Gia Đình Má Bảy

CHƯƠNG 18

Docsach24.com

ng Nhâm rót rượu đưa mời má Bảy và các ông ngồi quanh:

- Ta nhấp cho ấm bụng rồi đi. Kinh Kha nhập Tần phải có chút men mới hay... Phàm lãnh ấn đi sứ là không được làm nhục quốc thể, cái đó xưa bày nay làm. Dù tụi nó giết nữa cũng đáng số, mình bớt vài năm sống dai để con cháu nó sống đời, phải không bà con?

Đội xung kích gồm năm người. Một ông tối qua đã nhận, sáng nay thú thật là về nằm nghĩ mãi đâm khiếp, xin đi sau với số đông. Một chị bị mẹ chồng mắng té tát và đẩy con vào tay, phải ở nhà. Chị Năm đã giữ khéo không cho chị Ơn đi tuy chị đòi nằng nặc. Ông Nhâm cười: "Hai thóc được một gạo là thường. Tụi mình thuộc hạng thóc tốt, tám người còn lại tới năm".

Lúc gần sáng trời đổ mưa to, bây giờ còn lâm râm. Bùn nhão có răng cắn chân má Bảy xéo lấm. Thỉnh thoảng má lại rùng mình dưới tấm choàng, không rõ vì lạnh hay hồi hộp.

Đường lớn phải bỏ vì hầm chông bãi chông chi chít. Bà con băng vườn chui rào lâu mới ra khỏi thôn Đồng Dừa. Đến giữa ruộng trống, má Bảy rùng mình liên tiếp mấy cái, lần này má thấy rõ không phải vì lạnh. Má rờn rợn. Giặc đang dàn sau lũy tre Đồng Trầu kia, chĩa súng vào má, sắp bóp cò... Má quay đầu lại. Ông Nhâm rấp rào xong đi vượt lên, mặt tỉnh khô như khi dạo xem ruộng. Tháng trước, ông với anh thư ký ủy ban đi căng dây đo mấy khoảnh ruộng của thằng Phổ cạnh đường Một. Bọn biệt kích ập tới, vây hỏi. Ông cười khà, chỉ vào anh thư ký: "Con cái vậy đó, nó kêu chia gia tài không công bằng, phải đo lại cho nó coi thực mục sở t". Má Bảy thầm mắng mình trẻ con, hăm hở bước nhanh đến bìa xóm. Má lật nón lá ra vẫy, kêu:

- Đồng bào đây, anh em đừng bắn!

Bốn năm bóng đen từ trong một bụi cây nhô ra. Lá ngụy trang rung rinh chung quanh đôi tai to và mái tóc quăn. Má bật cười:

- Quỉ, vậy mà cứ tưởng tụi nó! Xuống bao giờ đó Bê?

- Con xuống hồi khuya. Tụi nó bị bắn bia nhiều, rút về chung quanh chợ rồi.

- Chị Năm đâu?

- Chị xuống Đồng Mè... Chào các bác!

Bê đợi tại đây để tiễn đội xung kích. Bê nhìn năm bà con từ đầu đến chân, muốn nói những lời động viên cuối cùng đầy thương yêu và tin cậy. Nhưng trước cái vẻ rất ăn chắc của ông Nhâm, má Bảy, Bê chỉ buông đôi câu giản dị.

- Ủy ban đợi tin thắng trận của các bác. Các bác xuống trước, đồng bào cả xã sẽ tiếp sau.

Du kích đánh tại đây khá lâu. Vỏ đạn của địch vung vãi như mù u rụng. Mặt đất chi chít những dấu giày "răng chó" cắn sâu vào đất nhão. Những ống bìa đen đựng đạn cối nằm lăn lóc. Nhà trong xóm chỉ bị đốt hay sập một ít, nhưng bị địch cướp tràn lan. Lông gà, ruột heo, vỏ trứng vất từng đống bên những bếp nấu ăn kê giữa nhà, đun bằng bàn thờ bẻ gẫy hay ván hòm nạy ra. Đồng bào trong xóm này sợ pháo đã chạy xuống chợ. Chỉ đi vắng vài tiếng đồng hồ mà nhà cửa tan hoang hết.

Qua khỏi tổ du kích cuối cùng có Tư Sỏi đứng dưới hào đưa tay vẫy, qua cánh đồng khoai lỗ chỗ những hố đại bác xoáy tròn như lỗ con cun cút, bà con gặp vọng gác đầu tiên của địch.

Sau một đống những cây cột kèo gỗ kê cao che đạn, hai tên lính địch trải tấm vải dầu 1 xanh nằm sấp, úp mặt trên báng súng, ngủ chập chờn. Nghe tiếng chân lép nhép đi đến, một đứa ngóc đầu, hấp him mắt, rồi nhảy tõm xuống cái hố bắn sát bên hông. Nước tóe lên mình thằng thứ hai đánh thức nó dậy. Nó chụp súng nhưng không bắn, chỉ ôm súng nằm bẹp sát đất sau đống gỗ, kêu ú ớ.

Ông Nhâm khoát tay:

- Đồng bào đây, đừng bắn!

- Đứng... đứng lại! Giơ tay lên! Kìa đứng lại chớ!

Phải mất vài phút, hai tên lính mới thật tin là không có gì nguy hiểm. Chúng gắt bà con bắt đứng xa ra, rồi lại gọi bà con đến ngồi bên chúng để du kích khỏi bắn. Lập tức chúng xin thuốc hút.

- Các bác ở đâu lù lù ra đây?

- Tụi tôi đi tránh bom đạn, giờ thấy yên về coi heo gà ra sao.

- Hỏi thiệt các bác, có dẫn cộng theo sau không>

- Chà, đố ai biết họ ở đâu mà dẫn.

Sáu bảy tên nữa chui ra khỏi ngôi nhà ngói, xách súng chạy lom khom đến chỗ bà con, ngồi thụp xuống. Năm người dân được xem như cái hàng rào chống bắn tỉa tốt nhất. Mặt bọn lính hốc hác như mới ốm dậy. Bùn ướt phủ trên bùn khô làm áo quần chúng dày cộp như mo nang. Một thằng tới sau đeo chữ V hạ sĩ trên tay áo, nhét luôn gói thuốc rê của ông Nhâm vào túi:

- Chút nữa tao chia... Ê ông già, xin cả gói hủ. Cái xứ gì quán xá như chuồng heo, kiếm không ra bao thuốc. Thằng Châu dẫn đám này về trình đại úy, nghe chưa?

- Còn khuya!

