Gia Đình Má Bảy

CHƯƠNG 5

Docsach24.com

nh Dõng dặn Sâm rủ một số bạn đến gặp anh trong dãy gò Chà Là nằm ven sông Nhỡn. Đồng bào Kỳ Bường quanh năm vào đấy kiếm củi, cắt lá, róc vỏ sim bán cho dân chài nhuộm lưới, đến mùa hè thì giũ chà là chín ở đấy từng nón ngửa đầy có ngọn.

Tất nhiên Sâm chọn ngay Hai Ngọ, bạn thân nhất. Rồi đến Trấu, cô gái gầy và mặt lấm tấm tàn hương, có cha và anh đi tập kết. Hai cô mừng muốn nhảy lên. Sâm rủ Mại nữa. Cha Mại mới mở quán hàng xén bên đường ôtô, Mại vừa may máy vừa bán hàng. Nghe Sâm nói, Mại tái mặt ngay:

- Sợ má mình không vui lòng...

- Má mày mới kêu mày làm biếng, không chịu cắt lá bỏ chuồng trâu kia nè.

Mại phải thú thật:

- Mình đa cảm lắm, Sâm biết đó. Ba mình mới rút roi, mình đã run muốn xỉu. Mình thích đi với Sâm quá, mà sợ chịu đòn không nổi, lỡ mình khai bậy...

Sâm ngớ ra một lát. Chưa bao giờ Sâm ngờ người ta có thể ngần ngại khi được Cách mạng gọi. Sâm sừng sộ:

- Mày tính tố tao lấy thưởng hả?

- Chết, Sâm đừng nghi, tội lắm. Hễ mình hở ra với ai thì... thì sét đánh chết lập tức. Mình nói có mặt trời soi vô miệng đây nè.

Sâm hơi mủi lòng vì Mại đã rân rấn nước mắt. Với lại nó thề rồi. Cả nhà Mại quanh năm cúng vái, mỗi tháng ăn chay tám ngày đủ lệ bát trai, nó không dám thề bậy đâu. Sâm nuốt câu mắng "đồ tồi" vào bụng, ấm ức bỏ đi. Mại chạy theo, run rẩy:

- Để mình đi, mình đi. Sâm đừng giận, mình đau đớn lắm.

Lúc nào Mại cũng nói như đào cải lương. Sâm dịu lại:

- Mày cứ ở nhà. Tao giận năm phút thôi. Cho tao mượn cái xe đạp.

Sâm đạp xe xuống Đồng Trầu. Hết bực rồi. Giữa Sâm và Mại có cái tình bạn lạ vậy đó, không bình đẳng từ cách xưng hô trở đi. Nhưng Mại rất bằng lòng chịu nước lép, vừa thương vừa sợ Sâm một phép, tuy nhà Mại khá giả hơn, Mại học trên Sâm hai lớp và lớn hơn Sâm một tuổi ở ngoài nhìn vào ai cũng ngạc nhiên.

Sâm đến nhà ông Rạng thợ rèn, định rủ thêm cậu Chuân. Chuân cùng tuổi với Sâm, là bạn học và bồ chăn trâu của Sâm từ nhỏ. Gần đây cả hai cùng lớn lên, có bề ý tứ hơn một chút nhưng vẫn thân nhau. Có cậu Chuân đi, lỡ gặp du côn ghẹo hay trâu lồng đuổi cũng đỡ lo.

Nhưng Chuân với cha đã đi rừng kiếm cây làm cán rựa. Sâm lóc cóc đạp về. Hụt liên tiếp hai đứa, chán kinh. Lại thêm một ông già say túm yên xe đạp níu Sâm lại, hỏi Sâm có phải vợ thằng Rân không, nếu chưa làm dâu ông Hạnh thì có ưng con ông không. Sâm thưa gửi mấy câu, lừa lừa khi ông buông tay là nhảy lên xe phóng một hơi.

Trả xe, về nhà, Sâm ăn vội củ sắn luộc để sửa ra bãi cuốc đất khoai với má. Vừa lúc ấy có ai gọi gióng giả ngoài rào:

- Úút Sâm có nhà không?

Sâm vọt ra cửa:

- Vô đây chị Năm!

Sao Sâm có thể quên chị Năm Tân được nhỉ. Có lẽ vì Sâm chỉ nhớ lời anh Dõng dặn rủ bạn, nên không nghĩ đến các anh chị lớn tuổi.

