nh Chín Chuyền mở túi dết, lấy một bì thư đã mòn các cạnh, nét chữ nhòe nhiều chỗ. Anh đưa cho chị Năm, nói gọn:
- Thơ của ảnh đây.
Chị Năm đưa tay định cầm thư, rồi rụt lại. Chị vừa hiểu ảnh đây là chồng chị. Mặt chị tái đi. Chị đăm đăm nhìn cái thư, không dám mó tới, như sợ nó bay vù mất. Chị ngước đôi mắt bồ câu hốt hoảng nhìn anh Chín, muốn nghe anh nhắc lại một nữa để thật tin nó là của chị.
- Ẳnh không biết ở quê bây giờ ra sao, phải gửi về tỉnh nhờ tụi tôi chuyển lại. Khôn ghê. Chị đọc đi, rồi ta bàn công tác.
Anh đứng dậy, đưa mắt cho anh bí thư và Dõng. Cả ba lảng đi nơi khác. Dõng giở sổ tay ra hội báo.
Chị Năm không xé phong bì, chỉ vê nhè nhẹ các cạnh cho nó rã làm đôi. Nét chữ gãy góc của chồng chị hé ra. Chị liếc qua mấy chữ đầu, lại lật xem trang cuối một tí, như ngắm chồng từ đầu đến chân mỗi khi anh về phép. Lá thư run trên tay chị: Những dòng chữ nhảy nhót như chim sẻ đậu dây điện. Nhìn quanh thấy vắng, chị đập tay vào trán một cái, đọc nhẩm: "Em vô cùng yêu quí của anh...".
Chồng chị hiện lên sau nét mực, vạm vỡ, rám nắng, giọng ồ ồ dội từ đáy lồng ngực, vết sẹo trên cổ chạy đều đều khi anh nói với chị những lời thương yêu mà anh vốn tiết kiệm. "Anh biết em đã chịu muôn trùng cay đắng trong khi chờ đợi anh...". Chị lau vội đôi mắt ướt, mỉm cười. Anh biết thế đủ rồi. Em sẵn sàng chịu đựng gấp mười nữa, chỉ mong anh biết cho em. "Đêm nào anh cũng thao thức nhớ em, nhớ con, cứ ngày Bắc đêm Nam như vậy đã sáu năm ròng...". Chao ôi, thương nhớ có chừng, chứ không ngủ được thì ốm o gầy mòn, chịu sao nổi.
Để trả lời chị, một tấm ảnh nhỏ rơi ra khi chị lật trang nhè nhẹ, sợ lá thư chóng hết. Chồng chị mặc sơ mi trắng, trông béo khỏe hẳn ra, đang nhìn chị không chớp mắt. Sau lưng tấm ảnh có mấy chữ nhỏ tí: "Nguyện suốt đời chung thủy".
Chị Năm - người đảng viên luôn luôn vững vàng tươi tỉnh - không nín được nữa. Chị ép lá thư vào ngực, úp mặhai đầu gối. Những tiếng nấc êm bắt đầu rung hai vai chị.
Dõng báo cáo xong, định đi gọi chị Năm. Anh Chín cười:
- Đừng phá đám, để chị ta ở với chồng một lát. Hầm nhà chị tốt không?
- Bảo đảm lắm. Tôi cũng thường ở đó.
- Vậy tối mai mình về, ông cho mình nghỉ nhà chị, nhân tiện hỏi thăm chi bộ Kỳ Bường luôn. Kêu giùm Út Sâm cho mình.
Anh Chín ngắm cô gái đi đến sau lưng Dõng. Sâm mặc một bộ bà ba lụa đen, ống quần hơi chật theo kiểu mới. Màu áo đen làm nổi làn da trắng hồng, mặt Sâm như một bông hoa hồng bạch nở trên miệng cái bình men sẫm. Nếu Dõng không báo trước, hẳn anh Chín không sao nhận ra đứa cháu gái có mái tóc ngắn chấm vai ngả màu gạch và khét nắng, đôi mắt trông quá to trên cái mặt gầy. Dạo ở nhà má Bảy, anh bị cảm nên thường nằm trong buồng kín, khi động mới xuống hầm. Má sợ Sâm bép xép, không cho biết có cán bộ trong nhà. Sâm hỏi luôn miệng:
- Sao má nấu cơm nhiều vậy má?
