Hàn Phi Tử

P3 - Chương 1

Từ Khổng Tử, không triết gia nào không bất mãn về xã hội thời Đông Chu, nhà nào cũng đưa ra một biện pháp để cứu thế. Đại khái có hai phái: phái quý tộc suy vi không muốn đổi mới, phái tân địa chủ muốn đổi mới.

Trong phái trên, Lão tử chủ trương hoàn toàn thoái hóa, trở về chế độ bộ lạc thời nguyên thủy. Nòng cốt tư tưởng về chính trị (mà cũng về nhân sinh nữa) của ông ở trong câu: “phản giả đạo chi động” (Đạo đức kinh- chương 40).

Chữ “phản” đó có thể hiểu theo hai nghĩa:

- Nghĩa thứ nhất là tuần hoàn, hết một vòng rồi lại trở về, như trăng tròn rồi lại khuyết, mặt trời lên tới đỉnh rồi lại xuống, triều dâng rồi rút, hết đông rồi sang xuân, tóm lại là “vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản”

_- Nghĩa thứ nhì là trở về cái gốc, tức cái tự nhiên như “vô”. Vì theo ông, vạn vật từ cái hữu mà ra, cái “hữu” lại từ cái “vô” mà ra.

Vì vây, ông cho rằng trị nước tốt nhất là “vô vi”, mà lí tưởng là một nước nhỏ, dân ít mà không đi đâu xa. Có xe thuyền mà không ngồi, có gươm giáo mà không bày. Bỏ hết văn tự, dùng lối thắt dây (kết thằng) đời thượng cổ; ai nấy chỉ ăn no, mặc ấm, ở yên ổn; đến chết cũng không qua lại các nước láng giềng. Nhà cầm quyền không can thiệp đến đời sống của nhân dân để dân sống theo tự nhiên. (Xem Đại cương triết học Trung Quốc của chúng tôi, quyển hạ, trang 690, 691- Cảo thơm- Sài Gòn, 1996).

Khổng Tử muốn duy trì chế độ phong kiến, nhưng nghĩ rằng phải tùy thời biến dịch, cho nên tuy ông “tổ thuật Nghiêu Thuấn, hiến chương Văn Võ”[1] (bắt chước vua Văn, vua Võ nhà Chu), khen tổ chức nhà Chu là rực rỡ, đáng theo (Chu giám ư nhị đại, úc hồ văn tai! Ngô tòng Chu: Nhà Chu noi theo hai nhà Thương và Hạ mà định lễ tiết, rực rỡ, đẹp đẽ thay, cho nên ta theo lễ tiết nhà Chu- Bát dật-14) mà cũng có tinh thần cải cách cho hợp thời:

1/ Đưa ra chủ trương chính danh- phải có tư cách ông vua thì mới đáng gọi là vua- viết sách Xuân Thu để “chính danh tự, định danh phận, ngu bao biếm”.

2/ Bảo vua phải vậy mới gọi là cha mẹ dân được (dân chi sở hiếu, hiếu chi, dân chi sở ố, ố chi, thử chi vị dân chi phụ mẫu- Đại học), và kẻ cai trị dân mà dùng chính hà khắc thì còn gớm hơn cọp (Lễ Kí).

Trên một thế kỷ sau, xã hội loạn hơn, bọn quý tộc suy hơn, bọn tân địa chủ lớn mạnh, Mạnh tử đứng về phía bọn tân địa chủ, có tư tưởng tiến bộ hơn, cơ hồ không tin cậy gì ở nhà Chu nữa, muốn ủng hộ bất kì một ông vua Chư hầu nào chịu thi hành nhân chính để thay thế nhà Chu. Ông quí dân hơn Khổng tử, bảo: “dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, lớn tiếng mạt sát những ông vua tàn bạo ham giết người, xa xỉ, để cho dân đói, bảo Trụ là tên thất phu, giết Trụ là giết một tên thất phu chứ không phải thí quân, mắng Lương Huệ vương là “cho loài thú ăn thịt dân”; có lần còn dọa Tề Tuyên vương là coi chừng kẻo bị truất ngôi, khiến cho Tuyên vương biến sắc (Vạn Chương hạ-9). Ông cho bề tôi có quyền coi vua là giặc: “Vua xem bề tôi như chó như ngựa thì bề tôi xem vua như người lạ trong nước, vua xem bề tôi như đất như cỏ thì bề tôi xem vua như giặc như thú” (Quân chỉ thị thần như khuyển như mã, tắc thần thị quân như khấu như thù – Li Lâu hạ).

Mạnh còn sáng kiến đưa ra thuyết “nhất trị nhất loạn” trong lịch sử: Thiên Đằng Văn công hạ, bài 9, ông bảo một môn đệ là “đương thời vua Nghiêu, các dòng bị ngăn nên chảy nghịch, nước ngập tràn cõi Trung Quốc. Các giống rắn rồng ở lẫn lộn với người trên mặt đất, dân không có nơi ở yên. Kẻ ở dưới thấp phải làm chòi mà ở, kẻ trên hang phải đào hang mà trú. Kinh thư chép: “Nước tràn ta nên phòng bị. Nước tràn bờ là nạn lụt (hồng thủy) đấy”.

