Gatsby Vĩ Đại

Chương I

Hồi tôi còn nhỏ tuổi, nghĩa là hồi dễ bị nhiễm các thói hư tật xấu hơn bây giờ, cha tôi có khuyên tôi một điều mà tôi ngẫm mãi cho đến nay:

– Khi nào con định phê phán người khác thì phải nhớ rằng không phải ai cũng được hưởng những thuận lợi như con cả đâu.

Ông không nói gì thêm, nhưng vì hai cha con chúng tôi xưa nay vẫn rất hiểu nhau mà chẳng cần nhiều lời nên tôi biết câu nói của ông còn nhiều hàm ý khác. Vì vậy tôi không thích bình phẩm một ai hết. Lối sống ấy đã mở ra cho tôi thấy nhiều bản tính kì quặc, nhưng đồng thời khiến tôi trở thành nạn nhân của không ít kẻ chuyên quấy rầy người khác. Những đầu óc không bình thường nhanh chóng nhận ra và gắn bó với đức tính này khi nó biểu lộ ở một người bình thường. Bởi vậy, ở trường đại học tôi bị mang tiếng oan là kẻ ranh mãnh vì tôi nghe thấu những nỗi đau khổ thầm kín của những tay ăn chơi bừa bãi mà tôi không quen biết. Phần lớn không phải do tôi tìm cách moi chuyện. Thường tôi giả vờ ngủ hay đang chăm chú vào việc gì đó, thảng hoặc còn tỏ ra hơi khó chịu nữa, mỗi khi tôi nhận thấy qua những dấu hiệu không thể nhầm được là sắp lại có một chuyện

tâm sự gì đây. Bởi vì những chuyện tâm sự của các chàng trai trẻ, hay ít ra những lời lẽ mà họ dùng để diễn đạt, thường là cóp nhặt của người khác và mất hết ý nghĩa vì rõ ràng đã bị bớt xén đi nhiều chỗ. Không bình phẩm nghĩa là còn hi vọng, hi vọng mãi. Tôi e còn bỏ sót một điều gì đó nếu tôi quên nói, như cha tôi đã khẳng định một cách hợm hĩnh và tôi hợm hĩnh nhắc lại ở đây, rằng ý thức về những phép xử thế lịch sự cơ bản không được chia đều cho mọi người khi họ ra đời.

Sau khi đã khoe tính tôi khoan dung như thế rồi, tôi phải thú nhận rằng sự khoan dung của tôi cũng có giới hạn. Cách cư xử của con người ta có thể đặt trên nền tảng là đá rắn hay đầm lầy, nhưng quá một mức nào đó thì tôi bất cần biết nó xây dựng trên nền tảng nào. Khi tôi ở miền Đông trở về mùa thu vừa rồi, tôi như muốn tất cả mọi người đều mặc đồng phục và vĩnh viễn đứng ở tư thế nghiêm về đạo đức. Tôi không còn muốn những cuộc thâm nhập ồn ào với những đặc quyền dòm ngó vào tận trái tim con người. Trong phản ứng ấy, tôi chỉ chừa ra có Gatsby, người được lấy tên đặt cho cuốn sách này, một con người tiêu biểu cho tất cả những gì mà tôi thành thật khinh bỉ. Nếu nhân cách là một chuỗi liên tục những cử chỉ đúng dụng ý của mình thì ở con người này có một cái gì huy hoàng, một sự nhạy cảm sắc bén với những hứa hẹn của cuộc đời, tưởng chừng người ấy giống như những cỗ máy phức tạp ghi lại những trận động đất cách xa hàng vạn dặm. Sự ứng cảm nhạy bén ấy hoàn toàn không phải là tính dễ xúc cảm mềm yếu được tâng bốc là “khí chất sáng tạo”. Nó là một khả năng hi vọng hiếm có, một sự sẵn sàng ứng tiếp các biến cố trong đời, sẵn sàng đến lãng mạn, mà tôi chưa hề thấy có ở một ai khác và có lẽ cũng sẽ không bao giờ gặp lại nữa. Không, kết cục Gatsby hoá ra là một con người tốt. Chính những gì ám ảnh Gatsby, chính làn bụi nhơ nhuốc cuộn theo sau những giấc mơ của Gatsby đã tạm thời làm tôi mất hứng thú quan tâm đến những nỗi đau buồn ngắn ngủi và những niềm vui chốc lát của con người.

*
* *

Gia đình tôi là một gia đình danh giá và sung túc, đã sinh cơ lập nghiệp từ ba đời nay tại một thành phố miền Trung – Tây này. Dòng họ Carraway hợp thành một thứ gia tộc riêng và tục truyền chúng tôi thuộc dòng dõi các quận công Buccleuch, nhưng người thực sự sáng lập ra chi họ chúng tôi là em trai ông nội tôi. Người ông ấy của tôi đã đến thành phố này năm 1851, cử người thay mình tham gia cuộc Nội chiến, và khai trương nghề bán buôn đồ ngũ kim. Nghề kinh doanh ấy, cha tôi còn tiếp tục cho đến nay.

Tôi chưa từng gặp người ông ấy, nhưng hình như tôi giống cụ, nhất là căn cứ vào bức chân dung sơn dầu mô tả một bộ mặt khá sắt đá treo trong phòng giấy

của cha tôi. Tôi tốt nghiệp đại học ở New Haven (1) năm 1915, đúng một phần tư thế kỉ sau cha tôi, và ít lâu sau tôi tham gia cuộc di dân muộn màng của người Teuton mà người ta gọi là cuộc Đại chiến thế giới. Tôi vui thích với cuộc phản công đến nỗi sau khi trở về quê hương, tôi cứ đứng ngồi không yên. Miền Trung Tây không còn là trung tâm ấm áp của thế giới nữa, mà tôi thấy nó bây giờ như một đường riềm rách nát của vũ trụ. Bởi vậy tôi quyết định đi New York học nghề giao dịch chứng khoán. Tất cả những người tôi quen đều ở ngành giao dịch chứng khoán, vì vậy tôi cho rằng nghề này có thể nuôi sống thêm một anh chàng chưa vợ nữa. Các bậc cô dì chú bác của tôi tề tựu đông đủ để bàn luận về việc này y như thể đây là việc chọn trường dự bị đại học cho tôi vậy. Cuối cùng, cả nhà kết luận: “Ờ cũng được”, với vẻ mặt rất nghiêm trang và do dự. Cha tôi đồng

ý chu cấp cho tôi trong một năm, và sau mấy lần hoãn đi hoãn lại, tôi đến ở New York, tưởng là vĩnh viễn, vào mùa xuân năm 1922.

