Thực tế bút phê chỉ đạo sẽ thể hiện rõ năng lực và cũng là sức mạnh của con người ấy mà vị lãnh đạo này của anh thì cả hai mặt đều có thừa. Mạnh mẽ trong từng lời nói lẫn cử chỉ hành động biểu hiện hẳn ra ngoài như một sự ngạo nghễ thách đố và và buộc cấp dưới phải sợ hãi phục tùng. Được cử về làm lãnh đạo khi nội bộ đang có nhiều rối ren, ông ta nhanh chóng thể hiện quyền lực của mình ngay tức khắc bằng sức mạnh của lời nói lẫn việc làm nhằm buộc cấp dưới, thậm chí là đến cấp phó giúp việc cũng phải nể sợ ngán ngại. Và ông cũng rất khôn ngoan được lòng cấp trên lẫn ban ngành liên quan, tạo thành dư luận ủng hộ nhiều chiều giúp ông ta vươn lên những vị trí cao hơn. Từ đó ông ta đã vượt lên tất cả, trở nên rất độc quyền, độc đoán trong cử chỉ lãnh đạo, phủ nhận mọi ý kiến ngược chiều, tự quyết tất cả mọi việc. Tập thể lãnh đạo với nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng cho đến chính quyền hình như không có ý nghĩa nhiều với ông ta trong chỉ đạo công việc. Chính vì vậy dần dần ông ta vô hiệu hóa được một số người không ăn cánh. Trong chuyên án “cá độ 99” cũng vậy, thời gian đầu ý kiến chỉ đạo của ông ta không rõ ràng, cụ thể mặc dù bút phê chỉ đạo khá thẳng thắn. Vẫn luôn hối thúc cấp dưới, cụ thể anh và ban chuyên án phải đẩy nhanh tiến độ án và xác định rõ cần phải thu thập chứng cứ để xử lý tên trùm. Sau cái chết của trung sĩ cảnh sát hình sự thì ông ta cũng ý thức được mức độ nguy hiểm của bọn xã hội đen lộng hành đã thách thức luật pháp đến mức độ nào và “bật đèn xanh” cho “cá độ 99” chính thức chuyển hướng đấu tranh cụ thể từ thể thao sang bọn giang hồ xã hội đen. Từ ấy ông liên tục có những ý kiến chỉ đạo sát sao với ban chuyên án. Khi chuyên án làm được một số việc và cấp trên vào cuộc giúp đỡ thì ông ta ngày càng hối thúc ban chuyên án phải thực hiện hàng loạt những yêu cầu mà rõ ràng vượt quá tầm của ban chuyên án. Ngay từ hồi đó anh đã có cảm giác hình như ông ta đang muốn biến chuyên án này thành một thành tích cho ông ta. Ông ta cũng hiểu rất rõ trong nội bộ có vấn đề và cũng có thể “đoán” ra được những ai có liên quan, nhưng ông ta vẫn lập lờ trong xử lý. Rõ ràng từ ngày ấy, với quyền hạn có trong tay ông ta có thể thông qua công tác điều chuyển cán bộ để hạn chế bớt những tác hại sẽ xảy ra và với vị trí của một lãnh đạo ông có thể “cứu” nhiều cán bộ công an bằng nhiều cách, nhưng ông ta không làm điều đó, hoàn toàn không làm gì một cách khó hiểu. Biết buông trôi mọi việc. Chưa kể qua đấu tranh án, nhiều lần anh toát mồ hôi vì biết được những bí mật đến không ngờ về vị lãnh đạo của mình. Thật lòng mà nói thì anh không tin, hoàn toàn không tin ông có liên quan đến tên trùm xã hội đen này bởi một con người thông minh khôn ngoan sắc sảo như ông ta thì tên trùm này không dễ gì qua mặt. Huống hồ ngay từ đầu ông cũng đã xác định với ban chuyên án về sự nguy hiểm của tên trùm này bằng mọi cách cần phải tiêu diệt hắn ta cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong khi chỉ đạo án, ông cũng rất chú ý đến tên trùm, tuy nhiên điều mà ông buộc ban chuyên án phải làm khi xử lý tên trùm là chứng cứ, điều ấy hoàn toàn đúng luật nhưng lại là những thách thức to lớn cho ban chuyên án. Chưa kể nhiều lúc ông vẫn giao những việc cho ban chuyên án nhằm kết hợp với một số người trong ngành mà ông thừa biết đó là những người có vấn đề, không bảo đảm độ tin cậy. Nhiều lần anh phải cắn răng thực hiện và tự hỏi về vị lãnh đạo của mình. Một con người khôn ngoan hết mực, thông minh sắc sảo đến vô cùng và luôn biết triệt để tận dụng sức mạnh của uy quyền để khuất phục người khác, một con người từng trải như thế… tại sao lại… Đấy là câu hỏi của sau này khi mà tất cả bị phơi bày ra giữa phiên tòa xét xử công khai mà ông là một bị cáo sau khi bị Đảng và Nhà nước tước bỏ tất cả, trở thành một công dân bình thường để chịu sự trừng phạt công bằng của luật pháp. Phải chăng đấy cũng chính là nghệ thuật lãnh đạo của ông ta, anh giật mình tự hỏi mình như vậy.
