Hàn Phi Tử

PHẦN II - Chương 1

Về tiểu sử Hàn Phi chúng ta chỉ có ba nguồn tài liệu: Chiến Quốc sách, Hàn Phi Tử và Sử ký của Tư Mã Thiên; nhưng những tài liệu ấy đa số đều mập mờ hoặc không đáng tin, có khi mâu thuẫn nhau nữa.

Trước hết chúng ta có thể gạt bỏ tài liệu trong Chiến Quốc sách, tức bài Diệu Cổ đáp vua Tần (Tần - V.8- bản dịch của chúng tôi, nhà Lá Bối 1973) vì Chiến Quốc sách không đáng coi là một tác phẩm về sử, (nhiều bài chỉ có giá trị về văn học, về luận thuyết thôi, điều này chúng tôi đã trình bày trong phần giới thiệu Chiến Quốc sách trang 40, nhất là bài Diệu Cổ đáp vua Tần có giọng tiểu thuyết quá, không thể tin được). Đại khái truyện như sau:

Hàn Phi thấy Diệu Cổ là người nước Ngụy, giúp vua Tần (Thủy Hoàng) đắc lực được phong chức thượng khanh, mà ghen ghét, dèm pha, tấu với vua Tần: "Cổ đem châu báu, phía Nam đi sứ Kinh (tức nước Sở), Ngô, phía Bắc đi sứ Yên, Đại. Ba năm sau, tình giao thiệp với các nước vị tất dùng quyền của đại vương, bảo vật của quốc gia mà tự kết giao với chư hầu xin đại vương xét lại. Vả lại tên lính giữ cửa của nước Lương đó đã ăn cướp ở Lương, lại có lần làm bề tôi ở Triệu mà bị đuổi (...) mà đem bàn việc xã tắc với hắn thì còn đâu cái nghiêm khắc đối với quần thần"

Vua Tần bèn vời Diệu Cổ vô hỏi. Cổ nhận hết, nhưng bảo Thái Công Vọng, Quản Trọng, Bách Lý Hề đều xấu xa đê tiện vì Thái Công Vọng có lúc làm tên đồ tể, Quản Trọng vốn là một con buôn tham bỉ, Bách Lý Hề là một tên ăn xin ở đất Ngu, vậy mà vua Văn vương, vua Tề Hoàn công, vua Tần Mục công vẫn dùng họ mà nhờ họ lập được nghiệp vương, nghiệp bá, còn hạng cao khìết như các ẩn sỹ Biện Thùy, Vụ Quang, Thân Đồ Địch thì không vua nào dùng được, nên họ chẳng giúp gì cho xã tắc. Vậy là khi dùng người, nhà vua chỉ nên xem xét kẻ đó giúp được việc cho mình không, chớ đừng câu nệ họ dơ bẩn, xấu xa; nhất là đừng nghe lời gièm pha mà sẽ không có bề tôi trung với mình đâu

Rốt cuộc, "vua Tần khen là phải, lại dùng Diệu Cổ mà giết Hàn Phi".

Nhân vật Hàn Phi trong bài đó bị bôi nhọ quá thành một biện sỹ hạ đẳng, vô tư cách mà Tần Thủy Hoàng cũng không đáng là một ông vua dựng được nghiệp lớn nhất thời Chiến Quốc: Đã hồ đồ nghe lời Hàn Phi, rồi lại dễ dàng bị Diệu Cổ thuyết phục, giết Hàn Phi một cách vô lý. Sự thực, Hàn có thể bị Lý Tư (và có lẽ cả Diệu Cổ nữa) gièm pha, nhưng chết vì một lý do khác hẳn.

Chiến Quốc sách chỉ chép mỗi truyện đó về Hàn Phi. Bộ Hàn Phi Tử cho ta được nhiều tài liệu hơn: năm thiên hết thảy.

Thiên I - Sơ kiến Tần, mà nhiều tác giả chú giải là bài biểu Hàn Phi dâng vua Tần trong lần hội kiến đầu tiên, nhưng họ không cho ta biết  việc xảy ra năm nào. Đại ý bài đó bảo Tần đừng sợ lục quốc (Triệu, Yên, Ngụy, Kinh "Sở", Tề, Hàn) hợp tung đánh Tần vì kho lẫm của họ trống rỗng mà sỹ tốt của họ sợ chết, nên họ sẽ thua. Còn Tần có điều kiện để làm bá chủ, sở dĩ chưa thôn tính được thiên hạ vì mưu thần bất tài, bất trung (Hàn dẫn chứng Tần vì lầm lẫn mà ba lần để lỡ cơ hội làm bá).