Chị Năm Tân cao dong dỏng, có đôi mắt bồ câu trẻ hơn tuổi ba mươi lăm của chị. Hai hàm răng lúc nào cũng nhuộm đen nhức chứ không cạo trắng, cũng không để luôm nhuôm như các bà già. Quanh năm chị mặc áo vá, nhưng các mảnh vá đều điệp màu rất khéo, mũi chỉ nhỏ rứt. Các bà mẹ trong làng mỗi lần mắng con gái vụng may vá đều nhắc đến chị, người thường nhắc nhất là má Bảy. Chồng chị đi bộ đội không mấy khi về nhà, sau tập kết ra miền Bắc, để lại cho chị một mẹ già và hai con dại, cùng với cha mẹ đẻ mà chị vẫn phải đỡ đần. Lẳng lặng, không một lời than, không một nét buồn trên mặt, chị tươi tỉnh đưa đôi vai gầy ra gánh hai gia đình, tay bồng tay dắt hai đứa con, đi tới giữa bầy chó sói.

Sau mỗi trận đòn nhừ tử, chị lê về nhà giam, uống hớp nước, lau máu trên mặt, giỡn ngay:

- Hết thằng đánh đau tới đứa mau đánh. Sao bị đòn à? Họ biểu tôi lộn chồng, tôi không lộn, họ động viên chút đỉnh... Gà nào có thứ gà luộc hai lần!

Khi nói vậy, đôi mắt rất đẹp của chị lấp láy những tia lạ, và chị cười. Có thể chị căm giận đến độ chỉ cười gằn chứ không chửi được nữa, mà cũng có thể chị đang vui với một ý nghĩ nào đấy. Ít người hiểu được tiếng nói của đôi mắt có hàng mi dài đậm ấy. Từ con người chị toát ra một sức mạnh kín đáo. Bà con thương và phục chị đã đành, đến bọn ác ôn cũng phải nể. Cuối cùng chúng thả chị về để cộng tác viên công an theo rình. Rình mãi không được gì, chúng tạm để chị yên. Chúng xem chị như một người đàn bà cứng đầu nhưng hơi dở người.

Sâm biết chị mấy năm trước có liên lạc với anh Dõng, cũng như má mình. Dù không biết, Sâm vẫn tin chị. Sâm nghĩ hễ chị đã một lòng chờ người chồng cách mạng, ắt phải chung thủy với Cách mạng.

Sâm kể tồng tồng hết những điều anh Dõng nói, cả những người đã nhận và không nhận đi với Sâm. Đúng hơn là Sâm khoe những hiểu biết đầu tiên của mình. Chị Năm ngơ ngác:

- Tao tính rủ mày cấy cho tao vài công. Mạ già rồi.

- Cấy chưa gấp bằng phong trào cách mạng đâu chị.

- Ủa, mày lên làm cán bộ "Phong trào cách mạng quốc gia" rồi à?

Sâm bực mình:

- Chị kỳ lắm. Giỡn có hồi có chặp. Chị đi hay không thì nói.

- Lỡ tao đi rồi tao báo cho hội đồng, làm sao?

- Đời nào!

- Mày dám chắc vậy à

- Chị cầm như em con nít lắm. Em biết coi người chớ. Hay chị mất tinh thần rồi, nói trớt đi!

Chị Năm cười to, đưa tay che hàm răng đen như một cô gái hay xấu hổ:

- Chưa chi đã đỏ mặt như gà chọi! Thôi chị nể em quá, chị rán đi coi thử mấy ông Việt cộng mặt ngang mũi dọc ra sao. Nghe chị dặn đây: bấy nhiêu thôi, đừng rủ thêm, mà từ nay đến mai dứt khoát khóa miệng. Nhớ chưa?

- Dạ nhớ.

Bây giờ Sâm lại thấy vâng lời chị Năm là điều rất tự nhiên.

Tối hôm ấy, Chuân đi rừng về đến tìm Sâm. Chuân cao hơn Sâm một chút nhưng trông non hơn cô bạn, bởi chân tay còn lòng khòng chưa nổi bắp thịt và giọng chưa vỡ hẳn nghe nửa trống nửa mái.

Chuân trao cho má Bảy một chai nhỏ mật ong:

- Ba cháu mới lấy được hồi sáng, kỉnh 1 bác một ít.

Rồi Chuân rút túi ra một gói lá chuối bằng quả cam, đưa cho Sâm:

- Phần ông đây.

- Gì đó?

