Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm

CHƯƠNG BỐN

 

Từ khi Dương Bình vương cướp ngôi nhà Ngô, nhiều thổ hào địa phương bất mãn, không chịu phục tùng trung ương nữa. Họ tranh nhau gây dựng những thế lực riêng ở nhiều nơi. Không kể những đám giặc nhỏ, trước sau cả chục người đã gây dựng được thế lực lớn, đều tự xưng mình là sứ quân. Quyền uy của triều đình càng ngày càng trở nên giảm sút.

 Về sau, tuy Nam Tấn vương Ngô Xương Văn lật đổ được Bình vương để giành lại ngôi báu của cha anh mình, ngài cũng không đủ sức để kiềm hãm những giấc mộng lớn của những kẻ đã ly khai nữa. Dù vậy, trong thời gian Nam Tấn vương còn tại vị, các thế lực hùng cứ còn kiêng dè, chưa dám quyết liệt ra tay thanh toán nhau.

 Năm Ất Sửu, Nam Tấn vương đem quân đi dẹp loạn Chu Thái ở hai thôn Đường Nguyên và Thái Bình (Sơn Tây), không may bị trúng tên mà chết. Các tướng tại triều như Lữ Xử Bình, Kiều Hựu thừa dịp tranh nhau quyền lực gây ra bao chuyện rối rắm. Nam Tấn vương không có con, người có đủ tư cách để kế vị ngài là Ngô Xương Xí, con của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập, phải đem quân chiếm đóng Bình Kiều làm chỗ giữ mình như một sứ quân. Lữ Xử Bình cũng như Kiều Hựu đều là những kẻ bất tài nên rốt cục đã đưa Cổ Loa đến chỗ hỗn loạn, vô chủ.

 Trong khi đó ở phương Bắc, Triệu Khuông Dẫn đã đoạt được ngôi nhà Châu lập nên nhà Tống cường thịnh và đang lăm le thôn tính nước Nam Hán. Sau Nam Hán dĩ  nhiên là đến lượt Giao Châu ở sát nách.

 Nếu tình trạng hỗn loạn ấy vẫn kéo dài, chắc hẳn không sớm thì muộn, Giao Châu lại rơi vào ách nô lệ ghê tởm của người Tàu một lần nữa.

 Nhận thức được hiểm họa đó, Đinh Bộ Lĩnh quyết định phải gấp rút tiến hành việc đánh dẹp các lãnh chúa khác để thống nhất quốc gia hầu đủ sức đối đầu với nhà Tống. Tự nhận xét về binh lực, Đinh Bộ Lĩnh thấy mình có nhiều đầu lãnh giỏi, quân Hoa Lư lại thiện chiến, nếu chỉ để tự vệ thì khó kẻ nào có thể xâm phạm đến Hoa Lư. Nhưng nếu bung lực lượng ấy ra ngoài, ông còn ngại nó trở nên mỏng quá. Vì thế, ông phải lo tuyển mộ thêm quân lính. Mặt khác, ông phải tìm cách liên kết với vài thế lực khác. Việc ông cho Lê Hoàn đi Đông Lỗ rước tiểu thư Dương Vân Nga cũng một phần trong kế hoạch này. Bước thứ hai, ông nghĩ  đến phải liên kết với sứ quân Trần Minh công ở Bố Hải Khẩu, một người bạn cũ của thân phụ ông, một sứ quân hùng mạnh mà lâu nay ông vẫn liên lạc giao hảo.

°

 Trần Minh công húy là Lãm, xuất thân là một nhà hào phú. Ông là người có nghĩa khí, hay giúp kẻ khốn cùng thất thế, biết chiêu hiền đãi sĩ  nên được mọi giới dân chúng xa gần mến mộ. Uy tín của ông bao trùm cả vùng Bố Hải Khẩu. Nguyên trước kia, lúc Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, nhiều địa phương ly khai với họ Dương, quan trấn Bố Hải Khẩu là Phùng Lưu cũng lợi dụng thời cơ, đứng lên tạo lập một vùng tự trị. Nhưng chưa được bao lâu thì Phùng Lưu lâm bệnh mà mất. Dân chúng ở Bố Hải Khẩu bèn tôn Trần Lãm lên thay. Trần Lãm nhân đó tự xưng là sứ quân Trần Minh công. Ông có tài lãnh đạo, giỏi tổ chức cai trị, lại chiếm hữu được một vùng đất trù phú, nên chẳng bao lâu lãnh địa Bố Hải Khẩu trở nên cường thịnh bậc nhất trong số các sứ quân. Điều không may cho vị sứ quân này là ông không có con nối dõi. Người em ruột ông là Trần Thăng lúc ấy còn bé, tánh tình lại thiệt thà, trung hậu quá, không thể trở thành người cai trị giỏi được. Càng về già ông càng cảm thấy thất vọng, buồn chán. Khi biết mình không thể làm gì được nữa, ông có ý định rời bỏ quyền hành để nghỉ ngơi. Nhưng ông tìm mãi vẫn chưa có được người xứng đáng để trao cái trọng trách ông đang gánh vác. Ông biết rõ một sự lầm lẫn của mình có thể làm dân chúng lâm vào đau khổ nên chưa thể quyết định dứt khoát. Tới lúc nghe tin nhà Tống bên Tàu sắp thống nhất thiên hạ, ông càng bối rối, lo sợ cho tương lai dân tộc...

