậy tất cả đều sống sót được cảnh lưu đầy tăm tối này.
Những người thiếu may mắn lại càng căm phẫn trước những tiện nghi mà Phổ Nghi và một số viên chức Mãn Châu đang được hưởng. Nơi Phổ Nghi ở được gọi là Trung Tâm 45, gồm có các người hầu là người Nhật và Mãn Châu phụ trách chăm lo thỏa mãn các nhu cầu của Phổ Nghi và đoàn tùy tùng. Mặc dù bị giam giữ, nhưng Phổ Nghi không phải làm những việc thường nhật, ngay việc làm giường Phổ Nghi cũng không phải bận tay. Bố vợ của Phổ Nghi được giao trách nhiệm cai quản những người hầu này, và chính ông thay thế Lý Đại trong việc săn sóc quần áo và các tài sản của Phổ Nghi đem theo. Công việc hàng ngày của Phổ Nghi là tụng kinh và chơi mà chược. Người Nga không coi Phổ Nghi như một người tù, mà chỉ là một người “bị tạm giam” để chờ ngày trao trả cho Mao Trạch Đông, một khi Mao Trạch Đông hoàn thành cuộc chiến thắng cuối cùng tại Trung Hoa.
Sau khi từ Toà Án Chiến Tranh Đông Kinh trở về Nga Sô, Phổ Nghi thổ lộ có mặc cảm tội lỗi, không những về các việc làm quá khứ, mà còn là sự nói dối xúc phạm đến một người mà Phổ Nghi lúc nào cũng kính trọng là sư phụ Johnston. Trước khi các người thân và tên đầy tớ thân tín Lý Đại bị phân tán đi, Phổ Nghi kiểm soát lại số tài sản lớn lao gồm rất nhiều ngọc ngà châu báu mà Phổ Nghi vẫn còn giữ. Phổ Nghi rất lạ lùng là người Nga không khám xét ngững túi hành lý nặng nề của mình. Phổ Nghi rất hy vọng sẽ được người Nga trả tự do và được ty nạn sang một nước khác ngoài Trung Hoa, thì với số tài sản lớn lao đó Phổ Nghi sẽ sống một cuộc đời an nhàn sung sướng. Số tài sản của Phổ Nghi nhiều đến nỗi Phổ Nghi phải vất bớt đi khoảng trên hai trăm viên ngọc mà Phổ Nghi coi là rẻ tiền không đáng mang theo. Phổ Nghi quẳng một số vào lò sưởi cho cháy đi hoặc quẳng ra những nơi để đồ phế thải hoặc sai Lý Đại đào đất và chôn trên hai trăm viên ngọc đó về ban đêm. Chính vì có nhiều vàng ngọc như thế, và nghĩ rằng bây giờ Nga và Mỹ là đồng minh rồi nên Phổ Nghi đã liều viết một lá thư lên chính phủ Nga tại Mạc tư Khoa, yêu cầu được ty nạn chính trị tại Hoa Kỳ, nhưng chính phủ Nga Sô không bao giờ trả lời lá thư của Phổ Nghi.
Trong thời gian sống trong trại tam giam, Phổ Nghi rất ít liên lạc với các người Nga có phận sự canh gác. Phổ Nghi chỉ thường nói chuyện và dò hỏi những người hầu gốc Mãn Châu. Những người hầu này làm bộ như biết nhiều tin tức bên ngoài và cho Phổ Nghi biết không cần phải lo đến tính mạng vì người Nga có ý định giam Phổ Nghi tại Tây Bá Lợi Á suốt đời, vì đây chính là nơi phát xuất của tổ tiên Phổ Nghi. Một tin đồn khác làm Phổ Nghi hớn hở hy vọng: người Nga dự định đặt Phổ Nghi lên làm hoàng đế Mãn Châu trở lại, nhưng lần này là bù nhìn cho Nga Sô. Mỗi khi Phổ Nghi phải gặp các viên chức Nga Sô thì họ rất lịch sự lễ phép với Phổ Nghi, và sự kiện này càng làm tăng hy vọng trong lòng Phổ Nghi.