- Coi thì biết. Mình lượm được hai trái, cho ông một tr

Má Bảy cất chai mật xong, quay lại thấy Sâm đang mân mê dưới ánh đèn một quả lựu đạn mỏ vịt, da láng xanh. Má hoảng hồn chụp lấy lựu đạn, đem vùi ngay vào mủng trấu. Chuân lắc đầu:

- Không nổ đâu bác. Phải rút chốt...

- Im cháu. Lát nữa cháu đem về chôn kỹ đi, để lộ thì cả nhà tan xương hết.

- Bọn dân vệ đi phục kích làm rớt cháu lượm được, đâu phải ai đưa...

- Thôi đừng nói. Ngồi xuống ăn cơm với bác.

Chuân ngồi xuống ăn luôn. Ông Rạng hay dạy con không được khách sáo và hai gia đình quen nhau đã lâu. Chuân với Sâm, sau khi bỏ những tiếng mày tao hồi nhỏ, đã nói trống không với nhau một dạo trước khi chọn kiểu xưng hô "mình, ông" hiện nay. Có mấy đứa xấu bụng bày đặt những chuyện mất dạy về đôi bạn, bị Chuân "cho lỗ mũi ăn trầu" cả. Trông như con nhện nước, nhưng Chuân khỏe và gan lì ra trò.

Chuân hỏi Sâm:

- Thằng Rân về thăm nhà, đi đâu cũng nói ông ưng nó mà nó chưa ưng ông, thiệt vậy không?

Sâm buông đũa, hầm hầm:

- Sao ông không nện cho nó ít bạt tai giùm mình?

- Nó xuống thị xã hồi trưa. Để hôm sau đánh

Má Bảy chen vào:

- Đánh nó rồi ở tù mục xương đó cháu.

- Dạ không sao. Cháu bôi mặt phục kích chỗ truông, bửa vài đòn gánh là xong. Cho nó sợ thôi, không đánh chết.

Sâm gật đầu:

- Ông đánh, nhớ đừng la hét gì hết. Ông mở miệng thì cách một cây số người ta cũng biết con bác Rạng.

Má Bảy sững sờ nhìn cả hai đứa. Má không ngờ chúng liều đến vậy. Trong khi thằng địch có thể giết mấy mạng người vì một câu hớ miệng, lứa trẻ này đem cho nhau lựu đạn, bàn việc đánh con lão phó đại diện nghe ngon lành. Mà cả con gái má nữa chứ ai đâu xa lạ. Má bắt đầu hiểu vì sao anh Dõng lại giao những việc lớn cho Sâm. Nó ngớ nghếch nhưng đã nói là làm. Đành vậy, tre già măng mọc, việc Cách mạng bây giờ phải giao cho thanh niên, chứ cứ dựa vào lớp già của má thì chỉ những tính trước toan sau cũng đủ hết trăm tuổi thọ. Má nghĩ vậy, và chợt thấy ngậm ngùi.

*

Bốn chị em đi đến trạm gác, cũng là chỗ thu thuế nhập lâm.

Mọi lần chỉ có vài tên dân vệ và một tên xé vé thuế đón tại đấy, hôm nay cả một tiểu đội biệt kích áo đen có trung liên dàn ra bên các hố bắn che mái tranh. Chúng soát thẻ kiểm tra và giấy phép nhập lâm. Tên hạ sĩ tiểu đội trưởng hăng lắm. Hắn tự tay móc túi từng người, vuốt từ nách xuống đùi, còn xắn nát những nắm cơm ăn trưa, thò cây khoắng các ấm nước chè.

Chị Năm đập tay Sâm:

- Hỏng rồi, chị em mình không có giấy phép.

- Ta cứ đi ào coi nó làm gì.

- Em làm sao tụi mình qua lọt mà khỏi bị khám, chị khen giỏi đó.

Sâm không đôi hồi, nhận ngay: "Để em nói". Sâm đi chợ Đồng Trầu hay chợ quận không bao giờ bị hỏi giấy. Chỉ cười một cái, đùa một câu, bọn cảnh sát và dân vệ quen cứ muốn sấn vào gánh hộ. Chúng chỉ nạt nộ lục soát các bà già. Nhưng ở đây gặp bọn biệt kích, e khó hơn.

Đến gần trạm gác, Sâm chợt nhận ra một thằng biệt kích quen mặt mà không nhớ tên đang ngáp ruồi bên hố bắn. Sâm mừng quá, vẫy kêu:

- Anh gì đó ơi, lại đây?