Đó là một thời loạn.

“Vua Thuấn sai ông Vũ trị thủy. Ông Vũ đào vét những chỗ bế tắc cho nước chảy ra biển. Ông đuổi rắn rồng ra nơi đồng xa cỏ rậm. Các dòng nước mới theo chiều đất mùa (mà?) chảy, đó là mấy sông Giang, Hoài, Hà, Hán. Những cái ngăn trở sông rạch đã dẹp xong, loài chim loài thú hại người đều bị tiêu diệt, từ đó nhân dân mới được đất bằng mà ở”. Đó là thời trị.

“Vua Nghiêu vua Thuấn đã mất, đạo trị quốc của hai ông thánh đó mỗi ngày một suy. Những ông vua bạo ngược nối nhau mà ngất ngưởng trên ngai; họ phá cung tường, nhà cửa bách tính để đào ao xây hồ, dân chúng chẳng có chỗ an nghỉ. Họ lấy ruộng đất của bách tính làm vườn bách thảo, bách thú, khiến cho dân thiếu ăn thiếu mặc. Lại thêm những tà thuyết bạo hạnh nổi lên. Vườn bách thảo bách thú, ao hồ, bái (hồ trồng hoa), đầm ngày càng nhiều thì các chim và thú quí tụ càng đông. Tới đời vua Trụ loạn cực điểm”. Đó lại là một thời loạn nữa.

“Bấy giờ, ông Chu công giúp ông Võ vương, giết vua Trụ, phạt nước Yên, ba năm mới giết được vua nước Yên, đuổi Phi Liêm (kẻ sủng ái của vua Trụ) ra tận góc biển mà giết. Năm chục vua chư hầu (theo nhà Thương, tức theo vua Trụ) bị Võ vương tiêu diệt hết. Những đoàn thú như cọp, beo, tê, voi (vua Trụ nuôi), ông thả ra và đuổi đi xa. Thiên hạ rất mừng rỡ”. Đó là một thời trị nữa.

“Rồi đời càng suy, đạo càng kém, những tà thuyết, bạo hạnh lại nổi lên, có kẻ bề tôi giết vua, có kẻ làm con giết cha”. Đó lại là một thời loạn nữa. Khổng tử sợ, mới soạn bộ Xuân Thu, chép hành vi các vua để răn đời” (…).

“ Ngày nay bậc thánh vương không ra đời, các vua chư hầu thì luông tuồng, mà hạng xử sĩ thì bàn ngang luận càn, học thuyết của Dương Chu và Mặc Địch lan tràn thiên hạ, khi bàn bạc người nào không theo Dương thì theo Mặc. Dương chỉ biết có mình, như vậy là không có vua; Mặc thương tất cả mọi người (như nhau), như vậy là không có cha. Không vua, không cha, tức là cầm thú”. Loạn cực rồi. Mạnh tử còn bảo cứ năm trăm năm lại một thời thịnh, rồi lấy sử ra để chứng thực:

_Từ vua Nghiêu, vua Thuấn đến vua Thang là trên 500 năm (1);

_ Từ vua Thang đến Văn vương là trên 500 năm (2)

_Từ Văn vương đến Khổng tử là trên 500 năm nữa. (3)[2]

(Tận tâm hạ-38)

Ông biết rằng từ Khổng tử đến ông mới được trên trăm năm, nhưng lại không tính theo từ Khổng tử, mà từ vua Thang đến ông được non 1500 năm (sự thực cũng gần đúng), nên ông hi vọng đã đến một thời thịnh, ông có thể nối nghiệp của Khổng tử được. Ông đã thất vọng: thuyết nhất thịnh nhất suy đúng (có bao giờ một triều đại, một dân tộc thịnh hoài được đâu) nhưng cái luật 500 năm của ông sai (từ Văn vương đến Khổng tử là 634 năm) mà ông chết rồi ( năm -289), Trung Quốc còn tiếp tục loạn thêm 68 năm nữa, đến năm –221, Tần Thủy Hoàng mới diệt hết lục quốc, thống nhất được toàn cõi. Thực ra suốt triều Tần, Trung Hoa cũng không thể coi là trị được, phải đợi đến năm -206, Hán Cao Tổ lên ngôi, mới bắt đầu một thời bình trị, vậy là từ khi Võ vương chết phải đợi 909 năm sau mới có một thời trị (-1115 đến -206) chứ không phải 500 năm.

Đưa ra thuyết nhất trị nhất loạn đó là Mạnh tử đã trình bày một lịch sử quan rồi. Trước thế kỉ thứ 4 trước T.L, ở Trung Quốc chưa xuất hiện một lịch sử quan nào cả; từ thế kỉ đó nối tiếp nhau, chúng ta có tới ba lịch sử quan: của Mạnh tử, của Trâu Diễn và của Thương Ưởng.