- Hồi trưa còn hai khúc cá, mất đâu một khúc rồi má?
- Dầu cù là đâu thơm quá má?
Anh Chín thấy không ổn, khuyên má nên cho Sâm biết và dặn Sâm giữ miệng. Má chần chừ mãi vì thấy tính Sâm bộp chộp. Một hôm má đi cấy xa, giao Sỏi giữ trâu, Sâm coi nhà nấu ăn. Bọn dân vệ thình lình ập vào khám nhà bên cạnh. Sâm đến cửa buồng khóa ngoài, đập cửa kêu nh
- Ông bà gì đó ơi, trốn cho khéo, dân vệ vô soát nhà kia nè.
Mươi phút sau, anh nghe Sâm nói lanh lảnh dưới bếp:
- Các chú tìm Việt cộng hả? Việt cộng ra sao chú?... Giống như người mình à, vậy bà con đây giống Việt cộng hết, tìm chi cho mệt... Nhà trống hoang đó, các chú cứ tìm... Ngó coi, ở chơi uống nước đã các chú, gì gấp quá vậy?
Má Bảy không biết ai bày cho con mình đối đáp những câu lắt léo như thế. Những người mẹ dạy con từ nhỏ thường chậm nhận thấy con mình nghĩ bằng bộ óc của nó. Sâm được giao hẳn nhiệm vụ gác và nuôi cán bộ. Chẳng những Sâm không bép xép mà còn rất tài bông lơn, biến thật thành đùa, đánh lạc hướng địch. Sâm không nhớ mặt bác Hai Công - tên anh Chín lúc ấy - vì bao giờ cũng gặp bác trong buồng tối om hay ban đêm.
Sâm đến trước anh Chín, bẽn lẽn xoay cái nón trên tay, liếc trộm anh rồi cúi xuống. Anh Chín muốn ác một tí:
- Cháu nhận ra bác chưa?
Sâm vụt nhớ ra. Sâm nhìn mái tóc trắng xóa, nhìn bàn chân có một cục thịt đen gần mắt cá, rú lên:
- Bác Hai Công! Trời ơi, bác chết rồi kia mà! Thiệt bác không?
- Không thiệt thì giả à?
Sâm ngồi thụp xuống bên anh, túm cánh tay anh giật mạnh, nói qua nước mắt giàn giụa:
- Tụi nó mổ bụng bác, phơi bác giữa chợ... à mà không phải bác, bác khác kia... Má cháu khóc miết. Má cháu quải cơm cho bác một năm ròng, là cháu nói bác khác kia...
Dõng cười phì. Anh Chín cười theo. Sâm xấu hổ úp mặt vào vai anh, lắc đầu qua lại cho nước mắt thấm vào áo anh, nhân tiện cắn luôn cho anh một cái nên thân.
- Úy, con nhỏ hóa hùm rồi ta!
- Cháu ăn thịt bác cho lại gan 1 đây nè. Báo hại cả nhà cháu khóc sưng mắt. Cháu đi chợ quận, tụi ác ôn cứ lật nón lên dòm, nói bữa nay ai đỏ mắt với mua hương đèn là đúng Việt cộng trăm phần trăm. Cháu phải nói cháu để trâu ăn lúa, bị đòn.
- Sao cháu không coi xác cho kỹ?
- Tụi nó cột dây vô cổ kéo về, trầy truột hết. Với lại cũng tại cháu. Cháu mới ngó thấy đã chảy nước mắt rồi, không coi kỹ được. Cháu không dám lau sợ tụi nó bắt, phải đi vòng thiệt xa, đợi khô mắt mới quay trở lại. Tới dòm lần thứ hai cũng bị ướt mèm, thôi chịu...
Anh Chín không cười nữa. Anh nâng cằm Sâm, ngắm lại đứa cháu từ sớm đã cùng đi một đường với anh, đã giữ cho anh sống và hoạt động đến nay. Cũng như bao lần khác, tấm lòng người cha thèm được cưng con bỗng nổi dậy nung đốt anh. Giá anh được một đứa con gái thế này nhỉ...
