KẾT LUẬN
Trong phần đầu cuốn sách này tôi đã cắt nghĩa những nguyên lý cơ bản của Hiệp Khí Ðạo, và trong phần thứ hai tôi đã dẫn một vài thí dụ cách áp dụng những nguyên lý đó vào sự luyện tập của ta và vào đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, cuốn sách này quá nhỏ, và tác giả thì chưa đủ tiến bộ, để cắt nghĩa tất cả nhữg điều của vũ trụ trong cái mênh mông của nó. Chúng tôi chỉ có thể nói được là người học Hiệp Khí Ðạo nên xây dựng tư tưởng mình trên căn bản những nguyên lý đó và hãy đối diện với vũ trụ bao la mà luyện tập mình theo lối đi đó.
Nói về con đường lớn của vũ trụ thì chẳng có gì là kỳ quặc hoặc lạ lùng cả, bởi con đường ngay trước mắt ta và dưới chân ta, sẵn sàng cho bất cứ ai muốn xử dụng nó. Người nào lần đầu tiên được thấy một người nhỏ nhắn luyện tập Hiệp Khí Ðạo và quật ngã một người khác lớn gấp đôi hắn, hoặc đương đầu với bốn, năm người cùng một lúc, có thể cho đó là lạ lùng lắm bởi lẽ người đó chỉ nghĩ đến những qui luật về thể xác, và ngắm nhìn mọi sự vật với đôi mắt thân xác thôi. Nếu người đó nhìn ra rằng tinh thần điều khiển thể xác và quan sát trường hợp đó trên quan điểm nhũg qui luật tinh thần, thì người đó sẽ thấy rằng không có gì là lạ lùng ở đây cả. Lẽ cố nhiên muốn thế thì phải có luyện tập, nhưng bởi vì có một nguyên tắc để quật ngã người khác, cho nên quật ngã được, thì đó chỉ là lẽ tự nhiên. Những người học Hiệp Khí Ðạo có thể làm như vậy được bởi lẽ họ đang theo con đường lớn của vũ trụ. Mà ai muốn học cũng có thể học được.
Chỉ tập ở phòng tập và có thể áp dụng những kỹ thuật với đối thủ mình, thì đó chẳng phải hoàn toàn là con đường lớn của vũ trụ. Con đường đó là con đường duy nhất nhân loại phải theo, và nó trải rộng ra mọi việc gì ta làm trên đời này.
Lẽ dĩ nhiên, luyện tập ở nơi phòng tập là rất cần thiết, nhưng đó chẳng phải là cách thức duy nhất. Ta chỉ biết được Hiệp Khí Ðạo thực thụ nếu ta duy trì được cái điểm duy nhất nơi bụng dưới và làm cho khí ta lưu thông hòa hợp với khí vũ trụ trong đời sống hằng ngày của ta, nếu ta có thể xử dụng cái khí của ta một cách tự do, và nếu ta áp dụng những nguyên lý Hiệp Khí Ðạo vào bất cứ việc gì ta làm.
Người nào không nhìn nhận là có gian khổ thì sẽ chẳng có gian khổ. Hãy xác nhận chính sự có mặt của bạn và tương quan giữa bạn với vũ trụ, thì mọi sóng gió trên đời này sẽ chẳng còn kinh khủng như bạn tưởng. Ðiều tôi ao ước là làm sao biến cái tặng vật vô giá này trở nên một cái gì đích thực hơn, mạnh mẽ hơn và hạnh phúc hơn để ta có thể mạnh dạn bước đi trong đời và đóng góp phần ta vào việc cải thiện thế giới. Tôi đã viết cuốn sách này ra với hy vọng nó sẽ giúp truyền bá Hiệp Khí Ðạo ra bốn phương và thêm vào, dù chỉ được một người nữa, con số những người theo Hiệp Khí Ðạo.
MƯỜI BA QUI TẮC CHO HUẤN LUYỆN VIÊN HIỆP KHÍ ÐẠO
1. Hiệp Khí Ðạo phát lộ cho ta thấy con đường đưa tới chỗ hợp làm một với vũ trụ. Phối hợp thể xác và tinh thần làm sao để hòa làm một với thiên nhiên là mục đích chính của việc huấn luyện Hiệp Khí Ðạo.
2. Bởi lẽ thiên nhiên thì thương yêu và bảo vệ muôn loài và giúp cho mọi vật phát triển và nảy nở, cho nên ta cũng phải dạy từng môn đệ với tấm lòng thành thực và bất thiên vị.
3. Trong chân lý tuyệt đối của vũ trụ thì chẳng có mối bất hòa, nhưng chỉ có bất hòa trong phạm vi chân lý tương đối mà thôi. Giao tranh với kẻ khác rồi thắng thì đó chỉ là sự thắng tương đối. Không giao tranh mà vẫn thắng, đó mới là sự thắng tuyệt đối. Chỉ đạt tới một thắng trận tương đối mà thôi, thì sớm muộn ta cũng đi tới bại trận. Trong khi tập luyện để trở thành mạnh mẽ, hãy học cách tránh giao tranh. Học cách quật ngã đối thủ và lấy thế làm khoái, và để cho đối thủ quật mình ngã và cũng lấy thế làm khoái, và giúp đỡ nhau để học được kỹ thuật đúng đường, thì bạn sẽ tiến triển nhanh chóng.
4. Ðừng nên phê bình những môn võ khác: Trái núi chẳng cười nhạo dòng sông bởi dòng sông ở dưới thấp, dòng sông cũng chẳng nói xấu về trái núi bởi nó chẳng thể lưu chuyển được. Người nào cũng có đặc tính riêng của mình, và ai cũng có được một vị trí riêng trên đời. Nếu bạn nói xấu kẻ khác, thì rồi kẻ khác cũng sẽ nói xấu bạn.
