VÀI QUI LUẬT CHO HUẤN LUYỆN VIÊN
Học thì dễ hơn dạy. Thật là dễ dàng nếu bạn chỉ giảng một điều gì cho ai mà không cần người đó hiểu điều ấy hay không, nhưng nếu bạn hướng dẫn thực cẩn thận và dạy một cách vô tư với mong ước là học trò của bạn có thể thấu triệt được môn học, mà luôn luôn chú ý tới cá tính và thói quen của từng cá nhân, thì đó chẳng phải là điều dễ. Dạy Hiệp Khí Ðạo còn đặc biệt khó khăn nữa, bởi lẽ trong khi dạy nó ta phải nâng con người từ thế giới vật chất lên thế giới tâm linh ; ta phải dạy sự hợp nhất thể xác và tinh thần và dắt môn sinh của ta tới trình độ họ có thể đem ứng dụng những điều ta dạy họ vào trong thực tế.
Lẽ tất nhiên là ông thầy phải đã thấu hiểu, đã ứng dụng vào thực tế, và đã phải tin tưởng vào điều ông ta dạy. Nếu ta dạy những qui luật của vũ trụ một cách bừa bãi, cũng thể như người mù dắt người mù, thì chẳng thể nào nói trước được là ta sẽ đi vào con đường lầm lẫn nào. Muốn dạy, ta phải mở tầm mắt ta ra cho rộng và chấp nhận hoàn toàn phần trách nhiệm về điều ta làm.
1. Cùng phát triển.
Ðôi khi, trong Hiệp Khí Ðạo, ta gặp nhiều người chuyên cần học tập, nhưng họ chỉ quan tâm đến riêng sự tiến triển của họ mà thôi và tỏ vẻ bất mãn khi được yêu cầu hướng dẫn những môn sinh lớp dưới. Lẽ tất nhiên chuyên chú là một điều hay rồi, nhưng nếu chỉ có kỹ thuật là tiến triển, nếu những người với một thái độ vị kỷ có thể với tới một trình độ mà duy chỉ thể xác là tiến triển thôi, thì họ sẽ không thể đạt tới địa hạt tiến triển tinh thần được.
Nguyên lý căn bản trong Hiệp Khí Ðạo là yêu thương và bảo vệ muôn loài. Tâm linh chúng ta hợp làm một với tâm linh vũ trụ. Vì lý do đó mà khí của ta chảy cùng một dòng với khí của vũ trụ. Cái thái độ thây kệ tôi, hay ích kỷ, là một điều ngăn trở cho sự lưu thông của khí, và làm cho ta không thể thực thụ nhận lãnh vào ta những nguyên lý đích thực của vũ trụ. Hơn nữa, sự ích kỷ đưa thẳng tới lòng tự kiêu, mà lòng tự kiêu lại cản trở bước tiến bộ.
Nói chung thì trên thế giới này chẳng có gì là cái « vì người khác » cả. Ta thường rắp tâm làm một điều gì hết sức, hết mình, cho người khác để rồi được họ tri ân, và rồi ta đâm ra cáu kỉnh nếu ta chẳng làm được điều ấy như ta đã định. Mọi việc làm vì người khác sự thực lại làm cho chính ta.
