Hễ ai mắc nợ nhiều, nợ người này chưa kịp trả đã phải đi vay người khác, cứ thế chồng chất, nợ đìa ra… thì được gọi là “nợ như chúa Chổm”. Vậy chúa Chổm là ai?
Tục truyền, chúa Chổm là nhân vật có thật trong lịch sử nước nhà. Thuở hàn vi, chúa Chổm mắc nợ nhiều. Khi được lên ngôi vua và rước về kinh thành Thăng Long thì bị đòi nợ suốt dọc đường. Chủ nợ thật cũng nhiều mà chủ nợ “hôi” cũng lắm, chúa Chổm làm sao mà nhớ được! Lúc đầu, vẫn cái tính “vung tay quá trán” nên cứ ai hỏi là trả, nhưng, khi thấy “chủ nợ” mỗi lúc một đông, chúa Chổm bèn ra lệnh chỉ trả cho đến khi về tới ngã tư Cấm Chỉ (ở cạnh Hàng Bông gần Cửa Nam xưa có ngõ Cấm Chỉ).
Rượu chè, cờ bạc là “bác thằng bần”, chúa Chổm – hay ai bây giờ mắc nợ nhiều như chúa Chổm, cũng chỉ vì hoặc cả hoặc chỉ cần mắc một trong những thứ nghiện trên. Ca dao còn ghi lại:
Vua Ngô băm sáu tán vàng
Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm uống rượu tì tì
Chết xuống âm phủ kém gì vua Ngô.