Sâm biết hễ mình gọi là chúng nó đến. Quả nhiên, tên được gọi tươi mặt lên, xách súng đến. Một tên nữa cũng mon men đi theo. Sâm nhăn mặt:

- Việc gì mà khám xét dữ dằn vậy anh?

- Việt cộng treo cờ ở ga Đồng Mè, cô không biết sao? Cô đi đâu?

- Bốn chị em đi cắt lá bỏ chuồng trâu. Đàn bà con gái, ai lại soát cả người vậy bao giờ. Không để đi thì về, em không cho khám. Dứt khoát!

- Cô chịu khó nói sơ với anh hạ sĩ một tiếng...

Sâm giẫm chân:

- Anh đó em không quen. Mà cũng không muốn quen. Sao các anh sợ chỉ huy quá vậy? Thôi, ta về chị Năm!

Sâm vùng vằng quay đi. Tên biệt kích không gọi mà đến vội nắm cổ tay Sâm giữ lại. Hắn biết chọn đúng lúc để ra tay hào hiệp. Hắn tém môi nở một nụ cười rất kiếm chác:

- Cô đừng giận, để tôi đưa đi. Cô không nhớ tôi chớ tôi biết cô lắm. Ba má mạnh không cô?

- Cũng thường...

- Dạo trước tôi có đóng quân nhà cô hai ngày. Ba thương tôi lắm, kêu vô uống trà luôn. Nhà cô là cái nhà ngói có máy may bên chợ Đồng Trầu, tôi nhớ y nguyên, cô thấy chưa?

Tên biệt kích dẫn bốn chị em đến báo cáo với chỉ huy, nhận là người nhà. Tên hạ sĩ bận một tay móc hầu bao ông già đi củi, khoát tay kia:

- Đi đi. Dặn họ gặp Việt cộng lảng vảng trong đó thì dắt về lấy thưởng.

Nói xong, hắn túm một xấp thẻ kiểm tra, giấy phép, cả mấy tờ bạc trăm màu xanh lá kẹp ở giữa giấy tờ, nhét vào túi mình rất thoắng:

- Cho bác đi. Chiều về nhận các thứ. Ê, ngườ khác! Bà đi đâu?

*

Cùng với anh bí thư huyện ủy, anh Chín Chuyền đi về các xã để soát lại việc chuẩn bị đồng khởi. Họ đến gặp Dõng tại dãy gò Chà Là.

Lúc ấy, nhóm Sâm đang vui chuyện giữa anh em trong đội võ trang công tác. Mọi người cười lăn ra, trong khi cô Trấu phụng phịu ngồi quay mặt vào bụi, mắt còn ướt nhưng miệng cứ ngượng nghịu cười theo. Trấu vừa gặp anh Huấn trong đội, bỗng bật khóc thút thít và nhận là anh ruột mình. Anh Trấu đi tập kết để lại một tấm ảnh. Trấu cứ theo tấm ảnh cũ đã sáu năm và phai gần hết nét ấy mà tìm anh. Thêm cậu Cung quỉ sứ còn đế vào, nháy nháy mắt:

- Sợ lộ bí mật thôi. Đúng y rồi đó.

Đến khi chung quanh cười to, Trấu mới biết mình hớ.

Chị Năm đùa ác:

- Mày kiếm anh, có lầm cũng chẳng sao. Tao lầm ông chồng mới nguy.

Trấu phát cho chị một cái, quay ra dỗi.

Một đồng chí giao liên vác trường Mát đến tìm Dõng. Anh hối hả bỏ đi, Sâm không để ý. Một lát sau Dõng trở lại, dẫn theo hai bác cán bộ già. Sâm đang bắt chước điệu bộ bọn biệt kích móc túi, vội ngồi thụp xuống sau lưng Ngọ, thưỡi. Bác cán bộ tóc trắng nhìn Sâm, cười tủm tỉm. Sâm ngượng quá. Chắc bác thấy Sâm đóng kịch, cười Sâm trẻ con. Bác bắt tay từng người. Chị Năm nhìn bác, khẽ gật đầu, chắc chị quen bác. Sâm cũng thấy bác rất quen mà không nhớ gặp ở đâu. Chao, cái đầu chim sẻ! Hèn gì má mắng hoài là vô ý vô tứ!

Bác giữ tay Sâm lại, hỏi độp một cái:

- Út Sâm nhớ bác không?

Sâm nói bừa:

- Dạ nhớ.

- Bác tên gì?

Sâm huých cùi tay Ngọ một cái, đòi nhắc. Ngọ vẫn tròn mắt nhìn Sâm.

