Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm

CHƯƠNG NĂM

   Giặc giã trong nước đã yên, Hoa Lư trở thành quốc đô thay thế Cổ Loa. Đinh Tiên Hoàng đã chịu triều cống nhà Tống. Thấy nước ta đã ổn định, nhà Tống biết khó làm gì được nữa, cũng tạm thời dẹp bỏ ý định xâm lấn và phong cho Tiên Hoàng làm Giao Chỉ Quận Vương. Dân chúng Đại Cồ Việt lại được hưởng một thời sống trong cảnh thanh bình.

 Thế nhưng với tinh thần ham việc, lo xa, Đinh Tiên Hoàng vẫn không ngồi thụ hưởng cảnh sống thoải mái, thảnh thơi như một số vua chúa thành công khác. Hằng ngày ngài vẫn bận rộn với bao nhiêu công việc tại triều. Dưới mắt ngài, đất nước mới bước đầu đại định, việc nội trị, việc ngoại giao, việc hình pháp, việc kiến thiết... còn ngổn ngang trăm thứ chưa đi vào nề nếp. Tiên Hoàng chú tâm đặc biệt nhất là vấn đề binh bị. Dù đã hòa hảo với nhà Tống nhưng ngài vẫn phải luôn cẩn mật đề phòng. Ngài vẫn duy trì một quân đội rất lớn, đến cả chục vạn người. Ngoài một số thành phần nhỏ phục vụ chuyên môn phải ăn lương lộc nhà nước, đại bộ phận quân đội ấy đều phải tự cấp lấy. Hạng lính tự cấp này bình thường về nhà làm ruộng, khi cần, nhà nước lại gọi ra. Thỉnh thoảng Tiên Hoàng còn đi đây đi đó để xem xét dân tình, hầu đáp ứng phần nào những nguyện vọng của dân. Hình như ngài tìm được sự đam mê thích thú trong công việc, không mấy khi thấy ngài tỏ vẻ gì mệt mỏi chán nản.

 Dù đã thống nhất được thiên hạ, Đinh Tiên Hoàng vẫn chưa yên tâm với những dòng họ thù nghịch cũ. Nhưng với bản chất anh hùng hảo hán, ngài tuyệt đối không dùng tới kế sách "trảm thảo trừ căn" như haâu hết những nhà cai trị khác xưa nay đã làm. Ngài không hề ra tay giết hại một sứ quân hay kẻ thù nào khi kẻ ấy đã chịu đầu hàng. Về sau ngài cưới thêm bà Hoàng thị, mẹ của Ngô Nhật Khánh và bà Kiểu Nương, em của sứ quân Kiểu Công Hãn đều nằm trong sách lược trấn an lòng người...

 Năm Canh Ngọ, Đinh Tiên Hoàng tấn phong một lượt năm vị hoàng hậu: Đan Gia, Trinh Minh, Kiểu Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông.

 Người vợ đầu tiên của ngài, mẹ của hoàng tử Đinh Liễn và công chúa Phất Kim, không may vắn số, không được truy phong. Năm vị hoàng hậu được tôn phong không phân biệt thứ bậc, mỗi vị ở một cung riêng. Các bà này đến với Tiên Hoàng đều không phải do tình yêu tự phát mà do chủ trương ràng buộc lòng người, liệt kê lần lượt như sau: 

 Hoàng hậu Trinh Minh tức Trịnh thị, em ruột của viên tướng Trịnh Tú, là một người tâm phúc, bạn từ thuở hàn vi của Tiên Hoàng. Bà chỉ sinh được một công chúa Minh Châu, sau này được gả cho người em ruột của sứ quân Trần Minh công là Trần Thăng.

 Hoàng hậu Ca Ông là con một vị tộc trưởng rất uy tín trong các bộ tộc người Mường ở Ái châu. Nhờ ảnh hưởng của gia đình Ca Ông, người Mường và nhiều bộ tộc thiểu số khác đã ủng hộ Đinh Tiên Hoàng mạnh mẽ.

 Hoàng hậu Đan Gia chính là bậc quốc sắc thiên hương Dương Vân Nga. Ban đầu Tiên Hoàng có ý định lấy bà chỉ vì muốn lôi kéo sự ủng hộ của Dương Tam Kha và các thuộc hạ trung thành của ông này. Về sau nhờ sắc đẹp nổi bật và lại sớm có con trai, bà trở thành người được Tiên Hoàng yêu thương nhất.