Ta làm những việc ấy phần lớn là để tăng cường đức tính của ta. Dù sao, thì chẳng phải ta là người đã hưởng lợi nhiều nhất trong khi trở nên tốt khi ta nổ lực giúp kẻ khác hay sao? Người nào, trong Hiệp Khí Ðạo, mà học tập nguyên tắc này một cách hết sức chuyên cần và tận tụy dẫn dắt những môn sinh kém hơn mình trên con đường tiến bộ về kỹ thuật và tinh thần, sẽ là người tiến triển xa nhất Những vũ nghệ khác dạy rằng ta sẽ chẳng thêm được sức mạnh nếu ta không luôn luôn tập với những người khỏe hơn ta. Dù rằng Hiệp Khí Ðạo cũng dạy rằng điều quan trọng là phải đụng độ với những kẻ khỏe hơn ta và giỏi hơn ta và phải học hỏi ở họ càng nhiều càng tốt, nhưng nó cũng dạy rằng tập như thế không thôi thì không đủ. Hiệp Khí Ðạo chủ trương rằng ta phải tự thấu triệt được một điều gì trước đã rồi mới cố gắng dẫn dắt những môn sinh kém ta trên cùng một con đường, trong những giới hạn hiểu biết của ta. Ta tiến bộ bằng cách dạy cho kẻ khác, bởi lẽ dạy đã là một hình thức học rồi. Một kẻ dạy những nguyên lý một cách nghiêm chỉnh phải là người không được làm điều sai. Nếu hắn bảo người khác đừng cáu giận, thì chính hắn phải đừng nổi nóng. Ta phải làm những điều ta khuyên bảo kẻ khác, và trong khi sửa sai người khác thì ta cũng sửa sai chính ta rồi vậy.
Dù rằng rất khó lòng mà dạy được một người chậm hiểu và có quá nhiều tật xấu đến nổi chẳng thể thi hành được đúng những điều ta dạy, nhưng nếu ta luôn luôn để ý đến hắn, và, dựa trên những nguyên lý đúng đường, ta cố dạy hắn ít nhất một điều thôi, thì hắn cũng sẽ phát triển. Ðồng thời, người nào dạy cũng sẽ tự làm thêm được nhiều tiến bộ cho mình trong những điều hắn dạy và trong những điểm tinh tế hơn của Hiệp Khí Ðạo.
Cố nhiên người học trò sẽ rất biết ơn, nhưng người huấn luyện viên cũng phải biết ơn vì đã có cơ hội để tiến triển và trau dồi cho mình. Khi thật lòng và chuyên cần hướng dẫn kẻ khác, ta làm được thêm tiến bộ trong chính kỹ thuật và cá tính của ta.
Thực là một điều lầm khi ta tin rằng ta chẳng thể đạt tới một địa vị cao hơn người khác nếu ta không đè nén kẻ khác. Tự ta tiến bộ được bằng cách làm cho kẻ khác tiến bộ, thì đó là một điều hay. Con đường của Hiệp Khí Ðạo là học với bạn đồng môn của mình, tiến triển với hắn, và giúp đỡ hắn. Chắc chắn đây cũng là một con đường nên theo trong đời nữa.
Ðừng nên hà tiện điều gì bạn đã học được. Khóa kín những nguyên lý bạn đã học được của vũ trụ trong trái tim riêng của bạn thì chẳng phải lối để nhận thêm những điều hay khác nữa. Ta phải yêu thương mà đừng tiếc hối. Nếu ta cho đi những điều ta đã học được càng nhiều, thì ta sẽ càng học được thêm nữa. Ðừng lo sự cung ứng sẽ cạn mất, vũ trụ vô biên mà.
2. Huấn luyện viên phải khiêm tốn.
Ðôi khi có người ngồi trên ghế một huấn luyện viên thường hay nghênh ngang, vênh váo. Sự thực thì chẳng người nào dạy là thấm nhuần được hết mọi những nguyên lý của vũ trụ cả. Có thể là hắn tiến được thêm một bước, nhưng hắn vẫn chỉ là một bạn đồng hành với môn sinh của hắn trên con đường vũ trụ. Dù sao thì người đi trước cũng phải dắt người đi sau.
Người huấn luyện viên nào mà tự coi mình như một kẻ toàn hảo, thì đó là một ảo tưởng thực là khôi hài. Lòng tự kiêu sẽ che mắt của tinh thần và sẽ làm ta thoái bộ chứ không phải tiến bộ. Hãy khiêm tốn, thì rồi những nhóm người trẻ sẽ đề cao bạn. Cho dù một ông thầy lớn giảng giải điều gì, nếu nó sai thì nó vẫn là sai ; cho dù một môn sinh mới biểu diễn món nào, nếu hành động đó đúng thì nó vẫn là đúng. Huấn luyện viên chẳng nên tự phụ tự mãn với tư thế một kẻ lãnh đạo, hắn phải luôn luôn tiến bộ không ngừng. Người nào có một trái tim khiêm tốn, người ấy sẽ trở nên một ông thầy nổi tiếng.
