Vì xây trên một ngọn đồi, ở vào cái địa thế bất lợi, nên những ô cửa sổ của nhà thương mở ra một vùng phong cảnh rất ngoạn mục. Người bệnh cứ trông những nóc nhà mái ngói, mái gianh, chen chúc nhau, ở hai lề đường bên những vòm cây chi chít, hoặc là chỗ thì chợ, chỗ thì trường học, chỗ thì cửa huyện có một cái chòi cổ lỗ lúc nào cũng đội một lá cờ ba sắc bay phấp phới: đây, một dãy lương khoai: kia, năm bảy ngọn xoan; lại thêm túm năm, tụm ba, những người gồng gánh họp chợ chỉ to bằng cái đầu tăm, nên chi họ cũng có lúc có những phút cao hứng quên khuấy bệnh trạng của mình, để hưởng một sự họ mới khám phá ra được: ngắm cảnh thiên nhiên. Mấy phòng nhà thương cao ráo sáng sủa đến nỗi những lúc trên trời có mây trắng thì nhà thương hiện ra trong cái tưng bừng mà những khi mây trời ảm đạm mịt mù thì cũng không đến nỗi thiếu ánh sáng. Nằm ngồi trên những chiếc giường sắt sơn xanh, có nệm màn trắng xóa, mà nhìn qua khung cửa kính, lại thêm ngoài hiên lác đác bay là vài chiếc lá vàng, kẻ có bệnh cũng cảm thấy sự di dưỡng của tinh thần quên những vết thương trong thân thể, có thể để hết khối óc vào mọi sự mơ màng, suy nghĩ, triết lý nữa, nghĩa là vào những thời khắc vốn chỉ để dành cho hạng thợ văn chương. Bệnh nhân hồi ấy đa số là vợ các ngài viên chức đến đẻ, đến chữa một cái răng sâu một cái hạch, một cái mụn nhỏ trên đầu chẳng hạn, nên trong nhà thương, người ta chỉ thấy những bà quần áo sạch như cái đũa Nhật Bản, lẹp kẹp đôi guốc nũng nịu vì những đôi bít tất bông tùm hụp trong những cái khăn vuông, hoặc ra cửa sổ ngắm cảnh chợ búa, làng mạc dưới đồi, hoặc nằm trong chăn để đọc một tờ báo, một cuốn tiểu thuyết. Những lúc ấy là những lúc quý hóa, để họ lục tìm trong ký ức, những kỷ niệm hoặc vui vẻ, hoặc đau đớn, rồi kiếm lấy những phương châm xử thế, là những lúc họ kiểm soát cuộc đời.
Cô Mịch cũng nằm dưỡng bệnh như họ, cũng suy nghĩ như họ.
Mười tám tuổi đầu, cô cũng vẫn ngây thơ, khờ dại như gái mười lăm. Cô không biết đời là gì cả. Cô thấy đời là sự nghèo khổ và sự nhẫn nhục của cha mẹ, là sự siêng năng làm ăn của cô mà thôi. Nhưng dẫu nghèo khổ thì cha mẹ cô cũng là một ông đồ. Mà trong một làng, mà cả người làng, chưa ai trông thấy một lọ nước hoa, chưa ai nghe thấy một cái máy hát thì ông đồ cũng là một cái danh giá.
Ông đồ có sáu đứa học trò từ 8 đến 12 tuổi đứa nào cũng để chỏm, vẫn hàng ngày đến nằm bò nhoài trên phản để nhai chữ, thường đem đến khoe thầy và cho mực tàu, giấy bản, nhiều dử mắt hơn là nhiều sự thông minh. Còn bà đồ thì lúc nào cũng phải gắt với ông đồ, mặc lòng bà thức khuya dậy sớm, khâu thuê, cấy mướn để giữ gìn gia đình cũng như hầu hết các bà đức phu nhà quê.