Tìm chỗ ở ngay tại thành phố có lẽ thuận tiện hơn, nhưng nay đang vào lúc thời tiết ấm áp mà tôi lại vừa mới rời một nơi có những bãi cỏ rộng thênh thang và những hàng cây thân ái, cho nên khi có một đồng nghiệp trẻ tuổi ngỏ ý với tôi cùng thuê chung một ngôi nhà ở ngoại ô, tôi coi ngay đấy là một ý kiến tuyệt diệu. Anh ta tìm được một ngôi nhà gỗ đơn sơ đã dãi dầu mưa nắng với giá thuê là tám mươi đôla một tháng, nhưng đến phút chót anh ta được lệnh của công ty phái đến làm việc tại Washington, và thế là tôi về sống một mình ở ngoại ô. Tôi có một con chó – ít nhất cũng là trong vài ngày trước khi nó bỏ đi, – một chiếc xe Dodge cũ và một chị giúp việc người Phần Lan để dọn dẹp nhà cửa và vừa sửa soạn bữa sáng cho tôi vừa lẩm bẩm một mình những câu cách ngôn Phần Lan bên bếp điện.

Tôi cảm thấy bơ vơ lạc lõng mất vài hôm cho đến một buổi sáng có một người đến đây sau tôi, chặn tôi ngang đường, hỏi với vẻ ngơ ngác:

– Làng West Egg đi lối nào, thưa ông?

Tôi chỉ đường cho ông ta. Sau đấy, khi bước đi tiếp, tôi không còn cảm thấy lạc lõng nữa. Tôi đã là một người dẫn đường, một người mở đường, một người dân gốc ở đây rồi. Người kia đã tình cờ trao cho tôi quyền cư trú ở chốn này.
Và thế là cùng với vầng dương rực rỡ và những lùm cây đâm chồi nảy lộc tua tủa mau lẹ như những hình ảnh chớp nhoáng trong một bộ phim quay nhanh, trong tôi đã trỗi dậy niềm tin tưởng quen thuộc là cuộc sống lại bắt đầu cùng với mùa hè.

Trước hết có bao cuốn sách cần đọc, biết bao nhiêu sức khoẻ cần thu lượm ở làn không khí tươi trẻ đem lại sức sống cho con người. Tôi mua khoảng một chục cuốn sách nói về công việc ngân hàng, tín dụng và đầu tư. Những cuốn sách ấy xếp thành hàng đỏ rực và vàng choé trên giá sách của tôi như những

đồng tiền mới toanh vừa mới đúc, hứa hẹn sẽ tiết lộ cho tôi biết những bí quyết óng ánh mà chỉ Midas, Morgan và Maecenas (2) nắm được. Ngoài ra tôi còn có tham vọng đọc nhiều cuốn sách khác nữa. Hồi ở đại học, tôi khá thích văn chương, có năm tôi đã viết một loạt bài xã luận rất long trọng và dễ hiểu cho tờ “Tin tức trường Yale”. Bây giờ tôi sẽ đưa tất cả những thứ đó trở lại cuộc sống của tôi và lại trở thành một trong những chuyên gia cực kì hiếm hoi là “con người toàn diện”. Đây không phải là một lời châm biếm – xét cho cùng, cuộc đời sẽ dễ hiểu hơn nhiều khi ta nhìn nó từ một cửa sổ duy nhất.

Ngẫu nhiên mà ngôi nhà tôi thuê lại nằm ở một trong những cộng đồng kì lạ nhất Bắc Mỹ. Nó nằm trên hòn đảo mảnh khảnh và huyên náo phơi mình về phía Đông New York. Ở đó, trong số nhiều cảnh lạ có hai địa hình khác thường. Cách thành phố khoảng hai mươi dặm có hai quả trứng khổng lồ giống hệt nhau về hình dáng nhô ra dải nước mặn bị thuần hoá nhất ở Tây bán cầu, tức là cái sân gia cầm khổng lồ ẩm ướt mà người ta gọi là Eo biển Long Island. Hai quả trứng ấy cách nhau một vũng nước được gọi là vịnh cho lịch sự. Chúng không phải là những hình bầu dục hoàn hảo; giống quả trứng trong câu chuyện về Columbus, chúng bị dẹt lại ở đầu tiếp xúc với đất liền, nhưng sự giống nhau về hình dạng của chúng hẳn phải làm cho đám hải âu bay lượn bên trên không bao giờ hết băn khoăn lúng túng. Còn đối với các sinh vật không cánh thì hiện tượng đáng chú ý hơn lại là sự khác nhau giữa hai quả trứng ấy về mọi mặt, trừ hình dáng và kích thước.

Tôi ở West Egg, tức là quả trứng phía Tây. Phải thú nhận rằng trong hai nơi thì ở đây kém sang trọng hơn, tuy rằng đó chỉ là một cách nói hết sức sơ sài về sự tương phản kì quặc và khá bi thảm giữa hai nơi. Ngôi nhà của tôi nằm ở đúng đầu quả trứng, cách Eo biển chưa đến năm mươi thước và bị kẹp giữa hai toà nhà đồ sộ cho thuê với giá mười hai hoặc mười lăm nghìn đôla một vụ nghỉ mát. Toà nhà bên phải nhà tôi là một công trình kiến trúc khổng lồ, dù ta lấy bất cứ tiêu chuẩn nào để đánh giá. Nó đúng là phiên bản của một toà thị chính nào đó

ở Normandy, với một ngọn tháp ở một đầu mới toanh dưới những đám dây trường xuân lưa thưa, một bể bơi bằng cẩm thạch và hơn bốn mươi mẫu Anh thảm cỏ và vườn cây. Đó là toà lâu đài của Gatsby. Hay nói cho đúng hơn – vì tôi không quen biết ông Gatsby – đó là toà lâu đài của một nhà quý tộc tên là như vậy đang ở. Còn ngôi nhà của tôi, nó là một vật gai mắt, nhưng chỉ là cái gai vặt nên người ta đã bỏ qua nó khiến cho nhà tôi có một mặt trông ra biển, một mặt trông sang một phần thảm cỏ nhà láng giềng, và được cái an ủi là sống cạnh những bậc triệu phú. Tất cả chỉ mất có tám mươi đôla một tháng.

Ở mé bên kia cái vịnh nhỏ xíu, các dinh thự trắng toát của làng East Egg sang trọng lung linh bên bờ nước, và lịch sử của mùa hè vừa rồi bắt đầu vào tối hôm

tôi lái xe sang bên ấy ăn tối với vợ chồng Tom Buchanan. Daisy là cô em họ xa của tôi, còn chồng cô là Tom thì tôi đã quen hồi ở đại học. Ngay sau chiến tranh tôi đã về ở với vợ chồng họ hai ngày tại Chicago.

