HÀ NỘI - TÌNH NHÂN

PHẦN IV - Chương 5

Sau này về già và nhất là khi thấy con Lễ đề huề đưa chồng con về nhà Nhìn thấy nó quát con khi quây quần xung quanh bữa cơm gia đình, hay nghe nó nói với chồng, ông Long không thể tưởng tượng có những giây phút con bé có thể dại khờ như thế. Những phút dại khờ ấy mà chỉ lãng đi một chút là có thể tan nát cả cuộc đời. Cuộc sống đang là một đường thẳng thênh thang bỗng bẻ ngoặt theo một chiều hướng mà chắc chắn chẳng ai là người bình thường nào mong muốn. Thế mới biết khôn đâu đến trẻ… Mỗi bận như thế ông Long thường suýt bật cười. Thằng Dũng mà ngay cả con Thuý hai đứa con của nó thì nghịch ngợm đến lạ kì. Hình như hai đứa rất ít khi để chân tay để không. Hễ cứ vào đến cửa nhà ông bà ngoại là y như rằng gần như đồng thanh réo lên thật to"ông bà ới, ông bà ời" rồi xầm xầm lao vào, đi khắp một lượt các phòng như để thăm dò, tìm tòi một thứ gì khiến bố chúng lần nào cũng đỏ mặt rụt rè vừa quát con, vừa quay lại trần tình với bố mẹ vợ"con cũng chẳng hiểu tại sao, cứ đến nhà ông bà là y như rằng chúng nó nghịch hình như hăng hơn". "Tất cả là do anh hết. Người gì mà lạ thế không biết. Chẳng bao giờ dám nói nặng con một tiếng. Cứ để chúng nó lên đầu rồi có lúc ân hận". "Em cứ nói thế, con nhà mình chứ có phải con nhà ai đâu mà sợ thế nọ thế kia". Hưng chồng Lễ vừa mủm mỉm cười vừa nói khẽ. Nghe hai vợ chồng con gái nói nhau ông Long lấy làm mừng vì con gái mình đã lấy được một tấm chồng hiền lành, biết chiều vợ chiều con. Những lúc gặp Vân chả cứ ông Long mà cả hai người đều hay nói về vợ chồng Lễ. Bởi đơn gian trong bốn đứa con của Long, bà Vân xem ra có vẻ hợp với Lễ hơn cả và chính Lễ cũng thỉnh thoảng đến chơi với bà, mua cho bà khi thì quả đu đủ khi thì mấy hộp thuốc bổ. Con bé bô bô cả với mẹ"Bây giờ bố mẹ cũng già rồi, chuyện của bố coi như bình thường. Mới lại cô Vân cũng là người tốt. Cô bỏ cả đời để theo bố mà có được cái gì đâu. Già đến nơi rồi mà vẫn cơm niêu nước lọ". Diễm nghe con nói quay lại mặt đỏ bừng vì giận "nó cho mày ăn cái gì mà mày bênh nó chằm chặp ra thế. Đàn bà ngu thì chết. Trách móc ai được". Lễ cười thật to lấy lòng mẹ"úi giời ngày xưa như bố phải hai ba vợ ấy chứ. Vua quan nó còn hàng đống thì sao". "Đấy rồi còn đời mày nữa, không phải chủ quan nói phách vội đâu con ạ". "Con cứ là thách anh ấy chục cây vàng". Những lúc nghe Long thuật lại đối đáp của mẹ con cái Lễ bà Vân không thấy làm vui mà lại buồn buồn nói như buột miệng "thế mới biết khi người ta lớn rồi thì cũng sinh khôn ra. Chỉ có em… Chúa đã trừng phạt em phải có số phận như thế này đây Rõ thật là… ". Thấy Vân có vẻ vừa buồn vừa ân hận Long cố lái sang chuyện khác "cũng may thằng chồng nó làm hoạ sĩ kiếm được, chứ không nhìn con Lễ tiêu tiền thì sốt cả ruột". Lúc ấy Vân hình như quên hết mọi nỗi buồn vừa thoáng qua bà nói như đứng về phía Lễ "con Lễ nó làm ở đấy cũng tốt tiền kém gì". "úi dào ở cái nhà xuất bản ấy lương ba cọc ba đồng chứ ăn thua gì. Bì sao được với thằng Hưng, chỉ cần một bức tranh nó bán được là có vài chục triệu rồi". "Của chồng công vợ chứ chả phải ai một mình mà làm nên được đâu". Bà Vân thở dài. Ông Long nằm ngả dài trên chiếc xô pha màu huyết dụ để rồi bất chợt giật mình. Bây giờ nhà con Lễ đã trở lại bình thường như khi hai đứa con nó còn nhỏ. Nhưng ông Long cũng thừa hiểu đó chỉ là hình thức bề ngoài. Hai đứa con nó đã lớn. Thằng Dũng đã 25, 26 tuổi con Thuý cũng vừa tốt nghiệp đại học. Cả hai đứa đều túc tắc có những người bạn mà chúng nó gọi là người yêu. Con lớn rồi thì bố mẹ hình như cũng phải quên đi sự tồn tại độc lập của mình để nhìn vào cuộc sống của hai đứa con mà xử sự. Mọi chuyện riêng tư gần như bị chìm đằng sau sự trôi chảy của cuộc sống đời thường. Hoặc giả nó được phủ bằng sự trầm tĩnh của ngưòi đã có tuổi. Hồi đó ông Long cứ tưởng vợ chồng nó sớm muộn thế nào cũng đưa nhau ra toà. Con cái, tiền của chia đôi để anh đường anh, tôi đường tôi. Nghĩ đến việc đó ông Long không khỏi ân hận và chạnh lòng khi vợ ông đay nghiến "giời ạ bố ăn mặn thì con khát nước chứ có gì đâu. Chệch làm sao được. Ông giời có mắt cả đấy chứ có phải như người trần mắt thịt đâu". Ông Long thở dài lảng đi, và khi về già ông đều lập lại tiếng thở dài não nuột này khi chợt nhớ lại chuyện đó. Cái thằng Hưng con rể ông trông hiền lành, củ mỉ củ mì thế. Nhìn nó ai mà chẳng bảo tướng của nó là nể thậm chí sợ vợ. Vợ nói cái gì cũng nghe, muốn làm cái gì cũng phải hỏi vợ. Vậy mà… Thế mới biết lòng dạ con người thì chả biết thế nào mà lường. Chuyện buồn bực cho người làm cha làm mẹ, khiến con cái bị bỏ đầy bỏ liều của vợ chồng Hưng Lễ hồ dễ đã gần mười lăm năm chứ ít đâu. Buổi chiều hôm ấy đang vào độ tiết thu, quầng dáng vàng báo hiệu chí ít là một cơn giông hoặc lớn hơn là một trận bão làm đổ cây rụng lá hiển hiện nơi đầu trời. Nhưng nó lại làm cả bầu trời và mặt đất như bừng lên trong thứ ánh sáng chói chang một cách giả tạo như sự bùng lên cuối cùng của một thiên nhiên đang lên cơn sốt. Ông Long bất chợt về nhà sau khi giữa ông và Vân xẩy ra một chuyện nho nhỏ nhưng cả hai theo thói quen nhịn được để không cho xẩy ra sự xung đột khó hàn gắn và làm lành sau này. Vừa chống càng xe xuống nhà thì ông chợt nghe tiếng con Lễ sụt sịt rồi tiếng mẹ nó gắt gỏng:

- Mày có im đi không. Cứ rỉ rả như thế thì các em mày, rồi hai đứa con mày nó biết thì còn ra thứ gì nữa

- Anh ấy như thế thì làm sao mà con im được. Kì này thì phải dứt khoát, rồi muốn ra sao thì ra chứ cứ như thế này thì chịu làm sao được

Tao đã nói rồi…

Ông Long định bước vào để hỏi xem có việc gì thì chợt nghe tiếng vợ nói, ông lưỡng lự đứng né vào cầu thang nghe ngóng. Tiếng bà vợ đột ngột diết gióng.

- Chả phải tự nhiện vô cớ mà vợ chồng mày xẩy ra chuyện đó đâu. Nó là tiền oan nghiệp chứng đấy con ạ. Bố mày đa đoan như thế, vợ con đã đề huề mà còn thế nọ thế kia. Tao đã dơ đi, chán ứ lên tận cổ rồi mà đành nhắm mắt cho qua. Không phải tao hèn, mà trăm sự chỉ nghĩ đến chúng mày. Chứ ba máu sáu cơn lên. Anh đừơng anh, tôi đường tôi thì chị em mày chỉ có mà ăn cám cũng không xong. Con ạ. Bây giờ thì thấy không con. Đã thấy nhục nhã, khổ sở chưa. Hử?

- Chuyện của bố thì dính dáng gì đến con. Mẹ đừng có vơ vào. Giọng con Lễ có vẻ cứng lại vì bực bội.

- Chị không phải mỹ tự. Tao đã bảo mãi rồi. Cha ăn mặn thì con khát nước. Đời cha vay thì đời con trả. Bố mày trăng hoa, chim chuột cho lắm vào nên bây giờ mày bị thế là phải thôi.