Việc đầu tiên là anh chính thức triển khai cho thành lập một tổ trinh sát trong đơn vị và phân công tham gia trong chuyên án này. Vì biết rằng có “sâu mọt” trong nội bộ nên yêu cầu đầu tiên của anh đối với mọi người tham gia chuyên án này là phải giữ bí mật, giữ bí mật một cách tuyệt đối, không được hé răng về việc làm án gì với bất cứ ai. Mọi công việc đều có thỉnh thị xin ý kiến chỉ đạo cụ thể và phải được phê duyệt mới làm, và người chỉ đạo duy nhất trong chuyên án này là anh. Trong thực tế việc giữ bí mật lâu này đã trở thành một nguyên tắc bất di bất dịch đối với các anh em trong đơn vị, thế nhưng lần này có vẻ gì đó hơi bất bình thường nên trong dư luận có những xôn xao nho nhỏ, tuy nhiên mọi người vẫn nghiêm túc tuân thủ bởi chấp hành mệnh lệnh vốn là một nguyên tắc “vàng” của ngành công an.
Anh cho tổ chức một cuộc họp để quán triệt anh em hiểu ý nghĩa mục đích mà công việc mọi người sẽ làm sắp tới.
- Tội phạm thì thời nào cũng có và có lẽ nó có từ ngàn xưa rồi – Anh mỉm cười với anh em, nói tiếp – Phải hiểu đấy là mặt trái của xã hội và là một sự tồn tại hiển nhiên, thời đại nào, thể chế nào thì nó vẫn tồn tại, chỉ có điều kín đáo hay bán công khai và dưới hình thức nào.
Sau 1960, miền Nam “tạm ổn” khi chính quyền Ngô Đình Diệm đã bình định xong các giáo phái chống đối thì chỉ còn dồn sức vào đối thủ duy nhất, đó là cộng sản.
Người Mỹ đến và mang theo những quan niệm, lối sống của họ, lối sống thực dụng Mỹ. Bắt đầu đợt Làn sóng mới (Le Nouvel Vague) của phương Tây với triết hiện sinh do A.Camus và J.P.Sartre đưa ra. “Tôi nổi loạn vậy là tôi hiện hữu” của Sartre được thanh thiếu niên trẻ miền Nam chào đón nồng nhiệt, xem đây là lối sống thời thượng, hối hả, cuồng nhiệt và là lối sống hiện sinh bấy giờ. Người Mỹ khoanh tay đứng cười, bản thân nước Mỹ với phong trào hippi của những chàng cao bồi miền Viễn Tây mặc quần jean, áo sơ mi caro, ống bốt cao, tóc dài phủ gáy, phóng xe máy Sachs chạy bạt mạng trên đường, kẻ nào cũng hừng hực máu điên trong người, sẵn sàng gây sự và đâm chém bất kỳ ai mà không cần bất kỳ lý do gì, họ có kinh ngiệm rồi, nên chuyện này đối với họ là chẳng lạ. Thế nhưng đôi lúc họ còn vì thâm ý khác, xóa nhòa đi ý chí đấu tranh vì nền hòa bình độc lập và tinh thần yêu nước xuống đường của phong trào học sinh sinh viên miền Nam. Thôi hãy sống gấp đi, hãy ăn chơi nhảy nhót đi, đời có bao nhiêu đâu mà hững hờ, tiếng hát Hùng Cường và Mai Lệ Huyền vẫn gào ra rả trên radio hàng ngày vậy mà.