Trong những mặt giỏi giang về thể xác của Tom, phải kể anh ta là một trong những cầu thủ bóng bầu dục khoẻ nhất tại New Haven, có thể nói đó là một nhân vật tầm cỡ quốc gia, thuộc loại những kẻ đã đạt tới đỉnh cao của tài năng ở tuổi hai mươi mốt, đến nỗi mọi thành tích sau đấy đều bị lu mờ. Gia đình Tom cực kì giàu có, ngay hồi ở đại học cung cách tiêu xài của Tom cũng đã bị chê trách. Nhưng nay Tom đã rời Chicago đến New York với một bầu đoàn đông đúc đến nỗi làm người ta phải nín hơi kinh ngạc: ví dụ Tom đem từ Lake Forest đến cả một bầy ngựa để chơi polo. Khó tưởng tượng được một người ở tuổi tôi lại giàu tới mức có thể ăn chơi xa xỉ đến vậy.

Tôi không biết vợ chồng Buchanan đến sống ở miền Đông này để làm gì. Họ đã sang Pháp ở một năm không vì một lí do gì đặc biệt, rồi sống nay đây mai đó, ở đâu có những kẻ chơi polo và giàu có tụ tập lại với nhau. Lần này họ đến ở hẳn đây – Daisy báo cho tôi biết vậy qua điện thoại, nhưng tôi không tin. Tôi không biết gì về những chuyện tâm tình của Daisy, nhưng về Tom, tôi cảm thấy anh ta sẽ mãi mãi sống một cuộc đời lãng du, luyến tiếc tìm kiếm sự hỗn loạn bi thảm của một trận đấu bóng nào đó không bao giờ gặp lại.

Và thế là vào một buổi chiều nóng nực và lộng gió, tôi lái xe sang East Egg thăm hai người bạn cũ mà tôi không hiểu biết gì mấy. Nơi ở của họ là một toà nhà lộng lẫy quá sự chờ đợi của tôi: một toà lâu đài theo kiểu kiến trúc thời thuộc địa Georgia với những màu trắng và màu đỏ vui mắt, trông xuống mặt vịnh. Thảm cỏ bắt đầu từ sát bãi biển chạy dài một phần tư dặm cho đến cổng chính, nhảy qua những đồng hồ mặt trời, những lối đi lát gạch, những luống hoa rực rỡ, để rồi cuối cùng như thể đang đà chạy va phải toà nhà bật lên thành những dây nho leo tường. Để bớt đơn điệu, mặt trước toà nhà được trổ một dãy cửa sổ kiểu Pháp dài xuống sát sàn nhà. Những cửa sổ ấy giờ đây đang lấp lánh những ánh phản chiếu của vàng bạc và được mở rộng để đón buổi chiều nóng nực lộng gió. Trong bộ quần áo đi ngựa, Tom Buchanan đang đứng xoạc chân trên bậc thềm cửa chính.

Tom đã thay đổi nhiều so với hồi học ở New Haven. Giờ đây Tom là một gã đàn ông ba mươi tuổi, lực lưỡng, tóc màu vàng rơm, khoé miệng tàn nhẫn và dáng điệu ngạo mạn. Đôi mắt long lên xấc xược áp đảo cả gương mặt và làm cho Tom lúc nào cũng có vẻ hung hăng, đầu chúc về phía trước. Ngay cả vẻ sang trọng mềm mại của bộ quần áo đi ngựa cũng không che giấu nổi sức khoẻ ghê gớm của tấm thân. Hai bắp chân Tom nhét chật căng đôi ủng bóng loáng đến mức gần làm đứt tung cả dây buộc, và có thể nhìn thấy những bắp thịt cuồn cuộn

nổi lên từng múi mỗi khi Tom cử động đôi vai dưới chiếc áo veston mỏng. Đây là cơ thể có một sức khoẻ ghê gớm, một tấm thân tàn bạo.

Giọng nói của Tom, một giọng nam cao rè rè thô lỗ, càng làm tăng thêm vẻ cáu kỉnh lúc nào cũng toát ra từ con người Tom. Trong dáng điệu ấy có một chút gì đó kênh kiệu kẻ cả, ngay cả đối với những người mà Tom ưa thích. Vì vậy ở New Haven có những kẻ ghét cay ghét đắng Tom. Dáng Tom như có ý bảo người ta:

“Này, đừng vội nghĩ rằng ý kiến của tôi về những vấn đề này là quyết định chỉ vì tôi khoẻ hơn, mạnh hơn anh”.

Tom và tôi thuộc cùng một hội sinh viên trong năm chót, và tuy chúng tôi chưa bao giờ chơi thân với nhau, nhưng xưa nay tôi vẫn cảm tưởng Tom thích tôi và muốn làm tôi thích anh bằng kiểu cách ân cần thô lỗ và kênh kiệu của anh.

Hai chúng tôi nói chuyện với nhau vài phút trên bậc thềm ngập nắng. Tom khoe với tôi, đôi mắt long lên đảo đi đảo lại liên hồi: – Tôi kiếm được nơi này thú vị ra trò.

Nắm lấy cánh tay xoay người tôi lại, Tom duỗi bàn tay to bè khoát một vòng rộng giới thiệu khung cảnh bày ra trước mắt, gộp cả vào trong cái khoát tay ấy một khu vườn chìm kiểu Italia, một phần tư hécta trồng một loại hồng gắt hương, một chiếc xuống máy mũi dẹt nhấp nhô theo sóng nước ngoài khơi.

– Nhà này trước của Demaine, ông trùm dầu lửa. Tôm lại vặn người tôi lại, lịch sự nhưng đột ngột:
– Ta vào nhà đi.

Chúng tôi đi qua một hành lang cao dẫn đến một gian phòng sáng sủa phơn phớt hồng, hai đầu nối với toà nhà một cách mảnh dẻ bằng hai cửa sổ kiểu Pháp, bậu cửa thấp sát sàn như cửa ra vào. Các cánh cửa sổ mở hé, trắng lấp lánh trên nền cỏ tươi mát bên ngoài và cỏ dường như mọc len cả vào trong nhà một chút. Một ngọn gió nhẹ thổi qua gian phòng làm cho rèm cửa sổ ở một đầu phòng cuộn bay vào trong, và ở đầu kia cuộn bay ra ngoài như những lá cờ nhàn nhạt, xoắn chúng lại và hất lên về phía bánh cưới rắc đường là trần nhà. Sau đó nó lướt qua tấm thảm đỏ thẫm màu rượu vang, tạo thành một cái bóng gợn trên mặt thảm như gió trên mặt biển.