Trong lúc đó cuộc chiến Quốc-Cộng tại Trung Hoa mỗi lúc một mãnh liệt và cộng sản liên tục chiến thắng, chiếm dần hết đất của phe Quốc Dân Đảng. Thoạt đầu Phổ Nghi không nghe biết gì, nhưng khi cộng sản có mòi thắng thế thì tin tức chiến sự trở thành tin trang nhất của các báo chí địa phương. Bắt đầu năm 1947 người Nga cho dịch tin tức trên báo chí và in thành từng bản tin bằng tiếng Trung Hoa và phân phát cho những người bị tạm giam. Ngay khi Thượng Hải thất thủ năm 1948 Phổ Nghi cũng biết tin ngay trong một tuần lễ. Dần dần Phổ Nghi hiểu rằng người Nga chỉ tạm giam mình thôi, và ngay khi nào Mao Trạch Đông hoàn thành chế độ cộng sản tại khắp Trung Hoa thì Phổ Nghi sẽ bị trả về Trung Hoa. Kể từ đó Phổ Nghi lại sống trong những cơn ác mộng và trở nên sùng đạo hơn bao giờ hết. Bây giờ Phổ Nghi sợ hãi và tin chắc sẽ chết dưới tay các người cộng sản Trung Hoa; đôi khi vì sợ hãi quá, Phổ Nghi cầu mong cái ngày cuối cùng ấy mau tới để được giải thoát khỏi sự kinh sợ triền miên.
Sự hiểu biết về cộng sản của Phổ Nghi rất giới hạn, chỉ biết qua lời giảng của Sir Johnston, Trịnh Thiếu tự và đặc biệt là viên cố vấn Nhật Bản Yoshioka. Phổ Nghi rất tiếc không hỏi Yoshioka nhiều về cộng sản, và bây giờ thì không còn cách nào gặp được Yoshioka nữa. Ngay khi bị quân Nga bắt giữ, Yoshioka đã tự tử. Trong số những người cùng bị giam với Phổ Nghi, không ai hiểu biết gì về cộng sản cả, và cũng không biết rằng hệ thống tư pháp của cộng sản khác hẳn hệ thống tư pháp của Trung Hoa cũ hoặc các quốc gia dân chủ khác. Phổ Nghi cũng không biết nền tư pháp của cộng sản tàn ác đến như thế nào khi hàng triệu địa chủ lớn nhỏ đều bị gọi là phản quốc, và bị giết ngay trước sự chứng kiến của gia đình và dân làng.
Phổ Nghi cũng không hiểu được mục đích của nhà tù cộng sản. Cộng sản vẫn thường khoe khoang nhà tù của họ là nơi để người tù tự cải tạo. Thực ra các phương pháp thẩm vấn trong nhà tù cộng sản không những bắt tù nhân phải bịa đặt ra những thứ tội không hề có, mà còn có mục đích bắt tù nhân phải chấp nhận một cuộc đời mới, trong đó người tù phải tin rằng mình là một người thối tha tội lỗi đáng bị trừng phạt. Mặc cảm tội lỗi đó sẽ theo đuổi người tù suốt đời và biến người tù trở thành sợ sệt và hàng phục chế độ cộng sản tuyệt đối. Trong hệ thống luật pháp của Trung Cộng, chính người tù trở thành công tố viện gay gắt nhất qua phương pháp “tự thú.” Đây là một phương pháp quỷ quyệt tuyệt đỉnh. Người tù sẽ phải tự mình sắp đặt một trường hợp phạm tội chống lại mình một cách tự cho là khôn khéo nhất. Khi người tù tự tạo ra một bản tự buộc tội mình vừa ý chính quyền thì chính quyền sẽ giữ bản buộc tội ấy, và tùy thuộc sự giải thích của cán bộ, chính quyền có thể xử người tù một bản án vừa ý chính quyền nhất. Và nếu được tạm tha thì bản tự nhận tội vẫn còn đó và lúc nào cần thiết, chính quyền có thể đem ra và kết án. Dù được trả tự do, người tù lúc nào cũng có tâm trạng của một kẻ đã bán linh hồn cho quỷ, và lúc nào cũng có thể bị quỷ tới đòi nợ, lúc nào cũng tưởng được hưởng lượng khoan hồng của chế độ cho một tội do chính mình tưởng tượng ra và tự buộc cho mình.
Sau một thời gian ở không, Phổ Nghi và những người bị giam giữ được cấp cho một khoảnh đất để tự trồng lấy những thứ rau trái ưa thích. Phổ Nghi cũng trồng một ít cà chua, đậu, ớt xanh, cà và các thứ rau thông thường khác. Hàng ngày Phổ Nghi xách nước tưới rau và có vẻ thích thú lắm vì đây là lần đầu tiên Phổ Nghi thực sự “lao động sản xuất.” Một phần nữa là Phổ Nghi cũng thích ăn những thứ rau trái đặc biệt Trung Hoa này.