 Trần Minh công có hai đời vợ. Người vợ đầu của ông không may mất sớm. Quá thương vợ, ông ở góa suốt mười năm. Về sau, vì không con nối dõi, bị họ hàng thân thuộc thúc giục, ông mới chịu tục huyền. Người vợ kế tên Tử Nhi, là một người đàn bà có cơ trí. Bà đã giúp chồng rất nhiều trong việc trị dân, đưa Bố Hải Khẩu đến chỗ cường thịnh. Rất tiếc, bà không sinh được người con nào. Một hôm, Trần Minh công than thở với vợ:

 - Nhà ta vô phước không người nối dõi. Bố Hải Khẩu ta hiện nay tuy cường thịnh nhưng xem trong số thuộc cấp hiện tại không có ai đáng mặt thay ta để trị dân, ta thật lấy làm lo lắng lắm. Ta e về sau dân chúng khó thoát nạn binh lửa!

 Phu nhân Tử Nhi nói:

 - Đó cũng là nỗi lo của thiếp đấy. Khi phu quân trăm tuổi rồi Bố Hải Khẩu làm sao khỏi bị các sứ quân khác dòm ngó? Theo thiếp biết, trong số các lãnh chúa đang xưng hùng, Đinh Bộ Lĩnh là tay kiệt hiệt nhất. Bộ Lĩnh với tướng công cũng từng có qua lại, hay là ta liên kết với Bộ Lĩnh để làm ngoại viện khi khẩn cấp?

 Trần Minh công cười:

 - Lòng người không đáy, làm như vậy có khác chi mượn cọp canh chừng nhà? Nhưng cũng được, ta xem hắn quả là người có chí lớn, có tài lược, đủ khả năng thay thế họ Ngô. Giúp hắn một tay cho chóng thành đại cuộc hầu dễ bề chống lại phương Bắc còn hơn chờ Bố Hải Khẩu lọt vào một kẻ khác không xứng đáng, tạo thêm cảnh loạn lạc khổ dân. Việc này phải bàn với Đinh Bộ Lĩnh mới được!

 Thế rồi sứ quân viết thư sai người đưa đi.

 Lê Hoàn vừa lên đường đi Đông Lỗ thì Đinh Bộ Lĩnh cũng nhận được thư của sứ quân họ Trần. Như được gãi đúng chỗ ngứa, Đinh Bộ Lĩnh mừng rỡ vô cùng. Ông liền cho gọi Đinh Điền, Đinh Liễn và các tướng đến họp khẩn. Khi mọi người đã đủ mặt, Đinh Bộ Lĩnh nói:

 - Ta vừa nhận được thư của sứ quân Trần Minh công mời hội kiến để bàn định việc thiên hạ. Thời cơ đã đến, ta không thể chần chờ. Vậy, các ông ở nhà phải gắng giúp Đinh Liễn bảo vệ Hoa Lư và nhớ đừng lơ là việc huấn luyện quân sĩ. Riêng Nguyễn Bặc phải chuẩn bị để đi cùng ta cho có bạn. Chừng mươi ngày nửa tháng việc xong chúng ta sẽ về.

 Đinh Điền hỏi:

 - Việc giúp Đinh Liễn bảo vệ Hoa Lư và huấn luyện quân sĩ đã có chúng tôi đây, huynh cứ yên chí đi lo công việc. Nhưng còn việc đón dâu họ Dương về, nếu huynh trưởng chưa về kịp chúng tôi phải làm sao?

 Bộ Lĩnh nói:

 - Ta tin chắc sẽ về kịp, hoặc nếu có trễ cũng một hai hôm là cùng. Ta đã dặn viên quản gia Đỗ Lợi lo việc này, khỏi phiền đến anh em.

 Hôm sau thì Đinh Bộ Lĩnh và Nguyễn Bặc lên đường.

