Người bồi chạy lên gác một lúc, rồi xuống bảo với ông nghị Hách: “Cụ lớn cho phép quan cứ lên”. Khi lão này vào thì quan công sứ đương ngồi làm việc ở bàn giấy, bên cạnh một cái lò sưởi đầy những củi và đỏ rực những lửa.
Quan là một người đã cao tuổi, ở thuộc địa đã trên ba mươi năm, đã được lòng dân không phải vì một chính sách giả dối, không phải vì những bài diễn văn kêu vang và rỗng tuếch, không phải vì đã đem những giọt nước mắt cá sấu ra huyễn hoặc, lừa dối dân ngu nhưng chính bởi quan là một bậc hiền nhân quân tử rất ít có ở đời. Ngoài những giờ bận việc cai trị, quan thường đọc sách, viết văn. Vì rất giỏi chữ Hán, quan đã xuất bản được một quyển sách khảo cứu về cách dùng binh của Trần Hưng Đạo. Do lẽ đó, quan công sứ nói tiếng An Nam cũng thạo và cũng dễ nghe.
Cái lòng nhân từ của quân thì hầu như thành một câu cách ngôn đã truyền tụng. Những người trí thức, cả những nhà viết báo rất hoài nghi, cũng phải nhận ngài là người hiếm có, sống ở thuộc địa đã nửa đời người, mà vẫn giữ được những quan niệm về sự tự do cá nhân rất rộng rãi, vẫn biểu lộ được cái tinh thần đáng trọng của hạng trí thức nước Pháp, chứ không nhiễm phải tính nết của phái thực dân bằng dùi khui.
Một buổi kia, có việc ra nhà giây thép, quan cứ cuốc bộ mà lử khử đi như những người tây thường. Qua một phố nọ, có một trường tư thục, một lũ trẻ em đùa nghịch đá bóng, làm cho quả bóng trúng đánh bốp một cái vào ngực quan. Một vệt bùn to tướng in ngay vào ve áo, chỗ có cái cuống mề đay Bắc đẩu, Quan vào trường. Viên đốc học trường tư sợ tái mặt như mọi người phải lo sợ vào một trường hợp như thế. Nhưng mà quan công sứ cứ khoan thai cầm khăn mặt bông phủi áo, rửa tay vào chậu nước rồi ôn tồn bảo viên đốc: “Ông phải bảo học trò của ông, ra cái bãi cỏ ở cạnh chợ mà đá bóng, chứ thể thao ở giữa phố như thế thì rồi có những tai nạn xe cộ xảy ra”. Thế rồi quan lại ra đi, nét mặt vẫn hiền hậu, như không có việc gì xảy ra cả.
Một lần khác, xe hơi của quan vừa ở thủ đô về, người tài xế đương lái vòng để vào sân tòa sứ, thì có một mụ nhà quê tay cầm một lá đơn đến quỳ ngay trước xe. Mấy anh lính khố xanh toan giơ cao cái roi mây thì quan công sứ ra hiệu ngăn lại hỏi... “Đơn kêu của bà có rõ ràng không?” người đàn bà kêu lải nhải một hồi thì quan
truyền: “Thôi, cứ về rồi quan sẽ xét xử”. Nguyên do đó là một mụ đi mò cua bắt ốc, bị làng bắt vạ vì chưa hết tang chồng mà đã có mang. Theo như trong đơn, thì mụ đã bị một bọn bô lão trong làng, lôi những hủ tục ra để hành hạ mụ, chứ thật ra, mụ đã hết tang từ vài tháng trước khi có mang. Ấy thế là quan viết thư trả lời cái mụ mò cua ấy rằng: “Thưa bà, bản chức đã xét đơn của bà rồi. Nếu bà còn có tang ông ấy thì theo luật Gia Long, có chửa như vậy là có lỗi. Còn nếu bà đã đoạn tang rồi thì không ai được phép bắt vạ bà, nếu bà viện được đủ chứng cớ là đã hết tang thì cứ lên tòa mà trình bày, bản chức sẽ trị tội những kẻ nhũng lạm”. Một bức thư của một vị quan đầu tỉnh mà lại có cái luận điệu lễ phép với một mụ mò cua đến bực ấy, đã làm cho các quan tổng đốc, bố chánh, tri phủ phải nhăn mặt lại. Rồi bọn bô lão trong làng sợ hãi đến hết vía mà đền lại cái vạ. Hai chuyện này đủ là chứng cớ rằng quan công sứ tỉnh có nghị Hách hồi ấy, là người dễ dàng biết bao nhiêu.
Đêm nay, ngồi làm việc, hai chân quan đi giầy da đen, cổ quan quấn một cái khăn quan dầy sụ, lông chiên tua tủa bịt đến cả cằm. Bộ râu bạc ba chòm và cái trán hói đến bóng lộn của quan, khiến ngài có vẻ đường bệ oai nghiêm lắm.