5. Mọi môn võ đều khởi sự và chấm dứt bằng phép lịch sự, sự tao nhã, không những chỉ trong hình thức, mà còn ở trong tâm và não ta nữa. Hãy quí trọng người thầy đã dạy bạn, và nhất là đừng bao giờ quên tri ân kẻ đã sáng lập ra môn Hiệp Khí Ðạo. Kẻ nào xao lãng việc đó thì chớ ngạc nhiên nếu môn đệ của mình cũng coi nhẹ mình.
6. Hãy tránh đừng kiêu căng hợm hĩnh. Kiêu căng chẳng những cản trở bước tiến của bạn, mà còn khiến bạn thoái bộ nữa. Thiên nhiên thì vô biên ; những nguyên lý của thiên nhiên thì sâu xa. Kiêu căng do đâu mà ra? Nó do từ tư tưởng nông cạn, và một tinh thần thỏa hiệp rẻ rúng với những lý tưởng của ta.
7. Hãy gây dựng một trí óc bình tĩnh, do sự vũ trụ thành một phần của cơ thể ta mà ra, bằng cách tập trung tư tưởng bạn vào cái điểm duy nhất nơi bụng dưới. Bạn phải biết rằng có một trí óc hẹp hòi làm một điều hổ nhục. Ðừng có tranh luận với kẻ khác chỉ để bảo vệ những ý kiến mình mà thôi. Phải là phải. Trái là trái. Hãy bình tĩnh xét xem cái nào phải, cái nào trái. Nếu chắc chắn là mình trái rồi, thì hãy can đảm nhận lỗi và đền tội. Nếu bạn gặp người cấp trên bạn, thì bạn hãy hân hoan nhận sự chỉ bảo của họ. Nếu người nào mắc lỗi, thì hãy nhẹ nhàng giảng nghĩa cho họ biết đâu là chân lý, và hãy cố làm cho họ hiểu.
8. Ngay đến một con sâu dài một phân cũng có nửa phân tinh thần. Ai cũng tôn trọng cái « tôi » của mình. Vì thế, đừng có coi khinh ai và động chạm đến lòng tự trọng của họ. Hay tôn trọng người khác, và người khác sẽ tôn trọng mình. Nếu khi rẻ họ, thì họ cũng sẽ khi rẻ mình lại. Hãy tôn trọng cá tính của người đó và nghe hắn phát biểu những ý kiến của hắn, thì hắn sẽ hân hoan theo bạn.
9. Chớ nên giận dữ. Nếu bạn giận dữ, thì đó là tâm trí bạn đã không còn ở cái điểm duy nhất nơi bụng dưới nữa. Trong Hiệp Khí Ðạo, sự giận dữ phải được coi là một sự hổ nhục. Chớ nên cáu giận vì chuyện riêng tư. Hãy cáu giận khi quyền lợi quốc gia bạn bị thương tổn. Hãy tập trung tư tưởng vào điểm duy nhất nơi bụng dưới, và hãy giận dữ với toàn cơ thể, trí não. Nên nhớ rằng ai dễ cáu giận thường mất can đảm trong những giờ phút quan hệ
10. Ðừng quản công lao khi bạn dạy. Khi học trò tiến triển thì chính bạn cũng tiến triển, đừng nên nóng ruột khi dạy. Chẳng ai có thể họïc giỏi được sau một lần dạy. Khiêm tâm là điều quan trọng trong việc huấn luyện, cũng như nhẫn nại, lòng tối, và khả năng đặt mình vào vị trí của học trò mình.
11. Chớ nên là một huấn luyện viên kiêu ngạo. Môn sinh sẽ tiến triển thêm trong kiến thức khi chúng vâng lời thầy của chúng. Trong khi huấn luyện về khí, thì điều đặc biệt là người thầy cũng tiến triển như người trò. Huấn luyện đòi hỏi một khí hậu tôn trọng hỗ tương giữa thầy và trò. Khi bạn thấy một người kiêu ngạo, thì bạn sẽ biết ngay đó là một người có tư tưởng nông cạn.
12. Trong khi tập luyện, chớ nên phô trương sức mạnh của mình mà không có một dụng ý tốt nào cả, để khỏi khêu gợi sự kháng cự trong óc những kẻ đang quan sát bạn. Ðừng tranh luận về sức mạnh, mà hãy nên dạy con đường phải. Lời nói mà thôi thì chẳng giảng nghĩa nỗi. Ðôi khi đóng vai người bị quật ngã, bạn lại có thể dạy một cách hữu hiệu hơn. Chớ nên ngừng sự quật ngã của học trò mình nửa chừng, hay chặn lại khí của hắn trước khi hắn làm xong một chuyển động, nếu không bạn sẽ gây cho hắn nhiều thói xấu. Luôn luôn dùng lời nói và việc làm để ghi vào óc hắn nghệ thuật của Hiệp Khí Ðạo và cái khí nghiêm chỉnh.
13. Bất cứ làm gì bạn cũng phải có lòng tin tưởng. Ta nghiên cứu kỹ lưỡng nguyên lý của vũ trụ và thực hành nó, và rồi vũ trụ sẽ bảo vệ ta. Ta chẳng có lý do gì phải hoài nghi hoặc sợ hãi cả. Lòng tin tưởng đích thực là do ở sự tin rằng ta với vũ trụ là một. Ta phải có can đảm để nói cùng với đức Khổng Phu Tử rằng: Nếu ta có một lương tâm thanh thản, ta dám đối nghịch với một kẻ thù đông hơn ta gấp ngàn lần.