°

 Nghe Đinh Bộ Lĩnh đến, sứ quân Trần Minh công mừng lắm, cho người đón tiếp rất nồng hậu. Khi vào yết kiến Trần Minh công, Đinh Bộ Lĩnh thưa:

 - Nhận được thư của sứ quân, tiểu điệt liền vội vã đến đây, không rõ sứ quân định dạy bảo điều gì?

 Trần Minh công hỏi lại:

 - Cháu có thể cho ta nghe nhận định về tình hình đất nước hiện tại được không?

 - Thưa, nước ta sở dĩ được tự chủ mấy chục năm nay là nhờ gặp cơ hội nước Tàu bị chia năm xẻ bảy. Nay nước Tàu sắp thống nhất mà nước ta lại xảy ra tình trạng loạn sứ quân, đó là điều cháu lo lắng hết sức.

 Trần Minh công nói:

 - Cháu nói đúng. Tình trạng loạn sứ quân phải được dập tắt kịp trước khi nước Tàu thống nhất nước ta mới hi vọng thoát khỏi nanh vuốt của chúng. Ta nay già cả rồi, có muốn làm gì cũng không được nữa. Nhìn lại các sứ quân đang xưng hùng cũng chẳng thấy anh nào ra hồn. Vì vậy, ta rất hi vọng vào cháu. Nếu cháu quyết định dẹp các sứ quân, ta sẵn sàng đem sức tàn giúp cháu một tay!

 Đinh Bộ Lĩnh lộ vẻ cảm động:

 - Sứ quân vì nghĩa lớn mà ủng hộ tiểu điệt làm công việc trọng đại này thì may cho quốc dân lắm! Nếu sứ quân không chê, tiểu điệt xin bái sứ quân làm nghĩa phụ, không biết sứ quân có chấp nhận không?

 Trần Minh công mừng rỡ:

 - Vậy thì còn gì bằng! Kể từ nay chúng ta là cha con!

 Đinh Bộ Lĩnh liền quì xuống lạy sứ quân. Sứ quân lật đật đỡ Bộ Lĩnh dậy và nói:

 - Không cần đa lễ, có được một nghĩa tử anh hùng như con ta thật toại nguyện. Ngày mai ta sẽ chính thức trao binh quyền của Bố Hải Khẩu cho con!

 Thế rồi sứ quân truyền gia nhân dọn tiệc ăn mừng.

°

 Đinh Bộ Lĩnh đã chính thức nhận lấy binh quyền từ tay sứ quân Trần Minh công một cách êm đẹp. Toàn thể quân dân ở Bố Hải Khẩu cũng biết sau Trần Minh công, chỉ có Đinh Bộ Lĩnh là người có khả năng che chở họ nên đều vui vẻ thuận theo cả.

 Trong khi Đinh Bộ Lĩnh đang hăng say vạch kế hoạch cải tổ lại quân đội Bố Hải Khẩu thì có người của Đinh Liễn đến xin ra mắt. Đinh Bộ Lĩnh cho vào, người đưa tin bèn dâng một lá thư nội dung như sau:

 "Thưa cha,

 Ở Hoa Lư mọi sự vẫn tiến hành tốt đẹp. Lê Hoàn đã rước Dương tiểu thư về an toàn. Mọi người đang mong cha về để biết kết quả cha đã gặt hái được và  uống rượu chúc mừng cha. Lê Hoàn cũng cho biết cựu vương Tam Kha không còn thế lực nào trong tay cả. Ông ta hiện rất cô đơn, ta không thể trông cậy gì được. Vài lời tóm tắt để cha hay.

Con: Đinh Liễn kính bái."

 Đinh Bộ Lĩnh trao thư cho Nguyễn Bặc:

 - Ta đã làm một việc phí công vô ích!

 Nguyễn Bặc xem qua thư rồi hỏi:

 - Giờ huynh trưởng có định về Hoa Lư chưa?

 Đinh Bộ Lĩnh nói:

 - Ta mới nắm binh quyền Bố Hải Khẩu, lòng người chưa định, giờ bỏ về sao tiện? Mình phải lo củng cố thế lực ở đây cho thật vững chắc trước khi làm việc gì khác.

 - Nhưng còn chuyện Dương tiểu thư, không có huynh trưởng ở nhà thì tính thế nào?

 - Đại sự trước đã, chuyện hầu mọn đâu đáng kể gì! Ta rất cần điều động các tướng sang đây giúp ta một tay. Phải cải tổ, huấn luyện gấp đạo quân ở đây cho thành thục tinh nhuệ như quân ở Hoa Lư mới được. Ta định ủy thác cho Lưu Cơ và Trịnh Tú giữ Hoa Lư hiền đệ thấy có được không?