Trâu Diễn (-340 _ -260) sinh sau Mạnh tử, thuộc phái Âm dương, cũng chủ trương thịnh suy hữu thời, nhưng thuyết của ông rất kì cục, dùng ngũ hành – ông gọi là ngũ đức- để giảng lịch sử. Theo ông thì “ngũ đức chuyển di, trị các hữu nghi”. Ngũ hành thay phiên nhau: thổ rồi tới mộc, mộc rồi tới kim, kim rồi tới hỏa, hỏa rồi tới thủy, hết thủy rồi lại trở về thổ; cứ mỗi hành thịnh cực rồi lại suy và cái hành khắc nó lên thay nó (mộc khắc thổ, kim lại khắc mộc, hỏa lại khắc kim, thủy lại khắc hỏa, thổ lại khắc thủy), như vậy là “ngũ đức chuyển di”, và người trị dân, cầm quyền trong nước phải hành động hợp với hành nào đang thịnh ở thời mình, như vậy là “trị các hữu nghi”. Khi một thời đại nào suy đến cùng cực, thời đại khác sắp dấy lên thì trời có điềm báo cho dân biết.

Thời Hoàng đế, hiện ra điềm ở các loài côn trùng vàng. Màu vàng là màu của thổ. Hoàng đế biết là khi thổ mạnh, cho nên ông chuộng màu vàng, và công việc chú trọng vào đất. Tới thời vua Vũ (nhà Hạ) có điềm cây cỏ mùa đông, mùa thu không tàn lụi, ông biết là khi mộc mạnh, nên chuộng màu xanh (màu của mộc) và công việc chú trọng vào cây cối. Qua đời vua Thang (nhà Thương) có điềm các loài kim thuộc sinh ra ở chất nước (?), ông biết là khí kim mạnh, nên chuộng màu trắng (màu của kim), và công việc làm theo tính chất của kim(?). Đến đời Văn vương (nhà Chu), có điềm con quạ đỏ ngậm sách vàng trên nền thờ nhà Chu, ông biết là khi hỏa thịnh nên chuộng màu đỏ và công việc làm theo tính chất hành hỏa. Thay thế hành hỏa tất sức là hành thủy, tất cũng sẽ có điềm khi thủy mạnh, và ông vua thời sau sẽ chuộng màu đen (màu của thủy), công việc là sẽ theo tình chất hành thủy. Tới khi hành thủy suy cực rồi, sẽ trở về hành thổ. Các thời đại trong lịch sử cứ nối tiếp nhau, thay nhau theo luật ngũ hành đó, hết một vòng rồi trở về thổ là nguyên thủy, hơi giống thuyết “phản giả đạo chi động”của Lão tử.

Nhưng thuyết của Lão tử hợp với thiên nhiên, còn thuyết của Trâu Diễn có tính cách thần bí, phản khoa học mà cũng không thể chứng minh bằng lịch được. Thời vua Thang có thật chuộng màu trắng không, mà công việc làm tính chất hành kim là như thế nào? Và kim thuộc sinh ra ở chất nước là kim thuộc nào? Truyện con quạ đỏ ngậm sách vàng đậu trên nền thờ nhà Chu là truyện hoang đường, và chúng ta cũng không hiểu công việc làm tính chất hành hỏa là làm sao?

Tuy nhiên tư tưởng của Trâu Diễn cũng có điểm đúng: ông nhận ra rằng lịch sử luôn luôn biến động, theo những mâu thuẫn bên ngoài (mâu thuẫn đó ông gọi là sự xung khắc của ngũ hành); và mỗi thời có một chế độ, văn hóa riêng (ông gọi là công việc làm theo tính chất của mỗi hành); cái gì không hợp thời đều phải bỏ, đời sau không nên theo chính sách của đời trước. Ông bảo:

“Chính trị, giáo dục, văn hóa, nghi thức cụ thể là những cái để bổ cứu cho thời đạo. Hợp thời thì dùng, lỗi thời thì bỏ, (thời thế) có thay đổi thì thay đổi. Cho nên người cố chấp mà không biến đổi thì chưa thấy việc chính trị được đạt đến hết mức vậy” (Theo sách Hán thư, chương Nghiêm An truyện-do Lã Chấn Vũ trích trong sách đã dẫn-trang 190).

°

Lịch sử quan thứ ba của Thương Ưởng. Thương lớn tuổi hơn Mạnh. Theo Hàn Phi thì ở thời ông nhiều người còn giữ bộ “Thương Quân thư”. Bộ đó có thể không phải của Thương Ưởng viết, và cũng như bộ Quản tử, do người đời sau ngụy tạo, vậy không đáng tin hẳn. Nhưng các học giả gần đây như Phùng Hữu Lan, Tần Khải Thiên, Lã Chấn Vũ… đều cho rằng Thương Ưởng có thuyết “tam thế”, nên dưới đây chúng tôi cũng dẫn một đoạn trong chương Khai tắc về thuyết đó:

“Có trời đất lập ra rồi mới có dân, thời bấy giờ dân biết mẹ mà không biết cha; đạo lí của họ là thân cận với người thân thuộc và yêu cái riêng tư (…). Người thì đông mà ai cũng lo cho cái riêng tư, không biết đến ai thì sẽ gây ra loạn. Ở thời ấy dân chỉ nhằm lợi cho mình và dùng sức mà đè nén nhau. Muốn có lợi cho mình thì phải đè nén nhau; tranh giành nhau thì phải kiện tụng nhau; kiện và mất lòng ngay thẳng thì sẽ không còn là bản tính của mình. Cho nên khi người hiền đặt ra lẽ công bằng và đạo vô tư thì dân lại dần dần yêu thích đạo nhân. Và lúc bấy giờ người ta đã bỏ việc thân yêu người thân thuộc, mà tôn quý người hiền và lập họ lên (…). Đông người mà không có chế độ nhất định (…) thì sẽ có loạn, cho nên bậc thánh nhân nhận thấy điều đó mới có sự phân biệt ruộng đất, tài sản và nam nữ. Phân biệt như vậy mà không có chế độ để giữ gìn thì không được, cho nên đặt ra pháp lệnh cấm. Đặt ra pháp lệnh mà không có người thi hành bảo vệ thì không được, cho nên phải đặt ra quan. Có các quan rồi mà không có người thống nhất lại một khối thì không được, cho nên lập ra vua. Đã lập ra vua thì phải bỏ lệ tôn quý và lập người hiền, mà lại quý trọng người sang mà lập họ lên. Như vậy là thời thượng cổ thì thân yêu người thân thuộc và quý chuộng cái riêng tư, thời trung thế thì yêu quý người hiền và yêu thích đạo nhân, thời hạ thế thì quý người sang và tôn trọng các quan. Tôn quý người hiền là lấy việc giúp đỡ nhau làm đạo; mà lập ra vua là khiến cho người hiền thành vô dụng; thân yêu người thân thuộc là lấy cái riêng tư làm đạo lí; mà lập ra đạo công thì làm cho cái riêng tư không thực hành được. Ba điều đó không phải là trái ngược nhau nhưng khi đạo trong dân xấu nát thì phải đổi đi” (Lã Chấn Vũ trích trong sách đã dẫn, trang 193-194).

Thời mà Thương Ưởng gọi là “thượng thế” tức là thời nguyên thủy, thời xã hội gồm những bộ lạc mà gia đình theo chế độ mẫu hệ. “Trung thế” là thời theo chủ nghĩa nhân trị, tức như nhà Nho gọi là thời Nghiêu, Thuấn. Còn “hạ thế” là thời “quan trị”, tức “pháp trị”, thời của Thương Ưởng. Thuyết đó chưa phát hiện được quy luật của lịch sử; mà quan niệm thành lập vua, quan của ông cũng không đúng: các nhà xã hội học ngày nay cho rằng chiến tranh giữa các bộ lạc tạo nên quốc vương và quốc gia. (Xem Nguồn gốc văn minh – Chương III, tiết I, Nguồn gốc quốc gia của Will Durant- bản dịch của tôi, nhà Phục Hưng 1974). Tuy nhiên lịch sử quan đó với hai lịch sử quan trên của Mạnh tử và Trâu Diễn tiến bộ hơn cả: không có chút gì thần bí, mà có tính chất tất nhiên; không có thời nào tốt đẹp hơn thời nào, không có một hoàng kim thời đại trong dĩ vãng như Lão, Khổng tin tưởng vì theo ông, thân yêu người thân, theo cái riêng tư, hay tôn quí người hiền mà giúp đỡ lẫn nhau, hoặc lập ra vua quan, theo đạo công, ba cái đó, “không trái ngược nhau” – ông muốn nói là đều theo luật tự nhiên cả, đều là hợp với mỗi thời cả, không thể gọi là tốt hay xấu được, hễ việc đời biến đổi thì việc hành đạo cũng phải khác.

Cho nên ông bảo: “Phải tùy thời đại mà định chế độ, mỗi cái đều phải thuận theo hoàn cảnh của nó”.

Trong phần I chúng tôi đã dẫn lời ông đáp Tần Hiếu công: “Thời tam đại (Hạ, Thương, Chu) lễ không giống nhau mà đều làm được vương nghiệp; các ông bá pháp luật không giống mà đều lập được bá nghiệp (…). Vua Thang, vua Vũ không theo cổ mà làm bậc vương, Hạ và Ân có thời theo cổ mà mất nước. Vậy làm khác thời trước chưa hẳn là đáng chê mà theo thời cổ cũng chưa hẳn là đáng khen”. Qui tắc là phải theo thời và hợp lí.

“ Lễ độ và pháp luật phải theo thời mà qui định; chế độ và pháp luật phải thuận theo lẽ phải mà thích nghi với hoàn cảnh; quân đội, võ khí, các đồ dùng đều phải thuận tiện cho việc sử dụng”.

°

Nếu những đoạn chúng tôi mới dẫn đó thực là tư tưởng của Thương Ưởng (do người đời sau chép lại) thì Hàn Phi đã chịu ảnh hưởng rất lớn của ông.

Hàn cũng đưa ra thuyết “tam thế”. Thiên Bát thuyết ông viết: “Người đời (thượng) cổ gấp lo về đức hạnh, người đời Trung cổ ganh nhau về trí, người đời nay tranh nhau về sức mạnh. (Cổ nhân cứu đức, trung thệ trục ư trí, đương kim tranh ư lực). Thời thượng cổ ít việc mà dùng thiết bị đơn giản, chất phác, thô lậu mà không tinh, cho nên mài vỏ trai lớn để dẫy cỏ, dùng xe bánh không có tay hoa. Thời thượng cổ ít người mà thân nhau, tài vật nhiều nên người ta khinh cái lợi và dễ nhường nhau, do đó mới có việc vái nhau mà nhường thiên hạ (ám chỉ việc Nghiêu, Thuấn nhường ngôi).