Cuối cùng, Hàn kết: “Thần không sợ chết, xin yết kiến đại vương để bàn về cách phá thế hợp tung của các nước trong thiên hạ, thắng Triệu, diệt Hàn[1] bắt Kinh, Ngụy phải thần phục, bắt Tề, Yên phải kết thân với mình, để thành cái danh bá vương. Xin đại vương thử nghe thuyết của thần, một lần ra quân mà quân trong thiên hạ không bị phá (…) danh bá vương không thành, chư hầu bốn phương không thần phục thì xin đại vương chém đầu thần đi để mọi người trong nước biết rằng thần mưu tính mà không trung thành với chúa”.

Có ba lí do để nghi ngờ bài đó không phải của Hàn Phi:

- Không có một sách nào khác chép truyện đó cả, trước sau Hàn Phi chỉ đi sứ Tần có một lần để dâng vua Tần bài biểu Tồn Hàn (coi phần dưới) thôi.

- Giọng bài đó cũng là giọng bọn biện sĩ như Tô Tần, Trương Nghi, chứ không phải giọng một tư tưởng gia về chính trị như Hàn. Có người ngờ là của Thái Trạch (người nước Thái, lấy tên nước làm tên họ, làm tể tướng Tần Chiêu vương sau khi Phạm Tuy từ chức); nhưng Chiến Quốc sách cho là của Trương Nghi thuyết Tần Huệ Vương. Bài trong Chiến Quốc sách (Tần sách I.5) y hệt bài trong Hàn Phi tử, chưa rõ bộ chép bộ nào.

- Tư tưởng của Hàn Phi trong bài đó, tức thiên 1- Sơ kiến Tần trái ngược hẳn với thiên 2 – Tồn Hàn. Trong Sơ kiến Tần Hàn Phi nguyện giúp Tần diệt lục quốc, trong đó có nước Hàn, tổ quốc của Hàn Phi. Trong Tồn Hàn, trái lại Hàn Phi cố thuyết phục Tần Thủy Hoàng duy trì nước Hàn:

Lúc đó Triệu và Tần xích mích với nhau, Tần muốn chiếm Hàn trước vì Hàn nằm giữa Tần và Triệu. Hàn Phi khuyên đừng đánh Hàn vì Hàn từ trước vẫn cống nộp và thi hành mệnh lệnh của Tần, chưa chắc đã diệt ngay được, Hàn sẽ cố thủ; trong khi đó Ngụy, Triệu sẽ hướng về Tề, khối hợp tung sẽ mạnh mà Tần sẽ nguy:

“Hàn vốn là một nước nhỏ, phải chống cự sự công kích ở bốn phía, chúa nhục, tôi khổ, trên dưới cùng lo lắng với nhau từ lâu rồi, cho nên phòng bị kỹ, đề phòng kẻ địch mạnh, tích trữ lương thực, xây đắp hào lũy để cố thủ. (Như vậy) Tần mà đánh Hàn thì một năm chưa chắc đã diệt được, còn nếu như chỉ chiếm được một thành rồi rút lui thì quyền uy của Tần sẽ bị thiên hạ coi thường, mà thiên hạ sẽ bẻ gẫy binh của ta, (vì) Hàn mà phản (chống) Tần thì Ngụy sẽ hưởng ứng, Triệu sẽ dựa vào Tề, được Tề hậu viện. Như vậy Hàn, Ngụy thêm sẽ cho Triệu, mượn cái phúc của Triệu, cái họa của Tần”

Vì vậy tốt hơn, Tần nên giao hảo với Kinh (Sở), Ngụy, rồi đánh Triệu, thắng được Triệu, Tề rồi thì tự nhiên Hàn, Ngụy, Kinh đều qui phục Tần: “Theo kế ngu của thần thì nên (một mặt) sai người đi sứ Kinh, dùng lễ hậu mua chuộc các bề tôi có trọng trách, trình bày cho họ thấy Triệu đã khinh nhau (hay gạt) Tần ra sao; mặt khác trao đổi con tin với Ngụy cho Ngụy an tâm, rồi đốc suất quân của Hàn để đánh Triệu[2], dù Triệu có liên kết với Tề cũng không đáng lo. Dẹp xong hai nước đó (Triệu, Tề) rồi, chỉ cần gởi một bức thư là định được nước Hàn. Như vậy là nhất cử mà hai nước bị suy vong, lại thêm Kinh, Ngụy cũng tự qui phục ta”

Đoạn trên, Hàn Phi giữ được tư cách một sứ giả, đề cao tinh thần đoàn kết quyết tâm cố thủ của vua tôi Hàn; đoạn dưới lí luận vững nên Tần thủy Hoàng có vẻ xiêu, nhưng còn do dự.