 Hoàng hậu Kiểu Quốc tức Kiểu Nương vốn là em gái của sứ quân Kiểu Công Hãn, cháu nội của Kiểu Công Tiện, người đã giết Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ để cướp quyền nhưng rồi lại phải chết dưới tay vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền. Dòng họ Kiểu Công là một dòng họ có tiếng lâu đời, con cháu đông đúc, có ảnh hưởng rất lớn ở vùng Phong châu. Trong khi sứ quân Kiểu Công Hãn tướng thua quân rã đang trốn tránh đâu đó, Đinh Bộ Lĩnh tình cờ gặp người em gái của vị sứ quân lỡ vận này cũng đang lưu lạc phong trần. Thấy Kiểu Nương cũng được người, lại có ý chiêu an người trong dòng họ Kiểu Công, Bộ Lĩnh bèn cho rước nàng về làm vợ.

Cuối cùng là hoàng hậu Cồ Quốc, tức Hoàng thị, mẹ của phò mã Ngô Nhật Khánh. Đinh Tiên Hoàng thấy Nhật Khánh là người có uy tín nhất trong hoàng tộc họ Ngô nên ngài tìm đủ cách để ràng buộc vị cựu sứ quân này. Ngoài việc gả công chúa Phất Kim cho Nhật Khánh và cưới em gái của Nhật Khánh là Ngô thị cho Đinh Liễn, ngài lại cưới luôn Hoàng thị cho chính mình, bấy giờ bà đang ở lứa tuổi bốn mươi, nâng bà này lên hàng quốc mẫu, hầu tạo thêm một mối dây cột chặt chân Ngô Nhật Khánh.

 Như trên đã nói, thời trẻ tuổi Đinh Bộ Lĩnh vốn là người ham mê chinh chiến, ít lưu tâm đến nữ sắc. Quá thiên về đường lập công danh sự nghiệp, ông vẫn coi chuyện đàn bà chỉ là chuyện phụ. Từ người vợ đầu tiên đến hai ba người vợ kế tiếp, ông chưa hề thật sự ăn ở mặn nồng với bà nào cả. Cứ gặp việc quan trọng là ông quên hết mọi việc trong gia đình. Bởi thế, khi được sứ quân Trần Minh công trao binh quyền ở Bố Hải Khẩu, ông ở riết nơi này gần một năm để lo chỉnh đốn quân ngũ và tổ chức việc cai trị dân theo ý mình. Khổ cho cô dâu mới Dương Vân Nga vì thế mang nặng thành kiến họ Đinh coi rẻ mình quá. Với bản tính kiêu kỳ, nàng đâm ra oán hận gia đình chồng ngày càng sâu nặng. Tuy nhiên, Vân Nga vẫn dằn mình nhịn nhục chỉ vì những lời dặn dò tâm huyết của người cha già đau khổ.

 Với uy lực và chính nghĩa được gây dựng bằng những chiến công rực rỡ trong quá khứ, Tiên Hoàng thừa khả năng để điều hành một đất nước sau cơn loạn lạc. Thế nhưng trong việc thu xếp cho mình một cuộc sống êm ấm ở chốn hậu cung, Tiên Hoàng lại gặp khá nhiều khó khăn.

 Từ ngày lập năm cung hoàng hậu, tuy nói không phân biệt lớn nhỏ, trước sau, nhưng thực tế Tiên Hoàng vẫn chiếu cố đến cung Đan Gia hơn các cung khác. Lý do dễ hiểu là ở cung Đan Gia đã có thêm hoàng tử Hạng Lang, được coi như một viên trân châu của nhà vua. Với bốn vị hoàng hậu khác, vào những ngày vô sự, ngài lần lượt đến sống với từng bà theo một lịch trình nhất định.

 Vốn tính siêng năng hiếu động, Tiên Hoàng ít khi chịu ở không lâu ngày, hết dự khán cuộc duyệt binh ở châu này lại thị sát dân tình ở vùng nọ... Do vậy, chương trình đi vòng nội cung của ngài không sao tránh khỏi gián đoạn. Những sự gián đoạn này đã làm các bà nghi ngờ ngài thiếu công bằng. Vả lại, nhà vua còn mang khuyết điểm thiếu mặn nồng ở chốn chăn gối, làm cho mối nghi ngờ đó càng dễ gia tăng.