Anh cô, một thiếu niên có một ít chữ tây, thì làm nghề vẽ truyền thần ở... những tỉnh Hà Nội! Cho nên cái số mỗi đứa học trò hai thùng gạo hoặc đỗ, với số tiền là 5 đồng bạc của con giai cả, mỗi tháng gửi về, khiến ông đồ thấy quần áo chóng rách, thấy tóc trên đầu chóng bạc, mà cuộc đời thì chỉ là một chuỗi ngày liên tiếp rất nặng nề, sờ vào túi thì ngày nào cũng túng tiền, sờ lên cằm, lên mép, thì thấy rất phong lưu những râu và ria.
Còn người chồng sắp cưới của cô Mịch?
Người này thì may được cái đối với cô, vốn không phải xa lạ. Đó là một người anh họ rất xa, về bên ngoại. Hai mươi nhăm tuổi, mặt mũi cũng nhẹ nhõm, cử chỉ ngôn ngữ cũng dễ thương. Anh ấy đã sang chơi ông chú họ vài ba lần. Những lần sang, cô Mịch đã phải nghỉ việc đồng áng để vặt lông gà, mổ cá chép, thái ngọn măng. Cô không ngờ anh họ lại yêu cô, nên khi thấy bố mẹ nói chuyện cho nghe, cô cũng lấy làm lạ. Cô lạ một lúc rồi cô gật đầu nhận lời. Vì rằng cô đã so sánh mình với người cùng mình muốn kết bạn trăm năm. Anh ấy, sánh với người làng, là người có học, lại được ở nhà gọi là anh ký. Hình như anh ấy cũng đọc nhiều sách nữa, vì làm thầy ký cho một trường tư thục ở kinh đô. Anh ấy không làm dáng không khinh người, nói ít, lại hay đỏ mặt như đàn bà nữa. Số lương anh ấy tuy ít ỏi, song cũng đủ nuôi vợ con. Thế là Mịch bằng lòng. Rồi Mịch cũng đem lòng yêu nữa. Việc dạm hỏi do anh ruột Mịch nói hộ lên bề trên. Bà đồ Uẩn nói rõ to một câu: Ừ! Ông đồ cũng gật đầu. Thế là một cuộc tình duyên được công nhận, một đôi trai gái được mãn nguyện.
Mịch nghĩ đến mình thì cũng thấy xứng lứa vừa đôi. Tuy nghèo, nhưng Mịch lại đẹp. Hai má lúc nào cũng đỏ ửng như say trầu, hàm răng đen lay láy hạt huyên hẳn hoi. Những khi soi bóng trong gương, Mịch thấy mặt mũi mình cũng nhẹ nhõm, mà đôi mắt mình thì là mắt con nhà lương thiện. Cái cặp mắt ấy người ngoài trông thấy thì ai cũng phải khen là ngây thơ, hay là dễ hư, hay là dễ bụng nghe, là lạc quan, là dễ tin đời. Mà quả thật như vậy. Vì rằng không bao giờ Mịch lại tưởng tượng rằng lại có thể có một người bằng tuổi bố mình, lại giàu có sang trọng nữa, mà lại lừa mình để làm một việc xấu hổ trong một cái xe tu bin. Lúc có người ở đằng trước, và người ở đằng sau xe nữa!
Mịch nghĩ đến lúc ấy thì mặt lại đỏ bừng lên, tự mình cũng đủ thẹn với mình. Cô nghĩ đến những câu chế nhạo của bọn giai làng vô giáo dục. Từ khi ấy, cô sợ nhất cái xe ô tô. Mỗi lần trông thấy một cái xe ô tô là lại giật mình đánh thót một cái. Rồi cô Mịch đau khổ, đau khổ lắm. Vì cô rất yêu chồng. Người chồng sắp cưới ấy, theo lời mẹ kể lại, sẽ lên tận nơi thăm cô! Cái tinh thần nhà nho của ông đồ đã khiến ông đồ báo cái tai họa ấy ngay cho chàng rể một cách quả quyết. Trời hại ông và con ông, chứ không phải ông hay là con gái ông gây ra. Ông sẽ cho hai đứa được trò chuyện với nhau, mặc lòng ông đã hiểu trước rằng cho con rể như thế thì con gái sẽ thẹn. Mà nếu anh chàng rể chưa thực thụ ấy có vin vào cớ tân tiết để bỏ Mịch thì, thôi, ông cùng đành ở với Trời. Bao giờ ông cũng chỉ ở với Trời, mặc lòng Trời chẳng bao giờ tử tế gì với ông. Xa ra! Những cái dư luận khốn nạn của hạng người nông nổi. Việc ấy không là việc giấu giếm được. Có bổn phận thông báo, ông cứ việc làm...