Vật duy nhất hoàn toàn bất động trong gian phòng là một chiếc đi văng lớn có hai phụ nữ trẻ đang tựa lưng y như đang ngồi trong chiếc giỏ treo của một khinh khí cầu bị néo vào cột. Cả hai đều mặc đồ trắng, áo họ phập phồng và uốn lượn như thể vừa mới được gió cuộn về đây sau khi bay phấp phới khắp gian phòng. Tôi đã phải đứng sững một lúc lâu, lắng nghe tiếng phần phật của các rèm cửa và tiếng kẽo kẹt của bức tranh treo trên tường. Sau đó có tiếng sầm một cái khi Tom đóng cửa sổ sau lại. Bị giam hãm, ngọn gió lặng dần trong gian phòng và

các rèm cửa, chiếc thảm cùng hai người phụ nữ trẻ được quả khí cầu hạ từ từ xuống sàn nhà.

Trong hai người phụ nữ ấy, người trẻ tôi không quen. Cô ta nằm duỗi dài ở một đầu đi văng, hoàn toàn bất động, cằm hơi hếch lên một chút như thể đang đỡ ở chóp cằm một vật gì lăm le chực rơi. Ví thử có liếc mắt thấy tôi, cô ta cũng không để lộ ra – thực vậy, suýt nữa tôi buộc mồm lẩm bẩm câu xin lỗi vì đã trót đến quấy rầy cô ta.

Người thứ hai là Daisy. Nàng ngồi dậy, hơi chúi người ra phía trước với một vẻ

chăm chú rồi buông ra những tiếng cười nho nhỏ duyên dáng và ngớ ngẩn. Tôi

cũng cười theo và bước vào phòng.

– Em tê-ê dại vì sung sướng.

Daisy lại cười, cứ y như đã nói một câu gì dí dỏm lắm. Nàng giữ bàn tay tôi trong tay nàng một lúc, ngước mắt nhìn lên mặt tôi với vẻ như không có ai trên đời nàng mong gặp bằng tôi. Đó là một kiểu cách của nàng. Bằng một giọng thì thào nho nhỏ, Daisy cho tôi biết cô gái đang làm trò tung hứng kia tên là Baker. (Tôi nghe nói Daisy thấp giọng thì thào là cốt làm cho người nghe phải ngả người về phía nàng. Lời chỉ trích đó không đúng và cũng không làm mất đi tí nào vẻ duyên dáng của nàng).

Dù sao, đôi môi Baker cũng mấp máy, cô gật đầu với tôi rất nhẹ, hầu như không thể nhận thấy, rồi lại nhanh chóng ngả đầu ra đằng sau – có lẽ cái vật cô đang đỡ suýt nữa lại rơi, khiến cô lo sợ. Một câu gì như xin lỗi lại suýt nữa buột ra ở miệng tôi. Hầu như mọi sự biểu thị cao độ của tính tự mãn đều làm tôi sững sờ khâm phục.

Tôi quay lại cô em họ tôi khi nàng bắt đầu hỏi chuyện tôi bằng một giọng trầm trầm lôi cuốn. Giọng nói ấy làm tai người nghe cứ phải đưa lên đưa xuống như thể mỗi câu là cả một sự sắp xếp những nốt nhạc không bao giờ lặp lại nữa. Gương mặt nàng âu sầu và diễm lệ với nhiều điểm sáng lấp lánh: đôi mắt long lanh, khoé miệng nồng nàn lóng lánh. Nhưng giọng nàng mới có một sức quyến rũ mà những ai đã đem lòng yêu nàng khó có thể quên: một lời nài ép véo von, những tiếng thì thầm êm ái “Nghe em bảo này”, một câu báo tin nàng vừa mới có những chuyện vui vui thích thú và một giờ nữa sẽ lại có những chuyện vui vui thích thú khác.

Tôi kể với Daisy là trên đường đi New York, tôi đã dừng một ngày ở Chicago, và có đến hơn một chục người nhờ tôi chuyển đến nàng những tình cảm quý mến.

– Mọi người có nhớ em không? – Daisy say sưa kêu lên.

– Cả thành phố buồn rầu, ủ ê. Tất cả các xe hơi đều sơn đen một vòng ở bánh sau bên trái như một vành hoa tang, và những tiếng nỉ non kéo dài suốt đêm ở mé hồ phía bắc.

– Tuyệt quá! Tom ơi, ta trở về đi, ngay ngày mai! – Rồi Daisy nói thêm, không ăn nhập vào đâu: – Em dẫn cháu ra anh xem nhé.

– Tôi rất…

– Cháu đang ngủ. Nó lên ba rồi đấy. Anh chưa thấy nó bao giờ à?

– Chưa.

– Thế thì em phải để anh gặp cháu. Nó…

Tom Buchanan từ nãy vẫn luôn chân đi loanh quanh gian phòng, bây giờ đứng lại, đặt tay lên vai tôi:

– Nick, dạo này anh làm gì?

– Tôi làm nghề giao dịch chứng khoán.

– Anh làm cho hãng nào?

Tôi nói với Tom tên hãng thuê tôi. Anh ta đáp lại bằng một giọng dứt khoát:

– Tôi chưa nghe thấy tên đấy bao giờ.

Câu nói ấy làm tôi bực mình, tôi đáp lại cộc lốc:

– Rồi anh sẽ nghe thấy thôi, nếu anh còn ở lại miền Đông này.

– Ồ, anh khỏi lo, tôi sẽ ở lại đây chứ. – Tom liếc mắt nhìn Daisy rồi lại nhìn tôi như sẵn sàng đối đáp thêm những câu khác. – Tôi có hoạ là ngốc mới đi sống ở nơi khác.

Vừa đúng lúc ấy, cô Baker buông ra một tiếng “Đã hẳn!” đột ngột đến nỗi làm tôi giật mình. Đây là lời nói đầu tiên của cô suốt từ khi tôi đến đây. Rõ ràng nó làm cô ngạc nhiên không kém gì tôi, vì cô ngáp một cái và sau một loạt động tác nhanh nhẹn khéo léo, cô đứng dậy.

– Em mỏi nhừ cả người, – Baker phàn nàn. – Em nằm dài ở đi văng này không biết từ cái thuở nào.

– Đừng có mà trách chị, – Daisy bác lại. – Chị đã cố kéo em đi New York suốt chiều này cơ mà.

– Thôi, xin cảm ơn. – Baker nói với bốn li cocktail vừa mới được đưa ở dưới nhà lên. – Em đang tập luyện rất căng.