Thời thượng cổ theo Hàn là thời Nghiêu, Thuấn, Thang, Vũ, thời trung cổ là thời Xuân Thu, còn thời “đương kim” là thời Chiến Quốc. Chúng ta nhận thấy Thương Ưởng bảo “thời thượng cổ thì thân yêu người thân”, mà Hàn Phi cũng nói “thời thượng cổ ít người mà thân nhau”. Nhưng thuyết tam thế của Hàn Phi không tinh vi bằng thuyết của Thương Ưởng.

Lại thêm sự phân chia ra thượng cổ, trung cổ, hiện kim của Hàn cũng không nhất trí. Đầu thiên Ngũ đố, ông cho thời thượng cổ là thời Hữu Sào, Toại Nhân, tức thời loài người còn ăn lông ở lỗ; thời trung cổ là thời ông Vũ trị thủy (tức thời mà trong thiên Bát thuyết ông gọi là thời thượng cổ); thời cận cổ là thời ông Thang nhà Thương và ông Võ Vương nhà Chu:

“Đời thượng cổ nhân dân ít mà cầm thú nhiều, nhân dân không thắng nổi cầm thú, trùng rắn. Sau đó thánh nhân ra đời, kết cành làm ổ (trên cây) để các loài đó khỏi xâm hại, nhân dân mừng, tôn làm vua thiên hạ - (quan niệm về sự lập vua này cũng khác của Thương Ưởng) - gọi là họ Hữu Sào (có ổ). Nhân dân ăn trái cây, rau cỏ, trai hến, tanh tao hôi hám hại ruột, bao tử, nhiều người đau ốm. Sau các thánh nhân ra đời, dùng cái “toại” dùi cây khô để lấy lửa, nướng các thức ăn cho hết tanh tao, nhân dân mừng, tôn làm vua thiên hạ, gọi là họ “Toại nhân”. Thời trung cổ, thiên hạ bị lụt lớn, ông Côn và ông Vũ (người sáng lập ra nhà Hạ), khơi ngòi (cho nước rút). Đời cận cổ, Kiệt Trụ bạo loạn, ông Thang, ông Võ Vương chinh phạt họ” (Ngũ đố).

Chắc hai thiên Bát thuyết và Ngũ đố viết các nhau khá xa và Hàn Phi không coi lại, nhưng điểm đó không quan trọng. Chúng tôi chỉ nhấn vào chỗ ông chủ trương phải biến cổ và dùng sức mạnh, ở đây chúng tôi xem xét điểm thứ nhất: biến cổ, trong một chương sau chúng tôi sẽ xét triết lí sức mạnh (làm cho quốc gia phú cường) của ông.

Cũng như Thương Ưởng, ông bảo thời đại đã khác thì việc cũng phải khác (thế dị tắc sự dị). Cho nên sau đoạn trong thiên Ngũ đố chúng tôi mới dẫn ở trên, ông viết tiếp: “Nếu có người ở đời Hạ dạy dân kết cành làm ổ hoặc dùng cái “toại” để lấy lửa, tất bị ông Côn, ông Vũ chê cười; có người ở đời Ân (Thương), Chu khơi ngòi, tất bị ông Thang ông Võ chê cười. Hiện nay nếu có người lại ca tụng đạo cái ông Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Võ tất bị các ông thánh đời nay chê cười. Vậy thì thánh nhân không nhất định phải theo cổ, giữ cựu lệ mà phải xét việc đương thời rồi tùy nghi tìm biện pháp”.

聖人不期循古,不法常行,論世之事,因為之備

(Thánh nhân bất kì tuần cổ, bất pháp thường hành, luận thế chi sự, nhân vi chi bị).

Thiên Bát thuyết, ông cũng bảo: “Sống ở thời nhiều việc – tức thời ông – mà dùng những khí cụ của thời ít việc, không phải là cách xử sự của người có trí. Giữa thời tranh đấu gay gắt mà theo lối vái nhường, không phải là phép trị nước của thánh nhân”.

Lời đó rất đúng. Chúng ta còn nhớ giai thoại vua Yên tên là Khoái ở thế kỷ thứ 4 trước TL, khi về già, vì muốn được người ta khen như vua Nghiêu, nên nhường ngôi cho Tử Chi, chỉ trong vài năm nước Yên đại loạn, bị Tề đánh, cả vua Yên lẫn Tử Chi đều bị giết.

“Người không biết cách trị nước tất bảo: “Không biến cổ, không đổi tập tục”. Thánh nhân không nhất định phải biến đổi hay không biến đổi, miễn việc trị nước được thích nghi mà thôi”

不知治者,必曰:“毋變古,毋易常”。變与不變,聖人不聽,正治而已

(Bất tri trị giả tất viết: Vô biến cổ, vô dịch thường. Biến dữ bất biến, thánh nhân bất thính, chính trị nhất dĩ). Y Doãn không biến đổi nhà Ân, Thái công không biến đổi nhà Chu thì vua Thang vua Võ đâu lập được nghiệp vương. Quản Trọng không biến đổi nước Tề, Quách Yển không biến đổi nước Tấn thì Tề Hoàn công và Tấn Văn công đâu lập được nghiệp bá” (Nam diện).

