Giai Thoại Làng Nho

- 15 -

Người làng Phong Lệ, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Vốn dòng dõi người cao nguyên, trước họ Ong đến đầu đời Tự Đức thi đỗ cử nhân, vua cho đổi thành họ Ông, về sau thường gọi là ông Tiễu, vì ông làm chức Tiễu phủ sứ.

Khi làm tri huyện ở Huế, Pháp tấn công chiếm được kinh thành, ông bị cách chức tước, phải đi tiền quân hiệu lực. Ông ngày thường hay nghiên cứu binh thư, có mưu lược lại thêm võ dõng, nên đánh giặc nhiều trận thắng. Sau được khai phục, thăng lần lần lên đến chức Tiễu phủ sứ. Sử chép đã nhiều về ông, nay xin dẫn lại vài chuyện nhỏ.

Ông ra trận không cần dùng nhiều quân, chỉ trọng mưu lược và dũng cảm. Lúc đánh giặc Tàu Ngô Côn, ông bày trận: sớm quay lưng về hướng đông, chiều quay lưng về hướng tây. Thời ấy đánh nhau bằng giáo mác, quân Tàu phần nhiều thức khuya hút thuốc phiện. Sáng dậy, mắt nhắm mắt mở nên hay bị quáng nắng, binh ông nhân đó thừa thế đánh tràn. Trận ấy Ngô Côn thua bỏ lại cả ngàn xác chết.

Khi tỉnh thành Thái Nguyên bị vây, Trung quân đô thống Đoàn Thọ đưa quân lên cứu, bị tử trận. Vua Tự Đức sai ông đi tiếp ứng. Ông ra gần đến nơi, đóng một chỗ, cách xa trại giặc rồi cho làm lễ tế cờ cầu thắng trận.

Có mười đạo quân, ông ra lệnh mỗi đạo phải dùng 10 đồng tiền ( cộng 100 đồng ), mặt trên bôi vôi trắng, mặt dưới hơ đen để làm tiền bói âm dương. Đêm ấy lập đàn tế, các tướng cao cấp đều vào thị lễ. Khi sắp tế, ông đến trước đàn khấn to cho mọi người nghe thấy:

- Nếu thần minh phù hộ, thì xin cho trăm đồng tiền sấp cả hay ngửa cả. Chứ trong 100 đồng tiền này, 99 đồng sấp 1 đồng ngửa, hay 99 đồng ngửa mà 1 đồng sấp, thì bản chức đành đóng quân lại để tìm kế rút lui.

Rồi ông tung 100 đồng tiền lên mặt mâm thau, tướng sĩ trông thấy sấp đen xì cả, đều reo hò mừng rỡ. Có hay đâu, ông đã ngầm thay 100 đồng tiền khác, hai mặt đều tô đen cả.

Ông lễ tạ, rồi thu tiền đem cất và tuyên bố:

- Thế này đủ biết lòng trời còn tựa xã tắc, tướng sĩ phải hết sức đánh giặc, thế nào cũng thắng.

Quân sĩ tin có trời giúp, nên khi ra trận đều nức lòng công phá rất hăng hái. Quả nhiên tỉnh thành được khôi phục ngay.

Dẹp giặc xong ông được thăng Tham tri. Bấy giờ là cuối đời Tự Đức, việc giao thiệp giữa ta và Pháp đương khó khăn, vua lại cử ông ra bắc mưu đồ việc chống Pháp. Ra bắc, vừa gặp lúc nhà Thanh cho Phùng tử Tài, Từ duyên Húc, và quân cờ đen Lưu vĩnh Phúc sang đóng rải rác ở các tỉnh thượng du. Quân Tàu ỷ thế áp bức dân ta rất tàn ác, việc cung ứng lương thực cho họ rất phiền phí, dân chúng ca oán. Ông cho việc mượn binh Tàu sang đánh Pháp là thất sách, nên có làm bài thơ.

 

Áo chúa cơm vua đã bấy lâu.

Đến khi có giặc phải thuê Tàu.

Từng phen võng giá mau chân nhảy.

Đến bước chông gai thấy mặt đâu?

Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp.

Trâu dê ngày hiến đứa răng bầu.

Ai ôi hãy chống trời Nam lại.

Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu ….

 

Phải cạo đầu….theo tục và theo lệnh nhà Mãn Thanh.

Ông ở bắc cho đến khi hoà ước Việt Pháp đã ký xong lại về kinh cung chức. Bấy giờ vua Tự Đức đã mất, triều chính rối loạn, vua kế vị còn nhỏ, Tường Thuyết chuyên quyền, văn thần võ tướng chỉ là một lũ cầu an không ai lo đến việc nước. Ông bực dọc bèn đặt ra một tiệc mời khắp mặt đại thần tới dự. Các món ăn đều làm bằng thịt chó.

Lúc vào tiệc, nhiều người không ăn được thịt chó, ngập ngừng hỏi món ăn khác, thì ông trả lời:

- Bẩm, bữa cơm hôm nay toàn chó cả thôi.

Cơm xong, các quan gọi nước, mãi không thấy người nhà đưa lên – vì ông đã dặn trước đừng đưa – ai nấy đều khô cổ vì rượu. Một lúc sau, người nhà lên ông mắng ầm:

- Lũ chúng bay chỉ biết đứa lớn đứa nhỏ ngồi ăn hại, còn thì không biết việc nước là gì cả.

Các quan đều tím mặt.

Vì ông tính khí khẳng khái không luồn lụy quan trên, vả lại phật ý với Tôn thất Thuyết và Nguyễn văn Tường, nên bị bắt bỏ ngục. Khi ở trong ngục ông có ngâm hai câu:

 

Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết.

Tứ nguyệt tam vương thậm bất tường.

- Sông Hương chia hai dòng nước, thì khó nói chuyện: một bên trong một bên đục. Nhưng ngụ ý bên kia toà khâm người Pháp đóng, bên này thành thuộc về Nam triều.

- Trong 4 tháng mà thay đổi 3 vua ( Dục Đức, Hiệp Hoà, Phúc Kiến ) là điều không hay.

Nhưng dụng ý hai chữ câu cuối, một bên chữ Thuyết, một bên chữ Tường, ám chỉ Tôn thất Thuyết và Nguyễn văn Tường.

Sau ông bị đưa đi an trí ở Bình Thuận và mất ở đấy.