Thị Mịch rùng mình nghĩ đến cái phút mà người chồng sắp cưới sẽ đến. Anh ấy sẽ đến! Mà chỉ nội trong hôm nay thôi!
Mịch bàng hoàng, run sợ, kéo cái chăn trắng trùm kín đầu. Cô nghĩ đến đêm ấy, lúc cô ngây thơ, dại dột mà bước vào để cho kẻ khốn nạn được thể khép gọn ngay cửa xe. Cô nghĩ đến lúc cô tham tiền, thấy nói đến số tiền năm đồng, nên cứ để cho kẻ khốn nạn dùng lọ dầu làm cớ để sờ vào trán cô, cổ cô, ngực cô. Rồi Mịch lại nghĩ đến lúc bị quan đốc tờ bắt... lên nằm dài tô hô trên cái bàn đá. Sự tò mò của khoa học đã vào hùa với sự dâm dục của loài người mà đập tan nát mất cả cái ý nhị thẹn thùng kín đáo của một cô gái quê ngây thơ. Để đến nỗi như thế, vì lẽ gì? Vì tham tiền, vì dại dột bước chân lên ô tô. Vì ngây thơ để cho con dê già bôi dầu vào trán, vào cổ.
“Trời đất ơi, thì ra vì mình dại dột và tham lam!” Mịch nói một mình trong chăn, qua hai hàng lệ ràn rụa. Mịch sụt sùi, Mịch khóc nức nở, Mịch hối hận lắm không còn mặt mũi nào nữa mà trông thấy người yêu. Nếu anh ấy hiểu cho thương cho, thì chẳng nói làm gì. Nhưng anh ấy do thế mà giảm lòng yêu, hoặc lại nỡ rẻ rúng mình thì còn gì nữa? Mà nếu bị coi rẻ thì đó chẳng phải lỗi tại mình, cái lỗi thấy tiền híp mắt lại mà ra đó ư? Trời ơi nhục!".
Thị Mịch thổn thức bằng giờ. Chung quanh, những bệnh nhân toàn là bà ký, bà thông, chẳng ai thèm hỏi đến Mịch. Có u thì u đã phải về, vì ở làng mình như lại vừa có chuyện gì xảy ra.
Nghĩ đến cái nghèo của bố mẹ, cái ý muốn bán gánh rạ để mẹ đỡ đầu tắt, mặt tối, nó gây ra việc bị hiếp, Mịch tủi thân giận đời, chỉ muốn chết. Cô tưởng rằng ở đời, cứ việc ăn ở cho hiếu thuận, làm ăn cho chăm chỉ, thấy ai túng thiếu thì không dè dặt, cởi ngay hầu bao đưa vài đồng bạc
đã để dành trong mười ngày, và không ngồi lê bắt chấy, kháo chuyện nhà người, thế là đủ lắm. Bị hiếp! Chưa bao giờ Mịch ngờ lại có khi... Trong cơn đau khổ, cô thấy mình hồng nhan bạc mệnh, thấy đời là độc ác vô cùng, thấy chị em bạn gái trong làng là tồi tệ, thấy bố mẹ không đủ sức chống chọi, thấy Trời và Phật là những đồ thong manh.
Mịch không còn hy vọng gì nữa, không còn tín ngưỡng gì nữa.
Thế là Mịch ngồi nhỏm dậy, dụi mãi cặp mắt đỏ hoe và bàng hoàng nhìn quanh... Thiên hạ kẻ nằm người ngồi, mỗi người đều là một thế giới riêng khiến cho Mịch thấy mình lại càng cô độc, lại càng lẻ loi, lại càng trơ vơ, lại càng một thân một mình trong cái đông người ấy.