Nghị Hách, mặc lòng mặc bộ áo trào vào ngày dạ tiệc, cũng chấp tay vái dài lưng cúi thật khom, mà rằng:
- Bẩm lạy cụ lớn ạ.
Quan công sứ đặt bút xuống bàn, giơ tay đón:
- Chào ông Nghị. Ông đến thăm tôi hay có việc gì can hệ? Ông nghị ngồi đây... Tôi đương viết một bài triết lý về Đông phương cho một tờ báo ở Ba lê đây... Ông Nghị có rét không? Tôi bây giờ yếu lắm, không có sức chống rét nữa. Ông Nghị uống nước chè hay uống rượu mạnh nhé?
- Bẩm vâng, con xin phép hầu cụ lớn một cốc. Cảm ơn cụ lớn lắm.
- À, thế ông Nghị có việc gì cần tôi giúp đấy chứ?
- Bẩm cụ lớn, không ạ. Bẩm chúng con thấy cụ lớn cũng dễ dàng, lại hay tiếp người bản xứ, cho nên con sang thăm và hầu chuyện, và xem cụ lớn có điều gì chỉ bảo không, thế thôi ạ.
Quan công sứ bấm cái chuông điện. người bồi ló vào.
- Đem cho tôi khay rượu Anis(1) lên nhé. Bà lớn đi nghỉ chưa? Này bồi, hôm nay mày để con Toby cắn chết mất một con gà sống thiến, như thế là tôi không bằng lòng đâu. Nó là chó săn thì lúc nào cũng phải xích nó lại. Nếu mày cứ quên lời tôi nào thì rồi tôi sẽ nói với bà lớn không thưởng cho mày nhiều tiền tiêu tết nữa!
Người bồi chịu quở rồi lẳng lặng quay ra. Năm phút sau đem một cái khay có một chai, hai cốc lặng lẽ để ở bàn. Chờ khi người bồi xuống rồi, nghị Hách mới nói:
- Bẩm cụ lớn, thế cụ lớn bà độ này vẫn mạnh khỏe chứ ạ?
Quan công sứ gật gù mà rằng:
- Ồ ồ! Vợ tôi yếu lắm, ông nghị ạ. Vợ tôi cứ muốn đòi về nghỉ ở Nice(1). Có lẽ ít lâu nữa thì tôi phải để vợ tôi về nghỉ một mình, sáu tháng, rồi lại sang.
- Bẩm cụ lớn, như vậy thì tốn kém nhiều tiền lắm,
- Chính thế đấy, ông nghị ạ. Bây giờ ai cũng nên tiết kiệm. Phủ toàn quyền đã có tờ thông tư cho các quan phải dè dặt chi tiêu, theo chính sách tiết kiệm. Vì rằng cái nạn khủng hoảng kinh tế mỗi ngày một nặng thêm...
- Bẩm do đó mà mới có những việc như ở Hà Tĩnh, Nghệ An vừa rồi, chắc cụ lớn có để ý.
Quan công sứ uống một hớp rượu rồi nói rằng.
- Phải, giữa lúc kinh tế này, cái nghề cai trị dân thật là khó khăn...
- Bẩm... như cụ lớn đã cai trị tỉnh nào thì quyết không bao giờ dân lại như thế. Cụ lớn thương dân lắm.
- Dân họ cũng hiểu cho tôi đấy chứ?
- Bẩm vâng. Lòng thương dân của cụ lớn thì không ai là không cảm phục. Nhưng mà còn những tay phiến loạn chúng xúi giục.
- Vừa rồi, sen đầm ở đây phải bắt bớ mấy vụ, là vì có mấy tay ở nơi khác lại, trốn tránh ở đây mà thôi, chứ tôi tin rằng dưới quyền cai trị của tôi, không một ai làm loạn cả.
- Bẩm cụ lớn, cái ấy thì đã đành. Nhưng mà có nhiều cái người ta không thể ngờ trước được.
Quan công sứ gật gù hồi lâu mà rằng:
- Chính phủ bảo hộ lo thế nào cho dân khỏi đói thì không sợ gì nữa.
- Bẩm cụ lớn, chính thế đấy ạ. Nhưng bọn nghiệp chủ chúng con dạo này, thật lấy làm khổ sở vì cái phong trào cộng sản. Trong cái mỏ ở Quảng Yên của con, vừa rồi suýt nữa thì có nạn phu đình công. Mà ngay ở đồn điền của con trên tỉnh này thì nông dân, ít lâu nay con thấy họ bắt đầu trở nên bướng bỉnh lắm.
- Tôi vẫn biết thế. Nhưng cái đó không hề gì. Nếu ông nghị cũng biết đãi nông dân và tá điền cho phải chăng, thì không bao giờ phải lo ngại gì nữa. Tôi quyết rằng dân dưới quyền tôi, họ không đói khổ thì không khi nào họ lại làm xằng.