- Tổ cha mày, trở chứng hả? Đây về chợ, đi chen với dân cũng sợ cắc bụp hả?

- Đi luôn, khỏi trở lại đây thì được.

Một tên mé sau chen lên:

- Tôi đi nghe xếp. Kiếm ít bao thuốc hút chơi. Có tuy-ô 2 mà.

Má Bảy nhận ra Bính mặt lang, mừng quá. Má đang lo không tìm ra nó giữa đám hỗn quan hỗn quân này.

Tên lính gác nhảy xuống hố bắn ban nãy tháo giày ra trút nước. Nó hậm hực:> - Đồng bào đây sao dữ dằn quá vậy?

- Dữ sao cậu?

Thấy cả tiểu đội đã chạy theo gói thuốc về cái nhà ngói, nó hạ giọng:

- Có cái lối đâu cứ bắn như cò mổ kiến, thấy lính nào cũng bắn. Ba cái thằng lính rằn ri, tức là biệt động quân, nhảy dù, lực lượng đặc biệt, thủy quân lục chiến, hết thảy bọn nhà nghề đó, cứ đánh cho tiệt cái nòi ăn cướp hiếp dâm đi. Hay là... ừ, hay là lựa đứa nào cao lòng thòng, mũi bằng nắm tay, dọn bớt cho tụi tôi đỡ cực. Còn thứ lính quân dịch như tụi tôi thì giết làm gì mang tội. Đồng bào Kỳ Minh vậy mà khá, cứ kêu loa "anh em quân dịch nằm xuống"...

Má Bảy vờ sửng sốt:

- Các ông Giải phóng bắn, chớ đồng bào súng ống đâu có?

Tên lính nhăn mặt:

- Đồng bào nói giùm các ổng không được à? Cũng anh em bà con của tụi tôi cả chớ ai vô đó.

Bính xốc súng lên vai, tủm tỉm:

- Nói ngu lắm. Cầm súng Mỹ đi đánh người ta, biểu người ta đừng bắn mình sao được.

- Mày ngu thì có. Bên Giải phóng họ đặt ra chánh sách hẳn hoi, cấm không được giết ẩu, biết> Bính cười khà khà, dẫn năm bà con xuống chợ.

Trong đội xung kích không ai biết nhiệm vụ riêng của má Bảy là tìm gặp Huỳnh và Bính. Má Bảy chen đi sát sau lưng Bính. Nhân lúc các ông kia dừng lại nói chuyện với một tên sĩ quan, má nói vội với Bính:

- Cái thơ cháu gửi, thằng Tư coi mừng lắm. Ủy ban xã, ông Dõng nữa cũng khen cháu, nhắn cháu làm dấn tới cho mau.

Bính đảo mắt nhìn quanh:

- Bác nói giùm cháu nắm được sáu đứa, có trung liên. Mang súng về hay là tiếp tay cho anh em hốt một cú lớn?

- Làm nội ứng. Nghĩa là...

- Hiểu rồi. Mỗi ngày cháu tới quán bà Lành một lần, khoảng mười hai giờ trưa. Đi đâu cháu cũng nhắn lại đó. Bác hay cô Út xuống lấy tin, đừng cử người khác mà lộ.

Khi ông Nhâm đến, họ nói qua chuyện khác.

Má Bảy không ngờ lính địch đông và nhiều súng nhiều xe đến thế. Má cũng không ngờ mới đánh nhau một ngày một đêm mà chúng xơ xác đến thế. Trước đây có lần chúng tập trận giả dọc sông Nhỡn, tiến lùi theo lớp lang hàng ngũ hẳn hoi, má cứ tưởng chúng càn vào Kỳ Bường theo kiểu ấy.

Lều vải dầu xanh to nhỏ căng rải rác đầy các vườn, bãi, gò. Chúng chặt gần trụi cây chuối và cả một số cau, chất quanh lều che đạn. Trong lều chúng ngủ vùi hoặc kê mũ sắt ngồi đánh bạc. Mấy tên biệt độ quân say níu tay nhau đi xiêu vẹo dưới mưa, hát lè nhè một bài gì có câu "ế mam-bô, ế mam-bô" lặp đi lặp lại. Một khẩu súng cối ngồi há miệng giữa sân như con cóc, hai thằng lính mang ba lô vác thùng đạn bò chung quanh súng, thằng sĩ quan đeo một bông mai vàng trước ngực đứng trên thềm chửi ra. Đến hai xe ủi đất, rồi dãy ôtô ngập bùn nằm rải dọc đường. Một chiếc đổ nghiêng đè bẹp rào, đầu máy méo như bị ai đạp mạnh. Một chiếc nữa chúi mũi xuống ao rau muống bên đường.

Bùn và máu. Rất nhiều máu chảy trên đường lầy, đọng trong vết bánh xe, rưới chung quanh cái hầm chông toác miệng và mấy khúc chông bẻ gẫy. Máu lẫn với óc trắng như đậu hũ 3 trong cái mũ sắt bị dùi một lỗ tròn. Máu hòa nước mưa thành vũng hồng hồng dưới đáy cái hố bắn đào vội.

Ông Nhâm ghé tai má:

- Rách áo lủng giày nhiều, hèn gì tụi nó chịu nói nhơn nghĩa với mình.

Má cười. Càng coi càng sướng bụng. Đáng kiếp cái bọn giết dân... Má nhìn cái mũ sắt sùm sụp trên đầu Bính, bỗng thấy lo. Chết thằng Bính thì uổng quá. Bao nhiêu đứa nữa có thể nghĩ và làm như Bính trong đám quân này? Đờ đẫn, cam chịu, chúng đang lội bùn ra trận, ngủ trên bùn, bị phạt bò trên bùn, chết vùi xác dưới bùn mà tay còn dính máu đồng bào. Làm sao kịp cứu chúng bây giờ? Má muốn túm lấy tất cả những tên lính gặp dọc đường, nói to: "Nhảy qua bên Cách mạng đi, bỏ về nhà đi, bay chất nhục chết thối đến nơi rồi!".

Bính đưa năm bà con vào tiệm buôn Hoa kiều. Tên đại úy đang bận ve gái, khoát tay bảo sang trường học tìm ban chiến tranh tâm lý. Đến đấy, một thằng sĩsay rượu quát: "Việc dân sự đem qua trạm chiêu hồi, ngu như bò!".

Trạm chiêu hồi đặt trong ngôi nhà ngói lớn của lão Hạnh, phó đại diện cũ.