 Thấy Dương hậu sinh được con trai, các bà hoàng không ai muốn thua sút. Người xin đi đền này để cầu tự, người đòi đi chùa nọ để dâng hương, kẻ muốn tới miễu kia bói quẻ... Những đòi hỏi đó đã làm nhà vua bối rối. Rốt cục, nhà vua đành thuận cho phép các bà ai muốn đi đâu trong vòng một ngày khỏi xin phép. Chỉ cần mỗi khi đi phải dùng lính ngự lâm hộ tống để biểu hiệu thể thống quốc gia. Việc này dần dần thành lệ và đã đẻ ra nhiều tệ trạng về sau. Mặc cho các bà bao lần khổ công cầu khấn, lễ bái đủ chốn, không bà nào đạt được ý nguyện. Thất vọng, các bà chỉ còn biết tiếp tục ngầm tranh nhau, hễ có dịp là nói xấu nhau với nhà vua. Dương hậu là người đẹp nhất, trẻ nhất, lại có con trai, đương nhiên trở thành mục tiêu chính cho sự ganh ghét. Những lời nói hành nói tỏi, những âm thanh khi rầm rì, khi nheo nhéo nhiều phen đã làm cho nhà vua nhức đầu khó xử. Đến nỗi nhà vua dần trở nên ngán ngẩm, sợ hãi cái chốn hậu cung...

 Chuyện đời trớ trêu thay! Vị anh hùng một thời bách chiến bách thắng trên trận địa lại phải lép vế trước mấy khách quần thoa. Muốn tránh bớt sự lui tới với các bà, Tiên Hoàng chỉ còn cách mở những cuộc đi tuần thú xa hơn hoặc uống rượu với triều thần nhiều hơn.

 Lúc này nhà vua không còn hứng thú lo việc ở triều nữa. Nhiều hôm, mặc dù không có vấn đề gì trọng đại, quần thần vẫn thấy nhà vua lâm triều với vẻ mệt mỏi chán chường. Ngày kia, đợi khi bãi triều xong, một số đại thần xúm lại hỏi ngài:

 - Không hiểu vì lẽ gì mà thời gian gần đây mặt rồng không mấy khi được vui tươi?

 Vua Tiên Hoàng thở dài khôi hài:

 - Không có gì, chỉ do những chuyện vớ vẩn ở hậu cung thôi. Trẫm từng chỉ huy cả chục vạn quân vẫn thấy dễ dàng, không ngờ bây giờ chỉ có năm người đàn bà trẫm lại không sao điều khiển nổi!

 Các quan nghe nhà vua nói vừa tức cười vừa thương hại, không biết dùng lời gì để an ủi ngài cho phải lẽ.

 Tình trạng ấy cứ kéo dài nhiều ngày. Có lần nhân lúc Tiên Hoàng thơ thẩn một mình trong sân triều, quan Đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ tiến đến gần vua tâu nhỏ:

 - Bệ hạ không nên để những chuyện vặt vảnh ấy làm thương tổn mình rồng. Bệ hạ phải nhớ mình là một ông vua có đủ mọi quyền hành trong tay. Vua thích ai thì vua có quyền đến với người ấy. Ai làm điều không đúng nhà vua có quyền trừng phạt, khiển trách. Bệ hạ không bỏ lơ hay xử ép một ai là tốt rồi.

 Vua Tiên Hoàng gật gù:

 - Khanh nói phải, lâu nay ta chỉ áp dụng quyền hành với ba quân mà không áp dụng với các hậu phi của mình.

°

 Có được hoàng tử Hạng Lang, Dương hậu rất biết khai thác ưu thế của mình. Hạng Lang là một đứa bé rất kháu khỉnh, sáng sủa, Tiên Hoàng cưng quí lắm. Ngay từ lúc Hạng Lang bắt đầu có chút hiểu biết, bà đã ráo riết tập cho con có những cử chỉ vòi vĩnh, quyến luyến đối với vua cha. Lúc bấy giờ nhà vua mới lên ngôi, công việc còn rối rắm nhưng ngài vẫn cố gắng dành nhiều thì giờ để đến với con. Dương hậu cứ giở trò nay con biếng chơi, mai con ấm đầu, lôi kéo nhà vua thêm vương vấn với Hạng Lang. Có lẽ còn do căn mạng hợp nhau, Hạng Lang càng lớn càng quấn quít với Tiên Hoàng...

 Mặt khác, Dương hậu còn tìm cách nới rộng ảnh hưởng của mình đến các tướng lãnh trong triều. Hai người nữ tì thân tín của bà là Tuyết Linh và Cẩm Hồng đã lần lượt trở thành vợ hai tướng lãnh rất có quyền thế về sau.