- Bẩm cụ lớn, vậy mà con thì con thấy rằng phong trào ấy đã bắt đầu lan đến tỉnh ta.
Quan công sứ giật nẩy mình lên, trợn mắt hỏi:
- Đã lan đến tỉnh ta, ông bảo!
- Bẩm cụ lớn, hình như thế. - Có cái gì là chứng cớ không?
- Bẩm, toàn dân tỉnh này đã bắt đầu nói xấu và vu oan cho con. Bẩm cụ lớn, chắc là họ chỉ nhắm mắt nghe theo bọn phiến loạn chúng mớm nhời mà thôi. Họ vu cho con là giết người, là hiếp tróc đàn bà con gái, là bóp hầu, bóp cổ bọn dân nghèo, thôi thì đủ những tội ác. Họ hết sức gieo cái mầm thù ghét người giàu có, cho lan rộng trong đám công dân. Kể ngay bọn tá điền làm việc trong đồn điền của con thì chúng cũng đã bắt đầu đòi tăng lương, ấy là lương con phát cho chúng cũng đã cao lắm. Bẩm cụ lớn, con thấy rằng cái phong trào ấy sắp sửa lan đến tỉnh ta. Vậy con xin lấy tư cách một người dân biểu mà trình báo để cụ lớn tiện đường cai trị cho tỉnh yên ổn.
- Ông nghị đã làm phải lắm, ông nghị nhận đây những lời khen của tôi nhé! Để tôi phải thông báo cho ông giám binh. Ông nghị cứ yên tâm, chính phủ bảo hộ bao giờ cũng có trách nhiệm giữ cuộc trị an, bảo toàn tính mệnh và tài sản cho dân, trừng trị kẻ phiến loạn.
- Bẩm lạy cụ lớn, con ngồi cũng đã lâu, vậy xin phép cáo từ để cụ lớn làm việc.
- Phải, chào ông nghị! Chúc ông nghị ngủ ngon.
- Bẩm lạy cụ lớn.
Giữa lúc ấy, đồng hồ đánh chín tiếng boong boong nghị Hách bước xuống thang, còn nghe thấy quan công sứ mắng người bồi: “Sao mày không chất củi vào? Tôi còn làm việc khuya, mày lười như thế tôi không bằng lòng chút nào cả”. Người phu bồi tiễn nghị Hách ra cửa dinh một cách sợ hãi. Khi bước lên xe hơi, ông nghị lại được bác lính khố xanh nghiêm nghị bồng súng lên đánh thích một cái để chào!
Xe hơi sình sịch chạy đi, nhà tư bản bảo người tài xế “Đến dinh ông tổng đốc”. Năm phút sau, xe đã đỗ trước một cái tam quan. Lại một người lính bồng súng lên chào, cho xe hơi tiến thẳng qua sân vào tới bực đá Nghị Hách chưa kịp nói gì thì một bác lính đã chạy tọt vào, rồi chạy ra: “Bẩm mời quan lớn vào cụ lớn còn thức đấy ạ”.
Lúc nghị Hách vào đến phòng khách thì vừa thấy cụ lớn bà vội ngồi dậy, tay cầm một cái tráp mà chạy tọt vào nhà trong. Còn cụ lớn ông thì đương ngồi ở sập.
- Bẩm lạy cụ lớn ạ.
- Không dám, lạy quan lớn, quan lớn có việc gì cần mà đến chơi khuya thế?
- Bẩm cụ lớn, chúng tôi sang xem cụ lớn có thiếu chân tổ tôm nào...
- Quan lớn ngồi chơi. Độ này chẳng ai đánh chác gì cả. Quan bố thì khó ở, bà lục lộ thì thích đồng bóng, gọi họp
rõ khó quá. Độ này quan lớn mạnh khỏe đấy chứ? Lính đâu! Pha trà đi mày!
Phòng bên cạnh có tiếng dạ giậm vang lên. Nghị Hách ngồi lên sập, kéo mình về cái điếu ông rồi nói nhỏ:
- Thế nào? Cụ lớn vừa rồi có gặp quan tuần Hà tôi lại nhà cụ Thượng đấy không? Cụ lớn có đả động gì việc ấy giúp tôi không?
- Có, có! Chú nó lấy làm vui lòng lắm.
- Thật vậy ư? Quan tuần Hà vui lòng nữa kia ư? Liệu cụ lớn xem rồi, việc ấy có thành được không?
- Chết chưa, làm gì mà không thành? Quan lớn thông gia với chú tuần nó thì thì môn đăng hộ đối lắm rồi, mà cậu tú Anh với con cháu Nga nó kết bạn với nhau thì còn đôi nào đẹp bằng nữa?