Thời Hàn Phi, sau những cuộc tấn công mạnh bạo của Lí Khôi, Ngô Khởi, Thân Bất Hại, Thương Ưởng vào giai cấp quí tộc cũ, trong cái khí thế đương lên của bọn biện sĩ Tô Tần, Trương Nghi, chắc có ít vua chúa và chính khách nào chủ trương phục cổ. Ngay đến Nho gia cuối cùng của thời đại là Tuân Tử cũng không “pháp tiên vương” mà “pháp hậu vương” – nghĩa là không theo pháp độ của các vua thời xa xăm về trước mà theo pháp độ của các vua gần Tuân hơn như từ các vua đầu đời Chu trở đi – cũng đả đảo chế độ thế tập; dù là con cháu các Vương công mà không có tài có đức, không thuộc lễ nghĩa, thì cũng phải làm thường dân, con thường dân có tài có đức thì cũng được làm khanh tướng, đại phu. Nhưng cũng còn một bọn quân sư và nhiều xử sĩ không lãnh trách nhiệm gì ở triều đình vẫn đề cao thời Nghiêu Thuấn, viện dẫn lời Nghiêu Thuấn để mạt sát thời hiện tại, làm ngăn trở một phần công việc cải cách của các kẻ sĩ chủ trương dùng pháp thuật chứ không dùng nhân nghĩa, nên Hàn Phi rất ghét bọn đó. Trong Hàn Phi tử có trên chục lần ông lớn tiếng mắng mỏ họ, mỉa mai họ và ngọn bút của ông luôn luôn sắc bén.

Trong thiên Hiển Học, ông bảo các việc viện dẫn Nghiêu Thuấn là vô căn cứ, nếu không phải là ngu thì là lừa gạt:

“Khổng tử và Mặc tử đều xưng tụng Nghiêu Thuấn mà chủ trương khác nhau và đều tự cho là chân truyền của Nghiêu Thuấn. Nghiêu Thuấn đã không thể sống lại thì ai là người quyết định được học thuyết nào mới thực là của Nghiêu Thuấn? Đời Ngu và đời Hạ dài trên 700 năm, đời Ân và Chu dài trên 2000 năm[3] mà còn không quyết định được Nho hay Mặc là chân chính; nay muốn khảo sát đạo cách đây 3000 năm của Nghiêu Thuấn thì cơ hồ không sao xác định được! Không tham nghiệm mà cứ xác định thì là ngu; không xác định được mà dùng làm chứng cứ thì là lường gạt người ta. Vậy căn cứ vào các tiên vương mà theo đạo Nghiêu Thuấn thì nếu không phải là ngu, cũng là lừa gạt thiên hạ. Cái học ngu và gạt người ấy, hỗ tạp và mâu thuẫn ấy, bậc minh chủ không thể chấp nhận được”.

Ý Hàn Phi muốn nói Khổng Tử và Mặc Tử sống tương đối gần đời Nghiêu Thuấn mà còn không biết chắc thời Nghiêu Thuấn ra sao (nên mỗi nhà hiểu Nghiêu Thuấn một khác); thế thì những người thời ông, sống sau Khổng tử và Mặc tử, còn cách xa Nghiêu Thuấn hơn nữa, làm sao biết được thời đó mà dám viện ra làm chứng cớ.

Việc “thác cổ” (viện dẫn thời cổ) đó rất dễ, ai làm cũng được, muốn nói sao thì nói, hiểu cách nào thì hiểu, vì có ai biết thời cổ ra sao đâu bắt bẻ. Y như các chuyện vẽ quỉ Hàn chép trong Ngoại trừ thuyết tả thượng vậy:

“Có người vẽ cho vua nước Tề. Vua Tề hỏi:

- Vẽ cái gì khó nhất?

Người đó đáp:

- Vẽ chó, ngựa khó nhất.

- Vẽ gì dễ nhất?

- Ma quỉ dễ nhất.

(Vì) chó với ngựa ai cũng biết, cũng thấy trước mặt từ sáng tới chiều, không thể vẽ bậy được, cho nên khó vẽ. Còn ma quỉ không có hình trạng, không thấy trước mắt nên dễ vẽ”.

Không kể trường hợp người “thác cổ” thiếu chính trực về tinh thần, cố ý hiểu sai, bẻ cong tư tưởng cổ nhân cho phù hợp với chủ trương của mình; ngay giữa người thành thực mà thiếu thông minh không chịu suy xét, tham khảo, cũng gán cho cổ nhân những ý không phải của cổ nhân, mà hạng người ngu đó thời nào cũng rất nhiều. Hàn Phi cũng trong thiên kể trên đưa ra ba ví dụ, chúng tôi xin phép chép lại hai:

“(Chu) thư có câu “thí nó, buộc nó”. Một người nước Tống đọc tới đấy lấy hai cái dây lưng tự thắt buộc bụng. Người ta hỏi:

- Làm gì (kì) vậy? Đáp:

“Vì sách dạy vậy”.