- Con đã nói rồi, mẹ đừng gán chuyện của bố vào chuyện này. Được rồi mẹ không nghe thì thôi. Con về đây. Từ giờ trở đi con cũng chả bao giờ về đây nữa

Ông Long nghe thấy tiếng chân thình thịch, sau đó là áo sột soạt, hình như là tiếng hai mẹ con giằng nhau.

- Cái con này. Đúng là máu hoàng bào có khác. Chả có gì mà cứ đùng đùng, đoàng đoàng ra. Nhưng mày biết rõ nhà con kia chưa?

- Mấy bận rình rình đi theo, con còn lạ gì cái ngõ nhà nó nữa.

- Thế mày câm à? Mồm miệng mày để đâu. Hay chỉ bạo hổ bằng hà ở những chỗ đâu đâu thôi. Không biết nhờ ai ngay như lũ em của mày rồi bố mẹ thằng ấy can thiệp à.

- Con đã nói rồi nhưng bà ấy bảo là con chỉ ghen bóng ghen gió chứ thằng ấy nhà con và con mẹ kia chỉ là quan hệ nghề nghiệp thôi.

Có phải vẫn cái con hoạ sĩ ở Pháp về ở gác hai phố Lò đúc không?

Sao mẹ biết rành thế?

- Thì tết năm ngoái mày chả khen rối khen rít nó là gì. Nào là nó cho chồng mày vải vẽ, mầu mè gì đó. Nào là nó sống rộng rãi, cần gì cũng cho không để ý, tính toán gì hết. Thế mà nay lại chu chéo lên.

Tiếng con Lễ nức lên:

- Con có ngờ đâu cái con mẹ vừa béo vừa lùn ấy lại làm cho cái thằng chết dẫm nhà con chết mê chết mệt như thế. Chính mắt con bạn con nhìn thấy hai đứa nó đèo nhau lên trên đê Yên phụ.

- Mắt mày thực mục sở thị hãy hay chứ nghe người khác thì biết thế nào. ở đời thiếu gì đứa ghen tuông tức tối với nhà mày rồi bịa đặt ra

- Không. Mẹ chả hiểu gì cả. Ban đêm lão còn mê ngủ gọi tên nó rồi líu ríu bảo "kiệt tác kiệt tót gì đấy"

ối giời toàn những chuyện không đâu mày nghĩ ngợi làm gì

- Mẹ chả hiểu gì cả. Chiều tối hôm qua con mụ ấy mặc cái áo trông như áo xô đám ma vác xác đến nhà con và nói trơ tráo là "dù sao tôi cũng vừa cảm phục vừa có cảm tình với chồng bạn". Nó còn bô bô, đó là thứ tình cảm thiêng liêng giữa những người làm nghệ thuật mong con thông cảm đừng nghĩ ngợi gì.

Thế mà mày để yên được à. Rõ thật ngu không biết để đâu cho hết.

- Con đã cầm cả mớ rau muống. Bởi vì chẳng tìm đâu ra lá chuối. Cân rau muống vừa xếp hàng mua được ngon ngon là, để lót tay dắt nó ra cổng.

- Ừ thế là phải rồi. Nhưng tao chỉ hỏi, mày thế làm quyết liệt như thế nhưng thằng chồng mày có nói gì không?

- Nói gì. Nó chỉ hút thuốc liên tục xong dắt xe đi. Trước khi đi hắn bảo con "tại sao em không xử sự văn hoá một chút". Văn hoá, văn hiếc cái nỗi gì Cái đồ tranh chồng cướp vợ mà lại đòi văn hoá. Rõ thật mĩ tự. Hu hu. Từ hôm qua nó đi mất tăm có thèm lai vãng về nhà đâu. Chỉ khổ thằng Dũng, con Thuý chốc chốc lại hỏi xem bố ở đâu. Nhục nhã quá trời ơi

Liền sau đó ông Long nghe rõ tiếng vỗ bồm bộp làm tiếng khóc ai oán của con Lễ chốc chốc lại bị ngắt quãng.

Được rồi. Được rồi.

Tiếng con Lễ bỗng vống lên:

- Con sẽ cho chuyện này ra ngô ra khoai chứ không thể để thế này được Muốn gì thì gì thì con cũng nghĩ cách làm chúng nó nhục nhã vì con. Lành làm gáo vỡ làm môi chứ không thế nhu nhơ thế này đâu. Tiếng con Lễ nghiến răng ken két cùng tiếng dẫm chân bình bịch.

- Thì cô cứ bình tĩnh để xem binh tình thế nào đã. Chứ đời thủa nhà ai lại chỉ vì những chuyện không đâu vào đâu đó mà tốn công, hại sức như thế.