Lúc ấy đã quá trưa. Giờ yên nghỉ của kẻ bệnh. Giờ mà các cô, hoặc các thầy khán hộ được ngủ tạm một giấc tại nhà mình. Giờ mà quan đốc không có mặt ở nhà thương vắng ngắt.
Mịch lẳng lặng xuống đất, giẫm chân không ra hiên. Cô đưa mắt khắp vườn, tìm một cây nào có thể có một cành cao hơn đầu người được. Rõ khổ! Có cây ổi đấy nhưng mà hàng rào râm bụt thưa thớt quá, người ngoài có thể nom vào được. Mịch đứng thừ người. Rồi Mịch lại đi, đi thẳng vào gian nhà con là chỗ chuồng tiêu. Mịch mở cửa nhìn lên trần, thấy một góc tường có một ống máng bằng kẽm to như ống tre bương và chắc chắn lắm, Mịch lại quay về
phòng, len lét nhìn quanh, rồi nhắc theo một cái ghế đẩu nhỏ, đem vào chuồng tiểu...
Cánh cửa bị khóa bên trong.
Hai con mối trên tường nom thấy người đàn bà trèo lên ghế đẩu, cởi cái thắt lưng dũi ra, thòng lọng hai đầu, quấn quanh cái ống kẽm...
- Lạy thày, lạy đẻ, con sống cũng không làm gì, thầy đẻ tha thứ cho. Con đành cam tội bất hiếu.
Giữa lúc ấy, trong phòng vẫn là sự im lặng, sự uể oải của những bệnh nhân. Thốt nhiên có một hồi guốc lẹp kẹp vang lên, thầy khán hộ đi trước để cho một thiếu niên y phục nhũn nhặn, vừa ngơ ngác theo sau, vừa nhận một tràng những câu làu nhàu gắt gỏng: “Cậu phải biết thế này là rộng rãi cho cậu lắm. Lẽ ra phải đợi chốc nữa, xin phép quan đốc mới được vào. Người ta đã cho vào lại không biết điều, cứ giục ồn lên như bố người ta vậy!”.
Thiếu niên dịu dàng chỗi cãi:
- Bẩm, vì chúng tôi ở tại Hà Nội lên, chỉ được có ít thì giờ, phiền ông làm phúc hộ.
Người khán hộ đến bên giường cô Mịch, hỏi trống không một câu:
- Ồ hay! Cái cô nằm giường này đâu mất rồi?
Tuy lời nói là trống không, buông sõng, song cũng năm bảy cái mồm đàn bà nhanh nhảu nói đón:
- Ấy, cô ta vừa đây mà! Hay là ra đằng sau chăng?
Một người khác cũng vu vơ thêm:
- Cô ta đi đâu dễ đến nửa giờ rồi... Ra đằng sau lại lâu thế?
Người khán hộ ra cửa sổ trông ra vườn, rồi lại quay trở lại hành lang nhìn trước nhìn sau. Quanh quẩn không thấy gì, lại quay vào bảo người thiếu niên:
- Cứ ngồi đấy mà đợi.
Nhưng một bà phán nói:
- Lúc nãy hình như cô ả có đem một cái ghế đẩu đi theo. Nhưng vậy chắc là ra ngồi chơi mát ngoài vườn.
Người khán hộ rít lên:
- Ra vườn? Ra vườn rồi à? Ồ lạ! Ai cho cái con nỡm ấy ra vườn? Cái con nỡm ấy lại không nhớ lời dặn của quan đốc là phải kiêng gió máy hay sao?
Nói xong, người khán hộ tất tả chạy đi, làm một vòng quanh cả cái khu nhà thương rộng rãi. Thiếu niên ngồi xuống giường ra ý mệt mỏi, chống tay lên trán, thừ người ra. Hai tai thiếu niên phải nghe đầy những câu của bọn bệnh nhân bình phẩm người yêu của mình, những là: nhà quê, đù đờ, ngẩn ngơ, dại dột, quê kệch, thôi thì đủ trăm thứ. Những người bình phẩm một cách vô tình ấy không ngờ rằng người lại thăm cô Mịch chính là chồng sắp cưới của cô Mịch, nên họ đã vô tình mà thành ra những người xấu bụng có tính gièm pha.