Anh khẽ lắc đầu, xua những ý riêng tây. Anh hỏi thăm nhà má Bảy và những gia đình quen ở Đồng Dừa, vừa nhớ các mẩu chuyện lộn xộn mà rất sắc do Sâm kể, vừa đoán tính cô b
- Đâu xa cháu không biết, chớ bà con chỗ cháu thì ức lắm rồi. Ùm một cái, nổi dậy hết. Làm thịt heo thì ít, mà qua nhà nào cũng thấy mài dao phay sồn sột sàn sạt. Tết năm nay chắc gói bánh nhiều gấp đôi...
- Giả sử giao cho cháu tổ chức chị em nữ thanh, cháu làm được không?
- Tổ chức cách sao hả bác?
- À, cháu lựa chị em tốt, cháu điều khiển họ, chia việc Cách mạng cho mỗi người làm một ít.
Sâm cắn cắn môi:
- Cháu rủ người tốt được, bạn cháu đông lắm. Có điều cháu chỉ huy tụi nó không nổi đâu. Cháu nói đôi ba câu, hễ tụi nó không nghe là cháu nóng mũi, muốn cãi lộn rồi. Với lại cháu quên đầu quên đuôi luôn. Con Ngọ tổ chức giỏi nhứt. Nó tốt lắm bác ạ. Phần cháu, bác cho công việc gì dễ dễ, như bắt thằng Phổ, giựt súng dân vệ, cháu làm được hết. Ta có bộ đội con gái không bác?
Dõng ngồi sau lưng Sâm mỉm cười, gật đầu. Tính Sâm từ xưa vẫn thế.
Tuy chỉ hơn Sâm một tuổi mà Hai Ngọ, con đầu lòng ông Nhâm, khác Sâm cả người lẫn nết. Da ngăm ngăm đen, người hơi đẫy, tính hiền lành chín chắn, Ngọ sớm giống một bà mẹ tần tảo nuôi con. Mất mẹ khi mới mười hai tuổi, Ngọ thay mẹ chăm nom bầy em gái cho đến nay, làng xóm đều khen. Ngọ quen nghĩ chậm mà chắc, giảng giải từng tí một, làm gì cũng tỉ mỉ lớp lang. Sâm và Ngọ thân nhau nhất trong làng, đi đâu cũng cặp kè đủ đôi, bởi mỗi cô nhận thấy ở bạn những cái hay mà mình muốn có nhưng chưa có, lại còn tìm đ trong gia đình bạn ông cha hay bà mẹ mình thiếu. Do một sự tình cờ thú vị, ông Nhâm rất ưa cái tính ngang tàng sôi nổi của Sâm, và má Bảy thấy Ngọ giống mình hết sức.
Các cụ nói xưa nay dân Đồng Dừa luôn luôn đẻ con gái nhiều gấp đôi con trai. Chẳng biết đúng hay không, bây giờ nữ thanh niên ở Đồng Dừa vẫn đông hơn ở các thôn khác. "Con gái Đồng Dừa, chợ dưa Đồng Cát". Dưa hấu Đồng Cát vốn nổi tiếng to và ngon. Các cô gái Đồng Dừa cũng nổi tiếng đẹp người tốt nết.
Anh Chín xem đồng hồ, chép miệng:
- Chà, bác phải đi gấp đây Sâm ơi. Nói với má cho bác gửi lời thăm má, thăm Tư Sỏi. Hễ quên nói, bác về đánh đòn.
- Dạ nhớ. Không, cháu quên, bác tức bác mới về nhà cháu.
Anh Chín mang bao, quàng dù ngụy trang, xổ sợi dây đeo súng ngắn ra móc quanh cổ. Anh lên đạn, khóa súng. Bây giờ Sâm mới nhớ chung quanh dãy gò Chà Là này đâu cũng có lính địch, vậy mà bác Hai Công đến rồi đi như không. Nhớ lời má dặn trước, Sâm không hỏi bác đi đâu, chỉ giương mắt thẫn thờ nhìn theo bác lách qua những bụi sim lá mốc trắng, biến mất. Sâm đưa tay xoa trán, chỗ bác vừa cốc nhẹ một cái để chữa bệnh hay quên.