3. Trò là gương của Thầy.
Nếu trò và thầy là những bạn đồng hành trên con đường vũ trụ, thì họ cũng là một tấm gương hai mặt, nghĩa là người họ phản ảnh người kia. Ðức tính cũng như ác tính của thầy thì hiện ngay trong trò, và ngược lại. Nếu trò thực tâm học tập, thì thầy sẽ thực tâm dạy dỗ, và cả hai đều cùng trưởng thành và tiến bộ với nhau. Nếu trò vô lễ với thầy hay tỏ vẻ chỉ thích học kỹ thuật mà thôi, thì thầy sẽ biết điều đó, và trò sẽ chẳng thể học được điều gì hay nhất của thầy cả. Cho dù khi thầy hết sức thành tâm dạy dỗ, nhưng người trò có thái độ ấy sẽ chẳng bao giờ học được đến nơi cả.
Một khi bạn đã nhất tâm theo học với một ông thầy nào rồi, thì đừng nên lấy cái tinh thần chưa trưởng thành của bạn mà phê phán ông thầy. Hãy học tập thật hăng hái đến độ có vẻ như bạn đã có được những thói quen của ông thầy rồi vậy.
Lẽ dĩ nhiên, tinh thần của thầy phản ánh vào trò. Nếu thầy tự kiêu, thì rồi trò cũng tự kiêu. Nếu thầy vênh váo, thì trò cũng vênh váo. Nếu thầy coi khinh trò, thì rồi trò cũng trả lại cái tình cảm đó.
Tuy nhiên nếu một ông thầy dạy được những nguyên lý Hiệp Khí Ðạo nghiêm chỉnh và ứng dụng chúng vào thực tế, thì ông ta sẽ phát triển được trò tốt. Nếu ông thầy là tấm gương của học trò mình, thì học trò mình cũng là tấm gương của ông. Ông thầy vào thấy trò mình có tập quán xấu, thì ông ta phải coi đó như là một phản ánh của chính ông ta. Hình ảnh mà một ông thầy nhìn thấy nơi trò mình là một dấu hiệu bảo ông ta phaûi cố gắng hơn nữa.
Một huấn luyện viên dạy những nguyên lý của vũ trụ chớ nên quên rằng học trò hắn đang quan sát mình. Lời nói cũng như việc làm của bạn phải đi đôi với lời nói và việc làm bạn giảng dạy. Cần phải có thái độ rằng bạn có thể học môn sinh của bạn được.
4. Lẽ phải không là sức mạnh.
Dù rằng dạy cho học trò mình trở nên mạnh là một điều hay, nhưng sức mạnh mà thôi không phải là mục đích duy nhất của một huấn luyện viên. Thái độ cho rằng lẽ phải là sức mạnh hiển nhiên là một thái độ thấp kém. Số người chủ trương lẽ phải của sức mạnh càng tăng lên trên thế giới bao nhiêu thì hỗn loạn và nguy cơ chiến tranh cũng tăng thêm bấy nhiêu. Trong Hiệp Khí Ðạo, mà cứu cánh là sự hợp nhất thể xác và tinh thần và sự hoàn hảo của cá tính, chỉ một chút dục vọng về quyền lực hay tự mãn rằng ta biết hết tất cả kỹ thuật cũng đủ là xấu xa và cần phải chỉnh ngay.
Hiệp Khí Ðạo bao gồm hàng ngàn kỹ thuật và hàng muôn ngàn kỹ thuật khác phát sinh từ những kỹ thuật vừa nói. Một khi bạn đã học được một số và được thông hiểu những nguyên lý Hiệp Khí Ðạo rồi thì tự bạn, bạn có thể nghĩ ra những kỹ thuật mới và khám phá ra nhiều thế võ mới, nhưng điều này chỉ đúng nếu những nguyên lý bạn theo là những nguyên lý nghiêm chỉnh.