 Nguyễn Bặc hỏi lại:

 - Huynh trưởng định chỉ để Lưu Cơ và Trịnh Tú giữ Hoa Lư còn gọi hết các tướng sang đây à? Lưu Cơ và Trịnh Tú đều là những người thân thiết, tin cẩn xưa nay, giao cho họ việc đó đâu có gì đáng ngại. Đệ chỉ ngại chuyện Dương tiểu thư thôi. Huynh trưởng không sợ mất lòng Chương Dương công à?

 - Cái lão ấy vô dụng rồi. Mất lòng hay không mất chẳng kể làm gì.

 Chừng mười hôm sau thì Đinh Điền, Đinh Liễn, Lê Hoàn... đều có mặt ở Bố Hải Khẩu. Trong dịp này Đinh Liễn và các tướng đều thuật lại tỉ mỉ với Bộ Lĩnh về cuộc lễ ra mắt của đệ tam phu nhân tại Hoa Lư. Mọi người cũng cho ông biết Dương tiểu thư là một giai nhân tuyệt sắc. Bộ Lĩnh nghe xong chỉ mỉm cười, không nói gì. Đinh Điền thấy thế không đành lòng, khuyên:

 - Bây giờ có đông đủ chúng tướng ở đây, đâu phải lo gì nữa! Huynh trưởng nên thu xếp để về gặp đệ tam phu nhân một chuyến cho phải đạo. Như thế không những đệ tam phu nhân được vui lòng mà huynh trưởng cũng khỏi bị thiên hạ dị nghị.

 Đinh Bộ Lĩnh lắc đầu:

 - Dù Hằng Nga giáng trần đợi ta cũng mặc, chưa tổ chức lại được đạo binh này thật hoàn hảo, ta nhất định chưa về Hoa Lư!

 Thế là Đinh Bộ Lĩnh và các tướng hăng hái làm việc bất kể giờ giấc. Tinh thần quân sĩ cũng như dân chúng ở Bố Hải Khẩu hưng phấn lên thấy rõ.

 Từ ngày trao binh quyền cho Đinh Bộ Lĩnh, sức khỏe sứ quân Trần Minh công mỗi ngày một xuống. Một hôm sứ quân gắng gượng thân hành đến xem một cuộc tập trận, khi các tướng đều xúm lại để vấn an, sứ quân thở dài:

 - Quân sĩ được huấn luyện tinh thục như thế này thì chuyện thống nhất thiên hạ đâu còn xa nữa! Tiếc rằng ta không còn đủ sức để đợi chứng kiến cái ngày huy hoàng đó.

 Đinh Bộ Lĩnh thưa:

 - Xin nghĩa phụ cứ an lòng giữ gìn sức khỏe. Con tin rằng một ngày rất gần đây, quốc dân sẽ xông trầm đốt hương rạp mình đón nghĩa phụ vào ngự ở thành Cổ Loa!

 Sứ quân mỉm cười:

 - Không đâu, ta biết mình lắm. Thấy con làm được việc như thế ta thỏa nguyện lắm rồi. Ta tin chắc đất nước mình thoát khỏi đại họa đến từ phương Bắc.

 Sứ quân đã tiên liệu không sai. Chỉ ba tháng sau ông qua đời với sự thương tiếc của toàn thể quân dân Bố Hải Khẩu. Đinh Bộ Lĩnh đã đóng vai trưởng nam trong tang lễ một cách hoàn hảo.

 Đinh Bộ Lĩnh cũng thực hiện được đúng lời mình nói. Gần một năm sau, khi mọi việc ở Bố Hải Khẩu đã được thu xếp chu đáo, ông mới chịu trở về Hoa Lư.

°

 Nghe tin Động chủ trở về, Trịnh phu nhân liền cho mời Ca Ông và Vân Nga lại nhà mình bàn việc đến vấn an chồng. Trịnh phu nhân nói:

 - Trượng phu chúng ta không ngại trăm ngàn khổ nhọc, xa gia đình lo việc nước gần ngót năm nay. Nay người đã thành công trở về, chúng ta là phận vợ con, có bổn phận cùng nhau đến vấn an sức khỏe, chúc phúc cho người mới hợp lẽ!

 Ca Ông vui vẻ nói:

 - Chị nói phải lắm, chúng em xin nghe theo lời chị. Bao giờ chúng ta đi?