Khi quân thù dán ảnh, treo giải và giăng lưới kín trời đất để bắt anh, khi những người cầm súng cầm gậy đi lùng anh, khi chân tay anh rã rời vì đói và sốt rét, khi anh bị mắc nghẽn trong hầm bí mật hay góc rừng sâu và cháy ruột đợi bắt liên lạc với tổ chức, khi anh thoi thóp trong xà lim và cần nhắn gấp để các đồng chí ở ngoài biết tên kẻ làm phản, lúc bấy giờ người phụ nữ miền Nam đến với anh trong tất cả vẻ đẹp tuyệt vời.
Anh nhớ bà má trong đêm sờ mặt nắn tay anh để xem anh gầy đi nhiều ít, móc tất cả gói tiền bán heo nhét vào túi anh, thổn thức mãi mới nhắn được một câu gửi lòng trung thành của sáu mươi tuổi đời đến với Đảng. Người chị ấy, lấy chồng hơn mười năm mà chưa được ở với chồng cho trọn một tuần, đã đào hầm bằng dao phay và bát mẻ để anh nấp, nhịn cơm mình và bớt cả cơm con để nuôi anh no đủ, cấm anh không được ra vườn để tự đi đổ ống phân và nước giải của anh. Các cô em gái trẻ măng, ồn ào tinh nghịch có, hiền lành củ mỉ có, mỗi lần gặp anh cứ vừa khóc vừa cười rối tinh, phạm lệnh cấm của anh hàng trăm lần để mang cho anh cùng với báo cáo một bộ áo quần đàn ông hay một hộp cà phê bột, những thứ dễ lộ nhất nếu địch khám thấy. Phụ nữ bao giờ cũng là phụ nữ, họ không chịu để anh ăn đói mặc rách. Cả các em gái nhỏ cũng không còn sợ rắn sợ ma khi ra ngõ gác cho anh ngủ trong nhà, không hề ấp úng khi địch gí mũi dao vào cổ bắt khai.
Trước mắt họ, anh là hiện thân của tất cả những gì thiêng liêng và thân thiết nhất. Họ phục và yêu anh đến cái mức anh phát sợ, ngại mình không xứng đáng. Họ gán cho anh cả những đức tính cao quí và những hành động anh hùng mà anh không có nhưng họ muốn anh có, thay cho cha, chồng hay con trai họ đang vắng mặt. Họ cần anh phải cao quí và anh hùng như thế để anh đứng cao vòi vọi trên bọn tay chân Mỹ - Diệm độc ác dơ bẩn cứ nhô nhúc trước mắt họ. Qua a chúng nó, họ muốn thấy tất cả cái đẹp của ta và cái xấu của địch.
Còn anh, anh thấy họ là đất nước, quê hương, gia đình, là những người anh yêu thương nhất. Họ là những cô Bảy, chị Mười, má Hai có mặt khắp miền Nam, bởi vô số nên còn vô danh. Họ đổ máu làm nên những chiến công nho nhỏ hằng ngày: một mẩu thư kể tình hình, một túm gạo cho cán bộ. Những gì họ làm, cả tên tuổi họ nữa, chỉ có một vài đồng chí chịu trách nhiệm được phép biết. Họ đánh giặc và hy sinh trong im lặng. Họ là những tế bào kín đáo rung chuyển làm cho cái thân thể khổng lồ của Cách mạng miền Nam, tuy mang nhiều vết thương, vẫn lớn lên và bước mạnh.
