Vàng, thau là hai kim loại khác nhau. Vàng thuộc loại kim loại quý, hiếm, có giá trị cao. Còn thau chỉ là hợp chất giữa đồng và kẽm, có màu vàng lợt. Về hình thức, vàng và thau có màu sắc như nhau, dễ nhầm lẫn. Nhưng về bản chất, vàng, thau hoàn toàn khác nhau, không thể đánh đồng cùng một hạng, một thang giá trị. Đối với con người và các hiện tượng trong cuộc sống cũng tương tự như vậy. Giữa cái tốt, cái xấu, cái thật, cái giả, giữa cái đúng và cái sai... đôi khi dựa vào hình thức để phân biệt, nhận biết tính xác thực của chúng cũng không đơn giản. Sự nhầm lẫn trong đánh giá, nhận biết các chân giá trị này, thường được nhân dân ta biểu thị bằng thành ngữ "vàng thau lẫn lộn".
Trong tiếng Việt, thành ngữ "vàng thau lẫn lộn", ngoài việc hàm chỉ sự nhận thức lẫn lộn các chân giá trị, còn được để đánh giá bản chất của các hiện tượng, các hành động. Một xã hội "vàng thau lẫn lộn", một tập thể "vàng thau lẫn lộn"... cũng là một xã hội, một tập thể không còn thể thống, không còn nề nếp và đang suy thoái, lộn xộn, đảo điên.
Vô tình đánh giá, nhận biết sai các chân giá trị, làm cho "vàng thau lẫn lộn" là chuyện thường gặp. Đó là kết quả của trình độ nông cạn, thiếu kinh nghiệm và đôi khi còn là kết quả sự cẩu thả thiếu thận trọng, "nhìn gà hoá cuốc". Nhưng cố ý làm cho "vàng thau lẫn lộn", để đổi trắng thay đen lại là hành động có ý thức, hành động bịp bợm, thâm hiểm. Bản chất xấu xa ti tiện của loại hành động này cần được vạch mặt chỉ tên.