- Bác là... ư... cháu quên mất.

Mặt Sâm thành trái cà chua chín. Bác vẫn đủng đỉnh:

- Lát nữa Sâm ở lại bác hỏi chút.

Anh Dõng đưa bác đi khuất, Sâm hỏi ngay chị Năm. Chị lắc đầu:

- Mày rủ tao đi gặp cán bộ, lại nhè tao mà hỏi!

Còn Bê chỉ cười, nói quanh:

- Cấp trên đó. Cô Út cứ hỏi ảnh là gọn nhứt.

Sâm định hờn mát một c thì chị Năm kêu:

- Mặt trời cao hung rồi các ả. Cắt mau cho đầy gánh lá, lát rồi anh Dõng kể chuyện xong ta về luôn. Đường xa bốn năm cây số chớ ít đâu.

Bê sắp xếp:

- Để tụi tôi cắt phụ với cho kịp. Chia nhau ra. Tôi cắt với chị Năm, ba đồng chí cắt giúp ba cô.

- Anh Bê giúp em đi, em hỏi cái này.

Sâm nói tự nhiên. Bê lúng túng: "Cũng được". Bê rút dao găm, thử lưỡi dao bằng ngón tay cái, đi theo Sâm. Giá Sâm bớt sắc sảo một chút, chắc hẳn Bê không rụt rè như thế.

Sâm với Bê vít những cành mua rậm lá, cắt vội vàng. Đợi mãi không nghe Sâm nói, Bê hỏi trước:

- Cô Út hỏi gì vậy?

Sâm cười giòn, vẫn đưa lưỡi câu liêm thoăn thoắt:

- Gì đâu. Em quen anh, chưa quen mấy anh kia. Anh cắt bằng dao chậm lắm. Anh cao, níu nhánh xuống em cắt. Ở nhà anh làm gì anh Bê?

- Tôi làm thợ nguội.

- Nguội là sao?

- À, nghĩa là làm đồ sắt mà không rèn, không đúc. Chỉ có giũa, cưa, đục, mài, tiện. Làm trong xưởng đông người, mỗi người một việc.

- Anh biết cày bừa không?

- Mỗi lần về quê, tôi cũng cày cho bà con.

- Ba anh già chưa?

- Chưa. Hồi tụi nó giết, ba tôi chưa tới năm mươi.

- Tội nghiệp, vậy má anh?

- Má tôi bị bom hồi kháng chiến.

Sâm dừng lại, nhìn Bê:

- Hóa ra anh mồ côi à?

- Đại khái vậy.

Từ đó Sâm hơi lơ đãng. Sâm mất bao lâu thành quen, nhưng không đoán được nếu thiếu má thì Sâm ra sao. Chắc khó sống lắm. Mỗi lần má bị bắt đi "tố cộng" ở xã, Sâm nhất định giành đem cơm cho má, không nhường anh Tư đi. Gặp má mỗi ngày hai lần mà Sâm còn buồn rũ ra. Anh Bê khổ thật. Vậy mà anh cứ cười cười, tỉnh như không. Sâm liếc nhìn mái tóc quăn và đôi tai to của Bê, thấy anh quen hơn trước một tí, như một cái nhà mà Sâm vừa mở cửa nhìn vào lần đầu.

- Anh Dõng giao công tác hôm kia, cô Út nhớ hết không?

- Chưa, em ít nhớ lắm.

Bê ngạc nhiên ngừng tay:

- Vậy cô làm sao cho khỏi quên?

- Em nói với con Ngọ, con Trấu, mỗi đứa nhớ giùm một ít, tụi nó nhắc. Còn hỏi lại các anh nữa chớ.

Sợ Bê chưa hiểu, Sâm nói rõ hơn:

- Má em nói hồi nhỏ em rớt xuống sông, bây giờ hay quên. Em đi học với thầy Dõng... anh Dõng, ảnh rầy em hoài. Nghe giảng em hiểu liền, về nhà quên ráo. Có điều quên gì chớ không quên Cách mạng là được, phải không anh?

Sâm cười. Bê muốn bẻ lại: "Còn phải nhớ hết công tác Cách mạng nữa". Nhưng bốn đồng tiền trên đôi má ưng ửng của Sâm khiến Bê phân vân, nghĩ có lẽ Sâm định trêu anh thôi. Bê không sợ địch, nhưng rất sợ các cô cơ sở xinh đẹp và ranh mãnh cứ chộp một câu nói hớ để hùa nhau trêu anh cán bộ trẻ.

1

Biếu.