 Một hôm, khi nhà vua ngự tới thăm Dương hậu, gặp lúc nữ tì Tuyết Linh đang bồng Hạng Lang để đùa nghịch, vua hỏi:

 - Khanh có muốn có một đứa con để bồng như thế không?

 Tuyết Linh không hiểu nhà vua muốn hỏi đùa mình hay hỏi thành thật, nàng cũng trả lời hàng hai:

 - Tâu bệ hạ, nếu tiện thiếp được diễm phúc ấy thì còn gì hơn!

 Dương hậu lúc ấy đứng gần đó, cũng chưa hiểu ý nghĩa trong lời của vua, bà nói đưa đẩy:

 - Tuyết Linh đã hầu hạ thiếp xưa nay, lúc nào cũng tỏ ra trung thành tận tụy. Thiếp vẫn thương Tuyết Linh như em mình. Xin bệ hạ vì thiếp, lựa một nơi xứng đáng để gả chồng cho nó có chỗ nương dựa về sau thì thiếp đội ơn lắm.

 Tiên Hoàng hỏi:

 - Thế ái khanh thích chọn hạng người nào cho Tuyết Linh?

 Dương hậu thưa:

 - Có thể gả cho một viên quan võ nào đó được không bệ hạ? Thiếp nghe viên tướng Phạm Cự Lượng hiện chưa có vợ, nếu bệ hạ bằng lòng xin làm mối cho người đó thì may cho Tuyết Linh lắm.

 Tiên Hoàng ngắm Tuyết Linh một lát rồi nói:

 - Cũng được! Cự Lượng là một viên tướng giỏi, Tuyết Linh cũng có sắc đẹp hơn người, lấy nhau xứng đôi lắm!

 Dương hậu nghe vua nói thế thì nói lớn:

 - Sao Tuyết Linh còn chưa chịu ra lạy tạ ơn hoàng thượng?

 Tuyết Linh quên cả e thẹn, để Hạng Lang xuống rồi quì xuống trước mặt Tiên Hoàng lạy lia lịa:

 - Tạ ơn bệ hạ, tạ ơn bệ hạ...

 Thế là Tiên Hoàng chỉ thị cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đứng ra làm chủ hôn tác hợp Phạm Cự Lượng với Tuyết Linh. Đôi vợ chồng này đã ăn ở gắn bó bên nhau suốt đời. Cũng do cuộc tác hợp hôn nhân này mà hai gia đình Lê Hoàn và Phạm Cự Lượng càng thân thiết nhau hơn.

 Không lâu sau đó, Dương hậu lại xin gả nữ tì Cẩm Hồng cho viên tướng Tô Mẫn. Tiên Hoàng cũng bằng lòng và cũng sai Lê Hoàn làm chủ hôn.

 Việc triều chính mỗi ngày mỗi ổn định nên Tiên Hoàng cũng ngày càng được thong thả hơn. Từ khi nới lỏng các bà hoàng hậu, lại nghe lời khuyên của sĩ sư Lưu Cơ, Tiên Hoàng đã lấy lại quyền tự chủ. Hàng ngày, với lý do muốn gần đứa con nhỏ, ngài càng lui tới cung Đan Gia không cần biết giờ giấc. Đối với các cung hoàng hậu khác, ngài chỉ còn thỉnh thoảng ghé qua lấy lệ.

 Dần dần, gần như Tiên Hoàng chỉ còn biết cung Đan Gia. Ngày nào bận không đến cung Đan Gia được là ngài tỏ ra bứt rứt không yên. Hoàng tử Hạng Lang càng khôn lớn càng đeo riết lấy cha mình. Nhiều lúc cần việc, Tiên Hoàng cũng không đành rời hoàng tử mà đi được.

 Năm Quí Dậu, Dương hậu lại sinh ra một hoàng tử nữa. Tiên Hoàng đặt tên cho hoàng tử là Toàn. Đinh Toàn cũng là một hoàng tử đẹp đẽ thông minh không kém gì Hạng Lang. Hai đứa con đã thành hai cái vòng buộc chặt vị anh hùng Vạn Thắng vương với cung Đan Gia.