*

Một tên trung sĩ đứng tuổi nằm khoèo trên phản, dưới những ngăn kéo đựng thuốc bắc đề chữ sơn trắng. Hắn ngồi dậy, ngáp, dụi mắt, nhoẻn nụ cười cầu tài của con buôn rước khách, kéo ghế mời bà con ngồi. Mặt ghế đầy bụi, thì ra chưa ai ghé đít cả. Hắn bóc gói thuốc Quân tiếp vụ thượng hạng, mở hộp bánh bích qui, rót bia mời đon đả, và ăn uống trước để làm mẫu.

Khi biết bà con từ Đồng Dừa đến, hắn đâm cuống, ngừng nhai bánh. Hắn hỏi giấy tờ. Quân giải phóng thu hết rồi. Hắn nghĩ một lát, uống hết chai bia mới gọi lão Hạnh từ nhà dưới lên, cất giọng kẻ cả nói chữ:

- Nè, ông đại diện hội đồng, dân của ông thỉnh nguyện cái gì đó, ông lo cứu xét thực thi để mà hầu cho yên lòng dân chúng, nghe chưa?

Hắn hấp tấp mang các bin đi ra. Hình như hắn rất gờm cái tên Đồng Dừa.

Bà con trông lão Hạnh lúng túng như gà mắc tóc mà tức cười. Lão kêu con pha nước. Lão quét phản, trải chiếu. Hết việc, lão gãi hai chòm râu quặp, ngoáy móng tay lá lan vào tai rồi búng tanh tách. Đợi mãi không nghe các ông bà nói gì, lão phải khúm núm lên ng:

- Dạ thưa quí bác, các ổng cả vú lấp miệng em, bắt tôi làm đại diện... dạ, các ổng còn nói là dĩ độc trị độc, dùng cộng chống cộng, thiệt kêu trời không thấu. Thôi trăm sự nhờ quí bác thưa giùm với ông Dõng, ông Bê, bà Năm, xin cho tôi được trắng án là may. Bên kia rút quân ngày nào, tôi trở lại làm dân của Cách mạng ngày đó...

Không ai trả lời. Ông Nhâm ngắm mãi bao thuốc Quân tiếp vụ màu xanh lá có vẽ một tên lính đâm lê, nhưng giống hệt như bị xóc chông đang nhảy cẫng la làng. Ông quấn một điếu thuốc rê, nhả khói, nói ngọt ngào:

- Cụ Ngô có tàu bay đại bác cả đống, có Hoa Kỳ phát giấy đô la cho lu bù, đem chằm tơi 4 không hết, sao ông sợ Việt cộng quá vậy?

- Dạ, bác nói chi tội vậy bác. Tôi được Cách mạng tha cho một lần, mừng hơn cha chết sống dậy, lẽ nào dám phản đồng bào nữa sao. Có điều chối từ riết nhất định họ bùm. Các ông Mỹ coi im im vậy chớ họ... họ quân sự lắm. Tôi thấy một lần... khiếp vía...

Mặt lão nhợt đi. Lão ấp úng lảng sang chuyện mùa màng để khỏi bị vạ miệng. Đây là lần thứ ba lão bị lôi ra làm tề cho Mỹ - Diệm. Thứ tề như lão là tề khốn khổ, bị địch chửi lên mắng xuống và hạch sách đủ điều. Lão chỉ muốn lạy cả Cách mạng lẫn Mỹ - Diệm để được yên thân, thu tô được bao nhiêu hay bấy nhiêu, không thì lão cắt thuốc bắc cũng thừa một ngày hai bữa gà rượu. Tuy vậy bọn quận bọn tỉnh cứ nhìn lão mà gật một cái khi nói trước đồng bào: "Thưa các vị thân hào, nhơn sĩ...". Sau đó "vị thân hào nhơn sĩ" lại méo mặt đãi khách, và cắp ô ra ngồi trụ sở hội đồng để làm bung xung cho bọn ác ôn giết người cướp của.>

Má Bảy muốn dò xem thằng Rân có nhà không. Má vờ xuống bếp tìm ống vôi ăn trầu. Lão Hạnh lật đật chạy theo má, hỏi khẽ:

- Anh Tư Sỏi được bình yên không bà?

Má muốn đòn lại ngay nhân lúc lão còn sợ:

- Con tôi khôn lớn, nó tìm đường bay nhảy. Đầu ai chấy nấy. Tôi già cả biết gì mà hỏi.

Lão nhăn nhó:

- Khổ lắm, tôi cắt khúc ruột để trên đĩa cho bà coi thử tốt xấu. Là tôi hỏi thăm anh Tư, với lại muốn cậy bà chút việc. Bà chịu khó... nói đỡ tôi một tiếng. Tánh anh Sỏi hơi nóng nảy, sợ ảnh xách súng về... chẳng kịp hỏi tình ngay lý gian... tôi chết oan còn chịu tiếng xấu. À, nhơn tiện bà xuống chơi, để tôi cắt luôn mấy thang trị cái anh cốt tiết thống, kỉnh bà đem về uống. Tôi mới bổ được thứ ngưu tất chánh hiệu bên Tàu, lộc nhung thứ thiệt cũng còn chút ít. Trời lạnh, đau lưng nhức mỏi như bà...

- Thôi ông ạ, con nhà nghèo đào ba củ gân voi sắc uống đủ rồi.

Lão nằn nì mãi. Má bắt sang chuyện khác để khỏi phải nhận mấy thang thuốc đút lót:

- Anh Rân mấy bữa nay đi tàu bay kêu gọi, có mệt không ông?

Lão ngớ mặt ra, ấp úng:

- À, không... Nói thiệt tình, tôi chẳng biết nó lãnh việc gì. Chắc tại nó học tiếng Mỹ, họ bắt nó làm thông ngôn...

- Anh làm ủy viên thanh niên trong hội đồng chớ làm gì.

- Ờ ờ... nó cũng bị ép uổng như tôi...

- Vậy ông với ảnh giống in nhau, chớ sao?

Bị dồn liên tiếp, lão tắc họng một lúc rồi không chối quanh nữa:

- Sanh con ai dễ sanh lòng. Thôi thì cha làm cha chịu, con làm con mang, thây kệ nó... Bà bỏ nhỏ anh Tư cho tôi ít câu là đủ. Chỗ quen biết, không lẽ bà bắt tôi chắp tay lạy sống nữa à?

