Ý nghĩa của câu thành ngữ nói về thái độ bàng quang, tiêu cực, gác bỏ ngoài tai mọi sự đời, trốn tránh đấu tranh.
Chuyện kể:
Xưa có hai vợ chồng con chiền chiện làm tổ ở tai ông sư. Vốn tâm niệm không sát sinh nên ông sư cứ để cho chiền chiện sống ở đó. Được ít lâu chiền chiện đẻ ra một chiền chiện con.
Một hôm, chiền chiện mẹ bay đi kiếm ăn. Lúc trở về qua hồ sen, chiền chiện ngỡ trong hoa sen có sâu bọ, bèn bay vào kiếm thức ăn thì bấy giờ trời đã tối, cánh hoa sen cụp lại, chiền chiện không sao ra được, phải nương náu trong hoa.
Đêm ấy, chiền chiện bố ở tổ một mình, bị con cào cào nó đánh chiếm tổ, vô tình thế nào cào cào đè gẫy mất chân chiền chiện con.
Sáng ra, hoa sen nở, chiền chiện mẹ bay về tổ. Chiền chiện bố vừa giận, vừa ghen, quát tháo mắng ầm cả lên rằng:
- Con kia! Đêm qua mày ăn nằm với ai, để ở nhà cào cào nó vào nó phá, nó làm gẫy chân con…
Chiền chiện mẹ nghe nói vội nhảy ra đứng ở vành tai ông sư om sòm chửi cào cào rằng:
- Mày làm thế nào cho chân con bà lành lại thì làm. Nếu mày để cho chồng bà đánh mắng bà thì mày chết với bà.
Cào cào bay lại đậu lên vành tai bên kia ông sư mà mắng lại rằng:
- Mày nấu cơm không lành, canh không ngọt cho chồng mày, nó đánh mắng mày chứ việc gì đến tao.
Rồi hai con hăng lên, đánh nhau toán loạn, chửi rủa nhau đến cùng, làm ông sư đinh tai nhức óc, không sao chịu được.
Có người đến bảo ông sư rằng:
- Nhà chùa không nỡ vứt cái tổ chim đi thì chụp cái mũ lên đầu, chúng cứ cãi nhau nữa cũng chẳng hề gì.
Ông sư nghe nói phải mới nhờ bà vãi đan cho một cái mũ len có cái diềm rộng.
Bà vãi đan xong cái mũ này làm ngơ được mọi điều trong thiên hạ thì gọi nó là mũ ni.
Thế rồi mỗi lần vợ chồng chiền chiện và cào cào cãi nhau, ông sư nọ lại lấy cái mũ ra đội vào, cẩn thận che kín cả hai tai và sau gáy lại, rồi a di đà Phật, “mũ ni che tai, mũ ni che tai”.
Cũng vì không bỏ tổ chim, cứ để nó làm tổ tai mình nên chẳng bao lâu nhà sư ấy đắc đạo. (1)
Cái sự cãi nhau mà lại ở ngay tai người khác mà người ấy vẫn làm ngơ được chẳng qua là nhờ cái mũ ni che tai. Thế mới hay, thờ ơ bàng quan lại được thăng chức là điều thật vô lý. Cái thói như thế, người đời còn gọi là “dĩ hòa vi quý”.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
(1) Theo truyện “Vợ chồng con chiền chiện và ông sư” Nguyễn Văn Ngọc – NXB Văn học, 2003.