Ngoài ra tất cả những người bị tạm giam cũng phải trải qua một khoá học tập chính trị, nhưng chỉ học lấy lệ chứ không phải là một khoá học tẩy não như về sau này trong nhà tù của Trung Cộng. Thực ra nhà cầm quyền Nga Sô cũng muốn họ có đôi chút sinh hoạt nên mới cấp đất cho họ trồng trọt rau và mở những lớp đọc sách chính trị. Mấy người em trai của Phổ Nghi được lệnh đọc các cuốn sách nói về “Các Vấn Đề Chủ Nghĩa Lê Nin” và “Lịch Sử Của Đảng Cộng Sản Nga Sô” cho mọi người nghe, nhưng đám thính giả cũng ngơ ngác chẳng hiểu gì như các người đọc sách vậy. Phổ Nghi luôn luôn tự hỏi nếu người Nga không cho ta sống ở Nga nữa thì những sách này có ích lợi gì? Mấy cây cà chua và ớt và rau của ta ngoài vườn kia còn có ý nghĩa hơn. Tuy ngồi đó ra vẻ lắng nghe nhưng thực tình Phổ Nghi luôn luôn suy nghĩ đến các vấn đề khác quan trọng hơn, như liệu ta có thể vĩnh viễn sống tại Mạc Tư Khoa hoặc Luân Đôn được không, bao nhiêu năm thì sẽ tiêu dùng hết những châu báu ta mang theo?
Nhưng sau giờ ăn tối thì sinh hoạt lại nhộn nhịp hẳn lên vì đây là giờ nghỉ tự do cho mọi người. Người ta quên hết những lời đọc sách chính trị, và lại vùi đầu vào bàn mà chược, hoặc bên cửa sổ có người lại ngồi chắp tay, thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng A Di Đà Phật! Nhóm khác thì tụ tập để coi bói xem bao giờ thì được trở về quê nhà và gia đình họ bây giờ ra sao. Thoạt đầu lính canh gác Nga cũng bực mình với những tiếng ồn ào này, nhưng lâu dần họ cũng quen đi. Trong lúc đó thì Phổ Nghi thường ngồi trong phòng riêng tung đồng tiền để phỏng đoán tương lai, hoặc đọc kinh Phật.
Phổ Nghi cũng biết rằng theo luật pháp Nga Sô thì Phổ Nghi mắc tội phản quốc, nhưng Phổ Nghi tin rằng những sự việc đã xảy ra với mình chẳng qua là những việc tiền định của số kiếp. Phổ Nghi nhớ lại những lời nói của cổ nhân: “Kẻ mạnh sẽ thắng” hoặc “Được làm vua thua làm giặc.” Lúc đó Phổ Nghi chưa hề nghe nói đến “tẩy não” hoặc “cải tạo tư tưởng.” Phổ Nghi áp dụng phương pháp cổ điển để tránh bị trừng phạt. Phổ Nghi biết rằng số phận mình bây giờ là do Nga Sô định đoạt, vì thế Phổ Nghi tỏ ra hết sức lấy lòng người Nga bằng cách dâng cho nhà cầm quyền Nga rất nhiều ngọc ngà châu báu. Nhưng đôi khi Phổ Nghi cũng vẫn lo sợ rằng sẽ có thể bị bắt về Trung Hoa để trừng trị dưới chế độ cộng sản.
Năm 1949, khi nghe tin Mao Trạch Đông đã chiếm hết Hoa Lục và Tưởng Giới Thạch phải bỏ chạy ra Đài Loan, Phổ Nghi vô cùng hoảng sợ. Viễn ảnh bị trả về cho Trung Cộng mỗi lúc một gần hơn. Tháng 10 năm 1949 khi Phổ Nghi đã bị tạm giam tại Tây Bá Lợi Á được năm năm thì Mao Trạch Đông tiến vào Bắc Kinh và tuyên cáo thành lập tân chế độ Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa. Phổ Nghi cực kỳ kinh hoàng, nhưng các bộ trưởng cũ của chính phủ Mãn Châu Quốc xin phép nhà cầm quyền Nga Sô cho phép đánh điện tín về Bắc Kinh cho Mao để mừng chiến thắng của cộng sản, và cũng bày tỏ lòng trung thành với tân chế độ. Hoảng sợ có thể bị gửi trả về Trung Hoa, Phổ Nghi làm một hành động tuyệt vọng cuối cùng là kêu gọi chính quyền Nga cho phép Phổ Nghi được ở lại Tây Bá Lợi Á vĩnh viễn.
Tuy nhiên lời kêu gọi tuyệt vọng cuối cùng của Phổ Nghi không có hiệu quả. Người Nga chỉ tạm giữ Phổ Nghi cho Trung Cộng mà thôi. Lúc đó người Nga chưa trông thấy giá trị của con bài Phổ Nghi và tưởng rằng tình hữu nghị giữa các người anh em cộng sản sẽ keo sơn bền vững mãi mãi. Lúc đó chỉ có Chu Ân Lai mới trông thấy giá trị của lá bài chính trị Phổ Nghi. Tháng 8 năm 1950, Phổ Nghi được thông báo sẽ được trao trả cho chính quyền Trung Cộng. Phổ Nghi lại trải qua những cơn ác mộng mới, lần này Phổ Nghi không trông thấy một tia hy vọng nào cho cuộc đời của mình.