Có người tưởng rằng, nếu họ chế được ra một vài kỹ thuật khác, áp dụng nó với người nào, và thấy nó có kết quả, là họ đã tạo ra được một kỹ thuật mới. Như thể khi một người lớn áp dụng một món võ với một đứa con nít, thì cho dù hắn làm đúng hay sai bề nào hắn cũng thắng, thì nếu người nào đã có bốn, năm năm kinh nghiệm trong Hiệp Khí Ðạo áp dụng một kỹ thuật hay món võ nào với một kẻ bắt đầu học, thì người có kinh nghiệm hơn sẽ tất phải thắng. Vấn đề không phải là xem món võ đó có kết quả hay không, mà xem xem nó có đúng hay không. Một kỹ thuật sai sẽ chẳng có kết quả ngay với một người mới học.
Một số huấn luyện viên thường hay bảo môn sinh của mình thử áp dụng một ngón nào đó với họ để họ sẽ hạ được chúng và tỏ ra rằng mình mạnh như thế nào. Ông thầy phải sửa những điểm xấu của học trò mình, nhưng ông ta không được làm cản trở sự tiến bộ về kỹ thuật của chúng nửa chừng. Nếu ông ta cứ trổ tài trổ sức mình ra thì thế nào ông ta cũng gợi sức kháng cự nơi học trò mình. Và rồi ông ta sẽ không còn dạy cái nguyên lý bất phân tranh nữa mà sẽ dạy lý thuyết chiến đấu. Môn sinh sẽ mất ý muốn tìm hiểu Hiệp Khí Ðạo nghiêm chỉnh mà sẽ chỉ muốn có sức mạnh mà thôi. Lúc nào cũng phải khiêm tốn đi sát với những nguyên lý nghiêm chỉnh, và tránh hẳn những điều gì đi ngược lại với chúng. Sự giảng dạy của bạn phải luôn luôn là một sự tìm kiếm thế nào cho đi đôi với nguyên lý và một lòng mong muốn dạy những điều đó cho kẻ khác.
Chẳng phải kẻ mạnh là phải, mà chính kẻ phải mới là mạnh. Dù ta thường nghe rằng những kẻ phải thì thường là những người yếu, nhưng những kẻ yếu thì thường chẳng hoàn toàn phải đâu. Con đường thích hợp với qui luật của vũ trụ là con đường đưa tới sức mạnh tuyệt vời.
Ta phải dùng hết mọi nổ lực của ta để chứng minh điều đó và chứng minh cho thế giới biết rằng lẽ phải là sức mạnh.
5. Thái độ, chứ không phải thâm niên, tạo nên một huấn luyện viên.
Có một quan niệm cho rằng ta chẳng thể huấn luyện nổi nếu ta chưa có sức mạnh. Có người đã có kinh nghiệm nhưng không chịu dạy những môn sinh cấp dưới mình bởi vì họ cảm thấy chính họ vẫn còn yếu và chưa trưởng thành. Người mạnh chưa chắc đã là một huấn luyện viên giỏi. Có sức mạnh và tài năng kỹ thuật và là một huấn luyện viên giỏi là những chuyện khác nhau. Lẽ dĩ nhiên, vừa mạnh lại vừa là một huấn luyện viên giỏi thì hay nhất, nhưng ta có thể vừa yếu lại vừa không khá gì mấy về mặt kỹ thuật mà ta vẫn thành công trong việc dạy người. Ta chẳng cần là một người bơi thực giỏi để làm một người huấn luyện viên bơi lội.
Muốn trở thành một huấn luyện viên giỏi ta phải dạy kẻ khác, một cách dịu ngọt và hăng hái, những nguyên lý căn bản, trong những giới hạn hiểu biết của ta. Học một ngày hay một năm, và rồi bạn sẽ có thể là một ông thầy giỏi về cái điều bạn đã học được trong một ngày hay năm đó.
