Câu thành ngữ chỉ vợ chồng chung thủy, sống chết bên nhau, luôn luôn cùng nhau.
Chuyện kể:
Ngày xưa, ở một vùng biển Đông, có hai vợ chồng người đánh cá nghèo. Một hôm chồng ra khơi thả lưới thì bão lớn nổi lên, nhấn chìm cả thuyền đánh cá.
Tin dữ về làng. Người vợ ở nhà, lòng đau như cắt, rồi nàng bỏ nhà ra đi hy vọng tìm thấy chồng.
Người vợ cứ đi, đi mãi, men theo bờ biển đến một hòn núi lớn, rồi mệt quá ngủ thiếp ở dưới một gốc cây.
Đang ngủ thấy một ông lão đầu tóc bạc phơ đứng trước mặt mình. Ông lão nói:
- Ta là thần cây. Thấy nhà ngươi chân tình ta rất thương. Vậy ta báo tin cho nhà người biết là chồng ngươi còn sống, hiện ở ngoài hải đảo.
Nói rồi ông cụ trao cho người đàn bà viên ngọc và bảo:
- Ngươi hãy ngậm ngọc này thì tự nhiên sẽ bay qua biển đến đảo sẽ được gặp chồng. Nhưng nhớ là phải nhắm mắt, ngậm miệng kẻo rơi viên ngọc mà nguy đó.
Ông cụ nói xong biến mất. Người đàn bà ngậm ngọc nhắm mắt bay đi. Đến khi chân chạm đất nàng nở mắt ra thì thấy đã đứng ở bãi cát. Trông thấy chồng, nàng mừng quá. Hai vợ chồng hàn huyên hồi lâu rồi tính chuyện quay về làng.
Người chồng ôm ngang lưng vợ để vợ bay qua biển cả. Người vợ sung sướng không thể nói hết. Vì thế người vợ quên mất lời dặn của thần cây. Người vợ mở miệng, hỏi han chồng. Đột nhiên viên ngọc văng ra. Người vợ chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi cả hai sa xuống biển. Rồi sau đó họa hóa thành đôi sam.
Ngày nay, những con sam thường đi cặp đôi lúc nào con đực cũng ôm lấy con cái, giống như đôi vợ chồng bay từ hòn đảo nọ qua biển trời để trở về nhà.(1)
Đôi sam đã trở thành câu vận cho những đôi vợ chồng chung thủy quấn quýt, không thể rời nhau. Cái đức học được là tình chồng vợ cao cả vậy. Từ đặc điểm của đôi sam mà có truyện trên, sau trở thành thành ngữ.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh,
NXB Thông tấn
(1) Theo “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”, Nguyễn Đổng Chi –NXB Văn học 1973.