 Vân Nga suy nghĩ một lát rồi nói:

 - Ý hai chị nói cũng phải. Tiếc rằng hôm nay em thấy trong mình không được khỏe, em xin phép đến vấn an trượng phu sau vậy!

 Trịnh phu nhân hỏi lại:

 - Như vậy tam muội không cùng đi một lần với chúng tôi à? Vậy tùy ý tam muội!

 Vân Nga nói:

 - Nhờ hai chị cho em kính lời chúc an lành của em đến trượng phu. Khi nào khỏe lại em sẽ tự đến chúc mừng người!

 Trịnh phu nhân nói:

 - Vậy thì em cứ về nhà nghỉ, chúc em chóng khỏe!

 Rồi Trịnh thị quay sang Ca Ông:

 - Chúng ta sửa soạn đi thì vừa!

 Đi được nửa đường, Ca Ông nói:

 - Hình như Vân Nga không được vui cho lắm, phải không chị?

 Trịnh thị cười hài:

 - Ừ, cô ả đang hận ông chồng quá hững hờ với cô ả chứ gì! Chuyện trượng phu ta cũng là chuyện hiếm có trên đời phải không hiền muội? Chị em ta có tiếng mà không có miếng, bây giờ thêm một đồng bạn nữa cũng đỡ buồn!

 Ca Ông cũng cười:

 - Nhưng chị em mình gốc con nhà dân dã, tài sắc cũng chẳng hơn ai, chịu vậy cũng đành. Đằng này cô ả con dòng của giống, lại đẹp như tiên nga, gặp cảnh ấy kể cũng tội nghiệp cho cô ả.

 Trịnh thị lại cười:

 - Em nói vậy chứ biết đâu rồi đây cô ả lại chẳng làm thay đổi được tánh nết đấng trượng phu ta? Tướng cô ả không phải hiền đâu! Khi ấy cô ả ôm chặt lấy trượng phu ta một mình, liệu em có hận cô ả không?

 - Nếu quả như thế thật thì chị nghĩ sao?

 Thế rồi hai người đàn bà cùng nhìn nhau cười xòa.

 Lúc bấy giờ Đinh Động chủ đang tiếp chuyện với một số viên chức của Hoa Lư. Thấy hai vị phu nhân đến, họ liền xin cáo lui. Động chủ bèn mời hai bà vào:

 - Ta định tiếp xong mấy người ấy thì sang thăm quí phu nhân, chưa kịp thì quí bà lại đến thăm ta trước, ta xin lỗi vậy. Sao quí bà không rủ Vân Nga cùng đi?

 Trịnh thị thưa:

 - Bọn thiếp có rủ Vân Nga đi nhưng nàng bảo đang mệt nên chưa đi được!

 - Chắc Vân Nga giận ta chứ gì? Phu nhân thấy Vân Nga thế nào? Cách ăn ở có được không?

 Trịnh thị nói:

 - Thiếp chưa nhận thấy gì khác lạ về cách ăn ở của Vân Nga. Nhưng về sắc đẹp của nàng thì dưới gầm trời sợ không ai sánh kịp! Thiếp với Ca Ông mới nói chuyện với nhau: Có thể sau này chàng sẽ say đắm nàng mà bỏ bê bọn thiếp cũng nên!

 Bộ Lĩnh cười kiêu hãnh:

 - Không bao giờ có chuyện đó được. Với ta, người vợ nào cũng như người vợ nào, quyết không đối xử thiên lệch. Ta đâu phải là hạng đắm sắc say hương mà lo!

 Trịnh thị cười nói với Ca Ông:

 - Em nghe Động chủ nói rồi đấy! Vậy thì chị em mình đâu còn lo ngại gì nữa?

 Rồi Trịnh thị quay lại với Bộ Lĩnh:

 - Nghe Động chủ đã thành công tốt đẹp trong kế hoạch liên kết với Bố Hải Khẩu, chị em thiếp xin thành thực chúc mừng! Động chủ đi lo công việc ở xa mới về, lại phải tiếp chuyện nhiều người, giờ chắc cũng đã mệt lắm. Vậy, chị em thiếp xin cáo lui để phu quân nghỉ ngơi cho chóng lại sức rồi còn gặp tân nhân nữa. Chúc phu quân hưởng được những giờ phút thoải mái vui vẻ!

 Hai vị phu nhân Trịnh thị và Ca Ông ra về một lát thì Đinh Động chủ đến thăm đệ tam phu nhân. Đích thân lão Lợi đến báo trước để Vân Nga chuẩn bị tiếp đón. Lúc ấy Vân Nga đang bực tức tìm cách trả đũa ông chồng kỳ quái, nghe lão Lợi báo tin, nàng cười gằn:

 - Đinh Động chủ cũng chịu khó đến thăm ta à?