Lấy thí dụ: A hỏi B lối đi tới tỉnh A. B chưa bao giờ tới tỉnh đó, nhưng ông ta nghe nói rằng ta phải đi thẳng. Nếu B nói: « Tôi chưa bao giờ tới đó cả cho nên tôi không có quyền bảo ông phải đi lối nào », thì cũng giống như một người từ chối không chịu dạy người khác một điểm nào về Hiệp Khí Ðạo bởi lẽ hắn cảm thấy hắn còn non. Câu trả lời như vậy thì thật là thẳng thắn và khiêm tốn, nhưng không có hảo tâm gì mấy. Có lẽ B nên trả lời thế này thì hơn: « Tôi chưa bao giờ tới đó cả, nhưng tôi nghe nói là muốn tới đó ta phải đi thẳng ». Nếu bạn đã học và nếu bạn tin tưởng vào những qui luật của vũ trụ, thì bạn sẽ chẳng cần ngại ngùng gì khi nói: « Chính tôi đây hãy còn non, nhưng đây là điều tôi đã học. Ta thử cùng nhau tập xem sao ». Vì lẽ vũ trụ thì vô cùng, cho nên nếu bạn chờ đến khi bạn đã thấu hiểu hoàn toàn rồi mới dạy kẻ khác, thì bạn sẽ chẳng bao giờ dạy được cả. Nói cho cùng, thì mọi người chúng ta đều còn non cả. Huấn luyện viên giỏi là những người có đức tin đích thực và cố gắng bước trên con đường tiến bộ cùng với kẻ khác.
Một người, chừng 50 tuổi, vừa được một đẳng (dan) thứ nhất trong Hiệp Khí Ðạo, đi từ HẠ-UY-DI sang đảo Guam hỏi tôi làm thế nào để tiếp tục học Hiệp Khí Ðạo. Ở Guam không có phòng tập. Tôi khuyên ông ta rằng ông ta sẽ tiến triển rất nhiều nếu tụ tập được một số bạn hữu lại và dạy họ những gì ông ta biết về Hiệp Khí Ðạo. Ông ta bèn phản đối, nói rằng ông ta hãy còn non quá, và còn thiếu lòng tự tín, để có thể dạy người khác. Tôi bèn giảng nghĩa cho ông ta rằng chính tôi đây cũng còn non, nhưng tôi dạy kẻ khác bởi lẽ con đường tôi theo là một con đường vũ trụ và nghiêm chỉnh. Nếu ông ta tin rằng điều gì ông ta đã học là đúng thì ông ta cũng phải có thể dạy cho người khác nữa.
Tôi giảng giải rằng những người mà ông ta dạy sẽ chẳng biết đến thế nào là cánh tay không thể bẻ nổi, rằng nếu ông ta dạy điều đó cho họ, thì biết đâu điều đó lại chẳng giúp cho mỗi người theo ý riêng của họ. Nếu ông ta đã học được một ngày, ông ta có thể dạy lại cái ngày đó, và bởi lẽ ông ta đã từng học được ngần ấy thời gian từ lâu nay đến hồi đạt tới đẳng thứ nhất thì chẳng có lý nào ông ta lại không thể huấn luyện người khác được. Dù tôi khuyên ông ta rằng chẳng ai được ngần ngại trong việc dạy cái đạo của vũ trụ, ông ta vẫn một mực trả lời: « Giá có ai mạnh hơn, to hơn tôi tới, thì tôi ăn nói ra làm sao? » Tôi bèn nói rằng ông ta nên khen ngợi người đó vì người đó mạnh, nhưng cũng nên bảo họ rằng càng già họ càng yếu đi hơn.
Dạy người mạnh rằng hắn cần tập luyện tinh thần hắn bởi vì chính tinh thần mới điều khiển thể xác. Tôi khuyên ông ta nói: « Sức mạnh thể xác thì có hạn. Tôi hãy còn non, và ngoài năm mười tuổi đầu tôi không lấy gì làm mạnh cho lắm, nhưng tôi đang học lối huấn luyện tinh thần tôi, và tôi định tiến triển thật nhiều kể từ nay trở đi. Môn Hiệp Khí Ðạo tôi đang học là con đường phải của vũ trụ. Nếu bạn cũng theo tôi và học tập, thì bạn sẽ trở nên mạnh hơn nữa. Càng trưởng thành bạn càng tiến triển, bạn sẽ sửa đổi những tật xấu của bạn và cải thiện cá tính của bạn. Hiện giờ tôi vẫn đang học tập ; thì tại sao ta lại chẳng cùng tập với nhau? » Tôi nói với ông ta rằng nếu ông ta nói như thế, thì cái người có sức mạnh kìa sẽ hoan hỉ theo ông ta ngay.