Má Bảy suýt bật cười. Hồi Cách mạng còn yếu, đời nào "ông" địa chủ làm đại diện hội đồng lại đi năn nỉ "mụ" tá điền nhờ xin giùm "tên phiến loạn Cộng phỉ"! Má tay không bước ra ăn nói với giặc, nhưng bên má có ủy ban nhắc từng câu đối đáp, có đội du kích đưa họng súng theo giữ má được yên lành.

Lão Hạnh vào bếp thì thào với vợ. Liền đó có tiếng cúc cu gọi gà, rồi tiếng gà bị úp nơm kêu oác. Thằng con nhỏ xách hai cái vỏ chai ra ngõ, chắc đi mua rượu.

Má Bảy lên nhà trên, vừa lúc ông Nhâm dạo quanh chợ trở về. Ông nói hối hả qua kẽ răng:

- Có người của chị Năm mới tìm tụi mình. Lát nữa đồng bào Kỳ Minh tản cư ngược qua đây, đông tới vài ngàn. Chõng chiếu nồi niêu gánh theo hết, dắt trâu bò cắm trại vây bọn chỉ huy ở Đồng Mè.

Má Bảy giẫm chân:

- Hóa ra mình chậm hơn họ!

- Lạc hậu chớ sao! Ông Sáu lanh chân hơn, chạy lên xóm trên bàn với anh Bê cho chủ lực xuống gấp đi. Qua chỗ Dốc Xoài khỏi đụng lính gác. Bà con Kỳ Minh kéo tới không thấy dân Kỳ Bường đâu hết, mặc sức họ giễu!

- Chắc chị Năm báo cho anh Bê rồi...

- Báo thì báo, mình phải thúc thêm vô! ông cứ đi, còn bấy nhiêu mạng cũng đủ chọi lý với tụi nó.

Tên trung sĩ ban nãy dẫn một tiểu đội đến. Hắn không liến thoắng nói chữ nữa, mà rụt rè nhắc bà con trút bỏ hết các vật cứng mang trong người: "Cả dao xếp ăn trầu, bật lửa, đinh, dùi, các bác cũng đừng bọc theo". Y hệt lúc đồng bào bị dồn đi đón thằng Diệm về khánh thành khu trù mật Đồng Trầu hồi năm kia, phơi nắng suốt ngày rồi về không.

Bốn bà con lại ra đi trong khi mụ Hạnh đứng ngẩn ra với mâm cơm chồng ba lớp đĩa bưng trên tay.

Một nhóm hiến binh mũ đỏ đưa họ vào cái nhà ngói gần ga, mời ngồi đợi, rồi chia nhau gác quanh nhà. Chúng ngắm họ chăm chú, quay ra trầm trồ với nhau. Má Bảy làm lơ, ngồi nhai trầu xem cảnh, như nhà nông gặp ngày mưa rảnh việc ngồi ngắm ruộng trước nhà.

Bãi cỏ bên ga lúc này san sát những lều vải xanh khá cao và rộng, chung quanh chất bao cát đến bụng. Ba chi trực thăng đến. Từng chiếc lơ lửng hạ xuống góc bãi, trong khi bọn lính níu giữ các cọc lều bị gió cánh quạt xô ngã xiêu. Chúng hét cái gì không nghe được trong tiếng máy điếc tai, chỉ thấy miệng chúng ngáp ngáp như cá lên cạn. Hai chiếc xe nhỏ nhảy chồm trên ổ gà. Bọn người trên xe trông cao lớn khác thường. Má Bảy thoáng thấy một bàn tay trắng đầy lông nâu thò ra gẩy tàn thuốc lá. Đúng Mỹ rồi. Lại có những bóng cao lớn mặc áo mưa trùm kín đầu, đi từ lều này sang lều khác. Rất nhiều Mỹ. Cả một ổ Mỹ.

Tiếng giày đinh chợt nổi xào xạo sau nhà. Bọn hiến binh rập chân đứng nghiêm. Một nhóm người ùa vào, nói xì xồ, đến ngồi trên các ghế vây quanh cái bàn lớn. Tên sĩ quan béo phục phịch gieo đít xuống cái ghế giữa, vừa cởi cúc áo mưa để lộ ba bông mai bạc gài trên ngực, vừa sừng sộ bằng giọng Bắc:

- Đánh nhau chán rồi hở? Về đầu hàng dứt khoát chưa đấy, hay là đến do thám cho cộng?

Ông Nhâm ngắm cái mặt chảy sị và bộ râu mép cắt ngắn, nói chậm:

- Thưa ông đại tá, dân tôi đánh chác gì đâu mà đầu hàng.

- Thế chông ai cắm? Đường ai phá? Mìn ai gài? Không nhận còn già mồm cái gì? Ông cho hiến binh gô cổ cả lũ bây giờ!

- Thưa ông, bộ đội Giải phóng về cả trăm cả ngàn, họ làm gì chẳng được.

- Khỏe nói dối, ông gang họng đừng trách. Dăm thằng du kích chứ cộng đâu mà trăm với nghìn hở?

- Họ ở trên núi xuống. Lâu nay các ông nói đội Bắc Việt kéo vô mấy muôn, chắc là số đó.

- Thế chúng nó đóng trong ấp các người bao nhiêu quân? Nói vớ vẩn ông beng cổ tức khắc? Lính đâu, mang bình điện ra đây!

- Họ không ở làng, chỉ thấy đi qua rồi biến mất. Bọn tôi là dân, không biết quân sự, cũng không phải tù tội gì mà ông bắt khai.

- À ra các người dám...

- Tàu bay đại bác các ông bắn phá ác hại quá, các người phải xuống đây yêu cầu các ông đừng giết dân nữa! Không gì bọn tôi cũng có tuổi, chưa xứng cha mẹ cũng đáng anh chị của ông, ông đừng ăn nói quá lời mà mang tội. Hễ gần đất xa trời thì không biết sợ cái thứ bình điện đâu ông à.

Tên đại tá bị quật lại khá đau, gườm gườm đôi mắt lồi nhìn ông Nhâm như thôi miên. Ông cũng trừng mắt nhìn lại như con gà chọi. Ông đã cắt hết mọi tiếng thưa gửi, sẵn sàng phóng những mũi kim độc địa nhất vào mặt tên giặc bằng cái giọng buông lửng rất đàn anh.

Má Bảy biết mình vụng ăn nói nên chưa mở miệng. Khi bọn chỉ huy vào, má rùng mình một cái, tim má vụt đập rất mạnh như khi má thấy chiếc máy bay chúi xuống đầu mình mà chưa nghe bom nổ. Tên đại tá nói hỗn giúp má trở lại bình tĩnh. Mặt má nóng dần. Càng nghe nó nói như đâm vào họng, má càng muốn bật ra một tiếng chửi.