 Lão Lợi ngọt ngào:

 - Động chủ công việc chồng chất ngập đầu, vừa lo công việc về chưa kịp nghỉ ngơi đã lập tức tìm đến thăm phu nhân trước ai hết là Động chủ quí trọng phu nhân lắm đó, phu nhân cũng nên hỉ xả cho người vui!

 - Ta hỉ xả chứ sao không! Nếu chẳng hỉ xả ta đã về Đông Lỗ từ lâu rồi. Nhưng chẳng lẽ chủ ngươi đối xử với ta tồi tệ như thế ta cứ phải làm thinh mà chịu mãi? Cho ta nói vài lời để hả hơi một tí chứ!

 Thấy tình trạng không đến nỗi căng thẳng, lão Lợi cười xuề xòa:

 - Cám ơn phu nhân, xin chúc phu nhân vui vẻ nhiều khi gặp Động chủ! Giờ lão xin phép trở về lo công việc!

 Lão Lợi vừa ra khỏi nhà thì Vân Nga vội vàng lo việc trang điểm.

 Đối diện người đàn ông trung niên dáng người vâm váp với màu da ngăm ngăm, vẻ mặt rắn rỏi, cặp mắt ngời sáng, những bất mãn trong lòng Vân Nga đã vơi đi nhiều. Bộ Lĩnh thấy Vân Nga quá diễm lệ cũng đâm ra sững sờ, ông lên tiếng trước:

 - Để phu nhân phải đợi chờ phiền muội bấy lâu thật là chuyện bất đắc dĩ. Vì việc quân quá bề bộn, ta đành phải mang lỗi với phu nhân. Hôm nay ta đến đây là để vợ chồng gặp nhau thỏa tình mong ước, thành thật xin phu nhân đại xá cho ta lỗi trước!

 Vân Nga cười đon đả nói:

 - Phận thiếp như cánh hoa chùm gửi, được nương gốc tùng bách là may lắm rồi, đâu dám trách gì đấng trượng phu! Chẳng qua là những lúc trống vắng một mình buồn tủi quá nẩy sinh vài lời than thân, xin chàng đừng bận tâm!

 Bộ Lĩnh thấy thái độ Vân Nga như thế thì hài lòng lắm. Lúc này Vân Nga tỏ ra hết sức duyên dáng, ăn nói nhỏ nhẹ như rót mật vào tai người nghe. Trong chốc lát hai người đã trở nên thân thiện như từng gặp nhau tự thuở nào. Đêm ấy, trong lúc ân ái mặn nồng, Bộ Lĩnh nói với Vân Nga:

 - Nàng quả là tiên nga giáng thế! Nàng là người đàn bà thật sự đem hạnh phúc đến cho ta! Ta rất hối hận vì bao lâu nay đã để nàng phải sống trong buồn giận. Biết lấy gì để đền bù tội lỗi với nàng đây?

 Vân Nga tươi cười:

 - Chàng lo việc xây dựng sự nghiệp tức cũng là lo cho vợ con rồi! Sự nghiệp của chàng nên thì thiếp cũng được hưởng vinh quang lây chứ! Thiếp đâu có oán trách chàng! Tuy nhiên, thiếp có một nguyện vọng, không biết chàng có giúp thiếp được không?

 - Nàng có nguyện vọng gì cứ nói?

 - Họ Ngô là kẻ thù của thân phụ thiếp, họ Ngô còn ngày nào thì thân phụ thiếp còn tủi hận ngày ấy. Thiếp muốn chàng sớm tiêu diệt họ Ngô để trả hận cho thân phụ thiếp, may ra sau này thân phụ thiếp có chết cũng nhắm mắt được. Chàng giúp thiếp thực hiện điều đó được không?

 Bộ Lĩnh cười ha hả:

 - Tưởng việc gì! Ta hứa nhất định sẽ trả thù cho thân phụ nàng!

°

 Đây là lần đầu tiên trong đời, Bộ Lĩnh đã bị lôi cuốn thật sự bởi một người đàn bà. Qua một đêm hạnh phúc tràn trề, khi thức giấc ông vẫn còn lâng lâng trong dạ... Ông  đâm ra lưu luyến người vợ mới này có lúc tưởng như không còn tách rời ra được nữa. Nhưng rồi chí lớn, mộng ước thống nhất đất nước để kịp thời chống lại sự đe dọa của phương Bắc cũng đủ sức mạnh đánh thức được ông. Ông chỉ dành ba tháng để nghỉ ngơi với gia đình. Ông cũng tỉnh táo để nhớ lại lời hứa với Trịnh thị và Ca Ông hôm nào: với ông, người vợ nào ông cũng sẽ đối xử như nhau.