Sách dậy việc tu thân, phải giữ gìn, làm chủ dục vọng của mình, đừng phóng túng, chứ đâu phải bảo cột bụng cho chắc.

“Một người khác ở đất Dĩnh (kinh đô nước Sở) viết thư cho vị tướng quốc nước Yên. Viết ban đêm, lửa không đủ sáng, bèn bảo người cầm đuốc: “Đưa cây đuốc lên”

(Miệng nói vậy) tay chép ngay vào thư “đưa đuốc lên”. Mấy chữ đó không phải là ý trong thư. Tướng quốc nước Yên đọc tới đó mừng lắm, bảo: “Đưa cây đuốc lên là trọng sự sáng, trọng sự sáng tức là tiến cử, bổ dụng người hiền”. Rồi ông ta tâu với vua, vua hoan hỉ (theo lời) và nhờ vậy nước Yên thịnh trị. Tuy thịnh trị đấy nhưng đâu phải là ý trong thư. Đa số các học giả ngày nay giống như vậy.” Hai trường hợp đó, gọi là nệ cổ, tin từng chữ của cổ nhân, không có phán đoán, thành thử cổ nhân nói một cách, ta hiểu một cách, hoặc cổ nhân lầm lẫn mà mình cứ tin là đúng.

Thời khác thì sự việc phải khác. Dù chính sách của tiên vương có hay mà không hợp thời thì cũng phải bỏ. Thời của Hàn người ta tranh nhau về sức mạnh thì đem nhân nghĩa ra dậy đời, ca tụng tiên vương là vô ích. Thiên Hiển học, ông viết:

“Khen Mao Tường, Tây Thi (hai mỹ nhân đời cổ) có ích gì cho mặt mình đâu; dùng son, phấn, dấu, than (thuốc màu đen) mà tô điểm thì mặt mới đẹp gấp bội. Khen tiên vương là nhân nghĩa, có ích lợi gì cho việc trị nước đâu; làm sáng pháp độ, thưởng phạt cho đúng và nghiêm, đó mới là thứ son phấn, dấu, than của quốc gia. Cho nên bậc minh chủ gấp lo việc có kết quả (tức pháp độ, thưởng phạt) mà hoãn cái việc ca tụng “tiên vương” lại”.

Bọn ca tụng tiên vương, khoe khoang rằng cứ nghe theo lời họ, theo phép người xưa mà trị nước thì sẽ lập được nghiệp vương là bọn nói láo đáng khinh như bọn cô đồng thầy cúng:

Bọn cô đồng thầy cúng bảo một người: “tôi sẽ cầu cho ông sống ngàn vạn năm tuổi”. Những tiếng ngàn vạn năm tuổi loạn cả tai người đó mà không có gì chứng tỏ rằng người đó thọ thêm được một ngày, vì vậy mà người ta khinh bọn thầy cúng cô đồng. Ngày nay bọn Nho sĩ thuyết các vua thì không chỉ cách thời nay phải trị nước ra sao mà cứ kể cái kết quả trị nước thời xưa, không xét đến cách trị dân của quan lại cùng lòng kẻ gian tà, mà chỉ kể những lời khen đời thượng cổ truyền lại, dùng sự nghiệp của tiên vương. Họ khoe khoang: “Cứ nghe lời tôi thì sẽ lập được nghiệp bá vương”; họ chính là bọn thầy cúng cô đồng trong giới du thuyết đấy; bậc vua chúa có pháp độ không dùng họ. Bậc minh chủ vụ cái thiết thực, bỏ cái vô dụng, không giảng thuyết nhân nghĩa, không nghe lời của bọn học giả” (Hiển học).

Hàn chê chính sách nhân nghĩa của cổ nhân là không hợp thời, vô dụng, chỉ như những trò chơi của trẻ con. Thiên Ngoại trừ thuyết tả thượng của ông viết:

“Trẻ con chơi với nhau, lấy đất làm cơm, bùn làm canh, dăm bào làm thịt, nhưng chiều thì về nhà ăn cơm, vì cơm bằng đất, canh bằng bùn, chơi thì được chứ ăn không được. Khen những điều thời thượng cổ truyền lại, nghe thì hay mà thực tế thì vô dụng; giảng thuyết nhân nghĩa của tiên vương mà không biết cách chỉnh lí quốc gia, đó cũng là những việc để chơi chứ không để đem trị nước được”

夫嬰兒相與戲也,以塵為飯,以塗為羹,以木為胾,然至日晚,必歸饟者,塵飯、塗羹可以.戲而不可以食也。夫稱上古之傳頌,辯而不愨,道先王仁義而不能正國者,此亦可以戲而不. 可以為治也

(Phù anh nhi tương dữ hí dã, dĩ trần vi phạm, dĩ đồ vi canh, dĩ mộc vi chi, nhiên chí nhật vãn, tất qui hướng giả, trần phan đồ canh khả dĩ hí nhi bất khả dĩ thực dã. Phù xưng thượng cổ chi truyền tụng, biện nhi bất khác, đạo tiên vương nhân nghĩa nhi bất năng chính quốc gia, thử diệc khả dĩ hí nhi bất khả dĩ vi trị dã)

Thiên Gian kiếp thí thần, giọng ông còn gay gắt hơn nữa:

“Các học giả ngu trên đời, đều không hiểu tình hình trị loạn, cứ lảm nhảm tụng hoài sách cổ, làm loạn sự cai trị hiện thời; trí lự của họ không đủ để tránh cái hố bẫy mà lại chế bậy các thuật sĩ (kẻ sĩ dùng pháp thuật). Nghe lời họ thì nguy, dùng kế họ thì loạn, ngu tới như vậy là cùng cực mà hại cũng là tột bực”.

