Trong tiếng Việt để diễn tả ý nhiều lần gặp lại (của một sự việc nào đó), người ta thường dùng thành ngữ năm tao bảy tiết (tuyết). VD:
"Phần nhiều kéo nhau đến đây là hạng tứ bất tử cả đấy. Trốn chúa lộn chồng năm tao bảy tiết, ba chìm năm nổi chín lênh đênh, vỡ nợ tam tứ từng" (Nguyễn Tuân "Sông Đà").
Tao ở đây là "lần", "lượt", "phen" và tiết (tuyết) là chỉ hình thức đối xứng về mặt ngữ âm trong thành ngữ cùng với các số từ quen thuộc năm và bảy để diễn đạt, biểu thị cái ý "nhiều lần', "nhiều bận". Thường thì thành ngữ trên được dùng khi muốn nói về một sự tái diễn nhiều lần mà thường không toại nguyện người trong cuộc.
"Chờ mãi anh sang anh chả sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng".
(Nguyễn Bính "mưa xuân")
Với ý nghĩa này, thành ngữ trên đồng nghĩa với cách nói năm lần bảy lượt.
Trong sử dụng, có khi thành ngữ năm tao bảy tiết phát sinh những nét nghĩa mới tuỳ hoàn cảnh nói năng. Có khi nó hàm nghĩa "nhiều, ở mức độ lớn". VD: "Mẹ chỉ biết, thương chồng thì lo cho chồng năm tao bảy tiết, thương con, mẹ lo cho con chẳng kể nắng mưa" (Văn nghệ quân đội, số 11-1983)
Có khi năm tao bảy tiết (tuyết) còn hàm nét nghĩa "vất vả, phải làm đi làm lại nhiều lần":
"Bên anh chăn nuôi thế nào chứ ở đây thật là năm tao bảy tuyết đấy. Được cái khoản cung cấp lợn giống với cung cấp thịt cho nhà nước nhìn cũng tươm". (Nhiều tác giả "Hội thi").