 Với thời gian ở lại với gia đình ba tháng ngắn ngủi đó, Bộ Lĩnh đã chia đều cho ba người vợ một cách miễn cưỡng. Thậm chí ông không kịp nhận biết thái độ của người vợ mới đối với ông như thế nào. Thiên hạ lại nhiều người thầm cười vị Động chủ lòng dạ sắt đá không biết thương hương tiếc ngọc. Có một điều bất ngờ xảy ra là chính trong thời gian gặp gỡ ngắn ngủi đó, đệ tam phu nhân Dương Vân Nga đã có thai.

°

 Sau khi sát nhập hai đạo quân Bố Hải Khẩu và Hoa Lư làm một, thế lực của Đinh Bộ Lĩnh đã tăng lên bội phần. Hình như nguyện vọng thống nhất đất nước chưa đạt được đã làm Đinh Bộ Lĩnh không lúc nào muốn xa rời chiếc yên ngựa. Nghỉ ở nhà chưa ấm chiếu ông đã vội tiến hành cuộc chinh phục các sứ quân. 

 Mục tiêu đầu tiên Đinh Bộ Lĩnh nhắm đến là kinh đô Cổ Loa. Chiếm giữ được nơi này là dứt được đường trông ngóng của các sứ quân khác. Từ khi Nam Tấn vương mất, hai tướng Lữ Xử Bình và Kiều Hựu tranh quyền đánh nhau day dưa mãi vẫn bất phân thắng bại làm cho quân lẫn dân đều khốn đốn. Khi Đinh Liễn nhận lệnh cha dẫn các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Lê Hoàn đem quân ồ ạt tiến vào Cổ Loa, Lữ Xử Bình cũng như Kiều Hựu đều không chống nổi, phải bỏ trốn. Dân chúng ở Cổ Loa qua một thời gian khốn đốn vì cảnh loạn lạc, đã vui mừng, nhiệt liệt đón tiếp quân Hoa Lư.

 Thừa thắng, Đinh Liễn sai Lê Hoàn kéo quân đánh rấn ra các vùng chung quanh. Các sứ quân Lý Khuê ở Siêu Loại (Thuận Thành, Bắc Ninh), Lữ Đường ở Tế Giang (Vân Giang, Bắc Ninh), Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Đông) đều khiếp oai Hoa Lư, phải đầu hàng cả. Đinh Bộ Lĩnh bèn cử Đinh Liễn trấn giữ Cổ Loa với sự phụ tá của tướng Nguyễn Bặc. Kế đó, ông điều động binh tướng tiếp tục đi đánh dẹp các nơi khác.

 Khi quân Hoa Lư tiến vào Đằng Châu (Hưng Yên), sứ quân Phạm Bạch Hổ hoảng sợ cùng với người cháu Phạm Hạp, cũng là một dũng tướng, phải xin hàng. Riêng người em của Phạm Hạp là Phạm Cự Lượng không chịu phục, bèn bỏ trốn. Nhưng Cự Lượng bị Lê Hoàn cho quân đuổi theo bắt lại được. Nghĩ rằng Cự Lượng là người khí khái, bất khuất, Lê Hoàn không nỡ giết. Hoàn chỉ dùng lời lẽ hơn thiệt để khuyên giải. Cuối cùng Cự Lượng cảm kích mà chịu hàng. Thế là Bộ Lĩnh được thêm hai tướng giỏi là anh em Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng.

 Sứ quân Ngô Nhật Khánh giữ Giao Thủy (Đường Lâm, Phúc Thọ, Sơn Tây) bấy giờ cũng có trong tay một lực lượng quân sự đáng kể. Ngô Nhật Khánh tuổi trẻ, khí hăng nên quyết chống lại Hoa Lư. Biết muốn đánh bại Nhật Khánh chắc chắn phải tốn nhiều xương máu, Đinh Bộ Lĩnh bèn cho người đến đề nghị xin em gái Nhật Khánh là Ngô thị về làm vợ Đinh Liễn, đồng thời hứa gả con gái mình là Phất Kim (em Đinh Liễn) cho Nhật Khánh. Nhật Khánh còn dùng dằng chưa quyết thì bà mẹ là Hoàng thị khuyên lơn Nhật Khánh nên nghe theo để tránh cảnh đao binh. Nhật Khánh đành miễn cưỡng nghe lời mẹ. Thế là hai nhà đối địch Đinh, Ngô trở thành sui gia.