Thiên Tồn Hàn đó có học giả cũng ngờ không phải của Hàn Phi, vì giọng cũng hơi có giọng biện sĩ nhưng sự việc kể trong thiên thì chắc đúng, vì hợp với Sử kí của Tư mã Thiên (coi đoạn sau)

- Thiên 3 – Nan ngôn, nhiều nhà chú giải cũng cho là một bài biểu của Hàn Phi vì mở đầu “Thần là Phi, không phải là khó nói…..” mà tư tưởng cũng hợp với Hàn Phi (so sánh thiên đó với thiên XII Thuế Nan), nhưng không học giả nào biết được bài biểu đó dâng vua nào, nên chúng tôi không thể dùng để viết tiểu sử của Hàn được.

- Thiên 19 Sức tà - Bài này cũng có giọng một bài biểu, các nhà chú giải cho là Hàn Phi viết để dâng vua Hàn, khuyên đừng nên tin dị đoan, đừng nên trông cậy vào nước lớn, chỉ nên tin ở chính mình thôi, và muốn nước mạnh thì vua phải sáng suốt trong việc thưởng, nghiêm khắc trong việc phạt, thưởng và phạt không được quá đáng mà cũng không được bất cập.

Những tư tưởng đó đúng là của Hàn Phi, nên chúng ta có thể tạm tin được.

Sau cùng Thiên XLII Vấn điền có chép một đoạn Hàn Phi trả lời Đường Khê công, một mưu thần của nước Hàn.

Đường Khê công cảnh cáo Hàn Phi rằng lập ra pháp luật và thuật thì sẽ nguy cho thân như Ngô Khởi và Thương Ưởng. Hàn đáp rằng mình vẫn biết vậy nhưng đặt ra pháp luật là việc lợi cho dân, cho nên mình cứ làm, dù có gặp bề trên hôn ám, không hiểu mình mà bị tai họa ra sao thì cũng chịu, như vậy mới đáng là bậc nhân, trí.

Đoạn đó rõ ràng là của người sau viết và không đáng tin, vì theo một học giả Trung Hoa hiện đại, Trần Thiên Quân, thì Đường Khê Công lớn hơn Hàn Phi khoảng bảy chục tuổi, khó có thể nói chuyện với Hàn Phi như vậy được. (Coi Léon Vadermeersch – sách đã dẫn trang 58-59) Tóm lại những tài liệu trong Hàn Phi tử chỉ có hai điểm này là có thể tin được:

- Hàn Phi muốn cho nước Hàn mạnh, khuyên vua Hàn nên trọng pháp luật, đừng tin dị đoan, đừng trông cậy nước lớn.

- Hàn Phi ráng thuyết phục Tần Thủy Hoàng bảo tồn nước Hàn.

Chung qui, tài liệu giúp chúng ta được nhiều nhất vẫn là Sử kí của Tư mã Thiên. Trong Sử kí có ba thiên nhắc tới Hàn Phi:

- Thiên 63: Lão tử, Trang tử, Thân Bất Hại, Hàn Phi trong phần Liệt truyện.

- Thiên 6: Tần Thủy Hoàng trong phần Bản kỉ.

- Thiên 45: Hàn trong phần Thế gia.

Thiên 63, Tư mã Thiên viết:

“Hàn Phi là một công tử[3] của nước Hàn, thích cái học về hình danh, pháp, thuật, nhưng gốc là cái học của Hoàng đế, Lão tử.

