Cái họa cái phúc ở đời khó lường được, may thành rủi, rủi thành may.
Theo Hoài Nam Tử, xưa ở gần biên ải, có ông lão là Thượng Tái Ông, có con ngựa quý tự nhiên biến mất.
Hàng xóm người đến chia buồn, ông lão vẫn tươi cười nói: “Mất ngựa chưa chắc đã là họa mà biết đâu còn là phúc”.
Quả nhiên ít lâu sau, con ngựa ở đâu về dẫn theo một con ngựa đẹp khác. Thấy ngựa lại dắt thêm ngựa về, mọi người đén chúc mừng. Riêng ông lão chẳng tỏ ra vui vẻ gì mà còn nói: “Biết đâu, chẳng phải là cái họa mang đến nhà ta”.
Con trai ông thích chí vì có ngựa đẹp nên mải mê leo trèo phi ngựa suốt ngày để đến một hôm ngã ngựa mà gẫy chân.
Mọi người thấy vậy đến chia buồn cùng ông, nhưng ông lại điềm nhiên nói: “Biết đâu lại là cái phúc”.
Mà cũng nghiệm vậy, thời đó quân Phiên tràn vào toàn thể trai tráng trong làng trong tổng đều phải xông pha trận mạc. Riêng con trai ông, vì bị gẫy chân nên người ta không bắt lính. Nhiều người đi lính chết nơi trận mạc nhưng cậu con trai Tái Ông vẫn ung dung ở nhà cưỡi ngựa.
Nhiều người biết chuyện nhà Tái Ông mới nói với nhau: “Thật là phúc họa khó lường”. (1)
Phúc họa khó lường được minh họa theo truyện trên là giả định, nếu có tai họa xảy ra thì người ta thường dành những lời an ủi, động viên để giảm bớt buồn phiền, đau khổ cho những kẻ đó, chứ không ai nỡ lòng nào mong cho kẻ đó chuốc thêm họa nữa vào thân. Phúc, họa xoay vần khó biết. Vậy nên gặp phúc thì cũng đừng cho là phúc mãi, gặp họa cũng đừng bi quan cho là “họa vô đơn chí”.
(1) Theo truyện “Tái Ông mất ngựa”, “Điển hay, tích lạ”- Nguyễn Tử Quang.