Xuất hiện hàng loạt các quán cà phê nhạc, bar trên đường Lê Lợi, các phòng trà Hòa Bình, Bồng Lai, Hùng Điệp hay các vũ trường trong khu Tổng đốc Phương Chợ Lớn, Melody, Lai Yun (Lệ Uyển), Arc En Ciel… để cho thanh thiếu niên Sài Gòn bắt đầu làm quen với danh từ “Cao bồi” với những vụ đâm chém nhau đẫm máu, nổi lên ở các vùng Tân Định với các “anh hùng” Càna 1, 2 Bích Pasteur, Búp Moderne, Tình quăn, Tình thẹo, Oger… Phú Nhuận có Đức không quân, Hai con, Hiệp nghiền, Lộc lỳ… các băng Bắc 54 gồm Minh đủ, Đại sứt, Mạnh móm thì kình với băng Cầu Muối, băng Sơn lùn… rồi băng cao bồi võ sĩ, băng Tôn Đản, Thị Nghè, Đakao.. có thể nói là “vô thiên lủng anh hùng thiên hạ” xuất hiện cứ như nấm sau mưa và thỏa mãn thú tính bằng việc đâm chém nhau, đến nỗi cảnh sát Ngụy nhiều lúc cũng ngao ngán lắc đầu bởi ra tay dẹp loạn mà không xuể. Có vẻ như giới trẻ Sài Gòn thời điểm 1960-1963 “khoái” được tụ tập thành băng nhóm để đánh đấm nhau. Và người ta “chia” ra thành nhóm để dễ gọi, với đám trẻ nhà giàu cậu ấm cô chiêu ăn chơi quậy phá như George Hiệp, Chín lỳ, Tọng Aurton… thì gọi là “đám trẻ cao bồi”, chủ yếu ỷ thế lực cha mẹ làm lớn, lắm của nhiều tiền nên “đốt, đập, phá” một chút cho thỏa mãn máu ngông và cảnh sát rất e dè khi đụng đám con cháu ông bà lớn này. Bên cạnh đó, những dân “anh chị” thứ thiệt thì gọi là dân “ba đinh”, đây mới đáng mặt gọi là dân giang hồ thứ thiệt. Đã thế, giới văn sĩ Sài Gòn cũng nhảy vào cuộc “tán tụng” mà Duyên Anh là người “mát tay” nhất trong việc dựng lên nhân vật Đại Cathay đầy chất “anh hùng” trong tiểu thuyết “Điệu ru nước mắt”, biến tên trùm du đãng mà trong hồ sơ của cảnh sát Sài Gòn cũ xếp vào loại đặc biệt chú ý thành một “anh hùng hảo hán” đầy chất phiêu lãng mơ mộng với những nữ sinh áo tím và hành động rất anh chị Nam Bộ. Trong hồ sơ cảnh sát cũ cho biết, để trở thành một trùm du đãng, Đại Cathay không từ bất cứ thủ đoạn nào để thanh toán đối thủ bằng những cuộc chém giết đẫm mãu, tên trùm này đã gom được các băng nhóm khét tiếng khác như nhóm Aristo của Huỳnh Tỳ, Tín Mã Nàm… Anh dừng lại đưa mắt thoáng nhìn các anh em cán bộ chiến sĩ đang lắng nghe anh vẻ say mê như kể một câu chuyện trinh thám hấp dẫn hơn là một bài học nghiệp vụ sơ khởi và anh cũng nhận thấy rằng, hình như mình “ưu ái” nhiều hơn khi nói về nhân vật Đại Cathay này. Thật ra cũng có lý do của nó. Thời trẻ, sau khi về thành phố, mặc dù đã có lần bị cấp trên và đồng nghiệp nhắc nhở coi chừng đọc nhiều văn hóa phẩm của chế độ cũ quá, sẽ bị tiêm nhiễm, lệch lạc tư tưởng thì nguy, điều đó hoàn toàn đúng và anh thừa nhận điều đó. Tuy nhiên anh cũng có quan niệm của riêng mình, trong những tác phẩm văn chương cũ không hẳn là xấu tất cả, nếu biết tinh lọc thì vẫn bổ ích cho người đọc. Giống như những kẻ đang thù địch với chúng ta hiện giờ, dù chúng hàng ngày ra rả bôi nhọ, bêu xấu, dựng chuyện… để đả kích nói xấu chúng ta đi nữa, thì cũng hãy bình tĩnh lắng nghe và quan sát. Cứ hãy tin rằng trong hàng trăm hàng ngàn lời bịa đặt nói xấu ấy, ấy cũng có vài phần trăm nhỏ đáng chú ý lắng nghe, ngẫm nghĩ và tự răn mình. Đấy cũng là thái độ của người quân tử biết đứng lên trên mọi sự nhỏ nhen tầm thường của cuộc đời này. Anh rất tiếc là có một thời gian ngắn, có quan điểm rằng cái gì của chế độ cũ là xấu và cần tiêu hủy tất cả. Vì thế có rất nhiều tác phẩm văn hóa cũ từ sách báo tư tài liệu.. đều bị quy nạp như vậy và đưa đi đốt dưới khẩu hiệu rầm rộ “xóa bỏ tàn tích chế độ cũ” để đến bây giờ nhiều lúc muốn tìm lại cho công tác nghiên cứu thì không còn nữa. Anh vẫn tìm đọc nhiều tác phẩm của các nhà văn cũ, từ của cụ Giản chi, Nguyễn Hiến Lê, Vương Hồng Sển, Quách Tấn… cho đến Nguyễn Thị Quảng Bình, Túy Hồng, bà Tùng Long, Võ Phiến, Mai Thảo… cho đến những tác phẩm của Duyên Anh như Thằng Vũ, Con Thúy, Giàn Hoa Thiên Lý… Và không thể thiếu tiểu thuyết Điệu Ru Nước Mắt với nhân vật “ngựa hoang” Đại Cathay cực kỳ lãng mạn qua ngòi bút của nhà văn này. Thật không ngờ gần ba mươi năm sau anh một lần nữa quay lại với nhân vật Đại Cathay, nhưng lần này là vì công việc. Anh quan tâm đến Đại Cathay là vì quá trình hình thành bành trướng thế lực của băng nhóm tên trùm du đãng này. Sau 1963, khi chế độ nhà Ngô sụp đổ, trong lúc tranh tối tranh sáng giữa tranh giành quyền lực và thay đổi chính quyền liên tục như cơm bữa tại miền Nam thì các băng nhóm cao bồi càn quấy chuyển thành những băng nhóm du đãng đúng nghĩa với tên gọi của nó. Từ những vụ đâm chém thỏa máu du công giang hồ khi xưa nay chuyển sang thanh toán lẫn nhau để tranh giành lãnh địa như hàng hàng, vũ trường, sòng bạc, động hút chích… để bảo kê bến bãi, tống tiền, khống chế… Và Đại Cathay đã nổi lên như một “anh hùng” thật sự. Dùng bạo lực qua đâm chém tiêu diệt kẻ ngoan cố đối địch hoặc dám ăn giành lãnh địa cũng như thách thức đến uy tín… Hắn cũng dựa vào những bậc “tiền bối” trong giới giang hồ như Tám Lâu, Mười Sở đứng ra làm trung gian hòa giải với những băng nhóm kình địch khó nuốt để rồi thu phục luôn. Hắn cũng khôn khéo mở đường tiến vào khu vực Chợ Lớn để khuất phục những băng nhóm người Hoa nổi tiếng là dữ dằn có sự liên kết cộng đồng rất cao qua các tổ chức hội kín vừa mang đậm màu sắc dân tộc, tôn giáo nhưng thực chất là các tổ chức maphia của Hải Phòng Kim, Ngũ Long Thập Hổ… bằng cuộc hội ngộ với tên tướng cướp nổi tiếng gian ngoan Tín Mã Nàm. Kể từ thời điểm đó, có thể nói Đại Cathay xứng danh một ông trùm thật sự của đất giang hồ Sài Gòn đầy biến loạn. Nhưng rồi tất cả cũng không kéo dài khi tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan “lên gân” ra tay dẹp loạn và Đại Cathay bị bắt giam tại Phú Quốc và mất tích một cách bí ẩn. Dư luận Sài Gòn ồn ào xung quanh cái chết của tên trùm du đãng này, có dư luận cho rằng Đại Cathay dàn cảnh như vậy sau khi kiếm được quá nhiều tiền, đã “tạo cớ” để ôm tiền biến mất, cũng có dư luận cho rằng chính quyền Sài Gòn đã bí mật “thủ tiêu” Đại Cathay vì sợ thanh thế quá lớn của hắn… rất nhiều luồng dư luận khác nhau. Việc anh chú ý đến tên trùm này không phải ngẫu nhiên mà qua quá trình hình thành của Đại Cathay cũng như sự liên kết các băng nhóm sau đó để phân chia quyền lực lẫn quyền lợi của hắn, cũng như sự câu móc vào chính quyền, nhất là bộ máy cảnh sát Sài Gòn cũ để tìm thế lực đỡ đầu, tạo “ô” che cho các hoạt động tội ác của bọn chúng. Anh thở dài. Phải chăng lịch sử luôn là những vòng quay mang tính lập lại chăng? Chuyên án “cá độ 99” mà anh và đồng đội đang làm về tên trùm này hình như mang bóng dáng của tên du đãng Đại Cathay ngày xưa. Mà cũng có thể lắm, anh lẩm bẩm, hắn rất mực ngưỡng mộ Đại Cathay. Có khi nào do ngưỡng mộ mà bắt đầu manh nha những ý nghĩ rằng sẽ phấn đấu để được như Đại Cathay không nhỉ? Thật ra băng nhóm giang hồ xã hội đen của tên trùm này cũng luẩn quẩn từng ấy chuyện, có điều nó tinh vi hơn, xảo quyệt hơn, còn bài bản tiền, gái thì vẫn vậy.