且夫世之愚學,皆不知治亂之情,讘䛟多誦先古之書,以亂當世之治;智慮不足以避阱井之陷,又妄非有術之士。聽其言者危,用其計者亂,此亦愚之至大,而患之至甚者也

(Thả phù thế chi ngu học giai bất tri trị loạn chi tình, chiếp giáp đa dụng tiên cổ chi thư, dĩ loạn đương thế chi trị; trí lự bất túc dĩ tỉnh tỉnh chi hãm, hựu vọng phi hữu thuật chi sĩ. Thính kì ngôn giả nguy, dụng kì kế giả loạn, thử diệc ngu chi chí đại, nhi loạn chi chí thậm giả dã).

Trong Ngoại trừ thuyết tả thượng Hàn dẫn chứng:

“Trọng nhân nghĩa (tức theo đạo của tiên vương) thì nước yếu loạn, đó là ba nước Tấn (tức Hàn Ngụy Triệu từ Tấn tách ra); không trọng nhân nghĩa mà mạnh là nước Tần”.

Ông nhận thấy thời ông nước nào loạn cũng có cái thói: “bọn học giả thì khen đạo tiên vương, tạ khẩu là trọng nhân nghĩa, trau chuốt dung mạo, y phục và lời ăn tiếng nói để làm loạn pháp độ đương thời, làm mê hoặc lòng vua chúa”

亂國之俗: 其學者、 則稱先王之道、 以籍仁義、 盛客服而飾辯說、 以疑當世之法、 而貳人主之心

(Loạn quốc chi tục kì học giả tắc xưng tiên vương chi đạo, dĩ tạ nhân nghĩa, thịnh dung phục nhi sức biện thuyết dĩ nghi đương thế chi pháp nhi nhị nhân chủ chi tâm – Ngũ đố)

Và ông gọi bọn học giả đó là một loại sâu mọt của quốc gia. Họ ngu xuẩn cũng như anh chàng nước Tống ôm cây đợi thỏ:

“Nước Tống có người đi cày, trong ruộng có một gốc cây khô, một con thỏ đâm bổ vào, gãy cổ, chết. Anh ta thấy vậy, bỏ cày mà ôm gốc cây khô, hy vọng lại bắt được con thỏ nữa. Thỏ không được thêm mà bị cả nước cười chê” (Ngũ đố).

Và anh chàng nước Trịnh tin cái ni mà không tin mình:

“Một người nước Trịnh muốn mua giày, đo bàn chân mình rồi đặt cái ni ở chỗ ngồi. Anh ta ra chợ mà quên đem cái ni theo. Tìm được đôi giày muốn mua rồi, anh ta (sực nhớ lại), bảo: “Tôi quên đem cái ni theo, để tôi trở về lấy”. Rồi quay về nhà, khi trở lại thì chợ đã tan, không mua được giày. Người ta hỏi: “Sao anh không lấy chân để thử giày?” Anh ta đáp “Nên tin cái ni chứ không nên tin mình”.

°

Tuy nhiên chúng ta cũng nên nhận rằng Hàn Phi vì bị bọn học giả quá tin cổ làm cản trở việc thuyết phục vua Hàn theo chính sách dùng pháp thuật của ông, nên thường nặng lời với họ, chứ ông không phản cổ đến triệt để, cái gì của thời xưa cũng là phải bỏ hết. Rốt cuộc chủ trương của ông cũng như của Thương Ưởng: không nhất định bỏ cổ hay chạy theo cổ, cứ cái gì hợp thời thì làm, “miễn việc trị nước được thích nghi mà thôi”. Chẳng hạn ông cũng tôn quân như Nho gia, còn hơn Nho gia nữa, vẫn trọng nông như Nho gia, trọng lợi như Mặc gia có điều về quan niệm về “quân" (vua), về “lợi” của ông có khác quan niệm của Nho và Mặc, như trong một chương sau chúng ta sẽ thấy.

Chú thích:

[1] Vì trong thiên nhiên thì dân tộc Trung Hoa đã biết luật thịnh suy hữu thời từ hồi mới có nông nghiệp, mà Lão tử, Khổng tử đã cho nó là một luật tự nhiên

[2] Sự thực thì (1)= -1783-(12357) = 574 năm; (2)= -1185-(-1783) = 598 năm; (3)= -551- (-1185) = 635 năm

[3] Coi chú thích chương 5 trang 138 – Phần V thiên Hiển học