Ông chủ nhà nhìn Baker, vẻ không tin.

– Thật không? – Nói rồi, Tom cầm cốc rượu uống cạn một hơi như thể chỉ có một giọt rượu dưới đáy cốc. – Bao giờ cô làm được một việc gì thì tôi mới ngạc nhiên.

Tôi nhìn Baker, không biết cái việc mà cô ta “có thể làm được” ấy là cái gì. Tôi thích nhìn cô ta. Baker là một cô gái mảnh mai, bộ ngực nhỏ nhắn, thân hình thẳng đuỗn mà cô làm cho nó càng thêm ngay đơ bằng cách ưỡn ngực và đưa vai ra đằng sau y như một thiếu sinh quân. Đôi mắt xám mệt mỏi vì ra nắng nhiều, trên một gương mặt uể oải, duyên dáng và bực bội, đang nhìn lại tôi cũng với một vẻ hiếu kì lễ độ. Bây giờ tôi chợt nhận ra là đã gặp cô hay đã nhìn thấy

ảnh cô ta ở đâu rồi.

Baker hỏi với giọng khinh khỉnh:

– Ông ở West Egg à? Tôi có quen một người bên ấy.

– Tôi lại không quen biết một ai cả.

– Ông hẳn phải biết Gatsby chứ.

– Gatsby à? – Daisy xen vào, – Gatsby nào nhỉ?

Tôi chưa kịp trả lời Gatsby là láng giềng của tôi thì người lên báo bữa tối đã dọn xong. Thọc mạnh cánh tay rắn chắc của anh khoác lấy tay tôi, Tom Buchanan lôi tuột tôi ra khỏi gian phòng như đẩy một quân cờ từ ô này sang ô khác. Hai người phụ nữ trẻ, dáng thon thả, uể oải, tay chống nhẹ lên hai bên hông, bước đi trước chúng tôi ra hàng hiên phơn phớt hồng đã được mở ra đón ánh hoàng hôn. Ở đó, trên mặt bàn đã có bốn ngọn nến run rẩy trước làn gió bây giờ chỉ còn hây hây nhè nhẹ.

– Nến làm gì? – Daisy cau mày phản đối. Nàng nhón tay dụi tắt mấy ngọn nến. – Hai tuần nữa là đã đến ngày dài nhất trong năm rồi. – Nàng nhìn tất cả chúng tôi, nét mặt tươi roi rói. – Phải chăng người ta bao giờ cũng chờ đợi ngày dài nhất trong năm để rồi nó trôi qua lúc nào không hay? Tôi bao giờ cũng chờ đón ngày dài nhất trong năm nhưng rồi lại bỏ lỡ.

– Ta phải bàn với nhau làm cái gì đi, – Baker vừa ngáp vừa ngồi xuống bên bàn, loay hoay y như định ngả mình xuống giường.

– Đúng đấy, nhưng mà là cái gì? – Daisy nói, rồi nàng quay sang tôi, giọng phân vân: – Những người khác, họ làm gì nhỉ?

Tôi chưa kịp trả lời thì Daisy đã cúi xuống nhìn ngón tay út của mình, vẻ kinh hoàng.

– Xem này, – Daisy kêu lên, – ngón tay em đau.

– Tom, chính mình gây ra đấy, – giọng Daisy cáo buộc. – Không phải mình cố ý nhưng mà là tại mình. Thật đáng đời cho em vì đã lấy phải một gã thô lỗ, to xác.

– Tôi ghét cái từ to xác này, dù là đùa, – Tôm cáu kỉnh gạt đi.

– To xác! – Daisy lại càng nhấn mạnh thêm.

Đôi khi Daisy và Baker cùng nói một lúc, nói một cách kín đáo, lửng lơ, cợt nhả, không bao giờ đi đến chỗ huyên thuyên mà chỉ là những lời mát lạnh như các tà áo trắng và đôi mắt trống rỗng không chứa đựng một ham muốn nào hết của họ. Họ ngồi đó, chấp nhận sự có mặt của Tom và tôi, chỉ nhẹ nhàng và lịch sự cố giải trí chúng tôi hoặc để chính họ được giải trí. Họ biết rằng chẳng mấy chốc sẽ xong bữa tối, rồi ít phút nữa buổi tối cũng sẽ qua đi và sẽ bị vô tình xếp xó. Cuộc sống ở đây khác hẳn với miền Tây, nơi các buổi tối diễn ra dồn dập hết phần này đến phần khác cho tới lúc kết thúc, trong sự chờ đón luôn luôn thất vọng hoặc

trong nỗi bồn chồn khiếp sợ chính giây phút hiện tại.

Sau cốc rượu thứ hai, một thứ rượu vang chát đỏ nồng mùi nút chai, nhưng trong thời kì cấm rượu lúc này thứ rượu ấy cũng đã là khá ghê gớm rồi, tôi thú thực:

– Daisy ạ, cạnh em, anh cảm thấy không còn là một người văn minh nữa. Em không thể nói đến mùa màng hay một chuyện gì khác được à?

Tôi không có chủ ý gì đặc biệt khi nói câu này nhưng lời tôi được dẫn lại một cách bất ngờ. Tom lớn tiếng, giọng gay gắt:

– Nền văn minh sắp bị phá tan tành rồi. Tôi vô cùng bi quan về tình thế. Anh đã đọc cuốn “Bước hưng thịnh của các đế quốc da màu” của một gã tên là Goddard chưa?

– Quả thực, chưa, – tôi trả lời, hơi ngạc nhiên trước giọng Tom.

– Đó là một cuốn sách hay mà mọi người cần phải đọc. Cuốn sách nêu lên ý kiến là nếu chúng ta không cẩn thận thì giống người da trắng cuối cùng sẽ bị hoàn toàn nhấn chìm. Ý kiến rất khoa học, nó đã được chứng minh.

– Anh Tom dạo này rất uyên thâm, – Daisy nói với một vẻ buồn rầu vô cớ, – Anh ấy đọc những cuốn sách ác liệt, có những từ dài dằng dặc. Cái từ mà chúng ta…

– Những cuốn sách ấy đều rất khoa học, – Tom nhấn mạnh, con mắt bồn chồn nhìn Daisy. – Gã này đã nghiên cứu vấn đề rất sâu. Chúng ta, nòi giống thống trị, phải coi chừng, nếu không các nòi giống khác sẽ ngoi lên cầm đầu.

– Chúng ta phải đánh gục chúng. – Daisy thì thào, nháy mắt một cách dữ tợn với mặt trời đỏ rực.