Chợt thấy người khán hộ tái mặt chạy vào rầm rộ kêu lên một câu: “Bỏ mẹ! lại có chuyện chẳng lành rồi”, và vớ lấy một chiếc ghế đẩu, cắm đầu chạy ra. Hết thảy những người trong nhà thương hoảng cả lên, tung chăn ra, nhảy xuống đất. Có một bà thông, vì không thấy dép, cứ nguyên đôi bít tất lụa, giẫm phăng xuống đất, chạy theo người khán hộ. Rồi thì là những tiếng ghế đẩu phạng vào cửa chuồng tiêu thình thình...
Cửa bật tung ra, hơn chục người đứng xem cùng một tiếng rú kinh khủng. Người khán hộ bắc cái ghế đẩu đã đổ lăn cạnh chỗ thị Mịch thắt cổ, trèo lên đỡ người khốn nạn, một tay tháo chiếc thắt lưng... Rồi ẵm phăng cô Mịch vào phòng nhà thương, vừa đi vừa nói rõ to: “Cái nhà xí ấy có ma đấy mà! Năm ngoái cũng đã có một người thắt cổ chết, bà nào làm ơn réo ngay hộ tôi một cô khán hộ đi!”. Giữa những câu nói đi, nói lại xôn xao, người khán hộ cứ thản nhiên cởi khuy áo, cởi cả giải yếm cổ, cởi cả giải rút quần cô Mịch. Vừa lúc ấy, cô khán hộ đã bưng một chậu nước lạnh có một cái khăn bông vào. Người ta đập cái khăn bông ướt vào mặt cô bé, lúc ấy, không biết sống hay chết.
Người ta lại để một ít bông trên mũi cô. Rồi cô khán hộ trèo lên giường, quỳ phía dưới chân cô gái quê, đẩy hai
chân cô cho ruỗi thẳng ra, rồi lại co lại... Thầy khán hộ thì lên ngồi cạnh đầu, lôi hai tay bệnh nhân cho thẳng lên trời, lại đặt xuống giường, lại lôi lên y như bắt tập thể thao.
Giữa cái lúc bi thương, cũng có vài người đàn bà cho cái trò ấy là lạ mắt, là ngộ nghĩnh, há hốc mồm ra cười.
Khi thấy dúm bông trên hai lỗ mũi cô Mịch như có bị lay động một chút, cả hai người khán hộ mới nhảy xuống đất cùng reo một câu: “May quá!” Người ta bôi một ít thuốc đỏ sẫm vào cô bé nhà quê, cái cổ đã có một ngấn thắt lưng. Dần dần Mịch mở mắt ra, ngơ ngác nhìn một người. Hai con mắt dại như mắt trẻ mới đẻ vậy.
Thiếu niên từ nãy cứ ngồi dưới chân giường, bưng trán, bây giờ mới đứng dậy, dõng dạc nói với cả lũ ấy:
- Thưa các bà, cô bé này là vợ sắp cưới của tôi. Nó đã bị nạn ra sao, chắc các bà đã rõ. Tôi ở Hà Nội vừa lên thì thấy cơ sự dường này. Thật là những sự sét đánh ngang tai tôi. May mà nó sống sót. Vậy xin các bà làm ơn lui gót, cho vợ chồng chúng tôi có thể được cùng nhau trò chuyện riêng vài phút, và tôi xin rất cảm tạ sự săn sóc của các bà.
Thấy người chồng sắp cưới của cô gái quê ngu đần, dại dột, ngờ nghệch ấy, mà lại có giọng ăn nói cứng cỏi đến như thế, ai cũng lấy làm ngạc nhiên. Người ta bèn gật gù, rủ nhau sang phòng thầy khán hộ, hỏi về cái chết của người đàn bà thắt cổ chết trước kia ra làm sao, cái nhà xí ấy có ma ra làm sao, để sợ hãi với nhau cho đỡ buồn.