Ông vốn cà lăm, nói không hay nhưng viết hay. Ông cùng với Lý Tư theo học Tuân Khanh; Lý Tư tự xét không bằng ông. Ông thấy nước Hàn mất đất, suy nhược, mấy lần dâng thư can gián vua Hàn[4], nhưng vua Hàn không biết dùng ông, nên ông bực mình rằng nhà vua trị nước không lo sửa chữa, làm sáng tỏ pháp chế, không nắm lấy cái thế để chế ngự bề tôi, làm cho nước nước giàu binh mạnh, không tìm hiền tài giao cho chức vụ mà trái lại, cất nhắc bọn sâu mọt bậy bạ, trọng dụng chúng hơn hạng người thật có lòng. Ông cho rằng bọn Nho sĩ dùng văn làm loạn pháp luật, còn bọn hiệp sĩ dùng võ mà phạm cấm lệnh. Thời thong thả (bình an), nhà vua quí hạng người có danh tiếng (hão), đến khi cấp bách thì lại dùng kẻ sĩ mang áo giáp, đội mũ trụ (nón trận), như vậy kẻ dùng được không nuôi mà kẻ được nuôi lại không dùng được. Ông buồn vì nỗi kẻ liêm khiết ngay thẳng là nạn nhân của bọn bề tôi gian tà, cong queo, xét các biến cố nên hay hỏng trong thời trước, mà viết các thiên Cô phẫn, Ngũ đố, Nội, ngoại trừ, Thuế nan….gồm trên mười vạn chữ.

“Có người đem sách của ông đến nước Tần, vua Tần[5] đọc các thiên Cô phẫn và Ngũ đố, bảo: “A, nếu quả nhân được gặp người này, giao du với ông ta thì chết cũng không hận!” Lý Tư tâu rằng tác giả những thiên đó là Hàn Phi.

Lúc đó Tần đương đánh nước Hàn. Vua Hàn trước kia không dùng Hàn Phi, bây giờ lâm nguy mới sai Hàn Phi đi sứ Tần. Vua Tần thích ông nhưng chưa tin dùng thì Lý Tư và có lẽ Diêu Cổ muốn hại ông, gièm pha ông với vua Tần rằng: “Phi là công tử nước Hàn. Nay nhà vua muốn kiêm tính chư hầu; rốt cuộc Phi tất vị Hàn chứ không vị Tần đâu, nhân tình như vậy. Nhà vua không dùng hắn, giữ hắn lâu ở đây rồi cho về Hàn thì là tự chuốc lấy họa vào mình. Sao bằng buộc tội hắn rồi giết đi.” Vua Tần cho là phải, xử tội Hàn Phi. Lý Tư sai người đem thuốc độc cho Hàn Phi, bảo nên sớm tự xử, Hàn Phi muốn trần tình, xin yết kiến vua Tần mà không được. Sau vua Tần ăn năn, sai người tha cho Hàn Phi thì Hàn Phi đã chết.

“Nguyên nhân cái chết của Hàn Phi ở đây đáng tin hơn trong Chiến Quốc sách, hợp với thiên Tồn Hàn trong Hàn Phi Tử. Hàn Phi được nhà vua Hàn Vương An phái qua thuyết phục Tần Thủy Hoàng nên tồn Hàn, nhưng Hàn Phi thất bại, bị vua Tần nghi ngờ mà chết oan.

Thiên 6: Trong phần Bản kỉ cho ta biết thêm: năm thứ 10 đời Tần Thủy Hoàng, Lí Tư bàn với vua Tần chiếm Hàn trước cho các nước khác sợ. Vua Tần bèn phái Lí Tư qua Hàn để thuyết phục vua Hàn thần phục Tần. Vua Hàn cảm thấy Tần muốn thôn tính mình, bàn với Hàn Phi về cách làm cho Tần yếu đi. Bốn năm sau, tức năm 14, Hàn Phi được phái qua Tần thuyết phục vua Tần tồn Hàn, nhưng vua Tần nghe lời Lí Tư[6], muốn chiếm Hàn, nên giữ Hàn Phi lại và Hàn Phi chết ở Vân Dương. Năm 17, Tần chiếm Hàn, đổi thành quận Dĩnh Xuyên.

Sau cùng, thiên 45, phần thế gia Tư Mã Thiên chép:

Năm thứ 5 đời (Hàn) Vương An: Tần đánh Hàn, Hàn lâm nguy, phái Hàn Phi qua Tần, nhưng Tần giữ Hàn Phi lại xử tử.

Năm thứ 9 đời Vương An, Tần bắt sống được Vương An, chiếm hết nước Hàn, đổi thành quận Dĩnh Xuyên. Hàn bị diệt.

Vậy Tư Mã Thiên ghi rõ Hàn Phi chết năm thứ 14 đời Tần Thủy Hoàng tức năm thứ 5 đời Hàn Vương An, Tây lịch là -234 và bốn năm sau, tức năm -230 Hàn bị diệt.

Tất cả các tài liệu chúng tôi kiếm được đời Hàn Phi chỉ có bấy nhiêu. Tóm lại, chúng ta có thể tin được những điều dưới đây:

Hàn Phi là một công tử nước Hàn, học rộng, biết cả đạo Nho (vì là môn đệ của Tuân Tử), đạo Lão, nhưng thích nhất học thuyết của các Pháp gia, có nhiều tư tưởng mới về chính trị, được Lí Tư phục là giỏi. Ông ở trong giai cấp quí tộc nhưng có tinh thần tiến bộ, trọng kẻ sĩ giỏi pháp thuật (tức bọn tân địa chủ), chê bọn “trọng nhân” (quí tộc) là cổ hủ, vô dụng.

Ông có tinh thần ái quốc cao. Nước Hàn nhờ Thân Bất Hại mà được yên ổn mười lăm năm. Từ khi Thân chết, nước Hàn lại rất suy nhược. Đất hẹp, không được ngàn dặm mà ở vào một vị trí nguy hiểm, tại ngay cửa ngõ của Tần. Khi Tần mạnh lên, muốn thôn tính chư hầu, Hàn thành ra cái đích của các chư hầu nhắm vào. Thờ Tần không được, sẽ bị Tần nuốt; mà chống Tần thì không đủ sức. Hợp tung hay liên doanh thì Hàn ở địa đầu, bao giờ cũng bị tai họa trước nhất. Cho nên trong thiên Ngũ đố (coi phần trích dịch), Hàn Phi rất ghét bọn du thuyết dùng miệng lưỡi ngoại giao nay liên kết với nước này, mai liên kết với nước khác, chỉ nghĩ đến lợi của họ mà không nghĩ đến cái lợi nước. Theo ông muốn cho nước mạnh, thì phải dùng thuật và pháp, cải tổ lại nội chính, đừng trông cậy vào ngoại giao. Chắc ông đã nhiều lần đề nghị với vua Hàn như vậy mà vua không nghe, nên ông buồn rầu. Thiên Cô phẫn (coi phần dịch) của ông có lẽ viết vào lúc ông không được dùng ở Hàn, chứ không phải trong khi bị giam ở Tần.

Mãi tới khi Hàn lâm nguy, sắp bị Tần thôn tính, Vương An mới phái ông đi sứ qua Tần để thuyết phục Tần Thủy Hoàng bảo tồn Hàn, nhưng Tần Thủy Hoàng không nghe lời ông mà nghe lời Lí Tư, ngờ ông không thực tình mà chỉ làm lợi cho Hàn thôi nên giết ông năm –234. Có sách chép là đầu năm -233. Chúng tôi dùng năm này. Ba năm sau Vương An bị bắt sống, tổ quốc ông bị diệt.

Năm tử của ông không còn gì nghi ngờ cả. Còn năm sinh thì Tư Mã Thiên không cho ta biết, nhưng các học giả gần đây, chẳng hạn Tiền Mục dựa vào các giả thuyết này: Hàn Phi và Lí Tư cùng học chung một thầy là Tuân tử, tuổi chắc xấp xỉ nhau; rồi đoán rằng Lí Tư khi tới Tần, ít nhất cũng khoảng ba chục tuổi, ở Tần khoảng bốn chục năm rồi mới bị Nhị thế Hoàng đế (Hồ Hợi) giết năm -208; như vậy Lí Tư phải sinh vào khoảng bảy chục năm trước, tức khoảng -280, mà Hàn Phi cũng vậy.

Các sách chúng tôi có đều theo thuyết đó, nhưng chúng ta nên nhớ rằng niên đại -280 chỉ là phỏng chừng, có thể là sai mười năm.

