Tiếng Việt còn có Thành ngữ: Vừa đánh trống vừa ăn cướp hay: Vừa đánh trống vừa la làng.
Trong cuộc sống chẳng thiếu gì kẻ xấu, ma lanh, gian xảo. Có kẻ đã ăn cướp của người khác rồi lại còn lu loa lên như thể mình bị mất của, để đổ vấy cho kẻ khác là phạm nhân. Thêm nữa, có kẻ làm trò cướp giật, bị đuổi bắt lại khôn khéo nhập đám đuổi bắt, thậm chí còn đóng cả vai người đánh trống ngũ liên, hô hoán đuổi bắt cướp. Cứ như thế, trong cuộc sống, trong văn học dân gian đã xảy ra bao nhiêu chuyện phiền nhiễu oái oăm, chướng tai gai mắt. Người mất của đôi khi bị oan uổng, bị đánh đập tàn nhẫn, bị trừng trị nhầm. Rõ là tiền mất tật mang. Trái lại kẻ ăn cướp do ma lanh mà đã kiếm chác được của cải lại còn được cảm thông, an ủi, thậm chí đôi khi được tiếng là có công bắt cướp. Những thủ đoạn gian xảo đó được gọi bằng cái tên đích thực là vừa ăn cướp vừa la làng hay vừa đánh trống vừa ăn cướp. Do ra đời gắn liền với những vụ việc có thật trong cuộc sống như thế, các thành ngữ này trước hết được dùng để chỉ những thủ đoạn của bọn ăn cướp, vừa cướp của lại vừa vu oan cho người bị mất là kẻ ăn cướp hoặc vừa ăn cướp lại còn tham gia đuổi cướp tỏ ra là kẻ có công. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, thành ngữ vừa ăn cướp vừa la làng, vừa đánh trống vừa ăn cướp được sử dụng với nghĩa khái quát hơn hàm chỉ những hành vi cố ý làm việc ác lại còn lớn tiếng vu cáo kẻ khác, làm ra vẻ như mình là nạn nhân. Đó là hành vi đổi trắng thay đen, đánh lừa dư luận.
Cùng với các thành ngữ vừa ăn cướp vừa la làng, vừa đánh trống vừa ăn cướp, trong tiếng Việt còn có thành ngữ vừa đánh trống vừa la làng. Thành ngữ này có ý nghĩa và cách dùng tương tự các thành ngữ đã xét ở trên.
Về con đường hình thành thành ngữ vừa đánh trống vừa la làng có thể lí giải theo hai hướng. Thứ nhất, thành ngữ này là kết quả giao kết, tương hợp giữa hai thành ngữ vừa ăn cướp vừa la làng và vừa đánh trống vừa ăn cướp. Thứ hai, thủ đoạn la làng đổ vấy tội cho người khác, lối giả vờ đuổi cướp bằng hình thức hô hoán, đánh trống của chính kẻ cướp vốn rất phổ biến, lặp đi lặp lại trong cuộc sống đã được người đời nhận thấy và lấy làm đặc trưng cho thủ đoạn của những kẻ chuyên hành động theo lối rắn đổ nọc cho lươn. Rốt cuộc, ở câu thành ngữ vừa đánh trống vừa la làng không nói gì đến chuyện cướp bóc, không có sự đánh giá xấu hay tốt nhưng lại hiển hiện lên hành vi xấu, thủ đoạn gian manh của kẻ cướp nói riêng, lũ người xấu nói chung. Đó cũng chính là lời cảnh tỉnh người đời phải biết sáng suốt suy xét, đánh giá đúng thủ đoạn của kẻ xấu để đối xử đúng, không lẫn lộn vàng thau.