- Bẩm thế trăm điều xin trông cậy cả vào cụ lớn.
Cụ tổng đốc cười khà khà mà rằng:
- Chỗ tôi với quan lớn thì còn ngại gì? “Trăm điều hãy cứ trông vào một ta”!
- Ha ha ha! Vâng! Đa tạ cụ lớn vạn bội! Mà tôi muốn việc chóng xong.
- Được rồi. Muốn chóng xong thì sẽ chóng xong.
Từ đây trở đi, mặt nghị Hách lộ một vẻ buồn khó tả. Đến một khắc, cứ trầm ngâm nghĩ ngợi, quên cả đáp lời ông tổng đốc.
- Kìa, sao quan lớn như có điều gì buồn bực thế? Cái tin mừng như thế không đủ làm cho quan lớn vui lên một chút nhỉ?
Nghị Hách hoảng hốt cười chữa mà rằng:
- Xin lỗi cụ lớn, tôi đang nghĩ đến việc quan huyện Cúc Lâm muốn kiếm chuyện với tôi đấy ạ. Ông ta vẫn có hiềm khích gì với tôi không biết, mà mới đây đã xui dân đi kiện tôi. Xem ra quan huyện là người tân học cho nên chính sách cai trị nhầm lắm.
- Ồ lạ! Thằng huyện Cúc Lâm gây sự với quan lớn? Để tôi bảo nó, được!
- Ông ta cậy mình đỗ luật khoa tiến sĩ, nên hợm hĩnh đến nỗi làm hỏng cả mọi trật tự của quan trường.
Cụ lớn tổng đốc nghe đến đó rồi lại nghĩ đến cái bước làm quan tắt của mình thì sa sầm nét mặt xuống...
- Cái thằng ấy láo thế à? Để rồi tôi trị cho nó một trận. Nó lại không biết là quan lớn sẽ thông gia với em ruột tôi hay sao?
- Vâng tôi chỉ mong ông huyện Cúc Lâm biết cho như thế.
- Được ạ!
- Thôi đã khuya...
- Ấy ngồi chơi đã!
- Bẩm để cụ lớn đi nghỉ... Bẩm lạy cụ lớn.
- Không dám, lạy quan lớn ạ.
Một hồi gót giầy, rồi tiếng nổ của động cơ xe hơi. Chiếc xe giật lùi vòng một vòng rồi từ dinh quan tổng đốc chạy phăng ra, lại qua một cái bồng súng của bác lính khố xanh đứng gác.
Mười phút sau, cái xe ấy lên cái dốc cổng Tiểu vạn trường thành.
Trong ấp, gia nhân đã ngủ gần hết, trừ trên một tầng gác tòa nhà trái là còn tưng bừng ánh đèn măng sông. Nghị Hách cho tài xế đánh xe hơi vào nhà chứa xe, đoạn một mình cuốc bộ xuống khu nhà cạnh cái sân gà vịt. Đêm đã khuya, những cây đèn trong ấp đã cạn bấc, lụi dần, nên hiện ra như những cục lửa đỏ ối, ở hai bên lối đi. Mặt trăng mới chênh chếch bắt đầu lên, nên trời đất còn tối mù mịt.
Gần đến gian nhà nhỏ thì ông chủ nện khẽ gót giầy... Một bóng người ló ra cửa thì ông chủ hỏi:
- Xong chưa?
Một giọng ồ ồ đáp lại:
- Bẩm xong đã lâu, rước quan vào xem.
- Chúng nó ngủ cả chưa?
- Bẩm không còn đứa nào biết trời đất là gì nữa. Con chờ quan mãi.
Ông chủ vào nhà. Cánh cửa bị đóng lại. Ngọn đèn dầu được vặn to lên. Ánh lửa bên trong thông phong được khêu to thì chiếu thẳng vào một cái mặt đáng sợ: đôi lông mày đậm mà chạy tuột xuống đuôi mắt, cái cằm to tướng dưới má nổi bành bạnh và một bên má có một cái sẹo dài chạy ngang qua. Người có cái mặt hung ác ấy cầm đèn từ bàn ra soi vào giường.
- Khô chư?
- Khô đã u.
- Độ 2 giờ đêm hãy ra đi, mà nhớ những lời ta dặn đó...
- Bẩm vâng. Nhưng mà hiện thì con run lắm, sợ lắm.
- Có thế thôi mà run cái gì? Cố đi, ta sẽ có thưởng.
- Bẩm vâng.
- Một ít ở sau huyện, một ít ở phòng hội đồn làng Quỳnh Thôn.
- Bẩm vâng.
- Ông chủ lẳng lặng ra khỏi gian nhà đi qua cái vườn tối tăm, rồi về cái phòng gác có một mâm cỗ linh đình và mười một người đàn bà ngồi đợi.