Một thằng Mỹ.ngồi ở đầu bàn. Hắn im lặng hút thuốc, nghe tên phiên dịch nói bên tai suỵt suỵt như khấn. Thỉnh thoảng hai luồng khói đặc phì qua cái mũi nhọn và mỏng dính, như hắn bị bóp mũi khi mới đẻ mà không chết. Chung quanh hắn phảng phất mớc hoa và mùi hôi nách, hai thứ không chịu hòa nhau nên có lúc thơm nồng, có lúc thối khắm đến buồn nôn.

Dưới chùm tóc nâu sổ ra ngoài mũ lưỡi trai, luồng mắt hắn chạy lướt qua mặt bà con nhiều lần, dừng trên mặt má Bảy. Hắn ngó má chăm chăm, rình má như mèo rình chuột, có lẽ muốn chộp lấy một nét sợ hãi để đánh một đòn đúng huyệt.

Má Bảy nhai trầu, thờ ơ nhìn trả hắn. Má rất khoái khi thấy đất nhét vào hàng cúc áo mưa trên ngực hắn. Tưởng hắn núp sau bao cát thì khỏi phải bò ra tránh đạn chứ? Rồi má ngạc nhiên hết sức. Trông nó rất quen. Má gặp nó bao giờ, ở đâu? Xưa nay má chỉ thoáng thấy bọn Mỹ phóng ô tô trên đường, đeo máy ảnh đi xem khu trù mật, nhảy ngoáy mông trong tiệm rượu thị xã. Chưa lần nào má thèm nhìn mặt chúng cả...

Tên đại tá đang bị đuối lý. Mồ hôi bò trên cặp má nung núc. Tên quận phó ngồi cạnh, mặt choắt môi thâm, chen vào bằng giọng Huế khàn khàn của dân nghiện:

- Rứa là các bác có tiếp tay với Việt cộng, phải chưa? Các bác còn nhớ luật 10/59 không?

- Nhớ lắm. Hội đồng bắt mua mười đồng một bản tóm tắt về dán giữa nhà, bắt học thuộc lòng, ai đọc ngắc ngứ bị phạt ba chục đồng chớ ít ỏi gì. Đây tôi đọc ông nghe...

- Thôi bác, biết rứa là được.

- "Để bảo vệ tánh mạng tài sản của dân chúng, Chánh phủ Việt Nam cộng hòa xử tử hình và tịch thu toàn bộ gia sản những kẻ nào can tội giết người, đốt nhà, phá hoại hoa màu...".

- Tôi cũng nhớ, đọc chi mất công.

- Vậy những đứa nào đốt nhà, giết người, phá ruộng mấy bữa nay, yêu cầu các ông đem ngay ra xử cho đồng bào thấy nhỡn tiền. Chà chà, phá cả một xã bốn ngàn dân, chắc phải xẻo từng miếng thịt là ít!

Tên quận phó tắc họng, dặng hắng mấy tiếng:

- Tôi nể các bác già cả, các bác đừng... Đại tá sư đoàn trưởng đây cũng định chẩn tế cho đồng bào một số gạo mà tàu bay chưa chở tới. Quốc gia không quên dân mô, các bác đừng lo... ủa, mấy đứa biểu khui bia răng mà lâu gớm rứa? Đem đồ giải khát ra mời các bác đi bay!

Đột ngột thằng Mỹ tuôn một tràng xì xồ như để trả lời câu gọi bia gượng gạo. Hắn hất hàm về phía má Bảy. Tên phiên dịch gọi:

- Bà già kia, trung tá hỏi đây nề.

Má Bảy giật mình, mím môi đợi.

- Trung tá nói cho bà biết rằng sáng mai toàn sư đoàn sẽ tổng tấn công vô làng của bà, vì nơi đó có nhiều Việt cộng. Làng bà sẽ bị triệt hạ bởi các oanh tạc cơ hạng nặng cùng với trọng pháo không còn viên đá này chồng lên viên đá kia nữa. Bà có ý tưởng gì? Bà muốn tránh sự thảm khốc của chiến tranh hay không?

Một ánh chớp chợt lóe trong đầu má. Thằng Mócgân! Đúng thằng Tây đồn trưởng thứ tư đổi tới Đồng Mè! Hắn thích treo vợ con du kích trên cây mù u ở góc bãi gangồi trong lô cốt tập bắn bia vào họ, thỉnh thoảng tu một hơi rượu. Má nhớ mặt hắn lắm: xác hắn nằm lại Đồng Dừa sau một trận càn, mặt cạn máu trắng bệch, về sau lại vàng trong như nặn bằng sáp ong khi du kích sắp đem chôn. Má nhìn thẳng vào mặt thằng Mỹ: quả hắn rất giống tên Mócgân nhưng mắt hắn xanh, còn mắt thằng Pháp nâu như mắt khỉ.

Tên phiên dịch giục:

- Bà trả lời đi.

- Tôi nặng tai chưa nghe rõ.

Má nghe rồi nhưng chưa kịp nghĩ. Chắc thằng Mỹ thấy hai đứa kia thua đậm, vội nhảy vào đánh giúp. Thằng Mócgân trước kia thường cho lính cướp giết lu bù, sau đó hắn bạt tai vài đứa, trả bớt vài cái nồi đồng mâm thau để khoe ơn huệ. Bây giờ thằng Mỹ sẽ dọa thật gắt rồi giả vờ tha cho làm phước, để lờ luôn cái chuyện bồi thường. Cua với còng cũng dòng nhà nó. Khi như con chó giành xương, khi lại như con mèo giấu vuốt nịnh người. Bây giờ để coi nó làm chó ra sao.

Má đáp chậm chạp:

- Tôi già nua, nghĩ sao nói vậy. Nghe các ông hội đồng hay khoe Huê Kỳ là bạn, Huê Kỳ tốt lắm, sao cái ông Huê Kỳ này nói toàn những sự độc ác gớm ghê vậy? Ông giết hết dân tôi đi, lấy đất này cho người xứ ông tới ở phải không?

Tên đại tá nhếch mép cười rồi che miệng ho. Thằng Mỹ trả lời. Tên phiên dịch tưởng má nặng tai thật, nói như gào:

- Ông trung tá nói kế hoạch vậy, giả thử vậy, chớ đã triệt hạâu mà bà trách? Ông rất đau lòng trước cảnh tàn phá do Việt cộng gây nên. Hằng ngày ông cầu Chúa cho dân Việt Nam đặng hưởng hòa bình an lạc.

