Câu thành ngữ chỉ của cải vật chất không bao giờ hết, hết lại có, vơi lại đầy.
Niêu là một loại nồi nhỏ được làm bằng đất nung để nấu cơm, kho cá.
Thạch Sanh là nhân vật trong truyện cổ tích, hiền lành khỏe mạnh có công giết đại bàng cứu công chúa. Niêu cơm Thạch Sanh biến hóa, ăn không bao giờ hết.
Chuyện kể:
Sau khi chém được chằn tinh, giết đại bàng cứu công chúa, Thạch Sanh được nhà vua làm lễ cưới gả công chúa Quỳnh Nga cho. Lễ cưới của họ tưng bừng nhất kinh kỳ. Thấy vậy, hoàng tử các nước chư hầu trước kia bị công chúa khước từ lấy làm tức giận. Họ hội binh lính 18 nước kéo sang đánh. Thạch Sanh xin nhà vua đừng động binh. Chàng một mình cầm cây đàn ra trước quân giặc. Tiếng đàn của chàng vừa cất lên thì quân sĩ 18 nước bủn rủn tay chân, không còn nghĩ gì tới chuyện đánh nhau nữa. Cuối cùng các hoàng tử phải cởi giáp xin hàng. Thạch Sanh sai dọn một bữa cơm thết đãi những kẻ thua trận. Cả mấy vạn tướng lĩnh, quân sĩ thấy Thạch Sanh chỉ cho dọn ra vẻn vẹn có một niêu cơm tí xíu thì bĩu môi không muốn cầm đũa. Biết ý, Thạch Sanh đố họ ăn hết được niêu cơm và hứa sẽ trọng thưởng cho những ai ăn hết. Quân sĩ mười tám nước ăn mãi, ăn mãi nhưng niêu cơm bé xíu cứ hết lại đầy. Cảm phục và sợ hãi chúng cúi đầu lạy tạ vợ chồng Thạch Sanh rồi kéo nhau về nước.(1)
Niêu cơm bé xíu nhưng chính là tượng trưng cho uy quyền, cho sự thần thông biến hóa để được sự giàu có thịnh vượng, cho thỏa mãn ước mơ ở đời. Vận câu thành ngữ này vào cuộc sống mang nhiều ý nghĩa.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh,
NXB Thông tấn
(1) Theo truyện “Thạch Sanh” Nguyễn Đổng Chi – NXB KHXH, 1973