Trong biển cả vỗ về của nhân dân, anh là con cá kình ngang dọc xuyên lưới giặc. Qua những câu chuyện thầm thì trong vườn, dưới hầm, mỗi cơ sở góp cho anh một ít hiểu biết, một mẩu căm thù, một mảnh lòng yêu nước, yêu Đảng. Anh nhớ ơn săn sóc và che chở của từng người một, đền ơn bao nhiêu cũng chưa đủ. Anh không chảy nước mắt khi gia đình mình tan nát, nhưng khi nghe tin giặc bắt giết hàng loạt cơ sở, những tiếng nấc trầm nặng của người đàn ông không quen khóc bỗng làm rung cả người anh. Một lần nữa anh thề trả thù, một lần nữa anh lái các mũi súng chĩa vào mình để cơ sở thoát nguy, một lần nữa anh trở nên anh hùng theo ước muốn của những người anh yêu. Nếu chẳng may bị bắt, anh biến thành khối nam châm lớn hút hết đòn giặc, đánh lạc các la bàn dò tìm của giặc. Đêm cuối cùng trước khi lên máy chém hay vào bao tải, anh sẽ chọn rất kỹ từng câu khẩu hiệu, những hạt giống cuối cùng anh sẽ gieo. Bấy giờ anh mới hết mọi lo toan, để nhẹ nhõm bước cái bước thử thách cao nhất của một cuộc đời cách mạng.
Thế rồi thỉnh thoảng lại xảy ra cái việc rất thường trong đời sống nhưng giữa lúc gay go này trở nên không thường: cô gái cơ sở yêu anh cán bộ chưa vợ. Tình yêu đến với cô gái cứ êm ru. Khi lý tưởng cách đã thành mơ ước riêng của cô, khi việc cách mạng đã thành việc nhà của cô, làm sao chia được trong tim cô ngăn nào yêu chung Đảng và ngăn nào yêu riêng anh cán bộ Đảng? Cô yêu anh trọn vẹn, liều lĩnh. Trong cái xã hội đen như mực, cô lao theo người cầm đèn chứ còn theo ai.
Anh cán bộ trẻ nén lòng ngày càng khó. Anh đâm ra vụng và nhát. Nghe báo cáo công tác, anh tránh không nhìn đôi mắt đen láy có dấu hỏi bên trong. Anh không dám nói một chữ nào ngoài tập tài liệu huấn luyện cơ sở. Anh đắn đo mãi mới dám bắt tay cô ấy một cái khi từ biệt, bàn tay nhỏ mềm đã dắt anh qua hàng rào phục kích của giặc, đã vuốt trán anh trong cơn sốt. Tất nhiên cô ấy giận hết chỗ nói. Còn anh bỗng thấy chống chếnh, bơ vơ, anh vừa mất đi một cái gì đó anh chưa có. Anh phải cầu cứu đến các đồng chí. Những lời dặn chung chung, mà anh cũng đã dùng để khuyên người khác, biến thành phao ném lại cho anh. Anh soát tình cảm của mình như người thầy thuốc tự lấy mạch lấy nhiệt. Không thể lầm, anh yêu thật rồi. Cô gái trở lại, mang theo bản báo cáo mới và nỗi ấm ức cũ: tim cô như đã ngăn làm đôi. Lớp ngăn ấy rã ngay khi tim cô đập gấp. Gặp anh là cô quên mọi thứ trên đời, kể cả hờn dỗi. Hôm ấy, tập tài liệu huấn luyện cơ sở có thêm một đoạn đuôi không in: họ nói với nhau những lời hứa hẹn. Họ sẽ sum họp sau ngày giải phóng. Họ phải xứng đáng với nhau, không ai sẽ xấu hổ vì ai khi ngày cưới đến. Họ lao vào những gian nan mới để ngày ấy mau đến.
Anh Chín Chuyền nghĩ lan man như thế trong khi bước sau lưng anh bí thư huyện ủy. Đồng chí giao liên đi trước vạch cành lá mở đường, đưa họ đi chếch về phía ga Đồng Mè. Bê kẹp tiểu liên dưới nách, ngón tay đặt trên vành cò. Có lúc họ bò bốn chân trên đồi trống, vọt qua một con đường xe trâu kéo củi, hay nằm im đợi một nhóm đồng bào cắt lá đi hết. Huyện ủy không muốn anh Chín xuống tận vùng biển, nhưng anh thấy cần xem xét tận nơi trước khi định ngày đồng khởi. Anh vốn nghiêm khắc với những đồng chí chuyên ngồi một chỗ để trút chỉ thị của cấp trên xuống dưới, và dồn báo cáo của cấp dưới gửi lên trên.
Đồng chí giao liên dừng lại, chỉ sang trái:
- Ga Đồng Mè kia.