Má nghĩ thầm: "Bớt gầm gừ rồi". Má dồn tới, không để thằng Mỹ kịp giở ngón khác:

- Vậy tàu bay đại bác mấy bừa nay giết dân đó, của bọn nào nói nghe thử?

- Cái đó cái đó sẽ trả lời sau. Bà nên tỏ ra biết điều đừng xúc phạm đến danh dự người Mỹ. Nếu muốn tránh tai nạn chiến tranh, các người phải ký giấy cam đoan không cho Việt cộng vô trong làng nữa.

- Các ông đem tới mấy ngàn quân mà không làm gì được họ, biểu dân tôi tay không làm sao?

- Vậy dân chúng phải rời bỏ Việt cộng, về ở với quốc gia. Tôi sẽ giữ các người làm con tin. Bao giờ dân xuống đây hết, tôi mới trả lại tự do cho các người.

Câu này hơi khó. Má Bảy đang nghĩ thì một ông đã nói thay:

- Ông là người Mỹ sao lại đòi bắt người Việt Nam? Huê Kỳ nắm chánh quyền nước tôi rồi hả ông?

Má Bảy thú quá, vội giả dại chêm vào:

- Biết đâu được các ổng với nhau. Có sao thì Huê Kỳ mới ra lệnh bắt tụi mình được chớ.

Tên đại tá sầm mặt. Thằng Mỹ nhún vai, bĩu môi thổi một luồng khói to mà không tr lời, như ném trái mù để chạy trốn.

Giữa lúc bọn địch lúng túng, ông Nhâm bỗng buông lửng vào:

- Dân tôi cũng muốn kéo hết xuống đây cho khỏe xác có điều sợ các ông không nuôi nổi đó thôi. Hễ các ông nhận nuôi dân, tụi tôi kêu cả làng về ở với các ông cho coi.

Thằng Mỹ cau mày ngắm ông Nhâm, có vẻ nghi ngờ. Nhưng tên đại tá đã vồ lấy lời hứa ấy:

- Họ chịu xuống hết không?

- Xuống hết. Có điều nhà cửa ruộng nương để lại trên đó, các ông không được phá nữa.

- Không, bảo đảm không. Chúng tôi chỉ cần đưa dân đi tị nạn. Ngay bây giờ, tôi cho gọi máy bay mang đến vài tấn gạo. Đừng bảo vài nghìn dân, ngay vài triệu dân tôi cũng nuôi được...

Rõ ràng tên đại tá muốn tỏ ra hắn có quyền thật chứ không phải là tay sai của thằng Mỹ kia. Hắn săn đón:

- Cứ xuống, cứ xuống, không bom đạn gì sất cả, không ai bắt bớ. Ông Mỹ nói à? Mặc ông ấy, ai dám phớt tôi, ra lệnh bắt thì... thì không ra gì với tôi ngay. Số nhà cửa trâu bò bị thiệt hại à? Nhân mạng nữa cơ à? Các bác đừng nói bồi thường chứ, phải nói là xin cứu tế. Ông quận phó với hội đồng sở tại sẽ giải quyết... Sao, muốn lĩnh ngay à? Để xem...

Một tiếng nổ rất to chợt dội lên rung đất, hàng chục tiếng nổ nhỏ hơn tiếp liền, rồi súng máy quét ưa rào phía Kỳ Minh. Thằng Mỹ đang vắt chân chữ ngũ vội bỏ chân xuống, mắt hắn liếc chéo sang trái, dòm chỗ trống cạnh chân má Bảy. Hắn tìm chỗ nằm tránh đạn. Má Bảy nhớ ngay đơn vị "mũ sụp" vượt sông Nhỡn tối qua. Đánh rồi, đánh lớn rồi!

Một sĩ quan trẻ xồng xộc đi vào, đưa qua vai tên đại tá một mảnh giấy. Tên này biến sắc, hỏi vội:

- Phi Hổ à? Chúng nó bao nhiêu?

- Chưa biết ạ. Có tiếng rốc kết và moóc chê tám mốt.

- Cố gọi không quân yểm trợ nhé. Mẹ kiếp, chó cắn áo rách...

Cả bọn đứng dậy. Nhưng bốn ông già bà lão không buông tha, nhất định bắt đền số thiệt hại. Súng bên ngoài càng nổ gắt, bà con càng được nước làm găng. Ông Nhâm nện một đòn chí tử:

- Hễ không bồi thường thì dân oán ghét các ông, theo Cách mạng hết!

Tên đại tá trợn mắt định ra oai, nhưng xem chừng không ăn thua lại đấu dịu:

- Để ông quận phó ở đây cứu xét. Quốc gia không thiếu gì tiền. Quân tử nhất ngôn mà lị... Cứ xuống cả nhé. Nhà cửa trên ấy chả ngại gì đâu, cứ xuống...

Hắn ném cho tên quận phó một câu tiếng nước ngoài tri trô. Thằng Mỹ cũng xì xồ một tí nữa, vội đi theo tên đại tá. Tên phiên dịch nói hấp tấp: - Ông Mỹ tặng đồng bào năm bao bột mì. Ông cầu chúc đồng bào đặng phước lành, dặn phải tri ân người Mỹ.

Hắn bỗng toét mồm cười, nháy mắt, đâm đầu chạy theo bọn chỉ huy. Má Bảy nhìn theo, lại thấy thằng Mỹ đi khom lưng rụt cổ cho thấp bằng tên đại tá béo phị, giống như hai thằng Mỹ lên Đồng Dừa trước đồng khởi. Bọn địch giấu mấy thì giấu vẫn lòi khúc đuôi thỏ.

Chỉ còn lại tên quận phó ngồi trơ khấc ra, mồ hôi đọng lấm tấm trên mang tai, nghe mỗi tiếng nổ to lại nẩy người một cái. Trước nhóm bà con đang tấn công dữ dội, hắn bắt đầu mặc cả số tiền bồi thường.

*

- Bắn chết cũng vô!

- Thà mẹ chịu đòn hơn con tan xác, lên bớ bà con!

- Cối với chày, tàu bay tàu bò, giết hết dân rồi lính ơi là lính!

- Anh đi quân dịch quân hạch làm chi, nhà anh tàu bay Mỹ đốt rồi anh ơi!