Nhiều năm sau, tôi nhận được một tấm hình của ông, người nhỏ nhắn và ngồi trên một chiếc ghế, chung quanh ông ta là một đám học trò, có người to gấp đôi ông. Ðám học trò đó đều kính trọng ông ta như một bậc sư phụ.
Hiệp Khí Ðạo có thể chẳng đi tới đâu nếu ta chỉ ngu xuẩn bắt chước những kỹ thuật mà thôi. Chỉ khi nào mỗi kỹ thuật, mỗi chuyển động thể xác, thích hợp với những nguyên lý thì ta mới tìm thấy Hiệp Khí Ðạo đích thực trong đó thể xác với tinh thần là một. Vì lẽ đó, muốn truyền bá Hiệp Khí Ðạo chúng tôi phải tự tập được những ông thầy không những thực sự giỏi và gửi họ đi từng xứ, nhưng họ cũng phải thực sự thấu đáo những nguyên lý căn bản của Hiệp Khí Ðạo và có tinh thần đích thực, hơn là những người tài giỏi về kỹ thuật.
6. Hãy công bình và không thiên vị.
Một ông thầy phải hoàn toàn bất vụ lợi, có lòng tốt công bình và đừng thiên vị một môn sinh nào cả. Bởi lẽ dạy chính là học, cho nên nếu bạn ích kỷ trong lòng, thì sự dạy của bạn sẽ chẳng phải là sự tự huấn luyện tốt nữa. Trái lại, tôi báo trước là nó sẽ chỉ nuôi thêm lòng ích kỷ và tật xấu mà thôi.
Lẽ dĩ nhiên, dạy người nào học mau thì dễ hơn, nhưng ta chẳng nên bỏ qua những người mà không một vũ nghệ nào khác thâu nhận, nghĩa là những người có thực tâm muốn học nhưng lại có nhiều tật xấu và học chậm. Người huấn luyện Hiệp Khí Ðạo phải đừng thiên vị người nào hết. Người nào mà thể xác cứng ngắc và vụng về hoặc không học mau được thì hiển nhiên xử dụng thể xác và tinh thần mình không đúng lối. Chẳng hạn, người nào không thể chuyển động thân thể mình một cách nhẹ nhàng như ý muốn thì hoặc làm ngừng sự lưu thông của khí mình hoặc rút khí vào trong. Hãy dạy họ phóng khí họ ra, thì thể xác họ có thể mềm dẻo được ngay. Người chậm hiểu có thể là xao lãng việc tập trung tinh thần. Họ sống với ý tưởng rằng thể xác và tinh thần họ là những thực thể tách rời nhau và không thể làm cho thể xác làm theo điều tinh thần họ muốn.
Dù có thể có những yếu tố căn bản khác liên quan đến trong những trường hợp như thế, nhưng nếu ta sửa sai những điểm đó và nếu ta đặt họ trên con đường đúng, thì ta có thể phát triển họ thành một con người tốt. Ai cũng có thể dạy được người giỏi. Nhưng ai mà dạy được những kẻ thực cần sự huấn luyện mới là một huấn luyện viên đầy nhiệt tâm. Hơn nữa, khi cố gắng và chế ra nhiều cách để dạy người khác, thì chính người huấn luyện viên cũng lại càng thấu triệt được những nguyên tắc cơ bản của sự lãnh đạo và những điểm tinh tế của Hiệp Khí Ðạo.