- Mẹ đúng thật là... Việc đã đến nông nỗi này mà mẹ còn cho là không đâu vào đâu. Thế mẹ định để nó đến tận nhà tôi tranh chồng cướp con của tôi Làm tan nát cái cơ ngiệp mà tôi mất bao nhiều công sức gom góp xây nên mới là hệ trọng hay sao. Mẹ xử sự như thế thảo nào cái cô Vân ấy hàng chục năm nay vượt qua mặt mẹ là đúng rồi.

- Cái con này. Con mẹ ấy nó khác, mà tao có kém cạnh, sợ sệt nó tí nào đâu. Tao chẳng đã đến tận nhà nó xé tan nát quần áo của nó, lôi nó ra dìm đầu nó xuống đường trước mặt dân chúng phố phường, làm nó ê chệ chứ tao sợ nó à. Còn bố mày, bố mày… Mày không phải, không phải rỉa róc tao nữa. Bố con mày, bố con nhà mày…

Long nghe rõ tiếng hậm hực, ấp úng xen vào là tiếng nuốt nước bọt của vợ, liền sau đó là tiếng chân bước thình thịch nặng nề. Long vừa định đi nhanh vào buồng để tránh thì Diễm đã trông thấy. Giọng cô càng chì chiết:

- Đấy. Ông về mà xem con ông đây. Sung sướng chưa. Đã bảo mãi rồi. Sống ở đời từ thượng cổ chí kim những nhà tử tế chỉ có một vợ một chồng là yên ấm cửa nhà, còn những phường giang hồ giăng há mới vợ nọ con kia. Những đứa như vậy thì rõ là chỉ tan cửa nát nhà. Con cái có ai trông nom dậy dỗ đâu. Loại như thế thì lớn lên trai không trộm cắp, gái không đĩ điếm tôi cứ xin chớ kể…

- Diễm. Em nên nhớ rằng, các con đã lớn rồi, lại còn người hàng phố, sát vách thế này. Nói to như thế phỏng được cái gì. Chỉ tổ vừa rát họng vừa làm người ta tưởng nhà mình có chuyện gì. Mà đã nói thì cũng nên suy nghĩ một chút, chứ không phải giận lên bạ đâu cũng nói, còn ra thể thống gì nữa

- Tôi chẳng sợ gì ai hết. Người nào muốn nghĩ thế nào là quyền của người ta tôi không thèm chấp. Chỉ có ông. Ông vào mà xem con gái ông đang khốn khổ khốn nạn vì cái máu lăng loàn của con rể ông. Rõ là vay thế nào giả thế ấy. Chả sợ thiệt thòi đâu. Hừ hừ. Đúng là một lũ một lĩ đàn ông chẳng ra làm sao cả.

- Diễm. Giữ mỗm giữ miệng một tý đi. Không có tôi đi đây, cô tha hồ mà nói một mình. Nói đến đêm, đến sáng mai cũng chả ai cấm.

Câu nói này của Long rõ ràng có tác dụng. Diễm cau mày, hai tay vùng vằng, mặt mùi cau có rồi vừa đi xuống bếp vừa quát to một tiếng như để trút mọi uất hận ra rồi lẩm bẩm:

Thì thôi. Cứ biết thế đã. Đúng là số kiếp mình có khác. Thực tội nợ quá.

Long nhìn theo vợ, trán cau lại. Anh cố nén đi vào phía trong, vừa nhìn thấy anh con Lễ bật khóc, miệng méo xệch đi:

- Tại bố, tại bố đấy. Ngày xưa ngày xưa bố cứ bảo chả khen nó tài, nó ngoan ngoãn mãi đi nên con, con… Bây giờ, bây giờ thì con khổ sở, giang dở như thế này đây. Bố có biết đâu.

- Thôi nín đi. Nín đi. Cứ bình tĩnh đã. Rồi đâu khắc có đó. Ai chả có lúc thế nọ thế kia, nhưng đã là giống người thì ai đều biết nghĩ hết con ạ. Mọi sự rồi đâu lại vào đấy cả thôi. L amur sans eux.

Đột ngột ông vọt ra mọt câu tiếng Pháp tưởng như đã chìm rất sau trong tâm khảm ông. Vừa nghe thấy bố xì xồ nhẹ con Lễ chu chéo lên

Thôi. Con không hiểu cái tiếng linh tinh ấy đâu

- Pardont. A không bố xin lỗi. Bó không định nói… Đúng rồi không phải bỗng nhiên chòng con có thể gạt bỏ tất cả những gì mà nó gây dựng lên từng nấy thời gian. Nghe bố. Nghe bố. Không sao, không sao đâu con.

Dường như lời khuyên giải của Long không lọt tai đứa con đang giận hờn, tức bực. Nó ngẩng khuôn mặt ràn rụa nước mắt lên nhìn bố trân trân miệng há hốc gào thật to:

Thế này thì thà tôi chết luôn, chết ngay chứ sống để làm gì.