Khoảng sáu ngàn đồng bào thuộc các xã bị càn đã "nghe lời quốc gia kêu gọi tị nạn", kéo về Đồng Mè. Các đơn vị của địch được lệnh để cho đồng bào đi xuống tha hồ. Nhưng khi cuộc đấu tranh nkhắp tỉnh và lệnh báo động được tung ra từ tỉnh đường bị vây, tên sư đoàn trưởng biết mình mắc mưu. Chậm rồi. Đồng bào đã tới sát sở chỉ huy dã chiến của sư đoàn, quyết tràn vào bên trong kỳ được.

Sau hàng rào kẽm gai, bọn lính cuống quít dồn sát vào nhau, đơm súng ra ngoài. Một, hai, rồi ba đại đội phải bỏ càn chạy về giữ sở chỉ huy, cản những thác người gào thét ùa lên.

Hơn chục tên hiến binh mũ đỏ chặn ngoài cổng, tay trái lăm lăm súng ngắn, tay phải vung tròn những khúc cây rào nhặt vội.

- Đứng lại! Đứng đây cấp trên ra giải quyết! Bắn đây nè... ủa, buông ra, thả ra, muốn chết hả?

Mấy khẩu súng ngắn chĩa lên trời nổ lẹt đẹt. Đồng bào vẫn tràn lên, giật phắt những cây gậy đang quật bừa. Những mảng tròn đỏ chìm nhanh trong biển nón lá. Một tên thượng sĩ hiến binh từ trong cổng chạy ra, mép còn dính cơm, lên đạn cây Tomxơn đánh rắc, gầm như sấm:

- Đ. mẹ, giựt súng hả? Tụi bay xê ra, tao quét chết ráo trọi!

Út Sâm nhào tới, mắt giương tròn xoe, chụp nòng súng đẩy lên cao. Rầầầm! Khúc sắt nóng dội lên, nẩy bần bật trong bàn tay Sâm. Hơi thuốc súng thốc vào mặt Sâm rát bỏng. Sâm kêu hổn hển:

- Anh bắn ai? Bắn cha mẹ vợ con anh đây à?

Hai Ngọ lấn lên, nhắc đi nhắc lại lanh lảnh:

- Anh em lính không liên can gì. Yêu cầu để đồng bào vô gặp các ông chỉ huy. Anh em lính không dính dáng vô đây.

Tên thượng sĩ giằng súng, nhảy lùi. Hắn tần ngần ngó chị Đa tóc sổ đang khóc kể. Sâm lật nhanh tấm chiếu phủ trên cái chõng tre buộc hai cây dọc làm cáng:

- Anh coi thảm thiết chưa? Con anh ai bắn lòi ruột ra vầy, anh có điên không? Đại bác Mỹ giết con nít mình đó anh ơi?

Tên thượng sĩ vẫn quát, nhưng ngón tay đã rời cò súng và giọng mềm ra:

- Thì im bớt cái đã, cứ bù lu bù loa điếc tai!

Bọn hiến binh xúm lại. Chị Đa bế xốc con Thừa giơ lên, nức nở:

- Con ơi, cha con đi lính, ở nhà họ giết con, rồi họ đánh má nữa đây con ơi!

- Chị đừng la ồn. Thôi đặt xuống. Cấp chỉ huy ra giải quyết bây giờ.

Chị Đa ôm ghì xác con, lừ lừ bước tới. Tên thượng sĩ giơ tay cản. Sâm nắm cổ tay hắn đẩy nhẹ ra, thấy tay hắn yếu nhũn. Bọn lính quân dịch chặn cổng đứng rẽ sang bên, sầm mặt. Mấy tên nói vội khi đồng bào kéo qua:

- Cứ làm tới đi!

- Mỹ bắn đó. Tụi nó núp trong kia, chỗ cái tăng to gấp đôi.

- Bắt chồng nhơn mạng 5 cho kinh!

Sáng nay, khi "đội xung kích" đang đợi ở nhà lão Hạnh, mấy đợt pháo nữa đổ xuống Đồng Dừa. Lần này địch bắn đạn chụp, thứ đạn nổ trên trời và xối mảnh xuống. Con Thừa đang chơi cạnh miệng hầm lăn ra. Chị Đa xốc con nhảy vào hầm. Ruột con đổ trên tay chị, nóng lùng nhùng. Chị ngất lịm. Lúc ấy mấy cô du kích từ Đồng Trầu chạy lên, truyền lệnh ủy ban cho "quân chủ lực" ra trận.

- Đóng cổng! Đóng mau!

Mấy chục tên sĩ quan đeo hoa mai vàng và bạc cầm súng ngắn hớt hải chạy ra, hét om sòm, tát lính. Một hồi còi thổi réo. Sau dãy bao cát, ba bốn cái mũ sắt nhô lên, để hé những đôi mắt sâu và khúc mũi gồ.

Bọn hiến binh sực tỉnh, chồm tới cổng, xô đẩy đấm đá để cắt đôi con sông người. Chúng kéo được cái cự mã chằng kẽm gai chặn ngang cổng vừa lúc ông Nhâm kịp lọt vào trong rào, nhập vào đám đông chừng bảy trăm bà con đứng chật cái bãi để xe.

Bên ngoài rào, hơn năm ngàn đồng bào vây kín các ngả, hô khẩu hiệu rầm rầm. Chị Năm đứng giữa chỗ nón lá dày nhất, trùm khăn kín nửa mặt, đội nón sùm sụp. Các cô bảo vệ và liên lạc vây quanh chị. Cô Mại mặt đỏ ửng, chân tay không ngớt cựa quậy, thì thào với chị:

- Cho em vô nghe chị.

- Đừng.

- L bắt mất Sâm...

- Em đạp xe về, nói anh Bê cứ cho du kích quấy rối gắt ở Đồng Trầu. Địch bị cú đánh đau trên đường Một, đang hoảng, ta đừng để im tiếng súng. Bao giờ có tin địch nhượng bộ mới cho nghỉ. Nhớ chưa?

- Dạ nhớ.

Mại nhắc lại lời dặn, rồi len ra phía sau, để nguyên ống quần chật kiểu thành phố mà lội ào qua ruộng lầy. Mại muốn trị tụi Mỹ du côn. Mại muốn theo kịp chị em. Mại còn muốn xả thân vì bạn. Cô bạn của Mại đứng dõng dạc chửi Mỹ trên hàng đầu, Mại cũng dám liều với đỉa chứ. Mại đạp xe hộc tốc về Đồng Trầu, trước mắt không thấy ổ gà hay lính địch, chỉ thấy Sâm hiện lên như nàng tiên vẽ trong sách với cánh trắng và hào quang.