Qua kẽ lá, nhà ga quét vôi trắng nổi rõ giữa nền cỏ xanh. Một chiếc xe gíp ngoi lên chỗ barie, trụt xuống, chạy về chợ Đồng Trầu. Sóng biển nghe đã rõ. Đứng ở chỗ thấp này thấy biển lùi ra xa hơn khi xem từ núi cao. Các xóm của Kỳ Bường nằm im sau lũy tre, hình như không sống, không vui buồn, không chờ đợi. Chỉ những người trong cuộc mới biết ở đấy sắp nổ một cơn động đất.
Bê và đồng chí giao liên chia gác hai hướng. Anh Chín để nguyên bao và thắt lưng, ngồi dựa gốc cây ngủ chập chờn đợi tối. Họ sẽ vượt qua đường sắt và đường Một lúc mặt trời lặn, khi quân gác đã về và quân phục kích chưa đến. Nhất chạng vạng, nhì rạng đông.
Anh Chín chợt mỉm cười, thì thào:
- Tụi mình mang cục thịt bất hợp pháp nặng nề gớm. Khúc đường mình đi một đêm một ngày, con nhỏ Út Sâm nó phóng xe đạp chưa tới hai tiếng.
- Mình tiếc bộ râu ông quá. Ông còn râu dài, mình cho cơ sở Kỳ Sơn dẫn ông đi ô tô, nửa giờ là tới nhà cậu bí thư Kỳ Hải.
- Tại Thường vụ mình mới nhổ.
- Hử?
- Mình nổi máu giang hồ, đi Sài Gòn, Đà Nẵng mấy chuyến trót l cũng nhờ bộ râu. Sau Thường vụ không cho mình đi nữa. Ở với anh em để râu coi kỳ lắm, mình buồn tình nhổ sạch trơn.
- Thôi sắp tới ông đi ô tô, xe đạp trong vùng giải phóng đủ ngán. Nhổ râu dễ nói với thanh niên hơn.
Hai anh cán bộ già cười rúc rích.
Trong lúc ấy, lớp học ngắn của bốn chị em cơ sở chấm dứt. Sâm, Ngọ, Trấu được kết nạp vào Hội phụ nữ giải phóng. Sâm chưa hết bàng hoàng khi biết chị Năm là người lãnh đạo chính trong xã, thì đã đến lượt Sâm nói những lời hứa hẹn.
Hai tai đỏ vì nghĩ găng quá, mắt chớp liên lu, Sâm nói như đọc bài:
- Thưa đồng chí đại biểu... ư... của cấp huyện...
Dõng ôn tồn:
- Sâm cứ tự nhiên như ở nhà, nghĩ sao nói vậy.
Sâm cúi xuống nhổ mấy sợi cỏ may bám gấu quần, dần dần bớt hoảng. Chung quanh là người thân cả, Sâm vẫn bối rối, bởi lúc này không phải Út Sâm nói mà một đồng chí mới bước vào đời cách mạng sẽ lên tiếng.
Sâm ngửng đầu lên:
- Hồi đánh Tây, bom đạn nhiều biết mấy mà nhà em no, em được học, má em không bị đánh chửi. Bây giờ Mỹ cướp nước, Diệm bán nước, dân mình khổ mà gia đình em cũng xơ xác. Má em già cả vậy tụi nó còn bắt lên đánh xuống. Ruộng trâu nhà em mất rồi. Phần em ải bỏ học, tụi nó còn chọc ghẹo miết, em tức lắm. Em thương má em lắm...
Sâm mím môi, nuốt nước bọt thật mạnh:
- Lâu nay em tìm Cách mạng hoài mà không gặp. Bây giờ gặp rồi, các anh chị biểu gì em xin làm nấy. Em còn dại chưa biết gì, vậy chớ sợ giặc thì dứt khoát em không sợ. Em phải trả thù cho cả hai má con, cho đồng bào mình. Em phải đánh tụi nó đến cùng.
Sâm thở mạnh một tiếng. Người Sâm ran ran trong một nỗi say sưa chưa bao giờ thấy, như tất cả máu trong tim Sâm vừa biến thành rượu đỏ.
Bõ giận. |