 °

 Tiên Hoàng đã từng nổi tiếng là người đàn ông sắt đá, nhan sắc đàn bà không thể lung lạc ngài được. Thấy ngài hay đến cung Đan Gia, nhiều người vẫn nghĩ chỉ vì ngài thương cưng hai đứa con chứ ít ai nghĩ đến chuyện ngài đắm mê Dương hậu. Tiên Hoàng thuở nhỏ mồ côi cha sớm. Vì nôn có cháu nỗi dõi, bà Đàm thị mẹ ngài đã cưới cho ngài người vợ họ Mai lớn tuổi hơn ngài khi ngài chưa thật sự trưởng thành. Có lẽ sự việc ép uổng này đã củng cố trong ngài cái thành kiến cuộc sống vợ chồng chỉ là bổn phận, không phải là tình yêu đôi lứa, một thành kiến rất phổ biến trong dân gian thời bấy giờ. Tiếp đó ngài lại bận vật lộn với bao nhiêu gian khổ, rồi quá đam mê với những mưu mô giữa chốn trận mạc, với những chiến thắng quân sự vang dội, được quân dân nhiệt liệt sùng kính, các thứ đam mê khác trong ngài chỉ còn là những bóng mờ. Vì vậy, khi đến với bất cứ người đàn bà nào, dù đẹp dù xấu, ngài vẫn có thái độ dửng dưng. Giờ đây, những đam mê trận mạc, những chiến thắng hiển hách đã lùi xa theo thời gian, và nhất là những ngày gian khổ không còn nữa, tự nhiên một thứ đam mê khác trong ngài có cơ hội trỗi dậy. Đó là thứ tình yêu nam nữ trong trái tim ngài đã bị đè nén, nhốt kín suốt mấy chục năm trường.

 Dương hậu đã không bỏ lỡ cơ hội khi trái tim của vị anh hùng Vạn Thắng vương chuyển mình. Với ưu thế có sẵn, Dương hậu đã dễ dàng độc chiếm được trái tim đó. Sự độc chiếm này càng được củng cố vững chắc khi hai hoàng tử Đinh Hạng Lang và Đinh Toàn ngày càng tỏ ra thông minh đĩnh ngộ khác thường. Càng ngày Tiên Hoàng càng mê mẩn trước sắc đẹp của Dương hậu. Một lần kia, trong một cuộc ân ái, ngài nói với Dương hậu:

 - Chính ái khanh là nàng tiên ban ân phước cho trẫm. Chỉ có ái khanh mới cho trẫm được hai hoàng tử ngọc ngà, chính ái khanh cho trẫm hưởng được những giây phút ân ái mặn nồng nhất. Nếu không có ái khanh, có thể trẫm không biết hạnh phúc là gì. Giờ đây ái khanh muốn điều gì cứ cho trẫm biết. Đối với ái khanh, trẫm không còn tiếc một thứ gì cả.

 Dương hậu nghe thế, bèn thỏ thẻ:

 - Đội ơn bệ hạ đã đoái nghĩ đến thần thiếp. Bệ hạ đã cho phép như thế thì thần thiếp cũng xin bày tỏ một nguyện vọng nữa, nếu bệ hạ thấy hợp lý thì ra may cho thần thiếp lắm, nếu thần thiếp nói có sai, xin bệ hạ bỏ qua cho...

 Gặp lúc tình yêu thương trong lòng vua đang dâng dạt dào, ngài nói:

 - Quân bất hí ngôn! Ái khanh có nguyện vọng gì dù khó khăn mấy trẫm cũng sẽ đáp ứng thỏa mãn cho ái khanh!

 Dương hậu nói gần như không cần suy nghĩ:

 - Muôn tâu, thần thiếp trộm nghĩ, bệ hạ được hai hoàng tử ngọc ngà, tuy là hồng phước trời ban cho bệ hạ, nhưng cũng có một phần khí lực của họ Dương thiếp đóng góp mới kết tinh được hoàn hảo như vậy. Nếu bệ hạ không cho là thiếp nói sai, xin bệ hạ cho xuất một ít công quỹ để thiếp về Đông Lỗ tổ chức lễ mừng thọ cha mẹ và trùng tu một số lăng mộ tổ tiên để đáp ơn thì vinh hiển cho dòng họ thiếp biết chừng nào!

 Tiên Hoàng trong lúc quá say đắm Dương hậu mà hứa hẹn vậy, không ngờ Dương hậu đã có chủ ý, chộp lấy thời cơ mà đề nghị như thế. Vừa mới phát lời quân bất hí ngôn làm sao cải sửa, Tiên Hoàng vui vẻ nói:

 - Ái khanh nói vậy đâu có gì sai! Song thân của ái khanh cũng là ngoại tổ của hai hoàng tử, tổ tiên của ái khanh cũng là tổ tiên của hai hoàng tử. Việc làm này có ý nghĩa lắm chứ. Trẫm sẽ chỉ thị cho triều đình xuất tiền để thực hiện việc ấy.