– Anh lẽ ra đã phải sống ở California, – Baker bắt đầu, nhưng Tom đã cắt ngang lời cô và nặng nề xoay người trên ghế.

– Tác giả đưa ra ý kiến nói rằng tất cả chúng ta đều là dân phương Bắc: tôi này, anh này, cô này, và… – sau một phần giây đồng hồ ngập ngừng, Tom gộp cả Daisy bằng một cái gật đầu nhẹ, và nàng lại nháy mắt với tôi, – và chúng ta là những người đã sản xuất ra tất cả những gì tạo nên nền văn minh – nào là khoa học, nghệ thuật, và mọi thứ khác. Anh hiểu không?

Có một vẻ bi ai trong cách Tom nặn óc suy nghĩ, tưởng đâu tính tự mãn của anh bây giờ mạnh hơn trước nhưng vẫn không đủ đối với anh nữa. Ngay cùng lúc ấy, chuông điện thoại réo vang trong nhà, và người hầu phòng rời khỏi hàng hiên đi vào. Daisy lợi dụng sự gián đoạn chốc lát này ngả người về phía tôi, thì thào giọng hào hứng.

– Em tiết lộ với anh một điều bí mật trong nhà nhé. Đó là cái mũi của người hầu phòng. Anh có muốn nghe chuyện cái mũi của người hầu phòng không?

– Chính vì chuyện ấy mà tôi đến đây đấy.

– Hoá ra, xưa nay không phải ông ta chỉ làm hầu phòng đâu. Trước kia ông ta chuyên đánh bóng các bộ đồ ăn bạc cho một gia đình ở New York, họ có một bộ đồ ăn gần hai trăm thực khách. Ông ta phải lau chùi đánh bóng suốt từ sáng đến tối, việc ấy cuối cùng ảnh hưởng đến cái mũi của ông ta.
– Tình hình ngày một tệ hơn, – Baker nhắc.

– Phải rồi, tình hình ngày một tệ hơn, đến nỗi cuối cùng ông ta phải bỏ nghề. Trong giây lát, tia nắng cuối cùng rọi lên gương mặt rạng rỡ của Daisy với vẻ âu yếm lãng mạn. Giọng nàng làm tôi phải nén thở ngả người về phía nàng khi nghe nàng nói… Thế rồi vầng sáng ấy tan dần, các tia nắng nấn ná luyến tiếc khi phải rời nàng, như lũ trẻ con phải bỏ hè đường náo nhiệt về nhà lúc chiều tối.

Người hầu phòng trở lại, nói nhỏ vào tai Tom vài ba câu. Tom cau mày xô ghế, bỏ vào trong nhà không nói một lời. Y như sự vắng mặt của Tom đã khơi dậy ở Daisy một điều gì đó, nàng lại ngả người về phía trước, giọng rạng rỡ véo von:
– Em rất thích có anh tại bàn ăn, anh Nick ạ. Anh làm em nghĩ đến… một bông hồng, đúng là một bông hồng. Có đúng anh ấy giống một bông hồng không? – Daisy quay sang Baker tìm lời xác nhận. – Đúng là một bông hồng!

Nói thế không đúng. Tôi không có vẻ gì giống một bông hồng. Daisy chỉ nói tào lao thế thôi, nhưng một làn hơi ấm áp làm cho người ta xao xuyến toả ra từ người nàng như thể trái tim nàng ẩn náu trong những lời nói nhẹ như không vương hơi thở và say đắm lòng người kia muốn trào ra đến với ta. Bỗng nhiên, Daisy quẳng khăn ăn lên mặt bàn, xin lỗi rồi vào trong nhà.

Baker và tôi đưa mặt vội nhìn nhau, cố tình không bộc lộ gì trong ánh mắt đấy. Tôi toan nói thì Baker đã nhanh nhẹn ngồi nhỏm dậy, khẽ nhắc nhở: “Suỵt!”. Có tiếng rì rầm sôi nổi trầm trầm trong phòng bên, và Baker không chút ngượng nghịu nghiêng người cố dỏng tai nghe. Tiếng rì rầm vang lên to gần tới mức nghe rõ lời, sau lắng xuống rồi lại nổi lên sôi nổi và cuối cùng thì im bặt.

– Ông Gatsby mà cô nói là láng giềng của tôi,… – Tôi mở đầu câu chuyện.

– Ấy, đừng nói, ông. Để tôi nghe xem lại có chuyện gì.

– Chuyện gì? – Tôi ngây thơ hỏi.

– Ông không biết ư? Tôi tưởng mọi người biết hết cả.

– Tôi không biết.

– Ơ kìa…, – cô ta ngập ngừng, – Tom có một ả nhân tình ở New York mà.

– Tom có một ả nhân tình? – Tôi ngây ngô nhắc lại.

– Lẽ ra ả phải biết phép lịch sự không gọi điện thoại vào đúng bữa tối chứ. Có phải không ông?

Tôi gần như chưa kịp hiểu lời cô ta thì đã có tiếng áo sột soạt và tiếng giày da

kêu xin xít. Tom và Daisy trở lại bàn ăn.

– Không đừng được mà! – Daisy reo lên với giọng vui vẻ gay gắt. Nàng ngồi xuống, dò xét nét mặt trên Baker rồi nhìn sang tôi, nói tiếp:
– Em vừa mới ra ngoài vườn một phút, ngoài vườn rất thơ mộng. Trên bãi cỏ có một con chim. Em chắc là một con hoạ mi đã theo chuyến tàu White Star Line hoặc tàu Cunard đến đây. Nó vừa tung cánh bay đi vừa hót. – Giọng nàng véo von: – Thật là thơ mộng, có phải không Tom?

– Rất thơ mộng, – Tom đáp, rồi quay sang tôi với giọng thiểu não. – Ăn xong, nếu trời còn đủ sáng, tôi sẽ dẫn anh đi xem chuồng ngựa.

Chuông điện thoại trong nhà vang lên làm mọi người giật mình. Daisy nhìn Tom lắc đầu một cách dứt khoát, và thế là vấn đề đi thăm chuồng ngựa, và thực ra là mọi vấn đề, đều tan ra mây khói. Giữa những mẩu chuyện rời rạc trong năm phút cuối cùng bên bàn ăn, tôi còn nhớ là mấy ngọn nến lại được thắp lên, tuy không cần thiết, và tôi cảm thấy muốn nhìn thẳng vào mặt mọi người, nhưng đồng thời lại muốn tránh mọi con mắt. Tôi không đoán nổi Daisy và Tom đang nghĩ gì, nhưng tôi chắc rằng ngay cả Baker là người xem chừng đã tạo được cho mình một thái độ hoài nghi dày dạn, cũng không hoàn toàn xua nổi khỏi đầu tiếng kêu lanh lảnh chói tai giục giã của người thực khách thứ năm kia. Tuỳ tâm tình, có người có thể thấy tình thế này hay hay. Còn tôi thì bản năng thúc giục tôi phải gọi điện ngay cho cảnh sát.