Có người đọc tiểu sử Hàn Phi trong Sử kí đưa ra nghi vấn này: Lí Tư vốn là con người thủ đoạn, biết Hàn Phi giỏi hơn mình, tất ghen tài Hàn Phi, tại sao lại giới thiệu Hàn với vua Tần khi mà vua Tần khen các thiên Cô phẫn và Ngũ đố của Hàn? Mà đã giới thiệu rồi, tại sao sau lại gièm pha bạn bị xử tử? Rốt cuộc là Hàn chết vì yêu nước hay vì bị gièm pha? Chúng tôi nghĩ rằng có thể vì cả hai: Lí Tư có thể vô tình, buột miệng ra mà bảo tác giả là Hàn Phi, không ngờ rằng sau Hàn Phi đi sứ qua Tần, mà vua Tần được gặp rồi thích; rồi tới khi Hàn Phi thuyết phục vua Tần duy trì Hàn, trái với chủ trương của Lí Tư thì tất nhiên phải bác, gièm pha Hàn là tô điểm lời nói để che đậy mưu gian, vì nếu vua Tần nghe mà Tần và Hàn thân thiết với nhau thì lợi cho Hàn, nhất là cho Phi vì Phi sẽ được trọng dụng.

Nhưng truyện vua Tần thích văn của Hàn Phi tới nỗi than rằng được gặp thì chết cũng không hận, có đáng tin không đã? Chúng tôi ngờ rằng chỉ là một giai thoại cho vui thôi, vì Tư Mã Thiên đã mâu thuẫn với chính ông. Trong tiểu sử Hàn Phi đó, ông bảo vua Tần đọc hai thiên Cô phẫn và Ngũ đố trước khi gặp Hàn Phi; rồi cuối bộ Sử kí, trong thiên 130 Thái sử công, tự ông lại bảo “Hàn Phi bị giam ở Tần nên mới viết hai thiên Thuế Nan và Cô Phẫn”. Vậy thì thiên Cô Phẫn viết lúc nào? Trước khi Hàn Phi qua Tần hay khi Hàn Phi (chỗ này chắc sắp chữ thiếu) chỉ là một giai thoại, như vậy cái chết của Hàn Phi rất dễ hiểu: Lí Tư sợ thuyết của Hàn Phi làm trở ngại chủ trương của mình nên mới tìm cách hại Hàn Phi, và Hàn Phi chết vì có tài bênh vực cho tổ quốc.

Tinh thần ái quốc của Hàn Phi thật đáng khen, chúng tôi đã có lần nói (trong Chiến Quốc sách) rằng quan niệm quốc gia của người Trung Hoa thời Xuân thu và Chiến quốc không như quan niệm của chúng ta ngày nay. Thời đó tuy Trung Hoa chia làm nhiều nước, phong tục, ngôn ngữ, y phục một số nước ở phương Bắc (như Yên, Triệu) rất khác một số nước ở phương Nam (như Sở, Việt), một số nước ở phương Đông (như Tề, Lỗ) cũng rất khác một nước ở phương Tây (như Tần) nhưng hết thẩy đều tôn nhà Chu là thiên tử, tự mình cùng là chư hầu cả - ít nhất trên danh nghĩa và cho tới giữa đời Chiến quốc –vì vậy một triết gia hay một kẻ sĩ ở này, không được vua mình trọng dụng vẫn thường đi nước khác tìm một “minh quân” để thờ, coi mọi người trong “thiên hạ” là dân của nhà Chu[7] đều là anh em với nhau cả; Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử…..đều như vậy hết, nói gì tới Tô Tần, Trương Nghi, Thái Trạch…….

Đọc Hàn Phi Tử, chúng ta thấy Hàn có một lí tưởng rõ rệt: giúp các ông vua làm cho nước phú cường lên mà hết loạn. Suốt đời ông hoài bão lí tưởng đó, nhiệt tâm với nó tới nỗi biết rằng mình nói ra không ai nghe, sẽ bị cô lập vì mình phải “chọi lại ý của chúa”, chống lại bọn “bề tôi gian tà”, “chỉ có một miệng mà muốn tranh với cả nước (Cô Phẫn); hơn nữa, có thể nguy tới tính mạng vì người ta có thể vu oan cho tội lỗi rồi dùng phép công để giết, nếu không thì sẽ tìm cách ám sát, nghĩa là có thể chịu cảnh của Ngô Khởi, tướng quốc của Sở Điệu vương – bị giết và chặt tay chân, hoặc cảnh Thương Ưởng – tướng quốc của Tần Hiếu công – bị xé xác, nhưng ông vẫn giữ lí tưởng, không sợ chết mà chỉ hận rằng không gặp được một bực vua chúa biết nghe như Sở Điệu vương, như Tần Hiếu công để ông được chết như Ngô khởi và Thương Ưởng sau khi làm sáng tỏ pháp luật và thuật của ông (Hòa Thị). Tác giả thiên Vấn điền hiểu tâm sự đó của ông, nên đã cho ông trả lởi Điền Khê công như trên chúng tôi đã tóm tắt.