Không thiên vị chẳng có nghĩa là ta phải dạy mọi người cùng một cách. Một số người mới nghe thấy điều gì là học được ngay, một số người khác thì chỉ thấm nhuần điều đó sau khi lặp lại mười lần. Vì những người lớn tuổi, phụ nữ và thiếu nữ thường không có dịp tập luyện đầy đủ cho nên họ có thể chậm chạp, và người huấn luyện viên phải đặc biệt thận trọng với những người đó và nên tìm những môn sinh có kinh nghiệm hơn giúp đỡ họ.
Những bạn bè cũ cần được tập huyện với nhau, và ta phải nhìn nhận rằng hướng dẫn họ được thì cũng quan trọng cho sự tập luyện của chính ta và ta phải giúp đỡ họ một tay.
Ðó là con đường đúng để trở thành một huấn luyện viên thực sự không thiên vị, một người được ánh sáng của tình thương yêu muôn loài soi sáng, một người có tình cảm thiết tha với mọi người.
7. Các huấn luyện viên phải làm việc với nhau.
Huấn luyện viên chẳng nên cãi lộn với nhau về kỹ thuật và phương pháp huấn luyện. Có nhiều phương pháp để dạy một kỹ thuật, và kỹ thuật thay đổi tùy theo cái lối mà đối thủ dùng sức mạnh ; mọi kỹ thuật đều đúng đường nếu chúng phù hợp với những nguyên lý cơ bản của Hiệp Khí Ðạo. Chính tôi cũng đã dạy một kỹ thuật mỗi xứ một cách khác nhau. Ðôi khi, những chuyển động của tôi thay đổi tùy theo cái lối mà một đối thủ dùng sức mạnh. Cắt nghĩa tất cả những điều đó trong chi tiết là một lối đúng đường nhất, nhưng bởi lẽ có bao nhiêu là kỹ thuật trong Hiệp Khí Ðạo, cho nên nếu ta đi vào tất cả mọi chi tiết của từng kỹ thuật thì ta sẽ chẳng có thời giờ đâu mà dạy người khác nữa.
Bất cứ tôi dạy một kỹ thuật theo lối nào, thì bao giờ một người cũng chỉ nhớ được lối « a », và người khác cũng chỉ nhớ được lối « b » mà thôi. Hai người sẽ cãi nhau, người nọ bảo người kìa là làm sai. Những kỹ thuật Hiệp Khí Ðạo thường có một khuôn khổ hơi khác nhau tùy theo cá nhân học nó. Trong một vài trường hợp chúng tôi dùng những kỹ thuật nhẹ hơn, trong một vài trường hợp khác chúng tôi dùng những kỹ thuật nặng hơn, và rất nhiều khi phương pháp huấn luyện thay đổi theo trình độ tiến triển của người học. Tất cả những điều trên đây cũng đủ phức tạp cho một người mới học nhưng nếu các huấn luyện viên còn tranh luận với nhau và bảo nhau là dạy sai, thì người mới học sẽ chẳng biết đâu mà học, chẳng biết ai mà tin.
Có một lần, sau khoảng thời gian lối một năm, tôi trở lại thăm phòng tập ngày trước tôi đã dạy. Ở đó tôi thấy ông A và B đang tranh luận với nhau xem ai làm đúng một kỹ thuật. Người nào cũng cho là mình đúng và người kia sai. Tôi bèn bảo hai người thử biểu diễn kỹ thuật đó cho tôi xem, thì thấy cả hai cùng biểu diễn đúng. Hai người nghe tôi nói vậy thì hết sức ngạc nhiên, nhưng cứ công bằng mà nói thì không một ai trong hai người biểu diễn thật là hay cả. Tôi bảo rằng cả hai cùng đúng, mà cả hai cũng là sai. Hai người ngây ra, không hiểu tôi muốn nói gì. Tôi bèn giải nghĩa như sau: « Cả hai anh đều biểu diễn kỹ thuật đó đúng. Tôi chắc rằng tôi đã dạy A làm theo lối A và B làm theo lối B. Tôi nói rằng cả hai đều đúng là vì mỗi người nhớ một trong hai lối đúng. Cả hai đều sai là vì lối đúng của họ làm cho kỹ thuật họ sai đi ». Sau khi chỉ dẫn lại cho hai người xem chỗ nào họ sai, thì cả hai đều biểu diễn được đúng lối cả.