 Giải quyết xong vấn đề sứ quân Nhật Khánh, Đinh Bộ Lĩnh lại tiếp tục đưa quân đi đánh dẹp chỗ khác. Bấy giờ quân Hoa Lư cứ đánh đâu là thắng đó. Các tướng lãnh thấy vậy bèn tôn Đinh Bộ Lĩnh là Vạn Thắng vương. Từ đó, ngọn cờ vô địch Vạn Thắng vương tha hồ phấp phới trên vòm trời Giao Châu. Các sứ quân còn lại đều phải lần lượt bị giết, hàng phục hay bỏ trốn cả.

 Trong khi chiến thắng đang dồn dập đến dưới ngọn cờ Vạn Thắng vương, Đinh Bộ Lĩnh lại nhận được một tin vui khác đến từ Hoa Lư: Đệ tam phu nhân Dương Vân Nga đã sinh cho ông một công tử. Đinh Bộ Lĩnh rất mừng nhưng vẫn không về thăm, ông chỉ nhắn lời đặt tên con là Hạng Lang.

 Cái gút mắt cuối cùng làm Vạn Thắng vương mất khá nhiều thời gian là khi chinh phục vùng Đỗ Động Giang (Thanh Oai, Hà Đông) của sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, kéo dài hơn hai tháng. Rốt cục Đỗ Cảnh Thạc cũng phải bỏ quân mà trốn biệt tích.

 Thế là chỉ trong vòng một năm, Đinh Bộ Lĩnh đã quét sạch giặc giã toàn cõi Lĩnh Nam, chấm dứt thời kỳ loạn lạc kéo dài hơn 20 năm từ năm Ất Tỵ tới năm Đinh Mão (945-967).

 Trong công cuộc dẹp loạn mười hai sứ quân, tướng Lê Hoàn là người đã lập nhiều chiến công hiển hách nhất nên Đinh Bộ Lĩnh lại càng yêu mến.

 Năm Mậu Thìn, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, xưng vương hiệu là Đinh Tiên Hoàng, lấy niên hiệu là Thái Bình, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Ngài cho xây cung điện, chế triều nghi, định lại các phẩm hàm văn võ. Quần thần tôn ngài là Đại Thắng Minh hoàng đế.

 Đinh Tiên Hoàng rất trọng những người đạo giáo hiểu biết rộng rãi, có uy tín trong quốc dân. Vì thế, ngài phong cho nhà sư  Ngô Chân Lưu làm Tăng thống, ban hiệu là Khuông Việt đại sư, phong nhà sư Trương Ma Ni làm Tăng lục, đạo sĩ Đặng Huyền Quang làm chức Sùng chân uy nghi, phong cho con truởng Đinh Liễn làm Nam Việt vương, Đinh Điền làm Ngoại giáp, Nguyễn Bặc làm Định Quốc công, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ  sư, Phạm Hạp làm Vệ úy... và đặc biệt phong Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, chỉ huy toàn bộ quân đội.

 Thời bấy giờ thói tục dân gian còn hung hãn nên ngài chế ra các hình pháp rất nghiêm như đặt vạc dầu, nuôi hổ báo, dựng cột đồng nung đỏ để trừng trị những kẻ có tội. Nhờ thế các vụ tội phạm cũng giảm nhiều.

 Năm Canh Ngọ, Đinh Tiên Hoàng tấn phong một loạt năm vị hoàng hậu, đó là Đan Gia, Trinh Minh, Cồ Quốc, Kiểu Quốc và Ca Ông. Năm vị hoàng hậu này quyền vị ngang nhau, không phân biệt lớn nhỏ, trước sau.

 Cũng năm Canh Ngọ này, nhà Tống bên Tàu diệt xong nhà Nam Hán. Đinh Tiên Hoàng sợ nhà Tống sẽ đánh luôn mình bèn sai sứ sang xin thông hiếu.

 Năm Nhâm Tuất, Tiên Hoàng lại sai con là Nam Việt vương Đinh Liễn sang Tống dâng biếu đồ sản vật địa phương. Vua Tống bèn sai sứ sang phong cho Tiên Hoàng làm Giao Chỉ Quận Vương, phong cho Đinh Liễn làm Tĩnh Hải Tiết độ sứ, An Nam đô hộ. Từ đó nước ta cứ theo lệ triều cống nhà Tống, dân ta lại được một thời gian sống trong cảnh thanh bình an lạc.


Chú thích: Năm Ất Sửu: 965, năm Mậu Thìn: 968, năm Canh Ngọ: 970, năm Nhâm Tuất: 972.