Bây giờ xét lại đời ông, chúng ta thấy ông sinh vào khoảng -280 thì

- Năm đó tướng Tần là Bạch Khởi đánh Triệu,

- Năm -260 (Hàn Phi mới vào khoảng hai chục tuổi), Bạch Khởi lại thắng Triệu, chôn sống bốn chục vạn quân Triệu đã đầu hàng.

- Bốn năm sau, năm -256, Tần vô Chu, Chu phải dâng hết đất cho Tần.

Vậy khi Hàn Phi dựng được học thuyết của ông về chính trị rồi (trên dưới ba chục tuổi) thì ông tất thấy rõ rằng trong thất hùng, Tần mạnh nhất, chỉ có Tần mới thống nhất được Trung Quốc và thời cơ gấp lắm rồi, muốn thực hiện lí tưởng của ông thì phải về với Tần. Thời đó, như chúng tôi đã dẫn chứng, bỏ tổ quốc mà thờ nước khác là chuyện bình thường. Chính Lí Tư bạn học của ông, người nước Sở mà cũng thờ Tần, và chẳng ai trách cả. Vậy mà ông không bỏ Hàn qua Tần, mặc dầu ông không được trọng dụng ở Hàn, lại biết Hàn rất suy nhược – tới Triệu và Sở kia, lớn gấp mấy Hàn mà không chống nổi Tần – thì sớm muộn gì cũng bị Tần thôn tính. Ông trung với Hàn tới phút chót, tới khi vua Hàn phái ông qua Tần thuyết phục Tần đừng diệt Hàn, ông vẫn làm tròn sứ mạng của ông, khiến Lí Tư phải nhận rằng lời văn, giọng biện thuyết của ông thật tài, có sức mê hoặc mạnh mẽ. Và chính vì vậy mà ông bị giết! Cho nên Vương Sung đời Hán tiếc rằng vua Hàn đã không nghe lời ông nên mới mất nước và gần đây Trần Khải Thiên bảo ông bị Lí Tư hại mà thực ra là ông hi sinh cho tổ quốc.

Thật chua xót cho ông. Thà gặp được một ông vua biết nghe mình, thực hiện một phần lý tưởng của mình rồi bị giết như Ngô Khởi, Thương Ưởng thì ông cũng cam tâm, đằng này, chỉ vì một ông vua tầm thường, không chịu nghe lời ông, ông phải chết oan uổng mà không ích gì cho tổ quốc cả: ba năm sau khi ông mất, nước Hàn bị Tần tiêu diệt.

Lòng ái quốc của ông ngang với Khuất Nguyên mà còn có kẻ còn căn cứ vào bài biểu Sơ kiến Tần không một chút gì đáng tin để trách ông là rước voi về giày mồ nữa! Nhưng thốn tâm của ông đã được lưu lại thiên cổ trong hai thiên Cô Phẫn và Thuế nan mà từ Tư Mã Thiên đến nay ai cũng nhận là bất hủ.

Lời này của ông ở cuối thiên Nan ngôn: “Dù là hiền thánh cũng không tránh được chết chóc và lăng nhục (...) chỉ vì bọn ngu khó thuyết phục được” là một lời chua xót hơn là một lời tự phụ.

Chú thích:

[1] Chúng tôi nhấn mạnh

[2] Vì Hàn đã tự coi là một quận huyện của Tần

[3] Tức con trai thứ của một vua chư hầu: con trưởng là thái tử hay thế tử.

4] Hàn Vương An

[5] Tần Thủy Hoàng

[6] Trong thiên II Hàn Phi tử sau bài Tồn Hàn của Hàn Phi, cá nhân bài biểu của Lí Tư khuyên vua Tần đừng nghe lời Hàn Phi vì Hàn Phi chỉ muốn mưu lợi cho nước Hàn thôi, mà nên tấn công ngay Hàn đi.

[7] Cho nên dân khi muốn ở trong nước mình nữa vì vua tàn bạo hay vì chiến tranh liên miên thì chạy qua một nước khác mà ông vua nào cũng muốn dân các nước khác về với mình: dân có đông nước mới mạnh.

NIÊN BIỂU HÀN PHI

Docsach24.com