 Dương hậu quì xuống lạy vái lia lịa:

 - Tạ ơn thánh thượng rộng ban ân phúc!

 Hôm sau, Tiên Hoàng đem việc này bàn với triều đình. Thực trạng lúc bấy giờ tiền của, kho đụn nhà nước không được dồi dào lắm. Đất nước mới thống nhất sau một thời gian chiến tranh, triều đình phải lo kiến thiết quá nhiều. Nhất là kinh đô Hoa Lư hoàn toàn mới xây dựng đã nuốt một số kinh phí khổng lồ. Ngoài ra, triều đình còn phải dự trữ lương thực cho một quân đội đông đảo để phòng hờ khi nhà Tống sinh sự. Vì thế, bất cứ đưa ra một khoản chi tiêu nào triều đình cũng phải bàn tính rất kỹ. Nhưng việc chi tiêu lần này lại có tính cách nội bộ gia đình của hoàng đế nên phần đông các quan ngại mất lòng không muốn bàn vào. Chỉ có Định Quốc công Nguyễn Bặc vốn tính ngay thẳng, nóng nảy, ông quay sang nói nhỏ với Ngoại giáp Đinh Điền:

 - Bình vương làm vua một thời vơ vét của thiên hạ biết bao nhiêu vàng bạc để đâu? Giờ sao còn xúi con dùng tiền triều đình để tu sửa mồ mả tổ tiên?

 Thế rồi Nguyễn Bặc bước ra tâu:

 - Tâu bệ hạ, hiện tại lương phạn, ngân sách triều đình không dư dả mấy, những việc đó xét chưa gấp gáp cho lắm, xin hoãn một thời gian đợi thu thuế mùa tới xong xuôi rồi tính mới khỏi gặp trở ngại.

 Tiên Hoàng có vẻ không hài lòng, ngài nói:

 - Đây là một việc làm có tính cách báo hiếu, các khanh nên nghĩ đến thể diện của trẫm, chớ nên hẹn lần hẹn lữa làm trẫm phải mang tiếng không tốt. Trẫm muốn các khanh phải thu xếp thi hành việc này sớm cho trẫm.

 Nghe nhà vua đã quyết như thế, các quan không ai dám ngăn cản nữa. Thế là việc báo hiếu của Dương hậu được tiến hành. Tiên Hoàng hỏi Dương hậu:

 - Trẫm phải cử một võ tướng để bảo vệ và một văn quan để lo các việc giúp ái khanh, nên chọn người nào?

 Dương hậu thưa:

 - Thiếp có thể đưa hai hoàng tử về thăm ngoại tổ luôn được không?

 Tiên Hoàng cười:

 - Không thể có được chuyện đó trừ phi chính trẫm cũng ngự giá về Đông Lỗ!

 - Vậy thì theo thiếp nghĩ, Phạm Cự Lượng là chồng của Tuyết Linh, Tô Mẫn là chồng của Cẩm Hồng, mà Tuyết Linh và Cẩm Hồng đều là người ở Đông Lỗ, vậy bệ hạ nên cử hai người ấy đi theo để họ có thể đưa vợ về thăm quê luôn thể. Còn viên quan văn thiếp nghĩ không cần thiết lắm, chuyện lễ nghi thân phụ thần thiếp thừa sức lo tính!

 Tiên Hoàng vui vẻ chấp thuận ngay:

 - Cũng được, cho hai người ấy cùng đi thì trẫm yên bụng lắm!

 Thế rồi Tiên Hoàng chỉ thị cho triều đình cung ứng đủ mọi thứ Dương hậu cần rồi định ngày đưa Dương hậu lên đường.

 Sau gần mười năm cách biệt, tiểu thư Dương Vân Nga đã trở về Đông Lỗ với nghi trượng huy hoàng của một vị quốc mẫu. Vợ chồng Chương Dương công và đám gia nhân hết sức vui mừng hãnh diện khi ra đón rước "Lệnh bà". Nhắc tới cái chữ "Lệnh bà" mọi người không khỏi tức cười. Ngày xưa Dương hậu vẫn hay xưng "Lệnh bà" với người trong nhà, không ngờ sự đùa nghịch ấy giờ đã hiển nhiên thành sự thật. Riêng bản thân Chương Dương công càng vui mừng hơn, công coi chuyến về thăm của Vân Nga cũng là một hành động rửa nhục cho mình.