Rồi tôi giải nghĩa rằng nếu huấn luyện viên mà cứ cãi lộn với nhau thì họ sẽ làm cho học trò lẫn lộn. Chẳng ai học được mười điều mà nhớ được đủ mười điều. Huấn luyện viên phải luyện tập chung với nhau một cách vô vị kỷ và nghe lẫn nhau để tất cả đều có thể hiểu được lối nào là đúng. Tôi cũng chỉ cho họ biết rằng nếu họ đã dùng cái thời gian tranh luận đó vào việc hỗ trợ nhau thì có lẽ họ đã tìm ra họ lầm ở chỗ nào trước khi tôi tới phòng tập rồi.
Ðôi khi, các huấn luyện viên nên quây quần với nhau để luyện tập với nhau trong một tinh thần khiêm tốn và cởi mở. Họ phải bàn luận với nhau không những về tác dụng của một kỹ thuật, mà còn về sự kỹ thuật đó có phù hợp với những nguyên lý Hiệp Khí Ðạo hay không. Nếu dòng nước chảy cũng tuân theo một số qui luật nào đó, thì sự lưu thông của khí cũng thế. Bất cứ một thế lực nào để thay đổi dòng lưu thông của nó cũng là trái nghịch với thiên nhiên. Nếu cái kỹ thuật đang được mổ xẻ đó sự thực phù hợp với những nguyên lý, thì cho dù bạn hạ một địch thủ hoặc bạn bị địch thủ đó hạ, cái kỹ thuật ấy phải được cảm thấy đúng lối. Nếu không, thì có cái gì không hòa hợp với nguyên tắc và bạn phải tái xét tất cả những chi tiết của kỹ thuật đó.
Ðừng bao giờ cũng ôm lấy ý kiến của bạn chỉ vì bao giờ bạn cũng làm như vậy. Tinh thần Hiệp Khí Ðạo là luôn luôn sửa sai ngay tức thì lúc ta thấy là ta sai. Ðôi khi có trường hợp xảy ra là những người lớn tuổi sai lầm và những người nhỏ tuổi đúng lối, thì người lớn tuổi có thể không chịu thua và theo những người nhỏ tuổi. Sự thực thì khi sửa điều mình làm sai, chẳng phải là họ đã làm theo người nhỏ hơn mình mà chỉ là làm cái điều phải mà thôi. Người nhỏ tuổi bao giờ cũng sẽ tin tưởng vào một người lớn tuổi nếu người này nhìn nhận một cách thẳng thắn: « Tôi đã làm một lỗi lầm » Không chịu nhận phần lỗi về mình sẽ khiến những người trẻ đâm ra nghi ngờ tất cả những điều họ đã học của ta và họ sẽ không còn tin tưởng vào ta nữa.
Vũ trụ thì bao la, và qui luật của nó thì sâu rộng. Hãy luôn luôn khiêm tốn, luôn luôn cố gắng học tất cả những gì mà vũ trụ có thể dạy ta, và luôn luôn nghe xem người khác muốn nói gì. Bất kể là thầy hay trò, bất kể là thâm niên hay thiếu nên, điều gì đúng thì vẫn đúng và điều gì sai thì vẫn sai. Hãy ghi tư tưởng đó vào tâm não các bạn.
Những qui luật cho huấn luyện viên Hiệp Khí Ðạo ứng dụng vào mọi giải trình của xã hội. Ta vừa là môn đệ Hiệp Khí Ðạo, lại vừa là huấn luyện viên Hiệp Khí Ðạo. Một môn đệ tốt thì bao giờ cũng là một huấn luyện viên tốt và ngược lại. Người nào thành thực trong đời thì cũng sẽ là một người lãnh đạo tốt trên đời. Ðiều mong ước của tôi là mọi người nên áp dụng những nguyên lý cơ bản của Hiệp Khí Ðạo, hãy luyện tập và tiến bộ ở những phòng tập, và rồi ra đời để trở thành những cấp lãnh đạo hoạt động và có nhiều ảnh hưởng.