Khỏi phải nói là chuyện ra xem ngựa không được nêu lại nữa. Tom và Baker đi cách nhau vài ba bước trong ánh sáng lờ mờ về phòng sách như để đứng canh bên một thi thể bằng xương bằng thịt, còn tôi, cố làm ra vẻ hào hứng và hơi giả điếc nữa, tôi đi theo Daisy qua một dãy hành lang nối liền nhau đến tận những bậc thềm đằng trước. Tôi và nàng ngồi xuống cạnh nhau trên một chiếc ghế mây đôi trong bóng tối dày đặc.

Daisy lấy hai bàn tay đỡ mặt như vuốt ve những đường nét kiều diễm, đôi mắt nàng thong thả đưa đi đưa lại nhìn vào bóng hoàng hôn mượt như nhung. Thấy nàng bị xúc động dữ dội, tôi hỏi chuyện về con gái nàng vài ba câu cho khuây khoả.

– Anh Nick ạ, anh và em không hiểu biết nhau nhiều, dù chúng mình là anh em họ với nhau. – Daisy đột ngột nói. – Anh đã không đến dự đám cưới của em.
– Lúc đó anh ở mặt trận chưa về.

– Ừ nhỉ. – Nàng ngập ngừng. – Đời em đã có lúc bất hạnh, anh Nick ạ, và bây giờ em oán ghét hết cả.

Tất nhiên Daisy có lí do gì đấy để oán ghét. Tôi chờ nghe tiếp nhưng nàng không nói gì thêm. Một lúc sau, tôi rụt rè trở lại chuyện con gái nàng.

– Anh chắc rằng con bé nói… nó ăn, và đã làm được nhiều trò rồi, em nhỉ.

– À vâng, – Daisy nhìn tôi với vẻ thẫn thờ, – Anh Nick, em bảo này, em sẽ kể cho anh nghe em đã nói gì sau khi sinh nó. Anh có muốn nghe không?

– Có chứ.

– Chuyện này sẽ cho anh thấy em đã đi đến chỗ nghĩ như thế nào về… cuộc sống. Anh ạ, con bé ra đời chưa được một giờ thì Tom đã đi đâu không biết. Em tỉnh dậy sau khi tan thuốc mê với một cảm giác bơ vơ trơ trọi vô cùng. Em hỏi ngay người nữ y tá xem con trai hay con gái. Chị ta bảo là con gái, thế là em quay mặt đi và khóc. Sau em tự nhỏ: “Thôi được, con gái càng hay. Hi vọng lớn lên nó sẽ ngu ngốc. Trên đời này, không có gì tốt cho bằng đối với một đứa con gái – xinh xắn và ngu ngốc”.

Daisy nói tiếp, giọng quả quyết:

– Anh thấy đấy, em nghĩ cuộc đời thật kinh khủng. Mà ai cũng nghĩ như em, cả những người tân tiến nhất. Em biết thế. Em đã đi khắp mọi nơi, đã thấy đủ mọi chuyện và đã làm đủ mọi điều. – Đôi mắt nàng đảo quanh với những ánh thách thức, gần giống Tom, và nàng cười khanh khách với một giọng khinh bỉ xúc động.

– Hiện đại, ôi lạy Chúa, em là một con người hiện đại.

Khi tiếng nàng tắt đi, thôi bắt tôi phải chú ý và phải tin lời nàng, tôi đã cảm thấy ngay sự không thành thật cơ bản ở những lời nàng vừa mới nói ra. Nó làm tôi khó chịu, như thể cả buổi tối nay chỉ là một trò đùa nhằm khai thác một xúc cảm ở tôi để góp phần vào trò đùa đó. Tôi chờ đợi, và tôi đã không lầm. Chẳng mấy chốc, nàng nhìn tôi với một nụ cười hoàn toàn giả dối trên gương mặt xinh đẹp, khác nào để cho tôi hiểu rằng nàng nằm trong một cái hội kín khá quý phái mà cả nàng lẫn Tom đều là hội viên.

*

* *

Trong nhà, gian phòng màu đỏ thẫm được thắp những chùm đèn toả sáng như những chùm hoa nở rộ. Tom và Baker mỗi người ngồi ở đầu một chiếc đi văng dài. Baker đang đọc tờ “Bưu điện chiều thứ bảy” cho Tom nghe – rì rầm và đều đều, những từ mắc quyện vào với nhau thành một giọng làm tâm hồn thư thái. Ánh đèn phản chiếu sáng chói trên đôi ủng của người đàn ông và mờ đục trên mái tóc vàng rực màu lá thu của người phụ nữ, hắt lại đánh loáng một cái trên các trang báo mỗi khi Baker giở sang một trang mới làm cho những bắp thịt thon thon hơi di động trên cánh tay cô.

Thấy chúng tôi vào, Baker giơ tay ra hiệu bảo chúng tôi hãy im lặng một lúc đã.

– Còn nữa, xin xem tiếp phần sau trong số tới, – cuối cùng Baker nói và vứt tờ báo lên bàn.

Cô ưỡn thẳng người, rung rung đầu gối rồi đứng dậy.

– Mười giờ, – Baker nói, tưởng đâu như nhìn giờ trên trần nhà. – Đã đến giờ ngủ

đối với một cô gái ngoan.

Daisy giải thích:

– Jordan sẽ đấu giải ngày mai tại Weschester.

– Ồ, cô là Jordan Baker à?

Bây giờ tôi đã hiểu tại sao trông cô ta quen thế – vẻ mặt câng câng đáng yêu ấy đã nhìn tôi nhiều lần từ những bức ảnh trên các báo trong mục sinh hoạt thể thao tại Asheville, Hot Springs và Palm Beach. Tôi cũng đã được nghe kể một chuyện về cô ta, một chuyện không hay ho, hàm ý chê bai, nhưng là chuyện gì thì tôi quên mất từ lâu rồi.

– Chúc chị ngủ ngon, – giọng Baker dịu dàng. – Đánh thức em dậy vào lúc tám giờ nhé.

– Nếu em chịu dậy.

– Em sẽ dậy chứ. Ông Carraway, chúc ông ngủ ngon. Mong sớm gặp lại ông.