Khi gian phòng chỉ còn có hai người, Mịch hổn hển khẽ nói:
- Anh Long ơi, tôi xin lỗi anh...
Long cúi xuống, ứa nước mắt hỏi:
- Mịch ơi, sao lại đến nông nỗi thế? Mịch không nghĩ đến công cha nghĩa mẹ nữa a? Mịch không nghĩ đến người chồng của Mịch rất yêu thương Mịch, có thể chết được, nếu Mịch chết à?
- Lạy anh, anh tha cho, tôi xấu hổ quá.
- Sao lại nghĩ lẩn thẩn thế?
- Thưa anh, tôi không dám nhìn mặt anh nữa.
- Thôi đi, đừng nói dở như vậy mà anh lại càng thêm buồn.
- Tôi chỉ sợ vì những sự bất hạnh của tôi mà anh đem lòng rẻ rúng tôi. Cho nên tôi tủi thân, tôi giận đời, tôi chỉ muốn chết quách đi cho xong.
- Có phải lỗi tại Mịch đâu mà anh rẻ rúng Mịch được?
- Xin anh cam đoan là sẽ thương hại tôi mãi mãi đi! Anh Long ơi, nếu bao giờ anh mất lòng thương tôi thì tôi sẽ lại phải chết mất, anh ạ. Tôi khổ sở lắm, chán đời lắm, anh ạ.
- Anh cam đoan vẫn yêu quý Mịch như trước, yêu quý mãi, yêu quý suốt đời. Anh lại cam đoan là sẽ rửa thù cho Mịch nữa, vì rằng cái nhục của Mịch tức là một vết nhọ trên trán anh. Rồi thì anh cũng phải làm thế nào rửa cho sạch vết nhọ ấy thì mới có thể trông thấy mọi người được. Thôi đi, đừng khóc nữa.
- Chúng tôi nghèo hèn lắm, làm gì được?
- Nó dùng tiền bạc và thế lực, thì ta sẽ dùng mưu sâu, Anh đã nói Mịch sẽ được trả thù thì rồi thế nào Mịch cũng rửa được thù. Anh làm công cho con giai lão nghị ấy, chuyện gì anh cũng có thể biết được. Mà con lão chỉ biết là chủ anh chớ không biết rằng người con gái mà thằng bố nó đã hiếp, lại là vợ chưa cưới của anh. Như vậy thì cũng không khó, Mịch ạ. Thế hôm nào thì hết hạn nhà thương, mà về được nhà?
- Hình như còn có ngày mai nữa thôi.
- Mịch nên xin về ngày hôm nay thì hơn.
- Vâng, để rồi tôi xin.
Hai người cầm tay nhau, nhìn nhau một cách rất đỗi yêu thương. Sự căm hờn chung làm cho cả hai đã lẳng lặng và sự lẳng lặng thề thốt với nhau, lại ý nhị hơn cả bằng lời nói nữa. Dẫu sao, họ cũng thấy một vẻ sung sướng riêng trong những cơn tai họa tầy đình.
Nhưng chẳng may bà đồ Uẩn phá tan ngay mất cái phút hiếm có ấy. Bà bước vào nói rầm lên rằng:
- Quái lạ thật! Một ít giấy in chữ tím với hai mảnh vải tây đỏ thì làm cái gì mà quan cũng về bắt khám xét cả làng là nghĩa làm sao? Sao lại gọi là đồ quốc cấm?
Long đứng lên kêu:
- Thôi chết rồi!
Mịch hỏi:
- Làm sao hở u?
Làm sao hở anh Long? Bà đồ đáp tiếp:
- Mấy trăm tờ giấy với hai miếng vải tây đỏ không biết đứa nào vất vào làng mà quan huyện cũng về khám lung tung cả lên.
- Có bắt ai đi không?
- Quan với ông đồn bảo ông chánh hội với ông lý trưởng lên xe tu bin về huyện.
Đáp xong, bà đồ ngẩn người ra nhìn con rể, miệng tròn như một chữ o.