Ông Nhâm lấn lên trên cùng. Sau khi tên quận phó nhận bồi thường ba chục ngàn đồng và cam đoan chấm dứt phi pháo, đội xung kích ra khỏi cái nhà gạch, gặp luôn đoạn đuôi của quân chủ lực kéo qua. Ông Nhâm tiếc cay tiếc đắng: "Bà con mình xuống sớm chút nữa thì một trăm ngàn nó cũng phải đền!". Bây giờ ông định đỡ lời cho con cháu. Ông sợ chúng nó chỉ khóc kể sướt mướt, thằng địch có thể thương hại đấy nhưng trong bụng nó cũng coi thường mình.

Ông chen tới sau lưng chị Đa, kịp nghe Hai Ngọ nói với một tên thiếu tá:

- Lệ nào phép nào đặt ra các ông cũng nói vì dân, do dân. Điều 5 trong hiến pháp ra sao, các ông nhớ không? Anh tôi đi lính về phép, đọc bảy điều giáo lệnh của quân đội các ông, tôi nghe rõ ràng điều 6 điều 7 dặn phải tôn trọng tánh mạng tài sản của dân, phải thân dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân. Úi chà, lu bù là dân trong đó. Anh em lính nhớ th đúng vậy không?

Bọn lính đứng gần bật cười, gật đầu. Tên đại úy tâm lý chiến cố khỏa lấp:

- Cô em ơi, thời buổi chiến tranh nó khó lắm, cô đừng chạm đến quân đội... Mấy thằng kia, cười cái gì?

Sâm tiếp lời Ngọ. Thấy Sâm xinh hơn, bọn sĩ quan dồn tới chăm chú nghe, lại bị quất đau hơn. Chị Năm đã dặn Sâm, Sâm cũng tự dặn mình đừng nóng. Nhưng đến đây Sâm không nín được nữa:

- Nãy giờ các ông nói kỳ cục lắm. Ông gì đây nè, đổ tại đại bác bị sút thước, vậy chớ khi nào các ông khoe đại bác Mỹ bắn con kiến cũng trúng? Còn ông kia nói tàu bay Mỹ ném bom chớ các ông không biết. Hóa ra Mỹ làm chúa đất nước mình rồi. Độc lập ôi độc lập!

Ông Nhâm sửng sốt nhìn các cô gái. Những lý lẽ ấy chúng nó học ở đâu hồi nào. Bầy phượng hoàng tơ của Kỳ Bường lần đầu xuất trận đã vặt lông bọn diều quạ như chơi! Ông sẽ đỡ lời con cháu, nhưng chỉ để giữ cho chúng cái chừng mực không bị nghi là cầm đầu biểu tình, để thêm kẻ tung người hứng, kẻ đấm người xoa, vậy thôi.

Má Bảy không theo quân chủ lực. Má đi lùng trung sĩ Huỳnh, và tìm ra Huỳnh trốn trong nhà người cùng họ. Huỳnh sợ bị đồng bào ùa tới đánh chết như thằng Phổ. Cũng là chân cảnh sát trưởng cả, biết đâu...

Biết Huỳnh mù chữ, lần này ủy ban xã không gửi thư. Má Bảy trịnh trọng báo rằng ủy ban khen Huỳnh đã đánh lạc hướng địch trong khi lùng sục tại Đồng Mè. Huỳnh há miệng>

- Sao quí ông ủy ban biết được hả bà?

- Ở đâu chẳng có Cách mạng!

- Ủy ban sáng suốt vậy, tôi mừng quá hể. Vậy ra trong lính cũng nhiều người đằng mình. Chao, tôi cứ sợ... sợ bà con buộc tội cho tôi tự ý nhảy ra làm cảnh sát trưởng, dẫn quân đi úp anh em du kích...

Tiếng hô khẩu hiệu trên bãi ga ngớt một lúc lại nổi vang động:

- Phản đối đánh dân bắt dân!

- Đả đảo khủng bố!

Huỳnh hé cái phên liếp dòm ra, chỉ thấy những nắm đấm vung lên trên nón lá. Có lẽ địch vừa bắt ai đó bên trong rào nên có tiếng còi rít và mấy loạt tiểu liên nổ.

Một chiếc trực thăng phản lực bay đến bạch bạch, tiếng rời và gắt hơn loại thường. Nó vòng hình trôn ốc trên sân ga, xuống chậm dần, dừng lơ lửng khi hai cây đỡ dưới bụng nó gần chạm trụ dây trời vô tuyến. Một tên Mỹ đeo kính lấp mặt đứng níu hai tay vào cửa hông, dòm xuống. Nó không tìm ra chỗ đậu giữa đám đông giận dữ. Chiếc trực thăng lắc lư nhích đến giữa sở chỉ huy, nhả xuống một thang dây. Bảy thằng Mỹ bên dưới nối đuôi nhau leo lên. Máy bay đến cứu riêng bọn Mỹ ra khỏi vòng vây của đồng bào, mặc bọn ngụy lo chống đỡ, mặc những lều vải dưới đất bị thổi bay thốc, đổ nhào.

Má Bảy cười khảy bên tai Huỳnh:

- Chưa chi tụi Mỹ đã bỏ lính mà chạy trước!

Huỳnh biết má nhắc đến số phận của Huỳnh.

Tiếng súng lại nổ rền trên Đồng Trầu, vẫn theo cái thứ tự quen tai của các trận đánh du kích: ba bốn phát "cắc bụp" bắn tỉa và tiếng "uỳnh" của lựu đạn hay mìn nổ trước, bẵng đi mươi giây khi lính địch nháo nhác tìm chỗ nằm, tới những phát bắn trả lộn xộn, rồi trung liên đại liên gào, súng cối đập thùng, cùng tấu lên bản nhạc khiếp sợ của quân giặc bị đánh.

Hai, bốn, rồi bảy chiếc trực thăng từ Kỳ Lâm bay về, bò ì ạch dưới những tảng mây đen mọng nước. Chúng xách lủng lẳng những khúc xác máy bay méo mó, như quạ tha chuột chết. Tiếng gì như tiếng reo vui chạy lào xào qua rừng nón lá bên ngoài.

Huỳnh khép tấm liếp lại, cười rất tươi:

- Bên mình mạnh số dách! Bác nói ủy ban biểu tôi làm binh biến phải không?

1

2

3

4

5

Vải phủ cao su.

Nguồn mua hàng.

Một thứ đậu phụ lỏng (tào phớ).

Khâu álá.

Bồi thường nhân mạng.