– Tất nhiên là sẽ gặp lại rồi, – Daisy xác nhận – Quả thực, em đang tính đến chuyện làm mối đấy, anh Nick ạ. Anh hãy năng đến đây chơi đi, em sẽ… ồ… em sẽ ghép hai người lại với nhau. Anh hiểu chứ, em sẽ giả vờ vô tình nhốt cả hai người vào trong tủ, cho lên thuyền rồi đẩy ra biển, đại khái như vậy.

– Chúc tất cả ngủ ngon nhé, – Baker từ trên cầu thang nói vọng xuống. – Em không nghe thấy gì cả đâu.

– Một cô bé hay đáo để, – một lúc sau Tom cất lời – Lẽ ra họ không nên để cô ấy đi lăng quăng khắp nơi như thế.

– Họ là ai? – Daisy hỏi, giọng lạnh lùng.

– Gia đình cô ấy.

– Gia đình cô ấy chỉ có một bà cô già đến mười thế kỉ. Vả lại, anh Nick sẽ trông nom cô ấy, có phải không, anh Nick? Mùa hè năm nay, hầu như tất cả các ngày nghỉ cuối tuần Jordan Baker đều sẽ về chơi đây. Em nghĩ không khí gia đình sẽ rất tốt đối với cô ấy.

Daisy và Tom bỗng im lặng nhìn nhau.

– Cô ấy là người New York à? – Tôi vội hỏi.

– Người Louisville. Hai chúng em đã sống tuổi thơ ấu trong trắng bên nhau ở đấy. Tuổi thơ ấu trong trắng đẹp đẽ…

– Mình đã huyên thuyên tâm sự với anh Nick ở ngoài hiên rồi phải không? – Tom đột nhiên hỏi.

– Em ấy ư? – Daisy nhìn tôi. – Em không nhớ nổi, nhưng hình như em với anh Nick nói chuyện với nhau về giống người phương Bắc thì phải. Đúng thế. Ngẫu nhiên bập vào chuyện ấy rồi, chưa kịp nhận ra thì…

– Anh không nên nghe gì cũng tin, Nick ạ. – Tom khuyên tôi.

Tôi trả lời nhẹ nhàng là tôi không nghe được một điều gì cả, và mấy phút sau tôi

đứng dậy ra về. Họ tiễn tôi đến tận cửa và đứng cạnh nhau trong một khoảng ánh sáng tươi vui. Tôi vừa mới nổ máy chiếc xe của tôi thì Daisy gọi to, giọng như ra lệnh:

– Khoan đã! Em quên chưa hỏi anh cái này, rất quan trọng. Nghe đâu anh đã đính hôn với một cô gái ở miền Tây rồi thì phải.

Tom thân mật phụ hoạ:

– Đúng. Nghe đâu anh đã đính hôn rồi.

– Người ta bịa đấy. Tôi quá nghèo.

– Nhưng chúng em có nghe thấy thế, – Daisy vẫn một mực khẳng định, lại cởi mở như một bông hoa khiến tôi ngạc nhiên. – Có ba người nói, vậy phải là có thật.

Tất nhiên, tôi biết họ ám chỉ đến chuyện gì, nhưng tôi chưa phải đã đính hôn, dù là mập mờ. Có những kẻ mách lẻo đã tung tin đính hôn và đó là một trong những lí do làm tôi phải chuyển đến miền Đông này. Ta không thể ngừng giao du với một người bạn lâu năm chỉ vì có những lời đồn đại, mặt khác tôi không muốn bị đẩy đến chỗ lấy người ấy chỉ vì có những lời xào.

Sự quan tâm của họ làm tôi khá xúc động và làm cho họ bớt xa cách trong cảnh giàu sang của họ. Tuy nhiên, khi lái xe ra về, tôi thấy băn khoăn và hơi ngao ngán. Tôi dường như cảm thấy Daisy lẽ ra phải bế con chạy khỏi cái nhà này, nhưng rõ ràng nàng tuyệt nhiên không có ý định đấy. Còn Tom, việc anh ta “có một người tình ở New York” thực sự không làm tôi ngạc nhiên bằng việc anh ta chán nản sau khi đọc một cuốn sách. Có một cái gì đó làm anh ta phải đớp lấy những tư tưởng cũ rích như thể cái tấm thân ích kỉ lực lưỡng của anh không còn nuôi nổi quả tim hống hách bên trong nó nữa.

Mùa hè đã đến từ lâu trên nóc các quán ăn và trước cửa các hiệu sửa chữa xe cạnh đường với những cột bơm xăng sơn đỏ mới toanh đứng sừng sững trong những vũng ánh sáng. Về đến nhà ở West Egg, tôi cất xe rồi ra sân ngồi một lúc trên một chiếc máy xén cỏ hỏng. Gió lặng, để lại một đêm trăng sáng vằng vặc ồn ào những tiếng chim đập cánh trong các vòm cây và tiếng ì ộp không dứt của lũ ếch nhái trong bụng căng đầy hơi thở của trái đất. Bóng một con mèo ăn đêm chập chờn dưới ánh trăng. Khi ngoái đầu nhìn theo con mèo, tôi nhận ra không phải chỉ có một mình tôi ngồi đây – cách tôi năm mươi bước, từ trong bóng đen của toàn lâu đài cạnh nhà tôi nổi lên một bóng người, hai tay thọc trong túi quần, đang đứng nhìn những vì sao lốm đốm như rắc bạc trên bầu trời. Một vẻ gì đó trong dáng điệu ung dung và đôi chân vững chãi đứng trên nền cỏ bảo tôi đó chính là Gatsby: anh ta ra đây xác định xem phần thuộc về mình trong bầu trời địa phương của chúng tôi là bao nhiêu.

Tôi toan gọi anh ta. Baker đã nói đến anh ta trong bữa ăn và đó đủ là một lời

giới thiệu. Nhưng tôi đã không gọi vì Gatsby bỗng có một động tác ngụ ý anh ta muốn được một mình – anh ta giơ tay về phía trước làn nước đen sẫm với một động tác kì quặc và tuy đứng cách xa như vậy, tôi vẫn nhận thấy người anh run run. Bất giác tôi nhìn về phía biển, nhưng không thấy gì ngoài một đốm sáng xanh đơn độc, nhỏ xíu và xa tít, có thể là đầu một bến thuyền. Khi tôi quay lại đưa mắt tìm Gatsby thì anh đã biến mất, và tôi lại ngồi một mình trong bóng tối xôn xao.

Chú thích:

(1) Trường đại học tổng hợp Yale ở bang New Haven (Những chú thích trong sách là của người dịch).

(2) Các nhân vật nổi tiếng giàu có trong huyền thoại (Midas), trong lịch sử (Maecenas) và trong xã hội đương thời ở Mỹ (Morgan).