 Lễ mừng thọ cho vợ chồng Chương Dương công đã được tổ chức hết sức long trọng. Khách tham dự xa gần lui tới trang Đông Lỗ nườm nượp mấy ngày liền. Đây là lần đầu tiên sau ngày bị truất ngôi vua, Chương Dương công được rất nhiều quan lại nhiều địa phương đến vái lạy chúc mừng trở lại. Nhiều lần Chương Dương công xúc động đến muốn khóc, không nói được nên lời.

 Tiếp đó, Dương hậu lại cho người trùng tu rất nhiều lăng mộ của họ Dương.

 Một hôm nhân rảnh rỗi, Dương hậu gọi Tuyết Linh và Cẩm Hồng lại nói:

 - Ba chị em mình nên dắt nhau đi Trích Tiên Viên thăm lại cảnh cũ một lần chứ biết còn dịp nào trở lại nữa không?

 Tuyết Linh và Cẩm Hồng nhìn nhau cười đắc ý. Thật tình họ đã mong ước việc này từ khi mới bước trở lại Đông Lỗ nhưng chưa dám nói ra vì mục đích chuyến thăm nhà của Dương hậu là để báo hiếu. Lâm phu nhân nói:

 - Hãy biểu chúng nó lấy xe ngựa đưa đi cho chóng!

 Dương hậu nói:

 - Trước kia chúng con từng đi bộ đến đó biết bao nhiêu lần. Giờ cứ để chúng con tìm lại những cảm giác ngày xưa xem sao. Chúng con muốn tự đi lấy, không muốn làm phiền tới một ai cả!

 Lâm phu nhân có vẻ ngần ngại, nói:

 - Không được con ạ! Ngày xưa con chỉ là một cô bé, còn bây giờ con là một vị quốc mẫu! Con không thể đi đâu mà không có người bảo vệ!

 Dương hậu cãi:

 - Đây là ở trang trại mình chứ phải chỗ nào mà sợ mất an ninh? Vả, Tuyết Linh, Cẩm Hồng chẳng phải là người bảo vệ à?

 Lâm phu nhân vẫn áy náy:

 - Vậy hãy kéo hai vị tướng quân đi thăm Trích Tiên Viên một thể cho vui!

 Dương hậu nháy mắt với hai người hầu cũ:

 - Con muốn tìm lại những kỷ niệm ngày xưa mà dắt hai ông tướng ấy đi thì làm sao tìm được? Hãy để hai ông ấy ngày khác đi cũng được, đâu có muộn!

 Thế rồi Dương hậu tự lấy chìa khóa cổng, Tuyết Linh và Cẩm Hồng thì mang theo một ít bánh trái, nước uống. Đi được nửa đường Tuyết Linh nói:

 - Hoàng hậu có thấy mệt không? Em thấy mệt hơn trước kia nhiều quá!

 Dương hậu trêu:

 - Người ngươi đẫy đà gấp đôi trước thế kia làm sao đi không mệt hơn được? Biểu thằng tướng ấy nó dày vò nhiều nhiều thêm may ra giảm mỡ bớt!

 Tuyết Linh cười hóm hỉnh:

 - Đa tạ hoàng hậu đã dạy cho một kinh nghiệm quí báu!

 Cả ba người cùng cười ngắc nga ngắc nghéo một hồi.

 Thấy ba người đến, những người chăm sóc ở Trích Tiên Viên vội chạy ra đón tiếp. Dương hậu khoát tay nói:

 - Các ngươi cứ vào nhà nghỉ! Chúng ta muốn được tự do viếng vườn tiên!

 Mấy người coi vườn nghe lời Dương hậu tản đi hết. Ba người đàn bà nói cười bước tung tăng đây đó như ba đứa trẻ. Lát sau Tuyết Linh hỏi Dương hậu:

 - Hoàng hậu nhớ chỗ này không?

 - Nhớ chứ! Đây là nơi chúng ta gặp Lê Hoàn lần đầu!

 - Hoàng hậu có cảm thấy bồi hồi xúc động không?

 - Các ngươi thấy thế nào?

 Tuyết Linh cười láu lỉnh:

 - Chúng em như khách qua đường chào nhau rồi đi làm sao có những ấn tượng sâu xa bằng hoàng hậu được?

 - Bỏ qua hết đi! Từ nay nhắc lại chuyện ấy là phải ăn đòn đấy!

 Tuyết Linh càng cười:

 - Hôm nay mình có dịp trở lại Trích Tiên Viên, em chợt nhớ tới bài thơ Tái Đáo Thiên Thai mà Chương Dương công vẫn thích, hoàng hậu muốn nghe em ngâm chơi không?

