Trướng là bức màn che cửa, có thêu hình trang trí, đẹp, sang trọng, ngày trước nhà quyền quý hay dùng. Và thành ngữ trướng rủ màn che được dùng để chỉ cuộc sống đài các, êm đềm, được nuông chiều trong sự vinh hoa phú quý của tầng lớp thượng lưu trong xã hội phong kiến, nhất là đối với các lớp con cái của họ. Trong truyện Kiều Nguyễn Du viết:
“Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai”
Cuộc sống giữa nhung lụa nơi lầu son gác tía khép kín ngăn cách với thế giới “hỗn tạp”, rách rưới, ồn ào bên ngoài như thế khiến cho con người mất dần đi mối liên hệ với cuộc sống sinh động của muôn người ngoài xã hội đời thường. Những lo toan, những đắng cay, nhọc nhằn của người đời, cao hơn thế nữa, vận mệnh của một dân tộc, họ cũng chẳng hay biết và chẳng buồn biết tới. Chính cái hiện thực cuộc sống có được ở những người giàu sang, quyền quý xưa đã làm nảy sinh trong ý nghĩ của người đời sự so sánh nó với một lớp người trong xã hội ngày nay, chỉ biết chăm lo, vun vén cho cuộc sống riêng của mình, có tất cả rồi thì sao nhãng công việc cho đời, thu mình, khép kín lại. Và rồi, lớp người ấy bỗng hoảng hốt khi ngẫm lại mình và nhìn ra cuộc đời sống động, thấy mình đã đứng ra ngoài để tự chiêm ngưỡng một cách vô duyên, lạc lõng. Nói trướng rủ màn che, trướng phủ màn che hay màn che trướng rủ cũng là trong cái ý ấy cả. Vừa là một nhận xét, cũng vừa là một lời chê trách nhẹ nhàng, lặng lẽ.