 - Ừ, cứ ngâm ta nghe lại thử!

 Tuyết Linh cười rồi cất giọng thanh tao ngâm:

 "Tái đáo Thiên Thai phỏng Ngọc Chân,

 Thương đài bạch thạch dĩ thành trần,

 Sinh ca tịch mịch nhàn thâm động,

 Vân hạc tiêu điều tuyệt cựu lân!

 Thảo thụ tổng phi tiền độ sắc,

 Yên hà bất tợ vãn niên xuân

 Đào hoa lưu thủy y nhiên tại

 Bất kiến đương thời "ẩm" tửu nhân!"

 Giọng ngâm véo von nhưng mang âm sắc buồn, nhất là ở đoạn sau của bài thơ. Dương hậu nghe xong lặng đi một hồi rồi mắng:

 - Cái con ranh, ngươi tưởng ta không biết bài thơ ấy sao dám đổi "Bất kiến đương thời khuyến tửu nhân" thành "bất kiến đương thời ẩm tửu nhân"?

 Tuyết Linh lại cười:

 - Phải đổi vậy mới hợp cảnh bây giờ chứ! Lưu, Nguyễn thì không còn thấy người ngày xưa rót rượu mời mình uống còn mình thì không có người ngày xưa từng uống rượu mình mời!

 Dương hậu thở dài:

 - Cái nàng tiên Ngọc Chân cũng khá vô tình nhỉ! Ta thì không sao quên được cái ngày ấy! "Sinh ca tịch mịch nhàn thâm động, Vân hạc tiêu điều tuyệt cựu lân!", buồn thật. Nhưng chàng là một kẻ chết nhát đâu còn dám nghĩ đến ta!

 Tuyết Linh trở lại nụ cười láu lỉnh:

 - Sao hoàng hậu biết "chàng" không dám nghĩ tới hoàng hậu? Hay "chàng" biết hoàng thượng dày vò hoàng hậu dữ lắm rồi?

 Dương hậu không nhịn cười được:

 - Cái con ranh nết cũ không chừa! Ăn đòn đấy!

 Tuyết Linh cười nịnh:

 - Em ranh vì hoàng hậu đấy chứ! Nếu quả thật hoàng hậu không quên "chàng", em sẽ tìm cách giúp "chàng" phải nhớ tới hoàng hậu! Hoàng hậu bằng lòng không?

 Dương hậu trở lại trạng thái ngùi ngùi:

 - Chúng ta hãy xuống suối Ngọc Chân xem lại cảnh "đào hoa lưu thủy" một lát nhé! Thấm thoát đã xa cách gần mười năm rồi!

°

 Sau khi mọi việc xong xuôi, Chương Dương công nói với Dương hậu:

 - Ta không có con trai, không ngờ được đứa con gái như con lại quí hơn con trai ngàn lần. Nguyện vọng to lớn nhất của ta là diệt họ Ngô, chồng con đã giúp hoàn thành. Quan quyền nhiều địa phương từng coi thường ta nay phải trở lại lạy mừng ta, lăng mộ tổ tiên, bà con thân thuộc được triều đình cấp tiền của để trùng tu, đó là những điều vinh dự hết sức mà ta không hề dám mong ước. Những nhục nhã của cha đã nhờ con mà rửa hết. Cám ơn con, cha thỏa nguyện lắm rồi!

 Nói đến đây Chương Dương công khóc nức nở. Lâm phu nhân bảo thị nữ dìu ông vào phòng để nghỉ.

 Không ngờ đó là lần nói chuyện cuối cùng của Chương Dương công. Sáng hôm sau, khi mặt trời đã lên cao cả cây sào, người ta mới biết được công đã tạ thế. Người chết nằm ngửa, vẻ mặt thảnh thơi, hơi cười như người ngủ đang gặp một giấc mơ đẹp.

 Thế là Dương hậu lại đứng ra lo liệu tang lễ.

 Chương Dương công đã qua đời một cách thanh thản, nhẹ nhàng. Ai nấy đều cho đó là cái phước đức mà Dương hậu mang về cho công. Mọi người trong trang trại đều nói với Dương hậu:

 - Suốt mấy năm sau này, gần như lúc nào Dương công ủ rũ phiền muội, không ngờ lúc lâm chung ngài lại có được một vẻ mặt tươi vui như thế.

 Chuyến báo hiếu của Dương hậu kết thúc tốt đẹp nhưng cũng đã làm ngân sách nhà nước hao tốn một phí khoản khá lớn.


Chú thích: Năm Quí Dậu: 973